"H
ọc giả" hiện đang là hai chữ hấp dẫn dữ dội một số người. Nhiều kẻ đèn sách cả bao nhiêu năm trời mới đậu được bằng tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng mấy chữ tiến sĩ, thạc sĩ lại có vẻ không ghê gớm bằng hai chữ học giả, vì hai chữ này có vẻ như đưa người được phong tặng lên tới tột đỉnh, đến tận bến bờ sự học.
Các sách vở, tự điển, kể cả các tự điển bách khoa thường định nghĩa vắn tắt “học giả” là một người uyên bác, một tay cự phách trong một lãnh vực nào của kiến thức con người. Định nghĩa tuy sơ sài như vậy nhưng ở các nước người, nhất là ở Tây phương, kẻ viết thấy rằng người ta còn kèm theo định nghĩa sơ sài đó một số những điều kiện khá hóc búa để được xứng đáng với hai chữ học giả đúng với nghĩa của chúng. Đó là muốn được đời phong là học giả, phải là một người hiểu biết một cách thật bao quát, sâu rộng một lãnh vực nào đó trong số những hiểu biết của con người, nhưng rồi những HIỂU BIẾT SÂU RỘNG ĐÓ LẠI CÒN PHẢI ĐƯỢC THỬ THÁCH CỦA THỜI GIAN ĐỂ CHÂN GIÁ TRỊ CỦA CHÚNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN và sau chót điều kiện thực khó nữa là NHỮNG HIỂU BIẾT SÂU RỘNG ĐÓ, SAU KHI ĐÃ ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ CÓ CHÂN GIÁ TRỊ, LẠI CÒN PHẢI CÓ ÍCH LỢI CHO CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI NỮA THÌ MỚI LÀ TOÀN THIỆN, TOÀN MỸ. Với những điều kiện như vậy, làm học giả đâu có dễ phải không, thưa quý vị! Và cũng vì những điều kiện nói trên, số người được tự điển bách khoa gọi là học giả không thấy có nhiều; trong cả một bộ Britannica loại 30 cuốn tất cả trên dưới 2000 người cho toàn thế giới.
Trong khi đó, ở nước ta, hai chữ học giả hiện đang có khuynh hướng bị lạm phát, bởi vì ta không áp dụng đúng các tiêu chuẩn như đã kể trên. Ở nước này, ngay trong thành phố chúng ta, viết vài cuốn sách nói lung tung về đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, viết ít bài khảo cứu đào bới, chiên lại của các nhà nghiên cứu thời thực dân Pháp còn ở đây, cũng đã được phong, hoặc tự phong là học giả; xuất bản được trần xì có một cuốn sách nghiên cứu, tự mình bỏ tiền ra in lấy, chưa mấy ai biết mặt mũi sách ra mô, sách có thật giá trị hay không, cũng đã có thể tự nhủ: “hừ, hừ, mình sắp vinh thăng học giả”.
Chính vì dễ làm học giả như vậy, nên quý vị học giả và chuẩn học giả ở nước ta mới tự cho mình cái quyền muốn viết ra sao thì viết, ai mà biết là viết sai mà nói, thì các ngài giận không thèm nhìn mặt, ít ra cũng là một năm.
Đây chính là cái chỗ không thể không nói được, vì đã mang danh vị học giả, viết ra cái gì là để lại cho đời, cho con cháu, cho đất nước, thì phải viết thật đúng, phải tra cứu thật chính xác chứ đâu có lý nào lại muốn viết cẩu thả ra sao thì viết, sau đó cũng chẳng bao giờ thèm đính chính.
Kẻ viết bao giờ cũng quý mến, kính phục những ai lúc này vẫn cặm cụi viết lách, nhưng cũng xin kể ra ba chuyện, hai chuyện cách đây ít chục năm, và một chuyện mới đây: hồi trước ngày giải phóng, một vị học giả có cho xuất bản vài cuốn đặc san trong đó có một bài ngài nhắc tới Goebbels, Tổng Trưởng Tuyên Truyền của Đức Quốc Xã, mà ngài phong cho là THỐNG CHẾ, trong lúc thực tế Goebbels chưa hề đi lính ngày nào vì có tật ở chân; hơn nữa Goebbels là người ghét nhà binh nhất vì ông ta luôn cành cựa với Goering, Thống Chế Không Quân Đức Quốc Xã, vì cả hai ông này đều tranh nhau đi vơ vét các tranh tượng nghệ thuật trong lúc có quyền bính trong tay. Kẻ viết đọc thấy vậy, vội lễ phép thưa với ngài nội vụ, liền bị ngài tức khắc phản ứng bằng cách hơn một năm không thèm nhìn mặt. Ít lâu sau lại có một vị chuẩn học giả khác cho ra đời một cuốn sách khảo cứu trong đó ngài BIẾN TÊN MỘT TỜ BÁO THÀNH MỘT NHÀ TRUNG HOA HỌC; tờ báo mà biến thành người, liệu có ghê không? Đó là chuyện đã cũ, gần đây một vị khác có viết một bài khảo cứu trong đó vị này viết chữ Việt Nam xong rồi liền mở ngoặc đơn viết câu chữ tiếng Anh vào đó khốn nỗi câu tiếng Anh đó hoàn toàn sai, chưa hề có mặt trong một từ điển Anh ngữ nào.
Nếu có ai kêu ca, quý vị đó sẽ cho là kẻ đó lắm chuyện, đó chỉ là những lỗi “typo” do những ấn công kém học làm ra. Nói như thế là quá dễ, khi viết một bài nghiên cứu để cho người khác dùng làm tài liệu học hỏi, có khi để đi thi nữa, thì phải viết cho thật nghiêm chỉnh chứ, không thể viết sai, không thể để lỗi. Đâu có phải chỉ cho người trong nước đọc, nước ta đang mở cửa, đang giao thiệp với nhiều nước tân tiến khác trên thế giới, những nhà nghiên cứu của các nước đó sẽ nghĩ sao khi thấy học giả của ta viết lách cẩu thả như vậy?
Tóm lại, viết bài này, kẻ viết không nêu ra tên tuổi hoặc trường hợp cụ thể nào vì vẫn kính phục quý vị, mà chỉ mong là từ nay quý vị nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, quay bút độ bốn, năm, sáu, bẩy lần trước khi... nhả ngọc.
Để kết thúc xin đơn cử một trường hợp một người thực xứng danh học giả thứ thiệt: đó là cụ Ứng-Hòe Nguyễn-Văn-Tố người đã viết nhiều bài nghiên cứu trong Tập Kỷ Yếu của trường Viễn-Đông Bác-Cổ. Cụ Tố mà đã viết chữ nào là chắc chữ ấy, cụ còn ghi cả trang bao nhiêu, tờ bao nhiêu, dòng bao nhiêu nữa. Rồi những bài cụ viết đều đã đắc dụng, còn đắc dụng, và còn dùng được mãi mãi, vì cụ chọn toàn các đề tài có lợi ích cho nền học vấn của tất cả mọi người. Đây là nhà học giả thứ thiệt mà kẻ viết thực lòng kính phục. Ước mong rằng đất nước ta sẽ càng ngày càng có thêm MỘT SỐ HỌC GIẢ NHƯ CỤ TỐ.