Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



PHU VĂN LÂU – HUẾ

  


S o với hàng chục tòa cung điện trong hệ thống kiến trúc cung đình hiện còn bảo lưu được tại cố đô Huế, Phu Văn Lâu tuy là một tòa nhà tương đối nhỏ, nhưng có giá trị cao về các mặt văn hóa, lịch sử… Nó nằm ngày trước mặt kinh thành, gần bờ sông Hương.

Lâu nay, có một số người vì vô ý nên đã viết nhầm, in nhầm hoặc gọi nhầm cái tên của di tích này thành ra Phú Văn Lâu. Chính cái danh xưng đích thực, Phu Văn Lâu, đã nói lên chức năng vốn có của nó.

Theo các tự điển và từ điển thì “phu” là dăng ra, bày ra, truyền rộng ra, ban bố ra cho mọi người biết, “văn” là vẻ đẹp (văn chương, văn hóa, văn học, văn nghệ…), “lâu” là lầu, vì công trình kiến trúc này có hai tầng. Nghĩa đen của danh từ riêng Phu Văn Lâu là tòa nhà lầu dùng để niêm yết các chiếu chỉ của nhà vua, các sắc lệnh của triều đình, các văn bản mang tính quốc gia mà nhà nước quân chủ cần ban bố, thông báo cho mọi người được biết. Phu Văn Lâu đã được một người Pháp dịch một cách sát nghĩa ra thành “Le Pavilion des Édits” (Ngôi đình treo chiếu chỉ) (1). Các sử sách và hiện trạng của tòa nhà cho thấy rõ hơn về những điều vừa nói.

Sách Đại Nam thực lục ghi rằng vào đầu thời Gia Long khi chưa có tòa nhà lầu như chúng ta đang thấy hiện nay, triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng tại vị trí ấy một ngôi nhà nhỏ gọi tên là “Bảng đình”, và “các chiếu thư dụ chỉ đem bá cáo thì treo yết ở đó” (2).

Bảng đình có nghĩa đen là tòa nhà treo bảng yết thị. Ngày xưa, các nhân tài được triều đình tuyển chọn hoặc tuyển dụng bằng con đường khoa cử hay tiến cử, đều được niêm yết họ, tên, tuổi tác, quê quán lên bảng treo ở nơi công cộng cho mọi người biết. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết rõ hơn về tòa nhà chúng ta đang nói đến: “Phu Văn Lâu tại kinh thành ngoại nam quách chính trung, nam hướng. Lâu nhi tằng, phụng hữu chiếu thư cập Đình, Hội thí bảng giai vu thử huyền quải, Cựu hiệu Bảng Đình, Gia Long thập bát niên thủy kiến lâu” (3) (tạm dịch: Phu Văn Lâu nằm ở chính giữa mặt nam ngoài kinh thành, quay mặt về hướng nam. Lầu gồm hai tầng, khi có chiếu chỉ của vua và bảng ghi kết quả các khoa thi Đình, thi Hội thì cung kính đem treo ở đó. Tên cũ của nó là Bảng Đình. Đến năm Gia Long thứ 18 (1819) mới xây lầu).

Gần một thế kỷ sau, có lẽ Phu Vân Lâu bị hỏng nặng trong trận bão lớn xảy ra tại Huế vào năm Giáp Thìn (1904), cho nên qua năm sau (1905), vua Thành Thái đã cho tu sửa lại và khắc một tấm hoành phi bằng gỗ, sơn son thếp vàng, treo ở trước mặt tầng trên đến nay vẫn còn. Giữa tấm hoành phi là 3 chữ đại tự, “Phu Văn Lâu” đọc rất rõ. Hai bên có hai lạc khoản với cỡ chữ nhỏ. Lạc khoản bên trái ghi: “Gia Long thập bát niên lục nguyệt nhật kiến” (Xây dựng vào tháng 6 năm Gia Long thứ 18, tức là tháng 7-1819). Lạc khoản bên phải ghi: “Thành Thái thập thất niên nhị nguyệt nhật trùng kiến” (Xây dựng lại vào tháng 2 năm Thành Thái thứ 17, tức là tháng 3-1905). (4)

Như vậy, dưới triều Nguyễn (1802-1945), Phu Văn Lâu là nơi niêm yết các thông báo của triều đình cho thân nhân đến đọc. Đó là chức năng chính của công trình kiến trúc. Nó còn có những chức năng phụ nữa. Tòa nhà lầu này là trung tâm điểm của một quảng trường rộng lớn, nơi triều đình tổ chức những cuộc vui công cộng nhân các dịp lễ khánh hỷ của Hoàng gia. Chẳng hạn vào những dịp lễ tứ tuần hoặc ngũ tuần đại khánh tiết của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, các vị bô lão trên dưới 100 tuổi ở nhiều nơi đã được mời về đây để triều đình chiêu đãi, nhà vua thăm hỏi, chúc thọ và tặng quà lưu niệm, rồi họ chúc lại nhà vua sống lâu muôn tuổi (vạn thọ, vạn tuế). Cũng trong những dịp này, dân chúng đất Thần kinh nô nức đến xem các tiết mục văn nghệ lạ mắt, hấp dẫn, đặc sắc nhất do các nghệ sĩ tài ba được tuyển chọn trên cả nước biểu diễn để chúc thọ nhà vua.

Ngoài ra, cũng có khi Phu Văn Lâu là nơi nhà vua cùng triều thần đến duyệt khán các đơn vị bộ binh và kỵ binh của triều đình. Sau đó, vua và các quan xuống bến sông Hương (thường gọi là bến Phu Văn Lâu) ngay trước mắt tòa nhà ấy để duyệt khán thủy binh và xem cuộc đua thuyền hào hứng ở trên sông.

Chức năng cuối cùng này vẫn còn được duy trì ở đoạn sông Hương gần đó trong các cuộc đua thuyền truyền thống ở Huế hiện nay.

Hình ảnh Phu Văn Lâu và bến thuyền (trước mắt nhà Lương Tạ, còn gọi là Nghinh Lương Đình) đã đi vào lịch sử qua câu hò mái nhì man mác của cụ Ưng Bình Thúc Gia nhắc lại chuyện vua Duy Tân ra ngồi giả câu cá để bàn việc khởi binh chống Pháp ngày nào:

Chiều chiều trước bến Văn lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm.
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non! (5)


Chú thích
(1) Nguyễn Văn Hiền, Le Pavillon des Edits, Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1915, trang 377-384.
(2) Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện sử học, Nhà xuất bản sử học, Hà Nội, tập IV, 1963, trang 380.
(3) Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân), quyển 1 Kinh sư, tờ 36b.
(4) Tham khảo thêm bản dịch Đại Nam nhất thống chí, quyển kinh sư của Nguyễn Tao, Nhà văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1960, trang 66.
(5) Trích từ “Tiếng hát sông Hương” do Tôn Nữ Hỷ Khương biên tập và xuất bản, Sài Gòn, 1972, trang 20.




VVM.14.6.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .