Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM
NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI

* cao mỵ nhân * diễm châu * đào minh lượng *
* hà phương * hà yên chi * kiều thệ thủy * nhị thu *
* như lan * tuyết linh * thanh nhung * trần dạ từ * viên linh *


          DẪN NHẬP

          Giới thiệu 12 nhà thơ mới nhất hôm nay của Miền Nam trong khoảng thời gian 1955 đến 1960, tôi không làm công việc phê bình mà chỉ ghi lại cảm tưởng riêng khi nhìn họ qua thơ trong giai đoạn bắt đầu - dù nhiều tác giả đã xuất bản thơ, như Hà Phương, Hà Yên Chi, Diễm Châu … và có tác phẩm đăng nhiều trên tạp chí, sách báo, đích thực đã là nhà thơ nổi tiếng với giới thi ca vào giai đoạn này.
         Trước khi tập hợp một số bài báo thành cuốn MƯỜI HAI NHÀ THƠ MỚI NHẤT HÔM NAY (in ronéotypé trong Loại Sách Đại Nam Văn Hiến, Saigon 1961), những bài viết nói về các tác giả Cao Mỵ Nhân, Diễm Châu, Đào Minh Lượng, Hà Phương được đăng tải trên tuần báo Tân Dân, chủ nhiệm Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, vào những năm 60-61, ký Đường Bá Bổn.
          1961
__________________________________________________
(*) Sách in lần này mang nhan đề : MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI ký Thế Phong.


5 - HÀ YÊN CHI



Lần đầu đọc thơ Hà Yên Chi trên tuần báo Văn Nghệ Học Sinh (chủ nhiệm: Lê Bá Thảng) khoảng 1956-57, tôi thích thơ của tác giả này. Tâm hồn nhà thơ thật thơ ngây lại tế nhị, hồn thơ sống động. Người ta đều bảo tôi đó là văn chương của một nhà thơ đang là học trò. Tôi vẫn chưa mấy tin, nhưng thực đúng là vậy. Từ trước đến nay, nhiều người làm thơ thường ẩn danh là nữ sĩ để viết cho người yêu mình và người mình yêu chăng? Trở lại với Hà Yên Chi, qua những bài Bầy Chiên Trắng, Ai Biết?, Những Nàng Tiên, Cảnh Đẹp Đà Lạt …hoặc Ai Chơi Xuân? cộng thêm vài tùy bút đăng trên báo, gần đây trên tạp chí Sống (Chủ nhiệm Ngô Trọng Hiếu). Riêng đối với Hà Yên Chi, tôi được Cao Mỵ Nhân xác định rõ về thân thế nên tôi không còn nghi ngờ gì bút danh có thể là nam giới cũng được - nhưng lại là nữ giới - tôi chợt nhớ đến trường hợp Trần Thy Nhã Ca (chính là cô Thu Vân trước đây đăng thơ trên Văn Nghệ Tiền Phong (Chủ nhiệm Hồ Anh-Nguyễn Thanh Hoàng) thì rất tồi. Từ ngày ở bên cạnh chồng, Trần Dạ Từ, thơ Trần Thy Nhã Ca khá lên vượt bực. Lần này thơ Hà Yên Chi thật chau chuốt, làm xúc động lòng người thực sự, nhưng tôi cũng chưa kịp viết về nhà thơ nữ này!

Ít ra có hai loại thi nhân - một loại làm văn chương mà Pháp gọi là làm văn chương (faire la littérature) và một loại sáng tạo văn chương (créer la littérature). Loại thứ nhất thích gọt rũa văn tương tự văn chương của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Có người gọi là thợ gọt rũa văn chương - cũng na ná như thơ Vũ Hoàng Chương hậu chiến chẳng hạn. Họ rất giỏi về kỹ thuật thơ, như một người thợ chạm trổ tài tình, song nội dung, ý tưởng rỗng tuếch - nên không còn gọi là sáng tạo văn chương được. Hiện nay loại nhà thơ điêu khắc chạm trổ này rất nhiều. Nói về văn, thì đúng với tương lai văn và kịch của Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế… thầy dạy văn học trò trung học, bắt vào khoan thai, dáng điệu mà đòi cho mình có những văn thi phẩm bất hủ được sao?

Nổi tiếng là gì, được nhiều người biết đến đã là tốt, nhưng tất cả hiểu được hẳn là tốt hơn nhiều(§) như Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế vv… Các ông dạy học trò ở các cấp trung học phổ thông và chuyên khoa, hẳn điều này đã tạo cho các nhà văn trường ốc đạt được mục đích: có một danh tiếng nào đó. Như lối văn Vũ Khắc Khoan chẳng hạn, văn chương cũng có đôi chút tâm hồn, nhưng nhiều hơn lại là khệnh khạng, khéo tay chạm trổ đua đòi lối văn biền ngẫu Nguyễn Tuân tiền chiến, tư tưởng được chăm dắt bú mớm từ bậc thầy Nguyễn Đức Quỳnh - nên văn chương của Vũ Khắc Khoan tạm gọi có tư tưởng đấy chứ. Còn về thơ, Vũ Hoàng Chương được giải thưởng thơ (Hoa Đăng) có phải chỉ vì lý do kỹ thuật không? Tất là không - nhưng được thưởng vì lý do có lập trường phục vụ cho đường lối chính trị nhất thời (tôi không nói đến thơ Vũ Hoàng Chương trong giai đoạn tiền chiến). Thực mà nói, tôi đọc thơ Vũ Hoàng Chương bây giờ không thể cảm động nổi! Tôi so sánh lối làm văn, thơ của quí vị chỉ là khéo tay hay thơ - như hoa văn trên bát kiểu đắt giá được trang trí khéo tay, đẹp mắt mà thôi. Thơ không mới, không gây được biến động tâm hồn người đọc, không tạo được xúc cảm người thưởng thức, hẳn không là thơ hay. Trường hợp thơ Đỗ Phủ minh chứng cho điều tôi vừa trình bầy. Tóm lại, đọc thơ văn quí vị - lối thưởng thức tách trà nóng, thơm ngon, hảo hạng - mà điều này hoa văn trên tách ấy chính là lối xử dụng ngôn từ thơ văn quí vị. Nước trà ngon không nhờ tách mà là chất ngon (nội dung) trong tách.

Trở lại với Hà Yên Chi, hẳn không thuộc vào loại người thơ hạng đầu. Cô phải thuộc vào loại người sáng tạo thơ, tất nhiên ban đầu chưa hoàn toàn hay được, còn đôi chút vụng về. Thế giới thơ của cô khác hẳn với thơ lớp người đồng tuổi. Riêng với Hà Yên Chi, tình yêu rất ít ló dạng, nếu có cũng man mác, phảng phất và hoà lẫn trong vẻ đẹp của thiên nhiên, cây cỏ với một hoài vọng khác. Nói rõ hơn, tình yêu tuổi đầu đời của cô không thuần triết như các nhà thơ nữ khác. Một điểm ấy thôi đã làm người đọc chú ý - huống hồ những bài thơ của cô hướng về tuổi thơ thần tiên, đọc lên rất xúc động, có hình tượng sống của sự sống một thời. Thế giới thần tiên thi vị hoá cuộc đời vật lộn hôm nay làm cho người đọc nhớ tiếc một thời đã mất! Thời kỳ thơ ngây, hồn nhiên, yêu đời không thôi, chưa vướng vào vòng danh lợi kiềm tỏa, có thể gọi là tình yêu mật đắng - dầu là đẹp vẫn không giấu nổi giọt nước mắt thầm vương nơi mí mắt. Hà Yên Chi không có ý định đi tìm ngôn từ, gọi là sự khám phá tân kỳ như nhà thơ Trần Dạ Từ, Viên Linh gần đây, nghĩa là thích ngôn từ mới sáng tạo (tôi sẽ nói rõ hơn ngôn từ thi ca của hai nhà thơ trên là mới hay cũ - thành công hay đua đòi - hoặc bắt chước?). Thơ Hà Yên Chi không giống thơ tình tha thiết, mạnh bạo tuổi trẻ như thơ Thanh Nhung, không e ấp thẹn thùng như Tuyết Linh, không tỏ bản sắc đi lên cuộc đời rồi bi quan nhìn xuống như Hà Phương, cũng chưa gieo vần dị loại, nắm chắc nghệ thuật thơ như Cao Mỵ Nhân.

Nếu nói về tương lai, thơ Hà Yên Chi còn tiến bộ đến đâu, tôi sẽ trả lời ngay rằng thơ cô sẽ chững lại, không còn chiều đi lên nữa - sẽ không còn khám phá, ngôn từ mới - mà chỉ khai triển chiều sâu của thế giới hoài cảm tuổi thơ, ôm ấp thế giới trẻ thần tiên như thơ hiện Hà Yên Chi đang đeo đuổi.

Hai bài Ai Chơi Xuân, Cảnh Đẹp Đà Lạt trích dẫn dưới đây khiến tôi nhớ đến thế giới thơ Nguyễn Nhược Pháp - nhất là Hà Yên Chi chịu ảnh hưởng Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, nhưng là một ám ảnh âm hưởng tạo đà tiến cho thơ Hà Yên Chi mà thôi. Trường hợp này gọi là réminiscence cũng đúng, như với Quách Thoại đọc bài Trở Về của Xuân Diệu để liên tưởng sáng tạo bài thơ Cờ Dân Chủ - và với Hà YeÂn Chi đọc Đi Chùa Hương để có Ai Chơi Xuân.

Tôi rất mê thế giới thơ Hà Yên Chi, thế giới hoài vọng tuổi xuân trong Ai Chơi Xuân, cả những ý tưởng rất ư khác lạ, mới mẻ, cả trong loại tùy bút của Hà Yên Chi, vì nó không chung chung như hầu hết thơ tình yêu của nhà thơ cùng lứa tuổi. Riêng với Hà Yên Chi, tôi không phải bực mình khi đọc thơ làm dáng, và đúng Hà Yên Chi là một nhà thơ có những bài thơ đầy ý tưởng chân tình, dễ cảm, dễ rung động, làm xúc động tâm hồn nhân bản.


Trích thơ Hà Yên Chi © :

AI CHƠI XUÂN

Bảo rằng em mến em yêu
Vẫn đá xanh xanh rộn cả lòng
Tuyết trắng đâu bằng sương trắng
Ngoan như cô tú nẻo rừng thông.

Năm ngoái lên Đà Lạt
Ăn Tết với thầy me
Em vui và nhớ mãi
Không bao giờ quên đi

Sáng sớm mùng hai Tết
Em đòi đi du xuân
(Cao nguyên mờ sương ấy
Em lên chơi một lần)

Em soi gương chải đầu
Áo dài xanh bảnh bao
Sa tanh quần trắng toát
Đôi giầy da nâu nâu

Em đi cùng với me
Ba người ra gọi xe
Đường đi sao dốc quá
Cao như là con đê

Me bảo đi thăm thác
A thác sướng mê rồi
Chắc rằng trong trắng lắm
Em chưa từng đi coi

Xe đi vòng mấy lượt
Bên đường thông ngát xanh
Reo rì rào rủ rỉ
Nghe như buồn mỏng manh

Ba mẹ con cùng bước
Nhẹ gót lại bên bờ
Ai chà! Sao đẹp thế!
Lòng em rung như tơ

Em lấy tay té nước
Bắn tung lên lưng trời
Rồi em vui hớn hở
(Vũ trụ đời thảnh thơi)

Chán rồi em đứng dậy
Ngảnh lại phía đằng sau
Mẹ em và chị nữa
Đang quay nhìn đi đâu

Nhưng sao em thèn thẹn
Có ai đang nhìn em
Một cô, không bà chứ
Mãi đứng mỉm cười xem

Nhưng rồi em chả ngại
Rón rén lại chào đi
Toan bước qua dòng nước
Sang đến bờ bên kia

Ối trời ơi em trượt
Trơn quá! Khổ mình chưa?
Thế là thôi ướt sũng
Quần lên đến áo lơ

Trời ơi! em ngượng quá
Nhỏm dậy đứng nhìn quanh
Ai đang cười khúc khích
Ai đang cười tinh ranh

Me em vừa ngó thấy
Quay bảo chị : Này Vân!
Ra xem Chi nó ngã
Mau chạy xuống mà nâng.

Chị em nhìn nhíu mắt
- Thây kệ cái con ranh
Ai bảo chèo leo lắm
Ráng chịu ướt một mình

Thôi me, me kệ nó
Cho nó biết thân đi
Lần sau thôi nghịch ngợm
Ê chưa? Ơ kìa, Chi!

Trời ơi, em ngượng quá!
Bao người đang ngó em
Không ai thèm đỡ cả
Em run, càng run thêm

Me em tủm tỉm cười
Chị Vân nháy nháy hoài
Em nhìn quanh không hiểu
Biết chị nháy cùng ai?

Chị vừa mắng lúc nãy
Se sẽ nhủ thầm em
- Ra đây chơi với chị
Cho khỏi các người xem

Hân hoan em vâng liền
Tay chị dắt kề bên
Song song chân cùng bước
Dẫu lạ cũng thành quen

Em không cần ai nữa
Em cũng đủ vui rồi
Em nhìn lên phía chị
Chị đang tủm tỉm cười

Chị hỏi em tên gì?
-Thưa chị, tên là Chi
Thế còn tên của chị
Chị bảo cùng em đi

Chị cười: Em láu quá
Thưa rồi, lại hỏi tên
Nhưng không, nào chị nói
Nghe nhé, chị tên Huyền

Hai chị em hớn hở
Nhưng sau chẳng nói gì
Tay cầm tay xiết chặt
Chân vẫn rảo đều đi

Đường đi lên thêm dốc
Tiến thẳng trong đồi thông
Cành cao vời xanh rợp
Thăm thẳm trên từng không

Nắng hồng buông thoai thoải
Qua kẽ lá, tùm cây
Chan hoà trong thinh khoáng
Lơ lửng mấy vòm mây

Thân thông cằn cỗi vỏ
Lá biếc tủa thành tua
Mầu xanh trên bằng bạc
Như tiên cảnh ngày xưa.

Hai chị em đi mãi
Đi hoài không mỏi chân
Em yêu … yêu chị quá
Yêu hơn là chị Vân

Chị bắt đầu hỏi chuyện
Hỏi tuổi em bao nhiêu
Năm nay học lớp mấy
Ngoan ít hay ngoan nhiều

Nhỏ nhẻ em thưa chị
Nhưng chẳng dám khoe tài
Em kêu mình dốt lắm
Chỉ bị thầy beo tai

Chị xoa đầu em mãi
Hỏi em lên bao giờ
Saigon vui lắm nhỉ
Em bao giờ lại “giô”?

Ngạc nhiên em hỏi chị
Ơ sao chị lại hay
Rằng em người dưới ấy
Ăn Tết mới về đây

Chị cười như bí mật:
- Rồi đây em sẽ hay
Bây giờ thôi để đấy
Này, em hãy tới đây

Em nhìn ra phía trước
Có bác thợ chụp hình
Chị bảo em: Chụp nhé!
Nhè nhẹ em vâng nhanh

Xong rồi em lại bước
Chợt thoáng nhớ trong đầu
- Chị này, me em nhỉ
Biết rằng em đi đâu?

Chị cười nhưng chẳng đáp
Ra ngồi bên gốc thông
Kéo em ngồi xuống nốt
Em băn khoăn lạ lùng

Em ngồi trong lòng chị
Mơ màng trông ngửa lên
Chị sao hiền hậu quá
Trong như một nàng Tiên

Trên cao trời xanh ngắt
Qua những kẽ cành thông
Những chùm xanh thưa thớt
Lơ thơ đám mây hồng

Chị vuốt lên làn tóc
Thủ thỉ nói cùng em
Hỏi em nhiều thứ lắm
Bây giờ em đã quên

Em mơ say đắm quá
Em yêu chị nhất đời
Chị chiều, yêu, quí mến
Chị thôi, mình chị thôi

Chị cùng em đứng dậy
Áo quần nay đã khô
Thong dong cùng trở lại
Me chắc vẫn đang chờ

Lát sau về chỗ cũ
Ngơ ngác em tìm me
Thấy me ngồi với chị
Ăn gì trong quán kia

Chị Huyền theo em đến
Me vừa quay ra trông
Nhìn em cười tủm tỉm
Em thấy hớn hở lòng

Em vừa toan giới thiệu
Chị Vân đã gạt liền
Me em cười lên tiếng
Kéo lấy tay chị Huyền

- Thế ra me với chị
Trước cũng quen nhau rồi
Me cười: Ai lạ nữa
Chỉ có “cô”đấy thôi

Thấy em còn ngơ ngác
Me nói rõ ràng hơn:
- Chị Huyền ngay trước cửa
Đêm đêm vẫn dạo đờn

Chị trọ trên Đà Lạt
Chỉ có một mình thôi
Ngày ngày khi rỗi rãi
Vẫn chạy sang nhà chơi

Chị yêu em nhỏ lắm
Lại chẳng có người em
Cho nên hồi nãy đó
Mới chạy nâng mày lên.

Bây giờ em mới biết
Phụng phịu ngước đầu lên:
- Thế mà sao lúc nãy
Chị cứ giấu em hoài

Chị nhìn tủm tỉm cười
Âu yếm nói làm lành
- Thôi mà, em gái chị
Ngúng nguẩy đến là xinh

Từ nay em nhớ chị
Mong chị hãy về đây
Cùng em nghe truyện trước
Cùng em cười ngất ngây.

1957

HÀ YÊN CHI




6 - KIỀU THỆ THỦY
( Nguyễn Ngọc Ánh, 1939 - 1989 )



Tháng 10.1960, một sự rất tình cờ, tôi gặp được tác giả ở Vũng Tàu. Thoạt tiên, ở một sạp báo góc đường Trưng Nhị, có một thanh niên lạ đến phía tôi, bặt thiệp lên tiếng: “..Thưa ông, có phải ông là Thế Phong?” Hồi ấy tôi đang bị xáo loạn qua nhiều bất trắc đe dọa. Tôi trù trừ dăm ba phút rồi người thanh niên ấy hỏi lại lần thứ hai, tôi mới nhận tôi là tôi. Và, rất vui mừng, khi biết người thanh niên ấy là nhà thơ Kiều Thệ Thủy - một nhà thơ trẻ góp mặt trong thi tuyển Hoa Mười Phương (tập thơ xuất bản chung với nhiều người - Trường Giang xb, Saigon 1959). Kiều Thệ Thủy là người làm thơ trẻ xứng đáng đứng hàng đầu trong những người làm thơ có mặt qua tập thơ trên.

Năm 1957, trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, xuất hiện một số thi sĩ mới nhất hôm nay. Khởi điểm của họ là nhờ ở mảnh đất kia. Tôi cũng rất ngạc nhiên, vì quán trọ kia là đất dụng văn của họ khởi điểm - mà không bao giờ ngờ rằng chiêu-anh-quán lại là vươn thơ Văn Nghệ Tiền Phong. Xin đan cử ra đây những nhà thơ hôm nay có đủ lông cánh như Trần Dạ Từ (khi đó đăng thơ mang bút danh Hoài Nam), Viên Linh, Thanh Nhung, Kiều Thệ Thủy, Hà Phương vv… hơn một lần có thơ đăng và hơn một lần tôi phải tìm lại nguồn cảm hứng thơ ban đầu của họ trên báo ấy. Riêng với Kiều Thệ Thủy, những bài thơ như Duyên Mùa Hoa Phượng, Bài thơ trước khi vào thu, Ước hẹn vv… nếu không nói là tồi thì cũng chẳng mấy ai chú ý - nếu sau này không có những bài thơ đóng góp trong tập Hoa Mười Phương. Tôi chỉ xin nói đến giai đoạn thơ tiêu biểu của Kiều Thệ Thủy. Uyên Thao trong một bài điểm sách (§) về thi phẩm kia có chê kiểu làm thơ lập dị, có vẻ làm dáng trí thức của Kiều Thệ Thủy. Tôi cũng đồng ý điều này đúng, nhưng qua năm bài sau: Triển Lãm, Chân Dung Tôi, Bài Thơ Tình của Chúng Mình, Kinh Điển, Độc Thoại, nhiều lần đọc lại, sự cố ý lập dị của Kiều Thệ Thủy không đáng chê trách cho lắm. Sự biện bạch này là: tôi nhận thấy tác giả non tay trên con đường tìm nét độc đáo về ngôn từ mới trong thi ca. Mà mấy ai ban đầu chẳng vấp ngã? Tác giả muốn có ngôn từ mới, chữ lạ, âm thanh dị loại cho thơ anh sẽ không giống bất cứ thơ ai, chẳng hạn thế! Nhưng, bước đầu, anh chưa thể có ngay một bản sắc thơ riêng biệt được, ở góc độ cuộc sống - nên còn phải mượn ngôn từ sẵn có một cách chung chung, vay cú pháp người đi trước vậy. Thơ có ngôn từ mới cũng không khác chi triết học, đầu tiên phải có cuộc sống riêng biệt, từ đó mới phát sinh ngôn từ mới để tạo cho mình không giống những người đi trước mình. Bài Kinh Điển của Kiều Thệ Thủy sặc sụa âm thanh thơ Hàn Mặc Tử, như búng ra huyết:

ngực vi trùng trán hoàng hôn
búng đau thương đỏ loét tứa ra mồm
……………………………………………… (§)
người yêu thương hắt hủi
buổi chiều sầu linh hồn
- vì sao Sartre buồn nôn

Bởi vì, tôi tìm thấy chất liệu mượn từ Jean Paul Sartre trong phiên khúc nhỏ này mang tính chất làm dáng, giả tạo - chẳng nói lên điều gì - nó thiếu hẳn cảm nghĩ chân tình, thực mà nghĩ, thực mà trình bầy như câu gọi Picasso mà khóc cũng giống như câu vì sao Sartre buồn nôn.

Sau này Kiều Thệ Thủy có tìm được ngôn từ mới trong thơ của anh không? Từ 1958 trở lại đây, qua 6 bài tác giả trao cho tôi, hầu hết là thơ tự do, một hai bài lục bát cũng vẫn chỉ là bình cũ mà rượu chưa mới.( §§) Tôi phải xin lỗi để nhắc lại ở đây, thơ tự do muốn đạt được tới mức cao tuyệt độ, cần phải có nội dung sâu nhiệm hơn nữa, vốn sống trải rộng, cảm xúc đau khổ thực sự có hơn nữa, như nhà thơ Max Jacob của Pháp thời kỳ kháng chiến 1945, chiến đấu thật sự, xúc cảm thực sự mới viết nổi bài thơ Reportage, bài thơ mang nỗi buồn chán tột đỉnh và sẵn tài năng của thi nhân, Reportage (Tường Trình) của Max Jacob bất chiến tự nhiên thành. Nếu không vậy, hoặc chưa đạt được lý lẽ: cầm bằng ý nghĩa cuộc sống trong chùm chìa lủng lẳng trong tay - tất nhiên sự mang lại kết quả trong thơ tự do chỉ có thể lượm được một số ý thơ mới lạ, và hay, hoặc nhiều hơn một vài ba câu hay - còn lại, mang ý tưởng ngẩn ngơ, chất liệu thơ ngây ngô, xuẩn động, bí hiểm và tối tăm. Riêng về thơ Kiều Thệ Thủy hiện nay đang muốn chuyển sang thơ tượng trưng - trường thơ này cần súc tích và phong phú hơn nữa. Như bài Người khách ngả đầu điển hình trích dưới đây chỉ được một hai câu hay nhất: đĩa nhạc không ai quay đĩa nhạc đen và rồi chết với niềm đau đớn mới :


1 cái bàn đầu anh ngã xuống
1 người cũ mù theo hồn này
thấy linh hồn đã lụi
em lãng quên căn nhà kỷ niệm chưa em?

buổi chiều nước sông lớn mãi
giữa thành phố không còn hoang vu
ôi em còn ngây thơ còn ngây thơ
đội mũ lên đầu chào anh giấc chết

người mẹ đưổi cuộc tỉnh thời con gái đi
anh dìu anh biệt đường tàu, đồng không
                                                          mông quạnh
anh dìu anh biệt cồn hoang gò mả
trái tim chín cây chờ rụng
em hoảng hốt chưa em?
người lãnh đạm chưa người?
thôi, đầu anh ngửng nhìn sự vật
bàn ghế cô đơn là thi thể em
phà những hơi thở, trên mẩu thuốc tàn
bay đi ôi anh cười ngất
đĩa nhạc không quay đĩa nhạc đen
giờ anh từ biệt cái bàn 3 màu, ngấn nước
                                                         vết hôn
rồi chết với niềm đau đớn mới.

(Người khách ngả đầu)

Trong chúng ta, ai mà chẳng đọc thi ca Pháp, ít hay nhiều thôi, hẳn sao quên được Charles Baudelaire, A. Rimbaud, những thi tài của phái thơ tượng trưng đấy! Đến nay, chúng ta mới theo trường thơ kia, ít nhất phải vượt qua được thơ tượng trưng cũ ấy có - thì mới nói đến tân tượng trưng của nền thi ca mới, hay một cái tên gì khác nữa, song kết cuộc phải mới hẳn hơn cái cũ đã có. Tôi xin nói, lối thơ trên, giai đoạn tiền, kháng chiến nước ta đã có Văn Cao, cả Nguyễn Bính (thời kỳ 1956-57), nhất là nhà thơ Trần Dần có thể gọi là một chef de file của loại thơ symbole équivoque. Ở Ba Lan, thi sĩ nổi danh bậc thầy, đó là Adam Wazyk, hoặc Antoni Slorimski trong bài thơ Au fils de mes amis hoặc Miezyslaw Jastrun trong Entretien avec un écrivain và Le Diable (§). Thơ tượng trưng của những nhà thơ trẻ hôm nay như Viên Linh, lại cố tình làm mới bằng cách bắt chước lục bát cổ kính gieo vần Cung Trầm Tưởng, vốn thơ CTT đã sẵn mang màu sắc thơ hoang lạnh. Đọc thơ xong, lời thì đẹp, âm thanh thì chau chuốt đấy, nhưng vẫn không đủ làm cho người đọc nhớ lâu, vì đó là thơ biền ngẫu, mà loại thơ này khó qua mặt được thơ Ôn Như Hầu, Bà Huyện Thanh Quan … Sự thất bại của một số nhà thơ trên, cũng chẳng khác gì Thanh Tâm Tuyền hay nhóm Sáng Tạo, thơ không cảm không làm mấy ai rung động sâu sắc, vì bản chất thơ mà thiếu souffle thì khó tạo được isme mới! Hậu quả thơ của Sáng Tạo truyền lại cho lớp người thơ đi sau tạo thành một lối thơ tượng-trưng-nghiên-cứu (tạm gọi là surréalisme en spéculative), thơ không có hình tượng sống mới của sự sống một thời - từ cảm giác, rung động, tư tưởng, ngôn từ, hẳn thơ sẽ được coi như phù phiếm, ảo tưởng, thơ mình lại tự đánh lừa mình (style apocalyptique). Đọc thơ Adam Wazyk, M Jastrun (qua bản dịch Pháp văn), Trần Dần, Văn Cao (nhà-thơ-nhạc-hoạ-kịch hay kén chữ, chọn âm từ), người đọc thơ tiếp được nguồn cảm hứng ngay, bởi chất liệu thơ là chất sống rất động, rất hăng hái, nhiệt tình, hào hùng… Còn với người thơ mới chỉ có vốn sống nửa vời, chưa sầu đã kêu não nuột, chưa đớn đau đã la to quá khổ nàn, chưa hiểu ngọn nguồn thế nào là phi lý lại kêu to hơn hết là phi lý - tất cả, bao giờ cũng bắt đầu bằng bi quan yếm thế, chán chường giả hiệu để phê phán đời sống rồi lấy đó làm khởi điểm - đó là bi quan nửa vời. Nên những bài thơ như Hạ huyền của Ánh, Bài giảng Thánh số 1 hoăïc Vũng Tàu bis của Kiều Thệ Thủy có hình ảnh thơ đẹp, chọn lựa âm thanh từ ngữ phải kể khá tài tình; nhưng vẫn thiếu vắng động lực chính: sự rung động chân tình, sâu sắc và không có souffle thơ, khả dĩ làm cho người đọc thơ mình phải chuyển lay, xao động. Đọc thơ xong bình thản như khi chưa đọc, còn gì là động lực tính của thơ!
Bài Vũng Tàu bis chỉ có hai câu cuối là đẹp nhất (vẫn theo tôi), phải nói là thật tài tình, hào phóng, sảng khoái. Tôi kỳ vọng rất nhiều ở nhà thơ trẻ đang sung sức, đó là Kiều Thệ Thủy (§)

©

Trích thơ Kiều Thệ Thủy:

BÀI VŨNG TÀU BIS

bên kia lảng vảng sương mù
Ngói san cũng chất hoang vu núi rừng
nghe là bãi vía vòng cung
bao nhiêu tiếng hét buốn cùng muôn xưa
ngọn cờ đen chiụ tang ma
phận anh sóng vỗ gió đùa đấy thôi
triền đêm xuống hết tương lai
trông vời một ít cảnh đời tối theo
cỗ xe trở mặt trời chiều
đi chưa thấy đến lưng đèo, trút hơi
ngựa im bờm ngó biển khơi
này em, anh đã tự vùi hào hoa.

KIỀU THỆ THỦY



...... CÒN TIẾP ...




VVM.20.10.2023 - NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .