M
ở đầu bằng câu chửi điệp: "Chém cha cái khó! Chém cha cái khó!" và những lời dằn dỗi, mạt sát cái nghèo, cả bài Hàn Nho Phong Vị Phú
(bài phú về phong vị nhà nho nghèo) của Nguyễn Công Trứ lại là một bài văn đọc rất vui, thấp thoáng sau những câu,
chữ là nụ cười chẳng phải khinh bạc, nửa miệng, mà hóm hỉnh.
Tác giả giáo đầu "Kìa ai" nhưng nội dung toàn bài là lời tự trào của một học trò nghèo, một nhà nho lúc chưa đắc chí.
Cảnh nhà được vẽ ra cùng cực tưởng không thể nghèo hơn được nữa: nhà cỏ, tường mo, kèo mọt tạc, cửa nhện giăng,
phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng, vách thủng, mái dột, ... Song chẳng phải với giọng bi quan, oán thán,
mà là giọng hoạt kê như là biếm họa, tả thực đến từng chi tiết lại hàm ý sâu xa, cười cợt đó mà cám cảnh đó.
Chẳng phải ai cũng nhìn ra những hình sao mọt tạc đầu kèo nhà, những màn gió nhện giăng trước cửa,-mà không ra vẻ nói trạng.
Ngay cả những áng văn tả chân hiện đại chưa thấy ở đâu hơn được những câu thật ý nhị của bài phú,
ví như: "Bóng nắng dọi trứng gà trên vách, thằng bé tri trô; / Hạt mưa xoi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó."
Đây mới đúng là văn phong và phong độ của Uy-viễn tướng công, chẳng sợ, chẳng lụy, chẳng ngán cái nghèo;
từng than "chưa chán ru mà quấy mãi đây" coi cái nghèo chẳng qua là một anh cù lần ám người ta mà quấy rầy.
Có thể nghĩ rằng mấy câu mở đầu bài phú là cách vào bài gấp gáp làm ra vẻ thịnh nộ vậy thôi, chứ thật ra "ông đây" bất chấp.
Tuy nhiên, cái nghèo là hiện thực. Nghèo đến mức vật nuôi hay vật hoang sống kề người cũng phải ngán ngẩm:
"Trong cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu; / Đầu giàn chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ".
Nhà hiền triết nước Tàu xưa khuyên người ta "thực bất cầu bão, cư bất cầu an" (ăn không cầu no, ở không cầu yên)
chắc chẳng ngờ mấy nghìn năm sau ở một xứ sở xa xôi có người vận dụng một cách "đắc địa" thế này:
"Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cần no; / Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho,
đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ". Chẳng phải nói phách kiểu bất cần đời hoặc để tự an ủi, cũng chẳng phải lên giọng cho ra vẻ "an bần, lạc đạo", mà ngẫm ra cái giọng điệu hài hước tự diễu của một tâm hồn lạc quan.
Nhà cửa đã vậy, các tiện nghi sinh hoạt cũng ở mức bần cùng trong tầng lớp "sĩ": bốn mùa
"áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối; và "khăn lau giắt đỏ lòm, trải làm chiếu, vận làm quần"; võng lác, quạt mo,
dép da, guốc gỗ. Sống cũng phong lưu đấy, đủ món, đủ trò, nhưng mà: quạt sậy, điếu tre; ấm đất (để chuyên trà) sứt vòi, be sành (để đựng rượu)
chắp cổ; tranh treo vách khói ám lem luốc, sách gác giàn gián nhấm lăm nhăm; cỗ bài lá thì cũ mòn, bàn cờ tướng thì xộc xệch.
Lộc ăn "lúa chất đầy giường", - nói "chất đầy" ra vẻ lắm, nhưng lúa chất trên giường thì phỏng được bao lăm! Lại nữa,
lúa nguyên bông treo để dành "chừng một triêng, một bó" chắc chẳng đủ cho gà ăn! Song chẳng cần, ta dùng "phương tịch cốc", - bài thuốc nhịn cơm.
Tưởng gì! té ra thay bằng... khoai, song le khoai cũng chỉ "vừa một giỏ"! Thật ra, giọng bông phèng kiểu như "ngon khéo là ngon", "của đâu những của" cũng khó làm dịu đi cái cảnh "Đến bữa chưa sẵn bữa, con trẻ khóc dường ong / Quá kì lại hẹn kì, nhà nợ kêu như ó".
Những toan kiếm kế sinh nhai: làm thầy thuốc "rắp bòn chài gỡ bữa" thì thiếu ý; làm thầy pháp "mong dối trá kiếm ăn"
lại không đủ dũng; làm thầy bói "toan nhờ lộc thánh" thì "chẳng bõ bèn"; làm thầy địa lí "toan bán đất trời" thì ngay tìm nơi
táng cha mình còn chưa ra nói chi tìm cho người khác. Đúng là sa vào cảnh "Gấp khúc lươn nên ít kẻ yêu vì; / Giương mắt ếch biết vào đâu mượn mõ".
Bấy giờ mới rõ thế thái nhân tình. Đến vay, đến nhờ cậy người thân, kẻ quen thì "ta đã mỏi cẳng ngồi trì" mà "nó những vuốt râu làm bộ".
Thế chưa phải đã là cùng cực nhục nhã: "Thầy tớ sợ men tìm đến cửa, ngảnh mặt cúi đầu; / Chị em e vất lấm vào lưng,
chìa môi nhọn mỏ"; và "Láng giềng ít kẻ tới nhà; / Thân thích chẳng ai nhìn họ".
Cùng đường mà không thể làm bậy bởi nghĩ "tủi con nhà mà hổ mặt anh em" mà cũng "e phép nước chưa nên gan sừng sỏ".
Đây là những lời bộc bạch rất thẳng thắn. Không được như ai do bản chất trong sạch, hướng thiện thì nói thật: vì tủi hổ cũng có,
vì sợ phép nước cũng có, chứ không lên gân, không đạo đức giả. (Hơn xa những kẻ chẳng biết tủi hổ, mà cũng chẳng biết sợ phép nước;
nhất là ngày nay!). Tuy nhiên, tìm niềm an ủi, cũng là mình tự răn mình: "Cùng con cháu thuở nói năng chuyện cũ,
dường ngâm câu lạc đạo vong bần (vui đạo quên nghèo); / Gặp anh em khi bàn bạc sự đời, lại đọc chữ vi nhân bất phú
(làm điều nhân chẳng ai giàu). Dẫu nghĩ có số, có phận song vẫn tin sống có đức thì "ắt trời kia chẳng phụ".
Và, nhất là noi gương người xưa, tin ở tài của mình, chí của mình: "Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính,
cũng có khi ngựa cưỡi dù che". Trong cảnh nghèo hèn hiện tại vẫn tự hào với cái vốn tri thức của mình, còn "ai ruộng sâu trâu nái,
đụn lúa kho tiền" (nhà giàu ngày trước) thì "cũng bất quá thủ tài chi lỗ", là tên giặc giữ của mà thôi!
Tác giả có giọng đùa đùa với cái nghèo chẳng phải tán tụng cái nghèo, cũng chẳng cam nghèo, nhưng không cố làm giàu bằng mọi giá,
và không chịu làm anh trọc phú. Trước hết và trên hết là sự nghiệp.
Ngày trước, Xuân Diệu ca cẩm: "Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt / Cơm áo không đùa với khách thơ".
Các tác giả "Thi nhân Việt Nam" chê không có bản lĩnh trước cái nghèo bằng Nguyễn Công Trứ, người tiền bối
đồng hương Hà Tĩnh của mình. Xem ra thì so với người thời nay Xuân Diệu hãy còn "chất phác" chán!
Cổ văn dạy trong nhà trường phổ thông hình như chỉ có một bài thể phú, và trong các bài văn thơ đủ loại
được tuyển để giảng dạy hình như cũng rất ít bài mang chất trào phúng, trừ các bài thuộc thể loại ấy. Vẫn biết cảnh đời,
lẽ đời, tình đời nay đã rất khác xưa, và cảnh nghèo thì muôn vẻ. Xưa, đời tăm tối hơn nhưng người thì thuần hậu hơn.
Nay, "văn minh" hơn, mà phức tạp hơn. Song, ở thời nào thì cuộc sống cũng cần hướng tới trước.
Hàn nho phong vị phú có thể truyền lại cái "lẽ yêu đời" của người xưa cho hậu thế.
Nữa, các tác giả "Thi nhân Việt Nam", trong bài nói về Nam Trân, cho rằng lối thơ tả chân xưa
ở ta không có chỉ nhặt được rải rác đây đó đôi câu. "Hàn nho phong vị phú" là cả một bài!
Đành rằng phú không là thơ, song cũng khá gần thơ. Trong kho tàng cổ văn nước ta, từ thơ cho tới văn xuôi,
hiếm có bài nào vừa hiện thực, vừa lãng mạn, lại đậm chất trào phúng như bài phú này.
VVM.07.9.2024.
Đây mới đúng là văn phong và phong độ của Uy-viễn tướng công, chẳng sợ, chẳng lụy, chẳng ngán cái nghèo; từng than "chưa chán ru mà quấy mãi đây" coi cái nghèo chẳng qua là một anh cù lần ám người ta mà quấy rầy. Có thể nghĩ rằng mấy câu mở đầu bài phú là cách vào bài gấp gáp làm ra vẻ thịnh nộ vậy thôi, chứ thật ra "ông đây" bất chấp. Tuy nhiên, cái nghèo là hiện thực. Nghèo đến mức vật nuôi hay vật hoang sống kề người cũng phải ngán ngẩm: "Trong cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu; / Đầu giàn chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ". Nhà hiền triết nước Tàu xưa khuyên người ta "thực bất cầu bão, cư bất cầu an" (ăn không cầu no, ở không cầu yên) chắc chẳng ngờ mấy nghìn năm sau ở một xứ sở xa xôi có người vận dụng một cách "đắc địa" thế này: "Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cần no; / Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ". Chẳng phải nói phách kiểu bất cần đời hoặc để tự an ủi, cũng chẳng phải lên giọng cho ra vẻ "an bần, lạc đạo", mà ngẫm ra cái giọng điệu hài hước tự diễu của một tâm hồn lạc quan.
Bấy giờ mới rõ thế thái nhân tình. Đến vay, đến nhờ cậy người thân, kẻ quen thì "ta đã mỏi cẳng ngồi trì" mà "nó những vuốt râu làm bộ". Thế chưa phải đã là cùng cực nhục nhã: "Thầy tớ sợ men tìm đến cửa, ngảnh mặt cúi đầu; / Chị em e vất lấm vào lưng, chìa môi nhọn mỏ"; và "Láng giềng ít kẻ tới nhà; / Thân thích chẳng ai nhìn họ".
Các tác giả "Thi nhân Việt Nam" chê không có bản lĩnh trước cái nghèo bằng Nguyễn Công Trứ, người tiền bối đồng hương Hà Tĩnh của mình. Xem ra thì so với người thời nay Xuân Diệu hãy còn "chất phác" chán!