N
gày thượng
tuần tháng giêng năm Mậu Tuất 1418. Tết Nguyên Đán vừa
chấm dứt những ngày vui qua loa dưới ách đô hộ bạo
tàn của quân đế quốc Minh.
Bầu trời pha lê đương nhìn riêng xuống ngọn núi Dú ở vùng rừng núi Lam Sơn rực rỡ bóng cờ vàng lẫn đỏ, giữa tiếng chuông trống vang lừng sau những ngày quân Việt dự bị binh lương đầy đủ.
Lê Lợi long trọng và oai nghiêm tế cờ khởi nghĩa chỉ huy phong trào diệt Minh cứu Việt và được các tướng sĩ tôn lên là BÌNH ĐỊNH VƯƠNG.
Trước những lời hoan hô rầm rộ và đầy nhiệt huyết ông nhận ấn kiếm tượng trưng oai quyền tuyệt đối của người lãnh đạo và lãnh tụ rồi liền cắt đặt những tay phò tá vào những ngôi vị thích ứng trong hàng văn võ bá.
Kiểm điểm những người có tên trong buổi đầu là: Nguyễn Trãi, Nguyễn Sí, Lê Sát, Lê Thận, Trịnh Khải, Trịnh Lổi, Lê Ngân, Đinh Lể, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trần Nguyên Hãn vv…
Đoạn nhà vua lại phát bổ mạng lịnh chia quân ra, đi đóng các nơi hiểm yếu để chờ giờ tổng công kích và đẩy lui quân thù.
Núi Dú vẫn sừng sựng đứng làm bia kỷ niệm 10 năm cách mạng và kháng chiến.
Nguyễn Trãi vi thần
Để cho lòng người Việt dễ tin theo một cách vững vàng và rộng khắp trước cái thế lực kiêu hùng và tàn bạo của quân giặc ngoại bang. Nguyễn Trãi sực nhớ lại mưu mẹo của Trần Thắng cuối đời Tấn.
- Hồi xưa, trước khi nổi lên, Thắng đã viết ba chữ "Trần Thắng Vương" vào mảnh lụa, giấu vào bụng cá rồi thả cho quân sĩ bắt. Cá bị mổ ra để mọi người thấy ba chữ, ai cũng tin theo Thắng. Vậy ta há không làm theo được hay sao?
Ông liền hiến kế cho lãnh tụ Lê Lợi, rồi được lịnh bí mật thi hành theo đó. Ông nhúng bút vô mỡ, viết lên rất nhiều lá cây tươi và già còn trên cành những cây trong rừng, mỗi lá có 8 chữ Hán:
"Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần"
Kiến hoặc sâu đánh hơi tới cứ ăn lam hay lủng các nét chử mỡ đó hóa ra trên những chiếc lá rừng có lằn dấu hay là đường lủng thành hình 8 chữ kia. Lá khô rụng xuống hoặc bay xa, người kiếm củi hay là ở gần đó gặp những lá ấy, cho đó là thiên cơ thần dị. Họ đồn rộng ra ai ai cũng tưởng là chánh vì vương đáng bậc thiên tử do ý trời đã định. Rồi thiên hạ tìm theo mỗi ngày một đông thêm.
Được tin Bình Định Vương khởi nghĩa, Mã Kỳ là tướng Minh đương đóng tại Tây Đô liền kéo quân đến tấn công ngay.
Thấy quân giặc quá đông đảo và ồ ạt tới, sợ có bất tiện trong buổi đầu Vương liền ra lịnh rút lui dời hết thảy binh mã sang Lạc Thủy ở vùng Quảng Hóa (Xứ Thanh).
Không biết là trá bại, Mã Kỳ xua binh đuổi theo để phải lọt vào rọ phục kích.
Nhà Vua liền truyền cho chư tướng ba bề đổ ra đánh. Lã Thạch, Lê Ngân, Lê Lý, Đinh Bố lập tức tung quân vây đánh, chém được lối ba ngàn quân Minh.
Sau đó, quân Việt cấp tốc dời sang vùng núi Chí Linh (nay về huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa), nhằm ngày 13 tháng giêng.
Giặc không biết đường theo. Đó là chiến thuật của nhà vua và của Nguyễn Trãi: khởi binh ở Lam Sơn mà cự chiến thì tại Lạc Thủy; khi thắng được lại bỏ Lạc Thủy mà sang Chí Linh là điểm mới mà giặc chưa hay. Ấy là tới lui không chừng, vào ra bất trắc. Kỳ diệu vô cùng (chiến thuật du kích thời nay).
Từ đó trở đi cũng có nhiều trận thắng mà cũng có khi bại. Nhưng càng ngày càng rút được nhiều kinh nghiệm và càng thâu phục được nhiều nhóm khởi nghĩa khác. Đồng thời bài sách "Bình Ngô" của Nguyễn Trãi dâng lên từ buổi đầu vẫn được tuân giữ đúng mức nên dần dần lại phục hồi thế lực. Và từ đó quân Minh cứ ngày một thua tới mãi.
Bọn Mã Kỳ phải dâng biểu về xin vua Minh, cho bọn già chính trị là Hoàng Phúc trước đã từng cai trị đất ta, nay cùng Liễu Thăng trở qua cứu viện. Song ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mùi 1427, thì họ Hoàng bị quân ta bắt làm tù binh. Rồi y lại bị giải về dinh trại Bồ đề ở viên môn của Nguyễn Trãi.
Nhân lúc họ Nguyễn vui, họ Hoàng muốn tấn ơn nên bộc bạch:
- Nay tôi mắc nạn, được giam dưới cửa ông cũng là may. Song chắc không bao lâu đâu…
- Sao ngươi chắc được? Không ai thả cho, thì làm sao mà khỏi? Mà ngươi dám quả quyết?
- Vì tổ mộ tôi có xá văn tỉnh là gò đống ở phương Bính thì tôi mắc tội vạ tất không lâu! Chừng 100 ngày sẽ khỏi.
Họ Nguyễn mỉm cười có ý không tin. Hoàng lại nói tiếp:
- Còn tổ mộ của ông, tôi đã biết con cháu sẽ bị nạn tru diệt vậy ông không nên xem thường, hãy tính việc cải táng đi…
Ông Nguyễn cười ngất, rồi bỏ qua. Sau Hoàng Phúc quả được trao trả tù binh mà về, vào khoảng cuối năm Đinh Mùi 1427.
Một năm Tuất sau
Hai mươi bốn nam sau ngày khởi nghĩa kia, chính là năm Nhâm Tuất 1442.
Nguyễn Trãi tuy già mà lại đương chức Nhập nội hành khiển Giáp nghị đại phu. Ông đứng vào ngôi tể phụ để lo việc trị bình sau những ngày xin về hưu dưỡng và bị tuyên triệu thăng chức. Tưởng đâu cũng là may mắn trong lúc xế chiều.
Nhưng vào mùa thu năm Nhâm Tuất Lê Thái Tông ngự giá thân hành miền đông để duyệt võ gần Côn Sơn nơi trí sĩ của họ Nguyễn. Ông này và người vợ đẹp là Nguyễn Thị Lộ đã về sẵn tại đó để đón mừng. Khi ngự giá hoàn cung, bà Nguyễn Thị Lộ ở trong đoàn tùy tùng của nhà vua vì bà là Lễ Nghi Học Sĩ. Đến Lệ Chi Viên ở Gia Định là nơi hành tại của các tiên vương, trời đã tối, đoàn ngự giá phải dừng lại nghỉ.
Nửa đêm Thị Lộ tri hô nhà vua bịnh nguy; thuốc thang không kịp, ngài phải trút linh hồn. Đoàn hộ giá phải giữ kín và cấp tốc đưa xác về kinh.
Triều đình trong ngoài đều buộc tội Nguyễn Thị Lộ đã giết Lê Thái Tông mà chủ mưu hại là Nguyễn Trãi. Lập tức cả hai đều bị giam.
Một người học rộng như Nguyễn Trãi làm sao khỏi nhớ chuyện xa xưa: Các triều vua sáng nghiệp xưa nay mà bạc bẽo với công thần thì đã rõ lắm. Hán Cao Tổ đã đang tâm giết Hàn Tín, Lê Thái Tổ triều ta đã hạ sát Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Rồi ông lại nghĩ gần: Ta đã nhìn thấy tận mặt, sao ta không sớm ý thức mà tránh đi? Sao ta chẳng theo gót Tử Phòng Trương Lương xưa cho nhẹ nhàng thân danh khỏi sa vào khổ lụy như ngày nay?
Ông không khỏi giận cho đời đau cho thân trong giờ phút ân hận này. Nhân lúc nghĩ quẩn quanh ấy, ông mới ngâm một bài thơ tự thán bằng Hán văn:
Phù
tục thăng trầm ngũ thập niên,
Cố sơn tuyền thạch phụ tình duyên.
Hư danh thực họa thù kham tiếu.
Chúng báng cô trung tuyệt khả liên.
Số hữu nan đào tri thị mệnh.
Văn như vị táng dã quan thiên.
Ngục trung độc bối không tao nhục
Kim khuyết hà do đạt thốn tiên?
Cuộc
đời chìm nổi đã năm mươi,
Tình phụ non xưa suối đá rồi!
Kẻ nịnh người ngay đành phải xót,
Danh suông họa thiệt vẫn nên cười!
Khó qua được số, âu là mạng!
Chưa mất mờ văn, chẳng thấu trời!
Trong ngục lung lăng cam tủi nhục
Cửa vàng ai kể đệ thơ tôi?
Sao linh nghiệm lạ
Ngày hôm sau ngày Tết Trung Thu năm Nhâm Tuất ấy tất cả những đàn ông con trai trong gia tộc Nguyễn Trãi đều bị điệu ra pháp trường để chịu thi hành án lệnh.
Trong khi đợi chờ giờ thọ hình, ông Nguyễn không khỏi se lòng khi nhìn lại đám tử tù kia đều là cật ruột của mình! Và khi nhớ đến từ đây họ Nguyễn mình phải đành cam tuyệt tự, bất giác trong ký ức lại nổi lên một việc xa xưa:
- Thật đáng ân hận cho mình không chịu nghe lời Hoàng Phúc! Hắn nói sơ sơ mà sao linh nghiệm lạ.
Nguyên xưa kia thân sinh của ông Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (nay là Phượng Nhởn- Hải Dương). Nhưng ông nội của Nguyễn Phi Khanh là Nguyễn Phi Loan ngày trước vốn tin theo khoa phong thủy nên đã nhờ thầy địa lý tìm cho một huyệt tốt ở cánh đồng làng Nhị Khê rồi lấy cốt của cha tức là ông cố của Phi Khanh và ông sơ của Nguyễn Trãi mà đưa về ký táng tại đó.
Vì lẽ thăm viếng mồ mả ấy mà ngay từ đời Phi Hổ là cha Ứng Long (và là ông nội Nguyễn Trãi) đã năng lui tới miền ấy; rồi đến đời Ứng Long thì sang ở luôn tại đó để hạ sanh Nguyễn Trãi mới thiệt thọ là người dân làng Nhị Khê.
Ngôi mộ ấy người ta đã đoán là sẽ có kết phát tốt. Theo sách Lai thị phong thủy chí thì huyệt ở Nhị Khê có long mạch đi rất xa, có nhiều ngăn giữ chân khí, lại nhiều gò đống la liệt, cái là kiếm, cái là ấn, cái là mũ, là bút, là thần đồng chầu chực là tướng quân xuất trận, thành ra 1 địa cuộc quý báu.
Rồi khi Trương Phụ nhà Minh sang cướp nước ta có tên Hoàng Phúc theo làm tham tán quân vụ. Khi chinh phục xong. Trương Phụ lui về Phúc được để ở lại trấn thủ coi cả hai ty Bố chánh, Án sát.
Phúc số giỏi về khoa phong thủy địa lý. Lúc nhàn rỗi y thường đi khắp nơi, xem các kiểu đất để tìm hiểu giá trị phong thủy.
Chính y có đến xem ngôi tổ mộ của Nguyễn Trãi ở giữa làng Nhị Khê rồi y có biên lời đoán:
Nhị Khê
mạch đoản,
Họa thảm tru di.
(Đất Nhị Khê mạch ngắn sẽ đem đến thảm họa tru
di)
Trước giờ phút chết Nguyễn Trãi sực nhớ đến chuyện này lại đâm ra hối tiếc mà than lẩm bẩm. Rủi cho hai anh em Đinh Thắng, Đinh Phúc đứng đâu gần đó, bị bọn nịnh thần tâu rỗi cả hai có bàn bạc với tử tù Nguyễn Trãi về những mưu mô gì bí mật. Thành thử hai anh em đều bị tống giam ngay rồi cùng bị xử tử sau đó không lâu! Hai ông này mới thiệt gặp tai bay vạ gió, còn mấy lớp oan hơn nhà Nguyễn Trãi nữa!
Ngôi cổ mộ của ông sơ (tổ 4 đời) Nguyễn Trãi như đã nói trên, hiện nay cũng còn dấu tích ở xứ Đổi hay là xứ Trung Đồng ở làng Nhị Khê nay về phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Người đời sau có óc tò mò cũng hay đến quan sát thử xem về địa lý, nhưng không ai tìm ra những chứng cứ gì để mà phối kiểm với lời đoán cùa người xưa nhứt là lời của Hoàng Phúc.
Đến nay đã hơn 600 năm rồi núm mả không chắc còn nằm đúng với huyệt mả thì biết đâu mà khảo xét. Chúng ta có nhắc lại đây cũng chỉ là nêu một nghi án để tỏ lòng hoài niệm một vị nguyên huân giải phóng dân tộc đã phải bỏ mình oan uổng trong một năm Tuất xa xưa!