B
ốn vị tuyệt sắc giai nhân thời cổ Trung Hoa được truyền lại là Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Triệu Phi Yến và Dương Ngọc Hoàn. Trong số đó người đẹp nhất là Tây Thi. Người ta thường chỉ biết Tây Thi là người đẹp mà không biết Tây Thi còn là đệ nhứt nữ gián điệp trong lịch sử loài người.
Tây Thi sinh ở Triết Giang phủ Thiệu Hùng thôn Trữ La, chính tên nàng là Di Quang, cha làm nghề Tiều phu đốn củi. Tây Thi thường giặt lụa ở sông Hoán. Trên sông có một phiến đá, tương truyền là nơi nàng giặt lụa. Đường thi có thơ rằng:
Tây Thi tích nhật hoán sa tân
Thạch thượng thanh đài sầu sát nhân
Nhất khứ Cô Tô bất phục phản
Đạo bàng đào lý vị thúy xuân?
Tục truyền rằng Tây Thi giặt lụa bên sông, bóng nàng chiếu xuống lòng sông, cá trong sông đều lặn sâu xuống đáy để thưởng thức vẻ đẹp, do đó có câu "sắc đẹp cá lặn".
Theo Ngô Việt Xuân Thu, năm thứ hai mươi đời Chu Kính Vương, Ngô vương Phù Sai đánh bại Việt vương Câu Tiễn, bắt cầm tù rồi sau mới thả. Đại phu nước Việt là Văn Chủng biết Phù Sai hiếu sắc, dâng bảy điểm để trả thù Ngô, trong đó có kế mỹ nhân.
Vua Việt theo lời sai quan đại phu là Phạm Lãi đi kiếm gái đẹp, tìm được Tây Thi và Trịnh Đán, đem về tập luyện cho cách ăn nói, ca vũ, dáng điệu, ba năm thành công. Liền sai Phạm Lãi đem hiến dâng vua Ngô. Vua Ngô khoái quá, quả nhiên bị mê hoặc mà bỏ việc trị nước. Trịnh Đán ghen với Tây Thi, uất ức mà chết, thành ra Tây Thi được chuyên sủng. Ngô Vương sai làm Cô Tô đài, Khuê Cung quán, Hưởng Điệp Lang để Tây Thi ở. Lý Bạch có thơ vịnh như sau:
Phong động hà diệp mãn điện hương,
Cô Tô đài thượng kiến Ngô vương,
Tây Thi túy vũ kiều vô lực
Tiếu ỷ đông song bạch ngọc sàng.
Sau nhân vua Ngô tranh bá với Tấn ở Hoàng Trì, Việt vương thừa hư đánh Ngô, thái tử Hửu nước Ngô bị chết trận, vua Ngô vội vàng rút quân cùng Việt cầu hòa. Đời Chu Nguyên Vương năm thứ ba, Việt diệt Ngô, đem năm trăm nóc nhà phong cho vua Ngô ở Lâu Đông. Phù Sai không chịu nổi sự nhục nhã tự tử mà chết.
Sau khi Ngô bị diệt, tin tức về Tây Thi rất lờ mờ. Có nơi nói, khi Phạm Lãi đưa Tây Thi sang hiến Ngô, 3 năm mới tới kinh nước Ngô đã tư thông cùng nàng, sinh một con trai. Sau này nàng lại về với Phạm Lãi, cùng chu du Ngũ hồ. Sau có thơ: " Đái tương Tây tử khởi vô ý, khủng lưu tuyệt sắc ngộ quân vương". Có nơi nói phu nhân Việt Vương Câu Tiễn, sợ Tây Thi lại mê hoặc vua Việt, sai người dìm chết ở Thái Hồ. Lại một thuyết nói: Ngô vương không nghe lời Ngũ Tử Tư can gián về việc nạp Tây Thi, bắt Tử Tư phải tự tận, nên trước khi mất nước, Phù Sai đã dìm chết Tây Thi ở Thái Hồ để tạ Tử Tư.
Những danh nữ Trung Quốc thường được nhiều người nghiên khảo về quãng đời sau. Duy có đệ nhất mỹ nhân là Tây Thi thì không ai biết rõ. Về thuyết Tây Thi bị dìm chết không phải là không đáng tin nhưng không biết là ai đã dìm chết nàng.
Những người đẹp thời xưa gặp nạn, không như Tây Thi, nói là báo oán thì phụ lòng Ngô vương sủng ái, còn nói báo ân thì sai với nhậm mệnh của nước Việt. Người đời Thanh có thơ:
Thiếp tự báo ân, nhân báo oán
Bổng tâm thường giác bất phân minh
Đúng là tâm sự của Tây Thi vậy! Khảo về chiến tranh Ngô Việt, từ Câu Tiễn bị bắt tới Phù Sai tự vẫn là hai mươi mốt năm. Phạm Lãi dâng người đẹp vào năm thứ ba mươi đời Chu Kính Vương. Tây Thi vào Ngô, ít nhất cũng vào khoảng mười lăm, mười sáu tuổi. Ngô mất sau hai mươi năm. Tử Tư có nói: "Nước Việt nuôi quân mười năm, luyện quân mười năm, sau hai mươi năm, còn gì nước Ngô?" Dù có bị dìm chết hay không, Tây Thi lúc đó cũng đã về già rồi vậy.