T rong 3 thập niên qua, trong lãnh vực văn học nghệ thuật với văn, thơ, âm nhạc... tôi đã viết về tác giả, tác phẩm cho các tờ báo cộng tác và đảm trách sau đó được phổ biến trên các website & blogspost...
Quyển sách đầu tay với Ngẫm Chuyện Nhân Sinh, một thập niên sau, gom số bài viết đã ấn hành quyển Văn Nhân & Tình Sử năm 2015. Năm 2019, tôi chọn những bài viết liên quan đến Quân Đội, môt thời đã dấn thân để thực hiện quyển Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ, đang layout dang dở thì bệnh dịch Covid-19 xảy ra, trước thảm họa nầy, tôi nghĩ mọi người bị ảm ảnh cảnh chết chóc, không còn bụng dạ nào để đọc nên bỏ ngang.
Tôi thích âm nhạc từ nhỏ nơi phố cổ, và trở thành người bạn đồng hành trong cuộc sống thăng trầm theo biến thiên của lịch sử. Nếu nhà thơ Phùng Quán cho rằng: “Có những phút ngã lòng. Tôi vịn câu thơ và đứng dậy...” thì những lần tôi lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã, cô đơn... âm nhạc như người bạn tri kỷ chia sẻ, an ủi nỗi buồn cho vơi bớt dự đơn độc, nỗi đau...
Trong quãng thời gian dài bị cầm chân tại nhà bởi dịch bệnh, theo dõi tin tức hằng ngày quá bi thương, nghe âm nhạc cổ điển Tây phương và những ca khúc lãng mạn, trữ tình của âm nhạc Việt Nam để khuây khỏa. Và, để lãng quên thời cuộc đầy bất trắc, tôi viết về âm nhạc từ ca khúc đến nhạc sĩ, nhạc phẩm đã một thời yêu thích. Trong lãnh vực nầy tôi đã viết từ lâu nhưng lúc cảm thấy trống vắng, nhờ internet và các phương tiện truyền thông... tôi thả hồn vào thế giới âm thanh từ dòng nhạc cổ điến Tây phương đến các ca khúc trữ tình Việt Nam đã một thời yêu thích ngân vang trong garage (nơi tôi làm văn phòng, tòa soạn từ năm 1998) với computer vịn vào cung bậc, giai điệu và lời ca, vừa thanh thỏa, vừa chống chọi thảm cảnh đang vây phủ bên ngoài.
Thời gian đó, tôi viết không chỉ riêng cho bản thân mà chia sẻ với độc giả, thân hữu chung tâm trạng với nhau trong cùng hoàn cảnh nơi xứ người. Rồi từ nguồn cảm hứng đó, tôi viết tiếp nhiều bài về âm nhạc.
Khi lục lại các bài viết tôi nghĩ nên chọn các nhạc sĩ, ca sĩ đã ra người thiên cổ, tuy không còn trên cõi đời nhưng sáng tác và tiếng hát của họ gợi nhớ trong tâm hồn giới thưởng ngoạn. Và, cũng là “đứa con tinh thần” ra đời vào tuổi tam mươi để làm “món qua” lưu niệm.
Hầu như trong giới văn nghệ sĩ đều có tâm hồn lãng mạn trong tình yêu, thời gian qua, các bài viết trong nước (không hiểu vì lý do gì hay định kiến về chính trị) lại khai thác các cuộc tình rồi “tự biên tự diễn” thêu dệt để đáp ứng sự tò mò của độc giả. Với tôi, đó là điều cấm kỵ nên chỉ lướt qua cuộc tình vì hình bóng người yêu cũng là nguồn cảm hứng để sáng tác. Ngay trong quyển Văn Nhân & Tình Sử với các mối tình của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ rất dễ thương, trong sáng và quá đẹp, nhờ sáng tác của họ mới biết được “tình sử”, nếu không sẽ chôn vùi theo thời gian. Điển hình như Hữu Loan với Màu Tím Hoa Sim, Hoàng Cầm với Lá Diêu Bông, Quang Dũng với Mắt Người Sơn Tây, Đoàn Chuẩn với Gửi Người Em Gái, Hoàng Nguyên với Tà Áo Tím, Lê Trạch Lựu với Em Tôi... và cả Tình Sử Phượng Cầu Hoàng.
Câu nói “Aimer c’est mourir un peu” đã có từ lâu, thi sĩ Lory Ann lấy tựa đề cho bài thơ và nhà thơ Xuân Diệu vào thời tiền chiến đã viết: “Yêu là chết trong lòng một ít. Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”. Bài thơ Sonnet của Arvers Félix qua bản dịch Tình Tuyệt Vọng của nhà văn Khái Hưng trở thành áng thơ bất hủ. Với nỗi đau được trang trải dễ đi vào trái tim của mọi người.
Trong quyển Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ, tôi đã layout bài viết về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Nhật Trường Trần Thiện Thanh vào quyển sách nầy và sẽ thay vào đó các bài viết về nhạc sĩ Vũ Thành, Lam Phương, Anh Bằng... để phù hợp với văn, thơ, nhạc...
Về các ca sĩ, trước đây tôi đã viết về Hà Thanh, Lệ Thanh và trong dịch Covid-19 vừa qua, với các giọng ca đã một thời mọi người yêu thích khi vĩnh biệt trong nỗi cô đơn vì “thời gian bị cấm cố” nên tôi viết tưởng nhớ Mai Hương, Thái Thanh, Lệ Thu... Trong quyển sách nầy, tôi không đăng vì nghĩ rằng với những ca khúc đó đã được đề cập qua các nhạc sĩ.
Có lẽ “bụt nhà không thiêng” với công việc layout sách, báo. Trong lúc uống cà phê với thân hữu và gặp gỡ bạn bè thường nói với tôi gom các bài viết in thành sách để khỏi mai mọt... Nhân dây, xin ngỏ lời cảm ơn với nhã ý chân tình đó.
Để đánh dấu mốc tuổi tám mươi, tôi chọn 12 nhạc sĩ, tượng trưng cho 12 tháng và thập nhị chi theo chu kỳ của thời gian trong năm, theo mệnh tuổi con người trong tử vi Đông phương và 4 bài viết về âm nhạc cho 4 mùa để dễ nhớ. Với tôi, đây không phải là biên khảo về âm nhạc vì âm nhạc là thảo nguyên bạt ngàn, đại dương mênh mông... không thể nào diễn đạt.
Với “ngôn ngữ” chỉ có ngũ âm và 7 nốt nhạc nhưng từ xưa đến nay, các nhạc sĩ đã sáng tác, biến nó thành rừng âm thanh huyễn ảo, huyền nhiệm... mà trong cõi nhân gian có hàng vạn tiếng nói khác nhau nhưng đều cảm nhận được. Ngay cả Camille Saint Saens (1835-1921) nhà soạn nhạc thiên tài và bậc thầy dạy nhạc trứ danh (nhạc sĩ F Liszt nhận định rằng Camille Saint Saens là pianist vĩ đại nhất ở châu Âu) ông cho rằng “Không có gì khó hơn là nói về âm nhạc” (There is nothing more difficult than talking about music). Vì vậy, trong cuộc sống bình thường, thưởng thức và viết về lãnh vực nầy như câu nói của nhà soạn nhạc J.B Bach (1685-1750): “Âm nhạc có thể giúp tinh thần rũ sạch mọi bụi trần của cuộc sống thường ngày”.
Trong quyển Tiếu Ngạo Giang Hồ của nhà văn Kim Dung, tuy là tiểu thuyết võ hiệp, hư cấu nhưng ông đề cập đến sự huyền nhiệm. Ma lực tối thượng của âm nhạc gắn bó với nhau giữ hai đại cao thủ. Lưu Chính Phong là sư đệ của chưởng môn phái Hành Sơn Mạc Đại tiên sinh, cao thủ kiếm thuật đồng thời là một nghệ sĩ thổi tiêu ở chính phái. Khúc Dương là trưởng lão phe tà giáo, cao thủ chơi thất huyền cầm. Hai nhân vật thượng thặng của hai phe hắc bạch lại tìm đến nhau sáng tác khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ bi tráng, là bản nhạc cầm tiêu hợp tấu tuyệt đỉnh. Âm nhạc đã xóa bỏ mọi ranh giới phân chia giả tạo giữa chính tà, thiện ác, kết tình huynh đệ. Lưu Chính Phong làm lễ rửa tay gác kiếm, muốn rút lui khỏi chốn giang hồ, hiến dâng trọn cuộc đời cho âm nhạc. Chưởng môn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền với dã tâm, yêu cầu Lưu Chính Phong phải giết Khúc Dương. Lưu Chính Phong từ chối và cái giá trả cho niềm đam mê âm nhạc cùng tấm chân tình nghĩa huynh nên toàn gia bị tru lục một cách dã man. Khúc Dương xuất hiện cứu Lưu Chính Phong, nhưng bản thân ông cũng bị trọng thương. Hai người cùng hợp tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ và giao nhạc phổ cho Lệnh Hồ Xung, rồi cùng nhau ôm nhau sang thế giới bên kia trong tiếng cười mãn nguyện... Sau nầy Lệnh Hồ Xung (chính phái) và Nhậm Doanh Doanh (tà phái) kết thành vợ chồng, rời bỏ chốn gió tanh mưa máu trong võ lâm để ngao du với khúc nhạc.
Vì vậy, theo J.B Bach, âm nhạc “rũ sạch mọi bụi trần của cuộc sống thường ngày”, điều đó không sai.
Trong bài viết về Boléro, Dòng Nhạc Bị Bức Tử Được Hồi Sinh, trước đó và vào thời tiền chiến không có dòng nhạc nầy. Vào đầu thập niên 1950s mới xuất hiện ở miền Nam VN và trở thành phổ thông nhất trong hai thập niên. Âm Nhạc & Cuộc Sống, nhắc đến sự hình thành âm nhạc Tây phương, vì có tính cánh nhạc sử nên trích dẫn bài viết của Phạm Đức Thân và Phạm Văn Tuấn liên quan đến các thời kỳ rồi đề cập đến thời điểm ảnh hưởng đến nền tân nhạc VN. Cuốn sách Tân Nhạc Việt Nam Thuở Ban Đầu của nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) viết khá đầy đủ nhưng tôi trích dẫn bài viết của nhạc sĩ Trần Quang Hải, với tôi, từ trước đến nay trong bài viết khi trích dẫn thường để tên tác giả, đó là sự lương thiện của người cầm bút. Bài viết Nhịp & Phách Trong Nhạc Phẩm cũng dựa vào sách về nhạc lý để tóm lược. Bài viết về Dạ Khúc (Sérénade) - Hai Trăm Năm Cô Đơn, những ca khúc bán cổ điển Tây phương đã ảnh hưởng với tân nhạc Việt Nam.
Với 12 nhạc sĩ đề cập trong quyển sách nầy, phần đông đã được gặp gỡ, trò chuyện và vài nhạc sĩ qua chia sẻ của các thân hữu giữa họ và tôi.
Quyển sách nầy không mang màu sắc chính trị vì chính trị chỉ là giai đoạn, nghệ thuật mới lâu dài. Nhưng những nhạc sĩ đã được đề cập đã dấn thân cho nghệ thuật, họ phục vụ cho lý tưởng Quốc Gia Dân Tộc và trong quân ngũ là lẽ đương nhiên, phải nhắc đến, đáng trân trọng. Vào thời tiền chiến xảy ra vụ tranh cãi giữa “nghệ thuật vị nghệ thuật & nghệ thuật vị nhân sinh” nhưng với âm nhạc thì cả nghệ thuật và nhân sinh mới in sâu vào tâm hồn giới thưởng ngoạn.
Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, giới văn nghệ sĩ cả 3 miền với tinh thần yêu nước tham gia chống Pháp đã vào các chiến khu nhưng sau khi thấy lạc đường đã “dinh tê” về thành. Hầu như các bài viết trong nước chỉ khai thác thời gian đó mà ít đề cập đến giai đoạn họ phục vụ ở miền Nam Việt Nam. Chẳng hạn như nhạc sĩ Lan Đài, sau năm 1975, ông không sáng tác, về cư ngụ ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1982 ông vượt biên một mình ở Bà Rịa. Không may trong lúc giành giật nhau ở bến xuất phát, ông bị xô té lọt xuống biển, vì không biết bơi nên chết chìm, hôm sau xác mới tấp vào bờ. Mất mát to lớn ấy đến quá bất ngờ đối với người vợ, ca sĩ Diễm Hồng, xuống tận cùng sâu thẳm của nỗi bất hạnh. Trong một cơn xúc động mạnh, Diễm Hồng bị á khẩu. Suốt một thời gian hơn một năm trời, bà không thể nói được. Nỗi bất hạnh, bi thảm đó, không có bài viết nào ở trong nước đề cập đến!
Hay nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, năm 1966 bị động viên vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế Nha Trang, vì ngạch giáo chức nên cuối năm 1969 được biệt phái về Bộ Giáo Dục và làm việc tại Trung Tâm Học Liệu... Sau năm 1975 phải giấu tên, trốn tránh, tìm đường vượt biên nhiều lần nhưng bất thành, bị bắt ở tù hơn một năm từ khám lớn Rạch Giá... sau đó mới vượt biên.
Trong quyển sách nầy đã có những trường hợp bi thảm như vậy, tôi đề cập đến để thế hệ sau nầy ở hải ngoại am hiểu sự thật trong giai đoạn bi thương của lịch sử. Những bài viết lệch lạc về chân dung nhạc sĩ chỉ làm tổn thương cho thân nhân của người quá cố!
Nền tân nhạc Việt Nam chỉ hai thập niên đã cống hiến cho lịch sử âm nhạc Việt Nam một kho tàng phong phú nhất trong gần một thế kỷ (cho đến nay). Gần nửa thế kỷ sau nầy, ở trong nước (tôi không biết) và ở hải ngoại với các nhạc sĩ thành danh ngày xưa và các nhạc sĩ trẻ (được đào tạo qua các trường lớp) cũng không cống hiến cho nền tân nhạc VN được đa dạng, phong phú như hai thập niên thời Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 1955, nhạc sĩ Võ Đức Thu (1911-1964) dự Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế tại Nam Vang cùng phái đoàn Văn Nghệ Việt Nam, ông được bầu làm chủ tịch bộ môn Tân Nhạc trong Đại Hội Văn Hóa toàn quốc. Đây là niềm vinh dự cho nền tân nhạc ở miền Nam Việt Nam sơ khai. Ông cũng là người thầy dạy nhạc cho nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi trước khi Nghiêm Phú Phi du học bên Pháp rồi trở về Việt Nam trở thành nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn trước 1975.
Viết về những nhạc sĩ đã thành danh trong hai thập niên ở miền Nam Việt Nam đã làm rạng rỡ cho nền tân nhạc của đất nước, không có dụng ý “đánh bóng” mà vì sự ngưỡng mộ từ trước đến nay, chẳng qua trả lại sự thật trong lãnh vực nầy với thời gian.
Tôi vẫn còn “nặng nợ” với tờ nguyệt san trong 16 năm qua, từ bài vở đến layout, tuy mệt mỏi nhưng có công việc lai rai cho đỡ nhàm chán. Trong quyển sách nầy khoảng 1/3 hình ảnh trong sách kèm theo từng trang với nội dung bài viết như quyển Văn Nhân & Tình Sử.
Tài hoa như thi hào Nguyễn Du (1765-1820) viết hai câu cuối (3253-3254) trong tác phẩm Truyện Kiều rất khiêm nhượng:
“Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh”.
Nhưng “lời quê” đó trở thành áng thơ bất hủ cho dân tộc Việt Nam. Trong bài diễn thuyết về Truyện Kiều của học giả Phạm Quỳnh đọc nhân lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du vào ngày 8 tháng 12 năm 1924 cho rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” câu nói của ông qua một thế kỷ vẫn còn giá trị.
Với tôi, các nhạc sĩ đã đề cập trong quyển sách nầy chỉ là phần nhỏ nhoi để tưởng nhớ đến các nhạc sĩ đam mê trong lãnh vực âm nhạc đã sáng tác nhiều ca khúc vượt “thời gian & không gian” từ cố hương ra hải ngoại. Và, mong sao những ca khúc nầy còn vang vọng để “tiếng ta còn, nước ta còn” cho ngày nào được thanh bình trên quê hương.
Trân trọng
Phát hành ngày 25/01/2024.
Ấn phí $25 US. Mua qua bưu điện + $5 US cước phí (trong lãnh thổ Hoa Kỳ).
Liên lạc với tác giả: vuongtrungduong20@gmail.com - Tel: (714) 222-8074
Check ghi: Duong Tran
9353 Bolsa Ave. # D2
Westminster, CA 92683
VVM.25.01.2024.