BÀI THƠ VỊNH CẢNH NÚI CHÀ BANG (*)
Ở NINH THUẬN CỦA CỤ NGUYỄN ĐÌNH HIẾN
C ụ Nguyễn Đình Hiến (20/10/1870–31/5/1948) là một vị danh thần của triều Nguyễn. Quê cụ là làng Lộc Đông, tổng Trung Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Cụ là một vị quan thanh liêm, có tư tưởng tiến bộ, nhiệt thành ủng hộ chủ trương duy tân của nhà cách mạng Phan Châu Trinh.
Năm 1906, vua Thành Thái cử cụ sang Pháp để tìm hiểu, học tập. Cụ đã viết cuốn “Tây sai kĩ lãm” (西差技覽 - xem xét kĩ thuật khi được cử đi Tây) dâng lên nhà vua.
Năm 1912, cụ nhận chức Quản đạo tại đạo Ninh Thuận. Bài thơ chữ Hán “Bang sơn động” (Động núi Bang) có lẽ đã được cụ sáng tác trong thời gian này.
Nguyên tác:
磅山洞
合分分合此江山,
造化長存一巨觀.
筆撟擎天批曉日,
沙城到海鎮洄瀾.
石懸鍾鼓, 高曾去,
岩濟碥丕, 玉女還.
好位靈區苗胜跡,
碑檯屹立萬年看.
Phiên âm:
Bang sơn động
Hợp phân phân hợp thử giang sơn,
Tạo hóa trường tồn nhất cự quan.
Bút kiểu kình thiên phê hiểu nhựt,
Sa thành đáo hải trấn hồi lan.
Thạch huyền chung cổ, cao tăng khứ,
Nham tế biển phi, ngọc nữ hoàn.
Hảo vị linh khu miêu thắng tích,
Bi đài ngật lập vạn niên khan.
Dịch nghĩa:
Động núi Bang
Hợp phân phân hợp sông núi này,
Còn mãi một cảnh quan hoành tráng của tạo hóa.
Núi như cây bút phê duyệt lên bầu trời trong sáng,
Bức thành cát vươn tới biển chặn sóng lớn .
Đá bày như chiêng trống nhà sư đi khỏi,
Cửa đóng ở đầu non ngọc nữ quay về.
Đất thiêng này ai vẽ nên thắng tích,
Dựng đài bia cao để vạn năm sau nhìn thấy.
(Phan Thành Khương dịch)
Dịch thơ:
Động núi Bang
Hợp phân phân hợp cảnh núi sông,
Tạo hóa mãi còn một kì công.
Núi bút viết lên bầu trời thẳm,
Thành dài ngăn nẻo biển mênh mông.
Đá bày chiêng trống sư ông vắng,
Đầu núi cửa cài ngọc nữ mong.
Đất linh ai đã xây thắng cảnh
Đài bia cao dựng để hoài trông.
(Phan Thành Khương dịch)
Lời bình:
Người đọc chúng ta cảm nhận được sự thích thú, mê say của nhà thơ khi đứng trước cảnh núi Chà Bang hoành tráng và biển cả mênh mông. Nhà thơ đã có những so sánh thú vị: ngọn núi như cây bút phê duyệt lên bầu trời trong trẻo và những đồi cát như một bức trường thành ngăn sóng biển.
Nhà thơ rất lạc quan về sự trường tồn của thắng tích, thắng cảnh và đã đề xuất dựng một đài bia, ghi tên thắng tích để người vạn năm sau vẫn nhìn thấy.
Năm 1927, cụ Nguyễn Đình Hiến về hưu với hàm Hiệp tá Đại học sĩ, sau đó cụ ra Huế và ở tại ấp Bình An, gần dốc Nam Giao một thời gian.
Năm 1935, cụ về lại quê nhà, làng Lộc Đông, tổng Trung Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) để an dưỡng tuổi già và qua đời vào ngày 31 tháng 5 năm 1948, hưởng thọ 77 tuổi.
Ninh Thuận, ngày 24-4-2024
(*) Núi Chà Bang cao 430 mét thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.