Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



ĐẦU NÀY NỖI NHỚ

  


     C a dao của ta thường khá nhuần nhị, đọc êm và xuôi, có khi mượt mà. Tuy vậy, thảng hoặc ta gặp bài có những câu trúc trắc làm cho ngại đọc, hoặc coi thường vì cho là không hợp với chất ca dao. Mời bạn thử thưởng thức bài ca dao sau đây:

Xin hãy chầm chậm đọc cả bài:

Thiếp nhớ chàng, tấm phên hư nuộc lạt đứt
Chàng nhớ thiếp khi đắng nước lúc nghẹn cơm
Ba trăng là mấy mươi hôm?
Mai nam vắng trước, chiều nồm quạnh sau.

"Thiếp nhớ chàng, tấm phên hư nuộc lạt đứt" - Tấm phên hư, nuộc lạt đứt làm thiếp nhớ đến chàng, cảm thấy vắng bàn tay chàng. "Chàng nhớ thiếp khi đắng nước lúc nghẹn cơm" - (Còn nơi kia) mỗi khi đắng nước nghẹn cơm, chàng cảm thấy thiếu bàn tay của thiếp. Tưởng chừng như những mẩu nhớ vụn vặt ra tuồng "vụ lợi" chẳng đáng nói ra làm phiền người đời làm chi. Sao không là nhớ những khi "má tựa, vai kề", "đầu gối, tay ấp" hoặc những cảnh "chồng chan, vợ húp", "vợ cấy, chồng cày", v.v... (Tất nhiên là khác nỗi nhớ của người chinh phụ của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm: "tựa cửa ngẩn ngơ", thức với "trăng khuya nương gối", dạo hiên, lên lầu ngóng, đốt hương, gẩy đàn,... và chẳng muốn làm gì cả "biếng cầm kim, biếng đưa thoi", v.v..., nỗi nhớ của người khuê các). Người phụ nữ lao động thôn quê chẳng dễ dàng nói ra nỗi nhớ chồng của mình, dẫu là hầu như tự mình với mình, nên dựa vào một cớ rất đời thường, "vô thưởng vô phạt", chẳng phải cái thói "giữ rịt lấy chồng" đâu, chẳng phải "thiếu hơi chồng không chịu nổi" đâu, nhớ là vì “đấy! nhà rách sửa sao đây?” - đó là thường tình “nói ra chẳng sợ chị em cười” và chồng cũng chẳng trách được. Thì cũng như chàng nhớ thiếp khi se mình hay mệt nhọc vậy thôi, - một cái cớ nữa để thiếp nghĩ đến chàng, ai người săn sóc chàng? Trong vô vàn chi tiết nhắc nhớ đến chồng chỉ nêu một chi tiết gần gũi gắn với sự lo toan, chăm chút cho tổ ấm lứa đôi, sự lo toan chăm chút của người đàn ông trong nhà. Cũng như nói đến "đắng nước", "nghẹn cơm" là gợi lên sự lo toan, chăm chút của người vợ. Chi tiết mà có thể gợi lên tầm khái quát; hình ảnh cụ thể mà mang ý nghĩa trừu tượng. Phải khẳng định "thiếp" trong bài ca dao trên không phải chỉ là người thương như trong nhiều bài ca dao khác mà là người vợ hẳn hoi. Bài ca dao này là tâm sự của ai? Tiếng xưng hô "thiếp - chàng" như trong "Đói no có thiếp chàng..." (ca dao) hoặc "Lòng thiếp tựa bóng trăng theo rõi / Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san" (Chinh phụ ngâm), rõ ràng là lời người vợ. Lời tâm tình trong hai câu đầu của bài ca dao đang xét không thể là của người chồng, dĩ nhiên. Không thể là của cả hai được kể theo lối tự sự; nếu vậy, thì phải "nàng nhớ chàng..." và "chàng nhớ nàng...", hoặc "thiếp nhớ chàng" và "ta nhớ nàng...". Đây là tâm tình người vợ. Nỗi nhớ thật khó nói ra. Hai dòng đầu lời mới ngúc ngắc làm sao! Thế rồi, bâng khuâng và bâng quơ, hai dòng tiếp được nói ra suôn sẻ theo mạch tâm sự âm thầm và kín đáo. Nỗi nhớ có thể bắt nguồn từ những tình tiết cụ thể, vật chất. Song nỗi nhớ lại vô hình, vô ảnh, thừa dịp là xâm chiếm người ta mọi lúc, mọi nơi. "Ba trăng là mấy mươi hôm?" Quên cả cách đếm thời gian hay là không dám nhẩm tính? Đây thật ra là một câu hỏi buông, như là ơ hờ chẳng mấy quan tâm song lại bị ám ảnh, bị quẩn trí vì nó. "Ba trăng" là một thời gian ước lệ, thời gian của sự xa cách, thời gian của sự đơn chiếc, sự trống trải. "Mai nam vắng trước, chiều nồm quạnh sau". ở Liên khu Bốn cũ, gió nam thì nóng (có nơi gọi là gió Lào), gió nồm thì mát (thường đưa mưa tới). Dù thời tiết nào, dù thời khắc nào, cái quạnh vắng cũng bao quanh, cũng ngự trị. "Quạnh, quạnh quẽ" nghe "lạnh" hơn "vắng, vắng vẻ" ("Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu" - Tì bà hành. "Non Kì quạnh quẽ trăng treo" - Chinh phụ ngâm). Trong cảm nhận của người thiếu phụ xa chồng, có thể là bất tự giác, nỗi cô đơn, nỗi nhớ tăng cấp độ theo thời gian, mới sáng qua chiều đã khác, và lan toả không gian, hết vắng trước lại quạnh sau.

Quả là chẳng phải chỉ vì tấm phên hư, nuộc lạt đứt mà thiếp nhớ chàng; cũng chẳng phải vì phên hư, nhà rách mà vắng trước, quạnh sau. Phương Tây có câu: "Thiếu một người, tất cả thành hoang vắng". Tình người vậy là sâu nặng lắm. Song le, ở câu đó, tiếcbuồn nhiều hơn là nhớ; không là nỗi nhớ triền miên, dằng dặc choán cả miền sống: "Ba trăng là mấy mươi hôm?/ Mai nam vắng trước, chiều nồm quạnh sau". Không nói "nhớ" mà nghe ra da diết nhớ.

Qua hai câu đầu của bài ca dao, hình dung được hai đầu nỗi nhớ, phía thiếp và phía chàng. Song, bài này là tiếng lòng của người vợ, có sách để tên bài là "Thiếp nhớ chàng" cũng phải. Tuy nhiên, ngay mở đầu bài đã có cụm từ này rồi. Ca dao người xưa để lại thường không có tên bài. Bài nào có tên là do người sau đặt cho khi đưa lên sách, báo, không nhất thiết là phù hợp. Với bài ca dao này, nên chăng gọi là "Đầu này nỗi nhớ"? .-./.




VVM.12.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .