Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

BÀI HÁT NÓI “MẸ MỐC”
CỦA THI HÀO NGUYỄN KHUYẾN,
LỜI NGỢI CA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM TRUNG TRINH



N guyễn Khuyến (1835-1909), cùng Trần Tế Xương, là hai Thi hào hàng đầu Việt Nam thời kì nửa sau thế kỉ 19 - nửa đầu thế kỉ 20.

Khi thấy không thể thi thố tài năng ở chốn quan trường để giúp Dân, giúp Nước, Nguyễn Khuyến đã vội vàng từ quan, về sống ẩn dật, sống thanh bần ở quê nhà.

Bên cạnh những bài thơ phê phán những thói hư tật xấu, những chướng tai gai mắt, Nguyễn Khuyến cũng đã viết những bài thơ ca ngợi, biểu dương người tốt việc tốt. Tiêu biểu nhất là bài hát nói (còn được gọi là ca trù hay hát ả đào) “Mẹ Mốc”.

Mẹ Mốc là một bà mẹ có nhan sắc ở thành Nam Định. Chồng đi biệt tăm, bà đã giả điên giả dại, bôi bẩn mặt mày - để tránh những đôi mắt cú vọ, tránh sự chọc ghẹo của những đứa xấu - mà đi tìm chồng.

Nguyễn Khuyến đã viết bài hát nói “Mẹ Mốc” để ngợi ca người phụ nữ Việt trung trinh này. “Mẹ Mốc” là một bài hát nói đủ khổ (3 khổ) gồm 11 câu (khổ 1: 4 câu, khổ 2: 4 câu, khổ 3: 3 câu), có mưỡu hậu và là mưỡu đơn (là một cặp câu lục bát ở trước câu cuối cùng của bài hát nói). Vậy, toàn bộ bài hát nói “Mẹ Mốc” có 13 câu.

Năm học lớp 11 (1968-1969) tại Trường Trung học Công lập Trần Quí Cáp (Hội An, Quảng Nam), chúng tôi đã được nghe thầy Nguyễn Văn Liêu giảng rất kĩ, rất sâu về bài hát nói này.

Trước hết, về tên gọi mẹ Mốc, theo tôi, đây là cái tên mà quần chúng gán cho bà. Thấy bà lem luốt, mốc meo (do tự làm cho xấu đi), người ta đã gọi bà là mẹ Mốc. Nhưng, trong thực tế, bà có thể có một cái tên rất đẹp! Hoa, Ngọc, Nguyệt, Lan, Tuyết, Hạnh … chẳng hạn. Gọi bà là mẹ Mốc, một cái tên chẳng lấy gì làm đẹp, lại là một thuận lợi cho bà. Trong hoàn cảnh cụ thể của bà, bà đâu cần một cái tên đẹp?

Khổ đầu (4 câu đầu):

So danh giá ai bằng mẹ Mốc!
Ngoài hình hài, gấm vóc cũng thêm ra.
Tấm hồng nhan đem bôi lấm, xóa nhòa,
Làm thế để cho qua mắt tục.

Câu đầu của khổ đầu, một câu vừa là nghi vấn vừa là cảm thán, đã khẳng định mẹ Mốc là số một, là người danh giá nhất. Đây là đánh giá của Thi hào Nguyễn Khuyến, nó đã thể hiện rất rõ ràng, rất mạnh mẽ sự ngưỡng mộ, quí mến của ông đối với mẹ Mốc.

Ngoài hình hài, gấm vóc cũng thêm ra. Ta có thể hiểu: mẹ Mốc có một thể hình tuyệt đep, nếu khoác lên gấm vóc thì sẽ là tuyệt tuyệt đẹp. Nhưng mẹ Mốc đã phải tự che dấu cái đẹp ngoại hình, phải “bôi lấm, xóa nhòa” cái đẹp Trời cho ấy để bảo vệ một cái đẹp cao quí hơn, cơ bản hơn: cái đẹp của lòng chung thủy và nghĩa sắt son!

Tấm hồng nhan đem bôi lấm, xóa nhòa,
Làm thế để cho qua mắt tục.

“Mắt tục” là mắt của kể phàm phu tục tử, mắt của kẻ xấu, mắt của kẻ ác. Những kẻ ấy có thể gây khó khăn cho bà, cản trở việc bà đi tìm chồng.

Khổ giữa (4 câu tiếp theo):

Mạo ngoại bất cầu như mĩ ngọc,
貌 外 求 如 美 玉
Tâm trung thường thủ tự kiên kim.
心 中 常 守 似 堅 金
Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm,
Giữ son sắt êm đềm một tiết.

Hai câu thơ chữ Hán đối nhau rất chỉnh: Ngoài mặt chẳng cầu như ngọc đẹp, Trong lòng thường giữ tựa vàng bền. Có bản ghi: “Ngoại mạo bất cầu như mĩ ngọc” (Mặt ngoài chẳng cầu như ngọc đẹp). Theo tôi, ghi thế không đúng, vì “mạo” (mặt) phải đối với “tâm” (lòng), “ngoại” (ngoài) phải đối với “trung” (trong): “mạo ngoại” phải đối với “tâm trung”.

Mạo ngoại bất cầu như mĩ ngọc,
貌 外 求 如 美 玉
Tâm trung thường thủ tự kiên kim.
心 中 常 守 似 堅 金

Hai câu thơ chữ Hán đã tóm lược toàn bộ con người, tính cách, nhân cách của nhân vật trữ tình trong bài hát nói: bà mẹ Mốc.

Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm,
Giữ son sắt êm đềm một tiết.

Chữ “tiết” ở đây có thể được hiểu là tiết hạnh, khí tiết, phẩm tiết. Trên con đường đi tìm chồng “muôn dặm xa” ấy, mẹ Mốc luôn luôn gìn giữ, bảo vệ khí tiết, tiết hạnh, phẩm tiết của người phụ nữ Việt Nam.

Khổ cuối (3 câu cuối):

Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,
Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ.

Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.
Khôn em dễ bán dại này… .

Khổ cuối của một bài hát nói đủ khổ chỉ có 3 câu (câu dồn, câu xếp, câu keo). Câu keo chỉ có 6 chữ. Bài hát nói này của Thi hào Nguyễn Khuyến có thêm mưỡu hậu và là mưỡu đơn (đó là một cặp câu lục bát ở trước câu keo, câu cuối cùng của bài hát nói):

Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.

Ta thấy biện pháp so sánh trùng điệp “Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết” đã khẳng định chắc nịch mẹ Mốc là một bà mẹ sạch, trắng và trong. Từ láy “vằng vặc” và trợ từ “quyết” càng xác định vẻ sáng, vẻ đẹp và tinh thần sắt đá của mẹ Mốc trong việc gìn giữ, nâng niu, bảo toàn khí tiết, tiết hạnh, phẩm tiết.

Cặp câu lục bát (mưỡu hậu - mưỡu đơn) được “gắn” thêm vào trước câu keo, câu cuối cùng của bài hát nói, giúp tác giả làm rõ thêm quyết tâm không gì lay chuyển được của mẹ Mốc trong việc “bôi lấm, xóa nhòa” nhan sắc vượt trội của mình để có thể né tránh những kẻ xấu, những kẻ ác trong quá trình lặn lội đi tìm chồng.

Những từ, ngữ “đắp tai”, ngảnh mặt”, “kệ”, “thây” trong cặp câu lục bát đã cho ta thấy mẹ Mốc đã bất chấp tất cả, không thèm nghe, không thèm nhìn, không thèm để ý đến sự khen chê của thiên hạ vì mẹ Mốc đã có một mục đích, một lẽ sống cao đẹp, một quyết tâm sắt đá!

Và, bài hát nói đã kết lại bằng một câu keo chỉ với 6 chữ ngắn gọn, súc tích:

“Khôn em dễ bán dại này…”.

Ta thấy toàn bộ 12 câu ở phần trên của bài hát nói (10 câu chính + một cặp câu lục bát, mưỡu hậu, mưỡu đơn) đều là lời của tác giả, đó là những nhận xét, đánh giá, ngợi ca, cảm phục, quí trọng, … của tác giả đối với mẹ Mốc. Nhưng ở câu cuối cùng của bài hát nói (câu keo), tác giả đã hòa nhập vào nhân vật trữ tình, hòa nhập vào mẹ Mốc để nói lời của nhân vật trữ tình, lời của mẹ Mốc:

Khôn em dễ bán dại này …

Vì câu thơ trên chưa rõ ý, chưa hết ý nên tôi mạo muội thêm vào ba dấu chấm (…) và ta có thể hiểu là mẹ Mốc muốn nhắn nhủ với ai đó là cái “khôn” của họ chẳng bằng cái “dại” của mẹ đâu! Cái “dại” của mẹ Mốc đáng quí lắm, cao giá lắm: “Khôn em dễ bán dại này … khó mua đấy!

Tóm lại, “Mẹ Mốc” là một tuyệt tác của Thi hào Nguyễn Khuyến nói riêng, của thể loại hát nói nói chung. Bài hát nói là lời ngợi ca bà mẹ Mốc trung trinh đã bất đắc dĩ phải sử dụng “vũ khí” của kẻ yếu – phải tự “bôi lấm, xóa nhòa” nhan sắc rực rỡ của mình – nhằm đánh lừa những kẻ xấu, những kẻ ác để được an toàn trong quá trình “muôn dặm xa tìm” người chồng của bà.

Bài hát nói cũng cho ta thấy rõ sự trân trọng, quí mến, ngưỡng mộ sâu sắc của Thi hào Nguyễn Khuyến đối với bà mẹ Mốc nói riêng, đối với người phụ nữ Việt Nam trung trinh nói chung.

PHỤ LỤC:

Mẹ Mốc

So danh giá ai bằng mẹ Mốc!
Ngoài hình hài, gấm vóc cũng thêm ra.
Tấm hồng nhan đem bôi lấm, xóa nhòa,
Làm thế để cho qua mắt tục.

Mạo ngoại bất cầu như mĩ ngọc (1),
貌 外 求 如 美 玉
Tâm trung thường thủ tự kiên kim (2).
心 中 常 守 似 堅 金
Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm,
Giữ son sắt êm đềm một tiết (3).

Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,
Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ.
Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.

Khôn em dễ bán dại này …

NGUYỄN KHUYẾN

Ninh Thuận, Ngày của Mẹ - Mother’s Day,
(1) và (2): Ngoài mặt chẳng cầu như ngọc đẹp, Trong lòng thường giữ tựa vàng bền.
(3) Tiết: Khí tiết, tiết tháo, tiết hạnh, phẩm tiết.




VVM.23.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .