Đ
ã có một lịch sử cho mình với một vị thế ngạo nghễ trong tâm hồn con người - Thơ từ ngàn xưa với ngàn sau là âm vang đồng vọng của kiếp người, tiếng hát của những trái tim nhạy cảm và tinh tế.
Sức sống bất diệt ấy chính là nhờ vào sức sáng tạo tuyệt vời của những tâm hồn đẹp, trong suốt như sương mai, nó luôn rạng ngời sắc cầu vồng của cuộc đời, lung linh những vui buồn kiếp nhân sinh.
Thơ đã đi với một chiều dài lịch sử của con người, những thằng trầm, đột giáng hằn lên trên từng con chữ. Từ khi biết khóc mẹ ru cho đến lúc nghe những khúc đồng dao, dân ca, và khúc nhạc chia tay với vần thơ ai oán xuôi tay về cõi vĩnh hằng, cả cuộc đời đằng đẵng những chặng đường đi không bao giờ hết ấy chúng ta đã gắn bó với thơ, và có lẽ mỗi một chúng ta đều tiềm ẩn một khả năng cảm thụ và sáng tạo .
Từ ca dao đến nền thơ trung đại, rồi thơ Mới, thơ của hai cuộc kháng chiến, bao gồm cả chính trị và nghệ thuật. Hành trình thơ Việt Nam hiện đại chưa thể so sánh với các dân tộc khác trên thế giới, những nước có nền thi ca phát triển. Tuy nhiên sự du nhập văn hóa phương Tây, chắt lọc vốn văn hóa dân tộc pha chút hương mùa cũ của Trung Hoa, thơ Mới Việt Nam đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của một nền văn học trì trệ đến đáng thương của những trắc, bằng, niêm, luật, đối mà nhiều khi thảm hại đến mức:
"Bất chợt nảy ba vần vè khắm khú
Cũng vỗ đùi gầm rú gọi là thơ" .
Cuộc cách mạng ấy là quy luật tất yếu cho sự phát triển nội tại của bất kì một vấn đề nào thuộc phạm trù vận hành theo quy luật lịch sử và xã hội. Nhưng bỗng dưng hai cuộc kháng chiến nổ ra, thơ lại đi theo một con đường mới: nghệ thuật và chính trị. Lẽ dĩ nhiên, không thể phủ nhận vai trò to lớn của thơ đối với nghĩa vụ sống còn của một dân tộc. Nhưng trong cái được thì ta cũng đã mất khá nhiều khi định hướng có tính cực đoan và máy móc theo Liên Xô và Trung Quốc.
Người nghệ sĩ với trách nhiệm quá lớn bởi những định hướng và góc nhìn thiếu thực tế nhiều khi đã tô vẽ một cách quá mức, đánh bóng nhân vật nên người đọc cảm thấy sự giả tạo. Nhưng độc giả lúc bấy giờ chưa thể nhìn nhận hết được giá trị một tác phẩm trên bình diện nghệ thuật chân lí. Nhân văn giai phẩm, hay những cái gì đại loại như thế là phản động, là việt gian, lẽ ra thơ nên có những nhánh rẽ như thế thì nền văn thơ cách mạng đã có sự phong phú và chân thực hơn dưới nhiều góc quay của lăng kính nghệ sĩ và tư duy sáng tạo sẽ đập vào điểm giữa của lí tính - tình cảm để thấu suốt hơn một giai đoạn. Không phải cái gì to lớn là vĩ đại và ngược lại không phải manh áo vải sờn không thể là thứ hoàng bào khoác trên những tâm hồn mênh mông. Cái đẹp tồn tại bằng bản chất riêng chứ không thể là thứ tạo ra bằng ba nét vẽ thô sơ của một tay thợ vẽ tập nghề. Nhưng có chăng bức vẽ không có cái giá trị kia lại nghiễm nhiên nằm trong viện trưng bày nghệ thuật lừa dối.
Nam Cao đã nói về quan điểm nghệ thuật của ông, thi hào Gớt cũng đã phát biểu chân lí và gần chúng ta nhất là Tsenu Sép nư sép Xki “Cái đẹp chính là cuộc sống”. Nhưng rồi mọi thứ cũng yên nghỉ đúng vị trí của nó theo quy luật đào thải, âm thanh nịnh hót của một con vẹt cũng không thể sánh với tiếng hót sơn ca nơi róc rách suối chảy bên đồi cỏ hoang. Thơ lại tìm về với cuộc sống thật với những đau thương hằn sâu vào từng sợi thần kinh, chiếm hai phần ba bộ não kí ức với: “Gió thoảng đưa mùi đạn pháo - Những đêm mưa mái dột lạnh xé vèo” và “Những trang thư cũ cùng tôi xuống mồ”. Thơ đối diện với kí ức và độc thoại để trăn trở với từng vần thơ đau buốt, mất mát quá lớn trong một xã hội nặng nề guồng quay bao cấp, nó không còn cái kiểu:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Mà nó là mì hột, là gạo mốc, là vết thương trái gió trở trời, là những hạnh phúc tuổi xuân ra đi không bao giờ trở lại. Chống ngoại xâm không phải không có những vần thơ đẹp nhưng nó qua rồi niềm hào sảng để ri rỉ mạch chảy lén trong âm thầm của cô đơn. Xuân Quỳnh sống với khát khao được yêu, được trọn vòng tay với hạnh phúc đời mình nhưng chị cũng không thể vượt qua cái ngưỡng "Trời hỡi làm sao cho khỏi đói".
Rồi thế cũng qua, thơ trở về với nhiều khúc hát mới nhiều cách sáng tạo mới nhưng nhìn chung vẫn tủn mủn, cuộc sống đã khác, không biết từ đâu nhà thơ mọc lên như nấm sau mưa, từng tập thơ ném vào lòng cuộc sống mà không biết ai sẽ đọc, thật là đau lòng cho thơ, cho mảnh giấy qua bao nhiêu công đoạn làm trắng, một độc giả vô tình mua về hay được biếu tặng bán cho mấy cô thu lượm rác phế liệu. Có một chút mới nhưng vẫn những đề tài ấy, thơ tự đeo gông khi người viết quá dễ dãi. Nhiều nhà thơ hôm nay khi nhận ba đồng nhuận bút, được ba giải thưởng ở các tạp chí tên tuổi thế là mặc sức tung hô, nhảy cẫng lên như được tái sinh.
Thơ còn bệnh hoạn hơn vì nhà thơ chính là một con bệnh tự đắc, đâu biết rằng độc giả hôm nay vốn đã không mấy cảm tình với thơ, nhà thơ lại xa độc giả, thậm chí có anh bảo: “quen thằng cha này ỉa ra thơ nó cũng đăng”. Khốn nạn cho thơ, tội nghiệp cho thơ, đau và khóc cho thơ. Chúng ta đã hành hạ thơ không thương tiếc. Ngậm ngùi nhìn những vần cóc viết cho mình đọc để mà vơi những nỗi buồn. Tôi thấy mình còn chút danh dự.
Nhà thơ hôm nay có kẻ còn cho rằng xoáy sâu vào Sex là một vấn đề cần phải làm, nhưng tôi biết chốn văn thơ “mưa máu gió tanh” nó cũng tranh quyền, đoạt vị, cũng chiếu trên, chiếu dưới , Sex quả thật không xa lạ gì nhưng có nên hay chăng xoáy sâu vào nó? Và thiển nghĩ của tôi đây là một đề tài rất câu khách, một chiêu kiếm ăn của những “nhà thơ chợ giời ăn bẩn” mà không nghĩ tới những giới hạn cần thiết của nghệ thuật. Thật là phi nghệ thuật và không biết khi chuyển tải cái bản năng thô kệch kia chúng ta có nghĩ tới chút nhân văn hay là như những câu hát “hát để mà quên”.
Đề tài là Sex - Sex muôn năm vì bản năng ai chẳng biết nhưng điều quan trọng là viết thế nào. Cách ăn theo này đến cả sàn diễn kịch cũng đua nhau nở như hoa phun thuốc kích thích vậy. Tại sao thế ? Đa phần chúng ta hôm nay khi thoát khỏi rào cản của cái chúng ta gọi là “ôi dào! có gì nói vậy đâu như các cụ đụng tí hét lên như sắp chết đến nơi, như con lợn chọc tiết”, nào Mỹ nào Anh ....đổ xô văn hóa góp vào một cái túi mà không biết đâu là sạn đâu là vàng. Chúng ta thích chiêm ngưỡng cái bản năng của mình dưới cái mà hôm nay gọi “nghệ thuật sex”.
Ở một Tỉnh nọ (xin phép không nói ra) vừa qua mới thành lập câu lạc bộ sáng tác trẻ, cá nhân tôi đã tham gia với đúng nghĩa của nó nhưng than ôi khi bước vào chẳng khác gì tham gia vào tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, người biết viết thì ném ra lề để cho “bậc đàn anh trong văn giới” đưa bồ bịch chim nhau. Rồi một cái lề thói kìm hãm “cơ cấu” như một miếng giẻ xóa tan hàng chữ (thuộc về con chữ danh nghĩa - cái để gọi danh) kia trên bảng.
Hình thức và chủ nghĩa hình thức tồn tại trong những thú vui hết sức đáng lên án, nhà thơ là người làm đẹp cho đời, cho tâm hồn mình nhưng ngược lại họ là những người có nhân cách hết sức bẩn thỉu. Nếu đưa thực tài mà định danh thì chắc rằng ít cây viết trẻ trong “câu lạc bộ” (nói lái thấy cũng hay) có, vì một lẽ họ tham gia với một túi tiền do thần gió mang tới và một lí do khác nữa những lần thực tế viết bài là cơ hội cho những “uyên uơng sau cánh gà” diễn kịch với những cách yêu hết sức hiện đại. Vậy thử hỏi: Thơ sẽ về đâu? Thế hệ trẻ sẽ viết gì hay ném toạc lên trang giấy những ái ân vụng trộm, những bản năng đê hèn?
Ngày xưa Tản Đà mang thơ lên trời bán, giấc mộng và khối tình thi sĩ không một vụ lợi cho bản thân. Chúng ta hôm nay chưa nặn ra một vần thơ đã nghĩ ngay về giá trị vật chất của nó thì độc giả sẽ đón nhận ra sao? Bao giờ độc giả lại cho chúng ta một tình yêu như họ đã dành cho nhà thơ bằng một thứ tình yêu rất riêng : Tình yêu nghệ thuật. Thử hỏi bao giờ chúng ta hãy làm đẹp cho mình trước khi làm đẹp cho đời. Thơ chúng ta đã chết trong phần đông độc giả, đừng in thơ làm một thú chơi mà hãy nghĩ rằng bao giờ có ba người mua một cuốn thơ cho nhà thơ và bao giờ tên tuổi chúng ta sống trong lòng độc giả bằng một lẽ rất tự nhiên. Với thời gian ít ỏi và những nhận xét không tránh khỏi chủ quan, phiến diện mong được sự phản hồi từ những người quan tâm tới thơ Việt Nam hôm nay. Trong thời gian tới bài cảm nhận này sẽ được bổ sung đầy đủ hơn.