Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT


     1. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không thể là việc của một nhóm người, càng không thể là việc của một người. Đó là việc của toàn dân, của cả dân tộc Việt Nam. Vì thế mà chúng ta, mọi người Việt Nam, phải cùng nhau giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Trong quá trình phát triển của quốc gia, dân tộc, tiếng Việt có vai trò to lớn của nó và tiếng Việt cũng đồng thời phát triển trong quá trình đó. Từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm trước, cha ông ta cũng đã có ý thức về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và nó đã là một tư tưởng có tính truyền thống.

Tuy vậy, việc nói và viết tiếng Việt hiện nay vẫn có những vấn đề cần bàn để tiếng Việt yêu quý của chúng ta luôn luôn trong sáng.

2. Từ vựng tiếng Việt đương đại bao gồm:

- Từ thuần Việt: vui, trẻ, nhà, đi, về, v.v…

- Từ của các dân tộc thiểu số anh em: cây kơnia, chim chơrao, trống ginăng, đàn tơrưng, v.v…

- Từ đã được Việt hoá hoàn toàn hay chỉ mới được Việt hóa về cách đọc từ chữ Hán (chữ Nho): độc lập, dân chủ, học, tập, v.v…

- Từ được “vay mượn” từ các ngôn ngữ nước ngoài khác (Pháp, Anh, Nga…): axit, kilômet… rất nhiều từ ngữ được dùng trong các ngành khoa học – kỹ thuật, báo chí…

Đó là 4 nhóm từ vựng chính góp phần tạo nên kho từ vựng cực kỳ phong phú của tiếng Việt. Trong khi nói và viết, về mặt từ ngữ, ta phải xử trí thoả đáng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (sẽ nêu ở phần sau).

3. Là một sinh ngữ, tiếng Việt tồn tại ở cả 2 dạng, nói và viết. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thực chất là nói và viết đúng chuẩn ở 4 mặt: chính âm và chính tả, từ ngữ, ngữ pháp-lôgích và phong cách. Mỗi người Việt Nam yêu nước, có lòng tự hào dân tộc đều phải nói và viết đúng chuẩn, hướng tới chuẩn ở cả 4 mặt nêu trên. Dưới đây là một số lỗi thường thấy trong thực tế nói, viết, trên báo, đài, trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Thấy sai và sửa lại cho đúng là tích cực góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

a. Về chính âm và chính tả:

Nói phải đúng chính âm, viết phải đúng chính tả. Phát âm sai dẫn đến viết sai. Trong thực tế, ở một số vùng miền trên đất nước ta, có những cách phát âm không đúng chuẩn:

- Nam bộ nói /dề/ hay /dìa/ thay vì /về/, …

- Bắc bộ nói /giời/ thay vì /trời/, /nhớn/ thay vì /lớn/, /châu/ thay vì /trâu/, ….

- Nam trung bộ nói /bốc/ thay vì /bóc/, /xử/ thay vì /sử/, …

Về mặt này, đề nghị nếu chỉ nói với người cùng quê, trong thôm xóm thì ta có thể nói theo giọng quê, giọng địa phương để khỏi bị mắng là “lai căng”, “mất gốc”. Nhưng khi lên tỉnh, lên phố, khi nói, viết cho người cả nước thì ta phải nói viết theo chuẩn quốc gia: Chuẩn Hà Nội hay chuẩn Sài Gòn. Có như thế, ta không những không bị chê là “nhà quê”, “tỉnh lẻ” mà hiệu quả giao tiếp mới như mong đợi được. Còn viết thì nhất thiết phải viết đúng chuẩn, đúng chính tả.

b. Về từ ngữ: Trong 4 bộ phận chính của từ vựng tiếng Việt nêu ở trên thì những từ ngữ có nguồn gốc từ chữ Nho (có người gọi là từ Hán Việt) và những từ ngữ có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài (Pháp, Anh, Nga, …) là có vấn đề:

- Từ ngữ có nguồn gốc từ chữ Nho, theo nguyên tắc, được cấu tạo bằng các từ tố gốc chữ Nho với nhau: vô + biên = vô biên, thuỷ + quân = thuỷ quân. Tuy nhiên, gần đây người ta đã không theo nguyên tắc đó nên việc tạo từ đã khá lộn xộn, đem ghép một từ tố thuần Việt với một từ tố Nho: vô + bờ bến = vô bờ bến (có thể hiểu nhầm là vào bờ, vào bến), rồi nào là đinh tặc (đinh + tặc), cá tặc (cá + tặc), bò tặc (bò + tặc)… loạn cả! Ta có thể nói, viết: hải tặc, lâm tặc, không tặc… nhưng cũng nên nói, viết: thằng (đứa, con, tên) rải đinh, trộm cá, trộm bò … mà thôi bởi vì chúng chưa phải là “giặc” và cũng không nên ghép nửa Việt với nửa Nho như thế!

Mặt khác, do không hiểu rõ nghĩa của những từ ngữ có nguồn gốc từ chữ Nho mà nhiều người, kể cả những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi cũng viết… sai! Ví dụ: “Trương buồn và ghen, đay nghiến vợ đến nỗi nàng phải nhảy xuống sông để tự vẫn” (không cần nêu xuất xứ). “Tự vẫn” là tự dùng gươm, dao để giết chết mình, còn nhảy xuống sông để chết thì gọi là “tự trầm” và nếu dùng dây để thắt cổ chết thì gọi là “tự ải”. Nếu không thông thì ta chỉ cần nói “tự tử” cho gọn. Như vậy, ta phải hiểu rõ nghĩa của từ thì mới dùng và việc tạo ra từ mới phải theo đúng qui luật.

- Đối với những từ ngữ có nguồn gốc từ các tiếng nước ngoài (Pháp, Anh, Nga, …) hiện có quá nhiều cách phiên âm khác nhau.

Ví dụ: Măcxim Gócki, Macxim Gorơki, Macxim Gorki. Trong khi chờ có một sự thống nhất, ta nên mở vòng ghi chú từ ngữ nguyên văn bên cạnh ở lần xuất hiện đầu tiên trong văn bản. Ví dụ: Uyliam Sêcxpia (William Shakespear). Ghi chú một lần thôi, không tốn kém là bao.

c. Về ngữ pháp và lô-gích: Ngoài những câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ mà ta quen gọi là “câu cụt”, “câu què” là những câu sai ngữ pháp, sai lô-gích, ta cũng rất cần phải chú ý khi sử dụng các quan hệ từ. Ở một tỉnh nọ có câu khẩu hiệu: “Hãy nói không với ma túy”, “Hãy lánh xa với ma túy”.

“Hãy nói không với ma túy” thì đúng rồi nhưng “Hãy lánh xa với ma túy” = “Hãy xéo đi với ma túy” = “Hãy cùng ma túy đi trốn”! Ở đây, sau động từ “lánh xa” không thể có quan hệ từ “với”. Một người dẫn chương trình (MC) danh tiếng nói với người tham gia gam-sô (game show): “Vì chị không tin vào sự lựa chọn của mình nên chị đã đúng”. Không phải “vì không tin”, không thể “vì không tin” mà “đúng” được. Ở đây, chỉ có thể là “Tuy chị không tin…” hay “Dù chị không tin…” “nhưng chị đã đúng”.

d. Về phong cách: Ngoài việc nói, viết phải đúng chuẩn, hướng tới chuẩn về chính âm và chính tả, từ ngữ, ngữ pháp, ta còn phải nói, viết đúng chuẩn, hướng tới chuẩn về phong cách nữa. Trong bữa cơm trưa, ông bố nói với vợ con: “Căn cứ vào chức năng, quyền hạn của một người chồng, người cha, tôi quyết định tối nay cả nhà sẽ đi ăn phở”. Nói thế thì nghe rất buồn cười vì ông dùng phong cách ngôn ngữ hành chính thay vì phải dùng phong cách ngôn ngữ sinh hoạt!

4. Cha ông ta từng răn bảo:

- “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

- “Ăn nên đọi, nói nên lời”.

- “Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Tự hào về nền văn hóa dân tộc, tự hào về tiếng Việt rất giàu và rất đẹp, mọi người Việt Nam chúng ta phải phấn đấu, rèn luyện nói và viết đúng chuẩn, hướng tới chuẩn, cùng nhau giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt muôn vàn yêu quí của chúng ta.




VVM.19.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .