MẤY GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG
T ình cờ tìm thấy mấy tờ giấy cũ, trong đó tôi ghi một số điều khi tôi đang còn là cậu một học trò, tôi “gõ” lại đây để các bạn đọc :
1. Hai câu thơ trứ danh, đầy ắp niềm lạc quan và sự tự tin của vua Trần Nhân Tông sau chiến thắng giặc Tàu – Nguyên:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.”
(社稷两囘劳石馬,
山河千古奠金甌)
Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
Non sông thiên cổ vững âu vàng.
(Trần Trọng Kim dịch)
Xã tắc đôi lần phiền ngựa đá,
Núi sông nghìn thuở vững âu (*) vàng.
(Phan Thành Khương dịch)
2. Hai câu thơ buồn bã, nhục nhã của Lê Chiêu Thống: Tương truyền Lê Chiêu Thống, sau những tháng ngày chầu chực chờ giặc Tàu - Thanh sang cứu nhưng chẳng hề thấy chúng có hành động gì, ông ta than thở:
« Tảo thức đại bang vô tín nghĩa,
Bối thành nhất chiến tử do vinh.»
(早識大邦無信義,
背城一戰死猶榮.)
Sớm biết nước to quen xỏ lá,
Dựa thành tử chiến chết còn vinh.
(Phan Thành Khương dịch)
3. Bài thơ mang đậm hào khí nhà Trần (quen gọi “hào khí Đông A”) nhưng phải chăng là “hào khí Đông Phụ” mới đúng? (Vì chữ Trần 陳 được ghép bởi chữ Đông 東 và chữ Phụ 阝). Đó là bài thơ của Thượng Tướng Trần Quang Khải (1241-1294). Vị Chiến tướng – Thi sĩ này vô cùng sảng khoái sau những chiến thắng dồn dập Chương Dương, Hàm Tử, … khiến bọn giặc Tàu - Nguyên phải thất điên bát đảo:
“Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san (sơn). »
(奪槊章陽渡,
擒胡鹹子關.
太平須致力,
萬古此江山.)
Cướp giáo đò Chương Dương,
Bắt giặc cửa Hàm Tử.
Thái bình rán sức nha!
Giang sơn ấy muôn thuở.
(Nguyễn Hiệt Chi dịch)
Giật giáo bến Chương Dương,
Bắt Hồ (*) cửa Hàm Tử.
Thái bình càng gắng sức,
Nước non này vạn thuở.
(Phan Thành Khương dịch)
(*) Hồ: rợ Hồ, tác giả gọi giặc Tàu - Nguyên một cách khinh miệt.
4. Một đoạn văn của Đại úy – Nhà văn Gosselin, kẻ có tham gia đánh dẹp các đảng Văn Thân, nói về lòng yêu nước và bất khuất của người Việt Nam:
“Il faut réellement que cette nation annamite soit douée d’une vitalité bien puissante pour avoir pu supporter la lutte pendant d’aussi longues années; étant donnée la pénurie des moyens de défense dont le pays disposait, le gouvernement imprévoyant et aveugle n’ayant rien su préparer ni trésor, ni approvisionnement, ni munitions, ni armée, ni marine pour le jour qu’il pressentait cependant très prochain où il devrait se défendre contre une puissance européenne.
Placés en face de nos armés, les Annamites ont eu la seule ressource de mourir pour la défence de leur liberté; tout ont affronté la mort avec le plus tranquille courage et parmi ceux, si nombreux, qui sont tombés par la balles des pelotons d’exécution ou sous le glaive des bourreaux, nous n’avons jamais eu à enregistrer une seule défaillance …»
Quả thật nước An Nam có một sức sống rất mạnh mẽ mới chịu nổi một cuộc chiến tranh trường kì như vậy. Nước thiếu phương tiện phòng thủ, triều đình thì không biết lo xa và mù quáng không chuẩn bị một tí gì về kho tàng, sự cung cấp, đạn dược, bộ binh, thủy binh cho cái ngày mà họ cảm thấy rất cần phải đối địch với một cường quốc châu Âu.
Bị đặt dưới họng súng của ta, người Việt chỉ còn có cách chết để bảo vệ tự do và tất cả đều nhìn mặt cái chết với một tấm lòng can đảm trầm tĩnh trước những viên đạn của đội lính hành hình hay dưới lưỡi gươm của đao phủ. Chúng ta không ghi chép được một trường hợp hèn nhát nào … (Phan Thành Khương dịch)