Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



ĐẠO VÀ ĐƯỜNG ĐỜI


Ô ng nội tôi tu tại gia. Tôi là đứa cháu đun nước để ông pha trà. Nhỏ tôi không biết gì về Phật giáo, thấy ông bà ít nói, chỉ nói khi thấy cần, nhưng chân tình, nên tôi có thói quen thầm lặng làm việc, cụ thể, nhất quán : từ 1972 tới nay chỉ chú tâm văn học Đức. Với tôi nghề là đạo, là thiêng liêng, đời là cuộc sống đời thường như mọi người. Mẹ tôi thường dặn “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”

Tôi có cuộc sống hơi lập dị so với đồng nghiệp. Tôi luôn nhường chị nhún em để giữ tâm hồn nghệ sĩ của nghiệp văn. Để yên thân đọc sách, làm việc chuyên môn, cuối năm bầu bán,tôi giơ tay không đủ tiêu chuẩn xin đừng bầu. Với hiệu trưởng tôi xin đừng lên lương, lên chức.

Một trăm người cùng học văn – Germanistik vào những thời gian khác nhau,. 98 người làm nghề khác, 98 người ấy không ai viết về văn học Đức. Hai người theo nghề là tôi và anh Đỗ Ngoạn. Anh Đỗ Ngoạn thì vừa hồng vừa chuyên nên là Gs.Ts.. Sau nhiệm kỳ làm Bí thư thứ nhất quản lý lưu học sinh của Sứ quán Việt Nam ở Berlin về nước. Ông được điều về làm Bí thư Đảng ủy Đại học Thái Nguyên.

Tôi đi Đức 5 lần: lần đầu đi học, 4 lần sau mỗi lần đi đọc sách 3 tháng ở các thư viện các trường đại học Berlin, Halle, Leipzig, Weimar...nên tha hồ đọc sách đông tây cổ kim, sách quý thì đọc ở tháp lấu 3, nên không thể náo có chuyện sách lọt tầm kiểm soát. Vì thế im lặng, cụ thể, nhất quán mà làm việc.

Tôi có may mắn được chị Xuân Phương, anh Cửu Thọ NXB Măng Non thành phố Hồ Chí Minh in tập 1 và 2 Truyện cổ Grimm, ông Tổng Lãnh sự CHDC Đức Gerold Pletl tặng sách, ông Tổng lãnh sự CHLB Đức Gehard Zander viết lời nói đầu cho bộ Truyện cổ Grimm toàn tập, sách được Họa sĩ Phạm Quang Vinh giám đốc NXB Kim Đồng Hà Nội cho xuất bản .

Truyện cổ Grimm toàn tập của tôi là bộ truyện cổ nước ngoài toàn tập thứ hai. Bộ thứ nhất là Nghìn lẻ một đêm do anh Phan Quang dịch. Nhiều người Việt Nam biết tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc v.v. Nhưng không ai làm toàn tập, vì truyện cổ luôn ở ba bình diện: trần gian, thiên đường, địa ngục nên dễ bị tẩu hỏa nhập ma. Đa phần, người dịch làm xong một tập rồi thôi. Truyện cổ Grimm đã dịch ra 150 thứ tiếng. Nhưng truyện cổ Grimm toàn tập mới dịch ra mười thứ tiếng: Đan Mạch, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Việt Nam. Việt Nam là nước thứ 10 có bản dịch toàn tập từ nguyên bản tiếng Đức của Lương Văn Hồng. Từ khi bắt đầu dịch tới khi hoàn tất toàn tập tôi mất 25 năm- cứ 5 năm in một tập (vì Truyện cổ Grimm có tới khoảng 40% giữ nguyên tiếng Đức cổ và thổ ngữ từng vùng để bạn đọc thấy được sự phát triển của tiếng Đức theo thời gian) 3 lần sang Đức để đọc sách nghiên cứu thêm về tiếng Đức cổ, thổ ngữ các vùng, bổ sung kiến thức nên mới dịch được trọn bộ, viết chú giải . Giờ đây bạn đọc cứ mở website grimmstories. com là đọc được bản song ngữ Đức-Việt. của Lương Văn Hồng Truyện cổ Grimm toàn tập in lần 17 năm 2013, NXB Kim Đồng

Bộ sách thứ hai của tôi là sách dịch Kho tàng văn học dân gian Đức (thần thoai, truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, giai thoại, truyện cười, câu đố, in năm 2006). Theo tôi biết thì từ xưa tới nay, trên thế giới chưa có ai làm. Đó chính là Hợp tuyển văn học Đức tập 1 do Lương Văn Hồng, Triệu Xuân chủ biên. Hợp tuyển văn học Đức là tổng kết 50 năm (1954-2004) văn học dịch từ văn học Đức của các dịch giả Việt Nam suốt 50 năm.

Bộ sách thứ 3 của tôi là sách biên soạn Đại cương văn học Đức từ khởi thủy tới 2002 in năm 2003 Đây là bộ sách viết bằng tiếng Đức để dạy ở các lớp tiếng Đức nâng cao trong thời gian 1986-1996.

Năm 1996 Trường ĐHKHXH&NV được thành lập và là một thành viên trong hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM). Từ năm 1997 tôi mới dạy văn học Đức cho sinh viên Khoa Văn học Ngôn ngữ Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nên biên soạn phần tiếng Việt làm 3 tập . Tập 1 từ khởi thủy tới 1830. Tập 2 từ 1830 tới 1930. Tập 3 từ 1930 tới 2002. Tất cả sách biên soạn văn học nước ngoài ở Việt Nam đều chỉ đề cập tới văn học thế kỷ 17, 18 và thế kỷ 19, i (không có đầu – những thời kỳ đầu của văn học, cũng chẳng có đuôi-phần văn học hiện đại) nên không vẽ lên bức tranh toàn cảnh của một nền văn học. Sách Đại cương văn học Đức từ khởi thủy tới 2002 NXB Văn học, 2003. Sách giới thiệu lịch sử văn học Đức với những trào lưu, tác giả-tác phẩm từ khởi thủy tới 2002.

Trong thời gian học lớp 9 phổ thông (1962-1963), trong giờ học môn Hóa, thầy Chấn thường để mấy phút cuối giờ dịch giai thoại về các nhà hóa học cho cả lớp. Tôi mê giai thoại từ đó. Khi học năm thứ 3 đại học (1971-1972) tôi bắt đầu thu thập tư liệu, nhưng toàn sách khổ nhỏ lại mỏng. Năm 1991, tôi sang nghiên cứu 3 tháng ở Mũnchen và Gõttingen, tôi mua được 2 cuốn sách khổ lớn dày 400 trăm trang và 800 trăm trang. Đầu tiên kể giai thoại, viết tiểu sử danh nhân Đức, tiếp đến danh nhân các nước khác.

Bộ sách thứ 4 từ chỗ 38 danh nhân Đức , NXB Trẻ in năm 1999, sau 17 năm đến năm 2015 là 505 danh nhân, người nổi tiếng cổ kim đông tây. Tôi cứ viết đến đâu in đến đó. Bản in NXB Văn học năm 2005 là 206 danh nhân, bản in lần thứ 6 có 384 Danh nhân cổ kim đông tây – tiểu sử và giai thoại., NXB Đồng Nai, 2010. Đây là sách về danh nhân lớn nhất từ xưa tới nay. Danh nhân là những ngôi sao sang trên bầu trời đất nước, Những ngôi sao sáng tạo nên bản sắc dân tộc, niềm tự hào của đất nước. Các sách khác đều dừng ở con số 100 kể về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân.

Cuốn sách thứ 5 là Lãng du trong các nền văn hóa, NXB Đồng Nai, 2010 in lần thứ nhất, in lần thứ hai có bổ sung năm 2014, NXB Văn hóa thông tin của Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây. Lãng du trong các nền văn hóa là cuộc ngao du thưởng ngoạn tinh hoa trong 17nền văn hóa, nhắc ta cần tôn trọng, cần có sự khiêm nhường trong học hỏi để mở rộng chân trời hiểu biết. Đồng thời cho thấy phài mất gần trăm năm Việt Nam mới thực sự là bạn bè của năm châu kể từ khi có Cổ học tinh hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Tử An Trần Lê Nhân năm 1925, giới thiệu với bạn đọc những tinh hoa của nền cổ học phương Đông.

Cuốn sách thứ 6 là Thiên chức văn học, NXB Văn học năm 2011, cho ta thấy văn học ngày xưa mang tính giáo huấn (văn dĩ tải đạo). Ngày nay văn học như một cơ chế cảnh báo sự tha hóa, khuyên ta sống nhân văn. Mỗi nước có nền văn học của nước mình gắn liền với lịch sử, xã hội dân tộc mình, thể hiện rất rõ nét bản sắc dân tộc mình, nhưng thiên chức của văn học là mẫu số chung cho văn học mà cái đích là chân thiện mỹ.

Tôi lười, ngại viết, nhưng vì không viết thì ai viết đây. Qủa thật, “vật” với con chữ vui lắm! Thông thường, mỗi nước đều có những sách kiến thức nền cho học sinh, thanh niên dân tộc mình. Trong số những sách nền ở Đức có Truyện cổ Grimm toàn tập – bức tranh toàn cảnh về đời sống tinh thần và đời sống vật chất với hỉ nộ ái ố trong cuộc sống; Tranh thơ của nhà hiền triết Wilhelm Busch – cái gì cũng có hai mặt như sáng-tối, tốt-xấu, cũng như song có khúc, người có lúc. Hai sách này đi với trẻ con Đức từ thời niên thiếu tới khi từ giã cuộc đời. Trẻ hiểu theo tuổi trẻ, già nghiền ngẫm cuộc đời kiểu người già. Và hai sách này cùng với thời gian tạo thành nhân cách-cá tính rât Đức ở mỗi công dân nước này. Việt Nam chưa có loại sách kiểu này để hướng thanh thiếu niên có một kiến thức nền tạo nên nhân cách-cá tính – bản sắc Việt Nam. Sáu sách kể trên nằm trong bộ sách kiến thức nền giúp các bạn trẻ ra biển khơi với trí tuệ Việt.

Thứ tư , ngày 8 tháng 5 năm 2015




VVM.13.10.2023 - NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .