T ừ xưa tới nay, thơ vẫn là món ăn tinh thần tuyệt vời của con người Việt Nam vốn giàu truyền thống thơ ca. Có thể nói “thơ là thước đo tâm hồn dân tộc”. Những người yêu thơ, đọc thơ, khi đến với thơ bằng tình yêu trong sáng. Bởi tình yêu thơ là tình yêu dâng hiến, tuyệt nhiên không mưu cầu danh lợi từ thơ. Nhưng người yêu thơ cũng không thể bằng lòng, không thể chấp nhận và thỏa hiệp với thực tại mà cần phải khơi dậy tu chỉnh và phát triển dòng thơ Việt Nam để có một “nền thơ đích thực” và “nhà thơ thứ thiệt”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự thay đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa, về quan niệm sống, về văn học nghệ thuật vv… đã tác động mạnh mẽ vào nhận thức người cầm bút, buộc ta phải thay đổi. Sự phát triển của cuộc sống, phát triển của quá trình dân chủ hóa và bình đẳng sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển nền văn học nghệ thuật hiện đại, tiến bộ. Thơ cũng đang tìm lại con đường đi vào số phận, tâm hồn của thời đại mình để thơ thực sự tồn tại có ý nghĩa và hữu ích cho đời. Mọi sự đều thay đổi, thơ cũng phải thay đổi thích ứng để tồn tại. Có nhiều người có ý thức tìm tòi đúc kết về mặt lý luận, lý thuyết, định hướng vào sáng tạo cụ thể. Chúng ta cũng đã mở cửa đi ra thế giới rộng lớn rồi nhìn lại mình, con người quê hương đất nước mình để sáng tạo ra những tác phẩm vượt cả thời gian và không gian mà đến với toàn nhân loại. Bên cạnh đó cũng không tránh khỏi có những bước đi quá đà, tắc trách, nóng vội, hổ lốn… vô hình trung lại phá vỡ sự cân bằng, hài hòa cần thiết giữa hình thức và nội dung.
Đã nói là thơ Việt thì phải mang màu sắc, truyền thống theo kiểu hay “gu” của dân tộc Việt Nam, chứ không thể theo kiểu thơ Trung quốc, Nga, Mỹ hay Tây Âu vv… Lý luận văn học Việt Nam phải thể hiện tính cách Việt Nam. Không thể từ cực đoan này sang cực đoan khác hay một thứ giáo điều, một công thức mới nhân danh đổi mới. Lý luận đông cứng, thiếu hẳn tính thực tiễn sinh động của cuộc sống Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng và kéo dài. Phát triển phải là sự tiếp nối những gì bền vững qua thử thách của thời gian, đã được cộng đồng dân tộc chấp nhận. Nền thơ Việt Nam phát triển đa dạng, phong phú, không thể không thừa kế, kết hợp những thành quả của quá khứ và hiện tại, của truyền thống và cách tân. Không một nghệ thuật nào do áp đặt bằng bạo lực và xâm lược mà thành. Ta có thể học tập cái hay của nền văn hóa, văn học, thơ ca của người khác và nước khác nhưng không nên cứng nhắc, máy móc mà có thể đổi mới phong cách, giọng điệu, hình thức, đặc biệt là đổi mới tư duy.
Đọc một bài thơ, ý tưởng, tư tưởng không rõ ràng, dài dặc, trục trặc, không dễ dàng gì ai đã học thuộc được, nhớ được, hơn nữa không phù hợp với nhịp thở tự nhiên của con người. Tất nhiên “người thơ” cứ sáng tác, sáng tạo, nhưng quan trọng là bài thơ có lưu lại ở độc giả hay không? Nếu nó không sống cùng độc giả thì trước sau nó sẽ trở về tác giả và chết trong lòng người đọc.
Thơ Việt Nam có truyền thống lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, ý tưởng, tư tưởng cô đọng, có vần có điệu, giàu nhạc tính, lại dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ ứng dụng vào cuộc sống. Tại sao ta không thấy tính thơ Việt Nam rất đặc sắc, đáng tự hào, mà lại khước từ cứ cho theo kiểu tây, tàu mới là hay là hiện đại là mới. Rất có thể đối với người Trung quốc, người Âu Mỹ vv… họ đã có truyền thống, đã quen với “khẩu vị” hay cái “gu” của họ nên họ thích. Nhưng còn đối với chúng ta khi tiếp thu cái hay của họ nên cách tân như thế nào? Phải chăng các nhà phê bình, nhà lý luận không theo kịp nhịp thời đại, mất phương hướng dẫn dắt nên không có chuẩn để thẩm định bài thơ thế nào là hay là mới? Bạn có thể đọc một câu thơ thoạt đầu thấy lạ, hay hay mà chưa hiểu hết nhưng sau càng ngẫm nghĩ hoặc nghe người khác phân tích thì càng thấy cái hay, cái thâm hậu của nhà thơ. Nhưng bạn cứ tưởng tượng xem, nếu một người đọc một bài thơ mà một năm sau, suy nghĩ, nghiền ngẫm (nếu bạn có thời gian để tâm tới) mới hiểu được cái hay của nó, mà trong lúc bạn đọc lại không hiểu ý người ta nói, thì bạn đâu có cảm xúc thích thú gì. Cả cuộc đời đọc thơ sẽ hiểu được bao nhiêu câu?
Tác phẩm có cuộc sống của nó, phải đến được với độc giả và sống cùng độc giả, theo thời gian nếu nó hay thì sẽ tồn tại còn dở thì sẽ trôi vào quên lãng. Người ta có thể đặt câu hỏi: Thơ là gì? Viết cho ai? Dùng làm gì? Một giáo trình khoa Văn chương của một trường đại học có định nghĩa: “Thơ là một thể loại văn học sử dụng vần điệu, nhịp điệu, hình ảnh và tình cảm để thể hiện một tư tưởng nào đó”. Đã đến lúc cần thiết phải tìm kiếm và xây dựng con đường phát triển thơ ca Việt Nam có tính lâu dài bền vững. Tính thơ phải thể hiện sự hàm súc, khêu gợi hồn thơ, giàu tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật… của các câu chữ, nhạc điệu, hình ảnh vv… khác với văn xuôi. Qua các nhà thơ lớn của thế giới, người ta thấy: thơ của họ đều rất giản dị, trong sáng, mang những buồn vui, khát vọng của nhân dân và của nhân loại… Thơ hay là thơ khi người ta đọc sẽ cảm thấy hấp dẫn, thấy sướng không cứ là thơ truyền thống hay tự do, thơ cũ hay mới. Nên cách tân thế nào cũng phải đạt được cái hay cái đẹp thì sẽ sống mãi với thời gian, còn mới mà không hay, không đẹp thì mới để làm gì? Cũng như quần áo, vải vóc chỉ có thể làm tôn thêm vẻ đẹp của cô gái chứ không thể thay thế vẻ đẹp của giai nhân. Vả lại có cô gái đẹp nào mà suốt đời chỉ mặc có một bộ quần áo thôi, mà cũng có ai cấm “người đẹp” ấy mặc các “mốt” khác đâu. Nhưng khi người đẹp mặc cái áo dài đặc trưng (Quốc phục nữ tương lai) thì người trong nước hay người nước ngoài đều biết đó là áo dài Việt Nam.
Từ những đường nét đặc trưng của nền văn hóa dân gian của mỗi dân tộc mà người ta có thể định dạng và định tính cho mỗi dân tộc là điểm tựa để cho họ vươn lên đỉnh cao của nền văn minh nhân loại. Thiếu lý luận hướng dẫn nên đã xuất hiện những quan điểm thẩm mỹ kỳ quái. Họ quên rằng, bất kỳ một xã hội nào, nhà văn, nhà thơ cũng đồng hành với nhân dân, hiểu thấu đáo nhất những khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Thơ cao, thấp không phụ thuộc vào cái bên ngoài mà chỉ phụ thuộc vào tác phẩm của nhà thơ. Chọn loại thơ nào: kiếm tiền, nịnh bợ, xu thời, hư danh… hay sẽ trở thành nhà thơ chân chính, nhà thơ đích thực? Không thể cứ lao đi tìm cái mới để rồi lạc lối và tự đánh mất mình. Tóm lại, thơ làm sao phải vừa hiện đại và vừa dân tộc:
“Để trên đó tháng ngày tôi viết tiếp
Những câu thơ tha thiết hiến dâng đời”
Ngày nay thơ nhiều, thẩm mỹ lại khác nhau, có khi đối lập nhau. Những thể nghiệm vừa nghiêm túc, vừa méo mó… mà không thấy nhà phê bình đâu? Trên thế gian này, không ai sinh ra có thể thoát ly khỏi cuộc sống. Ngoài những tâm tư tình cảm riêng của con người, thơ còn có tính triết lý mang tính phổ quát, nhân loại. Một bài thơ có tầm tư tưởng thì ở đất nước nào, người ta cũng có thể hiểu được và cảm thụ được cái hay cái đẹp của nó.
Thơ Việt Nam phải có bản sắc Việt Nam để khi ra thế giới người đọc bài thơ sẽ biết đó là thơ Việt Nam, chứ không lầm tưởng là thơ Trung quốc, hay Hàn quốc… Dùng nhiều lời để truyền đạt ít ý là dấu hiệu của tầm thường. Mọi giá trị văn chương đích thực bao giờ cũng được đo bằng những tiêu chí chung phổ biến, khoa học và bền vững. Cùng một đích đến thì dù có đi con đường khác nhau chúng ta cũng sẽ gặp nhau.