Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





TẢN ĐÀ TRONG LÒNG TÔI






     T ôi với Cụ Tản Đà vốn có chút duyên nợ ngay từ khi tôi lên 6 vì cha tôi đã mua cho tôi 2 cuốn Lên Sáu và Lên Tám của Cụ. Hai cuốn chỉ gồm toàn những bài thơ 4 và 5 chữ đó đã là những sách giáo khoa đầu đời của tôi, qua hai cuốn sách đó Cụ đã là người thầy mà tôi kính trọng, ngày xa xưa ấy cũng như bây giờ.

Sau này, từ khi còn học trung học cho tới nay, tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm của Cụ, nào Giấc Mộng Lớn, Giấc Mộng Con, Tản Đà Vận Văn, Thần Tiền, Truyện Thế Gian, Trần ai tri kỷ, Còn chơi vv…

Chính vì quý mến Cụ mà tôi vẫn còn nhớ được một số những câu thơ của Cụ mà tôi cho rằng tự nó đã hay, đã đi vào lòng người, chẳng cần phải anh phê bình phê bèo nào tán hươu tán vượn mà đôi khi chưa chắc đã hiểu đúng ý Cụ. Với tôi thơ của Cụ hay là điều chắc chắn vì nhiều câu đã vượt thời gian, đã được kẻ khó tính như tôi đến nay vẫn còn yêu thích kính trọng, đơn giản chỉ vì những vần thơ đó đúng là hữu xạ tự nhiên hương khỏi cần hàng hà sa số những kẻ "ăn theo" thả sức "ca".

Tôi tuy không là tửu đồ như Cụ nhưng lại rất thích bốn câu thơ sau đây của Cụ:  

“Cảnh đời gió gió mưa mưa
Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn
Rượu say thơ lại khơi nguồn
Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình”.

Ngoài ra tôi cũng rất thích, có thể nói là rất mê và phục hai câu:  

"Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du".

Tản Đà bắt đầu làm báo từ năm 1915 khi Cụ 27 tuổi. Cụ cộng tác với tờ Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh và các bài của Cụ được Cụ Vĩnh cho sắp vào một mục riêng mang tên "Một lối văn Nôm". Cụ đã bắt đầu lấy bút hiệu Tản Đà từ năm 1916, nghĩa là từ năm Cụ 28 tuổi. Trong năm này, Cụ đã có một hành động mà tôi vô cùng yêu thích và kính phục: đó là Cụ đã từ chối lời mời của một người Pháp, ông Emile Vayrac, Giám Đốc Trường Hậu Bổ, muốn cho Cụ nhập học không phải thi, nhưng Cụ đã từ chối không nhận ân huệ ngoại lai. Năm 33 tuổi (1921), Cụ làm chủ bút báo Hữu Thanh (nhóm Nguyễn Huy Hợi, một nghị viên thì phải). Năm 1926, Cụ ra báo An Nam Tạp Chí số một (1-7-1926). An Nam Tạp Chí ra được 10 số thì đình bản vào tháng 3 năm 1927. Cụ vào Saigon tiếp xúc với Diệp Văn Kỳ, sau đó trở về Bắc trang trải công nợ rồi lại trở lại Saigon cộng tác với Diệp Văn Kỳ làm Đông Pháp Thời Báo, trang Văn Chương. Tới ngày 14-2-1928, Cụ thôi không cộng tác với Đông Pháp Thời Báo nữa và lại trở về Bắc. Từ năm 1930 tới 1933, nghĩa là từ năm 42 tuổi tới năm 45 tuổi, Cụ cho tục bản An Nam Tạp Chí tới 5 lần nữa và đình bản hẳn ở lần thứ 6 vào tháng 3 năm 1933 - Vì tái bản đi tái bản lại tới 6 lần nên số lượng tờ báo được in chưa biết chính xác là bao nhiêu, tuy nhiên chắc chắn là không trên 70 số tất cả. Cũng vào năm 1933, Cụ làm trợ bút cho tờ Văn Học Tạp Chí của Dương Tự Quán. Năm 1934, Cụ làm trợ bút cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy của ông Vũ Đình Long, chủ "động" Tân Dân (Báo Ngày Nay vẽ Vũ Đình Long theo lối biếm họa như một ông tiên và gọi nhà Xuất Bản Tân Dân là "động" Tân Dân). Trong năm này, Cụ còn viết luôn cho một tờ báo xuất bản ở Vinh tên là tờ Thanh Nghệ Tĩnh. Từ năm 1935 ( năm Cụ 47 tuổi ) cho tới 1939 (là năm Cụ qua đời ở tuổi 51), Cụ còn viết cho các báo Ích Hữu (của Vũ Đình Long) ở Hà Nội và báo Sống ở Saigon. Trong hai năm 1937 và 1938, Cụ dịch Thơ Đường cho báo Ngày Nay của nhóm Nhất Linh.

Các tác phẩm đã được xuất bản của Tản Đà gồm có: Khối Tình Con I (thơ) xuất bản năm 1916 - Giấc Mộng Con (truyện) xuất bản năm 1917 - Khối Tình Con II (thơ) xuất bản năm 1918 - Khối Tình bản chính và bản phụ (văn) cũng xuất bản năm 1918 - Đàn bà Tàu (truyện), Đài Gương (giáo huấn phụ nữ), Lên Sáu (một dạng sách giáo khoa cho trẻ em) và Thần Tiền (truyện); cả bốn tác phẩm này đều được xuất bản vào năm 1919 khi Cụ 31 tuổi, trong 4 cuốn này cuốn Thần Tiền là cực kỳ hiếm và rất ít người biết là có nó - Lên Tám (giáo khoa) xuất bản năm 1920 - Còn chơi (thơ) xuất bản năm 1921 - Tản Đà tùng văn (thơ, văn), Đại Học (dịch) xuất bản năm 1922 (cũng trong năm này Khối Tình Con II được tái bản) - Truyện Thế Gian I và II xuất bản năm 1923 - Kinh Thi (dịch), Quốc sử huấn mông, Trần ai tri kỷ (truyện), cả ba tác phẩm này được xuất bản vào năm 1924 - Thơ Tản Đà, Đài Gương kinh (in lại), Đài Gương truyện (in lại Đàn bà Tàu), cả 3 tác phẩm này được xuất bản năm 1925 - Tam Tự Kinh An Nam xuất bản năm 1928 - Nhàn tưởng (bút ký triết học) , Giấc Mộng Lớn (tự truyện), hai tác phẩm này được xuất bản năm 1929 - Khối Tình Con III (in lại thơ cũ), Trần ai tri kỷ (tái bản), Thề non nước (truyện), Giấc Mộng Con II (truyện), Tản Đà văn tập, cả 5 tác phẩm này được xuất bản và tái bản vào năm 1932 - Tản Đà xuân sắc xuất bản năm 1934 - Liêu trai chí dị (dịch) Tân Dân xuất bản năm 1937 và tác phẩm cuối cùng của Cụ được xuất bản (nhưng sau khi Cụ đã qua đời ) là "Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện" mà nhà Tân Dân đã xuất bản năm 1940. (Tài liệu rút trong tác phẩm nhan đề Tản Đà trong lòng thời đại của Nguyễn Khắc Xương - NXB Hội Nhà Văn 1997).

Nếu về mặt văn chương chữ nghĩa Tản Đà giàu có bao nhiêu thì về mặt mưu sinh vật chất Cụ lại nghèo khó bấy nhiêu. Một năm trước ngày mất Cụ dọn nhà từ Hà Trì về ở số 417 Bạch Mai Hanoi. Tại căn nhà ở cuối phố Bạch Mai này Cụ trưng bảng: "Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà hà lạc lý số" và cho đăng trên một số báo bài thơ quảng cáo sau đây:

Nguyễn Khắc Hiếu Tản Đà!
Nay mai sắp ở Hà
Hà Lạc đoán lý số
Đàn ông và Đàn bà
Ai gần xin đến hỏi
Thư gửi người ở xa
Biên rõ năm cùng tháng
Ngày giờ nào đẻ ta
Một cữ ước tuần lễ
Có thư mời khách qua
Quyển số lấy đã rõ
Xin cứ nói thực thà
Hán văn âm quốc ngữ
Quốc văn bày nghĩa ra
Còn như tiền đặt quẻ
Nhiều năm (5p00) ít có ba (3p00)
Nhiều ít tuỳ ở khách
Hậu bạc kể chi mà
Kính cáo.

. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .