P hạm Quỳnh (17.2.1892 - 20.8.1945) hiệu Thượng Chi là Nhà văn, nhà báo đồng thời là quan đại thần (Thượng thư Bộ giáo dục, rồi Bộ Lại (1942) dưới triều vua Bảo Đại, thời Thực dân Pháp cai trị nước ta.Sau khi Nhật đảo chính (9.3.1945) ông lui về sống ẩn dật tại Biệt thự Hoa Đường xinh đẹp bên bờ sông An Cựu (Huế). Thời gian này ông viết "Hoa Đường tùy bút". Đây là một tập sách mỏng (218 trang/ so Thượng chi văn tập-1129 trang) nhưng nội dung thì khá đậm đặc chứa những lời gan ruột, sơ bộ như một bản tổng kết "cuộc thành bạị..." của một nhân vật chính- trung tâm của sự kiện chấn động ấy, sự kiện cắt ngang đứt phựt cuộc đời ông (nói như nhà văn Nguyên Ngọc) .
*Phần 1 : TÙY BÚT
Gồm 10 bài tạp văn (noi theo Lỗ Tấn) :
- Cái tùy bút đầu tiên khi thất thế , Phạm Quỳnh cảm nhận về "thế thái nhân tình" :"thật biết thói đời điên đảo, lòng người xấu xa là dường nào","tìm cho được một kẻ trung hậu, kiếm cho được một người thủy chung thật là hiếm có thay !"- thấy hay tìm đến, thấy khó tìm lui như một nguyên lý . Phạm Quỳnh thấy được "người đời trở mặt như bàn tay, xây lưng như chớp nhoáng" thì cũng đã quá muộn,kết cục là chỉ hơn 4 tháng sau ông đã lìa đời (ngày 20-8-1945).
- Cái tùy bút 2 : "muốn sống thì..." có thể là "...đưa tiền đây" hoặc ..."thì tất sẵn sàng thừa nhận bất cứ điều kiện gì..." và ông rút ra : chỉ có đạo Phật cho sống là khổ (đời là bể khổ), một chân lý xem ra đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó? !
- Cái tùy bút 3 : "chỉ buộc chân voi"
Voi ở đây ví như sức mạnh bản năng của đám đông (quần chúng), muốn "buộc" họ (quản lý họ) thì phải bằng những sợi chỉ vô hình (nay có thể hiểu là Tôn giáo , ý thức hệ, đạo đức, chủ nghĩa này nọ...)đó là những sợi chỉ mong manh nhưng cũng là sợi chỉ thiêng liêng, nhờ đó mà loài người mới thành xã hội có kỷ cương, nếu không thời chỉ là những đám đông ô hợp, hỗn hào, loạn tạp ( nhận thức này còn nguyên giá trị với hôm nay khi "mùa xuân Ả Rập" đang diễn ra ở bắc Phi ?).
- Cái tùy bút 4 : "Văn học và chính trị"
Phạm Quỳnh giải đáp một vấn đề có tính lý luận :"chính trị với văn học là nghệ thuật : chính trị là nghệ thuật về thực tế, Văn học là nghệ thuật về nghĩa lý.Văn học giúp Nhà chính trị tư duy bằng trí minh nhuệ theo phép khoa học, là đủ tư cách hoàn toàn.
- Tùy bút 5 : "Vô duyên"
Hiểu đơn giản là "may và không may" kiểu "tốt số hơn Bố giàu". Đời là một Kịch trường (sân khấu),mỗi người đều đóng một vai tuồng (diễn) của mình trong "tấn trò đời" mà Thất bại cũng là vô duyên với đời.
-Cái tùy bút 6 : "Chuyện một đêm một ngày" nói về chính biến ngày 9-3-1945
-Cái tùy bút 7 : :"con người hiểm độc"
Đó là cái người mà Tố Như tiên sinh đã điển hình hóa bằng 2 câu :
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
-Cái tùy bút 8 : "Anh chàng khoác lác"
Thông minh đấy, nhưng tự phụ hiếu thắng, khoác lác tự cho mình là 'suốt trong nước còn ai bằng anh ? đã ồn ào lại hung hăng. Nói gì không muốn cho ai nói lại. Thấy thế càng tự đắc, tự đắc là Thánh thần, không ai dám ngược. Tự đắc quen thân, thành ra trắng trợn, không biết kiêng nể gì ai nữa. Bấy giờ lại càng được thể dễ nói khoác, một tấc đến trời, tự do tha hồ nói, càn dỡ quàng xiên.
-Tùy bút 9 :"Lão Hoa Đường - Thiếu Hoa Đường"
Tác giả so sánh mình (Thiếu Hoa Đường) với Ts Phạm Quí Thích (Lão Hoa Đường là người cùng làng Hoa Đường-Hải Dương, đời Lê) gặp thời loạn, lui về ẩn dật để giữ danh tiết, Phạm Quỳnh tự thấy mình hổ thẹn ,không biết thân phận "Nho quèn" (ra làm tay sai cho Pháp), để đến nỗi chữ tài liền với chữ tai một vần.
-Tùy bút 10 : "Tư tưởng Keyserling"
Phạm Quỳnh tâm đắc với Triết gia Đức : đời người là diễn một tấn tuồng, một thứ "hí kịch Thánh thần", đó là cái trò chơi của người đời bày đặt ra để tiêu khiển trong cõi sống vậy, nhưng cả giá trị của đời người là ở tấn tuồng đó.
-Tùy bút 11 :"Cô Kiều với tôi"
Đây là tri âm tri kỷ với Tố Như "truyện Kiều là tiếng lòng của tùy cảnh ngộ". Ông coi mình có duyên nợ xa xôi, cái thanh khiết thâm trầm với cô Kiều, đó là tâm lý của một người có cảm giác là "một hội một thuyền" ( gặp gia biến- Quốc biến phải bán mình làm"điếm"...)
Phạm Quỳnh lãng mạn đến mức đem cả cái "chủ nghĩa quốc gia" của ông áp đặt vào sự tồn tại hay không tồn tại của Truyện Kiều "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn" như một định mệnh mà ông dẫn chứng bằng sự kiện nó giống như ở nước Ba Tư (Iran) năm 1933 đã kỷ niệm 1000 năm Thi hào Ferdowsi, tác giả "Đế vương lục" là một kiệt tác bằng tiếng Ba Tư, nhờ sách đó mà tiếng Ba Tư được lưu truyền và bảo tồn qua mấy mươi đời bị người A Rập đô hộ.
* Phần 2 : 51 bản dịch thơ ĐỖ PHỦ
Thượng Chi tiên sinh chọn Đỗ Phủ là để gửi gắm niềm tâm sự : sinh phải thời loạn lạc, là người tài năng xuất chúng đã dấn thân vào đường "hoạn lộ" hãnh tiến để kết cục là ...thất bại .cũng là vì "thơ Đỗ Tử Mỹ trên lạt Phong Tao, dưới trùm Thẩm - Tống, phô bày đầu cuối, sắp xếp thành vần,khí thơ hào sảng mà nhịp điệu sâu trong, đối ngẫu nghiêm minh mà xa lìa phàm tục"...
Xét theo cổ nhân thì "Thơ có THỰC và có GỐC".
Mạnh Tử bàn về thơ "tụng thơ của người ấy, đọc sách của người ấy, mà không biết người ấy thế nào, có được chăng ? thế là thơ có quan hệ đến thế vận. Đó là cái "thực" của thơ.
Khổng Tử bàn về thơ nói "ôn hòa và đôn hậu, đó là điều "Thi" dạy vậy. Lại nói "Thơ có thể dấy lên tình, dõi muôn vật, kết giao với quân tử, oán thán sự bất bình, gần thì thờ Cha, xa thì thờ Vua" thế là Thơ có quan hệ đến tính tình. Đó là cái "gốc" của thơ.
Người đời Tống tôn vinh Đỗ là "Thi Sử"; đời Minh kêu là "Thi Thánh"...
Thượng Chi tâm đắc : đọc Đỗ Tử Mỹ,tùy bài mà biết khi buồn, khi vui, khi mừng , khi giận...đều chí tình kịch phát .
Trong 51 bài thơ Đỗ Phủ, thì bài "Ai giang đầu" - đó là tứ thơ vốn thương Dương Quý Phi , nhưng không muốn nói rõ mà mượn niềm đau ở bên sông cất thành thơ, theo thiển ý của NK thì bài "Ai giang đầu" (nỗi xót xa ở bên sông) này có lẽ là nó (hợp) "vận" vào hoàn cảnh của Phạm Quỳnh lúc bấy giờ (từ tháng 4 đến đầu tháng 8-1945)- xin chép bản dịch của Phạm Quỳnh :
NỖI XÓT XA Ở BÊN SÔNG
Già quê Thiếu Lăng nuốt tiếng khóc
Ngày xuân lén đi trên sông Khúc
Bên sông cung điện nghìn cửa đóng
Bồ liễu vì ai còn tươi tốt.
Nhớ xưa cờ quạt trẩy Nam Uyển
Trong vườn muôn vật đều sinh sắc
Trong điện Chiêu Dương có một người
Cùng vua ngồi liền hầu bên vua
Trước liền cung nhân đeo cung tên
Ngựa trắng gặm nhai hàm thiếc vàng
Uốn mình nhìn lên muốn bắn mây
Một tên trúng rớt hai cánh bay
Người đẹp lào lạo nay ở đâu ?
Máu ố du hồn về chẳng được.
Sông Vị chảy đông Kiếm Các xa
Kẻ đi người ở không tin tức
Người ta có tình nước mắt đầy
Hoa cỏ bên sông há mãi ru ?
Trời chiều giặc Hồ bụi đầy thành
Muốn đi về nam trông về bắc.
P.Q.dịch
*
Sau Phạm Quỳnh 17 năm,năm 1962 nxb Văn Học- Hà Nội in Tuyển tâp thơ Đỗ Phủ, ở trang 94-95 /260 trang, có đăng bản dịch của Nhà thơ nổi tiếng Khương Hữu Dụng , người được coi là "một vị trưởng lão trong thi ca hiện đại nước ta" như sau
THƯƠNG ĐẦU SÔNG
Ông già Thiếu Lăng nuốt tiếng khóc
Ngày xuân lẻn bước khúc sông Khúc
Đầu sông cung điện khóa ngàn then
Bồ liễu vì ai mơn mởn lục ?
Nhớ xưa cờ mống xuống vườn Nam
Trong vườn muôn vật bừng tươi sắc
Con người bậc nhất điện Chiêu Dương
Chung xe cùng vua theo hầu sát
Trước xe, cung nữ nách cung tên
Ngựa trắng , nhàm vàng nhai cắn chặt
Nghiêng mình nhìn trời ngửa bắn mây
Một tiếng cười lên đôi cánh rớt !
Mắt ngời răng nõn nay ở đâu ?
Máu ố hồn tan về chẳng được !
Sông Vị xuôi dòng, núi Kiếm sâu
Mất còn đôi ngả không tin tức.
Người sinh có tình lệ thấm ngực
Bến nước ngàn hoa sầu chẳng dứt
Ngày tối ngựa Hồ cuốn bụi tung
Muốn về Nam lại nhìn sang Bắc.
KH.H.D. dịch
NK có cảm tưởng kẻ hậu sinh đã "xào" lại (bản dịch) của bậc tiền bối ?
Than ôi,văn chương thiên cổ sự/ đắc thất thốn tâm tri. Thế mới biết : trên lĩnh vực thơ văn ở nước ta xưa nay lâu lâu mới xuất hiện một Nhà bác học (học giả) cỡ Lê Quý Đôn, Phạm Quỳnh...vậy chăng ?
"Hoa Đường tùy bút" Phạm Quỳnh viết trong lúc :
Một phen thay đổi sơn hà
Tấm thân chiếc lá biết là về đâu ?
Nó như một thứ "tự chỉ trích" sau 53 năm diễn vai tuồng ...với lời lẽ thâm trầm , thực bụng như mình nói với mình.
Chao ôi, chim Bằng chỉ còn đôi cánh huyền ảo bay vào cõi hư vô trên bầu trời văn học dân tộc cao đẹp mênh mông bất tận...để hậu thế ai đó đọc Thượng Chi văn tập và Hoa Đường tùy bút còn bùi ngùi cảm động mà tiếc thay...