Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


làng Thêu Quất Động - Thường Tín

BẢO TỒN TINH HOA XỨ ĐOÀI


B ốn mươi tư năm, ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954-10-10-2008) sự kiện sáp nhập tỉnh Hà Tây (xưa là xứ Đoài- phía Tây kinh thành Thăng Long) và một phần tỉnh Hòa Bình về Hà Nội, mở rộng Thủ đô, làm rung chuyển lòng người.         

       Sau một đêm, người Hà Tây choàng tỉnh giấc, bỗng thấy mình thành “dân Hà Nội”. Tự hào. Mừng vui. Ai cũng muốn phải làm một cái gì đó cho xứng với danh xưng “Người Hà Nội”.      

         Còn “Người Hà Nội” cũ thì thấy trời đất Hà Thành như rộng dài hơn, muốn với tay xây dựng cơ đồ. Song trước khi làm một việc gì mới, người Việt thường thận trọng- “Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”.      

    Mở ngàn trang sách cổ, đi nát vạn dặm đường đất, đá, sông, suối, cánh đồng, làng quê, gặp bao kiếp người… ta vẫn khó có thể trả lời được câu hỏi:  

- Đất Hà Tây- Người Hà Tây là thế nào?       

     Kính cẩn nghiêng mình trước núi sông, đồng ruộng, xóm làng, hồn thiêng tiên tổ, chúng ta sẽ nhận được những gợi mở đa chiều.      

    Tiếng nói từ thẳm sâu linh diệu vang lên:       

          -“Đất có lề, quê có thói”.      

     Những “lề”, “thói” của một vùng dân cư được chưng cất ngàn năm, thành Tinh hoa, chính là văn hóa của vùng đó. Văn hóa được hình thành bởi sự sống sự, sáng tạo hằng ngày của con người, gắn chặt với địa lý và lịch sử. Người ta truyền tụng ở Bắc kỳ Việt Nam, ngoài Hà Nội và Nam Định, thì Tinh hoa chỉ có ở Bắc Ninh và Sơn Tây (xứ Đoài). Tinh hoa xứ Đoài sinh ra từ Con người- Trời- Đất xứ Đoài, tạo nên một vùng văn hóa có tiếng từ xa xưa đến nay. Dù xứ Đoài có nhập vào địa danh Hà Nội, thì Tinh hoa xứ Đoài không đời nào chịu biến thành Tinh hoa Hà Nội.  

         Bởi xứ Đoài, Trời- Đất linh thiêng. Thần Tản Viên và các vị thần đứng đầu Việt Nam còn ngự trên núi Tản. “Thánh hiển muôn đời dựng núi sông”. Con người xứ Đoài từ cổ chí kim, tắm nước sông, uống nước suối, thở hít khí thiêng Đất- Trời, làm ăn, vui sống cùng núi đồi, cánh đồng, làng mạc… xứ Đoài. Họ không thể biến chất sau một đêm. Niềm tin này thúc đẩy chúng ta nhận thức sâu sắc rằng phải bảo tồn Tinh hoa xứ Đoài, làm cho nó tỏa sáng, tạo đà, giữ cho bước chân người Việt Nam thế kỷ XXI bám chắc vào mảnh đất, dòng sông, cánh đồng, khí hậu, kết nối hồn thiêng tổ tiên, sông núi mà đi lên.(*).  

        Chúng ta có thể khám phá Tinh hoa xứ Đoài từ những tiêu chí sau:     

   1. Địa lý:       

      Nhà sử học Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã khẳng định: “Trấn Đoài ở về phía Tây, núi cao, sông dài và sâu… nhiều đời đây là phên dậu của đất kinh kỳ”. Trấn Đoài là một trong bốn trọng trấn ở Bắc Kỳ: Sơn Tây (trấn Đoài), Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam. Bốn trấn này là bốn thành trì bảo vệ kinh đô Thăng Long. Trấn Đoài rộng lớn gồm 5 phủ, 24 huyện mà ngày nay bao gồm hầu như toàn bộ tỉnh Vĩnh Phú, huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang và hơn một nửa tỉnh Hà Tây.       

   Đó là một vùng đất cổ của người Lạc Việt nằm ở phía Tây thành Thăng Long nên gọi “trấn Đoài”. Tên gọi của trấn Đoài luôn thay đổi: “Sơn Tây” thời Hồng Đức (1470- 1497), “Sơn Tây trấn” thời Gia Long, nay là “Hà Tây” mới nhập vào Hà Nội tạm gọi là “thành phố Hà Nội mở rộng”. Dù tên gọi thay đổi, hợp tan, tan hợp tùy thời, nhưng vị trí chiến lược và xung yếu của Sơn Tây (Hà Tây, xứ Đoài) luôn là “cửa ngõ”, là “áo giáp” chở che cho Thăng Long- Hà Nội ngàn năm bền vững.       

    2. Thiên nhiên:  

        Thiên nhiên xứ Đoài đa dạng: núi cao, gò đồi đá ong, thung lũng, cánh đồng lúa nước, đường đi lên, xuống lượn quanh, hai dòng sông Hồng và sông Tích Giang bao bọc hai hướng Bắc- Nam, tắm tưới phù sa và gây nhiều lũ lụt… Thảm thực vật phong phú. Cây rừng nhiệt đới nhiều lớp tán, tre, vầu, cây cao, vườn cây ăn quả, cây thuốc Nam, lúa ngô xanh tốt… Khí hậu chưa dịu hòa nhưng không quá khắc nghiệt. Nắng lắm. Mưa nhiều. “Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì”… Núi Tản Viên được coi là núi tổ của nước ta, nơi ngự trị của các vị thần đứng đầu các thần Việt nam. Câu đối ở đền Thượng núi Tản Viên:      

         

         “Thần công trăm trận tan kình ngạc
                        Thánh hiển muôn đời dựng núi sông”       

     Xứ Đoài là vùng đất đế vương. Vua Phùng Hưng. Vua Ngô Quyền. Dấu tích Trưng Nữ Vương. Xứ Đoài đất đai trù phú, địa hình có vị trí chiến lược, có thể khống chế, tiếp viện cho thượng du Tây Bắc và thượng lưu sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, làm hậu cứ giữ yên Tây Bắc, Việt Bắc và bảo vệ vùng biên cương. Sơn Tây là con đường phải đi qua để vào Vân Nam- Trung Quốc. Xứ Đoài, nơi diễn ra nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, giữ kinh thành Thăng Long, giữ thành Sơn Tây… còn ghi hình ảnh dũng liệt của các tướng Cờ đen: Lưu Vĩnh Phúc, Bá Dương, Bá Thái…      

   3. Lịch sử và thuần phong mỹ tục:      

   Xứ Đoài có truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời. Đền Và thờ thánh Tản Viên, Đường Lâm quê hương của Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền, Thành cổ Sơn Tây, Nhà thờ Giang Văn Minh, Thành phủ Quảng Oai, Phủ thành Quốc Oai … Tiến sĩ Mai Hồng phát hiện di sản Hán Nôm xung quanh thành cổ Sơn Tây và xứ Đoài hiện đang lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội. Các sách: Sơn Tây sự tích kể sự tích thành trì Sơn Tây và hạt Vĩnh Yên với núi sông, đền miếu, chùa chiền, phụ lục thơ văn, câu đối, bi ký... Sơn Tây dư đồ viết về vị trí, giới hạn, tên phủ huyện, núi sông, thành trì, nhân vật, học hiệu, lăng mộ, đền miếu, khí hậu, phong tục, lâm thổ sản, cách làm ăn… Sơn Tây địa chí viết về địa giới, khí hậu, văn tế thần, văn bia, câu đối… Sơn Tây quận huyện bị khảo… Sơn Tây tỉnh chí viết về hình thế núi sông, danh nhân, danh thần tiết phụ, liệt nữ, hiếu, tử, thờ tự, sự tích các vị thần… Sơn Tây tỉnh toàn hạt phủ, huyện, châu, tổng… Sơn Tây Bắc môn Hậu Tĩnh phố thắng lệ ghi văn tế thần, nghi thức tế lễ, câu đối hoành phi của đền… Những bộ sách này chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục, nghệ thuật, thành quách, đền chùa đình, ẩm thực, nhân vật thần kỳ, văn thơ, câu đối cổ, chợ búa, nghề thủ công, kiến trúc, phong cảnh, sản vật, đời sống, hồn người… xứ Đoài, giúp chúng ta tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng, làm sống lại Tinh hoa xứ Đoài, giao thoa và song song phát triển cùng Tinh hoa Hà Nội.      

     4. Văn hóa tâm linh:  

        Xứ Đoài trầm tích một vùng văn hóa tâm linh Lạc Việt. Đền Và, chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đền miếu thần kỳ, đình làng Tây Đằng, những truyền thuyết, huyền thoại Sơn Tinh Thủy Tinh, sự tích thần Tản Viên- một trong tứ vị thần bất tử Việt Nam, Bà Man Thiện- người mẹ anh hùng của Hai Bà Trưng, Bố Cái Đại Vương- vua lớn Phùng Hưng… với những bài văn tế thần, lễ nghi cũng bái, lễ hội đền chùa, các lễ hội về Thánh Tản: rước bài vị Thánh qua sông Hồng, mở tiệc cá gỏi làm bằng cá lăng, cá quất dâng lên Sơn Tinh, rước Thánh Tản về tế Đền Hùng… tràn khí thiêng địa linh, nhân kiệt. Người Việt Nam bao đời nay vẫn ngưỡng vọng nối kết cùng sức mạnh tâm linh Lạc Việt nơi non nước xứ Đoài.  

        5. Cảnh sắc đặc thù:  

             Xứ Đoài cảnh vật hữu tình. Ao Vua, Thác Đa, hồ Ngải Sơn, Đồng Mô, Suối Hai, vườn quốc gia Ba Vì, núi Tản Viên, phố cũ thành Sơn, Thành cổ Sơn Tây, ấp xưa Đường Lâm, dãy núi Ba Vì âm vang giàn cồng chiêng, sông sâu dồn tiếng mái chèo khua nước… Sơn thủy xứ Đoài tươi xanh, linh diệu ấy, hứa hẹn tiềm năng du lịch sinh thái trong lành. Nhưng chớ vội biến thiên nhiên kỳ tú xứ Đoài thành “công nghiệp hóa”, thành “du lịch hiện đại hóa”, kéo theo tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường như Thái Lan. Các doanh nhân cùng các nhà văn hóa, nhà trí thức, nhà quản lý… hợp lực nghĩ suy, phát triển du lịch trên cái nền của văn hóa tâm linh và bảo vệ môi trường tự nhiên của xứ Đoài.  

        6. Làng nghề truyền thống:  

       Xứ Đoài với hàng trăm làng nghề truyền thống, lập nghiệp trên đất Kinh Kỳ- Kẻ Chợ, tạo nên sự thịnh vượng của Thăng Long- Hà Nội. Nghề chạm gỗ thuộc xứ Đoài: Chàng Thôn, Nhân Hiền, Chàng Sơn, Quốc Oai, (tương truyền ông tổ nghề ở Chàng Thôn- Ba Vì). Nghề khảm trai làng Chuyên Mỹ. Nghề thêu ở Quất Động - Thường Tín (quê hương của nhà văn Từ Vũ VVM)… Và rất nhiều sản vật đất trời, con người xứ Đoài ban tặng, có thể tạo thêm những nghề mới. Bao nhiêu làng nghề là bấy nhiêu nét tài hoa cha ông gửi lại, giúp con cháu có cuộc sống no đủ, bình yên. Giữ lấy những làng nghề xứ Đoài trong sự sáng tạo không ngưng nghỉ, hội nhập thế giới, là con đường lập nghiệp của giới trẻ hôm nay.      

  Thời cuộc đổi thay. Xứ Đoài giờ đây được gọi là Hà Nội. Nhưng, đừng chạy theo những gì ta không có. Bạn trẻ và các doanh nhân xứ Đoài hãy sống cùng Tinh hoa xứ Đoài, tiếp tục khám phá và bảo tồn Tinh hoa xứ Đoài. Đấy là bí quyết mang lại lợi ích thiết thực, bền vững và bình yên cho mỗi chúng ta, khi xứ Đoài được mang tên Hà Nội.

   Hồ  Gươm- 2008
   *  Bài viết này của chúng tôi được nghiên cứu từ các tham luận Hội thảo khoa học về Thành cổ Sơn Tây do tiến sĩ Đinh Công Vĩ, kỹ sư Lê Văn Chung và phòng Văn hóa Thông tin thành Sơn Tây tuyển chọn, in trong cuốn Di tích thành cổ Sơn Tây (NXB Văn hóa Thông Tin- 2008)  


   


VVM.24.8.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com