Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




ĐỀN VẠN KIẾP - NHỮNG ÂM THANH KỲ BÍ



            

Đ ền Vạn Kiếp còn gọi là đền Kiếp Bạc. Trong hai từ ấy, sử sách thường dùng từ Vạn Kiếp nhiều hơn, Hưng Đạo Vương có viết cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Đời Lê, Vạn Kiếp từng thuộc phủ Lạng Giang, đạo Bắc Giang, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Theo nhiều nhà phong thuỷ thì đây là nơi đắc địa. Dãy Huyền Đinh được coi là tổ sơn, từ đỉnh Thiên Lý trên đó nhìn xuống bao quát cả trăm dặm sông núi. Lục Đầu Giang mênh mông, theo khảo sát thời Đồng Khánh, lòng sông nhiều chỗ rộng tới 120 trượng (chừng 500met). Khúc sông Lục Đầu chỗ đền Vạn Kiếp có hình chữ Ất, phía tả ngạn là dãy núi Hàm Rồng nơi tựa của ngôi đền chính và các đền Nam Tào, Bắc Đẩu. Có thời người ta quan niệm: Lục Đầu là nơi sáu đầu sông gần nhau (hai chỗ ngã ba sông), nay đều quan niệm, Lục Đầu Giang là khúc sông dài trên mười cây số, là nơi có bốn đầu sông mà tên sông có chữ Đức tụ hội, đó là Minh Đức (sông Lục Nam), Nhật Đức (sông Thương), Nguyệt Đức (sông Cầu), Thiên Đức (sông Đuống) và hai đầu sông chảy đi: sông Thái Bình, sông Thủ Chân (tức sông Kinh Thầy, có chi lưu chảy tới Bạch Đằng Giang, nơi quân ta hai lần cắm cọc nhọn xuống lòng sông đánh thắng giặc).


Thuyền tôi đang giữa dòng, gió mát từ những cánh đồng thuộc vùng Yên Dũng, Bắc Giang thổi tới. Chợt nhớ, sách Việt điện u lunh chép: Vùng Bắc Giang thời ấy có một người tên là Nguyễn Giám Sinh. Ông ta có hai người hàng xóm, Hạ Hầu Cai tính rất độc ác và Đặng Khả Tri rất đức hạnh. Vậy mà Khả Tri mất sớm, còn Hầu Cai lại trường thọ. Thấy bất công, Nguyễn Giám Sinh liền làm một tờ sớ kêu oan cho Khả Tri. Tình cờ, thần Tuần Kiểm nhận được tâu lên thiên đình. Thượng đế bèn ra lệnh bắt Nguyễn Giám Sinh lên trời để tra xét thêm. Nguyễn Giám Sinh lên tâu lại rõ ràng. Thấy Nguyễn là người chính trực, Thượng đế sai thả về dương gian. Bấy giờ, Nguyễn Giám Sinh đã chết hai ngày, song ngực còn ấm, bỗng sống lại. Vì ở trên thiên đình hai ngày, nên Nguyễn Giám Sinh biết Trần Quốc Tuấn chính là Thanh Tiên đồng tử. Hôm ấy, thần Tản Viên nhìn trên trời có đám mây lạ, biết nước Nam sắp có giặc, bèn tâu lên thiên đình. Thượng đế bèn hỏi tả hữu: Ai nguyện xuống trần gian giúp dân Nam dẹp giặc. Thanh Tiên đồng tử xin đi. Thượng đế đã ban cho Phi Thiên Thần Kiếm. Phu nhân Trần Liễu là Lý Thị Nguyệt đã nằm mộng thấy một vị thần mặt trắng mày xanh cầm kiếm xin đầu thai. Sau, bà Nguyệt sinh, Thanh Tiên đồng tử chính là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Trong lần sang xâm lăng lần thứ hai, Thoát Hoan có mang theo một tên hướng đạo là Nguyễn Nhan (tức Bá Linh). Cha của Nhan là người phương Bắc sang ta buôn bán, lấy vợ ở làng An Bài huyện Đông Triều. Sinh ra tại đấy, nhưng Nhan được bố cho về bên Tầu học. Thi đỗ tiến sĩ, Nhan lại học thêm nghề phù thuỷ. Ở bên Tàu, Nhan phạm nhiều tội nên bị án trảm quyết, dân ta thường gọi hắn là Phạm Nhan. Để chuộc tội, Phạm Nhan giúp nhiều cho đội quân xâm lược. Lại nhớ hồi thơ ấu, tôi được nghe bà tôi kể: Hưng Đạo Đại Vương phải dùng pháp thuật mới bắt được Phạm Nhan, nhưng cứ chém đầu này hắn mọc đầu khác, Đại Vương lại dùng bí pháp, sai lính bôi cứt gà sáp vào lưỡi kiếm rồi chém, đầu hắn mới chịu lìa hẳn. Chết rồi, hồn hắn vẫn bay khắp nơi, sinh nhiều bệnh tật, trêu ghẹo đàn bà con gái. Xưa, nhiều người bị bệnh đau yếu, thầy đồng đều phải cầu khấn anh linh Hưng Đạo Vương về mới trị được.


Từ lâu, Hưng Đạo Vương đã được nhân dân ta thần thánh hoá, thuyền tôi đang nhẹ trôi trong một dòng huyền thoại. Đôi mạn thuyền tôi, lóc vóc muôn vàn con sóng. Dường như nhận ra dòng nước thân quen vừa từ Phủ Lạng Thương chảy tới, tôi vốc một vụm nước sông mát lạnh mà vã vào tóc, xoa lên mặt. Ngay đầu cầu sắt sông Thương thuộc đất Đa Mai (Đa Mỗi) nay còn đền thờ hai công chúa triều Trần: Bảo Nương và Ngọc Nương. Tương truyền, thời ấy, hai công chúa đã tình nguyện, giả làm những cô gái dân quê đem rượu đi bán. Tướng giặc mê rượu mê gái, đã cho các cô gái bán rượu xuống thuyền bỡn cợt... Chuốc rượu cho chúng say sỉn, hai công chúa đã thấm nước đẫm khăn nhét vào các nòng pháo, lúc ấy đội quân mai phục trên bờ do tướng Hầu Toàn chỉ huy bắn tên xuống, đội quân người cá mà giặc vẫn gọi là thuỷ quái do Yết Kiêu huấn luyện lặn trong nước đục thủng thuyền giặc. Trận ấy, giặc chết quá nửa. Hai công chúa cũng bị hy sinh, sau dân địa phương nhớ công ơn lập đền thờ. Hồi xưa, nghe chuyện, tôi cũng nghĩ là chuyện truyền miệng, chưa thật tin. Sau, đọc lại Kiếp Bạc vạn linh từ điển tích, còn lưu lại trong thư tịch, có dòng chữ Hán: Thượng Vị Hầu Toàn dĩ chu sư phá Nguyên vu Đa Mỗ nhi trầm nịch giả đa, thử kỳ công giai kim chi ngọc diệp chi trung nhân dã. Nghĩa: Thượng Vị Hầu Toàn dùng thuỷ quân phá quân Nguyên ở Đa Mỗ (Đa Mỗi) làm chết đuối rất nhiều. Những chiến công lừng lẫy đó đều là do người ở chốn lá ngọc cành vàng... Thì ra, sự tích truyền miệng kia cũng bắt nguồn từ sự thật huyết lệ. Từ chuyến đò dọc ngày ấy, con thuyền tôi đã qua mấy chỗ có dòng nước từ phía tây xòe dẻ quạt rồi hoà với Lục Đầu Giang cuồn cuộn. Thực lẫn mơ, thiêng liêng mỗi ngọn cỏ nhành cây, thiêng liêng những dấu tích địa danh lịch sử thời Trần quanh đây: Bãi Đá Mài Gươm, ải Nội Bàng (vùng Bòng- Chũ), Bãi Tân (Ngã tư Thân?), núi Bình Voi, Ao Gạo...

Trước cửa đền Kiếp Bạc có Cồn Kiếm- dải đất nổi lên giữa sông dài đến trên hai trăm mét. Trong đền Kiếp Bạc hiện vẫn còn một thanh kiếm báu (Phi Thiên Thần Kiếm?). Rất lạ, mỗi khi có giặc, kiếm báu trong hộp tự phát ra tiếng kêu. Các vị tướng đời sau, tước khi cất quân đánh giặc, thường đến Kiếp Bạc cầu khấn. Nếu nghe trong hộp kiếm có tiếng reo vọng ra trời đất, trận ấy tất thắng.

Ngay từ thế kỷ XV, Tiến sĩ Đặng Minh Khiêm đã có những câu thơ về lưỡi kiếm thiêng ấy:

Một hậu uy do tồi Bắc lỗ
Ỷ thiên trường kiếm dạ minh phong.

(Thơ đề vịnh Hưng Đạo Đại Vương)

(Ngài qua đời, uy danh còn phù giúp trừ giặc Bắc/ Trường kiếm, dựa vào trời xanh đêm vẫn ngân vang trong gió).

Thời thực dân Pháp lấn dần miền Nam miền Trung..., phía Bắc thì phỉ Thanh hoành hành, vua Tự Đức cũng gửi gắm nỗi lòng trong những vần thơ về Thần Kiếm:

Hậu lai Bắc Lỗ do kinh độn
Bạch trú phong lôi hạp kiếm minh.

(Vịnh Trần Hưng Đạo)

(Sau này, giặc Bắc còn e lánh/ Giữa ban ngày, kiếm trong hộp vẫn kêu lên như sấm).

Tiếng kiếm reo trong đêm, giữa ban ngày, ngân vang bất cứ bao giờ khi giang sơn có giặc. Tiếng kiếm sống mãi trong tâm linh dân tộc.


Trong cụm di tích thờ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi có Trạng nguyên cổ đường- nơi nhà dạy học xưa của Trạng nguyên. Tại đây có tấm bia khắc Chí Linh bát cổ- tám bài thơ chữ Hán về tám di tích đời Trần của Chí Linh. Bất ngờ, tôi được đọc trên bia dòng chữ: ”Bát cổ thi ký, tứ Ất Mão trung thu du Thanh Hiên cẩn chí”, mới biết là trong thời gian bình bồng gió bụi, vào năm Ất Mão (1795), tuổi ba mươi, Thanh Hiên - Nguyễn Du đã đến Chí Linh, cẩn trọng ghi chép bằng thơ về tám dấu tích cổ, tặng lại. Trong tám bài, có bài Dược Lĩnh cổ viên- Vườn cổ Núi Dược. Thời yên bình, các quan lại, tướng lĩnh hầu hết về kinh thành đua nhau ăn chơi hưởng lạc, Hưng Đạo Vương ở lại Vạn Kiếp, nơi quân doanh cũ, Đại Vương cho trồng một vườn cây thuốc vừa chữa bệnh cho gia đình vừa chữa bệnh cho dân chúng. Vườn thuốc bên núi gọi là Dược Lĩnh Viên. Viết bài Dược Lĩnh cổ viên, Nguyễn Du dùng vần trắc. Hai câu thơ cuối:

Vạn cổ dư uy nhân kiến văn
Viên lâm phong hạc viên lâm mộc


(Muôn thuở, uy phong của Ngài còn thấy đó/ Vườn rừng phong hạc, vườn rừng ngút ngát cây).

Hai chữ phong hạc rút từ bốn chữ: phong thanh hạc lệ. Điển tích: Phù Kiên chỉ huy quân Tiền Tần đánh Đông Tấn bị thua chạy vào rừng, nghe tiếng gió rít, hạc kêu cũng tưởng đang bị truy kích. Quả là thi tại ngôn ngoại. Mấy vần thơ của Thanh Hiên làm sống lại trận chiến xưa, vào mùa hè năm Ất Dậu- 1285, sau các trận thắng lẫy lừng Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết đến trận Vạn Kiếp. Bấy giờ, Thoát Hoan đang đóng quân tại Bắc Giang. Biết thế nào chúng cũng phải rút, Hưng Đạo Vương sai Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão dẫn ba vạn quân phục sẵn hai bên rừng lau sậy ở khúc sông này, Hưng Đạo Vương tự dẫn đại quân lên Bắc Giang, các đầu mục, động trưởng vùng Lục Ngạn, Lạng Giang là Vi Hùng Thắng, Nguyễn Linh, Lương Uất... đã huy động thổ binh phối hợp, tạo thế trận bát quái, đánh những đòn sấm sét. Thoát Hoan cả sợ phải chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân lính kéo chạy. Đám tàn quân tắt rừng trốn chạy, hoảng loạn, giặc sợ cả tiếng gió tiếng hạc. Kết bài bằng từ mộc- cây gỗ, gợi đến cây gỗ làm cọc nhọn trên Bạch Đằng Giang.

Trong sử ta, ngay tại Lục Đầu Giang này, cái cảnh tàn quân giặc tim đập chân run, thấy cây rừng mà nhớ cọc nhọn Bạch Đằng, nghe tiếng gió tiếng hạc mà ngỡ quân Nam truy đuổi, không chỉ một lần...

Tại đây, Hưng Đạo Đại Vương còn soạn cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư, thâu lượm được tinh hoa đồ pháp của trăm nhà mà soạn thành sách gia truyền, dạy phép trăm trận trăm thắng. Hưng Đạo Vương căn dặn: “Sau này, con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí thuật này phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp (thế trận), không được ngu dốt mà trao chữ truyền lời...”.

. Từ hai thế kỷ trước, ông cha ta đã có những nhận định xác đáng. Đời Lê Trịnh, Tiến sĩ Ngô Thì Sĩ viết: Hưng Đạo Đại Vương trung nghĩa trí dũng, văn võ có thể làm pháp lệnh cho vạn bang... .Tiến sĩ Bùi Huy Bích ca ngợi: Đại Vương tài đức kiệt xuất thiên cổ... Ngày nay, Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đã được công nhận là một trong mười danh nhân quân sự thế giới. -./.




VVM.12.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com