Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



VIÊN LINH - MỘT NHÀ THƠ, NHÀ VĂN, NHÀ BÁO
LÀM RẠNG RỠ VĂN HỌC NƯỚC NHÀ


1.

40 NĂM GẶP LẠI Ở QUÊ NGƯỜI

Năm 2015, họa sĩ Phan Ngọc Diên – rất thân với tôi ở quê nhà - thường lái xe từ nhà anh ở Los Angeles xuống Little Sài gòn đưa tôi đi thăm các anh chị văn nghệ thân quen trước 1975 ở Việt Nam như nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà thơ Nhã Ca, họa sĩ Hồ Thành Đức, họa sĩ Bé ký, họa sĩ Cao Bá Minh… Và đầu tháng 11 năm ấy, họa sĩ Phan Ngọc Diên đưa tôi đến tòa soạn Khởi Hành thăm anh Viên Linh – một nhà thơ, nhà văn, nhà báo ở Sài Gòn mà tôi rất quý. Anh thường chọn thơ của tôi đăng trên tuần báo Khởi Hành và các báo do anh phụ trách khi còn trong nước.

Anh Viên Linh mừng rỡ khi gặp lại tôi. Anh mở ngay một chai rượu vang, loại ngon nhất của tiểu bang California mừng ngày hội ngộ và báo tin vui - ngày 28 tháng 11 năm 2015 sẽ là ngày sinh nhật năm thứ 20 của tạp chí Khởi Hành ở hải ngoại. Anh ký tặng tôi tập thơ “Hóa Thân” và tân truyện “Vườn Quên Lãng” của anh với lời đề tặng “Nhà thơ Phương Tấn, 40 năm gặp lại ở quê người”.

Hôm sinh nhật năm thứ 20 của tạp chí Khởi Hành ở hải ngoại được tổ chức tại nhật báo Người Việt thật đông vui. Hàng trăm văn nghệ sĩ miền Nam cùng bạn đọc, người hâm mộ tham dự. Tôi rất vui, trong ngày tổ chức được gặp lại một số anh chị em văn nghệ thân quen khi còn ở quê nhà như các anh Huỳnh Hữu Ủy, Thành Tôn, Trần Yên Hòa, Nguyễn Đình Thuần... Trước ngày tổ chức, họa sĩ Phan Ngọc Diên và tôi đã phụ giúp anh Viên Linh lo nhiều việc. Nhưng, người phụ giúp anh Viên Linh nhiều nhất, phải nói là nhà phê bình văn học Nguyễn Tà Cúc - thư ký tòa soạn của tạp chí Khởi Hành. Nghe tiếng và đọc bài của cô từ lâu, nhưng lần đầu tiên tôi được gặp cô trong ngày sinh nhật của tạp chí Khởi Hành. Tôi vô cùng quý mến qua sự giao tiếp và cách làm việc năng động và hiệu quả của cô. Nhà phê bình văn học Nguyễn Tà Cúc đã ký tặng tôi tác phẩm: “Văn Học Miền Nam” gồm nhiều hình ảnh quý hiếm cùng nhiều bài viết và tư liệu công phu, giá trị.

Tháng 4-2020, sau một thời gian dài không được tin anh, tôi Email xin số điện thoại để gọi thăm anh. Ngay trong ngày, anh đã Email cho tôi số điện thoại. Tôi nghẹn ngào qua những dòng chữ anh viết:

“Phuơng Tấn ơi!

Gặp nhau đi, tuần tới hy vọng tình hình bớt căng thẳng! Tôi hoàn toàn cô độc ở đây! Không một ai quen biết nữa! Bạn hữu thời truớc đi đâu mất cả rồi???

Mình bị tràn ngập không dùng đuợc computer từ đầu tháng đúng ra từ cuối tháng 3 lận. Mấy ngày không nói một tiếng vì không có ai để nói để nghe. Xung quanh không một nguời!”.

Tôi tưởng anh vẫn còn ở Cali, nên vội Email trả lời anh:

“Anh Viên Linh ơi,

Xúc động quá khi đọc Email của anh Viên Linh. Xin anh cho Phương Tấn địa chỉ của anh. Nếu anh còn ở Nam Cali thì Phương Tấn xin đến thăm anh không cần biết nạn dịch Covid còn hay không. Luôn quý trọng và nhớ thương anh Viên Linh.”

Thật không ngờ, anh không còn ở Nam Cali, anh đã về sống ở thành phố Arlington, tiểu bang Virginia trong một căn phòng mà con gái anh xin được của tiểu bang. Email anh viết:

Phuơng Tấn ơi,

Tôi về ở Arlington Virginia rồi, đã hơn một năm nay!

Cảm ơn Phương Tấn. Hy vọng có ngày gặp lại, tuy nhiên không biết tôi có dịp trở lại Westminster California không nữa?

Sau ngày đó, tôi thường gọi diện thoại thăm anh. Và giúp anh mở một Facebook “Viên Linh-Khởi Hành” để anh liên lạc cùng anh chị em văn nghệ và người hâm mộ cho đỡ buồn. Tôi tự trình bày hình ảnh và các tác phẩm của anh cùng tạp chí Khởi Hành lên Facebook… Làm xong, tôi mời một số bạn văn nghê thân quen kết bạn qua Facebook “Viên Linh-Khởi Hành”, không ngờ quá nhiều anh chị em mong muốn kết bạn cùng anh. Tôi giao lại Facebook và mật khẩu cho anh. Tuy nhiên không bao lâu, anh tâm sự, không thích sử dụng Facebook mà muốn mở một trang Web “Viên Linh -Khởi Hành” để lưu giữ và phổ biến tác phẩm lâu dài. Trong một Email, anh viết:

“Mong Phương Tấn giúp cho cái dự án "Viên Linh-Khởi Hành," Phương Tấn cần những tài liệu gì của tôi để bắt đầu? Sau khi sơ khởi, việc tiếp tục thực hiện ra sao. Nếu cần tôi sẽ xuống Cali ở lại một hai tuần để thực hiện.” Anh còn nhắn trong Email: “Phương Tấn nhớ cho Tên thật để tôi gửi Phương Tấn cái check đầu tiên.” Đọc mà ứa nước mắt.

“Tôi không rành lắm việc mở trang Web, và cũng chưa kiếm được người đáng tin cậy ở vùng anh ở để đến mở trực tiếp trang Web đúng mong muốn của anh thay vì anh phải xuống Cali một hai tuần. Dù vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn gọi điện thoại thăm hỏi anh. Lúc nào anh cũng than buồn và cho biết sức khỏe của anh không tốt. Phần tôi, sau tai nạn xe thảm khốc năm 2016 và phải giải phẩu mắt đến 3 lần trong năm 2021 không thành công. Sức khỏe của tôi yếu đi thấy rõ, hết hy vọng qua Virginia thăm anh. Anh đang bệnh và sợ anh buồn lại càng buồn thêm nên tôi không dám thổ lộ việc tôi bị bệnh và trầm uất nặng nề.

Một điều tôi không nghĩ, không hề nghĩ nhưng cuộc đời vô thường. Đã vô thường thì cái gì cũng có thể xảy ra. Ngày 28 tháng 3 năm 2024, bất ngờ hay tin anh qua đời tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi.

2.

VIÊN LINH XƯA NAY SỐNG VÀ VIẾT ĐỘC LẬP, TỒN TẠI ĐỘC LẬP

Nhà thơ Viên Linh tên thật là Nguyễn Nam, sinh tại Hà Nam năm 1938. Tác phẩm đầu tiên anh được trả nhuận bút năm 14 tuổi, viết và đăng trên Nhật báo Tiếng Dân Hà Nội. Năm 1954, anh vào Sài Gòn, sống bằng nghể cầm bút. Năm 1957, làm phóng viên cho nhật báo Ngôn Luân rồi làm thư ký, tổng thư ký tòa soạn cho nhiều nhật báo, tuần báo như Kịch Ảnh, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Hồng, Thời Tập, Diễn Đàn, Dân Ta, Đất Tổ và Nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị…

Anh là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách trước 1975. Giải nhất Giải Văn chương Toàn quốc VNCH năm 1974 với tác phẩm Gió Thấp. Anh định cư tại Mỹ năm 1975. Tại đây, anh nhận tài trợ từ "The Ford Foundation” để soạn cuốn “Những Khuynh Hướng Văn Học Tại Miền Nam Việt Nam 1954-1975” (chưa xuất bản). Tiếp đó, anh làm Chủ nhiệm Chủ bút 2 nguyệt san Thời Tập và Khởi Hành, Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

* Các tác phẩm của Viên Linh:

1.Hóa Thân (thơ 1964, tái bản 1994)

2. Thị Trấn Miền Đông (tân truyện 1966, tái bản 1992)

3. Cảnh Tượng Đêm Nay (1966, tái bản 2013)

4. Một Chỗ Nào Khác (1967)

5. Cuối Cùng Em Đã Đến (1968)

6. Cánh Cửa Đêm Thâu (1969)

7. Chiều Hôm Gió Cuốn (1969)

8. Cuối Trời Hôn Mê (1970)

9. Mã Lộ (tân truyện, 1970, tái bản 1997)

10. Vườn Quên Lãng (tân truyện 1971)

11. Một Mùa Mê Hoặc (1973)

12. Tình Nước Mặn (truyện dài 1973, tái bản 1993)

13. Hạ Đỏ Có Chàng Tới Hỏi (truyện 1973, tái bản 1990)

14. Lòng Gương Ý Lược (truyện 1973, tái bản 1990)

15. Tới Nơi Em Ở (truyện 1973, tái bản 1990)

16. Gió Thấp (1974)

17. Thuỷ Mộ Quan (thơ 1982, tái bản 1992)

18. Chiêu Niệm Văn Chương (biên khảo, 2000)

Với tôi, anh Viên Linh là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo thực tài, đáng quý. Sống trọn đời cho văn chương, làm rạng rỡ văn học nước nhà. Một câu nói của anh trong một email gửi cho tôi, làm tôi nhớ mãi:“Viên Linh xưa nay sống và viết độc lập, tồn tại độc lập”.


3.

LỤC BÁT VIÊN LINH

Tôi rất thích lục bát của anh Viên Linh. Tôi nhớ một đoạn trong bài viết của thiền sư Tuệ Sỹ vào cuối thu Canh dần năm 2010 về “Lục Bát Viên Linh”:

“…Phải chăng sinh ra để làm thơ, là một định mệnh? Thời đại và nhân sinh là những trận cuồng phong trên mặt biển, mà từ đáy sâu hun hút, nghìn đời vẫn âm thầm chuyển tải nguyên ngôn của tính thể tồn tại. Ai có thể đào bỏ đi đáy biển, để cho mặt biển nổi sóng? Gạt bỏ đi những lớp phồn hoa của thời đại, dứt đi những sóng gió, bi thương và hùng tráng của một thời. Nhà thơ bước đi không ngừng nghỉ, cho dù bị hất hủi bởi cát bụi từ ngựa xe dồn dập trên đường, đi tìm bóng dáng chân thực của ta và thế giới của quanh ta. Nguyễn Du, trước sau vẫn là bóng mờ bên dòng lịch sử, với câu hỏi trải dài từ thủa ban sơ: “Trăm năm trong cõi người ta”.

Cõi người ta, như một thung lũng trong bóng tối đêm sâu, cho đàn bò ngơ ngác.

Cõi người ta, thành phố điện mờ, mà người bị đẩy vào đó như bởi định mệnh mù quáng, luôn luôn chuẩn bị để lên đường, cho cuộc lữ hành vô định, loanh quanh trên những bến xe hoang vắng.

Đâu là thi ca của một phương trời trong một thời đại lịch sử?

Đêm sâu giữa lũng bò vàng
     Điệu ru phố nghiệp xe dàn bến không
     (Hóa thân, Kinh cầu nguyện)

Thơ – thơ của anh. Và của những người cùng thế hệ của anh, vẫn là một góc nhìn, để từ đó ta nhìn vào thế giới, mà sử tính huyền sử bị xóa mờ để được viết lại thành lịch sử.”

(Trích bút ký: Những Ngọn Nến Trong Cõi Ta Bà)

CHÚ THÍCH HÌNH: (từ trên xuống)
H1. Phương Tấn cùng họa sĩ Phan Ngọc Diên treo ảnh một số văn nghệ sĩ tiêu biểu của miền Nam Việt Nam lên tường.
H2. Phương Tấn cùng nhà thơ, nhà văn, nhà báo Viên Linh, nhà phê bình văn học Nguyễn Tà Cúc, 
H3. Phương Tấn cùng nhà thơ, nhà văn, nhà báo Viên Linh, nhà phê bình văn học Nguyễn Tà Cúc, họa sĩ Phan Ngọc Diên, nhà báo Quốc Dũng, nhà văn Huỳnh Hữu Ủy, nhiếp ảnh gia Trần Xuân Thanh và một số văn nghệ sĩ.
H4. Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Viên Linh tại Tòa soạn Nguyệt san Khởi Hành.
H5. Tác phẩm và thủ bút nhà thơ, nhà văn, nhà báo Viên Linh ký tặng Phương Tấn.




VVM.21.6.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .