Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


(1912 – 1960)

NGUYỄN HUY TƯỞNG
NHÀ VĂN CỦA HÀ NỘI, CỦA TUỔI THƠ


N guyễn  Huy Tưởng nổi tiếng với tác phẩm "Sống mãi với thủ đô", một tiểu thuyết  lịch sử tiêu biểu về đề tài kháng chiến chống Pháp của dân quân Hà Nội.  Ngoài tiểu thuyết và kịch, ông còn viết  sách cho thiếu nhi như Tìm mẹ,  Lá cờ thêu sáu chữ vàng, An Dương Vương xây thành Ốc … Vì vậy người ta còn gọi  Nguyễn Huy Tưởng  là nhà văn của Thủ đô và của tuổi thơ.   

Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6 tháng 5 năm 1912 ở làng Dục Tú, huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Nguyễn Huy Tưởng mất ngày 25 tháng 7 năm 1960 tại Hà Nội. Năm 1995, Hội Đồng Nhân Dân TP Hà Nội đã đặt tên ông cho một đường phố của thủ đô (bên cạnh phố Nguyễn Tuân, nhà văn và bạn của ông). 

Như những người cùng thế hệ, ông sớm tham gia các phong trào và các tổ chức yêu nước.   Ông  khai thác đề tài lịch sử để viết kịch, tiểu thuyết. Qua đó ông thể hiện lòng yêu nước của một người cầm bút.  Trong tác phẩm của mình, NHT đề cao truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. 

Những tác phẩm  tiêu biểu của ông là tiểu thuyết lịch sử   Đêm hội Long Trì,  tiểu thuyết lịch sử  An Tư công chúa, kịch lịch sử Cột đồng Mã Viện, kịch ba hồi Những người ở lại .  Ký sự Cao-Lạng.   Tác phẩm mang lại danh tiếng cho NHT là kịch lịch sử Vũ Như Tô, tiểu thuyết lịch sử Sống mãi với Thủ đô.  

Vũ Như Tô là tác phẩm dày công của Nguyễn Huy Tưởng. Cho tới nay, nhiều bài viết về Nguyễn Huy Tưởng nói chung và kịch Vũ Như Tô nói riêng vẫn ghi niên đại ra đời của tác phẩm này là năm 1941. Tháng 4-1943, Nguyễn Huy Tưởng giới thiệu vở kịch với tạp chí Tri Tân, thì chỉ nửa năm sau, VũNhư Tô của ông bắt đầu được đăng tải. Ngay khi vở kịch còn chưa đi đến kỳ báo cuối cùng thì đầu năm 1944, Nhà xuất bản Anh Hoa của Thái Bá Cơ đề nghị ông cho in sách. Những nhận thức mới về cách mạng và dân tộc, sứ mạng và trách nhiệm của nhà văn  đối với nền văn hóa nước nhà mà ông tiếp thu được của đoàn thể, càng thôi thúc ông sửa chữa tác phẩm. Những băn khoăn về vở kịch lúc này được đem ra trao đổi với nhiều bạn bè, đồng nghiệp mà nhiều người đồng thời cũng là đồng chí của ông. Có thể nhắc đến ở đây những người đã góp ý cho vở kịch, được Nguyễn Huy Tưởng ghi lại trong nhật ký: "Đặng Văn Phan nói nếu sửa chữa vài chỗ thì vở kịch có thể rất "vĩ đại" (nhật ký ngày 15-3-1944); "Như Phong khen Vũ Như Tô, nhưng bảo nên cho Vũ ít envolée nữa" (ý nói cho nhân vật Vũ Như Tô bay bổng hơn nữa; nhật ký ngày 24-4-1944). Đặc biệt một người bạn là Nguyễn Trọng Hoàn đã cho ông những ý kiến rất quan trọng: "Phải thêm các nhân vật vào cho linh động: có xô xát, có chiến đấu.Phải tả rõ những tư tưởng tuy không rõ rệt, nhưng đã phôi thai trong óc quần chúng: vì đã có thợ ở trong trường hoạt động" v.v... Từ những ý kiến khen chê đó, đặc biệt là gợi ý đầy "đảng tính" của Nguyễn Trọng Hoàn, Nguyễn Huy Tưởng đã tiếp thu, sàng lọc và dành toàn bộ hai tháng cuối năm 1944 choviệc trước thuật. Vở kịch được phát triển lớn dần, hay mượn lời một nhân vật của chính vở kịch, "công việc thì cứ nở ra". Nếu như ban đầu, tác giả đặt mục tiêu là sửa lại, thì sau đó, ông quyết định: "Làm lại.

Ngày 20-12-1944, Nguyễn Huy Tưởng thể thở phào nhẹ nhõm: "Sửa xong Cửu trùng đài. Chép lại xong bản thảo, ông giao cho nhà Anh Hoa và được hẹn đến tháng sáu năm sau (1945) sẽ in. Nhưng rồi Nhật đảo chính Pháp và tiếp đến là những ngày tiền khởi nghĩa... Đủ những rối ren khiến cho vở kịch của ông không thể được in. May thay, cái giá phải trả cho sự lựa chọn "vì nghệ thuật" chỉ là nhất thời. Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra triển vọng mới cho những tác phẩm tiến bộ, trong đó có Vũ Như Tô. Ngày 18-6-1946, vở kịch được cấp giấy phép kiểm duyệt.  Nhưng trước khi đưa in, ông còn sửa lại một lần nữa, Vàkết quả là hơn ba tháng sau, vở kịch được in ra, có dạng như hiện nay. Như vậy, tính từ khi được khởi bút cho đến khi định hình, kịch bản Vũ Như Tô đã làm một cuộc hành trình kéo dài hơn bốn năm, với ba lần được viết đi viết lại. Cách đây vừa tròn sáu mươi năm đúng vào dịp kỷ niệm Tết Độc lập  lần thứ hai (tháng 9-1946), vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng được xuất bản.

Kịch kể câu chuyện xảy ra giữa đất Đông Đô-Thăng Long đầu thế kỷ 16.

Lê Tương Dực (1495 - 1516) tên húy là Oanh là vị vua thứ chín của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1509  đến khi bị Trịnh Duy Sản giết hại ngày 7 tháng 4 âm lịch năm 1516.

Lê Oanh sinh ngày 25 tháng 6 năm 1495.  Ông là cháu nội của vua Lê Thánh Tông, con thứ hai của Kiến Vương Lê Tân và bà Huy từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Tuyên, người làng Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương (tức Thọ Xuân, Thanh Hoá).

Lê Uy Mục giết hại tông thất, giam cầm Lê Oanh. Lê Oanh đút lót cho người canh cửa bỏ trốn, được đại thần thất sủng là Nguyễn Văn Lang lập làm minh chủ.  Tháng 11 năm 1509,  Lê Oanh đưa quân về chiếm Đông Kinh (Hà Nội) bắt được và bức Lê Uy Mục tự tử ngày 1 tháng 12 âm lịch năm 1509.

Lê Oanh tự lập làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận, Vua Lê Tương Dực chơi bời xa xỉ truỵ lạc, bỏ bê việc nước. Vua sai Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài. Quân dân làm trong mấy năm trời không xong, hao người, tổn của, lòng dân oán trách.

Tình hình rối ren mà vua Lê Tương Dực (Trư Vương: vua lợn) không đếm xỉa đến. Nguyên Quận công là Trịnh Duy Sản nhiều lần can ngăn không được. Trịnh Duy Sản giả mượn tiếng đi đánh giặc, mờ sáng ngày 7 tháng 4 âm lịch năm 1516 đem binh vào cửa Bắc Thần giết vua Tương Dực. 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi:

"Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp, song chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên dẫn đến nguy vong là bởi ở đấy."  

Nhà sử học Trần Trọng Kim nhận xét Nhà Lê thời kỳ sau Lê Túc Tông:

Từ vua Uy Mục (1505-1509,Qủy Vương: say đắm tửu sắc, giết công thần) trở đi thì cơ nghiệp nhà Lê mỗi ngày một suy dần, vì rằng từ đó về sau không có ông vua nào làm được việc nhân chính, và lại thường hay say đắm tửu sắc, làm những điều tàn ác, cho nên thành ra sự giặc giã, thoán đoạt, đến nỗi  về sau dẫu có trung hưng lên được, nhưng quyền chính trị vẫn về tay kẻ cường quyền  (vua Lê chúa Trịnh)"   (trang 268 ,  Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa, 2006) 

Vũ Như Tô là kịch lịch sử 5 hồi viết về một sự kiện lịch sử xảy ra ở Thăng Long  năm 1516 - 1517. Vũ Như Tô, một kiến trúc sư thiên tài, bị vua Lê Tương Dực bắt xây Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc. Vốn là một nghệ sĩ chân chính, Vũ Như Tô kiên quyết từ chối. Theo lời khuyên của Đan Thiềm, Vũ Như Tô đã chấp nhận và khởi công xây dựng. Nhưng công việc xây dựng kéo dài gây biết bao tai hoạ cho nhân dân. Lợi dụng tình hình rối ren ấy, Trịnh Duy Sản đã dấy binh nổi loạn giết chết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm. Cửu Trùng Đài bị thiêu huỷ.

Vũ Như Tô khát khao hiến dâng tất cả cho nghệ thuật.  Ông đắm chìm trong công việc.Biết tin có bạo loạn, Đan Thiềm hết lời khuyên giục Vũ Như Tô đi trốn. Nhưng ông không nghe vì tin mình "quang minh chính đại. Tình hình càng nguy kịch: vua bị giết, hoàng hậu, Đông các đại học sĩ tự vẫn. Đám cung nữ bị bắt. Đan Thiềm cũng bị bắt nhưng vẫn hết lời kêu xin Ngô Hạch tha cho Vũ Như Tô, vì "nước ta còn cần nhiều thợ tài để tô điểm". Ngô Hạch sai quân lính trói Vũ Như Tô. Đến lúc này Vũ Như Tô vẫn hi vọng An Hoà Hầu sẽ cởi trói để ông xây nốt Cửu Trùng Đài. Khi quân khởi loạn đốt phá Cửu Trùng Đài thì Vũ Như Tô mới tỉnh ngộ. Ông trơ trọi đau đớn vĩnh biệt Cửu Trùng Đài rồi bình thản đi ra pháp trường.

Kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, sau nửa thế kỷ im ắng với những dè dặt, nay kịch này xuất hiện trong Hội thảo khoa học về Nguyễn Huy Tưởng tổ chức tại Viện Văn học tháng 5-1992 và trên sân khấu lần đầu tiên do nhà hát Tuổi trẻ thực hiện trong hội diễn sân khấu toàn quốc 1995. Theo Phạm Vĩnh Cư, hai vấn đề mấu chốt của tác phẩm: hình tượng nhân vật chính Vũ Như Tô và tính chất của mâu thuẫn kịch.

Vũ Như Tô là một ông trùm (nay gọi là tổng công trình sư),là người biết rất rõ sức mạnh hiểu biết  của kẻ sĩ:

" Kính sĩ mới đắc sĩ " ; " Một ông quan trị dân,với một người thợ giỏi ,....tiện nhân không biết người nào mới đáng gọi là sĩ "; và điều kiện cần có để kẻ sĩ làm việc:

" Được biệt đãi, có địa vị thì những kẻ tài hoa mới xuất hiện, tranh nhau tô điểm nước non " (lời của Vũ Như Tô nói với Vua Lê Tương Dực )

Vũ Như Tô tài tới mức: "sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ", một họa sĩ "chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công", một nhà điêu khắc "có hoa tay tuyệt thế, chạm trổ, nạm đục... không kém đường gì"(Lời quan thượng thư bộ công Lê An)Tại sao Nguyễn Huy Tưởng lại đưa vấn đề này vào kịch?   Lịch sử Việt Nam cho thấy, chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm là kẻ sĩ duy nhất được trọng vọng, chứ ông cũng không được trọng dụng.  Kẻ sĩ trong suốt chiều dải lịch sử VN chỉ là những người làm theo ý vua.  Cởi áo từ quan như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm là những ví dụ hiếm hoi. 

Ở  đời "khiển tướng không bằng khích tướng". Nhân vật cung nữ Đan Thiềm, vừa là bạn tri kỷ vừa là người rất hiểu Vũ Như Tô khi nói:

" Đôi mắt thâm quầng này là là do những lúc thức khi người ngủ, khóc khi người cười, thương khi người ghét " ; "Tài làm lụy ông, cũng như nhan sắc phụ người "; " Sắc vứt đi được nhưng tài phải đem dùng "; " chấp kinh phải tòng quyền "; .." Nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời...̣

"Vũ Như Tô  say mê sáng tạo. Niềm say mê ấy như là thuốc súng, như là ét-xăng nằm sẵn bên trong nhân vật bi kịch, chỉ chờ được châm để nổ cháy. Trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng, người châm cho say mê nơi Vũ Như Tô bốc lửa là Ðan Thiềm" (lời Phạm Vĩnh Cư).  Vốn mang trong mình ý định "tranh tinh xảo với Hóa công", Vũ Như Tô tự tin đủ sức xây cất những công trình còn hoành tráng nguy nga hơn mọi kỳ quan mà chàng đã thấy tận mắt ở Trung Quốc, Chiêm Thành, Ấn Ðộ

Phạm Vĩnh Cư rất có lý khi phân tích nhân vật Vũ Như Tô:

Ở tuổi sung mãn về trí và lực, "nghệ sĩ tài trời đã ngoại tứ tuần đòi vua cho y "toàn quyền làm việc, kẻ nào trái lệnh chém bêu đầu". Công trình với năm vạn thợ bên trong và mười vạn thợ bên ngoài được so sánh với cuộc chiến tranh với nước ngoài. Cái quyền sống của nhân dân bị hy sinh không thương tiếc Ðối với Vũ Như Tô, "Cửu Trùng Ðài quý hơn tính mạng của chàng. Trong y, không có chỗ cho những băn khoăn trăn trở về cái giá mà nhân dân phải trả cho tác phẩm nghệ thuật tuyệt mĩ của y…"

Trong thâm tâm, Vũ Như Tô biết y xây cung điện chín tầng trăm nóc trước hết cho mình, để thể hiện cái tài của mình. Y nói thẳng với Lê Tương Dực: "Xây Ðài Cửu Trùng, vì hoàng thượng thì ít, mà vì tiện nhân thì nhiều"…

"…Vũ Như Tô không làm ta rơi nước mắt, nhưng nó bắt ta suy ngẫm về cái lẽ, cái nghĩa sâu xa của những gì ta đã đọc hoặc đã thấy"(lời Phạm Vĩnh Cư).

Bi kịch trong Vũ Như Tô là mâu thuẩn giữa khát vọng hoàn thành công trình nghệ thuật bằng mọi giá với thực tại khốn cùng của thợ xây dựng, của đường cùng khốn khó của người dân.  Vũ Như Tô trở thành "nghệ sĩ sinh bất phùng thời".

Và kết cục quân thần khởi lọan giết Lê Tương Dực , Vũ Như Tô, Đan Thiềm ; Cửu trùng Đài vừa xây chưa xong, đã bị đốt phá tan hoang.

Lê Tương Dực lệnh xây Cửu Trùng Đài cũng chỉ vì mục đích chơi bời, hưởng lạc thú, không nghĩ tới cảnh ngân khố cạn kiệt, dân chúng bần cùng, nên nhận cái tử nghiệp là hợp lẽ. Vũ Như Tô :" Thôi thế là hết. Dẫn ta đến pháp trường ", vì"Vua Thục đắp thành để giữ nước, còn ta xây thành cho vua chơi". Phạm Vĩnh Cư kết luận:

"Một tác phẩm như Vũ Như Tô chỉ có thể ra đời trong thời đại ngày nay, nó là một trong những trái chín sớm của tiến trình văn hóa Việt Nam hội nhập văn hóa thế giới.

Và, cuối cùng, xin trở lại với mối băn khoăn được nêu trong lời Ðề tựa kịch. "Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ðài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? Tháp người Hời nguyên là giống Angkor!" Văn minh Chiêm Thành và văn minh Angkor thuộc số những nền văn minh đã tử vong. Số phận, bí quyết trường tồn hay tử vong của các nền văn minh và các dân tộc là một chủ đề tư tưởng sâu kín của vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng và những suy ngẫm kiên trì, lắng đọng từ thuở thiếu thời cho đến tận lúc qua đời, của ông về số phận của dân tộc chúng ta."

Nếu Vũ Như Tô phải, nếu như Cửu trùng đài hoàn thành. Toàn cảnh không phải là thái bình thịnh trị mà là cảnh lâu đài tráng lệ nơi hoang vu có những kẻ sức cùng lực kiệt vì ngân khố rỗng.  Nếu sức và lực cạn kiệt thỉ sự tồn vong của dân tộc là ngàn cân treo trên sợi tóc. 

Khi Nguyễn Huy Tưởng quyết định viết về Trung đoàn Thủ đô, về cuộc  Kháng chiến của Hà Nội Liên khu Một thì có người nói  bảo là ông quay lưng với thực tế   (Xã hội Việt  Nam còn chưa hết bàng hoàng vì những sai lầm trong Cải cách ruộng đất  thì giới văn nghệ đã lại lao vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt với nhóm  Nhân văn giai phẩm).  Tuy có ý góp vào, ý chê bai về ý tưởng viết tiểu thuyết lịch sử Sống mãi với Thủ đô, nhưng NHT  vẫn quyết tâm giữ vững ý đồ của mình. Ông thu thập tư liệu cho tiểu thuyết tương lai của minh từ 24-2 đến 17-6-1957.

Ông viết những trang đầu tiên vào  giữa tháng 7.   Ông viết liền một mạch và hoàn thành tập một ngày 30-11-1957.   Ông sửa lại bản thảo từ cuối tháng 2 đến 18-3-1958 và hoàn chỉnh tác phẩm vào tháng 4-1958.

Sống mãi với thủ đô tập một là sáng tác cuối cùng trong sự nghiệp viết văn của Nguyễn Huy Tưởng.  Sách in năm 1961.  Tác giả khuất núi trước khi sách xuất bản.  Ông ra đi mà không nhìn thấy đứa con tinh thần mà ông hằng ấp ủ chờ mong. Tập một gồm 36 chương, kể về những ngày chuẩn bị kháng chiến chống Pháp và dừng lại sau hai ngày chiến đấu ở  Liên khu I Hà     Nội (quận Hoàn  Kiếm Hà Nội ngày nay).  

Tập một tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô cho ta thấy cảnh  Hà Nội bấy giờ:   những chuyến tàu chò người di tản rời Hà Nội, khắp nơi chiến lũy, ụ chiến đấu được dựng lên bằng sập gụ tủ chè, bàn ghế, cây cối của người dân Hà Nội.  Địch gây hấn với  việc phá hoại nhà Bưu điện Bờ Hồ, với thảm sát ở ngõ  Yên Ninh, Hàng Bún…  Khẩu hiệu "Thanh niên Hà Nội thề sống chết với Thủ đô",  "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" căng khắp các đường phố.    Các cuộc chiến đấu quyết liệt ở Bắc bộ phủ, trận tập kích nhà tướng Pháp Morliere, những cuộc chiến đấu một mất một còn trên từng góc phố, căn nhà.  Tham gia chiến đấu có nhà giáo Trần Vân, người chiến đấu với sứ mệnh công dân cao cả, có Văn Việt, một quần chúng còn nhiều suy tư, có thanh niên dũng cảm, ngang tàng  Nhật Tân, có thanh niên học sinh như Loan , Quyên,… có cán bộ Quốc Vinh từng hoạt động trong thời kỳ bí mật, có hương sư Nguyễn Gia Định… Cuộc chiến này tác động đến mọi giai tầng ở  Hà Nội khi đó  như thiếu nữ  Trinh, nhà tư sản Cự Lâm, như Sinh, như Long đen. 

Với vốn sống phong phú, với bút pháp mang tính sử thi, Nguyễn Huy Tưởng   viết  tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô  với hơn bốn mươi nhân vật có  những diễn biến tâm lý phức tạp, ai có số phận của mỉnh,  Tiểu thuyết đã vẽ lên bức tranh  xã hội rộng lớn trong chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc mang đượm tinh thần yêu nước  và chủ nghĩa anh hùng cách mạng          

Theo dự định, NHT muốn viết hai tập, tập hai sẽ có 11 chương.   Cả 47 chương của hai tập cho ta thấy toàn cảnh chiến đấu chống Pháp của quân dân Hà Nội trong mùa đông năm 1946.  Số phận không chiều lòng người. Dự định chỉ là dự định.   Bạn đọc đành hài lòng với những gì có trên tay. 

Ngoài những tác phẩm văn học, Nguyễn Huy Tưởng còn có ghi nhật ký.  Đầu tháng 9.2006, trọn bộ "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng" sẽ ra mắt bạn đọc  (1.700 trang) Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng được biên soạn công phu.  Bộ sách gồm 3 tập. Tập 1: Đến với văn chương và cách mạng; Tập 2: Những năm kháng chiến; tập 3: Nghệ sĩ và công dân.

"Đọc nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng, người đọc hôm nay có cái thú vị được biết về những người đồng thời của ông, những nhân vật lớn của nền văn nghệ hiện đại mà do chức trách công tác, ông đã có những liên hệ trực tiếp. Không tò mò vì những nhận xét riêng, chúng ta thấy yêu mến một thế hệ nghệ sĩ đầy cá tính, thắng thắn, mỗi người một vẻ... đã góp phần công sức, trí tuệ và tình cảm làm nên bộ mặt của văn học nghệ thuật thời đại chúng ta".

Hồi ký của bà Trịnh Thị Uyên, người bạn đời của ông có đoạn: "Nhớ lại giai đoạn từ giữa năm 1956 đến đầu năm 1958, tôi nghĩ đó là những ngày đau đớn nhất của anh ấy những năm cuối đời. Đêm nào nhà tôi cũng thức viết nhật ký rất khuya, dường như tất cả những gì anh ấy không thể nói ra với ai... anh ấy dồn hết vào những cuốn sổ tay chỉ dành cho riêng mình"...

Sống trong thời kỳ đất nước có những biến động bất thường, là một người mẫn tiệp, Nguyễn Huy Tưởng  tìm đến nhật ký, nhà văn coi đây như một nơi giãi bày thoái mái và sòng phẳng nhất những kiến giải của chính mình.

Đọc Nhật ký  Nguyễn Huy Tưởng, nhà lý luận phê bình văn học Ngô Thảo nhận định:

-    Một người trung thực như Nguyễn Huy Tưởng  đã không vui vẻ gì… do cách đánh giá xung quanh về ông.  Phương pháp suy diễn máy móc đã dìm ý định dàn dựng vở kịch Vũ Như Tô

-    Tâm trạng không yên vì tình hình tổ chức và phương pháp phát triển của văn học nghệ thuật:Nhà văn sớm nhận ra có quá nhiều cực đoan  trong các ý kiến định hướng.   Trong văn học thì nhấn mạnh mặt ca ngợi.  Nhà văn ghi:  rất lo cho tiền đồ văn nghệ.   Người ta không được nói những cái xấu của công nhân, nông dân. Hình như chế giễu những người ấy là động đến cả chế độ (trang 646, Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XX của Trần Mạnh Thường,NXB Hội nhà văn, 2003) 

* Tác giả xin cám ơn ông Nguyễn Huy Thắng NXB Kim Đồng trong việc cung cấp  tư liệu cho đề tài này




VVM.24.8.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com