1. Ngày 30 tháng 4, chiến tranh chấm dứt đồng thời cũng là ngày dập tắt tia hy vọng mong manh của bao nhiêu gia đình miền Bắc về sự trở về của chồng, con em mình… Từ ngày này, chiến tranh chấm dứt nhưng bao nhiêu gia đình miền Nam lại phải chia ly vì người đi “học tập”, người vượt biên, người đi kinh tế mới… Từ ngày này, những gia đình có người thân trở về sau cuộc chiến có khi lại bắt đầu một “cuộc chiến” khác. Trong cùng một nhà có bên này bên kia, có vợ sau chồng khác…
Chính vì vậy ký ức những ngày này luôn luôn quay về, mỗi năm như không hề nhạt bớt với thế hệ tham chiến bên này lẫn bên kia. Sự mất mát vì chiến tranh và sau cuộc chiến không từ một ai. Cuộc sống trôi qua và cho đến nay trong nhiều người vẫn chỉ tồn tại “một bên của quá khứ”, nỗi đau (hình như) ngày càng di căn. Bên này bên kia có gia đình nào không không chia ly, kiểu này hay kiểu khác? Bên nào không có những di chứng kéo dài chắc chắn không chỉ một, hai thế hệ?
Nhưng thử nhìn những gì tràn ngập trên mạng xã hội những ngày này mà xem, có nỗi đau chỉ cần một hai câu từ cũng đủ làm nhói lòng và buộc người ta phải nghĩ suy cặn kẽ. Nhưng cũng có câu chữ… chỉ thấy người viết “ăn theo” những nỗi đau những sự mất mát. Có một câu nói rất hay “ngoài đau bụng mọi cái đau khác chỉ là sự tưởng tượng. Nhưng ai không cảm nhận được những nỗi đau ấy thì đó không phải là người tử tế”. Vâng, khi không thực sự cảm nhận nỗi đau của người trong cuộc thì xin đừng độc ác mà khoét sâu hơn vết thương ngày cũ.
2. “Không một điều gì, không một ai bị lãng quên”. Nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào… Những bà mẹ đau nỗi đau mất đi những đứa con, có phân biệt nỗi nhớ đứa con bên này bên kia? Những người đã yên nghỉ ở những nghĩa trang bạt ngàn mộ trắng, trên cao xanh họ có còn phân biệt bên thắng hay thua? “Năm tháng trôi qua, các cuộc chiến tranh sẽ thôi gào thét… chỉ còn tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng…”, từ những năm 20 của thế kỷ trước nhà văn Alexei Tonxtoi đã viết như một lời nguyện cầu trong cuộc nội chiến ở nước Nga sau cách mạng tháng Mười. Vậy mà sau mỗi cuộc chiến không biết đến bao giờ lòng người mới thôi gào thét hận thù để chỉ còn lại sự nhẫn nại dịu dàng hàn gắn vết thương?
Những ngày này 41 năm trước gia đình tôi được quay trở lại quê hương sau hơn 20 năm “ngày Bắc đêm Nam”. Năm nào cũng vậy, ngày này tôi chỉ ở nhà thắp nhang cho những người đã khuất. Trong gia đình tôi có nỗi đau của cả hai bên nhưng chẳng bao giờ nói đến hai chữ “thắng thua”, người về không màng chữ “được” người đi không vì chữ “mất”, bởi cùng thấu hiểu nỗi đau của ông bà tôi khi đã hòa bình mà vẫn tiếp tục phải xa lìa con cháu.
Hồi tháng hai tôi được xem trên mạng một clip: tại đất nước Isarel có một ngày mà tất cả mọi người lưu thông trên đường phố, khi nghe một hồi còi dài vang lên, khắp nơi đều dừng lại, xuống xe và kính cẩn làm một phút tưởng niệm 6 triệu người Do Thái bị thảm sát bởi Đức quốc xã trong thế chiến thứ hai.
Bao giờ có một ngày tháng Tư mọi người Việt Nam cùng chung một phút tưởng niệm những người đã ngã xuống trong chiến tranh, đã chết sau cuộc chiến vì “vượt biên”, vì bom mìn còn gài lại, vì chất độc hóa học ngấm sâu vào cơ thể…? Từ giây phút tưởng niệm chung như thế có mở ra những ngày Tháng Tư hòa giải hòa hợp của chúng ta?
3. Nhưng cũng từ ngày cuối tháng Tư năm ấy, thế hệ hậu chiến đã ra đời và trưởng thành. Nhiều người trong họ tự nhận mình là “bên bỏ cuộc” –tạm gác lại quá khứ của những chính thể, mất mát tổn thất của gia đình, họ nhìn về tương lai nhiều hơn. Như những người “đồng hương”, mối liên hệ bà con giữa thế hệ “bỏ cuộc” như một sợi dây mà thời gian càng dài càng trở nên mỏng manh trong cái thế giới ngày càng phẳng…
Nhiều người trong thế hệ hậu chiến hiểu được căn nguyên của sự thiếu hụt tình cảm bao dung và lòng vị tha, đó là một biểu hiện của “mặc cảm thất bại” mà thế hệ chiến tranh đã bị mất mát và tổn thương nặng nề về tinh thần, cho đến nay không có gì có thể bù đắp lại những mất mát và tổn thương ấy…
Trong Bảo tàng Ký ức chiến tranh ở Hàn quốc, ngay sảnh chính có một bức tranh lớn kín một bức tường. Bức tranh vẽ rừng cây hoa lá tràn ngập, ở giữa là giới tuyến Bàn Môn Điếm và hai lá cờ Hàn quốc và Triều Tiên nhỏ xíu. Dòng chữ lớn chạy suốt bức tranh “Bán đảo Triều Tiên có bốn mùa xuân hạ thu đông nhưng đang bị chia cắt thành hai nước”. Đọc dòng chữ này tôi ứa nước mắt. Có quốc gia nào dân tộc nào không có khát vọng thống nhất, chỉ khác nhau sự nhắc nhớ về chia ly, khác nhau sự lựa chọn con đường đi đến đoàn tụ mà thôi.
Khi còn độc quyền quá khứ, độc quyền lịch sử thì tương lai đất nước này chưa phải là của chung mọi người dân Việt. Thống nhất giang sơn đã khó mà thống nhất lòng người còn khó hơn vạn lần. Bởi vì “cuộc chiến không đổ máu” âm thầm lặng lẽ hủy hoại cơ thể Việt Nam bắt đầu không phải từ tiếng súng mà từ sự định kiến tối tăm giữa những con người. -./.