Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM
NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI

* cao mỵ nhân * diễm châu * đào minh lượng *
* hà phương * hà yên chi * kiều thệ thủy * nhị thu *
* như lan * tuyết linh * thanh nhung * trần dạ từ * viên linh *


          DẪN NHẬP

          Giới thiệu 12 nhà thơ mới nhất hôm nay của Miền Nam trong khoảng thời gian 1955 đến 1960, tôi không làm công việc phê bình mà chỉ ghi lại cảm tưởng riêng khi nhìn họ qua thơ trong giai đoạn bắt đầu - dù nhiều tác giả đã xuất bản thơ, như Hà Phương, Hà Yên Chi, Diễm Châu … và có tác phẩm đăng nhiều trên tạp chí, sách báo, đích thực đã là nhà thơ nổi tiếng với giới thi ca vào giai đoạn này.
         Trước khi tập hợp một số bài báo thành cuốn MƯỜI HAI NHÀ THƠ MỚI NHẤT HÔM NAY (in ronéotypé trong Loại Sách Đại Nam Văn Hiến, Saigon 1961), những bài viết nói về các tác giả Cao Mỵ Nhân, Diễm Châu, Đào Minh Lượng, Hà Phương được đăng tải trên tuần báo Tân Dân, chủ nhiệm Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, vào những năm 60-61, ký Đường Bá Bổn.
          1961
__________________________________________________
(*) Sách in lần này mang nhan đề : MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI ký Thế Phong.


11 - TRẦN DẠ TỪ (Lê Hà Vĩnh, 1940 - )




Bắt đầu vào làng thơ bằng bút hiệu Hoài Nam, và có tên thật là Lê Hà Vĩnh, sinh 1940 ở miền Bắc. Những bài thơ viết theo lối thơ mới có, bảy chữ có, lục bát cũng có. Một điều đặc biệt là thơ Hoài Nam ban đầu rất ư là Nguyễn Bính, thường đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong, từ 1957. Thời gian sau, thơ Hoài Nam lại chịu ảnh hưởng một nhà thơ khác, Hữu Loan, nhất là bài Màu Tím Hoa Sim, gần như Hoài Nam sao lại hình-tượng-ý-thơ-đời-sống từ lớp người thơ kháng chiến. Có thể đây là một cách lấp trống thiếu hụt trong thơ của người trẻ trên dưới hai mươi bây giờ chăng? Bài thơ bảy chữ như Trông Lại, tư tưởng và kỹ thuật rất thấp, cứ cho là khởi điểm không thể cao hơn đi - nội dung thơ lại lãng mạn rẻ tiền, thơ chắp vá. Qua giai đoạn khác, Hoài Nam làm thơ tranh đấu kiểu tuyên truyền lại càng thấp hơn, đem ngòi bút làm thơ cho có lập trường chính trị để nuôi thân (thời kỳ 1958, Hoài Nam đăng thơ trên báo quân đội Cây Mai vv… chẳng hạn). Đến 1959,60,61 Hoài Nam thay đổi bút danh là Trần Dạ Từ, loại bỏ hẳn thời kỳ ấu trĩ Hoài Nam và tạo lập cho mình một đời thơ nghệ thuật. Thái độ can đảm này như người đọc đã nhận thấy, anh từ bỏ chặng đường thơ đặt hàng có lập trường, để coi nghệ thuật là cứu cánh cho sự nghiệp của anh hình thành. Từ giai đoạn này, Trần Dạ Từ tạo cho mình một chỗ đứng, thơ chuyển sang hiện sinh nhưng là lối bắt chước hiện sinh Tây phương - đối với Trần Dạ Từ lại là hiện sinh nửa vời, phi lý không lý do, công thêm lối thơ dadaisme, utopisme, obscurantisme của Pháp đầu thế kỷ này. Sau, qua những đợt thơ bị tiêm nhiễm, chưa biết con đường thơ của Trần Dạ Từ đi về đâu?

Tôi lược bỏ giai đoạn một, hai của thơ Hoài Nam. Đi ngay vào phần phân tích thơ có mục đích tạo sự nghiệp thơ nghệ thuật của Trần Dạ Từ . Anh làm thơ rất nhanh, nhiều, dễ dàng. Sự tự phong cho anh có niềm kiêu hãnh, ai mới vào nghề cũng phải trải qua. Ngày xưa Nguyễn Bính từng được nhắc nhở như là một nhà thơ học thức kém, nhưng sống nhiều mặt của cuộc đời, giầu kinh nghiệm, tình yêu, tình đời và có nghệ thuật thơ nên thơ Nguyễn Bính làm mê đắm người đọc, nhất là giới bình dân. Nhưng từ 1945, Ngày Lớn bùng nổ, làm Nguyễn Bính có thay đổi cả đời và thơ, nhưng lối thơ diễn tả vẫn là lục bát nhiều hơn.

Trở lại với Trần Dạ Từ, một số bài thơ đăng báo hôm nay rất điêu luyện, ý dồi dào, tứ mới lạ, nhưng thơ rất ẩm ướt chốn khuê phòng, cũng như lối thơ gọi là tranh đấu nhưng vẫn chưa hết tâm trạng được đăït hàng qua một số bài thơ có mặt trên báo chí. Hiện tại, như tôi trình bày ở trên, Trần Dạ Từ bị tiêm nhiễm bởi hiện sinh Tây phương, chứng tỏ người thơ có trình độ trí thức, nên thơ anh sặc mùi nôn mửa hiện sinh, theo chân những người thơ đi trước làm thơ đăng trên tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo. Cái lối hiện sinh theo đuôi, không có kinh nghiệm, tư tưởng của chính bản thân mình thoát thai, cứ như triết gia văn sĩ J. P. Sartre đi - còn chấp nhận được - nhưng ở đây là hiện sinh theo đòi, chỉ là một lối snobisme. Tôi không hiểu rằng đó có phải là một lối-thoát-bế-tắc nên giả tạo, đầy ảo tưởng, mà sau mỗi thời kỳ chiến tranh, sự chán chường nửa vời kia, vì không có lý tưởng thực sự đeo đuổi, đành phải bám vào để tự che giấu chính mình, làm bảnh với chính mình trước, để có thể sống cho là hiên ngang bề thế! Cái lối hiện sinh, tạm gọi là theo đuôi kia liệu còn kéo dài cho anh nương tựa được bao lâu? Ấy là tôi chưa kể đến nội dung thơ buồn nôn nửa chừng, chán yêu bằng nửa đốt tay, tạo cho họ chỗ đứng nào thực sự trong văn học, nhưng trước mắt tạo một tiền lệ hư xấu cho lớp sau, cùng họ bám víu vào đấy để kéo dài sự vinh quang giả tạo, điên cuồng! Các tạp chí nào đã đăng lối thơ phi lý hiện sinh ấy? Xin thưa, đó là tờ báo của mấy ông nhà văn sống thì so đo, chiu chắt từng đồng viện trợ, chia xẻ rất ít cho anh em (tôi nói đến cách họ đối xử với nhà thơ Quách Thoại được rêu rao là cùng băng nhóm, sống chết có nhau), nhưng trong văn chương lại tỏ ra lý tưởng hão, nửa vời, đầy tính hung hãn phá phách kiểu hiện sinh, sống hôm nay biết hôm nay, mai chết bỏ, dầu là bỏ ở ngoài đường.

Ấy, hiện sinh nửa vời ở Việt Nam (Nam) là như thế! Trần Dạ Từ cùng một số lớp trẻ như anh, chập chững theo đi làm văn thơ, đẽo gọt ngôn từ cho kêu, tiện dũa âm thanh hóc hiểm, ý tưởng hũ nút, chỉ nói đến thơ lục bát của anh bắt chước âm thanh ma qúai học đòi từ Cung Trầm Tưởng. Trần Dạ Từ chịu rất nhiều ảnh hưởng thơ lục bát C.T.T nên khi đọc thơ dễ nhận ra ngay sự chắp vá, tí ti hiện sinh, tí ti cách mạng, xin xỏ đấu tranh kiểu cải lương, theo đòi vô chính phủ kiểu André Breton ( cũng là người đi sau tiếp nối gót Thanh Tâm Tuyền, dịch thơ Breton trước lấy ý; làm bài thơ thứ hai là của riêng). Như vậy từ thơ André Breton qua Thanh Tâm Tuyền rồi đến Trần Dạ Từ đã qua tay ít nhất tới hai lần rồi (§)

Vốn văn hoá Tây phương của anh rất mỏng, trước họ lớp ba mươi, đa số cũng đã mỏng rồi! Không trách vốn học thức thấp hay cao, nhưng trách ở chỗ thấp mà làm ra cao, tư tưởng thấp như ngọn cỏ, lại tưởng chừng cao trên ngọn cây to, hãy nhìn thi ca của họ đăng trên Sáng Tạo, Thế Kỷ 20 thì rõ. Nhớ lại một họa sĩ, anh Ngọc Dũng, cũng làm thơ chiêm bao: nào là hơi thở vẫn rì rào đến buổi chiều ấy bơ vơ như gạch ngói, đúng là quái thai thơ! Nếu nói là hiện tượng voyou thì quá! Họa sĩ Duy Thanh qua tập truyện ngắn Thằng Khởi cũng không hẳn là quái thai song văn chương tạo được một hiện tượng được coi là lạ! Thơ Ngọc Dũng, văn Duy Thanh, theo tôi, nên coi là vắng; vì họ sinh ra chỉ để Ils sont nés pour la peintre, chứ khó là một Văn Cao thực sự tài hoa cả nhạc, họa, thơ, kịch - trường hợp Văn Cao mới đúng là hiện tượng spectaculaire !

Tôi rất quí và trọng tài họa của Ngọc Dũng và Duy Thanh, cũng như đối với thơ Trần Dạ Từ, thơ của chính rung cảm đời thơ của anh thật đáng phục, nhưng bắt chước thơ lục bát Cung Trầm Tưởng (cách diễn đạt, âm thanh, ngôn từ, tiết tấu) nói như một bạn văn khác, gọi C.T.T là một Bà Huyện Thanh Quan mới của lục bát. Thực ra, thơ lục bát của C.T.T đôi câu rất lạ, rất hay, rất cảm, nhưng với Trần Dạ Từ trở thành non tay, vụng ý, làm dáng văn chương nhiều hơn là sáng tạo! Âu đó cũng là sự đua đòi bắt chước và đó không phải là réminiscence đối với Trần Dạ Từ. Đọc một hai câu thơ lục bát của Trần Dạ Từ như:

… Cây ngùi bóng cả đôi hiên
Chiều vơ ngõ lụn, tay phiền giấc trưa (§)

Thực chất thơ Trần Dạ Từ, theo tôi, một số bài như Thơ Tình Tháng Sáu, Nhã Ca… và một vài bài ký tắt T.T.N.C (§) đăng trên tạp chí Hiện Đại của Nguyên Sa. Đấy chính là bản sắc thơ độc đáo của Trần Dạ Từ, điều này chứng tỏ, sau một thời gian thử nghiệm, anh đã tìm cho mình một bản sắc thơ độc đáo. Dưới đây trích dẫn hai bài thơ hay của Trần Dạ Từ.

©

Trích thơ Trần Dạ Từ :

I- NHÃ CA

bây giờ ngày đã hết
ban đêm đương bắt đầu
chỉ còn lại mình anh
và trái đất cằn khô

bây giờ tháng đã hết
mùa đông đương bắt đầu
chỉ còn lại mình anh
và tiếng nói hư vô

bây giờ năm đã hết
thời gian đương bắt đầu
chỉ còn lại mình anh
và nốt nhạc cô đơn

bây giờ thôi đã hết
lãng quên đương bắt đầu
chỉ còn lại mình anh
và nỗi nhớ nhung đen

II - THƠ TÌNH THÁNG SÁU

Mộng sẵn sàng rồi lòng trong sạch đó
Em ngồi đây coi giùm anh giấc ngủ
Chiều hôm nay, trời sực nức hương thơm
Lá biết dong chơi, cây biết giận hờn

Đôi cánh ăn năn dịu dàng khẽ vỗ
Bỗng nhiên thôi từng ấy lượt đi về
Tóc đã dài hẹp trán say mê

Thân đã duỗi quá xa tầm vóc cũ
Em ngồi lại coi giúm anh chút nữa
Ôi những ngày không viết một bài thơ
Bao nhiêu đêm nằm với ngực mơ hồ
Bao nhiêu sáng dậy nghe đời xế lụi

Vâng lòng tôi đấy, dại khờ bé bỏng
Bấy nhiêu ngày, ăn chửa hết cô đơn
Bấy nhiêu thơ, không nói, để trong hồn
Bấy nhiêu đó, không ai nhìn thấu cả

Em ngồi đây, ngồi sát nữa, người thương

Kìa những ngày thơ rụng đổ chân tường
Em vẫn sống như những chiều bãi biển
Anh vẫn đẹp như những giờ em đến
Thơ có đầy vơi vẫn đủ nuôi sầu
Tay có khổ mình vẫn vuốt ve nhau
Xếp giùm trán, hôn giùm môi và hát

Nỗi vui đó anh chờ em sắp đặt.

TRẦN DẠ TỪ


...... CÒN TIẾP ...




VVM.25.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .