THỬ ĐI TÌM MỘT CÁCH HIỂU CHO
BÀI CA DAO “MÈO VÀ CHUỘT”
“Con mèo mày trèo cây cau
hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đường xa
mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo”
Bài ca dao có bốn câu, theo thể lục bát (trên sáu, dưới tám). Câu đầu, tác giả giới thiệu với chúng ta nhân vật “Mèo” qua hình ảnh: “Con mèo mà trèo cây cau”. Chỉ… “Con mèo mà trèo cây cau” - thế thôi, chưa có vấn đề gì! Nhưng đến câu tiếp theo: “hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà” thì đã bắt đầu có chuyện: Mèo và chuột vốn có mối thù truyền kiếp, vậy cái việc chuột “được” mèo “hỏi thăm” - đối với chuột - hẳn phải là “lành ít, dữ nhiều!” và không phải là điều mà chuột mong muốn. Nhưng sao lại trèo cây cau (không phải là nơi chuột làm tổ) để hỏi thăm (khi mèo biết chuột đã đi vắng) và hỏi thăm thì… hỏi ai?! Tạm gác những điều đó sang một bên, chúng ta đọc nốt hai câu còn lại:
“…Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo”
Lại những câu hỏi được đặt ra: Ai trả lời mèo? Và… sao phải đi chợ đường xa (không đi chợ đường gần) để mua mắm, mua muối (chứ có thịt cá gì đâu!)?
… Đã có một thời chúng ta quen với cách cảm, cách nghĩ sơ lược, một chiều. Trên thực tế, mèo và chuột vốn là hai lực lượng đối nghịch. Mâu thuẫn mèo - chuột là mâu thuẫn đối kháng không thể dung hoà - mèo luôn coi chuột như một con mồi - là mục tiêu cho mèo rình bắt, tiêu diệt; ngược lại, do bản năng tự vệ, chuột cũng tìm mọi cách để đối phó, chống trả. Chính những nghịch lý trong bài ca dao là dụng ý - như một thủ pháp nghệ thuật - của tác giả, đã ngầm mách bảo người đọc đừng có đi tìm sự hợp lý của những chi tiết (tác giả có nói những chuyện ấy đâu!) mà đó chỉ là cái cớ để tác giả gửi gắm tâm sự của mình: “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Giữa giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, cũng như giữa mèo và chuột, không thể có cái gọi là “Chung sống hoà bình”.
… Cái “thần: và cũng là chìa khoá của bài ca dao là ở câu kết:
“…Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo”