Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




THƠ VĂN NÊN DUYÊN PHẬN

  


T heo lịch sử nước ta, triều đại nhà Hồ là một triều đại phong kiến ngắn nhất, chỉ kéo dài vỏn vẹn có 7 năm (1400-1407) với hai đời vua là Hồ Quý Ly (1400-1400) và Hồ Hán Thương (1400-1407). Tiên tổ Hồ Quý Ly vốn nguời làng Bào Đột, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) sau đó có một nhánh dời ra ở Đại Lai (Thanh Hóa) làm con nuôi cho họ Lê trải bốn đời mới sang qua Quý Ly, do đó trước ông mang họ là Lê Quý Ly. Được vua Trần Nghệ Tôn tin dùng, Lê Quý Ly xuất thân làm Chỉ Hậu Chánh Hội Trưởng (1372) chẳng bao lâu được phong tới chức Khu mật đại sứ, tước Trung Tuyên Hầu và được kết duyên vói em gái vua là Huy Ninh Công chúa trước đó vốn là vợ của một tôn thất nhà Trần. Năm Nhâm Tý (1372) vua Nghệ Tôn truyền ngôi cho em là Trần Kinh và về phủ Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng. Trần Kinh lên ngôi lấy hiệu là Duệ Tôn nhưng mọi việc cũng đều do Thượng Hoàng Nghệ Tôn quyết định. Thời kỳ nầy lại xảy ra quân Chiêm Thành sang xâm chiếm đất nước ta. Trong triều bấy giờ Hồ Quý Ly chuyên quyền, khắp nơi giặc giã nổi lên cướp phá, lợi dụng tình hình ấy, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga đem quân ra đánh Thanh Hóa (Kỷ Tỵ 1389). Hồ Quý Ly thân hành lo việc chống giữ nhưng đánh không lại phải rút quân về. Quân Chiêm thắng thế theo mặt biển kéo vào kinh đô Thăng Long. Bên ta Trần Khắc Chân được lệnh đem quân cự địch. Tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390) trong trận đánh với quân Chiêm trên sông Hoàng Giang khúc sông Hồng Hà thuộc đại hạt Nam Xang tỉnh Hà Nam nhờ hàng tướng của Chiêm Thành là Ba Lậu Kế nhân ông có lỗi bị Chế Bồng Nga khiển phạt nên đã làm phản nhảy lên bờ chỉ điểm cho Trần Khắc Chân chiếc thuyền nào có Chế Bồng Nga nên Trần Khắc Chân đã cho cung thử nã tên vào đó, rốt cuộc Chế Bồng Nga trúng tên mà chết. Thấy Chiêm Thành luôn xâm lấn bờ cõi Việt Nam, vua Duệ Tôn quyết định thân chinh trừng phạt, lúc đó Chế Bồng Nga hãy còn trên ngôi nên có ý sợ cho người đem vàng đút lót nhưng đã bị quan trấn thủ Hóa Châu (Nghệ An) là Đỗ Tử Bình bên ta ỉm đi và phao tin rằng Chế Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên xin vua cử binh đi đánh. Không ngờ Chế Bồng Nga cho người trá hàng kéo quân ra khỏi Đồ Bàn (kinh đô Chàm) và cho quân lập đồn mai phục. Duệ Tôn tưởng thật kéo quân theo đường biển vào cửa Thị Nại (Quy Nhơn) định đánh chiếm Đồ Bàn, không ngờ khi vào thành bị quân Chế Bồng Nga ùa ra vây đánh khiến Duệ Tôn chết trong đám loạn quân, còn Hồ Quý Ly bỏ chạy nhưng về sau chẳng hề bị khiển phạt chỉ có quan trấn thủ Đỗ Tử Bình trông coi hậu quân không dám tiến lên cứu vua là bị giáng chức. Thượng Hoàng Nghệ Tôn được tin vua Duệ Tôn chết trận bèn lập con Duệ Tôn là Hiền lên nối ngôi hiệu là Phế Đế (1377-1388) nhưng mọi quyền hành vẫn do Thượng Hoàng nắm giữ. Nước Đại Việt những năm này lại bị Chiêm Thành sang quấy nhiễu, cướp bóc dữ dội; vua Trần Nghệ Tôn rất tin dùng Hồ Quý Ly nên đã cất nhắc lần hồi lên đến chức vụ Khu mật sứ và trước đó đã gả em gái mình là Công chúa Huy Ninh cho Hồ Quý Ly. Tương truyền cuộc tình duyên của Hồ Quý Ly và Công chúa Huy Ninh là một mối duyên kỳ ngộ nhuốm màu sắc phản ánh của thơ văn. Hồ Quý Ly lúc còn hàn vi thường theo người cha nuôi họ Lê đi buôn đường biển. Một lần thuyền ghé vào bờ Quý Ly thấy trên bãi biển ai đó đã vạch lên cát câu thơ: “Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai”. Quý Ly nhẩm thuộc lấy câu đó. Đến khi đã làm quan, một hôm hộ giá vua Trần đi chơi, nửa chừng ghé vào tránh nắng ở điện Thanh Thử, thấy trước điện rất nhiều cây quế, vua liền ra câu đối: “Thanh Thử điện tiền thiên thu quế”. Các quan cùng đi, lúng túng chưa kịp nghĩ ra câu đối thì Quý Ly nhớ lại câu thơ trên bãi biển năm xưa bèn đọc luôn: “Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai”. Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối rất chỉnh, có nghĩa là: Trước điện Thanh Thử cả ngàn cây quế, trong cung Quảng Hàn chỉ một cành mai, lại rất hợp với ý vua có ý đề cao em gái mình là công chúa (Nhất Chi Mai). Nghe xong các quan đều phục tài Hồ Quý Ly. Vua Trần càng kinh ngạc hơn bởi nhà vua có một em gái là công chúa Huy Ninh đặt tên Nhất Chi Mai. Nàng luôn ở trong cung cấm không hề ra ngoài tiếp xúc với dân chúng. Vua hỏi Quý Ly: Nhà ngươi làm sao biết được việc trong cung ta, ta chỉ có một người em gái đặt tên là Nhất Chi Mai, cung của công chúa tên là Quảng Hàn cũng chính do ta đặt. Quý Ly cứ thật tình tâu bẩm việc trên. Vua cho là chuyện lạ tin là duyên trời định nên gả công chúa Huy Ninh cho Quý Ly. Công chúa gá duyên với Quý Ly sanh được hai con là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương. Hồ Nguyên Trừng nhường ngôi cho em là Hồ Hán Thương khi kế nghiệp Hồ Quý Ly. Nhắc lại việc vua Trần Duệ Tôn cho quân theo đường biển vượt cửa Thị Nại (Quy Nhơn) tiến vào đánh thành Đồ Bàn (Kinh đô Chàm), có tướng Đại Việt là Đỗ Lễ biết âm mưu mai phục của Chế Bồng Nga nhưng Duệ Tôn không nghe nên khi vào thành đã bị quân Chàm bốn phía ùa ra vây đánh, Duệ Tôn chết trong đám loạn quân. Thượng Hoàng Nghệ Tôn được tin vua Duệ Tôn chết trận bèn lập con Duệ Tôn là Hiền lên nối ngôi hiệu là Phế Đế (1377-1388) nhưng mọi quyền hành vẫn do Thượng Hoàng nắm giữ. Thượng Hoàng Nghệ Tôn vẫn cứ một mực tin dùng Hồ Quý Ly, nhưng vua Phế Đế đã thấy rõ âm mưu thoán đoạt của Quý Ly. Thượng Hoàng Nghệ Tôn mất năm 1394. Quý Ly lên làm Phụ Chánh Thái Sư và đến năm Canh Thìn (1400) thì bỏ Trần Thiếu Đế và tự xưng làm vua đặt quốc hiệu là Đại Ngu(1). Thượng Hoàng Nghệ Tôn trị vì được ba năm, trong thời gian tại vị đã để cho gian thần lấn át quyền hành, xa lánh trung thần nghĩa sĩ, cứ một mực tin dùng Hồ Quý Ly, cho được quyền thế đến nỗi làm sụp đổ cơ nghiệp nhà Trần. Nghệ Tôn mất rồi, Quý Ly lên làm Phụ chánh Thái sư thâu tóm quyền hành trong nhà ngoài ngõ. Để dễ đường thoán đoạt Quý Ly quyết định dời đô vào Thanh Hóa; xây thành Tây Đô(2). Xét về mặt yếu điểm quân sự, nơi xây thành đô không phải là trọng yếu nhưng Hồ Quý Ly năm 1397 đã bắt ép vua Thuận Tôn (vua kế nghiệp Phế Đế) phải dời kinh về Tây Đô, có lẽ Quý Ly muốn được tiếng nơi quê cha đất tổ mà ông đã trải qua 4 đời cũng là đất đế đô… Quý Ly ép vua nhường ngôi để đi tu ở cung Bảo Thạch tại núi Đại Lai (Thanh Hóa). Thuận Tôn buộc phải nhường ngôi cho con là thái tử An lúc đó mới 3 tuổi lên kế nghiệp tức là vua Thiếu Đế (1398-1400), Hồ Quý Ly tự xưng là Quốc Tế Thượng Hoàng, ở cung Nhân Thọ, ra vào dùng Nghi vệ thiên tử. Đến tháng Hai năm Canh Thìn (1400) Hồ Quý Ly bỏ Thiếu Đế rồi tự xưng làm vua, lật đổ nhà Trần lập ra nhà Hồ. Triều thần lúc đó có Thái bảo Trần Nguyên Hạng là em ruột của Thương Tướng Trần Khắc Chân(3) lập hội muốn trừ bỏ Quý Ly. Việc bại lộ Hồ Quý Ly đang tay hạ sát các tôn thất nhà Trần và những người theo phe, có đến 370 người. Triều Trần từ khi kế nghiệp nhà Lý do vua Thái Tôn Trần Cảnh đến đời Thiếu Đế là 12 ông vua, trị vì được 175 năm. Vua Nghệ Tôn nhu nhược đã để cho Hồ Quý Ly tóm thâu quyền hành, dẫn đến âm mưu thoán đoạt triều thần và dân chúng lúc bấy giờ đều cho Quý Ly là người giảo quyệt, không chịu thần phục, cho nên quân Minh khi do nhóm Phục Trần qua cầu viện đã lợi dụng sang xâm chiếm nước ta, Nam quân của nhà Hồ đã liên tiếp thua trận ở Mộc Phàm Giang và Hàn Tử Quan, mùa hạ năm Đinh Hợi (1407) Thượng Hoàng Hồ Quý Ly cùng vua Hồ Hán Thương lánh vào Tây Đô rồi chạy xuống Nghệ An, tại núi Thiên Cầm thuộc hạt Kỳ Anh, Hồ Quý Ly bị giặc bắt, tiếp đó toàn gia quyến và tùy tướng của vua Hồ chịu chung số phận với Hồ Quý Ly. Người Tàu đưa Hồ Quý Ly cùng em là Quý Ty, các con là Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương cùng thân nhân và tướng sỹ thuộc hạ về giam giữ tại Kim Lăng (Trung Hoa). Chỉ có Hồ Nguyên Trừng sau đó được sống tự do vì người Minh biết Hồ Nguyên Trừng là một tay kỹ xảo có thể giúp họ chế tạo những chiến cụ cơ xảo và chính Hồ Nguyên Trừng đã giúp cho người Minh chế ra súng “thần công đại pháo” nhưng viên đạn bắn ra là một mũi tên bằng sắt rất lớn, có thể đi xa hàng chục cây số, tuy không nổ lại khi chạm đích nhưng cũng đã làm cho địch kinh hoàng, trong lúc khoa học Âu tây chưa chế ra được súng đại bác. Người Tàu đã đãi ngộ Hồ Nguyên Trừng cho làm quan và cuối cùng được phong chức Công bộ Thị lang. Sau Quý Ly cũng được phóng thích nhưng phải đi làm lính tuần tại Quảng Tây; thân nhân phải ở lại đất Tàu. Nhà Hồ tuy nắm chính quyền chẳng được bao lâu (từ năm 1400 đến năm 1407) nhưng đã thi hành được nhiều công cuộc hữu ích cho quốc gia xã hội. Triều đại nhà Hồ tuy ngắn ngủi, Hồ Quý Ly dùng thủ đoạn áp chế các vua Trần để cuối cùng thoán ngôi, nhưng lịch sử cũng phải nhìn nhận Quý Ly là một người có biệt tài về kinh tế, có tài quản trị dân chúng trong việc kiến quốc đem lại lợi ích cho một nước. Kể ra như sau:

*Chỉnh đốn việc võ bị: Để đề phòng giặc Bắc, Hồ Quý Ly sai lập hồ sơ hộ tịch, để biết số dân đinh trong nước mà lấy thêm lính. Chia quân thành các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc gồm 20 vệ, mỗi vệ có nhiều đoạn, đồn, tổ chức phòng vệ ở các cửa bể và những nơi hiểm yếu, làm những thuyền lớn có hai từng, phía dưới có quân chèo, còn ở trên thì quân sĩ có thể đi lại được dễ dàng để chiến đấu, cho chế tạo quân khí và lập kho để chứa.

* Ngân sách: Muốn cho ngân sách quốc gia được dồi dào, đủ tiền chi tiêu vào các cuộc cải cách xã hội, Hồ Quý Ly cho phát hành các loại tiền giấy (1 quan vẽ hình rồng, 5 tiền vẽ hình phượng, 3 tiền vẽ hình lân, 2 tiền vẽ hình quy, 1 tiền vẽ hình mây, 30 đồng vẽ hình sóng, 10 đồng tiền vẽ hình rêu biển).

*Giáo dục: Có óc thực tế Hồ Quý Ly thay đổi phép giáo dục và cách thi cử. Chú trọng lối học thực dụng hơn là lối cử nghiệp, văn học thời này trở nên hưng thịnh, đặc biệt là Hồ Quý Ly đã dùng chữ Nôm chấn hưng nền quốc học, dịch kinh thi, kinh thư, làm sắc chiếu để ban ra trong dân, khỏi phải dùng chữ của nước ngoài.

*Xã hội: Về mặt xã hội Hồ Quý Ly đặt sở quảng tế thực tức nhà thương đặt chức Quảng tế thư thừa để trông coi. Ở các hộ đều có lập ra một kho lúa thương binh, lấy tiền công mua lúa trữ vào, phòng những năm mất mùa đem ra bán cho dân chúng. Xem thế đủ biết Hồ Quý Ly là một người có tài về kinh tế, đã hết lòng chăm lo việc dân việc nước. Tiếc một nỗi là Hồ làm vua chỉ được mấy năm thì có giặc Minh theo lời cầu viện của phái phục Trần, kéo sang phá đổ tan tành bấy nhiêu công nghiệp kiến quốc của Quý Ly.

Chuyện văn thơ nên duyên phận ở nuớc láng giềng:

Vương An Thạch làm Tể tướng đời vua Tống Thần Tôn (1068-1086) bên Tàu là một nhà học giả đã đặt ra nhiều phép cải cách chính trị, chủ trương gần đồng với chủ nghĩa xã hội ngày nay. Thuở còn hàn vi Vương An Thạch cũng miệt mài kinh sử để chờ xuống kinh đô ứng thí. Tới kỳ thi, nhân đi ngang qua một huyện đường, ông thấy trên cổng huyện có cắm cây cờ thêu hình con hổ kèm theo câu thơ: “Hổ kỳ phi, kỳ phi hổ, kỳ quyện hổ tàn hình”. Và có ai đối được ông Huyện sẽ gả con gái cho. Thân hào nhân sĩ trong vùng cũng nhiều nhưng không ai đối được, Vương An Thạch nhẩm thuộc lòng câu trên, khi đến kinh đô gặp đề thi do ban giám khảo ra là: “Mã tẩu đăng, đăng tẩu mã, đăng túc mã đình kỳ”. Nhằm lấy ý nghĩa của đèn kéo quân có hình ngựa chạy quanh do chiếc đèn dầu phộng ở giữa chiếu lên giấy, khi đèn tắt hình cũng dừng lại - cũng như câu trên - khi cờ không có gió phất thì cũng không thấy hình con hổ. Vương An Thạch đã ghi vế đối của câu đã gặp ở huyện đường, nên kỳ thi trên đã đỗ tiến sỹ. Thế là Vương An Thạch được một lúc hai việc vui: thi đỗ và cưới vợ. Ngày đăng quang cũng là ngày cưới, họ Vương liền cho treo trước cổng huyện đường nhà vợ hai chữ “Song Hỷ” viết liền khít vào nhau trong một vòng tròn và từ đó chữ “Song Hỷ” trở thành tục lệ như lời cầu chúc, niềm vui được nhân đôi và truyền sang nước ta đã từ lâu, cho đến nay trong những tiệc cưới, trên sân khấu trên hàng chữ nêu danh tánh cô dâu - chú rể, chữ “Song Hỷ” cũng thường được dán bên trên, hoặc trên thiệp cưới cũng đều có in chữ “Song Hỷ” trong vòng tròn, bên trên tên của cô dâu - chú rể. Người mình cũng thường hay nói: “Đại đăng khoa” để chỉ thi đỗ và “Tiểu đăng khoa” để chỉ cưới vợ. Nhưng sau này, trong giới học trò khi đã đến tuổi vị thành niên thì các cậu cũng rất né câu: “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”.


Ghi chú:
. Hồ Quý Ly kể từ khi bắt đầu bước chân vào triều Trần, đã trải qua các vua sau:
. Trần Nghệ Tôn (1370-1394): với chức Chỉ Hậu Chánh Hội Trưởng. Trần Nghệ Tôn sau khi ở trên ngôi 2 năm đã về Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng cho đến 1394.
. Trần Duệ Tôn (1372-1377): Hồ Quý Ly được thăng tới chức Khu mật đại sứ
. Trần Phế Đế (1377-1388): thấy được âm mưu thoán đoạt của Quý Ly
. Trần Thuận Tôn (1388-1398): Thuận Tôn nghe lời dèm pha của Quý Ly, giáng Phế Đế xuống làm Minh Đức đại vương, Thiếu Đế lên thay.
. Trần Thiếu Đế (1388-1400): Thiếu Đế lên ngôi khi 3 tuổi, năm 1400, Hồ Quý Ly làm Phụ chính Thái sư bỏ Thiếu Đế, thoán ngôi nhà Trần lập ra nhà Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu.
. Đại Ngu: Nghiêu Thuấn là tên một ông vua đời xưa nước Tàu, do vua Đường Nghiêu truyền ngôi cho (2255-2208 trước công nguyên). Hồ Quý Ly thuộc dòng dõi Nghiêu Thuấn nên đặt tên nước là Đại Ngu.
. Tây Đô: thành Tây Đô thuộc địa phận Thanh Hóa (cũng gọi là thành nhà Hồ) năm1397 xây xong Hồ Quý Ly bắt vua Thuận Tôn (1388-1398) phải dời đô về đây. Thành xây gấp rút, bằng những khối đá lớn chồng lên nhau, cũng là một kỳ công, kéo theo nhiều tai nạn cho phu dịch là dân chúng trong vùng. Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới ngày 17.6.2011. Ở Nam phần Việt Nam ngày trước nguời dân cũng thường gọi thành phố Cần Thơ là Tây Đô đối với thành phố Sài Gòn.
.Trần Khắc Chân tướng tôn thất nhà Trần, người đã hạ được Chế Bồng Nga vua Chiêm Thành, lúc đang chỉ huy đội binh thuyền hùng hậu tiến vào đánh phá Thăng Long. Đường Trần Khắc Chân hiện nay thuộc quận Nhứt Tp.HCM, nối liền đường Trần Quang Khải và Rạch Thị Nghè.




VVM.13.10.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .