Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


VĂN HOÁ TRONG VIỆC THƯỞNG XUÂN


                        

C òn nửa tháng nữa mới thực sự bước vào những ngày Tết cổ truyền, nhưng không khí, quang cảnh chung quanh đã mang màu sắc những ngày đầu xuân. Trước hết là màu nắng, màu nước trà đặc biệt của ánh nắng trong mấy ngày Tết. Nắng không còn đem lại sức nóng oi bức của những ngày hè, mà chỉ hơi âm ấm dìu dịu, cộng thêm bầu không khí lành lạnh đem lại sự thoải mái, khoái cảm tuyệt vời. Mọi hoạt động ngoài xã hội có vẻ nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người có vẻ bắt đầu hối hả cho cuộc chạy đua nước rút trong tháng cuối năm để rồi phải kết thúc trước giờ phút giao thừa.

Trước năm 75, có một bài hát được ban nhạc AVT thường xuyên trình bày trong mỗi dịp xuân về:

    “Mừng xuân mới về, mừng mùa xuân nay đã về,

    Con nít thời vui lòng ông lão thấy cũng vui…”

Đúng vậy, ở những người lớn tuổi vào thời điểm này cũng thấy bắt đầu nôn nao trong lòng. Mặc dù có nhiều người nói rằng già cả rồi Tết nhất có gì đâu mà ham, nhưng thực ra nhiều người lớn tuổi cũng đều cảm thấy có niềm vui rạo rực nhè nhẹ trong lòng. Niềm vui càng to lớn khi những người lớn tuổi thường được khuyên nên sống lạc quan để giữ gìn sức khỏe.

Rồi lật bật cũng sẽ đến giai đọan thưởng thức không khí ngọt ngào của những ngày đầu xuân. Mọi người bắt đầu bước vào những họat động ngày xuân mà năm nào như năm ấy tiếp tục diễn tiến tạo thành thói quen từ đời này sang đời khác, biến thành những tập tục, trong đó có họat động mang tính văn hóa dân tộc nhưng cũng có những họat động không có tính văn hóa nếu không muốn nói là lạc hậu cần phải thay đổi, không nên tiếp tục.

Đi lại trong ngày Tết.

Đi lại là nhu cầu rất lớn trong mấy ngày đầu xuân sau một năm miệt mài mưu cầu cuộc sống. Người về quê thăm gia đình, người đi thăm bà con thân tộc dù ở trong cùng thành phố nhưng vì bận bịu quanh năm không có dịp gặp nhau hàn huyên thăm hỏi. Nhiều người cần đi lại để tham quan thắng cảnh, chùa chiền nơi này nơi nọ, tìm về thiên nhiên. Nhu cầu đi lại còn phát sinh vào thời gian cận Tết khi những người mưu sinh xa nhà, sinh viên học sinh học tập xa quê. Tất cả đều gấp rút về gặp người thân để cùng đưa mâm hoa quả lên bàn thờ đón giao thừa. Nhu cầu này còn phát sinh vào dịp sau Tết khi những người sống xa quê, các học sinh, sinh viên từ giả gia đình trở về nơi mưu cầu cuộc sống.

Việc đi lại trong dịp Tết là họat động mang tính văn hóa rất cao cho thấy ai ai cũng nghĩ rằng phải trở về quê hương, đất nước với những người thân yêu trong những ngày đầu năm mới. Người về luôn luôn nôn nao cầu mong sao cho mau về đến nhà, còn người đón thì cứ ra vào trông mong, hết nhìn lịch trên tường đến nhìn đồng hồ chờ đợi giờ phút tao ngộ.

Tuy nhiên bản sắc văn hóa đẹp đẽ trong việc đi lại vào dịp Tết thường gặp phải những thực tế tiêu cực gây cho những người có nhu cầu đi lại nhiều phiền toái, gian khổ. Đó là nạn “phe” vé tàu, xe đò, nạn xe đò quần lòng vòng rồi bán khách, nạn chèn nhét khách dưới khoan xe như vận chuyển súc vật, nạn cơm tù như báo chí đã nhiều lần đề cập. Năm ngoái có người về tới Hà Nội đã quá giờ giao thừa. Thêm vào đó nạn kẹt xe. Không cần nói đi đâu xa, cách đây vài năm, gia đình người bạn thuê xe đi lên Bửu Long vào ngày mồng một. Xe không vào được khu giải trí mà phải đậu cách xa hàng cây số và phải chờ đợi gần 3 tiếng đồng hồ. Sau đó mệt mỏi quá phải quay về, nhưng cũng phải mất cả giờ đồng hồ để ra khỏi mê hồn trận của một rừng xe cộ đang bị kẹt cứng. Rồi nạn giữ xe máy với giá cắt cổ, một lượt 10.000 đồng, có nơi 20,000 đồng. Đi xe máy bị xẹp lốp, một lỗ vá bị “cứa” liền 20.000 đồng. Đi đến đâu cũng được nghe câu nói “Tết mà anh Hai”.

Tới đây xin được “link” qua một chút về giá cả leo thang trong dịp Tết. Hầu như tất cả các lọai hàng hóa, dịch vụ đều lên giá. Khách hàng nếu có than thở, chỉ dám than thở chứ không dám khiếu nại, sẽ nhận được câu trả lời: “Tết mà !!”. Cách xử sự của “Thượng đế” ngày nay là được quyền than thở.

Tập tục Lì xì

Đây là tập quán mang bản sắc văn hóa khi những người trẻ tuổi, những em nhỏ được người lớn lì xì một số tiền hợp lý đựng trong bao giấy hồng xinh xắn gọi là chúc may, chúc phúc đầu năm. Con cháu tùy khả năng lì xì cho ông bà, cha mẹ để mừng tuổi, cũng là một điều tốt. Ngày nay tập tục lì xì này đã bị biến dạng. Khách đến chúc Tết mà không lì xì cho con cháu chủ nhà, bảo đảm sau khi khách ra về, chủ nhà sẽ bằm cho vài câu nào là hà tiện, là keo kiệt. Tập tục lì xì còn được khai thác triệt để khi cấp dưới đến chúc Tết thường lì xì cho con cháu cấp trên bằng những bao lì xì dày cộm. Sau Tết, vào học lại, con cháu các sếp lớn thường kháu nhau: “Tết rồi tiền lì xì tao được 20 triệu”. Có đứa còn khoe một bao lì xì đỏ thắm và rút ra tờ giấy 500 ngàn mới được xếp ngay ngắn.

Tín ngưỡng

Nổi bật là việc đi chùa đầu năm. Sau khi cúng giao thừa người ta thường đi đến những ngôi chùa gần nhà trước là đốt nén hương cầu nguyện cho đất nước hòa bình giàu mạnh, người dân hạnh phúc ấm no, gia đình thân nhân khỏe mạnh, may mắn, sau đó là xin lộc nhà chùa, xin một lá xăm cầu cho may mắn, xóa mọi rủi ro. Hình ảnh người ta ăn mặc tươm tất lũ lượt đến chùa trong đêm trừ tịch dưới màn sương lành lạnh thật vô cùng đẹp mắt. Ngày nay các chùa chiền đều cảm thấy rét run vào thời điểm giao thừa. Người ta vô không phải xin lộc mà là cướp lộc. Những cây cảnh, bonsai quí giá trong chùa đều bị người ta, đa số là những người trẻ, bẻ phá tan nát. Nhiều vườn hoa tại các ngôi chùa qua sáng mồng một xác xơ thảm hại. Nhiều cây mai bonsai trụi lũi, tróc gốc nằm lăn lóc rớt ra khỏi chậu đã bị vỡ đôi.

Tình trạng cướp lộc này còn lây lan đến các cuộc triển lãm cây cảnh cho các ngày lễ trong năm, có nghĩa là không phải đầu năm để lấy lý do hái lộc cầu may. Thế mà họ vẫn phá vẫn bẻ tan nát, gom từng bó chạy rần rần trên đường phố.

Về phương diện tín ngưỡng còn có một họat động nhằm giúp cho du khách đi “thăm” được thật nhiều chùa càng tốt. Thường là mười ngôi chùa đi về trong ngày. Ở những “tua” như vậy du khách thập phương không thể nói là đi tham quan mà là chạy đua vào chùa cắm cây nhang rồi chạy trở ra xe không đầy 10 phút, trong khi nhà xe vừa bóp kèn inh ỏi vừa la hét hối thúc du khách. Thật không hề có một chút xíu bản sắc văn hóa dân tộc cho cái cảnh tham quan chùa chiền theo kiểu “băng tốc độ” này. Có chủ xe chốc chốc lại lên lớp giảng đạo nào là đi thăm được mười chùa sau này chết được lên… “thiên đàng”(?), hoặc được đầu thai làm người giàu có, ăn sung mặc sướng, có kẻ hầu người hạ. Thôi thì một tương lai sáng quắc do mụ chủ xe thêu dệt ra để hấp dẫn khách thập phương. Người viết còn được khách hành hương kể lại rằng ngày xưa mẹ của Thầy Tam Tạng nhờ đã từng đi tham quan 10 cảnh chùa nên đã sinh con sau này tu hành đắc đạo thành Phật (?).

Một khía cạnh khác của vấn đề tín ngưỡng là trong những ngày đầu năm người ta đốt giấy tiền vàng bạc nhiều quá. Đi đâu cũng thấy người ta đốt giấy vàng bạc. Không biết ở dưới suối vàng người đã chết có được hưởng tí hương khói gì không mà thấy người ta đốt giấy tiền vàng bạc đến phát khiếp. Giá mà số tiền bỏ ra thay vì mua vàng mã về đốt được đóng góp vào việc xây dựng nhà tình thương thì hay biết mấy.

Cờ bạc thưởng xuân.

Ngày Tết thường là dịp để người ta họp mặt. Mà hễ họp mặt thì không nhậu nhẹt cũng đánh bài. Khi có đủ tay mọi người ráp lại để sát phạt. Ban đầu ăn thua chút đỉnh cho vui sau đó lớn dần mà cao điểm là có người thua nguyên một chiếc xe máy, hay một sợi dây chuyền vài lượng. Không kể các đại gia sau khi sát phạt có người thua một hai căn nhà hay một chiếc xe con “đờ lu-xe” đội nón ra đi. Nạn cờ bạn còn được nhân rộng ra tới ngòai đường phố mà chủ xị mấy sòng bạc này là bọn lưu manh lập thành từng nhóm với đủ lọai hình cờ bạc, nào là sóc dĩa, xỉa xu, bài ba lá, tài xỉu… Mấy người từ các tỉnh mới lên Saigon xớ rớ lại gần bị tụi cò mồi dụ dỗ một lát là sạch túi.

Cho dù có biện hộ rằng ngày Tết chơi vài ván bài cầu may, chứ có sát phạt gì đâu, nhưng hoạt động cờ bạc không hề có bản sắc văn hóa dân tộc gì cả. Cần phải nghiêm khắc dẹp bỏ, nếu không muốn thấy từng thế hệ người dân trở thành bác thằng bần.

Chén rượu đầu xuân.

Thật không có gì đẹp bằng ngày Tết đến nhà bạn hàn huyên nhăm nhi một hai chung rượu mừng xuân, ngâm nga vài ba câu thơ cổ, hoặc cao hứng đọc một bài thơ xuân vừa sáng tác. Tính văn hóa trong ly rượu đầu xuân rất cao. Nhưng hình ảnh này ngày nay hầu như không còn nữa. Nhà nhà đều trữ rượu bia đón Tết. Tùy theo mức sống của mỗi gia đình, người ta mua bia rượu về dự trữ. Từ rượu Tây thượng hạng rồi xuống dần đến bia các lọai và sau cùng là… đế. Vào các ngày đầu năm, nhiều bệnh viện thường quá tải vì phải đón tiếp quá nhiều nạn nhân say xỉn bị tai nạn giao thông, hay đâm chém nhau gây thương tích, kẻ vào bệnh viện, kẻ đến nhà lao. Gia đình nào gặp phải cảnh này thì ngày Tết trở thành vô nghĩa. Nhiều gia đình có trình độ văn hóa thấp kém, nạn say xỉn dễ đưa đến bạo hành làm cho hạnh phúc gia đình nhanh chóng đỗ vỡ. Nhiều tài liệu y khoa nói rằng hầu hết những người nghiện rượu đều bị chứng bệnh lớn nói nhỏ không nghe, có khi trở thành anh chàng Hốt tất Liệt. Anh nào có con thì đứa bé có nguy cơ, khi lớn lên, trở thành đần độn, ngu dốt.

Tệ nạn uống rượu bia say xỉn đã làm mất đi tính văn hóa cao đẹp vốn dĩ đã tồn tại từ ngàn xưa. Ngôn ngữ tại các bữa tiệc nhậu trong ngày Tết không còn thi vị mà được thay thế bằng những ngôn từ không hoa mỹ chút nào, hoặc là những cuộc thiệt chiến tưng bừng sôi nổi để rồi kết thúc bằng cuộc chiến không khoan nhượng.

Để vui hưởng một cái Tết hợp lý.

Mọi người, ai cũng có thể mang lại cho gia đình mình một không khí Tết trong phạm vi khả năng cho phép. Người giàu có thì ăn Tết theo kiểu cách riêng của mình, kẻ nghèo khó có thể tạo cho mình cát Tết trong phạm vi thấp nhất. Không thể có vấn đề đi vay mượn để ăn Tết. Trong xã hội hiện nay cũng có một bộ phận dân chúng đi vay tiền nóng để ăn Tết, viện cớ rằng để cho con cái nở mặt nở mày với người ta, để rồi sang năm làm việc còng lưng trả nợ. Đây là những người thích đua đòi muốn có cuộc sống như người khác. Họ sẽ dễ dàng sa ngã trước sự cám dỗ của vật chất. Có nhà kia thấy nhà bên cạnh chưng một cây mai bonsai đẹp mắt, tự nhiên thấy khó chịu bèn chạy ra chợ hoa mua một cây mai bonsai rực rỡ hơn đem về chưng gần cửa sổ cho ông đi qua bà đi lại nhìn được rõ. Thuở còn cho đốt pháo, tính ganh tỵ còn thể hiện rõ rệt. Mỗi lần thấy nhà bên cạnh đốt dây pháo hai thước, nhà bên này lầy ra dây pháo 3 thước đốt trả đũa. Cứ thế mà leo thang. Nạn nhân là những hàng xóm phải chịu thống khổ vì tiếng ồn của pháo.

Hình thức bày biện đón mừng ngày Tết nhà này khác nhà kia thực ra không quan trọng, nhưng điều quan trọng chính là tất cả những thành viên trong gia đình có hòa nhịp một cách trọn vẹn với không khí tưng bừng của ngày Tết hay không. Mọi người phải tự điều chỉnh các khoản chi tiêu trong dịp Tết cho phù hợp với khoản thu nhập của mình.




VVM.28.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .