Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        



CAO CHU THẦN
Đời sống thật với những mộng mơ
TÔ ĐÔNG PHA
Giai thoại về những trải nghiệm cuộc đời

  

        (Xa xôi gởi anh Nguyễn Thanh Chiểu em Hoàng Ngọc Bân)

T ô Đông Pha (1036 - 1101) tên thật là Tô Thức tự Tử Chiêm người huyện Mi Sơn tỉnh Tứ Xuyên bên Tàu. Cùng với cha là Tô Tuân và anh là Tô Triệt đã được văn học giới đời Tống coi là Đại văn gia rồi gọi tắt là Tam Tô.

Tô Thức đậu tiến sĩ năm 20 tuổi, anh ông là Tô Triệt cũng đậu tiến sĩ khoa này (1056). Ông được vua Anh Tông mến tài nên bổ dụng làm quan lớn trong Sử Quán khi mới có 21 tuổi, đấy là tuổi tính từ lúc mới tượng hình là bào thai. Tuổi trẻ tài cao, vua biết mặt chúa biết tên, ba cha con ông là ba tiến sĩ trong một nhà. Khách đến thăm, phải nói rõ là gặp ai? Đại Tô hay tiểu Tô? Đại Tô là ông bố Tô Tuân, Tiểu Tô là Tô anh (Thức) hay Tô em (Triệt) thì chưa được đọc sách nào nói rõ để phân biệt.

Ông tự hãnh vì là đại phú gia và tài học mình hơn hẳn người trong thiên hạ. Cũng phải, cũng đúng thôi ở sự hạ mục vô nhân của người tuổi trẻ.

♣ ♣

Đời vua Thần Tông, nhà Tống bắt đầu suy vi. Để cứu vãn, vua ủy cho tiến sĩ Vương An Thạch dùng Tân Pháp để cải cách chính trị trong nước. Vua xuống chiếu cấm không ai được bài bác. Không hiểu sự biến pháp từ cổ sang tân có gây thiệt hại gì về vật chất hay tinh thần với gia đình họ Tô mà Tô Thức chống lại Tể Tướng Vương An Thạch đến cùng mà quên cả lệnh vua. Ông coi Tân Pháp và Vương An Thạch không ra chi nên chống đối kiểu “một mình chống Mafia” ngày nay vậy.

Rõ nét nhất là ông phê phán họ Vương cũng chỉ là Tiến sĩ thôi mà ỷ quyền cậy thế được vua tin yêu cho làm Tể Tướng rồi vu khoát những điều nghịch lý. Ngay trong một bài thơ của Vương ông dẫn ra cũng đã có hai câu phi lý:

Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.

Tiến sĩ Tô thương “anh già Vương” lẩm cẩm, thuận tay sửa sai giùm ra thành:

Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm

Giai thoại về Vương An Thạch bị Tô Đông Pha sửa lưng về kiến thức qua hai câu thơ là một giai thoại văn học quá hay. Họ Vương thấy được cái thuần lý đương nhiên của trời đất. Họ Tô dùng lý trí nhìn thơ họ Vương chỉ toàn thấy vô lý. Làm gì có cảnh:

Trăng hót ở đầu núi
Chó vàng ngủ trong hoa.

Vương An Thạch không hề phiền người tuổi trẻ: biết - cả - những - cái - không - biết, không trách người đang chống đối mình một cách ngô nghê khi đất nước cần có một chính sách thích hợp, xã hội cần một sự đổi thay.

° Năm 1067, triều đình vẫn chiếu theo tội trạng phản đối Tân Chính của ông để biếm ông ra đất Hoàng Châu tỉnh Hồ Bắc. Tại đây, Tô Thức làm nhà ở sườn núi phía đông nên lấy tự hiệu là Đông Pha cư sĩ có nghĩa là Kẻ - Sĩ - Ở - Sườn - Núi - Phía - Đông chứ chưa hẳn là cư sĩ, tín đồ Phật giáo tu tại gia. Từ đó ông có tên là Tô Đông Pha, người đời xưng tụng như một anh hùng dám chống bạo quyền.

Sự trớ trêu của số phận? Sự vô tình hay cố ý của quan lại trong triều muốn đón ý đàn anh Vương tể tướng nên đẩy tiến sĩ Tô đến vùng đất trích cho mà biết thế nào là hoàng - khuyển - ngọa, minh - nguyệt - khiếu (!).

Do vô tình hay hữu ý? Chỉ khổ có bản thân Tô Đông Pha lúc đó. Còn sau đó là một giai thoại trong văn chương đời đời truyền tụng rằng:

Một đêm trời quang mây tạnh, trăng vằng vặc, gió hiu hiu như mời như gọi khách đa tình phải cất bước lên đường. Từ “đông pha”, Tô nhìn xuống thung lũng trước nhà. Trăng trải dài hết cả vùng sơn khê trùng điệp. Tô từ từ cất bước hạ sơn, tên tiểu đồng lót tót theo sau. Thầy trò ông vượt qua không biết bao nhiêu gò đống, lội qua vài tiểu khê và ngừng ở nơi có tiếng chim ca và hương hoa thơm ngát.

Cả một rừng hoa hàm tiếu, bán khai đang chờ đợi chim đến hát mừng để mãn khai đón trăng đón gió vào lòng. Giữa nhụy hoa có một sinh vật màu vàng be bé xinh xinh nằm co như đang chìm và giấc ngủ sâu thật sâu trên tấm nệm màu hồng tươi.

Cành gió đưa, tiếng chim đẩy làm lay động nệm ấm khiến sinh vật bé nhỏ trong hoa chồm lên như con chó vàng mẫn cán; thấy tiếng động ở quanh nhà thì chồm dậy canh phòng bảo vệ.

Hoa mãn khai phô sắc toát ra thứ hương vương giả, tiếng chim hòa minh trầm bổng dưới trăng lung linh sáng như bạc quyện vào gió thánh thót như nhạc trời chỉ có thần tiên mới được thưởng thức.

Trước cảnh kỳ thú lung linh mờ ảo ấy Giữa thực và mộng. Tô tưởng mình cũng lạc bước vào Thiên Thai như Lưu Thần, Nguyễn Triệu xưa. Tô tự hỏi: mình thoát tục rồi sao? Thế là hết phiền. Thế là ta xa hẳn được những bon chen, giận hờn của đồng liêu nơi “Trường An” đầy mưu mô cạm bẫy. Tô cởi áo khoác đắp cho tên tiểu đồng đang gối đầu lên đá nằm co quắp ngủ khè. Tô như mơ như tỉnh rồi cũng nằm xuống bên cạnh tiểu đồng, thiếp đi giữa bao la đất rời.

Giật mình tỉnh dậy, Tô thấy tiểu đồng ngồi bó gối co ro. Tấm áo đắp cho nó lúc trước bây giờ đang ở trên mình. Chiêu dương ló dạng, Tô nhìn ra đường mòn thấy một người trẻ tuổi, vạm vỡ vai đeo cung tên, tay cầm búa đang đi tới. Ông cho tiểu đồng ra mời. Người đó tới. Ông hỏi điều gì người đó cũng lắc đầu rồi với vẻ mặt rầu rầu lấy tay chỉ vào miệng. Thế ra anh ta câm. Thấy vẻ mặt buồn buồn của người đối diện, anh ta chỉ vào anh ta rồi chỉ vào Tô, chỉ lên hướng nhà Tô để cho ông hiểu rằng anh ta đã biết. Cuối cùng anh ta ra hiệu cho thầy trò ông ra cạnh đường mòn đứng chờ một cụ già râu dài chống gậy sẽ đi tới mà hỏi.

Quả nhiên, không phải chờ lâu, Tô đã thấy một Lão Trượng râu tóc trắng muốt toát ra vẻ tiên phong đạo cốt từ hướng ngược chiều với anh tiều phu chống gậy trúc đi qua. Tô kính cẩn vái chào rồi kể về một đêm đã trải tại đây. Tô xin Lão Trượng cho biết: đêm qua chim hót hoa nở... Vậy; đó là hoa gì chim gì đã khiến cho: “vãn sinh” như lạc vào cõi thần tiên?

Lão Trượng vui vẻ nói:

- Chắc quý khách là người ở xa tới du ngoạn nên mới phải hỏi. Chim là chim Minh Nguyệt. Hoa là hoa Hoàng Khuyển đấy. Thế quý khách có bao giờ đọc hai câu thơ này chưa?

Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.

- Thưa Lão Trượng, vãn sinh đã đọc rồi. Thơ của Vương An Thạch, Tể Tướng đương triều.

- Khá lắm! Như vậy quý khách là người trong Nho Lâm, đang cầu toàn cái việc cách vật trí tri.

- Dạ đúng thế. Xin Lão Trượng cho biết tại sao chim đó lại có tên là Minh Nguyệt? Sanh hoạt của nó thế nào là màu sắc nó ra sao? Hồi đêm có trăng thật sáng đấy nhưng cũng không nhận rõ được để phân biệt với các loài chim khác. Còn hoa nữa, sao nó lại mang cái tên một súc vật?

- Tại sao ư? Hơn mười năm trước cũng người khách trẻ qua đây. Vị ấy cũng hỏi ta như khách vừa hỏi. Ta đang có người chờ ở thảo lư là một Lão sơn nhân, một bá tánh ở địa phương này. Vậy “khách” muốn biết triệt để thì theo ta về thảo lư gần đây thôi.

- Xin lãnh ý Lão trượng!

♣ ♣

Tam nhơn đồng hành. Thầy trò ông Tô lẽo đẽo theo sau gậy trúc gần như chạy gằn mới kịp.

Túp lều cỏ trên ghềnh đá ẩn hiện dưới tàn cây vừa lộ rõ. Một tràng cười rổn rảng, sung mãn cùng với tiếng nói có âm vang đầy nội lực:

- Ta đến đây thấy lều vắng đã mừng vì cọp tha ma bắt lão rồi. Uống rượu một mình “nhạt quá!” thì lão Phật Ấn dẫn xác tới. Hắn từ chối rượu mời của ta, cứ ngước mặt nhìn trăng rồi cười rồi khóc. Ta bực mình xách cổ hắn ra suối lớn, ngồi trên cầu câu cá. Cá mới đớp bóng trăng thăm dò cắn câu của ta thì lão ấy cười ha hả nói: “Ta đã NGỘ”.

Ta bực quá vì mất ăn món cá nướng nên quất cho hắn một cần câu rồi túm cổ liệng hắn xuống ngộ với cá. Thấy hắn lóp ngóp tội nghiệp ta lại “câu lên”. Mắng cho hắn một hơi: Trăng in đáy nước. Nước thì “hằng chuyển như bộc lưu”. Cá đớp sảng là hiện tượng tự nhiên của trời đất. Hắn run lên cầm cập vì lạnh vẫn cố mắng lại ta là: “Đồ rừng rú ngu si. Rằng anh có phải là cá đâu mà biết cái vui của cá”. Lão ấy điên rồi. Ta đang đốt cho đống lửa, hắn vừa sưởi vừa hong cho khô quần áo ở hốc núi sau lều. Còn lão? Lão đã bỏ lều ra đi vướng nhiễm biết bao bụi thế gian rồi lại còn tha cả rác rưởi về đây. Đồ khùng!

- Lão nín đi! Đây là quý khách của ta.

♣ ♣

Khi chủ khách đã phân ngôi. Tô được mời uống một loại trà rất ngon rất lạ do chính Lão Trượng chủ nhân làm trà nô. Không gian lắng đọng một hồi lâu. Cụ già mà Lão trượng chủ nhân kêu là Lão sơn nhân người bản địa với tay lấy bình rượu tu một hơi lên tiếng phá tan cái không khí u trầm trong lều cỏ:

- Cái Lão con lừa ưa nặng chủ nhân này nói người là quý khách của Lão. Người đến sau ta, vậy ta là “cựu khách, còn người là “tân khách”. Vậy cựu khách hỏi tân khách: Tân khách “Quý” từ gót chân đến khoáy đầu, tất cả đều là “quý” từ trong ra ngoài, tâm can tì phế... đều tuyệt vời cả sao?

Tô ngượng nghịu chưa biết thưa thốt ra sao với hai lão già cổ quái này. Thậm chí đến tên tuổi của mình các lão ấy cũng không thèm lý tới. Tô chưa biết thưa thốt ra sao cho phải thì chủ nhân can thiệp.

- Cái lão tiều lười biếng! Mặt trời lên cả mấy sào rồi còn chưa được gánh củi nào. Cứ ngồi ì thân xác ra đấy rồi uống rượu chạc của ta, rồi còn ba hoa nữa chứ. Mới lột lưỡi hay sao mà hót nhiều quá. Quý khích của ta đây muốn biết về Hoa về Điểu của nhà lão đấy.

- Cũng được thôi! Trước đây có anh chàng họ Vương muốn biết rồi biết đã rộn chuyện lắm rồi! Anh ta lại còn làm thơ ca - tụng để trưng bày hiểu biết mới khiếp chứ. Quý khách chẳng nên biết thêm nữa làm gì là tốt nhất.

- Nói đi! Ta miễn thứ cho tội tự nhiên như ruồi uống cạn mấy vò rượu quý đang ủ để giao hòa âm dương tú khí...

- Âm Dương tú khí giao hòa cái khỉ mốc!. “Vạn dân nô lệ cường quyền hạ” ngoài kia. Áo Cơm Đạo Cả. Mấy ai đã xả thân để tiên thiên hạ tri ưu ! Toàn đồ lợi danh biển lận. Cái anh chàng họ Vương trước khi nhập thế cục, ta đã can mà khăng khăng không nghe, cứ biến pháp, tân pháp rồi cũng nhơ nhuốc vì bọn thủ cựu cầu an, vì lợi vì quyền không muốn đổi thay Ta đã cho người ra khuyên hắn: khích cho tụi lươn lẹo kia hưng khởi lên bằng một vài chiến thắng rồi hắn giả như thua. Nếu được cách chức là hay nhất. Có như thế mới bảo toàn được mạng sống.

- Thôi! Giỏi như rứa sao không ra cứu đời mà cứ lấp ló ở xó núi này? Đến rượu cũng phải uống chạc của ta thì hay hớm gì chứ...

- Để ta nói! Để ta nói cho “tân khách” này hiểu. Chắc đêm qua lạc vào rừng hoa và được nghe tiếng chim chứ gì?

- Thưa tiền bối đúng vậy.

- Ở đất này và chỉ có ở đất này mấy trăm năm trở lại đây, tự nhiên có một giống cây lạ mọc rồi có hoa, hương thơm hay thối do đạo tâm của người ngửi nó. Kẻ cùng hung cực ác, cứ càng xấu xa bao nhiêu thì mới đến gần hoa đã ngửi thấy mùi xú uế nồng nặc bấy nhiêu. “Tân khách” là người tốt nên ngửi thấy mùi thơm từ hoa. Nó có tên là Hoàng Khuyển do người bản sơn thấy ở giữa nhụy hoa có con sâu vàng nằm thò lõ như con chó con đang khoanh mình nằm ngủ. Bông hoa nào không có cái con “Hoàng Khuyển” là hoa không nở. Những ngày trung tuần trong tháng, nếu có mưa gió bão bùng; hoa cứ hàm tiếu chờ những đêm trăng sáng tháng sau.

- Thưa, còn chim. Nó là động vật hẳn hòi sao lại đặt tên nó là Minh Nguyệt, một tĩnh vật ạ?

- Chim cùng ánh trăng đến với hoa. Trăng là Nguyệt, chim là Minh. Cả hai là Minh Nguyệt. Tân khách có nghe câu: “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” bao giờ chưa? Nghĩa là chỉ nghe thấy tiếng mà không hề thấy hình dạng nó ra sao. Những người có chút lòng với cảnh quan thiên nhiên, ngắm hoa nở, nghe chim hót là quên cả phiền muộn. Kẻ cái gì cũng muốn chiếm hữu chả bao giờ được diễm phúc thưởng ngoạn như tân khách đâu.

- Cám ơn tiền bối đã thương tình chỉ giáo, đã khai thị cho kẻ vãn sinh này. Xin đa tạ tiền bối.

♣ ♣

Lều cỏ lại trở lại im lìm. Từ núi rừng xa xa vọng về tiếng vượn hú cọp gầm, tiếng be be của sơn dương, tiếng líu lo của chim hót hòa với gió đưa vào lều. Một giọng nói nhẹ nhàng như tiếng hát ru:

- Lều cỏ mà cũng bày đặt tiếp khách Xa Mã. Rõ thật tởm cho hai lão độc vật. Một lão thì Làm mà không Nói. Một lão thì Nói mà không Làm. Hôm nay hai lão lại hoán vị cho nhau kẻ tung người hứng để bịp thí chủ đấy. Đừng có tin.

Vị tăng nhân bước lên nhà, tới chỗ ngồi của Lão sơn nhân, bưng cái vò rượu không lên lắc lắc rồi giốc ngược lên đầu lão Tiều cười hề hề. Qua chỗ ngồi Lão chủ nhân rót trà ra đứng uống liền ba chung, đi thẳng ra cửa. Ra tới giữa sân, Tăng nhân quay lại đọc bài kệ:

Bản lai vô xứ sở
Xứ sở thị chân tông
Chân tông như thị huyễn
Huyễn hữu tức không không.

Định Hương Trưởng Lão (Vietnam)

HVĐS tạm dịch

Bản lai không xứ sở
Xứ sở là chân tông
Chân tông như huyễn hoặc
Huyễn hoặc lại chân không.

Đọc dứt câu kệ chót, Tăng nhân quay lưng xuống dốc như bị rượt đuổi. Tô Đông Pha tự cảm thấy Bài Kệ vị tăng nhơn “tặng” cho riêng mình và cũng chẳng dám buồn vì sự không được để mắt tới. Tô lên tiếng:

- Thưa nhị vị Tiền Bối, người vừa ra là...

- Là Phật Ấn đấy. Hắn là thứ “Bất Giới Hòa Thượng”. Suốt đời lão đi tìm cái Không trong Có, cái Có trong Không. Cũng chẳng “đi đến đâu đâu” nên vẫn vân du, vẫn hạc lội mây ngàn để tùy duyên hóa đạo, hóa đạo tùy duyên. Lão giỏi lắm đấy! Quý khách nên kết giao khi có thiện duyên. Lời lão trượng chủ nhân nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng. Rõ ràng là có sự tôn kính với sư Phật Ấn vừa đi.

Được tiếp cận với ba cao nhơn, Tô Đông Pha rất vui vì được khơi gợi biết bao điều mà bản thân chưa sống trải nên chưa biết, sách vở còn nhiều chưa được đọc. Tô đứng lên nghiêm chỉnh thưa

- Tiểu sinh xin cáo thoái. Đa tạ nhị vị Tiền Bối đã giành cho nhiều thì giờ và ban cho những lời vàng ngọc. Nói xong, Tô vái dài mỗi vị một vái rồi ra cửa.

Tô không được đáp lễ bằng lời nói đã cam, một cái gật đầu nhẹ cũng không, một bước tiễn chân xuống núi cũng không. Thầy trò ông cứ ngắm đường mòn đã đi mà hướng tới. Càng đi càng thấy rừng núi thâm u. Đói, mệt đang băn khoăn thì nghe một tiếng nói xa xa vọng tới:

- Thí chủ lạc đường rồi! Có mấy con cá vô tội đã nướng và một nai rượu ta để trên trạc ba cây trước mặt, lấy mà ăn rồi đi ngược hướng mặt trời là hơn một canh giờ nữa về đến nhà. Ăn uống xong là đi ngay đi, đi cho khỏi cánh rừng này nếu không là làm bữa chiều cho cọp dữ đấy.

- Xin thâm tạ Đại sư! Tô mỗ xin được...

- Hữu duyên thiên lý Đông Pha cư sĩ ạ. Đời một con người thích đủ thứ là chả được thứ gì cho ra hồn. Mọi sự, mọi việc đều: bất - triệt - đe cả đấy!. Một tiếng cười nhạt xa dần xa dần rồi rừng cây trở lại im lìm.

♣ ♣

° Năm 1086, Vương An Thạch đã thua phe thủ cựu, “Cựu pháp” cùng những thối nát do bọn quần thần quanh vua Tiết Tông (1064 - 1100) được ở thế thượng phong, tha hồ vơ vét. Bọn ấy nhớ tới một tay văn học đã bị biếm truất đời vua trước nên tâu với vua Tiết Tông triệu ông về kinh làm vây cánh. Người đó là Tô Thức, Tô Đông Pha.

Về kinh, Tô Đông Pha được Tiết Tông thăng bổ làm Hàn Lâm Học Sĩ rồi Binh bộ Thượng thơ. Ông Bộ trưởng Quốc phòng lơ mơ lúc nào cũng như ở trên mây. Cái gì ông cũng nửa vời. Phục vụ Quân quyền: Nửa vời. Tranh đấu chống bạo quyền: Nửa vời, Danh lợi: Nửa vời. Thoát tục: Nửa vời...

Nhiều cái nửa vời ấy tạo nên một ông Bộ trưởng Quốc phòng nhà Tống hoang mang trước một binh đội tướng hèn binh yếu ngoài nội. Trong triều thì bọn Trình Di nắm hết trọng quyền, chỉ biết thủ lợi và dương danh. Tô Đông Pha biết mình chỉ là con cờ, con rối trên bàn cờ, trong sân khấu tuồng tích không hay!>

Cảnh tĩnh lặng tuyệt vời nơi đất trích. Cảnh ồn ào huyên náo nơi quan trường khiến Tô Đông Pha thấy ngay được cái hiểu biết cạn cợt của mình. Ông tự biết mình còn kém xa Vương An Thạch từ ngày thật mục sở thị Minh Nguyệt sơn đầu, Hoàng Khuyển ngọa... Bây giờ thì lại càng kém họ Vương ở sở năng sở kiến. Nhỡn giới của Vương to lớn quá. Vương đã thấy trước nhà Tống không chịu thay đổi chính sách cai trị là mất nghiệp, là loạn to. Ngay cả làm thơ để di dưỡng tinh thần, ông Vương cũng thấu tình đạt lý:

Minh mguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

Còn Tô Đông Pha ta, con mắt chỉ bằng hạt đậu không nhìn ra núi Thái Sơn. Những lời lẽ tuy ít của ba bậc cao niên ở rừng núi suy đi nghĩ lại đều là những Cửa Lớn dẫn dắt mình tiến lên, tiến vào Đại Đạo.

Thái độ hiệp tác thiếu tích cực kèm theo sự coi thường Trình Di khiến phe cánh họ Trình ghét ông, nên ở cương vị lớn mà ngồi chơi xơi nước được đúng ba năm thì Tô Đông Pha bị giáng xuống làm Tri Châu châu Hàng Châu, Chiết Giang.

° Năm 1089 ở Hàng châu, Tô Đông Pha mở rộng cửa tiếp giao với các danh sĩ các môn phái. Ông không phân biệt Đạo gia, Nho gia hay Phật gia. Cũng từ đấy Văn, Thơ của Tô Đông Pha toát ra vẻ tiêu sái, phóng khoáng vô cùng.

Cái cao ngạo của Tô Thức, tiến sĩ trẻ đã là Tô Đông Pha già rồi nhìn thấu đời sống có vô vi lẫn hữu vi, có Sắc đấy rồi Không đấy. Làm gì có Hữu Cực mà Vô Cực. Tất cả là Vô Minh từ nguyên thủy. Giống như bên Phật gia coi Thiền là Thiền, không có sự tranh chấp để sở hữu hay chối bỏ nên mới có thuật ngữ Sắc Sắc Không Không.

♣ ♣

Ở vào tuổi tri thiên mệnh rồi mà Tô Đông Pha còn để cho bị biếm truất - Được phục chức thăng quan rồi lại bị giáng chức. Như vậy, hoạn lộ của ông quan Tô Thức gập ghềnh bị chông gai cản lối. Nhưng đường đi của thi nhân Tô Đông Pha thênh thang. Ông đã trải nghiệm cuộc đời? Bằng bài thơ thất ngôn tứ tuyệt diễn ý ông ao ước được một lần trong đời ngắm Lô Sơn. Được đến, được ngắm nhìn chán mắt rồi ông thấy gì? Chỉ thấy:

Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều.

Tại Vietnam ta, các cụ chỉ coi họ Tô là một thi sĩ. Thơ văn của Tô Đông Pha ở đâu đó được trích dẫn để so sánh cũng rất mờ nhạt. Riêng bài thơ tứ tuyệt chỉ có 28 chữ thôi nhưng đề hoàn đe lại rất đạt. Nội dung lại tuyệt vời nói thẳng ra sự hư huyễn ngắn ngủi của đời người trước biến dịch của thiên nhiên nên đã có chí ít là hai bản thơ dịch:

Bản dịch 1

Mù tỏa Lô sơn sóng Chiết Giang
Đi chưa đến đặng hận muôn ngàn
Đến rồi về lại không chi lạ
Mù tỏa Lô giang sóng Chiết giang.

Trúc Diệp Thiền sư (Huế - Việt Nam)

Bản dịch 2

Khói ngút non Lô sóng Chiết giang
Khi chưa đến đó luống mơ màng
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang.

Trúc Thiên (Saigon - Vietnam
)

Mấy chục năm trở lại đây, có nhiều Đại gia viết về Tô Đông Pha. Tôi hậu sanh thiển học nhưng để ghi nhận một lần gặp gỡ nói chuyện về Tô Đông Pha với nhà thơ lão thành Tống Hồ Cầm nên viết bài này.

II

Đọc và viết về Tô Đông Pha do các cụ của ta viết về vị thi sĩ nhà Tống này “rất lịch sự”. Tự ái dân tộc trong tôi dâng trào. So sánh với Cao Chu Thần của ta, ông Tống Tàu Tô Đông Pha còn kém cạnh xa.

Tô Đông Pha con nhà đại phú hào, thân sinh ra ông được phong tiến sĩ, rồi làm quan lớn. Cao Bá Quát - Cao Chu Thần chỉ là con một cụ đồ, cụ đồ Cao Cửu Chiếu ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh. Không thấy sách nói cụ có ứng thí rồi trượt hay đã đậu bằng cấp gì. Nhà cụ đồ rất nghèo nhưng anh em Cao Bá Đạt, Cao Bá Quát học rất giỏi. Được thụ giáo chính thân phụ là cụ đồ Cao.

Nhà nghèo, ngay từ còn đang học đang thi Cao Chu Thần đã phải đi dạy học để lấy lương ăn. Một câu nói lúc còn trẻ của ông khiến người ta nhớ mãi, nhớ một cách thù hận rằng: “Cả thế gian này có bốn bồ chữ, Quát tôi có hai bồ. Anh tôi là Bá Đạt và bạn tôi là Nguyễn Văn Siêu chia nhau một bồ. Còn một bồ phân phát cho các kẻ học trong thiên hạ”.

“Tiếng lành đồn xa - Tiếng dữ đồn xa”. Cả thiên hạ mà có mỗi một bồ chữ để chia nhau. Thế ra thiên hạ dốt cả, - Thiên hạ có mình. Mà mình thì có quyền có thế. Vua biết mặt chúa biết tên. Cao Bá Quát! Mi là ai? Mi đi thi, mi làm quan rồi mi biết.

° Năm Minh mạng thứ 12 (1831), Cao Bá Quát đã đậu Á Nguyên kỳ thi Hương, thay vì khôi nguyên Thủ khoa. Thế mà “Bộ Học xét lại” đánh tuột xuống cử nhân hạng bét. Mấy lần đi thi Hội, ông đều bị đánh trượt về phạm trường qui do sự dụng tâm của quan trường.

° Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) Quan tỉnh Bắc Ninh có bụng liên tài nên đề bạt với triều đình, Cao Bá Quát được sung chức Hành Tẩu Bộ Lễ là một chức quan nhỏ, tạm thời để làm những việc vặt trong Bộ. Nhân được phái làm Sơ Khảo trường thi Thừa Thiên, ông dùng muội đèn sửa quyển giúp mấy thí sinh văn bài rất khá lại bị phạm húy. Việc bị phát giác do các đồng sự tố cáo, Cao Bá Quát bị phát phối vào Đà Nẵng. Gặp lúc Sứ bộ sang Tân Gia Ba, Phái bộ này do Phạm Phú Thứ là Chánh sứ, Ngụy Khắc Đản là Phó sứ ra lệnh cho Cao Bá Quát tháp tùng với chức danh Bồi sứ. Được đi ra ngoài, nhãn giới được mở rộng, Cao Chu Thần không dâng biểu điều trần như quý vị Phan Thanh Giản, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ... Vua và đình thần sẽ không tin những điều ông mắt thấy tai nghe khi bẩm báo. Biết đâu họ chả khép vào tội “yêu ngôn yêu thư”... Nhưng không nói không được, Cao Chu Thần ký thác tâm sự vào một bài thơ có cái tên dài là: “Đề Sau Khúc Yên Đài Anh Ngữ của Quan Đô - Sát Bùi Công”. Bùi Công là ai? Nhà văn Trúc Khê mất công dịch ra quốc âm theo thể lục bát gồm 30 câu lại không chú thích rõ họ Bùi là ai. Xin trích tám câu sứ trình là tâm trạng Cao Chu Thần:

Nhai văn nhá chữ buồn ta,
Con giun có biết đâu là cao sâu
Tân - gia vừa vượt con tầu
Mới hay vũ trụ một bầu bao la
Giật mình khi ở xó nhà
Văn chương chữ nghĩa chỉ là trò chơi
Không đi khắp bốn phương trời
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai.

Không học không biết, không đi không hay. Mà có đi thật nhiều, đi đến mòn gót, dốt nát quá cũng chẳng nhìn ra vấn đề. Đất nước thì thù trong giặc ngoài, cứ như cái nhà cũ ọp ẹp trong mối mọt đục khoét ruỗng ruồng, ngoài thì mưa gió bão bùng.

Nếu Tô Đông Pha bị bọn Trình Chu triệt đường tiến thủ bởi họ nhân danh Tống Nho để tác oai tác quái với mục đích dương danh hậu thế. Tô Đông Pha không bị áo cơm ràng buộc. ỷ vào chỗ thế gia nguy khoa hiển hoạn, họ Tô chỉ bị ghét vì tính kiêu ngạo bất hợp tác với cánh họ Vương và sau là cánh họ Trình.

Trái lại, Cao Chu Thần phải làm quan vì sinh kế. Làm quan để thực hiện những hoài bão lớn đã ấp ủ từ ngày còn tấm bé: “Nét hào hoa chừng nấn ná Tân, Dương lời khí khái thì thầm Y, Phó”, để “xoay bạch ốc lại lâu đài” để “gánh vác giang sơn”.

Cao Chu Thần đã sanh nhầm thời. Ông ra đời giữa lúc Việt Nho tan rã. Từ thời Minh Mạng; dân nước đã lưu vong đói khổ, lại thêm chế độ hà khắc, bạo động xảy ra ở khắp nơi. Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Nông Văn Vân, lê Văn Khôi... Những ông ấy tự cho mình cái quyền tàn sát dân chúng. Bọn tham quan ô lại lợi dụng thời cơ vơ vét tạo ra cảnh rối bời trên khắp nước.

Thời loạn là cơ hội ngàn vàng cho bọn võ dõng múa gươm hò hét chứ đâu phải là thời cho văn nhân thi sĩ múa bút. Cao Chu Thần lại không giống như Nguyễn Công Trứ cam tâm “nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn... mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ” để tự hãnh: “Lúc bình Tây cờ Đại tướng. Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”. Đến lúc chầu trời, dân Doanh Điền tại Kím Sơn Tiền Hải ở Nam Định Ninh Bình đã có đôi câu đối thờ Quan Doanh Điền Sứ, để báo cựu ân:

Sự nghiệp kinh luân thiên hạ hữu
Phong lưu đáo lão thế gian hy”.

Nghĩa:

Sự nghiệp như “ông” nhiều kẻ có
Chơi bời giống “Cụ” ít ai đương.

HVĐS tạm dịch

Ngoài nội nhiễu nhương như thế. Trong triều vua quan an nhiên tự tại “nhai văn nhá chữ ”ở Mặc Vân Thi Xã, ca tụng vẻ thanh bình giả tạo. Hội thơ này lại chính “đức kim thượng” Dực Tông là Nguyên soái. Hội thơ được lập bởi các Vương Công, và các quan lớn trong triều.

Cao Chu Thần được sự tiến cử của quan đầu tỉnh Bắc Ninh, ông vào kinh trổ tài văn học. Một quan chức nhỏ xíu mà vua biết mặt chúa biết tên. Cả nước kính phục cụ đồ Cao đã cùng một lúc đào tạo được hai nhân tài cho đất nước để vua Tự Đức phải khen - Nhân tiện đức vua khen cả hai ông Chú của mình là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thành đôi câu đối thật chỉnh:

Văn Như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường

Thói đời, thấy vua yêu thì chúa mến, Chu Thần được xưng tán là: “Thần Siêu Thánh Quát”. Các quan lớn cầu thân, mời ông vào Thi xã. Ông chối từ bằng:

“Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ Thi Xã con thuyền Nghệ An”.

Cao Bá Quát ghét thói ngụy quân tử mà đại diện là Nguyễn Công Trứ và tài cán của các quan lớn như Hà Tôn Quyền là đại biểu; bằng đôi câu đối dán ở cổng nhà nhân ngày Tết; ông lấy nghĩa chữ trong sách Trung Dung (mỗi vế xin bỏ 4 chữ đầu, không cần thiết):

“Quân tử ố kỳ văn chi Trứ
“Thánh nhân bất đắc dĩ dụng Quyền

Câu đối, nghĩa chính nghĩa thực rất tốt. Nhưng nghĩa xấu, nghĩa mỉa mai rất ác:

“Người Quân tử không thể nào ưa được (anh) Trứ
“Đấng Thánh nhân bất đắc sĩ mới dùng (anh) Quyền ”.

Thế là Cao Chu Thần tự cô lập mình. Càng dữ dội hơn khi ông giễu cợt cả Vua. Khi vua Tự Đức đang đắc ý với hai câu thơ vừa sáng tác trong đêm mà Vua nói do một vị thần nhân đọc cho nghe lúc chiêm bao:

“Viên trung oanh chuyển khà khà ngữ
“Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.

Đình thần đồng thanh khen là thánh thơ thần thơ. Duy có Cao Chu Thần tâu: Đó là hai câu Thực trong một bài thơ mà ông đã nghe hồi còn bé. Vua hỏi toàn bài, ông ứng khẩu liền:

“Bảo mã tây phong huếch hoác lai
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai
Xuân nhật bất văn sương lộp bộp
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài
Khề khà thi tứ đa nhân thức
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài”.

Bản dịch của Trúc Khê!

Ngựa báu theo gió tây huếch hoác lại
Huênh hoang người tự theo về
Trong vườn tiếng oanh hót khề khà
Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm
Ngày xuân chẳng thấy sương lộp độp
Trời thu chỉ thấy những mưa bài nhài
Khù khờ câu thơ đã nhiều người biết
Còn khệnh khạng đem hỏi các nhà văn học”

Cái mẫn tiệp có tính cách cao ngạo đã đến độ quá mức chịu đựng của mọi người. Cái người họ Cao đáng yêu bao nhiêu khi “chỉnh lý” đôi câu đối ở Điện Thái Hòa:

Thần khả báo Quân ân
Tử năng thừa Phụ nghiệp.

thành ra:

Quân Ân thần khả báo
Phụ nghiệp tử năng thừa.

Chu Thần chỉ xắp xếp lại từ ngữ (viết theo lối chữ nho) cho thứ bực vua tôi, cha con không còn nghịch đảo nữa. Kể ra ông cũng biết tự giới thiệu mình khi mới tới kinh thành.

Kiêu khí của ông ngày còn trẻ ở Bắc Hà khiến ít kẻ ưa. Đến lúc vào Kinh biến thành ngạo khí. Ở Tân Gia Ba về thì biến ra kiêu ngạo. Ông chán đời thì đời cũng chán ông. Ông khinh thế ngạo vật một, “thế vật” ngạo lại ông gấp mười lần hơn.

♣ ♣

Về phương diện cá nhân, Tô Đông Pha chỉ buồn là không được đem sở học phục vụ vua, không được gần vua Tống để tận tụy. Còn Cao Chu Thần thì ngược lại, ông có tất cả rồi lại không tất cả. Có nguyên nhân tiềm ẩn từ xa xưa:

° “Người hùng áo vải đất Lam Sơn” Thanh Hóa vào Thăng Long tuyên Bình Ngô Đại Cáo xong là lần lượt khử Trần Nguyên Hãn cho dứt sự dây dưa với Triều Trần. Kế đến chu di tam đại Nguyễn Trãi để sĩ phu Bắc Hà răm rắp phục vụ. Rồi nhà Lê thua nhà Mạc. Nhà Lê trung hưng, đất nước có vua lại có chúa. Quyền uy tập trung về bên phủ Chúa. Bên Phủ Liêu mới là “triều đình” do lính Tam Phủ được Trịnh Kiểm mang từ Thanh Nghệ ra bảo vệ. Họ trở thành Kiêu Binh do nhà Chúa ban cho rộng quyền được hãm hiếp, được phá nhà, được giết bỏ những người Chúa không ưa. Lâu dần thành quen thành tật. Dân buôn bán ở kinh kỳ gọi họ là cậu hay các cậu và sợ như sợ hủi.

° “Người hùng áo vải đất Tây Sơn” Qui nhơn ra Bắc diệt Trịnh rồi Đại phá quân Thanh. Lần thứ nhất Nguyễn Huệ ra với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Lần thứ nhì chặt cổ cha con Nguyễn Hữu Chỉnh. Lần thứ ba băm xác cháu rể là Vũ Văn Nhậm và lần thứ tư Đại phá quân Thanh. Mỗi lần Nguyễn Huệ sau là Quang Trung ra Bắc là một lần hủy diệt. Dân khổ dân oán, sĩ phu coi thường ở sự:

“Cương lồng chinh mã què chân hạc
Củi thổi quân lương chẻ chữ thờ.

Đông Hồ

Đại thắng quân Thanh, đuổi Thống soái Tàu Tôn Sĩ Nghị chạy dài. Chưa ai dám so sánh lính Đàng Trong của Tây Sơn với lính Tam Phủ của Chúa Trịnh. Nhưng dân Bắc Hà vẫn coi quân Tây Sơn là quân ngoại nhập, quân chiếm đóng. Chắc là cũng tàn ác lắm ở chế độ cai trị khắc nghiệt. Đến lúc Cảnh Thịnh thua Nguyễn Ánh, chạy ra Bắc bị dân Bắc Hà nổi dậy chống đánh chưa hẳn là họ theo Nguyễn Ánh. Nhà vua lúc ấy mới biết quan, tướng của mình là lũ ác ôn, đã làm mất lòng dân, khiến trăm họ Bắc Hà lầm than:

“Chiến công dẫu kín thành lầu Bắc
Chính khí còn cao dấu cột cờ”.

Đông Hồ

° “Người hùng Áo Gấm “Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802 lấy đế hiệu là Gia Long. Cũng lập Quốc đô ở Phú Xuân như Quang Trung. Ông lập Trấn Bắc Thành cai trị cả miền Bắc có quan Tổng trấn. Thủ đô Thăng Long chỉ còn là một tỉnh, tỉnh Hà Nội. Nên bà Huyện Thanh Quan “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”. Ông hay bà Hồ Xuân Hương: “Trấn Bắc hành cung cơ dãi dầu”. Nguyễn Du ra làm quan với Gia Long để cứu đại gia đình vẫn rầu rĩ như cô Kiều bị mất trinh tiết với Mã Giám Sinh: “Nghĩ mình mình lại thương mình xót xa”. Trước đó, bào huynh ông là Nguyễn Nễ cũng phải cộng tác với Nguyễn Huệ để giữ gìn được mồ mả tổ tiên và ngôi Từ Đường dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.

Nguyễn Ánh thắng được Tây Sơn khi Quang Trung đã băng hà. Đuổi và bắt được Quang Toản Cảnh Thịnh và quan, tướng Tây Sơn. Người hùng áo gấm, xuất thân danh gia đã ở cương vị Quân Chủ rồi mà phẩm lượng như kẻ thất phu khi đem các văn thần của Quang Trung gốc Bắc; như Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích ra hành nhục tại Văn Miếu. Ai tham vấn cho Gia Long làm việc ấy? Tổng Trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành hay ai khác? Đâu có phải Đặng Trần Thường tự ý dám chuyên quyền hành bạo .

Ý hẳn Gia Long muốn dằn mặt sĩ phu Bắc Hà. Thì ra, ai cũng than cũng khóc mất nước là đúng. Dân Bắc Hà một lần nữa lại coi Gia Long như kẻ xâm lăng. Người Việt Nho cuối cùng là ông Nghè Phú Thị Chu Mạnh Trinh cũng được liệt vào hàng nguy khoa hiển hoạn của nhà Nguyễn, ông vẫn coi sự chiếm đóng song trùng của nhà Nguyễn và của Pháp là một điều đau đớn:

Cung miếu triều xưa nay vắng ngắt
Trăng tà khắc khoải quốc kêu thâu.

Nguyên tác

Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm.

Chu Mạnh Trinh

Chính sách phân biệt đối xử với người Đàng Ngoài rất rõ rệt: Từ học hành thi cử đến thăng bổ quan chức. Đã là Đàng Ngoài thì phải chấp nhận là công dân hạng hai. Tất cả ưu tiên giành cho dân Đàng Trong, nhất là vùng đất mới khai phá Nam kỳ Lục tỉnh, thế mà mới có mỗi tiến sĩ Phan Thanh Giản và nhóm Tam Gia Thi, học trò thầy Võ Trường Toản và một vài Tú Cử. Vạn bất đắc dĩ mới sử dụng “các anh Bắc kỳ” vào cơ chế công quyền nhưng phải tuyệt đối trung thành như quý vị họ Nguyễn ở Yên Đổ, họ Dương ở Vân Đình...

Trường hợp cử nhân Bùi Viện, người Thái Bình được ưu ái vì có công vượt biển sang tận nước Mỹ cầu viện trợ uy và nhân lực đánh đuổi Pháp là một ngoại lệ. Còn với Cao Bá Quát, một tên Bắc Kỳ ngang ngược. Việc thi đậu Á Nguyên rồi lại phải xuống rốt bảng ở kỳ thi Hương và không được đậu ở thi Hội có trong một kế sách nào không?

♣ ♣

Một tác giả hý hước viết về Trần Tế Xương, đại ý: Một tiên đồng nhà trời làm bể cái chén ngọc. Thượng Đế cho nghị tội. Có Nam Tào Bắc Đẩu ghi chép, Một Tiên Cô đề nghị cho “nó” xuống trần gian làm người Việt Nam. Ban cho “nó” trí thông minh, học giỏi. Nhưng chỉ cho đậu Tú Tài, lấy vợ mắn đẻ.

Vị Tiên Ông khoảng 34 tuổi Tây lấy làm thắc mắc hỏi:

- Tại sao lại cho hắn đậu Tú Tài để làm cái giống gì?

- Cho đậu Tú Tài để không làm được quan, mà cũng không làm được cái giống gì khác. Ngoài việc làm đàn ông. Vì ở Việt Nam chúng nó trọng người có học lắm, dù chỉ có đậu Tú Tài. Tiên Cô trả lời.

Lại một Tiên Cụ trên cổ lai hy mắt lóe sáng hỏi tới:

- Thế cho hắn lấy vợ mắn đẻ để làm gì? Thế thì tối ngày hắn phải làm vú đực à? Không đi đâu được, buồn bỏ mẹ chứ chả chơi!

- Em cam đoan ở hạ giới chúng nó không buồn vì nhiều trò du hí. Còn sinh năm đẻ bảy thì mới đầu ba năm đôi, sau là lôi thôi năm một. Để cả ổ nhà nó nheo nhóc chơi: Để:

Một đàn rách rưới con như bố

Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng.

Một Tiên Bà ái ngại cho tên Tiên Đồng lên tiếng:

- Chữ nghĩa có chỉ để nghêu ngao thế là “nó” phải ăn đói mặc rét rồi. Còn đâu khả năng mà du hí.

- Chị đừng lo. Ở hạ giới, nhất là ở Việt Nam. Nhiều đứa coi sách vở là đồ quốc tặc, chữ nghĩa là kẻ đại thù. Hễ có tí chữ nghêu ngao không thiếu gì kẻ đưa người đón đến ca lâu tửu điếm cho đỡ vã. Còn thường thì: đã nghèo là phải khổ rồi, đã khổ là phải ngông...

- Cô em còn trẻ, nói những lời phi lý ấy ra làm gì. Chị không tin! Mà sao cô em biết kỹ như rứa?

- Em mới đi công tác Việc Trời, nhân tiện kết hợp đi thanh sát rồi Giải Độc. Thích lắm cơ chị ơi!

Một tiếng thét như sấm rền, một tiếng đập bàn như sét đánh. Thượng đế ra lệnh.

- Thôi! Khỏi nghị án. Thiên Lôi đâu? Liệng cổ “phạm tiên tiểu đồng xuống hạ giới ngay!” Cửa trời từ nay đóng kỹ. Các Tiên Nam đi đâu? Làm gì cũng phải có phép của ta. Các Tiên Nữ mỗi khi xuất Thiên Môn phải có phép bằng giấy tờ. Phép phải ta đóng củ triện vào mới hợp lệ. Nam Tào Bắc Đẩu và Thiên Lôi chấp hành!

♣ ♣

Cao Chu Thần hơn hẳn Trần Vị Xuyên ở khoản bằng cấp: Cử nhân rốt bảng. Còn Trần Vị Xuyên là: “Tú rốt bảng trong năm Giáp Ngọ”. Chu Thần có đủ tư cách ra làm quan. Nhưng cái chức quan ấy hơi kỳ cục với Chu Thần: Hành Tẩu Bộ Lễ! Bộ Lễ là Bộ dạy cả nước Lễ Nghĩa Liêm Sỉ (như Bộ Văn hóa Giáo dục ngày nay). Còn Hành Tẩu? Hành là đi, là làm. Tẩu là chạy, chạy nhanh. Công việc luôn luôn phải gấp gáp do các quan lớn trong Bộ sai vặt. Nhưng Cao Chu Thần lại được phái đi làm Giám Khảo kỳ thi Hương ở ngay Phú Xuân. Việc đã xảy ra như đã thưa ở trên.

Nếu quan đại thần Phạm Phú Thứ, Trưởng phái bộ đi công cán Tân Gia Ba không thiếu một Bồi Sứ có tài thì có lẽ không gây tai họa cho đại gia đình họ Cao. Sau sứ trình, ông được phục nguyên chức cũ, vài năm sau được thăng chức Chủ Sự. Chủ sự là chức tương đưong với Trưởng phòng ở Sở, Nha hay Bộ bây giờ. Từ chức vụ khiêm nhường này Cao Chu Thần được thăng vượt cấp lên Giáo Thụ. Ra Sơn Tây làm Học Quan ở tỉnh này. Theo quan chế nhà Nguyễn, Học quan có bốn cấp : Huấn đạo ở huyện, Giáo Thụ ở phủ hay tỉnh nhỏ, Đốc Học ở tỉnh lớn, ở trong Kinh là Thượng Thư coi cả Bộ.

Cao Chu Thần tự nhiên được thăng vọt lên hàng quan lớn. Có phải là cách tống xuất ông khỏi kinh thành khi đức Vua và Công Hầu Khanh Tướng không ưa?

Đến nhậm chức tại Sơn Tây kế cận tỉnh sinh quán:

“Nhà trống, một thầy một cô một chó cái
Học trò; dăm đứa nửa người nửa ngợm nửa đười ươi”.

Chu Thần buồn bực vì chí chưa thành, danh chưa đạt theo ý mình mà phát bẳn ra như vậy. Chắc quan Giáo Thụ buồn vì quang cảnh ở tỉnh lẻ, ở “Học Phủ” hoang lạnh nên nói là “nhà trống”. Còn học trò đã qua sự khảo hạch kỹ lưỡng của quan Huấn Đạo đưa lên cấp: Tỉnh học, họ đã là các khóa sinh chuẩn bị Hương thí, đâu phải là thứ “đười ươi, nửa người, nửa ngợm”.

Nhiệm vụ của quan Giáo Thụ là giáo dục cho các sĩ tử một khu vực biết: Quân Thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu... theo đúng đạo lý. Nhưng người ta đi học mong làm quan chứ ít ai mong làm người. Nên cảnh:

“Mô phạm dăm ba thằng mặt trắng
Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lương vàng”.

Nhưng làm quan lương quá thấp. Đỉnh chung gì mà có chiếc rưỡi cái lương vàng. Lương màu vàng là lương bằng thóc. “Chiếc rưỡi” là bao nhiêu cân, bao nhiêu ký? Chỉ nên biết là Làm - Quan - Lương - Rất - Thấp. Muốn “Đỉnh Chung” cứ việc xoay sở thoải mái. Cao Chu Thần không có “máu” ấy. Ông nhìn toàn bộ nền giáo dục của nhà Nguyễn chỉ đào tạo ra đười ươi, cùng lắm thì nửa người, nửa ngợm. Đất nước gì mà sản sanh ra người lại biến thành dười ươi? Dân tình nheo nhóc khốn khổ vì lũ đười ươi quyền thế cai trị. Bọn thời văn xun xoe quanh vua đâu cần biết đến cảnh ngoài kinh thành; cảnh:

“Nhân dân trói buộc vòng nô lệ
Tám vế thơ văn giấc ngủ nồng”.

Nguyên tác:

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung.

Phan Chu Trinh

Vua quan như thế, chính sách cai trị thì hà khắc của nhà Nguyễn đối với toàn dân, nhất là đối với dân Bắc kỳ khiến Cao Chu Thần có những ưu tư. Ông không thể ngủ vùi để cầu cạnh một thứ ân sủng mà chính ông tởm lợm rồi mong thăng quan tiến chức như một đồng liêu Học Quan cấp huyện:

Hoàng Triều, Tự Đức Quân Vương Thánh
Huấn Đạo, Yên Phong Huấn Đạo Thần.

(?)

Cao Chu Thần dư sức làm thơ cầu danh vọng kiểu đó, lại dư hoàn cảnh vì ở ngay trong kinh thành với các ông Hoàng bà Chúa mến mộ ông.

Ông đang mong mỏi có một sự thay đổi lớn rộng thì Lê Duy Cự đến mời ông làm Quân Sư cho cuộc đổi thay này.

Cuộc nổi dậy chống nhà Nguyễn được phát động với cờ thêu đôi câu đối:

“Bình Dương Đồ Bản vô Nghiêu Thuấn
Mục Dã Minh Điền hữu Võ Thang.

Dĩ nhiên Cao Bá Quát thua, “đeo vòng thư kiếm... xoay bạch ốc lại lâu đài” cho muôn dân đâu có dễ như múa bút, viết văn, làm thơ.

Sử nhà Nguyễn ghi: “Mùa đông năm 1854, cuộc biến loạn phát khởi tại Mỹ Lương (Sơn Tây) và tràn ra các vùng lân cận”.

Sử thần của Triều đình cũng không dám ghi Cao Bá Quát làm giặc, chỉ nhân năm đó vùng trung du Bắc Việt bị nạn châu chấu hoành hành tàn phá mùa màng mà gọi là Giặc Châu-Chấu có Cao Bá Quát tham gia. Kết thúc tang thương này dẫn đến: Hai con ông là Cao Bá Phùng và Cao Bá Thông phải chết chém ngay năm 1854 tại bản quán là làng Phú Thị. Anh ông là Cao Bá Đạt đang làm tri Huyện huyện Nông Cống Thanh Hóa bị bắt ngay tại Huyện đường và đã tự tử ngay khi bị áp giải. Cháu ông là Cao Bá Nhạ trốn thoát nhưng cuối cùng cũng bị bắt, bị xử tội chết sau khi Đức vua Tự Đức đọc văn bản Tự Tình Khúc. Họ Cao phải tuyệt tự!

Riêng Cao Bá Quát thì mỗi “nhà” ghi mỗi khác:

° Người thì biểu: ông và hai con bị đưa về làng Phú Thị, chém đầu ngay để “thị chúng” và cũng để cho các cánh quân khác của ông cùng những tàn quân hết hy vọng trỗi dậy.

° Người lại biểu: Cao Bá Quát bị đóng cũi? Đóng gông giải về Hà Nội, rồi đưa về Kinh xét xử nên mới có đôi câu Cảm Khái:

“Một chiếc cùm lim chân có Đế!
Ba vòng xích sắt bước thì
Vương!

° Sách Thực Lục Chánh Biên thì chép: “Khi ông đem viện binh cho cánh quân ở Yên Sơn. Ông bị viên Suất Đội (của triều đình) là Đinh Thế Quang bắn chết”.

Đâu là sự thật? Ai? Ở đâu? Nghe được đôi câu này:

Ba hồi trống giục: đù cha kiếp!
Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời!

Kể từ năm Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi: Gia Long nguyên niên (1802) đến ngày vua Bảo Đại thoái vị (1945) tính ra được 145 năm. Trên danh nghĩa, triều đình nhà Nguyễn làm chủ đất nước. Trong thực tế thì không phải vậy, những người có huyết khí nổi dậy chống đối nhà Nguyễn ở miền Bắc đều bị triều đình kết án là giặc. Còn tụi đói ăn vụng, túng làm càn cũng tụ bè kết đảng lợi dụng sự hà lạm của các quan cai trị mà hoành hành. Điều mà các sử thần nhà Nguyễn viết là: “Thế tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn cất quân ra Bắc, lòng người theo phục...” chỉ là những điều được đẽo gọt trưng ra cho đẹp. Nhà Nguyễn chả làm chủ được toàn cõi Bắc kỳ bao giờ. Danh nghĩa triều đình Huế càng mờ nhạt với dân Bắc kỳ khi đất này biến thành Bảo Hộ của Pháp. Vì thế, nhà Nguyễn đã mất đất Bắc từ năm 1802.

Cái tính kiêu kỳ của Sĩ Phu Bắc Hà: “Uy vũ bất năng khuất” tạo thành rất nhiều Cao Bá Quát. Còn nhiều Cao Bá Quát “đói thấy thóc Chu mà trả” chứ không làm Bắc kỳ gian như Ngô Thời Nhiệm, Đặng Trần Thường...

Thái độ của Sĩ Phu ảnh hưởng đến tính cách người dân toàn cõi: Ù lì, cam chịu, nhọc nhằn cuốc bẫm cày sâu để quan quyền bóp hầu bóp họng. Họ coi như “bố thí” cho quân ăn cướp. Thái độ ghẻ lạnh của dân Bắc kỳ với nhà Nguyễn là việc coi cuộc xâm lăng của Pháp vào quốc thổ như ông Tây Sơn ra thay ông Trịnh Khải, ông Vũ Văn Nhậm ra thay ông Nguyễn Hữu Chỉnh. Ông Tây Trắng thay ông Nguyễn da vàng. Không hơn không kém.

Trường hợp dấn thân của Cao Chu Thần là một hiện tượng.

Hiện tượng Cao Bá Quát muốn cứu lấy quê hương nhỏ bé của mình.

Đáng thương cho tác giả “Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong” - Một kiệt tác trong văn chương là ông Nguyễn Văn Thành, người thi hành và tác ác thay Gia Long ở Qui Nhơn. Khi bình định xong đất khởi nghiệp của nhà Tây Sơn, Qui Nhơn đổi là tỉnh Bình Định. Từ Bình Định, Nguyễn Văn Thành ra làm Tổng Trấn Bắc Thành. Công việc cả đất Bắc nhiều hơn, tế nhị hơn. Thế mà Nguyễn Văn Thành vẫn làm tốt công việc trấn áp.

Không biết có phải những oan hồn của người Qui Nhơn và của cả đất Bắc kỳ báo oán hay không mà ông bị vua Gia Long khử vì cái tội ngông nghênh của cậu con trai làm thơ tự khí nhiễm cái ngạo khí tuổi trẻ của thanh niên Bắc Hà thuở ấy. Người tố cáo ông là Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Nam Thành (Gia Định Thành) .

Như vậy là Tổng Trấn Gia Định Thành nhất cử lưỡng tiện. Vừa trả được cái hận bị Nguyễn Văn Thành coi khinh là đồ yêm hoạn vô học. Vừa tỏ dạ trung thành với Quân Vương là không để một chi tiết nhỏ nào xâm hại đến triều đình.

Rồi Đức Tả Quân quyền uy một cõi cũng “bị tiêu vong danh giá” bởi vị vua thứ nhì nhà Nguyễn là Minh Mạng. Hậu quân Lê Chất đang là Tổng trấn Bắc Thành kế nhiệm Tiền Quân Nguyễn Văn Thành - Cũng bị xử tội chết. Chỉ có Hữu Quân Võ Di Nguy chết giữa trận tiền là mồ yên mả đẹp.

Các vua nhà Nguyễn đối đãi với những huân thần có công hãn mã phò giúp cho chiếm ngôi thái cực mà còn bị như thế. Ai dám hết lòng nữa? Nhất là dân Bắc kỳ.

Những năm tháng sống ở đế kinh, Cao Bá Quát đã nhìn rõ tâm can đấng vương thượng nên bày ra trò ngạo ngược giống như Đông Phương Sóc của Tàu để bỡn cợt cho vui. Biết đâu lại thay đổi được phần nào.

♣ ♣

So sánh hai nhân vật ở hai đất nước cùng có chung một nền văn minh lấy chữ Nho làm điểm tựa:

Tô Đông Pha với cái học Tống Nho, bế tắc. Vua thì ấm ớ, không chuyên quyết. Quyền thần thì vênh váo lại là bọn Học Phiệt hám danh, suy tưởng viển vông rồi lập ra tông phái để dương danh. Tô Đông Pha là nạn nhân thời cuộc lúc ấy ở bên Tàu. Nhờ uy tín của cha và anh, ông được toàn mạng. Nhờ có hai lần ra đất Trích nên ông đã có thêm hai nguồn tư tưởng nữa là Phật và Lão.

Cao Chu Thần với cái học Việt Nho cũng bế tắc chẳng kém. Vua thì vô nhân bất đạo. Văn võ bá quan vướng vào cái vòng luẩn quẩn: Có tỏ dạ trung thành mới được thăng bổ. Có được thăng bổ mới có tiền có bạc. Có tiền có bạc rồi phải có “cúng khấn” theo hệ thống. Có trong hệ thống mới được thăng mau bổ sớm...

Cao Chu Thần đã được ở trong hệ thống khi sửa đôi câu đối ở Điện Thái Hòa. Ông đã gãi đúng chỗ ngứa của Đức Kim Thượng ở vế xuất: “Quân ân thần khả báo”. Coi như xong khi đã hưởng phấn vua lộc nước. Còn vế đối; “Phụ nghiệp tử năng thừa”? Cụ đồ Cao Cửu Chiếu là danh sĩ, là sĩ phu Bắc Hà. Cao Chu Thần không thể ra luồn vào cúi “mỏi gối quì mòn sân tướng phủ”.

Đọc “Tố Như Thi” do Thi sĩ Quách Tấn sưu tập và dịch ra quốc ngữ. Có bài: Tiễn Ngô Nhữ Sơn Ra Trấn Nhậm Nghệ An – Tống Ngô Nhữ Sơn Công Xuất Nghệ An:

Cẩm La dừng lại vó chinh an
Gặp dễ xa nhau chẳng dễ dàng
Hai nước danh thơm tài ngọc chuốt
Đầy xe mưa thấm dặm Châu Hoan
Việc theo tánh đạm mong thường rảnh
Trời vị dân đen khiến chửa nhàn
Ngắm vọi Hồng Sơn cao đức mọc
Rượu xa mừng rót chén hương quan

Nguyên tác

Cẩm La giang thượng khấu chinh an
Bái hội phi nan tích biệt nam
Bát đại kỳ văn hoa lưỡng quốc
Nhất xa cao vũ nhuận toàn Hoan
Nhân tòng đạm bạc tư vị chánh
Thiên vị kiềm lê bất phóng nhàn
Bắc vọng Hồng Sơn khai đức diệu
Thiên nhai cử tửu khách hương quan.

Triều Nguyễn có rất ít quan cai trị thanh liêm như Ngô Nhơn Tịnh. Biết Ngô ra làm Hiệp Trấn Nghệ An quê hương mình. Nguyễn Du đang là Cai Bạ (Phó tỉnh trưởng hành chánh) tỉnh Quảng Bình ra đón Ngô NhơnTịnh trước đầu ngựa vì mừng cho quê hương đã có cứu tinh.

♣ ♣ ♣

Cao Chu Thần chỉ là con một cụ đồ nghèo, vì cơm áo phải nay đây mai đó nên có nhiều gặp gỡ để hơn Tô Đông Pha về mặt lịch duyệt giang hồ, còn hơn Tô Đông Pha ở sự làu thông Tam Giáo là vốn đã có sẵn, lại được Tổ Tiên Việt Nam hào hiệp cho đồng qui. -/.
________________________________________________________
Tài liệu:
1. Việt Nam Văn học Sử yếu : Dương Quảng Hàm
2. Việt Nam Sử lược : Trần Trọng Kim
3. Việt Nam Từ điển: Lê Ngọc Trụ
4. Việt văn Giản dị: Lữ Hồ
5. Tố Như Thi : Quách Tấn (dịch)
6. Hoàng Lê Nhất Thống Chí: Ngô gia văn phái.




VVM.02.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .