Ở
Việt Nam ta, cũng như ở Trung Hoa, các nhà nho, ngoài
cái thú cầm kỳ thi họa, còn có thú chơi câu đối. Nghĩ
được một đôi câu đối hay thì thật là thích thú, nghĩ
ra một vế đối hắc búa không ai đối được hoặc đối
được một vế xuất hiểm hóc thì không còn gì khoái trá
cho bằng. Từ xưa đến nay, trong văn chương đã lưu lại
biết bao câu đối hay, vui, lạ, dù đó là chuyện thật
hay giai thoại chăng nữa, thì ta cũng cần gìn
giữ nâng
niu như là những tác phẩm quí báu để lưu lại cho con
cháu sau này.
*LÊ
VĂN HƯU (1230-1322), nhà sử học Việt Nam đời
Trần, quê Phủ Lý, huyện Đông Sơn,
tỉnh Thanh Hóa. Thuở
bé , một hôm ông đi học ngang qua lò rèn thấy thợ đang
rèn dùi sắt, muốn xin một chiếc để đóng sách vở. Bác
thợ là người có học, bảo hễ đối được một câu
thì cho. Rồi bác đọc:
Than trong lò, lửa trong lò, sắt trong lò, thổi
phì phò rèn nên dùi sắt (hay sắc?)
Cậu
bé Lê Văn Hưu đối ngay, không cần suy nghĩ:
Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy
ở túi, viết lúi húi thi đỗ khôi nguyên.
Bác
thợ thấy cậu bé thông minh, mẫn tiệp thì
khen ngợi mãi và tặng cậu một chiếc dùi xinh kèm
theo ít tiền để mua giấy bút.
Khoa
Đinh Mùi (1247) dưới đời Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu
thi đỗ Bảng nhãn, được phong chức Viện sĩ Viện Hàn
lâm. Ông là tác giả bộ Đại Việt sử ký (1).
* MẠC
ĐĨNH CHI (1272-1346) quê làng Lan Khê, huyện
Bình
Hà, lộ Lạng Giang, nay thuộc tỉnh Hải Dương, đỗ
Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304)
dưới đời Trần Anh Tông,
làm quan đến chức Thượng thư Tả bộc xạ kiêm Trung thư
coi việc quân dân.
Một
hôm, trên đường đi sứ nhà Nguyên, chiều tối
khi đến quan ải thì cửa đã đóng rồi. Quan giữ cửa
ải biết là sứ bộ Đại Việt, bèn ra vế đối để thử
tài:
Quá
quan trì, quan quan bế, nguyện quá
khách quá quan
(Tới ải trễ, cửa quan đóng,
xin quí khách cứ qua).
Vế
đối rất khó vì có đến bốn chữ
quan, ba chữ quá, không dễ gì đối được
nên đành phải đối mẹo:
Xuất
đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên
đối
(Ra đối dễ, đối đối khó, mời tiên sinh đối
trước)
Quan
giữ ải thông cảm, cửa ải rộng mở và sứ bộ được
tiếp đãi rất trọng hậu.
* GIANG VĂN MINH
(1582-1639) quê làng Mông Phụ (Kẻ Mía), huyện Phúc Lộc,
tỉnh Sơn Tây,
đỗ Thám hoa khoa Mậu Thìn (1628) dưới triều
vua Lê Thần Tông. Năm 1637 ông được cử làm chánh sứ
cùng với bốn phó sứ sang triều cống nhà Minh. Vua Minh
Sùng Trinh chần chờ không chịu sắc phong, bắt sứ bộ
phải chờ đợi hơn một năm. Một hôm, muốn thử tài sứ
giả, nhà vua ra một vế đối:
Đồng trụ chí kim
đài dĩ lục
(Cột đồng đến nay đã
đóng rêu xanh)
Câu
này hàm ý nhắc lại chuyện Mã Viện đánh
bại hai bà Trưng rồi sai chôn cột đồng để ghi
công. Trên cột đồng có sáu chữ “Đồng trụ chiết,
Giao Chỉ diệt” nghĩa là “Nếu cột đồng gãy thì
dân Giao Chỉ bị tiêu diệt”. Trước sự ngạo mạn của
vua Minh, sứ thần Giang văn Minh hiên ngang đối lại:
Đằng giang tự cổ huyết
do hồng
(Sông Đằng từ xưa máu
vẫn còn đỏ)
Vế
đối rất chỉnh, nhắc lại trong quá khứ quân
Đại Việt ta đã ba lần đánh tan quân xâm lược Trung
Hoa trên sông Bạch Đằng. Vua Minh nổi giận, sai mổ bụng
ông xem to gan lớn mật dường nào mà dám ngang nhiên chống
lại thiên triều như thế. Thi hài ông đưa về nước được
làm lễ quốc tang rất trọng thể. Chuyện xảy ra năm 1639.
* ĐOÀN THỊ
ĐIỂM (1705-1748) hiệu Hồng Hà, quê làng Giai
Phạm, sau đổi là Hiến Phạm, huyện Văn Giang, trấn Kinh
Bắc, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Biết có đoàn sứ giả nhà
Thanh sang nước ta, cô Điểm giả làm cô hàng nước ở
bến đò để lòe sứ giả rằng ở nước Nam, đến cô
hàng nước cũng hay chữ. Sứ giả đến nơi, thấy cô hàng
nước xinh đẹp bằng trêu cợt bằng một vế đối:
AnNam nhất thốn thổ, bất
tri kỷ nhân canh (2)
(Một tấc đất nước Nam
không biết mấy người cày)
Vế
đối có ý xỏ xiên, sứ giả tin rằng
cô hàng nước thế nào cũng bí. Không ngờ cô bình
tĩnh đối lại, mà vế đối của cô phúng thích rất cay,
khiến viên sứ giả phải hổ thẹn mà lặng lẽ rút lui:
Bắc quốc chư
đại phu giai do thử đồ xuất
(3)
(Các đại phu phương Bắc
đều do đường ấy mà ra cả).
Vế
đối hay ở chỗ nếu giảng thanh thì ra thanh,
giảng tục thì ra tục.
* LÊ
QUÝ ĐÔN (1726-1784) hiệu Quế Đường, người
làng Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là tỉnh Thái Bình, đỗ
Bảng nhãn năm 1752 dưới đời vua Lê Cảnh Hưng.
Lúc mất
được truy tặng Thượng thư bộ Công.
Vì
cậy mình học giỏi, đỗ cao nên tự kiêu, ông sai treo
trước nhà tấm biển ghi mấy chữ “Thiên hạ nghi
nhất tự lai vấn” nghĩa là “Ai có chữ gì không
biết, hãy cứ đến mà hỏi”.
Khi
thân sinh ông là cụ Tiến sĩ Lê Phú Thứ mất,
linh cữu còn đang quàn trong nhà bỗng có một cụ già đầu
tóc bạc phơ chống gậy bước vào, tự xưng là bạn cố
tri của cụ Lê đến viếng. Lê Quý Đôn lễ phép mời vào
và hỏi tính danh. Ông cụ nói:
-
Cháu còn nhỏ không biết đâu, bác đây là
bạn học của thân sinh cháu nhưng thi mãi không đỗ, nhà
lại nghèo nên ít đi lại. Hôm nay nghe tin thân sinh
cháu mất, nghĩ tình xưa nên đến viếng, có câu đối phúng
cụ nhà. Hãy đem nghiên bút ra đây, bác đọc cho mà viết.
Nghiên
bút giấy đem ra, cụ đọc:
-
Chi.
Lê
Quý Đôn không biết chữ chi nào vì trong Hán
tự có nhiều chữ chi: chi là chưng, chi
là chân tay, chi là nhánh sông, chi là cành cây,
chi là chén rượu…. nên còn ngần ngừ không viết, chờ
các chữ tiếp theo. Ông cụ lại đọc:
-
Chi.
Bấy
giờ Lê Quý Đôn mới rụt rè hỏi:
-
Bẩm cụ chữ “chi” nào ạ?
Cụ
già thở dài rồi nói:
-
Trời ơi! Cháu đỗ đến Bảng nhãn mà chữ
“chi” cũng không biết. Thế có ai hỏi đến chữ này
thì cháu trả lời sao?
Lê
Quý Đôn xám mặt, các quan sửng sốt nhìn ông cụ,
bấy giờ cụ mới đọc một hơi câu đối:
Chi chi tam thập niên dư,
Xích huyện Hồng châu kim thượng tại
Tại tại sổ
thiên lý ngoại, Đào hoa Lưu thủy tử
hà chi?
(Thấm thoát hơn ba mươi năm, Xích huyện Hồng châu nay còn
đó,
Hỡi ơi xa ngoài ngàn dặm, Đào hoa Lưu thủy bác về
đâu?).
Câu
đối rất hay và rất lạ, Lê Quý Đôn và
các quan đều giật mình. Bấy giờ cụ già
mới phủ phục trước linh sàng cụ Tiến sĩ
họ Lê khóc lóc:
-
Ới anh ơi là anh ơi! Anh bỏ đi đâu để con
anh đỗ đến Bảng nhãn mà chữ “chi”
là “chưng” nó cũng không biết. Ới anh ơi
là anh ơi!
Khóc
xong, cụ già lặng lẽ chống gậy ra về, ai
năn nỉ mời mọc thế nào cụ cũng không ở lại.
Ngay hôm ấy, Lê Quý Đôn sai gỡ tấm biển xuống. Hẳn
ai cũng biết cụ già muốn dạy cho Lê Quý Đôn một bài
học về đức khiêm tốn chứ chẳng quen biết gì với cụ
Lê Phú Thứ cả (4).
* VÂN
ĐÀI và ĐOÀN PHÚ TỨ
Nữ
sĩ Vân Đài (1903-1964) là nhà thơ nhưng cũng có viết văn.
Bà có một tác phẩm nhan đề Thanh lịch.
Đoàn Phú Tứ (1910-1989) là nhà văn có viết nhiều kịch
bản, trong số đó có vở kịch Ngã
ba xuất bản năm 1943.
Hai người sống cùng thời, Đoàn
Phú Tứ nhỏ hơn Vân Đài 7 tuổi.
Để
trêu Vân Đài, Đoàn Phú Tứ có vế đối:
Thanh lịch Vân
Đài thanh lịch…kịch
Tưởng
đâu Vân Đài chịu thua, không ngờ bà chẳng
phải tay vừa nên đối lại:
Ngã
ba Phú Tứ ngã ba…hoa.
Ba
hoa đối lại lịch kịch !
* Trong dân gian đến nay còn lưu truyền một vế đối dân dã rất hay:
Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả
Chữ vợ cả ở đầu câu chỉ người vợ lớn trong nhà.; chữ vợ cả ở cuối câu có nghĩa: tất cả đều là vợ.
Có người đối lại:
Con nuôi, con đẻ, đẻ con há cậy con nuôi
Đối thì chỉnh, nhưng không xứng với vế xuất.
* Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới một vế đối rất hay mà xưa nay chưa ai đối được:
Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương phụ tử
Cái
hay mà cũng là cái khó trong câu này là:
hồi hương và phụ
tử là tên hai vị thuốc bắc, nhưng hồi hương
còn có nghĩa về quê và phụ
tử còn có nghĩa cha con. Khó đối là ở chỗ đó. Xin
mời quí vị thử đối xem sao.
Những câu đối hay trong nước còn nhiều như những câu:
Vũ
vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc
bất ba đào dị nịch nhân
của Đàm Thận Huy và Nguyễn Giản Thanh
Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng
điểm
Lâm
trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân
của Đoàn Doãn Luân và
Đoàn Thị Điểm
Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
Thế chiến quốc, thế
xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế
của Đặng Trần Thường
và Ngô Thì Nhậm v.v…nhưng khuôn
khổ hạn hẹp của một bài báo không cho phép viết
dài. Xin hẹn một dịp khác. -/.
________________________________________________________
(1) Xin đừng lầm với bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” của một tập thể nhiều tác giả, trong đó Ngô Sĩ Liên có công lớn nhất.
(2) Bản chép khác: Nam bang nhất thốn thổ. Chữ Nam bang đối với Bắc quốc thì chỉnh hơn là An Nam đối với Bắc quốc.
(3) Bản chép khác: Bắc quốc đại trượng phu giai do thử đồ xuất.
(4) Theo nhà văn Thái Bạch.
Sắc bất ba đào dị nịch nhân
Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân
Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế
________________________________________________________
(1) Xin đừng lầm với bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” của một tập thể nhiều tác giả, trong đó Ngô Sĩ Liên có công lớn nhất.
(2) Bản chép khác: Nam bang nhất thốn thổ. Chữ Nam bang đối với Bắc quốc thì chỉnh hơn là An Nam đối với Bắc quốc.
(3) Bản chép khác: Bắc quốc đại trượng phu giai do thử đồ xuất.
(4) Theo nhà văn Thái Bạch.