Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NHÂN ẢNH - MỘT THIÊN TRUYỆN HẤP DẪN



                    

1. Đọc Nhân Ảnh của nhà văn Tôn Nữ Diệu Hạnh thật lôi cuốn, tôi không thể nào rời mắt nếu chưa đọc xong tác phẩm. Câu chuyện là cho người đọc rung động và trăn trở trước một bức tranh đời thực, một lát cắt của cuộc sống qua nhãn quan nhà văn. Khi trang sách cuối của truyện khép lại với bao cảm xúc bồi bồi khó tả. Từ góc nhìn tinh tế và khả năng đi vào thế giới nội tâm của con người để tạo ra một thiên truyện hấp hẫn. Giọng văn giản dị, đậm chất Huế nhẹ nhàng nhưng sâu sắc để lại cho người đọc nhiều suy tư ngẫm ngợi.

Vài nét về nữ văn sĩ Tôn Nữ Diệu Hạnh. Chị là con gái Hoàng Tộc triều Nguyễn, sinh sống tại cố đô Huế, là nhà giáo, từng giảng dạy và viết rất sớm. Chị bắt đầu sáng tác từ những năm 90 của thế kỷ trước, năm 1993 chị có tiểu thuyết đầu tay. Đến nay thì chị đã có mười hai tác phẩm. Phần lớn mỗi tác phẩm được trình bày thành hai tập với nhiều chương. Đó là truyện dài (Tiểu thuyết trường thiên) theo cách gọi của người Nhật, người Tàu để phân biệt với truyện ngắn (tiểu thuyết đoản thiên). Ở Việt Nam khi nói đến tiểu thuyết người đọc thường nghĩ đó là truyện dài. Có người lại cho rằng truyện dài là thể loại nằm giữa tiểu thuyết và truyện ngắn.

Nếu căn cứ vào định nghĩa: Tiểu thuyết là một loại tác phẩm văn chương dài, thuộc thể loại tự sự, phản ánh những chuyện đời thường, mô tả cảnh đời, xã hội, tâm lý của nhiều nhân vật trong các mối quan hệ xã hội, có hư cấu, kết cấu chương hồi. Khi tái hiện bức tranh đời thực mang hơi thở thời đại có yếu tố đời tư và mạch tự sự là tính chất của thể loại văn xuôi hiện đại. Như vậy 12 tác phẩm của nàng Tôn Nữ có thể gọi là tiểu thuyết. Từ nhiều năm nay sở trường của chị là văn xuôi, phần lớn là tiểu thuyết hay truyện dài nhiều chương có tầm vóc tiểu thuyết. Sắp tới chị chuẩn bị thử sức ở địa hạt mới là thơ, sẽ xuất bản tập thơ với hơn 100 bài thơ trữ tình trong năm 2024.

Bàn về tác phẩm Nhân Ảnh thì thấy nhà văn chọn tiểu thuyết để thỏa sức sáng tạo thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để nhà văn phản ánh những vấn đề của cuộc sống con người, thân phận con người. Trong đó có tính chất tường thuật và kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi. Khuynh hướng sáng tác của Tôn Nữ Diệu Hạnh (nàng Tôn Nữ) bằng bút pháp hiện thực và lãng mạn.

2.Tóm tắt nội dung: Câu chuyện gồm 52 chương xoay quanh nhân vật chính Bích Ngọc (BN). Em được sinh ra ở bệnh viện nhưng mẹ ruột em (vì hoàn cảnh nào đó không nuôi được) đành đoạn gửi con lại bệnh viện. Em được một gia đình hiếm muộn nhận làm con nuôi. May mắn cho em, gia đình mẹ nuôi Quỳnh Dao và ba Minh Quân, bà nội là những người tốt, rất yêu quý, chăm sóc em chu đáo.

Nhưng tai họa bất ngờ- mẹ Quỳnh Dao bị mất sau một tai nạn. Ba vẫn cố gắng làm lụng để nuôi Bích Ngọc học hành nên người. Bích Ngọc vẫn được ba và bà nội chăm sóc nuôi dưỡng. Thời gian sau sức khỏe bà nội ngày càng già yếu, bà nghĩ đến việc lấy thêm vợ cho ba Quân, hi vọng có cháu nối dõi tông tông đường cũng là ao ước của biết bao ông bà. Ba Quân dù không nghĩ đến đi bước nữa, bởi anh rất yêu Quỳnh Dao, dù chị đã mất cũng không ai thay thế được bóng hình vợ yêu.

Bà nội nhờ chị hàng xóm là Cẩm Nhung mai mối, tìm được người phụ nữ tên là Hồng Liên (thị).Cô thường tới chơi, lấy lòng mẹ anh. Mẹ mỗi ngày năn nỉ Minh Quân lấy vợ để có thêm cháu, thêm thành viên cho gia đình bớt neo đơn, mẹ thì ngày càng già không thể ở đời với anh. Mưa dầm thấm lâu, thế rồi anh cũng bằng lòng. Đám cưới diễn ra gọn gàng ấm cúng. Hồng Liên về lúc đầu cũng tỏ ra chăm sóc bé Bích Ngọc. Thời gian sau buôn bán ngày càng khó, nên tính khí dần đổi thay. Công ty nơi Minh Quân cũng gặp khó khăn nên công việc không ổn định. Lúc này trụ cột chính là cô vợ sau. Thị trở nên khó tính, gắt gỏng, anh cũng nhẫn nhịn cho qua, hàng ngày chở vợ đi bỏ mối thịt, làm việc nhà. Sau này việc bỏ mối thịt ở các chợ cũng không đắt hàng nữa. Hồng Liên bắt đầu đi buôn chuyến với Cẩm Nhung. Tình cờ chị gặp lại người tình cũ là Hùng Râu. Lúc đầu chị hoảng sợ nghĩ mình bây giờ đã có chồng. Hóa ra thị đã từng có bầu với Hùng Râu, nhưng Hùng Râu vì lý do gì đó đã bỏ trốn. Cơ hội để chị hợp thức hóa cái bầu là kiếm nhanh một ông chồng, dịp may là có Nhung giới thiệu Quân. (Cẩm Nhung không biết chuyện này). Nhưng vì phải mất mấy tháng Quân mới đồng ý, sợ bụng to nên thị phải đi phá thai. Bây giờ gặplại Hùng, Hùng cứ bám lấy thị khó rứt ra được, sau này hai người đi buôn chung, tách chị Nhung ra. Và thị đã có bầu lại với Hùng Râu. Khi nghe thị có bầu, bà nội mừng lắm! Một hôm bà qua nhà chị Nhung hàng xóm chơi vô tình nghe hai vợ chồng chị Nhung nói chuyện với nhau: Rằng Hồng Liên ngoại tình và đã có bầu với Hùng Râu. Bà bàng hoàng ngã sóng soài tạị bậc thềm nhà chị Nhung, trong người bà đã có bệnh nền tim mạch. Chở bà tới bệnh viện không bao lâu thì bà mất. Trước khi mất bà kịp trăng trối với Minh Quân là vợ sau của anh đã ngoại tình, không phải con anh. Người hiền lành chân chất như Quân không chịu nổi cú sốc này, trên đường về anh suy nghĩ miên man, không làm chủ tay lái đã đâm và lối phân cách và chết ngay sau đó. Như vậy bà nội và ba Quân đã ra đi tức tưởi. Ngồi trước hai cái quan tài, Bích Ngọc đau đớn, từ đây cô đã mất đi những người thân yêu nhất.

Hùng Râu dọn về sống với Hồng Liên và Bích Ngọc, thị sợ trong xóm dị nghị nên bán nhà họ Trần của gia đình Bích Ngọc đi mà về Phú Bài mua đất làm nhà, cách thành phố 60 km. Bích Ngọc bị thôi học ở nhà làm lụng, chạy ngược chạy xuôi và sai vặt như con ở. Lúc này em đã 16 tuổi lại rất sợ trước ánh mắt nhìn như muốn nuốt lấy thân thể Bích Ngọc. Nhân lúc đầy tháng đứa con của thị và Hùng Râu, Thị sai BN đi mua đồ, Hùng Râu bảo để “ba” chở đi. Mặc dù Bích Ngọc đã rất sợ, và thường rất ý tứ nhưng giờ không biết làm gì hơn. Cơ hội đến, Hùng Râu lừa con bé vào nhà nghỉ bằng thuốc mê. Tỉnh dậy, trên người không mảnh vải che thân, bé hiểu ra sự việc. Thế là hết, không thể trở về nơi căn nhà đáng sợ ấy nữa. Thế là B N đi lang thang, tối ngủ ở một mái hiên nhà ai, trong cơn đói, tỉnh dậy vô tình gặp người đàn bà tên là Tuyết tới hỏi chuyện. Dì Tuyết đem bé về nhà, cho ăn uống, sắm sửa quần áo, Bích Ngọc cảm động và thương yêu dì Tuyết tưởng là quý nhân phù trợ, ai ngờ mụ là một tay buôn người. Mụ lại bán bé vào Sài Gòn cho một động gái mại dâm. Không tiếp khách, Bích Ngọc bị đánh đập tàn nhẫn. Hôm nay Quốc Đại Bàng (ông chủ động dâm) tới tuyển người để bán qua Trung Quốc. Gặp Bích Ngọc, ông sững sờ nhận ra những nét quen thân của người xưa của ông (Bích Ngọc là nhân ảnh của mẹ chăng). Từ đó ông cho đàn em ra Huế điều tra lai lịch Bích Ngọc, hỏi chuyện bé, thử adn. Biết BN đích thị là con gái của ông. Ông bồi hồi nhớ lại thước phim ngày cũ, lúc mẹ BN thông báo có thai, Kiến Quốc bảo không thể cưới vì công việc chưa ổn định, bảo mẹ bé phá thai nhưng cô không phá, đợi ngày đi sinh ở bệnh viện cho ai kiếm con.

Ông Quốc cảm thấy tội lỗi quá! Ông từ bỏ giang hồ và hai cha con ông về Nha Trang sinh sống. Ông bù đắp những gì có thể cho con ông. Cô bé học xong đi làm, gặp người thương mến (Bảo Duy) nhưng cô tự ty bào mình không xứng đáng vì quá khứ không may ấy. Rồi có lần cô ốm, đến bệnh viện xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm bé tình cơ đọc được trong lúc dọn phòng ba. Cô tự tử, nhưng người yêu cô đã tới chở đi bệnh viện cứu kịp. Cuối cùng Quốc dẫn con gái về Huế, ông chuộc lại căn nhà để lập lại nhà hương hỏa cho họ Trần cũng là cách ông cảm ơn những người đã nuôi nấng con ông. Hai vợ chồng Hùng Râu bị tù do phạm pháp.

Kết thúc câu chuyện là cảnh lúc ti vi mở chương trình “Người đương thời” giới thiệu gương mặt Bích Ngọc. Dù đi qua bất hạnh cô đã vươn lên và sống đẹp, sống có ích, cô mở trung tâm nuôi dạy trẻ em bị HIV và thông qua các chương trình thiện nguyện truyền cảm hứng. Hai vợ chồng Bảo Duy ngồi xem, sau anh đứng dậy đi ra lan can với ánh mắt cay cay, anh bảo: Bích Ngọc ơi! Em đúng là viên ngọc quý!

3.Thế giới nhân vật của truyện được phân ra hai tuyến: Tuyến chính diện: Gồm: Bích Ngọc, Bà nội, bà ngoại, mẹ Quỳnh Dao, ba Minh Quân, dì cẩm Nhung. Tuyến phản diện: Gồm Hùng Râu, Hồng Liên và bố Quốc, nhưng sau khi gặp con thì ông tỉnh ngộ và cải tà quy chính. Còn mẹ ruột của BN là nạn nhân của sự phụ tình, xem như nhân vật trung tính. Vì hoàn cảnh mà bỏ con nhưng cũng cố giữ cho đến ngày sinh con ra trên đời.

Nội dung và diễn biến truyện có luật nhân quả chi phối theo tư tưởng Phật giáo. Chi tiết Kiến Quốc lúc trẻ, có thể anh ta yêu nhưng tình yêu chưa đủ lớn, nên anh ta xem như đã phụ rẫy người tình, chối bỏ đứa con đầu lòng của mối tình thời son trẻ. Sau này anh ta lấy vợ thì chẳng may bị hỏa hoạn chết vợ và hai con. Từ đó anh ta đi vào con đường phạm pháp, làm ăn kiểu xã hội đen trong đó có buôn người. Công việc làm ăn của ông ta là giáng lên con gái của mình. Con gái ông (khi chưa nhận ra) bị bọn đàn em đánh đập thừa sống thiếu chết vì không chịu tiếp khách. Từ đó ông biết đau nỗi đau của người làm cha. Những cô gái trẻ bị ông và đàn em buôn bán trên thân xác thì cũng ông cũng thấm đòn đau -nỗi đau của các bậc làm cha làm mẹ khi con cái mình bị chà đạp. Chi tiết Thị và Hùng Râu ăn ở bạc, bất nhân cuối cùng bị tù đày. Luật nhân quả cho thấy quả báo nhãn tiền là thông điệp tác giả muốn gửi gắm trong truyện. Câu chuyện không có xung đột cao trào, ồn ào gì ráo. Dẫu có những lúc thót tim lo lắng cho nhân vật. Nữ văn sĩ đã điềm tĩnh, nhẹ nhàng dẫn dắt người đi theo trình tự logic, hợp lý và thuyết phục. Cứ túc tắc để cho nhân vật thực hiện nhiệm vụ của mình trong văn bản để người đọc dõi theo và cảm nhận. Người đọc đi hết câu chuyện, cũng quặn thắt lòng theo từng biến cố mà bé Bích Ngọc phải chịu dựng. Từ nội dung, ý nghĩa câu chuyện, khép lại trang sách, người đọc đi từ rung cảm, ngẫm ngợi suy tư và từ đó rút ra bài học cho mình. Đôi khi lòng người khó đoán không thể hiểu được người khác toan tính gì. “sông sâu còn có thể dò, lòng người nham hiểm có dò được đâu” (ca dao). Bề ngoài tử tế đấy nhưng rước vợ sau về nhà như rước họa vào thân. Nếu Thị không bước chân vào gia đình này thì Bà Nội và Ba Quân đâu bị chết tức tưởi như vậy.

Câu chuyện cũng là bài học cho những đôi lứa yêu nhau cần có trách nhiệm với chính mình và con cái. Khi đã tạo ra con thì phải nuôi nấng đừng để con lay lắt với số phận trôi nổi lành ít dữ nhiều. Không phải lúc nào cũng gặp người tốt.

Bài học nữa với người dưng khác máu tanh lòng, dì ghẻ, ít ai thương con chồng (con đẻ hay con nuôi) mà nếu có cũng rất hiếm trên cuộc đời này. Còn bố dượng với con của vợ, mà con của chồng cũ của vợ nữa thì coi như miếng mồi ngon mắt, không bỏ qua. (dĩ nhiên trên đời vẫn có những bố dượng và dì ghẻ tốt, nhưng quả thật hiếm. Nếu có, liệu may mắn đó có tới được với con mình không?). Đó là những thông điệp tác phẩm gửi đến người đọc.

Nghệ thuật kể chuyện: Theo trình tự thời gian, trước khi bé chào đời, rồi cuộc đời Bích Ngọc từ nhỏ đến lớn đặt chủ yếu trong không gian Huế thân thuộc.

Từ đời thực nhà văn quan sát rồi bằng tài năng của mình mà xây dựng cốt truyện, miêu tả hành động, diễn biến tâm lý nhân vật tạo ra nhiều tình huống bất ngờ và tính chân thực khá cao.

4. Nhà văn là thư ký của thời đại. Và mỗi người sẽ có một góc nhìn, một cảm quan nghệ thuật riêng. Những tình huống rất đỗi bình thường nhưng khi đi vào trang viết qua ngòi bút của nhà văn sẽ có một ý nghĩa nhất định. Bởi nhà văn đi từ cuộc sống. Thu vào tầm mắt những vấn đề nổi cộm của cuộc sống để khái quát, chọn lọc, tìm vấn đề đặt ra cho tác phẩm. Nhà văn có thể quan sát nguyên mẫu hay tổng hợp cuộc sống vào hình tượng nhân vật điển hình lên trang viết sinh động, tự nhiên như ngoài đời thật. Hoàn cảnh sống, tâm lý, hành động, lời nói của nhân vật người đọc cảm thấy đã gặp ở đâu đó trong cuộc đời này. Câu chuyện Nhân Ảnh rất đời, rất thuyết phục. Vốn sống và tư tưởng thẫm mỹ là chất liệu quan trọng được nhà văn tích lũy để phản chiếu vào văn chương. Từng mảng đời thực của thời đại mình đang sống được tác giả chuyển tải lên trang viết. Văn chương là cuộc đời nhưng phải qua nhãn quan của nhà văn đến tác phẩm là cả quá trình ấp ủ cảm hứng sáng tạo. Để đời sống thực đi vào nghệ thuật dĩ nhiên ít nhiều cần có hư cấu... Tác phẩm nghệ thuật được chắt lọc từ thực tế cuộc sống mới hấp dẫn, lôi cuốn và neo lại trong lòng người đọc là thuộc về tài năng của người cầm bút.

Cuộc sống vốn phong phú đa dạng. Quan trọng là nhà văn chọn vấn đề gì của cuộc sống, nội dung phản ảnh và thông điệp gửi gắm. Mỗi nhà văn sẽ có góc nhìn riêng và một cách chuyển tải riêng. Cuộc sống đi vào trang viết giàu tính hiện thực, nhân vật lạ mà quen. Ai cũng có thể nhận ra là đã gặp đâu đó hoặc tìm thấy một phần đời mình trong đó, để suy ngẫm rút ra bài học cho riêng mình. Cốt lõi đọng lại là tính nhân văn và nhân bản, mà văn học thời nào cũng hướng đến.

Tác giả đã quan sát cuộc sống với góc nhìn tinh tế, chọn vấn đề cần thiết để xây dựng cốt truyện. Chị miêu tả hành động, lời thoại, tính cách, diễn biến tâm lý nhân vật hợp logic và sinh động. Thông điệp cần chuyển tải bổ ích, sát thực. Là người con dân Huế, chị sống gắn bó sâu sắc với Huế, vốn từ mang âm hưởng xứ Huế, bối cảnh chính cũng diễn ra trên đất Huế, dù có đi đâu xa rồi cũng trở về với Huế ở cuối truyện. Ngôn từ có giá trị biểu đạt. Ngòi bút chân thực và giản dị.Văn phong trong sáng, dễ hiểu. Nhân Ảnh đã cho chúng ta thấy một bức tranh đời rất quen, xẩy ra xung quanh chúng ta.

Xuất thân ngữ văn, chị đến với văn chương trên 30 năm rồi đến nay vẫn là một cây bút sung sức. Những tác phẩm của chị đã chứng tỏ là một cây bút vững vàng. Nhưng chúng tôi vẫn mong chị lưu ý những câu văn đôi chỗ còn thừa từ, cần được gọt dũa súc tích hơn. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Tuy nhiên, đó chỉ là tiểu tiết có thể khắc phục. . Chất liệu cuộc sống, tư tưởng thẫm mỹ và thông điệp gửi gắm trong tác phẩm mới là điều quan trọng. Thế giới hình tượng thông qua bộ lọc của nhà văn, chọn hình thức phù hợp để xây dựng tác phẩm. Nghệ thuật ngôn từ chuyển tải nội dung là những ẩn ức của nhà văn khiến người đọc suy tư, trăn trở về nội dung văn bản và những lớp nghĩa trong đó sau khi đọc xong một văn truyện. Những trang viết của nàngTôn Nữ xứ Huế quả thật thấm đẫm hơi thở của cuộc sống và đầy tính nhân văn.

Sài Gòn, ngày 25/01/2024




VVM.28.01.2024.