Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


VẾT TÍCH THƯƠNG CẢNG CỔ
Ở LÀNG MINH THỊ


C hùa Minh Phúc ở thôn Minh Thị, xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng) trong số những ngôi chùa còn may mắn giữ lại được các văn bia, đó là văn bia thông tin quý về một vùng thương cảng sầm uất năm xưa của huyện Tiên Lãng.

Ngôi chùa hiện nằm xen kẽ khu dân cư đông đúc ở trung tâm thôn Minh Thị với đường vào được trải bê tông bằng phẳng, sạch sẽ. So với các công trình phật giáo có quy mô hoành tráng và bề thế hiện nay, chùa Minh Phúc có kiến trúc khá đơn sơ, mang dáng dấp của những ngôi cổ tự. Ngôi chùa hiện nay là kết quả người dân và phật tử phát tâm công đức trùng tu lại sau khi bị xuống cấp, đổ nát gần hết với hơn 400 năm tồn tại. Rất may, bên cạnh hệ thống tượng Phật bằng đá mang nét kiến trúc đặc trưng thời nhà Mạc, trong chùa vẫn giữ được tấm bia đá “Hậu Phật bi ký” khắc năm Sùng Khang thứ 7 (1572), ghi việc Hoàng thái hậu họ Vũ mua 5 mẫu đất giá 120 lạng bạc ở làng Minh Thị làm ruộng tam bảo và dựng chợ Minh Thị. 

 

Theo các cụ cao tuổi trong thôn Minh Thị, cha ông họ kể lại, ngày đó, Hoàng thái hậu một lần qua đây phát hiện vùng đất màu mỡ nằm dọc sông Văn Úc, gần với cửa biển Đại Bàng (nay là cửa Văn Úc). Sau khi xem xét điều kiện tự nhiên, bà nhận thấy đây là khu vực lý tưởng cho việc xây dựng thương cảng, trung tâm buôn bán trao đổi hàng hóa. Bà liền chọn khu gò đất cao bên cạnh con ngòi rộng dẫn ra sông Văn Úc để dựng chợ Minh Thị và mua lại mảnh đất kế bên chợ để dựng ngôi chùa Minh Phúc. Nhờ có giao thông đường thủy thuận lợi, chợ Minh Thị ngày càng sầm uất, thu hút đông đảo người dân chung quanh vùng đến đây buôn bán. Từ đó, cuộc sống người dân ở đây khá giả, là cơ sở kinh tế quan trọng của cả vùng. Còn theo bia “Hoàng Đồ củng cố” dựng năm 1511 cùng với khu chợ Minh Thị (Toàn Thắng), lúc đó ở huyện Tiên Lãng đã xuất hiện các dãy phố cổ Lồ, Khách, Đường Thung…hình thành một trung tâm buôn bán thịnh đạt mang hình bóng của một đô thị, thương cảng cổ. 

 

Văn bia ghi như vậy, nhưng giờ đây, về thôn Minh Thị, những vết tích của một trung tâm thương nghiệp sầm uất đã phai dấu. Chợ Minh Thị cổ đã không còn, nay khu gò nổi dựng chợ trước kia trở thành nghĩa trang của làng. Con ngòi rộng chạy dọc quanh làng đã bị lấp đi để trồng trọt, làm nhà ở sau những thăng trầm của lịch sử. Chỉ còn lại một dòng sông cổ, thông liền với sông Văn Úc và ngôi chùa Minh Thị, như một sự minh chứng về một mạng lưới giao thông đường thủy sầm uất trong khu vực cách đây 4 thế kỷ. 

 

Điều này càng được minh chứng rõ hơn khi một số cuộc khảo sát thực địa tại xã Toàn Thắng được thực hiện trước đây phát hiện nhiều mảnh gốm cổ nằm rải rác trong các thôn Cẩm Khê, Minh Thị và Đốc Hậu, tập trung hơn cả là ở khu chợ Minh Thị cổ. Điều đặc biệt là ở Toàn Thắng, vết tích của sành, gốm chỉ tập trung ở ven sông và quanh khu chùa Minh Phúc, với mức độ đậm nhạt khác nhau, mà không theo vỉa, lớp như một số địa điểm sản xuất đồ gốm đã biết. Ở đây, dường như chỉ thấy đồ nguyên lành, rất ít thấy đồ vỡ, và không hề thấy những phế phẩm. Do đó, nơi đây xưa kia không phải là khu lò sản xuất gốm mà chỉ có thể là khu chợ buôn bán. Nhiều gia đình trong thôn Minh Thị và các thôn chung quanh như Đốc Hậu, Cẩm Khê còn lưu giữ nhiều di vật do người dân đào được quanh khu chùa và bến sông lúc làm ruộng canh tác. Hầu hết các loại đồ gốm sứ này có niên đại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, có xuất xứ từ khắp các lò gốm nổi tiếng ở nước ta như Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội) và cả những đồ gốm Trung Hoa thời nhà Minh… Qua đó chứng tỏ, đây là khu cảng thị, không chỉ tiếp nhận sản phẩm trong nước mà cả sản phẩm của nước ngoài. Nhiều đời nay, dân làng vẫn truyền khẩu câu chuyện, tại thôn Cẩm Khê, người đời trước từng vô tình tìm thấy chiếc tàu bằng gỗ bị vùi sâu dưới lòng đất. Nhiều người cho rằng có thể những hiện vật nguyên vẹn được tìm thấy ở Toàn Thắng là hàng hóa phân tán từ thương thuyền mắc nạn xưa.

Theo đánh giá của Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, huyện Tiên Lãng từng là nơi tụ cư của người Việt cổ, là trung tâm kinh tế, xã hội quan trọng của cả vùng. Sông Văn Úc và các nhánh sông chảy qua Tiên Lãng trước kia từng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương trong vùng và nối liền với tận vùng phố Hiến, Kinh Kỳ… Do đó, nơi đây không chỉ có Minh Thị, mà ở chung quanh khu vực bán kính 3km, có rất nhiều phố chợ  như chợ Đầm, phố Nhỏ, bến Độ, phố Rỗ, phố Lồ, phố Mè, phố Thung, phố Khách… tạo nên một trung tâm thương nghiệp khá sầm uất vào các thế kỷ 16, 17. Cùng với các hải cảng lớn đương thời ở nước ta như Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam)…, đô thị và tiểu cảng cổ ở xã Toàn Thắng nói riêng và huyện Tiên Lãng nói chung góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nước ta đến với thế giới, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Và làng Minh Thị là một di chỉ khảo cổ học còn ẩn chứa nhiều giá trị về lịch sử, khoa học và kinh tế của thành phố…-./.




VVM.12.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .