THUỐC LÀO TIẾN VUA
K hông ai biết đời Vua nào, ông Vua nào hút thuốc lào và được nhận thuốc lào tiến Vua.
Theo “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn: “Từ năm Canh Tý (1660), niên hiệu Vĩnh Tộ (1620- 28), đời Vua Lê Thần Tông, người Ai Lao đem cây ấy đến, dân ta trồng”. Sách Đồng Khánh địa dư chí lược” ghi “Thuốc lào xã Yên Tử Hạ là thứ thuốc thuộc loại ngon nhất”. Thường để tiến Vua!
Thương hiệu độc quyền quốc gia thuốc lào tiến Vua được công nhận từ rất lâu đời. Đó là thuốc lào trồng trên đất làng An Tử Hạ, tổng Hán Nam, huyện Tân Minh, phủ Nam sách , trấn Hải Dương, nay là thôn Nam Tử 1, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Chỉ có thuốc tổng Hán Nam, khi bao gói được buộc bởi lạt tre nhuộm đỏ, các nơi khác chỉ được buộc lạt tre trắng, nếu gian lận, buộc lạt đỏ sẽ bị nhà chức trách phạt tiền rất nặng, thậm chí có thể bị tịch thu. Khi bán buôn cho khách, đơn vị tình bằng “cong”, ở các nơi khác phải đóng 23 bánh một cong, riêng ở tổng Hán Nam được đóng 22 bánh một cong, nhưng vẫn được tính giá theo cong 23 bánh. Thương hiệu độc quyền này vẫn được các nhà Đoan thời thuộc Pháp áp dụng cho đến trước cách mạng tháng tám năm 1945 mới thôi.
Thuốc lào thuộc loại cây thảo mộc, ra hoa, kết hạt, gieo trồng theo chu kỳ mùa vụ hàng năm. Có giả thiết, thuốc lào được du nhập từ Ấn độ, Miến Điện, Ai Lao...do những người buôn rải rắc. Lúc đầu mọc hoang ở bên đường, bãi cỏ, lá xanh mùi hắc, khô nhai thấy đắng, đốt thấy thơm, vê cuộn đốt hút khói vào họng thấy say, đê mê, hay hay... Sau nhiều người ưa chuộng thành quen, và các sự tích về thuốc lào được dân gian ca sự... Như câu chuyện tình bên Sông Hàn (giữa hai huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng). Có đôi trai gái yêu nhau ra bờ sông hóng mát, thấy lá thuốc lào cuộn hút rối say, ngủ quên, khi nước triều lên, cả hai đều chết đuối... vì thế Vĩnh Bảo và Tiên Lãng có thuốc lào ngon nổi tiếng. Người ta gọi cây thuốc lào là cây “tương tư thảo”, hoặc say như điếu đổ...Không phải là thứ ẩm thực, nhưng thuốc lào lại là “món” không thể thiếu trong đời sống xã hội thường ngày của số rất đông dân chúng.
Cách trồng và chăm bón thuốc lào:
Hàng năm, thu hoạch vụ lúa xong, những chân ruộng chũng để cấy lúa chiêm, các chân ruộng cao chọn trồng thuốc lào. Trước hết, cày ải, phơi cho đất thật khô, bừa kĩ, đập tơi nhỏ. Đất càng rắn (đất thịt) thuốc càng ngon, đất cát, pha cát thuốc sẽ nhạt hoặc có vị nóng . Người ta dùng vồ gỗ đường kính 10 -15 cm, tra cán dài 1,2 - 1,8m đập kỹ, không chỉ ban ngày, cả đêm trăng, và buổi sớm gió bấc rét. Những ngày mùa vụ không khí như hội trên cánh đồng. Khâu làm đất quan trọng và vất vả. Trước khi đánh luống phải nhặt sạch cỏ, gốc rạ, khỏi sau này chúng sinh hoá ra sâu hại cây. Luống đánh thẳng hàng, cao 30 đến 40cm, rộng 70 đến 80 cm đủ chỗ trồng hai hàng cây thuốc, theo chiều thoát nước tốt sau mỗi trận mưa, thuốc lào không chịu được nước, nếu đọng nước cây sẽ “rột” chết. Thời vụ thuốc lào thường từ tháng chạp năm nay đến cuối tháng tư đầu tháng 5 năm sau, theo âm lịch. Gieo hạt: Vào khoảng tháng 11, làm đất tơi, trộn hạt với tro bếp gieo, tưới ẩm, hạt thành cây 2-3 tuần, cây con hai ba lá dài 3-4cm là nhổ trồng được.
Muốn thuốc lào ngon phải bón nhiêù phân và phân tốt. Thuốc lào ưa phân “Bắc” (phân chuồng) được ủ kĩ với tro và đất màu, đảo tơi bón lót vào trong lòng luống. Khi cây thuốc đã bén rễ, phát triển, thì định kì tưới bằng phân chuồng ngâm ngấu, tưới trực tiếp vào từng gốc cây, khoảng một tuần, hoặc 10 ngày tưới một lần cho đến khi cây thuốc phát triển đủ lá cần thiết thì thôi. Nếu ít phân thì thuốc không phát triển được, lá ít, lá nhỏ lại mỏng, ngược lại đủ phân, bón đúng cách, cây thuốc nhiều lá, lá to, lá dày, cho chất lượng ngon. (thường bón 500kg đến 800kg phân chuồng cho một sào).
Cách thức trồng và chăm sóc: Khi trồng cây thuốc rồi, phải tưới nước mỗi ngày một lần, đủ ẩm, cây lớn đều mới tưới phân, lần đầu pha loáng, sau tăng dần độ đặc tuỳ theo thời gian phát triển của cây. Đến khi sự phát triển “đến độ” chậm lại ta sẽ “Cấm ngọn” cây thuốc chỉ lấy đủ lượng lá cần thiết thôi, bình thường lấy từ 17 đến 25 lá cho một cây, tuỳ theo từng cây, nếu cây yếu lấy nhiều lá thì chất lượng kém, nếu cây tốt mà lấy ít lá thì thiệt về sản lượng. Lúc này tập trung chăm sóc để cây cho lá to, lá dày “dày như mo lang ấy”. Trước khi cấm ngọn không quên chọn một số cây tốt, không ngắt ngọn để cho cây ra hoa. Hoa thuốc lào màu trắng, phơn phớt tím, hình loa kèn, giữa bạt ngàn luống thuốc lào tắp tắp, thỉnh thoảng vươn lên cao những chùm hoa đẹp, thoáng dáng cô gái, chân đất, áo nâu, ống quần xắn xước, trắng trẻo, cái nắng oi nồng đầu mùa hè, mồ hôi loang thẫm, đôi má ửng hồng cặm cụi trong vườn thuốc, hương thuốc ban đầu ngái thơm, hương quê hoà quyện níu giữ tình quê. Một bức tranh quê hiếm hoi. Sau hoa cho hạt để dành làm giống cho vụ sau.
Ngoài phân bón tốt, đủ lượng, đúng cách, đúng thời điểm, còn phải kể đến việc chăm sóc, theo dõi hàng ngày cho cây, như nhặt cỏ, bắt sâu, diệt bọ rầy, rất bận rộn như con mọn. Suốt ngày có mặt trên vườn thuốc, hết luống này đến dãy kia. Những con sâu “hoá” rất nhanh, to như chiếc đầu đũa, chúng cắn rách lá, có khi còn cắn đứt cả thân cây, phải diệt ngay, thay dặm cây khác, khi cây lớn quá thì không thể thay được nữa. Do thời tiết, đặc thù của cây, lá mềm là món ăn của những bọ rầy, chúng bám dày chạt khắp thân cây, mặt lá, hút nhựa của lá, làm cho cây tàn lụi không lớn được. Cho nên người ta dùng gạo nếp nấu cơm chín, giã nát như bánh dày dẻo quánh, quấn lên đầu đũa như chất keo lăn lên chỗ nào có rầy (đánh nhờn) hết lá này đến lá kia, luống này luống khác cho đến khi hết “ bọ nhờn” mới thôi.
Thu hoạch thuốc lào:
Vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 (âm lịch), thời tiết mùa hè oi nồng, gió Nam rộc suốt ngày đêm, ánh nắng chiếu rọi làm cho lá thuốc lào dày cộm rất nhanh, cứng lại như tàu mo cau, các cây thuốc lào lá cụp xuống như những cái nơm úp trên đồng. Đấy là mùa thu hoạch thuốc lào. Bẻ (hái) lá thuốc về, rọc bỏ cọng cứng, lá được xếp lớp cuộn tròn đường kính từ 18 - 22cm, dài từ 1,8- 2,3m, buộc lạt tre dày như ta bó giò (bánh tét), ủ độ 2-3 ngày cho lá vàng, sợi thuốc thái ra càng nhỏ càng đẹp. Thái thuốc bằng công cụ thủ công, một cái “Cầu” bằng cây gỗ, có độ dốc 30%, đặt cuộn thuốc lên, kê hệ thống con lăn, để cuộn thuốc từ từ trôi xuống, người thợ thái thuốc ngồì đầu cầu trên cái ghế con cầm con dao chuyên dùng, vừa mảnh, nhẹ nhưng rất sắc, thao tác như ngồi thái (cây chuối nấu cám lợn vậy), nhưng động tác nhẹ nhàng kỹ thuật hơn, tuỳ theo số lượng cuộn thuốc nhiều hay ít mà bố trí thợ thái một hay 2 - 3 người... sao cho đến khoảng 10h -11h là phải xong, kịp phơi cơn nắng ban trưa cho sợi thuốc đủ khô, nếu không hết nắng thuốc không khô, bị xỉn màu. Thái đến đâu, rải đều lên phên, nong, nia, đem ra ngoài sân, ngoài vườn phơi tận dụng nắng.
Trường hợp ngày thái thuốc gặp trời mưa, không thể phơi được, người ta phải dùng biện pháp đốt sấy. Làm rạp kê phên thuốc lên rồi dùng rơm rạ...đốt ở dưới, đốt đều đến khi nào sợi thuốc khô mới thôi. Thuốc phải phơi đủ nắng khi nào sợi thuốc khô kiệt, có mùi thơm, mới được bao gói bảo quản và sử dụng, tiêu thụ. Chỉ một sơ xuất nhỏ, bao gói không kín, không kĩ, bị gió lùa, ẩm ướt...làm cho thuốc “mốc” hỏng.
Hút thuốc lào: Đã là tập quán ở Việt Nam, là thói quen của các tầng lớp người: Già trẻ, trai gái cả phụ nữ và trẻ em, khu vực nông thôn, có đến 50% nông dân nam, và dân nghèo thành thị chiếm tỉ lệ người hút cao, cả vùng núi, hải đảo, cơ quan, trường học, bến tàu, bến xe...hầu hết trong cả nước, và ở nước ngoài có người Việt sinh sống. Hút cho vui, mỗi khi giao lưu gặp nhau, sau lúc lao động mệt mỏi...hút cho đỡ đói, "hút thuốc lào vặt, nói chuyện thế giới”, hút cho đỡ cơn nghiền... Đã nâng lên tầm “Văn hoá hút thuốc lào”. Ngay cả trong cơ quan, viên chức com lê, cà vạt, trong phòng điều hoà không khí, nhưng vẫn “tòng tọc” rít điếu cày. Có khi còn “thủ” điếu cày trong ca táp, túi, cặp khi đi công tác xa nhà, cơn “nghiền” lên là “bắn”. Quan hệ, văn hoá thuốc lào cũng lạ, chỗ nào có điếu, có thuốc lào là tụ tập ngay, chả phân biệt quen hay lạ. Như chuyến tàu đêm, mọi người gà gật ngủ, nhưng nghe thấy tiếng điếu cày, hoặc ngưỉ mùi thơm khói thuốc lào là mò đến bắt chuyện làm quen, hoà nhập luôn.
Cách hút:
Muốn hút thuốc lào người ta phải sắm công cụ hút gọi là Điếu. Có hai loại điếu cơ bản: Điếu Bát và điếu cày!
Điếu Bát: Sử dụng trong gia đình, những nơi tiện nghi ổn định, gồm có “bát” để đựng “quả điếu” và các bã thuốc vãi ra, được làm bằng gỗ tiện vẽ hoa văn, bằng bát sứ, bát sành, hoặc chậu nhựa...sao cho ôm vừa “quả điếu”. Còn “Quả Điếu” làm bằng gốm sứ, vẽ hoa văn hoạ tiết, có khi còn bịt đồng hấp dẫn, chứa nước vừa đủ, có lỗ to để nắp “Nõ điếu” gắn với “Guốc điếu” làm bằng gỗ, hay bằng đồng đặt sâu trong nước, lỗ nhỏ bên cạnh để cắm “se điếu” khi hút. “Se điếu” làm bằng tre, trúc...nhỏ nhưng già, lỗ thông hai đầu. Điếu bát thì phải có se:
Điếu không se điếu lăn điếu lóc
gái không chồng ngồi khóc cả đêm.
Điếu Cày: Thuận tiện cho việc lưu động, di chuyển theo con người ở mọi chỗ mọi nơi, làm bằng vật liệu có sẵn, rẻ...gọn tiện rễ mang xách, phù hợp mọi tầng lớp, nhất là lao động phổ thông. Điếu cày chia làm 2 loại: loại có đựng nước- lưu động nhưng cố định tư thế để đứng hay dựng (khỏi đổ nước). Loại không có nứơc – linh hoạt lăn lóc trên sàn, để trong ba lô, trong túi...
“say nhau lăn lóc như điếu cày “khan”
Thân điếu hình ống, làm bằng đoạn tre, gióng nứa già và khô, người ta còn làm điếu cày bằng ống kim loại (ống nhôm), ống nhựa... độ dài trung bình từ 40 – 60 cm, đường kính từ 5- 7cm. Cũng tuỳ theo vật liệu có thể có điếu to, dài hoặc ngắn, nhỏ khác nhau. Thân điếu được đục lỗ để tra nõ điếu, nõ điếu được đặt chếch 15độ với thân điếu. Dựa theo vật liệu làm điếu mà “Công nghệ sản xuất điếu cày” phát triển đến mức “Mỹ nghệ điếu cày” hoặc “Mỹ thuật điếu cày”, “Văn hoá điếu cày”...đa dạng tinh xảo như; Sơn, quét, chạm khắc, kẻ vẽ hoa văn, hoạ tiết, hoa, chim, chữ tây, chữ tàu...cho điếu cày mang: made in đieu cay vietnam. Còn các kiểu hút khác: Cuộn lá, cuộn giấy...Khi làm đồng, đi biển, không có điếu người ta còn dùng tay để hút: Nắm chặt tay lại, vê thuốc bỏ vào kẽ tay của phía ngón cái và ngón trỏ, còn hút ở phía ngón tay út, vẫn ra hơi đả cơn thèm...
Ở khu Du lịch Nước Khoáng nóng Tiên Lãng, Hải Phòng, có cái điếu cày có thể lớn nhất Việt Nam và cũng lớn nhất Thế giới. Làm bằng cây tre bương to, đường kính 15cm, chiều dài 4,7m, còn đường kính nõ điếu là 15cm, và cao 27cm, có càng đặt như khẩu pháo, cạnh để hộp thuốc lào, ngọn đèn dầu, và ống đóm tre... Một người hút, thì đến 2-3 người phục vụ, vê thuốc, châm đóm, và số người chiêm ngưỡng xung quanh cổ động, vui vẻ.
Hút thuốc không chỉ cho đỡ cơn thèm theo thói quen, mà còn là sự thưởng thức, thể hiện nét “văn hoá hút” của người Việt.
Hút một điếu thuốc mĩ mãn phải có 3 yếu tố: Thuốc ngon, điếu sạch, đóm cháy đều. Dùng cái thông nõ vài ba lần cho hết bã đọng trong nõ, giẻ lau vài lần lên quả điếu cho sạch, thổi se điếu cho thông, vê vê các sợi thuốc bằng hạt ngô, hoặc đầu ngón tay út tra vào nõ, châm lửa đóm tre – đóm tre chẻ mỏng, hay nứa khô, hoặc các vật liệu cháy đượm khác, độ cháy phải đều đủ để đốt hết một điếu thuốc. Rít một hơi đầu: Roọc! Roọc! roọc! Ngừng rít, bỏ đóm ra khỏi nõ, dùng ngón tay dạt dạt vào điếu thuốc trong nõ. Tiếp tục rít: Roọc. roọc... roọc... roóc... roóc... ...roóc .... roóc... tăng tốc đến đỉnh điểm của hơi rít, những sợi thuốc trong nõ đã tàn trắng, trong cổ họng rít đã đầy khói thuốc. Ngừng rít, tay búng nhẹ tắt đóm, bỏ se điếu khỏi miệng, cũng là lúc người hút kịp há mồm để cho khói thuốc bay ra, khói trắng như mây, mùi thơm lan toả, người đê mê hổn hển thở, mắt lim dim, chân tay bủn rủn giây lát. Người “nghiện” ngửi mùi khói thuốc có thể biết được thuốc ngon hay thường.
Buổi sáng sớm ngủ dậy, chưa ăn uống gì, “rít” một điếu thuốc ngon, đê mê, sung sướng, có khi say mềm đến vài phút. Đó là cái lý mà nhiều người không sao bỏ được Thuốc Lào!
Nhớ ai như nhớ thuốc lào
đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.
Đại lý bán buôn bán lẻ thuốc lào: Hàng năm có hàng trăm tấn thuốc lào đưa vào thị trường tiêu tụ trong cả nước, mà còn có mặt khắp thế giới. Hễ ở đâu có cộng đồng người Việt là ở đó có Đại lý và người hút thuốc lào như ở: CămPuChia, Lào, Thái Lan, Quận 13, Paris Pháp. Chợ Đồng Xuân, Berlin Đức. Chợ Vòm, Nga và Ba Lan. Chợ SaPa, ở Séc. Ukraina. Montrean, Ca Na Đa. Cali.., Mĩ. Nam Phi. Qua Ta. Irak...Lao động Việt Nam ở Irak, hồi chưa có chiến tranh vùng Vịnh, trên công trường, công nhân Việt Nam hút thuốc lào, đốc công nhìn thấy kêu lên: Việt Nam hút thuốc phiện, hút cần sa! Gọi Công an, bắt lên đồn. Trình bày mãi: Đây là thuốc lào loại dân giã của Việt Nam, hút như hút thuốc lá thôi, bao thuốc lá đắt lắm, hơn môt đô la, bằng hơn chục ngàn đồng Việt Nam, còn thuốc lào chỉ một ngàn đồng là có thể hút cả tuần, nghe ra, thế là được tha. Sau rồi, mấy người này hút thử, thấy hay. Vài lần khác họ đến, vui vẻ, tay vê vê ra hiệu: Xin mot đieu!
Hà Nội, số người có thói quen hút thuốc lào tỷ lệ không kém gì các địa phương như đã nêu. Còn là đầu mối tập trung, phân phối, bán buôn, bán lẻ đi các nơi trong và ngoài nước. Nghe nói có cả phố chuyên kinh doanh thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, quảng cáo hấp dẫn. Nhiều điểm bán thuốc lào như Chợ Đồng Xuân, Chợ Hàng Da, Bắc Qua, Giảng Võ, Hàng Cân...
Những năm gần đây có cơ sở chế biến, phân phối thuốc lào của ông Nguyễn Văn Trai, người Tiên Lãng, sinh viên Đại học ở Hà Nội. Thu gom thuốc lào ở quê mang lên, chế biến, đóng gói ni lôn, phân phối bán cho các đại lý. Tất cả học sinh, sinh viên Tiên Lãng đang học ở Hà Nội, có hoàn cảnh khó khăn, hoặc các sinh viên đã tốt nghiệp, chưa tìm được việc làm, kể cả số con em người Tiên Lãng ở Hà Nội có hoàn cảnh...đều được tiếp nhận, có công việc, có thu nhập...
Do nhu cầu của xã hội, tỷ lệ người quen hút thuốc lào rất phổ biến trong dân gian. Nhưng việc trồng thuốc lào, hoàn toàn tự phát: Tự trồng, tự tiêu thụ, không có quy hoạch hướng dẫn nào. Năm nào giá thuốc đắt, năm sau dân đổ xô bỏ lúa trồng thuốc lào, và ngược lại!
Dẫu sao, phận nổi nênh của cây thuốc lào, và sự nhọc nhằn của người trồng thuốc, với mọi lớp người trong dân gian, đam mê hút thuốc, đời này qua đời khác, vẫn “dan díu, thuỷ chung” với “Văn hoá hút thuốc lào”, làm cho thuốc lào càng đi vào sự tích và huyền thoại...
Bình tròn phành phạch, đít bảnh bao
mân mân mó mó đút ngay vào
thuỷ hoả tương giao sôi sùng sục
âm dương hoà khí sướng làm sao
(Hồ xuân Hương)