Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



đền Chiêu Trưng HàTĩnh

BÊN SÓNG NƯỚC
QUỲNH VIÊN - NAM GIỚI


C húng tôi đang đi trên sông nước của một vùng quê Hà Tĩnh đượm màu huyền thoại...

Trước khi đưa đoàn làm phim tới đây để thực hiện bộ phim tài liệu về một danh thắng và một lễ hội cổ truyền đặc sắc vào bậc nhất, tôi đã tìm đọc khá nhiều tài liệu, và thả hồn trong chính sử, dã sử...

Truyền thuyết kể lại: xưa kia, sau cuộc kỳ ngộ trên bãi sông để nên duyên vợ chồng, công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử bị vua cha là vua Hùng thứ III tức giận và không nhận làm con nữa. Đôi vợ chồng trẻ phải bươn chải buôn bán nơi đầu sông cuối chợ. Rồi một ngày kia Chử Đồng Tử đã giong buồm đến một ngọn núi ở giữa biển để tu hành đắc đạo. Trong tác phẩm"Lĩnh Nam Chích Quái" đời Trần, ở truyện "Nhất Dạ Trạch" có nói đến chuyện một nhà sư tên là Phật Quang đã truyền dạy đạo Phật cho Chử Đồng Tử và Tiên Dung tại một ngôi chùa ở núi Quỳnh Viên. Ngọn núi ấy chính là Quỳnh Viên - Nam Giới, một danh thắng bậc nhất của xứ Nghệ. Nhưng giới nghiên cứu Việt Nam trong một thời gian dài đều coi đó là "một ngọn núi chỉ có trong thần thoại" ( ví dụ như nhóm chủ biên "Thơ văn Lý Trần" tập III), cho tới khi TS Lê Mạnh Thát trong cuốn "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" đã xác nhận rằng, núi Quỳnh Viên là có thật, và đưa dẫn chứng bằng mấy câu trong bài "Nam giới hải môn" của vua Lê Thánh Tông làm năm 1470 khi đưa quân đi chinh phạt Chiêm Thành:

Di miếu man truyền Kim Vũ Mục
Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên


( Di miếu còn truyền nay Vũ Mục
Danh sơn vẫn nhắc cổ Quỳnh Viên )

Sau khi miêu tả lai lịch di tích Vũ Mục, tác giả LSPGVN khẳng định núi Quỳnh Viên nằm tại cửa Sót là có thật, trên đó còn có một ngôi chùa, và như vậy đã hé mở được phần nào vấn đề Phật giáo được truyền vào nước ta từ thời đại Hùng Vương vốn là đề tài tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu (Theo Thích Phước An- Đường về núi cũ chùa xưa, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008). Sách "Nghệ An chí" của tiến sỹ Bùi Dương Lịch đời Gia Long cũng chép: “Huyền sử đời Hùng Vương tương truyền rằng Chử Đồng tử và nàng Tiên Dung tu tiên đắc đạo ở Rú Bể nên gọi là núi Quỳnh Viên và đó cũng là cái tên xưa nhất của dãy Nam Giới này”.

Dân gian thì gọi dãy Quỳnh Viên Nam giới là “Núi Sót”, “Rú Bể”, “Rú Bằng đội mũ”, “Rú bể mang tơi” thì trời động mưa.

Đây là ranh giới phía nam của Việt Thường xưa thuộc nước Nam hồi thế kỷ thứ IX. Bên kia sông Sót ngày xưa là núi Mốc, hay tên chữ là Mục Sơn. Trên mình Quỳnh Viên và xung quanh nó là cả một vùng di tích lịch sử văn hoá có niên đại kéo dài từ thời hậu kỳ đá mới cho đến tận thời hiện đại, mà tiêu biểu nhất là đền Chiêu Trưng.

Dãy núi Quỳnh Viên, với đền Chiêu Trưng thờ danh tướng Lê Khôi là một danh thắng thiên nhiên và di tích lịch sử đẹp nhất của tỉnh Hà Tĩnh cũng như của cả miền Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình.

Quần thể miếu, lăng này hài hoà trong vẻ đẹp hùng vĩ của biển trời lồng lộng đã dâng cho đời sự hoành tráng, cổ kính của kiến trúc dân tộc. Trên những mái núi trập trùng nhiều khe suối ngày đêm chảy, nổi tiếng nhất là khe Hau Hau, nước ngọt uốn lượn. Ngày xưa là nước cống tiến vua khi ngự qua tỉnh An Tĩnh. Nơi đây đã in biết bao dấu chân tao nhân mặc khách của cả nước, như nhà Vua- chủ soái thi đàn Hồng Đức Lê Thánh Tông, như thi nhân lãng tử Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu... Cách đền Chiêu Trưng đại vương không xa là đền Thánh Mẫu và đền Ngư ông họp lại thành một quần thể di tích thắng cảnh độc đáo vùng Quỳnh Viên - Nam giới - Cửa Sót...

Đền Chiêu Trưng là một di tích lịch sử văn hoá từ thế kỷ XV đặc biệt hiếm hoi còn sót lại. Di tích lại đặt tên một ngọn núi vươn ra biển cả, núi non biển trời hài hòa, hùng vĩ, phong cảnh tuyệt vời ít nơi nào sánh được. Danh thắng Quỳnh Viên và di tích lịch sử đền Chiêu Trưng đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia. "Nghệ An chí " có đoạn viết về Long Ngâm: “Hình núi như trán rồng, liền ở dưới có một dải sống như vòi rồng, hai bên tả hữu có hai tảng đá tròn như mắt rồng, dưới núi có một cái ao lộ thiên rộng và sâu, hình miệng rồng, bốn phía xung quanh ao toàn là cỏ rậm, bùn lầy không thể vào được. Hai bên có hai nhánh núi ôm quặt lại như hai chiếc râu rồng, nước ao chảy quanh co từ trong núi ra biển, ngoài biển lại nổi lên một ngọn chắn ngang, sóng vỗ ầm ầm như sấm động".

Đền Chiêu Trưng thờ đại vương Lê Khôi, là khai quốc công thần của nhà Lê. Ông đã từng dự hội thề Lũng Nhai lịch sử năm 1416, là một võ tướng toàn tài của nghĩa quân Lam Sơn, có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp Bình Ngô cứu quốc của Lê Lợi. Lê Khôi làm quan trải ba triều, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Khi ông mất, cả triều đình đều xúc động, cảm thương, Nhà vua cho bãi triều ba ngày. Sau đó, truy tặng ông chức "Nhập nội đô đốc", phong thần và cho dựng đền thờ trước lăng mộ. Ngọn Long Ngâm, nơi an táng phần mộ và lập đền thờ Lê Khôi ở phía đông bắc dãy Quỳnh Viên. "Thượng đẳng phúc thần" - đó là một danh hiệu cao quý ghi trong một Sắc phong của triều đình cho đức thánh Lê Khôi.

Xa xa, nhìn về phía tây nam ở ngã ba Hộ Độ, ba con sông của huyện Thạch Hà hợp lưu thành một dòng lớn đổ ra Cửa Sót như một dải lụa xanh mềm mại, sóng đuổi nhau vô tận, hoà chảy vào mênh mông xanh biếc của đại dương, tạo nên một cảnh quan kỳ thú...

Trong tổ hợp Đền Cờn, Đền Quả, Đền Bạch Mã và Đền Chiêu Trưng nổi tiếng nhất của cả miền Nghệ -Tĩnh, thì Đền Chiêu Trưng - Lê Khôi đến nay còn tương đối nguyên vẹn hơn cả, mặc dầu qua nhiều cơn binh lửa và thiên nhiên khắc nghiệt tàn phá; tuy đã trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được dáng vẻ và cốt cách của ngày xưa.

Cửa Đền nhìn ra phía biển, có hai hàng trụ ghi câu đối ca ngợi công đức của người trung liệt và sự linh thiêng của vùng đất này như sau:

Linh thiêng của người luôn phù hộ cho dân cửa Sót/ Ân huệ đó được dân ở đây bảo vệ và giữ yên phần mộ cho Người ( dịch từ chữ Hán)

Đền thờ giữ nguyên vẻ cổ kính, gồm ba toà chính: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện.

Phía đông đền Hạ là nhà bia, đặt tấm bia khắc bài thơ Nôm của vua Lê Thánh Tông vẫn còn nguyên vẹn. Bài thơ có đoạn viết:

Phong lưu, phú quý ba đời thấy
Sự nghiệp công danh bốn bể đầy
Thương ít, tiếc nhiều, bao xiết kể
Miếu đường hồ dễ cột nào thay...

Đền hạ là nơi đón tiếp quan khách về tế lễ, ngày xưa là các vị quan đứng đầu hàng tỉnh thần An Tĩnh.

Sau đền Hạ là đền Trung, nơi các bô lão trong vùng đại diện người dân “tửu lệ”, tức là những người bảo quản, phục dịch họp bàn về việc tế lễ, sửa chữa đền. Toà Trung điện chạm trổ rất kỳ công, thực sự là một công trình nghệ thuật vô giá. Tất cả các đấu, đòn, xà ngang, xà dọc của Trung điện đều được khắc chạm tinh xảo, lộng lẫy, lung linh, với nhiều đề tài như: tứ linh, bát tiên, tiên đánh cờ, tiên cưỡi hạc... Chỗ là tổ hợp Rồng mẹ, Rồng con, chỗ là chèo thuyền đảo nước, nơi hát múa đánh cờ vui xuân, tất cả đều sinh động, uyển chuyển, không một nét nào thô kệch, cứng nhắc. Các mảng trang trí kiến trúc vẫn còn nguyên mẫu của nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ 17 - 18. Trước khi tới đền Chiêu Trưng, tôi được đọc bài viết "Thăm đền thiêng cửa Sót" của tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện và rất thích thú với chi tiết về bức chạm cảnh múa hát ca trù của thế kỷ 18 tại miền trung từ hàng mấy trăm nay, được giới thiệu trong sách Lịch sử và Nghệ thuật ca trù. Tôi cũng yêu cầu anh bạn quay phim tìm bằng được bức chạm này để ghi lại một trong những hình ảnh đã được đưa vào Hồ sơ Hát ca trù trình với UNESCO!

Hai bên Trung điện là hai cánh cửa nách xây cuốn tò vò, phải cúi đầu khi bước lên đền Thượng, chốn thâm cung. Nơi đây nghi ngút hương khói, mùi trầm thơm ngát, treo cao tấm biển của Lê Thánh Tông ban “Nam thiên tuấn kiệt”. Chính giữa trên hương án sơn son thiếp vàng, xung quanh là đồ tế khí, giữa đặt bức tượng Tướng quân “Chiêu Trưng Đại vương” bằng gỗ sơn, nét chạm đẹp, trang nghiêm và phúc hậu.

Đằng sau đền là Lăng mộ Lê Khôi không lúc nào nguội hương khói...

Bên phải đền có hai nền đất, tương truyền đó là nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung tu luyện.

Những ngày 2, 3, 4 tháng 5 Âm lịch là ngày giỗ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi. Vào dịp này, người tứ xứ đổ về đây để tham gia Hội lễ kỷ niệm ngày mất của Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi.

Điều đặc biệt là hàng năm trước ngày 2 tháng 5 ÂL- ngày chính giỗ thì hầu như thế nào cũng có trận mưa vào chiều hoặc tối ngày mồng 2. Dân gian nói đó là trận mưa “dội tượng, rửa đền” đón khách thập phương tứ xứ về cúng giỗ. Và chúng tôi cũng đã được thưởng thức trận mưa “dội tượng, rửa đền” này trong thị trấn Thạch Kim...

Ngoài đền chính trên đỉnh Long Ngâm, chỉ tính riêng vùng Cửa Sót- Thạch Hà, Lộc Hà có tới 5 đền thờ vọng danh tướng Lê Khôi- như đền Đông Phương, đền thờ Lê Khôi ở xã Mai phụ, đền thờ Lê Khôi ở xã Thạch Hải...

Trước ngày chính hội, các xã đã tổ chức rước trọng thể trong làng, về tới đền thờ vọng. Đoàn làm phim chúng tôi đã tới hai đền thờ vọng ở Mai Phụ và Thạch Hải, ghi cảnh náo nhiệt tập rượt chuẩn bị cho chính hội hôm sau.

Đêm trước chính hội, đoàn làm phim nghỉ lại trong Đền. Tôi đi xuống bãi đá, nhìn về đất liền hàng phi lao tối xẫm đang ấp ủ hàng trăm cờ xí, kiệu lọng, phục trang cổ... để sớm mai sẽ rực rỡ trên mặt biển đi tới Đền. Những ngọn sóng rì rầm quanh dãy núi Quỳnh Viên như cũng đang thầm kể về người anh hùng và tình yêu thương không bao giờ vơi cạn của nhân dân đối với ông... Suốt đêm trên sân Đền nóng bức, muỗi như trấu, tôi tranh thủ hỏi chuyện các cụ trực Đền về ký ức của dân gian với Đức Thánh Lê Khôi cũng như về tiến trình Lễ hội hôm sau. Tôi được biết: các nghi lễ được chuẩn bị kỹ lưỡng, trang nghiêm. Trước lễ hội cả tháng, đã có các cuộc họp bàn, chọn thuyền rước, sản vật và đưa người xứng đáng vào danh sách lễ nghi. Tới ngày lễ chính, ban lễ nghi đã làm lễ Sái tảo, lễ Mộc dục, sau đó là lễ Khai hội, lễ yết, lễ chính kỵ và sau cùng là lễ rước. Lễ rước ở đây có một điều khá đặc biệt- đó là điểm xuất phát của lễ rước được bắt đầu từ các đền thờ vọng của các xã Mai Phụ, Thạch Kim, Thạch Hải và Thạch Bàn, cùng với hai ngôi đền gần với đền Lê Khôi là đền Thánh Mẫu và đền Ngư Ông. Nhưng trước khi về đền chính, các đoàn rước đều dừng lại ở đền Thánh Mẫu. Sau đó, các đoàn rước đi bằng đường biển sẽ nhập với đoàn rước của xã Thạch Hải đi đường bộ qua núi tập kết tại đền chính. Đoàn làm phim chúng tôi đã rất vất vả để có thể ghi hình được hết các đoàn rước tới Đền- cả đường bộ lẫn đường biển.

Lễ hội đền Chiêu Trưng lê Khôi là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp. Các lớp sa bồi văn hóa lịch sử, tín ngưỡng đã lắng đọng trong lễ nghi, trò diễn và nghi thức thờ cúng, khiến nó trở thành một hiện tượng văn hóa có sức thu hút lôi cuốn nhiều thế hệ...

Những năm Lê Khôi trị nhậm ở châu Hóa, ông đã làm được nhiều việc mà cả quân sĩ và dân chúng đều khâm phục tài cai quản của viên võ tướng này. Lúc ấy, đất nước đang có chiến tranh, nên dân chúng lưu tán khắp nơi, đặc biệt là đến các vùng rừng núi hẻo lánh, san đồi, vỡ đất, để tự nuôi sống mình. Ông cho quân sĩ đến thăm hỏi và chiêu dụ dân về những nơi quy định mà ông đã phác họa trên bản đồ. Ông khuyên mọi người làm ruộng, lấy nghề nông làm nghề cơ bản để có lương thực nuôi mình quanh năm và đóng góp để nuôi binh sĩ.

Lê Khôi còn khuyên các gia đình trồng dâu nuôi tằm, dệt lấy lụa, vải mà mặc. Ông cử từng đội quân nhỏ kiên trì vận động đồng bào làm ăn lương thiện và giúp đỡ quân sĩ truy bắt những tên trộm cướp. Những tên có tội nặng thì chiếu luật mà nghiêm trị. Những tên mới lần đầu phạm ở mức nhẹ thì khuyên răn rồi cho về. Nhờ đức và uy của ông, những tên "đầu trộm đuôi cướp" dần dần tỉnh ngộ, tự thấy tội lỗi của mình và ăn năn hối cải, làm ăn lương thiện...

Đời vua Thái Tông, Lê Khôi bị vu cáo bởi một số kẻ xu nịnh, ông bị cách chức, trở thành dân thường. Nhưng rồi, nỗi oan được giải tỏa, nhờ sự sáng suốt của vua Nhân Tông, ông được phục chức và được cử đến trị nhậm xứ Nghệ An.

Đại việt sử ký toàn thư  chép: Lê Khôi cùng với các tướng đi đánh Chiêm Thành bắt được chúa Chiêm. Trên dường trở về, nhuốm bệnh nặng, đoạn chiến thuyền đến Cửa Sót thì ông mất, vào ngày 03 tháng 5 năm Bính Dần (1446). Đến năm 1487, khi gia phong Lê Khôi tước vương, vua Lê Thánh Tông có bài thơ giao cho tỉnh thần đưa vào tế lễ ở Long Ngâm có câu: “Võ Mục hưng trung ẩn giáp binh”, khen ông là "người trầm tĩnh, cương nghị, trung dũng hơn người". Các bài tán của Tể tướng Bùi Huy Bích cũng ca ngợi ông là vị anh hùng đất nước, đem gươm đi mở cõi và giữ vững biên cương tổ quốc...

Xưa kia, Lê Khôi đi đánh trận về đến cửa Sót là đi bằng đường biển từ Thuận Hóa ra, vì thế, nhân ngày kỵ của ông, người dân Cửa Sót đã tổ chức những cuộc thi bơi thuyền để diễn tả lại chiến tích của ông, và chúng tôi đã đi theo thuyền chủ khảo để ghi lại những hình ảnh sôi động này trên sông biển ngập nắng.

Như vậy là, khi sống, Lê Khôi là một vị tướng giỏi giúp dân dẹp loạn, chống giặc ngoại xâm, khi mất ông trở thành một vị thánh che chở cho muôn dân mỗi khi gặp hoạn nạn... Không chỉ có công lao to lớn với đất nước, ông còn là người hết mực thương yêu, đùm bọc, chăm lo đời sống cho nhân dân, được nhân dân Hóa Châu một lòng tin yêu, mến phục, kính trọng." Sanh vi danh tướng, tử vi thần"- trong lòng người, ông đã hóa thần, luôn dõi theo phù hộ nhân dân và canh giữ vùng biên cương.

Nhân dân ở khắp mọi nơi, tiêu biểu là vùng Thạch Hà, Lộc Hà- Hà Tĩnh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên - Nghệ An và Đông Ngạc - Từ Liêm Hà Nội đã lập đền thờ vọng ông, mong nhận được sự che chở của ông... Công đức và ân nghĩa của danh tướng Lê Khôi- đặc biệt là tấm lòng thương dân như trời biển của ông đã biến thành dòng suối ngọt ngào di dưỡng tâm hồn và in hằn mãi mãi trong tâm tưởng của người dân Hà Tĩnh cũng như người dân cả nước. Phải chăng, đó cũng là bài học thấm thía cho các bậc cầm quyền cai trị dân ở bất kỳ thời đại nào... Việc làm phim giữa những ngày cuối tháng 5 bỏng lửa của chúng tôi có giúp đỡ tận tụy vô tư của người dân Thạch Hà, Lộc Hà... giống như những tán lá mát rượi- như anh Nguyễn Minh Thanh, người không quản mưa nắng đêm hôm, tạo mọi điều kiện cho chúng tôi vượt biển nhiều lần ra núi Quỳnh Viên; như anh Nguyễn Văn Ý- một cán bộ trẻ địa phương, không chỉ là người hướng dẫn chúng tôi về các chi tiết, địa điểm lễ hội, mà còn xốc vác giúp đoàn khuân chân máy, đèn đóm, phản quang... có khi hàng cây số leo núi trong suốt giai đoạn quay...

Khi đến với danh thắng này, mặc dù ít có thời gian và sự thanh thản để làm người tham quan du lịch, nhưng chúng tôi ít nhất cũng đã được tắm trong cảm giác như thi sĩ Tản Đà năm xưa: "Nước núi Sót mát lòng ưu ái”. Mát lòng, bởi công đức và ân nghĩa của ông cha ta đối với các thế hệ sau không bao giờ vơi cạn...





VVM.23.9.2024.NVA674

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .