T
rên đời, số nhà văn viết nhiều quả rất là… nhiều. Tuy nhiên, để khỏi bị thất vọng, ta chớ nên trông đợi nhiều ở phẩm chất các sản phẩm vô cùng phong phú của họ, nghĩa là trong hàng hà sa số các tác phẩm họ viết ra, ta chớ mong gặp toàn danh tác? Trong số các nhà sản xuất văn chương bình dân, có những vị đã phải chịu trách nhiệm về trên 200 sản phẩm. Muốn nói về quý vị đó chắc phải có một số báo dày bằng cuốn tự điển; ở đây xin chỉ nhắc đến một số văn hào đã lưu lại cho hậu thế những danh tác thứ thiệt và “dữ”: Trước nhất phải kể đến Honoré de Balzac mà toàn bộ tác phẩm lên tới 120 cuốn trên dưới 300 trang mỗi cuốn. Năm 1967 nhà “Club Français du Livre” (Câu lạc bộ Sách Pháp Quốc) đã cho in toàn bộ tác phẩm của Đại Văn Hào này vào một bộ sách 16 cuốn quy tụ khoảng 25.000 trang trên giấy Thánh kinh, được minh họa bởi các danh họa như Daumier, Bertall, Johannot, Monnier, Meissonier, Staal, Gavarni. Doré và Lampsonius, toàn các tên tuổi lớn về ngành minh họa. Giá tiền vào năm đó (1967) là 17 quan mới mỗi tháng và người mua sau khi đóng 17 quan đầu tiên còn phải đóng thêm 32 tháng mỗi tháng một số tiền tương đương, tóm lại giá tiền vào lúc đó tổng cộng là 574 quan; nếu tính theo thời giá hôm nay, nghĩa là 40 năm sau thì một bộ này trên dưới 1500 EUROS (trong 40 năm giá sách ở Pháp tăng độ khoảng trên 5 lần), một số tiền eo ơi quá lớn cho túi tiền những kẻ nghèo… mà ham. Sau Balzac là Voltaire với 100 cuốn tiểu luận triết học và truyện ngắn. Tuy nhiên hai vị trên chưa theo kịp Alexandre Dumas (cha) với trên 300 cuốn trong đó những cuốn như Bá tước Kích Tôn Sơn, Ba người ngự lâm pháo thủ, Hai mươi năm sau… rất quen thuộc với độc giả chúng ta, và mới đây lại còn cả ông “Con trai Bá tước Kích Tôn Sơn” do một tác giả khác viết cũng mới đến với chúng ta mấy năm trước. Địch nổi với ông này có lẽ chỉ có Léonard de Vinci, với 120 tác phẩm văn học, và rất nhiều các sách hồi ký, các dự án và các tính toán khoa học – còn được lưu truyền đến ngày nay - đấy là chưa kề sự nghiệp đồ sộ về Hội Họa của thiên tài bất tử này. TÂY BAN NHA cũng có đại văn hào Calderon với trên 200 cuốn sách đủ mọi thể loại.
Đó là thời trước, còn thời cận đại phải nói tới Jules Romains mà tác phẩm “Les Hommes de Bonne Volonté” (Những người thiện chí) dài vừa 27 cuốn được cho ra đời từ năm 1932 tới 1947; ngoài ra còn có Paul Vialar ở vào tuổi 57 đã viết tới cuốn tiểu thuyết thứ 60; một nhà khác Georges Simenon được người ta đồn rằng từ năm 1931 tới nay, cứ mỗi tháng ông lại cho ra một cuốn tiểu thuyết (mà phần lớn là hay, nhất là một số những tiểu thuyết nặng về mặt tâm lý trong thời kỳ đầu). Điều này có thể là không hoàn toàn đúng, nhưng nó cho ta một ý niệm về biệt tài viết nhiều của nhà văn này. Nhà văn này được lăng xê ngày ông ta quyết định tự giam mình vào một cái lồng bằng kính để viết một chuyện đăng báo từng kỳ (feuilleton), trước sự chứng kiến của công chúng. Giai thoại dưới đây được lưu truyền về Georges Simenon:
Một nhà xuất bản người Mỹ gọi điện thoại tới bang Texas là nơi Simenon đang viết trong một trang trại:
- Tôi không dám làm rộn Georges, bà nội tướng của nhà văn trả lời, anh ấy vừa bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết mới.
- Ồ, không sao, nhà xuất bản đáp, tôi sẽ giữ đường dây đợi cho tới khi ông ấy viết xong!
Ở nước người thì vậy, còn trên đất nước chúng ta thì có những ai?
Thời tiền chiến có nhà văn Lê Văn Trương được kể là viết khỏe nhất, xấp xỉ con số 100 cuốn, có người nói trên 200, nhưng số tác phẩm mà kẻ viết bài này đã được thật sự đọc thì không dưới 50 cuốn, trong đó có trên 10 cuốn đăng trong “Phổ Thông Bán Nguyệt San”. Mấy cuốn hấp dẫn nhất là “Trường Đời”, “Một Người”, “Tôi Là Mẹ”, “Trong Ao Tù Trưởng Giả”, “Trên Giốc Vật Chất”, “Thằng Còm Phục Thù”, “Ba Ngày Luân Lạc”, “Những Đồng Tiền Siết Máu” vv… Sau Lê Văn Trương, ở miền Nam có Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên và một vị viết rất khỏe là Cụ Hồ Biểu Chánh với gần 50 cuốn. -./.