Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



CÁI TÊN VÀ CUỘC ĐỜI  

  


     T ất cả chúng ta ai dũng có một cái tên để gọi được ông bà cha mẹ đặt ra khi mới chào đời. Ngày xưa khoa học chưa tiến bộ, người ta thường đợi đứa bé được sinh ra biết trai hay gái mới đặt tên. Có người chuẩn bị trước một tên cho trai và một tên cho gái để khi đứa bé được sinh ra thì tùy nghi sử dụng. Ngày nay, nhờ máy siêu âm, người ta sớm biết trai hay gái và có thời gian chuẩn bị một cái tên cho vừa y. Thế là bao nhiêu hỉ nộ ái ố bám theo cái tên đi suốt cuộc đời đứa bé. 

- I. Về cấu trúc của một cái tên được thể hiện như sau: Phần họ, chữ lót, và cái tên để gọi. 

1. Phần họ ở đây là Lê, Trần, Nguyễn, Phan, Phạm vv… thường có gốc từ họ của ông bố đối với những địa phương theo chế độ phụ hệ, và có gốc của người mẹ nếu địa phương đó theo chế độ mẫu hệ. Trong Chợ Lớn một số người Việt gốc Hoa cũng cho con theo họ mẹ. Ở một số địa phương của dân tộc ít người đứa bé sinh ra cũng được mang họ người mẹ. 

Họ kép: Có những họ kép thường thấy nhất ở cố đô Huế như Hồ-đắc, Nguyễn-khoa, Lê-khắc, Tôn-thất vv... Những họ kép này thường có gốc của người đàn ông truyền từ đời này sang đời khác và cũng thường được ghi lại trong gia phả. 

Triều Nguyễn có họ kép là Nguyễn-phước (hay Nguyễn-phúc), ví dụ Nguyễn-phúc Ánh. Họ Nguyễn-phúc này có từ đời Chúa Nguyễn-phúc Nguyên còn gọi là Chúa Sãi hay Chúa Bụt (1563-1635), con trai thứ sáu của Chúa Tiên, tức Nguyễn Hoàng (1525-1613) người khai sáng chín triều Chúa Nguyễn. Tương truyền, mẹ Chúa có thai chiêm bao thấy có vị thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ "Phúc", vì vậy khi thế tử ra đời Bà đặt tên là Nguyễn-phúc Nguyên, từ đó đến các đời sau đều giữ họ kép là Nguyễn-phúc. 

Đến đời vua Minh Mạng, vì con đông quá, 78 trai và 64 gái, ông sợ sau này con cháu sẽ lộn tùng phèo không phân biệt đời trước đời sau nên ông đật ra 'Đế hệ thi' cho con trai các dòng họ sau này: 

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quý Định Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thụy Quốc Gia Xương. 

Như vậy đến đời vua Thiệu Trị, tên húy là Miên được thêm vào thành ra Nguyễn-phúc Miên-tông (họ kép, tên kép không có chữ lót), tiếp theo con của Miên-tông là Nguyễn-phúc Hồng-nhậm vv...

Các vua nhà Nguyễn cũng có đặt tên hiệu cho con gái như Công nữ, Công tôn nữ, Công tằng Tôn Nữ vv... và được thể hiện trong một cái tên ví dụ như Công-huyền-tôn-nữ Nguyễn-Phước Vân-Vân. Cững có người vì thấy tên dài quá nên đặt lại cho ngắn gọn Tôn-nữ Vân Vân. Riêng đối với các anh em của vua (không phân biệt đời trước đời sau) đều mang họ Tôn-thất và các con gái đều mang họ Tôn-nữ. 

Khi thể hiện bằng văn tự của tên gọi cũng giống như cái họ, ở lãnh vực ngôn ngữ học có trường phái cho rằng, nếu là họ kép hoặc tên kép sẽ được viết hoa cho từ đi trước và viết thường cho từ đi sau với gạch nối ở giữa. Ví dụ: họ Tôn-thất, Hồ-đắc… và tên: Hồng-lam, Bảo-trân, Hoàng-yến vv... 

Ngày nay chúng ta thấy có nhiều người mang cả họ cha lẫn họ mẹ ví dụ như Trần Lê, Nguyễn Võ, Đào Đỗ… Thực ra đây vẫn coi là họ của cha, không phải là họ kép, họ của mẹ đứng b ên cạnh làm cho người ta thấy được tình cảm mặn nồng của nhà trai và nhà gái, của vợ chồng tức là cha mẹ của đứa bé. Hiện nay không ít trẻ em mang cả hai họ cha và mẹ nhưng trên thực tế bố mẹ đã ly dị từ lâu rồi. Có trường hợp một người họ Đào có cô bạn gáo họ Đỗ, lúc đầu anh chàng này không quan tâm đến việc cô bạn mang họ Đỗ. Nhưng khi tình cảm hai người đã mặn nồng tính đến chuyện cưới hỏi, anh chàng mới nghĩ tới việc ghép họ thấy không hay và có vẻ xui xẻo vì người này "Đào" người kia lại "Đỗ" đi thì không được rồi. Thế là anh chàng xin chia tay với người con gái tội nghiệp kia. 

2. Phần chữ lót. Thường thấy được thể hiện bằng những từ ngữ như 'văn', 'hữu', 'thị', 'tấn' vv... 'Văn' và 'hữu' thường dùng để đặt cho con trai, và 'thị' dùng cho con gái, còn 'tấn' thì cho cả nam lẫn nữ. Các từ lót này thường không viết hoa và không có gạch nối giữa họ và chữ lót. Ví dụ 'Lê văn', 'Nguyễn thị' vv… Ngày nay các từ lót này không được nhiều người coi là hợp thời trang nên đã bị loại dần ra khỏi cái danh xưng của mỗi người. May ra còn mấy ông già bà cả U70 còn mang chữ lót nói trên. Có người không muốn con gái mình mang chữ lót là 'thị' bèn đổi thành 'thụy' nghe hơi bị chói tai. Thực sự, nếu giữ 'thị' thì nghe dễ chịu vô cùng. Cũng có người đã lớn tuổi có chữ lót trong tên mình là 'văn' thấy có vẻ không được nên thơ bèn cho khắc tên để đóng lên văn bản dưới phần chữ ký với chữ 'Văn' được viết hoa to đùng. Tuy nhiên nếu 'văn' được kèm với tên Chương hay 'hữu' kèm theo tên Nghị thì có thể được coi là tên kép và được viết hoa như Nguyễn Văn-chương, Nguyễn Hữu-nghị vv… 

Ở miền Trung có nhiều nơi không sử dụng chữ lót, chỉ còn hai thành phần của tên là họ và tên gọi như Nguyễn Tòng, Hồ Thẳng. Có người còn được cha mẹ đặt cho một cái tên hết sức đơn giản như Lê A, Võ Y.. Cái tên rất ngắn và họ cũng là một họ ngắn, chỉ thua những họ Y, K' của một số người dân tộc. 

3. Cấu trúc sau cùng là cái tên, đó là phần tên gọi. Đây là phần hết sức nhạy cảm khi đặt tên cho con cái. Ngày xưa trong thời phong kiến, khi đặt tên cho con phải hết sức cẫn thận không được phạm húy không được trùng với tên vua chúa mọi triều đại, hay thần linh, tiên phật, tên các quan lớn từ cấp cao xuống tận thôn xã, tên các bậc tổ tiên hai bên chồng vợ. Vì phải tránh như vậy cho nên phát sinh trường hợp Nguyên thành Nguơn, Quyền thành Quờn, Cảnh thành Kiểng vv… Nhiều bà con ở các vùng quê miền Nam, vì muốn an toàn thường đặt cho các con mình những cái tên hầu như không có trong từ điển Việt Ngữ, như Tuynh, Thiềng (có lẽ muốn tránh chữ Thành), hay Xủng vv... hoặc những tên xấu hái để tránh bệnh hoạn như Cu, Mọi, Lác, Đùng vv... Những đứa bé có những cái tên vừa nêu phải khổ suốt đời nhất là trong thời kỳ còn đi học thường bị bạn bè chế diễu và khi lớn lên không muốn kết thân với người khác phái vì mặc cảm. Thử hỏi có người con gái nào dám mở miệng nói lên câu: "Đùng ơi, em yêu Đùng lắm"? hay một anh con trai nào đó thử nói câu: "Lác ơi, em đẹp vô cùng". Còn có những trường hợp éo le cho những tên xấu hái khác. 

Bước vào thời đại văn minh, người ta không còn sợ phạm húy, nhưng có lẽ còn sợ ma quỉ 'bắt' con mình bệnh hoạn, nên lấy tên các vị vua chúa, vương hầu trong triều đình thời phong kiến ngày xưa đặt cho con mình. Tên của đức thánh Trần, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, Bình Định Vương Lê Lợi, Huyền Trân Công Chúa vv... thường được dùng để đặt tên cho đứa trẻ nhằm mục đích không cho ma quỉ bén mảng đến gần cục cưng của mình. 

Xét về khía cạnh tâm lý nhiều người có con nhất là con đầu lòng thường bắt đứa con gánh lấy hoài bảo của cha mẹ. Đầu tiên thể hiện ở cái tên đặt cho đứa nhỏ. Cha mẹ có quyền tối cao trong việc đặt tên cho đứa con mới chào đời cho nên nhiều người thường tìm một cái tên rất kêu rất ấn tượng cuối cùng nhiều em bé nhận lãnh những cái tên rất độc chiêu. Tôi có anh bạn đã đặt tên cho con gái đầu lòng là Trần Đặng Thụy Mộng Thùy Liên (đã sửa lại và xin lỗi nếu còn trùng hợp với người khác). Ở đây người viết không phân biệt được đâu là họ, đâu là tên gọi và đâu là chữ lót nên đánh phải viết hoa hết sợ thất lễ. Gần ba chục năm rồi cháu bé này nay đã trưởng thành nhưng tôi không biết em đã khổ sở như thế nào về cái tên của mình mà cha mẹ đặt cho. Chắc chắn tên của em bé này sẽ không ít lần được viết sai, đầu tiên là trên khai sinh, rồi đến thẻ học sinh, chứng minh nhân dân, trên các văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Mỗi lần sai như vậy chắc hẳn em phải đi xin điều chỉnh vô cùng vất vả. Đây là chưa nói đến trường hợp em đi du học hay công tác nước ngoài, chắc chắn em sẽ không biết để tên mình vào ô nào là first name, middle name và ô nào là last name. 

Như vậy về cấu trúc danh xưng của một người được thể hiện dưới các dạng sau đây. 

1. Họ + tên (không có chữ lót): Ví dụ Hồ Thẳng, Lê A, Nguyễn Kim… 

2. Họ + tên kép (không có chữ lót): Trần Thùy-liên, Lê Quang-vinh (tên kép có gạch nối). 

3. Họ kép + tên kép (không có chữ lót): Tôn-thất Thành-công, Nguyễn-khoa Minh-mẫn… 

4. Họ + chữ lót + tên: Nguyễn văn Mít, Nguyễn hữu Miêng… 

5. Họ + chữ lót + tên kép: Nguyễn văn Mười-ba, Trần văn Nam-giao… Nguyễn văn Thành-công… 

6. Họ kép + chữ lót + tên: Tôn-nữ thị Thanh, Nguyễn-khoa diệu Lan ('diệu' của họ này là chữ lót, dành cho nữ, không viết hoa. Nếu muốn là tên kép thì viết Diệu-lan, trường hợp này không có chữ lót). 

7. Họ kép + chữ lót + tên kép: Tôn-nữ thị Vân-vân 

- II. Một số trường hợp phổ biến khi đặt tên cho con cái. 

1. Anh chị em trong gia đình có tên kép cùng giống từ đứng đầu: Minh-hằng, Minh-hà, Minh-trí, Minh-tuấn, hoặc Lệ-dung, Lệ-hằng, Lệ-quyên (chưa thấy có tên kép bắt đầu bằng chữ Lệ dành cho con trai). 

2. Anh chị em trong gia đình có tên kép cùng giống từ đứng cuối. Ngọc-vân, Tường-vân, Thanh-vân (con trai), Bích-vân… 

3. Anh chị em trong gia đình có tên cùng có chung chữ cái: Tấn, Tài, Thu, Tuyết… 

4. Đặt tên con theo 'dây': Theo một học giả, có cha mẹ lên kế hoạch đặt tên con cái theo một loạt từ ngữ nói lên sự thành công, tên tuổi được người đời biết đến cho đàn con sau này. Đây là trường hợp gia đình Bà Năm Phỉ, anh chị em được mang tên theo một "ra phan" từ ngữ sau đây: Công, Thành, Danh, Toại, Phỉ (Bà Năm Phỉ), Chí, Nam (Bà Bảy Nam), Nhi, Bia (Chín Bia), Truyền (Mười Truyền), Tạc, Để (Út Để). Tổng cộng 12 người. 

Hoặc một 'dây' khác ở nhà ông xay bột: Tự, Nhiên, Nhuần, Nhuyễn. 

Hay 'dây' của nhà nuôi tằm: Len, Sợi, Tơ, Lụa 

Trường hợp đặt tên con cái theo 'dây' như trên rất khó thực hiện vì khi sinh đứa con đầu lòng cha mẹ không biết được sẽ có bao nhiêu đứa con để chọn 'dây' mà đặt. Họ cũng không thể đợi đến khi sinh đứa con út mới chọn 'dây' đặt tên. Ví dụ sau khi sinh đứa con đầu, cha mẹ chọ một dây trung bình 'Tam Tòng Tứ Đức', nhưng rủi ro bị bể kế hoạch sinh thêm đứa thứ 5 thì sẽ không biết đặt tên gì cho đứa nhỏ để phụ hợp với cái 'dây' đã có.Nhưng rủi như bà vợ sinh xong đứa thứ ba rồi 'nín' luôn thì cái 'dây' chỉ còn "Tam Tòng Tứ" nghe không ra làm sao cả. 

Hiện nay phong trào kế hoạch hóa gia đình khuyến khích mọi người nên dừng lại ở một tới hai con 'để nuôi dạy cho tốt", cho nên sẽ không còn cửa đặt tên theo dây nữa rồi. 

5. Đặt tên theo 7 nốt nhạc: Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si. Từ đứa thứ 8 trở đi đặt là Thăng, Giáng, Trưởng… 

6. Đặt tên theo hoài bảo của cha mẹ. Như đã nói ở trên, có nhiều bậc cha mẹ từng gặp nhiều trỏ ngại, lận đận, lao đao, "tám khoa chưa khỏi phạm trường qui' trên con đường học hành thường muốn con cái sau này phải học giỏi đỗ cao nên đặt cho những cái tên như Khôi Nguyên, Khoa Bảng, Tiến Sĩ, Thám Hoa...Còn có những bậc cha mẹ muốn con gái sau này phải là một trang quốc sắc thiên hương. Chỉ với bốn từ ngữ bên cạnh cũng đủ để đặt cho những cái tên rất kêu rồi: Quốc Sắc, Thiên Hương... hay Kiều Diễm, Mỹ Nhân... 

7. Đặt tên theo tên các quốc gia trên thế giới: Có gia đình đặt tên con cái theo tên một số quốc gia trên thế giới, thường gặp là: Pháp, Ý, Đức, Nhật, Trung, Tiệp, Việt, Ấn… nhưng chưa thấy ai đặt tên con là Bỉ, Hung, Bung, Mã. Có người lấy cả hai từ, mới thấy có Hà Lan, Triều Tiên, Cao Miên... nhưng chưa thấy có Na Uy, Đan Mạch… 

8. Đặt tên theo các địa danh: Hiện nay chúng ta cũng thấy có những tên như: Sông Hương, Nam Giao, Vạn Giả, Nha Trang, Khánh Hòa, Bình Thuận vv… 

9. Đặt tên theo các nhân vật trong triều đình. Ông bố họ Hoàng đặt tên cho con trai là Hoàng Tử Minh, con gái là Hoàng Thái Hậu, hoặc một ông bố họ Thái, con trai mang tên Thái Tử Quốc Bằng, một ông bố họ Dương con gái lãnh nguyên cái tên Dương Quí Phi! 

10. Đặt tên theo các bút danh: Thông thường là một tên kép và bắt đầu bằng chữ 'Thùy' và rất nhiều từ khác để làm thành tên kép như Thùy-lan, Thùy-vân, Thùy-liên vv… 

11. Đặt theo tên các loại trái cây như Đào, Lê, Hồng, Lựu, Na, Mân, Nho, Bưởi, Dâu... nhưng chưa thấy có ai tên Táo, Chôm-chôm, Măng-cụt... 

- III. Lời khuyên của những học giả trong việc đặt tên cho con cái. 

Việc đặt tên cho trẻ sơ sinh là quyền tối thượng bất khả xâm phạm của các bậc ông bà cha mẹ của đứa trẻ. Ở đây không đặt ra quyền tự do của đứa trẻ là nhận hay không nhận cái tên đó, vì nó chưa biết gì cả. Đứa trẻ lớn lên may nhờ rủi chịu, phải mang cái tên suốt đời, có khi đưa đến những chuyện dở khóc dở cười. Do đó có học giả đưa ra một số lời khuyên nho nhỏ, ở đây xin được ghi lại những điều không nên như sau: 

1. Đặt tên dài quá, nên dừng lại ở bốn từ (không phải đễ nuôi dạy cho tốt) để người khác dễ nhớ và ghi chép. Chuyện dở khóc dở cười về tên quá dài đã đề cập ở trên. 

2. Đặt tên quá cụ thể, gây ấn tượng. Ví dụ Mạnh-khoẻ nhưng khi lớn lên là một người yếu đưối, hay bệnh hoạn. Có người mang tên Kiều-diễm nhưng nhan sắc lại thường thường bậc trung, hoặc có người mang tên Giàu nhưng nhà cửa nghèo khó, nợ nần quanh năm... 

3. Đặt tên không theo qui luật chánh tả: ví dụ như Kường (thay vì Cường), Dzuyên (thay vì Duyên)... 

4. Đặt tên xấu hái hoặc sử dụng từ không có trong từ điển tiếng Việt như là: Lẵm, Câu, Lợn, Bùng, Phấn, Son, Thùng... Người lớn không biết được đứa trẻ sẽ khổ như thế nào khi bị trêu chọc, đến lớn lên nó cũng thấy khó chịu khi được gọi là Ông Giám đốc... Lợn vv... 

5. Không nên lấy tên vua chúa mà đặt tên cho con cái, ví dụ như Lê Thái Tổ, Trần Hưng Đạo.. Thật tội nghiệp cho đứa trẻ khi lớn lên thường bệnh hoạn, suy dinh dưỡng, nhỏ con yếu đuối lại được mang tên Nguyễn Huệ. 

6. Lấy tên đang quá phổ biến ngoài xã hội như Dũng, Tuấn, Kiệt. Một trường hợp tương tự ở Kenya, tại ngôi làng của Ông Obama. Khi ông vừa đắc cử, tất cả những trẻ sơ sinh trong làng không phân biệt trai gái đều được cha mẹ đặt tên Obama. 

- IV. Kết luận 

Tóm lại việc đặt tên cho con cái rất tế nhị và quan trọng đò hỏi sự chú tâm rất lớn của các bậc ông bà cha mẹ. Cần phải tham khảo sách vỡ và nhiều người có kiến thức và kinh nghiệm. Cái tên sẽ đi theo suốt cuộc đời đứa trẻ và có thể sẽ ảnh hưởng vào cuộc đời công danh sự nghiệp. Cái tên đơn giản có ý nghĩa sẽ giúp đứa trẻ tự tin, vững bước vào xã hội. 




VVM.05.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .