Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


BÀN VỀ CHỮ LỄ


         Nhân dịp tang lễ của nhà văn lão thành Toan Ánh (15.5.2009)


Đ ức Khổng Tử bậc Minh Triết và là Giáo Tổ Nho Giáo nói về mình: “Thuật nhi bất tác” (chỉ kể lại và không sáng tác). Đây là cái đức trung thực của bậc Thánh sáng suốt và cũng giữ Lễ ngầm là khiêm tốn. Sự san định tứ thư, ngũ kinh, sắp xếp lại cho có thứ tự, bàn cho rõ ra cũng là sáng tác rồi. Ở đây tôi lấy Khổng Tử là cái mốc lớn của Đạo Nho. Và từ đây ngược nguồn về Nho Nguyên Thủy tức Nho Viêm Việt (Vịet Nho) mà không bàn tới Tống Nho, Hán Nho, Minh Nho, Thánh Nho, đã sai lạc và cố ý bẻ quẹo tư tưởng Nho Giáo để có lợi cho sự cai trị của triều đình. Đạo Nho khởi từ Kinh Dịch, có hai nét dài và nét đứt quãng chỉ âm dương, không có chữ thuộc Tiên Thiên Bát Quái thời Phục Hi (còn gọi là Bào Hi). Sau này đức Khổng Tử thêm lời giải nghĩa cho dễ hiểu lấy tên là “Hệ Từ”. Thánh nhân bàn về vô thì phải dùng lời (Có) để bàn cho rõ ngọn ngành. Cái Vô đó là Đại Ngã bao trùm tất cả Vũ Trụ, (gồm các loài, các vật, con người) gọi tên là “Sinh Sinh”. Lời lẽ bàn phát xuất từ Vô Tâm, Hư Tâm, nên rất sáng suốt vì không vướng víu tư dục, chấp ngã (của cá thể con người). Đem Đạo ra giáo dục (giáo hóa) để cảm hóa, cải hóa con người để hoàn thiện trở thành bậc quân tử (Người rất tốt). Về điểm này Lão Trang chia ra làm ba cấp độ: “Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh”.

Ở đây chúng tôi chỉ bàn tới cấp độ một là “Chí nhân vô kỷ”. Tức quên mình (tư ngã) và làm vì người chung, là bậc thật sự yêu người quên mình. Đức này là hy sinh bản thân. Người hiện thời nước ta hay đề cập bóng gió là: “Đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngay những người không phải là Cộng Sản cũng không thể phủ nhận điều này của cụ Hồ. Lý này hẳn chưa là tuyệt đối đúng mà chỉ có giá trị tương đối.

Về chủ trương của nhà nước ta lúc nào cũng có Bộ Văn Hóa, Bộ Giáo Dục. Hẳn là nhắm cảm hóa, cải hóa con Người cho thanh thiếu niên, rường cột tương lai của đất nước. Nếu không cần đến văn hóa giáo dục thì chả lẽ đổi tên là Bộ Học Vấn sao? Nghĩa là chỉ nhắm đào tạo ra những chuyên viên như một Robot mà không cần đào luyện con người “Ra Người” (viết hoa), có nhân cách, có văn hóa, có đạo đức như chủ trương của Việt Nho từ mấy ngàn năm trước đây. Đó là truyền thống của dân tộc ta mà gọi là “Văn hiến chi bang” sách sử xưa đã ghi lại rõ ràng, mà chúng ta thường hãnh diện nói: “Nước ta đã có hơn bốn ngàn năm văn hiến.”

Cái truyền thống ấy rất sâu xa, nó đã được thể hiện trong đời sống hàng ngày là chữ Lễ (Cho nên khi viết tôi gọi là tang lễ, và không nói theo thói thường là đám ma). Chữ Lễ ở ngũ thường đứng hàng thứ ba (Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Số 3 là Thiên số cao trọng trong dịch học, nó nằm ở trung giữa chi phối ngũ thường kết hợp với số hai chữ Nghĩa thành từ kép mà dân gian xưa nay gọi là Lễ Nghĩa. “Tức là dùng Lễ để bày tỏ lòng yêu Kính người nhiều tuổi (Đễ) đó là Đạo làm Người, thấy phải (Nghĩa) là làm đó là Đạo Nhân Nghĩa Việt Nam truyền thống.”

Chúng tôi xin được nói rõ ra:

Nhân: là yêu người, yêu mình (quên mình đi là bậc thánh) nên phải giữ Lễ – là Kính trọng người, tôn trọng mình. Gây nên mối hòa ái trong nhân luân.

Trí: đi với Lễ là trân trọng tài năng hiểu biết của người, với mình thì cố gắng học tập nâng cao trí tuệ, thể hiện hiểu biết, tài năng ra bên ngoài là khiên tốn, không ganh ghét, đố kỵ, dèm pha ...

Tín: đi với Lễ là giữ chừng mực với người với mình. Hứa hẹn, cam kết với ai điều gì thì cố gắng thực hiện.

Thực hiện nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, ở đời sống con người trong xã hội gây nên mối hòa ái, trong tình thương yêu chan hòa. San sẻ cho nhau sướng vui, buồn khổ ... đó là thực thi “Đạo Làm Người”, là cách sống tốt đẹp ở truyền thống ông cha ta, nó sẽ trường tồn mãi mãi với non sông Việt.

Đó là chủ trương của nhà nước ta hiện tại: “Khôi phục truyền thống văn hóa” (Về Nguồn). Đó là khơi dậy Hồn Quê, Hồn Nước, Hồn Việt trong nền Văn Hóa Tâm Linh (phi vật thể) mà chính phủ hay đề cập tới.

Những điều hiểu biết trên của tôi là học lóm trong sách sử cũ, xin nhắc lại theo sự kéo cỏi của mình là nhờ học được dăm ba chữ Thánh Hiền từ nhỏ, chỉ xin làm kẻ hèn mọn, ngu dốt nhắc lại thế thôi!

Sự ra đi của nhà văn Toan Ánh, Lão Tử nói: “Tử nhi bất vong, giả thọ”, tức là chết mà không mất đi là thọ. Cái chết thân xác tiểu ngã không còn, linh khí trở về đại ngã to lớn của càn khôn vũ trụ muôn loài: “Nên sống mãi”. Dòng sống này là vĩnh hằng nên Kinh Dịch gọi là: “Sinh Sinh”.

Nếu nói theo lẽ thường tình thì tuy nhà văn Toan Ánh chết đi, toàn tác phẩm để lại còn mãi trong Văn Học Sử muôn đời. Ngay từ lúc sinh tiền tên tuổi cụ đã được ghi vào bộ sách Văn Học Sử Việt Nam dày đặc cả một trang lớn rất trịnh trọng, in ra đã gần 10 năm nay.

Nhà văn Toan Ánh là người sinh ra ở đầu thế kỷ 20, mất vào đầu thế kỷ 21. Cuộc đời cụ dài gần 100 năm, nội việc nhỏ này cũng là hiếm có theo lẽ thường tình, ai biết cũng kính trọng theo lễ của người nước ta trọng bậc nhiều tuổi (Là chữ Đễ trong Hiếu Đễ).

Hơn nữa cụ Toan Ánh đã để ra hơn 50 năm ròng rã để viết về phong tục tập quán xưa của làng quê ta (Đó là Hồn Quê, Hồn Nước, Hồn Việt). Sự hi sinh thời gian không thể ngày đêm, không kể đói nghèo ở ngoài 50 năm mấy đã là điều thiệt thòi cho những ai theo đuổi văn chương, văn hóa. Điểm này nhà văn Nguyễn Vỹ xưa đã viết cho ông Trương Tửu: “Nhà văn An Nam khổ như chó!” Hoặc như Xuân Diệu đã viết: “Cơm áo không đùa với khách thơ.” Đã là người theo đuổi văn chương cũng ý thức đó là cái nghiệp (sứ mạng gánh vác), mà đói khổ là dưỡng chất trần gian nuôi bằng không khí và tự do! Sung sướng, danh lợi gì khi theo đuổi văn chương chân chính suốt cả đời.

Phải có tấm lòng yêu nước sâu xa như yêu thân thể của mình, ý thức được cái cao đẹp trong văn chương: “Thiên cổ văn chương truyền tánh đạo”. “Văn dĩ tải đạo” (Trương Tái). Nên cụ Toan Ánh mới dám hi sinh, chịu nghèo đói cả đời, với bút giấy, tự thắp lửa sưởi ấm lòng mình bằng huyền thoại Tiên Rồng, bằng niềm tự hào của Dân Việt Hùng Anh, bằng sự ấp ủ nồng nàn của tiếng Việt yêu quí mới dám theo đuổi mục đích vì mọi người, vì tương lai của thế hệ con cháu. Cái tinh thần hy sinh cao quí ấy chỉ có ở Đạo Nho, ở Nho phong đã đào luyện nên Hồ Chí Minh, nên bao anh hùng liệt nữ vì nước quên thân mình và nhà văn Toan Ánh (tinh thần đó là Chí nhân vô kỷ).

Vì hiểu lẽ đó nhà nước mới in toàn tập Toan Ánh (gồm 120 tập), để cá thế hệ sau khảo cứu, học tập, tài liệu tra cứu về vấn đề dân tộc học – Là truyền thống của ông cha ta xưa kia (Nếp cũ) để giáo hóa, cảm hóa, cải hóa con người hoàn thiện.

Thế mà Hội Nhà Văn thành phố HCM biết cụ Toan Ánh mất không gởi tới một vòng hoa phúng viếng phân ưu cùng tang chủ.

Việc này theo lẽ thường tình là kém hiểu biết về Lễ Nghĩa (Có thể nói nặng là phi văn hóa).

Về Lễ Nghĩa nằm trong cung bậc của văn hóa (Vẻ đẹp tiến hóa của con người) để lấn át phần ngợm mà tổ tiên ta gọi nôm na là “Người ngợm” (Nửa là người, nửa là ngợm). Điều này không chỉ có ý nghĩa ở Việt Nam mà Aristote bậc hiền triết cổ đại La Hi cũng đã ý thước được nên đã nói: “Con người là con vật biết suy lý.” Tức là phần tốt đẹp có văn hóa là người, nửa phần còn lại xấu xa, bỉ ổi, đê tiện là vật (hay là ngợm). Cho nên cần phải có Lễ Nghĩa để cải thiện, hoàn thiện để trở nên Người hơn (Người viết hoa).

Tôi có mấy hàng rông rài theo ý ngu của mình, mong các bậc cao nhân đại xá và chỉ dậy!.-./.

(Viết sau tang lễ nhà văn lão thành Toan Ánh)

VVM.15.10.2024.-449NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .