CHUYỆN VỀ CÁC GIỜ KHẮC SÁNG TÁC
TRONG ĐỜI CÁC DANH NHÂN
M ột vài mẩu chuyện dưới đây đủ để chứng minh rằng ta chẳng nên khái quát hóa, mỗi khi phải trả lời câu hỏi xem ban ngày với ánh mặt trời sáng chói, hay ban đêm và bóng tối êm dịu, thích hợp cho các hoạt động sáng tác hơn.
Thiên tài hội họa Le Greco là một trong số các danh họa thích sáng tác ban đêm hơn là ban ngày. Một hôm một họa sĩ Tây Ban Nha tên là Clovio tới thăm nhà danh họa, và thấy ông này, ngay giữa tháng năm, mà lại ở trong một căn phòng tăm tối. Le Greco không làm việc, mà cũng không ngủ, nhưng ông ta không muốn đi ra ngoài, vì cho rằng ánh sáng mặt trời sẽ làm rối loạn ánh sáng nội tâm của mình!
Rembrandt, một đại danh họa khác cũng chỉ thích làm việc ban đêm. Một nét đặc thù trong tranh của ông là sắc vàng rực, không phải là ánh vàng do ánh sáng mặt trời đem lại. Trong khi các họa sĩ khác chỉ dùng toàn ánh mặt trời, hoặc một nguồn ánh sáng nào khác, Rembrandt chỉ thích dùng những tia sáng từ một ngọn nến. Văn hào người Bỉ viết tiếng Pháp Emile Verhaeren viết: “Ánh sáng mà Rembrandt muốn là ánh sáng tỏa ra từ những ngọn nến. Đó không phải là ánh sáng tự nhiên bao phủ lên sự vật, khúc xạ lên chúng và làm cho chúng trở nên sống động bởi những nét tương phản. Ngược lại đó là thứ ánh sáng lý tưởng, ánh sáng của tư tưởng và của trí sáng tạo.”
Đại văn hào Proust cũng vậy; ông này cũng chỉ có thể làm việc được ban đêm. Proust ghét ánh sáng tự nhiên và cả ngày ở trong một căn phòng có những cửa sổ che màn và được đóng kín. Đại văn hào này, mỗi khi muốn gặp gỡ các thân hữu, thường không ngần ngại gì khi sai người tài xế của mình lái xe đi mời họ lại.
Vasari, một môn đệ của đại danh họa kiêm đại điêu khắc gia Michel-Ange, một buổi tối tới thăm vị họa sư của mình và thấy ông đang đứng một mình trước một khối đá cẩm thạch tiền thân của bức tượng Pieta (tượng Đức Mẹ Sầu Bi) nổi tiếng. Sáng hôm sau môn đệ này gửi lại biếu họa sư của mình một chục hộp nến sáp. Nhưng Michel-Ange từ chối và cho biết ông chỉ dùng một ngọn đèn thắp bằng mỡ dê, thứ mỡ cho một ánh sáng trắng và tuyệt đối không có khói. Phòng làm việc của nhà danh họa tối om như nhà mồ. Ngay ở trên cầu thang ông đã vẽ Thần Chết mang trên vai một cỗ quan tài. Michel-Ange sống như một người nghèo khổ, ăn uống rất đạm bạc và ít; vì không ngủ được nhiều, ông thường thức dậy ban đêm và làm việc với cây kéo. Vasari kể: “Họa sư đã tự làm cho mình một cái mũ bằng bìa cứng, và gắn trên mũ đó một ngọn nến soi sáng cho ông làm việc mà không làm bận đến hai tay”. Càng về già, Michel-Ange càng muốn giấu mình vào sự cô đơn. Khi cả thành La Mã ngủ yên, nhà danh họa lại cảm thấy nhu cầu phải làm việc thức dậy.
Đại văn hào Horoné de Balzac viết và viết, đêm này qua đêm khác để hoàn tất bộ “Tấn Tuồng Đời” dài gần 40 cuốn. Bốn ngọn nến thường xuyên cháy trên bàn làm việc của ông, được đặt rất gần cái giường, khiến đại văn hào có thể vừa nằm vừa viết. Các người cùng thời kể rằng Balzac có thể làm việc 18 tiếng một ngày, liên tục không nghỉ. Ban ngày ông ăn rất ít, nhưng buổi chiều ông ăn một bữa ăn cực kỳ nhiều và thịnh soạn, sau đó ông đi ngủ và đến nửa đêm lại thức dậy để làm việc tiếp.
Tất cả các sách văn học Pháp đều mô tả giống nhau hình ảnh Balzac làm việc. Dưới đây là sự mô tả của ba tác giả Abry, Audic va Crouzet: “Tất cả các cuốn sách đó (các tác phẩm của Balzac) đều được viết ra trong vội vã. Thường thường, văn hào của chúng ta đã nhận tiền trước rồi. Lãnh tiền rồi Balzac ở miết trong nhà, ông mặc một cái áo ngủ dài chấm chân mà tất cả các sách và các biếm họa đều trình bày giống nhau, rồi lăn vào viết 15 giờ một ngày để hoàn tất tác phẩm với một mức tưởng tượng vượt bực và một nỗi hăng say khủng khiếp được các tách cà phê ông uống kích thích thêm. Ấn công lại nhà lấy bài ngay khi ông viết ra và Balzac cũng sửa bản in với một mức độ hăng say tương tự khiến các ấn công cũng phải phát hoảng. Tự kiêu về mãnh lực sáng tác phi thường đó, Balzac tự coi mình là “Napoléon của Văn Học”, và ông viết: “Điều đáng được tưởng thưởng, sự vinh quang trong nghệ thuật… chính là sự can đảm, một đức can đảm mà những kẻ tầm thường không bao giờ dám ngó tới.”
Gladstone , nhà chính khách Anh quốc, có thể tự hào rằng ông đã thức chứ không ngủ trong ba phần tư cuộc đời mình. Khi giữ chức Tổng trưởng và sau này là Thủ Tướng, ông thấy ngày tháng không đủ dài đối với ông. Gladstone có tài hùng biện đến nỗi mỗi khi ông diễn thuyết, các thính giả đang ngủ gật cũng phải thức ngay dậy để nghe. Trong những giờ làm việc, mỗi khi được rảnh rỗi ông lại dịch các tác giả cổ Hy Lạp là Homère và Ovide. Khi về già, lúc đôi mắt đã yếu kém, ông vừa lim dim vừa viết.
Đại văn hào Pháp Voltaire cũng thích làm việc ban đêm và mỗi đêm ông uống trung bình 12 tách cà phê đặc; chính trong những hoàn cảnh đó ông đã lưu lại cho chúng ta biết bao tác phẩm bất hủ.
Còn về đại văn hào Goethe thì ông này lại nổi tiếng là người thích dậy sớm. Ngay trong ngày 22 tháng 3 năm 1832 là ngày cuối cùng trong đời ông, ông cũng thức dậy từ 6 giờ sáng và bất thần đặt mình vào một cái ghế bành, rồi còn cố đứng dậy bước đi vài bước trong phòng làm việc.
Trái với các thiên tài nói trên, đại danh họa Vincent Van Gogh là người rất ưa thích mặt trời và ánh nắng ấm áp, chói lọi. Sự ưa thích này được phản ánh rõ rệt trong các tranh của ông. Nhà phê bình hội họa Henri-Perruchot (1917-1967) viết: “Trong mỗi bức tranh của Van Gogh, nhà danh họa đều thú nhận những sự nồng nhiệt làm tâm hồn ông bốc cháy, những khát vọng như không thể dập tắt đưa ông lên cao đến tận “các tinh tú và vô tận”; ông thờ kính mặt trời và sự vô tận, để khi đã đạt tới đích, đã nắm bắt được, ông xốn xang hòa nhập tâm hồn vào đó. “Dầu sao đi nữa cuộc đời vẫn khá vui thích. Ôi, những kẻ không tin vào ánh dương sáng rọi khắp trần thế đều là những kẻ bất kính”, Van Gogh đã thốt lên như vậy. Nhà danh họa còn nói: “Chúng ta đang được hưởng một ánh nắng huy hoàng ấm áp; một mặt trời, một ánh sáng mà, không còn biết nói gì hơn, tôi chỉ có thể gọi là màu vàng, vàng nhạt, vàng chanh. Ôi, màu vàng đẹp quá!” Màu vàng tung hoành trên các tranh của nhà danh họa và cũng tượng trưng cho nỗi cuồng say thấn bí của ông.”
Mặc dầu từ khi mới 30 tuổi, văn hào Đức Hebel đã thường bị kêu là bị mắc bệnh thiếu ngủ, ông này vẫn không thể làm việc ban đêm. Nhưng mỗi sáng, sau khi thức dậy, ông thường gặp ngay những “giây phút sáng tác” đã giữ ông lại bàn làm việc một mạch cho tới chiều.
Năm 21 tuổi thiên tài âm nhạc Schubert viết: “Tôi sống và soạn nhạc như một vị thần” và đây là ông nói vào lúc buổi sáng. Một người bạn của nhạc sĩ kể rằng mỗi sáng ông ngồi vào bàn làm việc từ sáu giờ sáng và thường soạn nhạc luôn một mạch cho tới gần một giờ trưa.
Triết gia Kant không phải chỉ có những ý tưởng có hệ thống, mà ông còn có một cuộc sống được sắp đặt một cách hoàn hảo. Nhờ một người làm đã giúp việc ông trong 30 năm, người ta được biết triết gia này có một chương trình hàng ngày mà ông không bao giờ làm sai: thức dậy lúc năm giờ để suy tưởng, tham khảo học hỏi từ bẩy giờ tới chín giờ, từ chín giờ tới một giờ trưa làm việc ở nhà, sau đó đi dạo một chút, rồi lại trở về suy tưởng cho tới hoàng hôn; buổi tối người làm mang vào cho ông một ngọn nến và ông viết lách cho đến mười giờ đêm; mỗi đêm ông đi ngủ đúng mười giờ, để sáng hôm sau lại trở dậy đúng năm giờ sáng. Cuộc sống của triết gia này đều đặn, mực thước đến nỗi dân chúng ở Koenigsberg thường hàng ngày điều chỉnh giờ giấc trên đồng hồ của họ mỗi khi triết gia đi qua.