Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


THƠ THIỀN, PHẬT NGÔN & THƠ ĐỜI

  


T hơ hay văn xuôi là phương tiện để giải bày tư tưởng của người viết. Không phải bất cứ Thiền Sư hay bậc Giác Ngộ nào cũng có thể làm Thơ hay Kệ, nhưng người biết làm Thơ hay Kệ thì dùng đó để nói lên suy nghĩ của mình. Người đọc Thơ của các vị Thiền Sư sẽ theo sự hiểu biết của mình để luận giải ý nghĩa của nó, vì có những bài nêu ý nghĩa rõ ràng, đọc qua là hiểu. Nhưng có nhiều bài mà người đọc sẽ theo trình độ của mình mà hiểu. Nhưng dù nói rõ hay không? Cao, hay thấp, thì thắc mắc: Tại sao ta lại có mặt ở trên cõi đời này? Sống để làm gì? Có lẽ là câu hỏi nghìn đời. Thiền Sư HÀN SƠN (691-793) đã viết:

Sinh ra giữa cuộc bụi hồng

Khác nào con kiến rơi trong bát này

Ngày ngày lẩn quẩn loay hoay

Không rời miệng bát nào hay thế nào ?

Thần tiên khuất nẻo trên cao

Dưới đây phiền muộn khổ đau bời bời

Tháng năm như nước chảy trôi

Mới đây tóc đã đến hồi tuyết pha.

Thiền Sư ví cuộc đời như chiếc bát, và con người như là con kiến rơi vào trong đó, cứ loanh quanh, lẩn quẩn, bò tới bò lui, không rời miệng bát với những phiền muộn vây quanh. Thần Tiên thì khuất nẻo trên cao, không mong gì nương nhờ, trong khi tháng năm cứ trôi, chưa hiểu được điều gì đang diễn ra thì cái Già đã tới! Bài thơ dừng ở đó, không giải thích thêm hay cho thấy một lối thoát nào.

Nhưng với Thiền Sư Mẫn Giác thì không phải Hoa nào rồi cũng phải rụng. Ngài cho ta thấy thêm một cái nhìn của người tu Phật: Trong khi bao nhiêu hoa theo Xuân mà nở, rồi tàn lụi khi Xuân đi. Đêm qua trước sân vẫn còn lại 1 cành Mai:

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu, Già đến rồi

Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành Mai.

Cành Mai còn lại ở sân trước nói đến một sự lội ngược dòng của người tu Phật. Sự tồn tại của cành Mai đó mang ý nghĩa gì, thật ra chưa chắc người sau giải thích đã đúng ý của Thiền Sư Mẫn Giác. Nhưng qua hai bài Thơ, ta thấy, Thiền Sư Hàn Sơn thời điểm viết bài thơ đó chưa nói được điều gì liên quan đến công việc tu hành, mới chỉ đặt câu hỏi về cuộc đời. Thiền Sư Mẫn Giác thì nói rằng không phải tất cả Hoa Mai đều theo Xuân mà nở rồi cũng theo Xuân mà tàn. Có thể đó là cảnh liên quan đến cái Thấy Đạo của Ngài. Nhưng người đọc cũng không biết suy nghĩ gì về những cành Mai vẫn còn nơi sân trước, không biết liên quan gì đến Đạo Phật, chỉ thấy hay hay, thế thôi.

Thiền Sư Tô Đông Pha thì nói về cảm nhận của mình sau khi “đến”, hay là “tới”, có nghĩa là đạt được mục đích của việc tu hành qua Bài Kệ:

Mù tỏa Lô Sơn, sóng Triết Giang

Khi chưa đến được, hận muôn ngàn.

Đến rồi, nhìn lại, không gì lạ

Mù tỏa Lô Sơn, sóng Triết Giang

Tức là theo Thiền Sư Tô Đông Pha, cái “tới” của Đạo Phật không làm đổi thay gì cảnh sống thường nhật. Cũng là sóng Triết Giang làm mù tỏa Lô Sơn. Ngài cho rằng cái “tới”, cái “chứng” đạo làm cho người tu háo hức lúc chưa đạt được. Nhưng khi đạt được rồi thì cũng chẳng có gì lạ, mọi thứ vẫn như trước kia. Nêu một vài bài Thơ, Kệ chưa hẳn đã là tiêu biểu, mà chỉ để đánh dấu vài chặng đường của một số Thiền Sư, để chúng ta thấy rằng khó thể qua những lời trong đó để có cái thấy, biết về đường hướng tu hành, hay có gì cho chúng ta nghĩ thêm về cuộc đời, để biết cần phải làm gì? Bởi đó chính là kết quả của hành trì, quán sát, tư duy của mỗi vị. Nhưng nếu so sánh với mục đích của Đạo Phật thì ta sẽ thấy: Chính vì cuộc đời có quá nhiều phiền não mà Đạo Phật đã có mặt, nhằm đưa ra hướng giải quyết cho con người. Nên làm gì với kiếp sống? Có lẽ ta sẽ thấy được phần nào qua Ngụ Ngôn được cho là của Phật sau đây:

“Có một người đi qua cánh đồng, gặp 1 con hổ. Anh ta bỏ chạy, con Hổ đuổi theo. Đến một bờ vực, anh ta chụp được 1 sợi dây leo và đu mình lơ lửng trên đó. Bên trên con hổ đang cúi xuống nhìn làm anh ta run sợ cuống cuồng, nhưng nhìn xuống đáy vực thì lại thấy 1 con hổ khác đang nhe răng nhìn lên! Bỗng dưng ở đâu xuất hiện hai con chuột, 1 đen, 1 trắng đang gậm nhắm sợi dây mà anh ta đang níu. Chợt anh nhìn thấy 1 quả dâu chín mọng kề bên. Thế là một tay nắm chặt sợi dây leo, tay kia nhặt quả dâu bỏ vào miệng! Chao ôi, nó mới ngọt làm sao!”

Con hổ đó là thần chết đang rượt đuổi mỗi chúng ta, có chạy đâu cũng không thoát. Bờ vực sâu hoắm, không bị hổ ăn thịt thì rớt xuống cũng chết! Đã vậy còn 1 con nữa bên dưới đang chực chờ. Leo lên không được, mà tuột xuống cũng không xong! Sợi dây leo mỏng manh mà con người đang nắm lấy để giữ cái mạng thì lại bị hai con chuột gậm nhắm. Một đen, một trắng tượng trưng cho ngày và đêm. Làm sao bây giờ? Chút hy vọng nhỏ cũng không có. Trước sau gì cũng chết. Vậy thì có trái dâu ngon lành kề bên sao không thưởng thức nó? Nhưng “thưởng thức” như thế nào? Có lẽ mỗi người sẽ có cách của riêng mình. Đó cũng là một loại đi tìm hạnh phúc cho bản thân mà tự mỗi người sẽ có câu trả lời cho chính mình.

Vào khoảng hơn thập niên gần đây, mọi người vẫn chuyền tay nhau hoặc mang ra viết Thư Pháp để treo, hai câu thơ, ý nghĩa rất nhẹ nhàng, thâm thúy, mà ai đọc cũng thấy thích, được dịch từ thơ của một nhà thơ Li Băng Kahlil Gibran:

Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy.

Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.

Vâng, nếu kiếp sống chỉ để tranh giành, xâu xé nhau thì con người có khác gì với những loài thú hoang dã, mạnh được, yếu thua! May quá, cuộc đời vẫn còn đó những yêu thương. Dù là ích kỷ, chỉ yêu thương gia đình mình thì cuộc đời cũng bớt đi những hỗn loạn, bởi vài năm gần đây báo chí đưa những thông tin nhức nhối: Cháu giết ông bà. Cha giết con. Vợ giết chồng. Chồng giết vợ. Giận chồng giết con. Con giết cha mẹ. Anh giết em. Bạn bè cũng giết nhau... vì những nguyên nhân không đáng. Chỉ cần một lý do nhỏ xíu đủ để cướp đi sinh mạng của người khác, bất kể đó là cha, mẹ là những người đã sinh ra, nuôi dưỡng mình. Bất kể đó là vợ, chồng, là anh em ruột thịt với nhau, bạn bè từng chia ngọt xẻ bùi với nhau để rồi khi hết cơn nóng giận hay hết hơi men, tỉnh lại thì hối hận cũng đã muộn!

Chừng nào con người mới thật sự yêu thương nhau để xã hội hết hỗn loạn? Đó cũng là trăn trở của những nhà lãnh đạo các tôn giáo. Để con người bớt nghĩ ác, làm ác và biết yêu thương nhau, các vị giáo chủ đã phải đưa ra Thiên Đàng, Niết Bàn, cho những ai sống trong sạch, không vi phạm những gì không thuộc về mình. Dạy cho con người biết Kính Chúa, yêu thương lẫn nhau. Muốn cho con người nhìn nhau như trong đối tượng có hình ảnh của Chúa để tôn trọng nhau, khi hành lễ, các linh mục luôn đọc câu: “Chúa ở cùng anh chị em”, Đạo Phật thì nói rằng “Mỗi chúng sinh đều có Phật Tánh”, tức là mỗi người đều là những vị “Phật sẽ thành” để khuyên mọi người nên hành hạnh “Thường bất khinh Bồ Tát”, vì trước mắt ta đều là những vị Bồ Tát, mai kia sẽ Thành Phật, ngay từ bây giờ nên kính trọng họ.

Nhưng con người dễ đâu chịu nghe. Họ chỉ một mực kính trọng Chúa, Phật mà thôi, bởi vì, với họ, đó là những người ban ân phúc, giúp đỡ cho họ, còn đồng loại thì giống như họ, thì cần gì phải kính nể, yêu thương? Chính vì vậy mà họ khinh thường người khác, có cơ hội là sẵn sàng tranh giành, cướp đoạt, trực tiếp, hay gián tiếp, sẵn sàng bán rẻ lương tâm của mình miễn thu lợi về cho mình càng nhiều càng tốt.

Đọc thông tin trên báo, ta thấy tên tội phạm nào sau khi lãnh án tử hình đều mong được ân xá để có cơ hội “làm lại từ đầu”. Nhưng rất hiếm trường hợp được giảm án, vì trước khi tuyên án, Hội Đồng Xét Xử thường xét rất kỹ về nhân thân, về động cơ gây án. Họ chỉ loại ra khỏi xã hội những kẻ xét là vô phương cải tạo. Phần những kẻ tội phạm, phải chi họ có chút suy nghĩ để biết trước rằng không thể nào thoát được lưới của luật pháp hẳn sẽ không dám làm liều. Hơn nữa, nếu trước lúc gây án, họ nhớ lại cha, mẹ, vợ, con để nghĩ là họ sẽ sống ra sao nếu chẳng may mình không thoát? Bản thân họ thì “sát nhân giả tử” đã đành. Cả đời còn lại, người thân họ sẽ phải đối mặt với bản án dư luận rằng con, chồng, cha của họ là tên sát nhân, cướp của! Nếu có chút nghĩ đến và thương họ hẳn cũng phải chùng tay! Rồi những nạn nhân nữa, họ cũng có cha, mẹ, vợ, con. Ta tước đoạt mạng sống của họ thì những người thân của họ sẽ ra sao? Rõ ràng những kẻ gây ác nghiệp không nghĩ đến ai, kể cả bản thân mình! Tại sao không thương chính mình mà phải đợi lãnh án tử, biết không còn cơ hội sống nữa mới biết quý mạng sống, mới nghĩ mà thương cha, mẹ, vợ, con, xin được sống để có cơ hội làm lại từ đầu? Dư luận đều nghĩ rằng nếu không bị sa lưới pháp luật thì liệu những người đó có chịu sám hối chăng? Hay thấy dễ ăn quá nên lại tiếp tục?

Người luơng thiện thì ngoài nếp sống hiền lương còn nghĩ đến con đường tu hành. Mọi người đều nghĩ rằng nếu muốn tu hành thì nhất định phải Xuất Gia, phải sống ở trong chùa, phải đầu tròn, áo vuông, phải tụng kinh, niệm Phật, phải bỏ hết việc đời, làm gì cũng phải làm trong “Chánh Niệm”. Suy nghĩ việc đời là “Thất Niệm”! Trong khi đó, nếu đọc chính Kinh, ta sẽ thấy, 32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT chỉ là kết quả của những việc làm hết sức đời thường, hết sức con người, ở tại cõi đời, không phải ở Niết Bàn xa xôi diệu vợi nào. Xin đơn cử vài TƯỚNG: “Như Lai đã từng A Tăng kỳ kiếp tu trì Tịnh Giới, cho nên nay được cái thường BÀN CHÂN BẰNG PHẲNG. Nhờ sự cúng dàng cha mẹ, Hòa Thượng, Sư Trưởng và các bậc có đức, cho nên được TƯỚNG NGHÌN XOÁY ỐC DƯỚI BÀN CHÂN. Hễ thấy cha mẹ, Hòa Thượng, Sư trưởng và những bậc có đức thì ra xa đón chào, sửa đặt tòa ngồi, cung kính lễ bái, dẹp bỏ lòng kiêu mạn, nhờ thế mà nay được TƯỚNG NGÓN TAY DÀI VÀ NHỎ. Thường giúp cho người những thứ cần dùng, nhờ thế mà được TƯỞNG BẢY CHỖ ĐỀU ĐẶN. Tự mình dẹp bỏ tính kiêu mạn, biết điều hòa tính tình, tùy theo sở thích của mọi người. Như pháp tu hành để diệt các điều bất thiện và tăng trưởng các pháp lành. Nhờ thế mà được TƯỚNG NỬA MÌNH TRÊN NHƯ MÌNH SƯ TỬ, TƯỚNG CÁNH TAY TRÒN LẲN VÀ TƯỚNG XƯƠNG NGỰC BẰNG PHẲNG, TƯỚNG NGÓN TAY NHỎ VÀ THÂN HÌNH ĐẦY ĐẶN. Nhờ không nói lưỡi hai chiều và làm cho những người tranh giành phải hòa thuận mà được TƯỚNG CÓ 40 RĂNG, TƯỚNG RĂNG KHÍT KHÔNG HỞ KẼ, TƯỚNG RĂNG BẰNG NHAU, ĐỀU ĐẶN. Nhờ tu các nghiệp từ bi mà được TƯỚNG RĂNG TRẮNG NHƯ NGÀ. Thấy người thiếu thốn vui vẻ giúp đỡ, đón đưa, nhờ thế mà được TƯỚNG HÀM VUÔNG NHƯ HÀM SƯ TỬ. Chứa góp lòng thương, coi hết thảy chúng sinh như cha mẹ, nhờ nhân duyên ấy mà ĐƯỢC SẮC MẮT XANH BIẾC và TƯỚNG MẮT NHƯ MẮT NGƯU VƯƠNG. Thấy người có đức, thành thật tán thán, do đó mà được TƯỚNG BẠCH HÀO.

Trích ra một số TƯỚNG trong 32 TƯỚNG TỐT của PHẬT, để ta thấy nhiều người đã tưởng tượng đó là những hảo tướng đâu đâu xa vời, rồi theo đó mà dùng xi măng, đồng, vàng, đá quý, thạch cao, để tạc lấy mà thờ. Trong khi đó chỉ là những việc làm tốt đẹp cho người khác mà mỗi người cần dựa vào đó để Làm theo, gọi là tạc nơi Thân, Tâm của chính mình, để hoàn thành 32 Tướng Tốt cho Phật của mình. Người cứ dùng chất liệu trần gian để tạc, chứng tỏ chưa hiểu gì về TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT. Như thế càng tạc tượng cho to, dùng chất liệu quý chừng nào càng làm hao tổn tiền bạc của bá tánh, và càng chứng minh là họ chưa học hết lý thuyết của Đạo Phật. Không hiểu lời Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”!

Cũng qua 32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT, ta thấy rõ ràng đó chỉ là phương tiện để Đức Thích Ca hướng dẫn cho con người sống tốt với nhau hơn, và tu hành không nhất thiết phải thuộc cho nhiều Kinh, phải chăm chú Niệm Phật, bởi thật ra GIỚI của Đạo Phật cũng chỉ để ngăn con người không rơi vào ác đạo, và mục đích của Đạo Phật chỉ là để hướng dẫn con người nên SỐNG, VÀ CƯ XỬ ĐÚNG THEO TRÁCH NHIỆM CỦA MÌNH ĐỐI VỚI CUỘC ĐỜI. Giai thoại về Nguyễn Công Trứ có ghi lại: Có một vị Sư, ỷ thuộc nhiều Kinh, đã viết câu đối:

Thuộc ba mươi sáu quyển Kinh, chẳng Phật, thánh, thần, tiên, nhưng khác tục

Nguyễn Công Trứ đối lại:

Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân, thần, phụ, tử, đếch ra người .

Qua hai câu đối, ta thấy vị Sư thì cho rằng thuộc mấy chục quyển Kinh thì dù chưa thành thánh, thần, tiên, Phật, nhưng khác với người trần tục. Vị Sư đó cũng không biết rằng việc tu hành không phải do thuộc nhiều Kinh. Lục Tổ Huệ Năng không biết chữ, làm sao đọc, làm sao thuộc Kinh? Vậy mà Ngài được Truyền Y Bát để làm Tổ. Vị Sư cũng quên rằng nếu làm người thì phải cư xử đúng như một con người với Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong gia đình thì hiếu thảo với cha, mẹ, ngoài xã hội thì làm tròn trách nhiệm của một người công dân. Nếu không phải như thế thì làm một con người còn chưa xong. Điều này thì Nguyễn Công Trứ đã nói đúng, có điều ông đã dùng lời lẽ quá nặng nề.

Tu Phật, mới nghe tưởng như phải làm những điều lớn lao, cao siêu, xa vời, vì những Bộ Kinh tả cảnh Phật hào quang chói lóa, Tây Phương Cực Lạc với Bảy Báu trang nghiêm, thanh tịnh, Chư Bồ Tát bay lướt mười phương, chỉ cần nghe lời khẩn cầu là cứu độ. Do đó, người chưa biết Nghĩa thật sự của việc tu hành thường vọng ra ngoài, tưởng tượng một Cảnh Phật ở cõi xa xôi, diệu vợi nào. Không ngờ cảnh đó ở tại nơi Tâm của mỗi chúng ta. Những gì mà Đức Thích Ca diễn tả về Cõi Phật chỉ là phương tiện để con người ham thích, vọng về đó mà bớt ôm giữ, tranh giành của cải vật chất trần tục, để cùng được sống yên ổn, an vui trong cuộc đời giả tạm.

Đọc Bài Kệ Vô Tướng của Lục Tổ Huệ Năng ta sẽ thấy: Giới, Thiền Định mà nhiều người giảng tràng giang đại hải tưởng như phàm phu muôn đời không thể hiểu nổi, thì với Ngài lại rất đơn giản:

Lòng bình đẳng đâu cần giữ Giới

Làm việc ngay há đợi Tu Thiền!

Đúng thế. Nếu ta không Sát sinh, không trộm cắp, tà dâm, nói dối, rượu chè be bét thì bản thân đã tự có GIỚI, cần gì phải Thọ Giới? Cái đó Đạo Phật gọi là GIỚI TỰ NHIÊN. THIỀN ĐỊNH chỉ là tập trung Thân, Tâm để tìm ra những điều cần làm và thực hành, nghĩ rằng sẽ đạt tới những Quả vị, thành Thánh, thành Phật, cuối cùng cũng chỉ để con người ngưng làm ác, biết yêu thương người, vật quanh mình, để tất cả đều được sống trong an vui, hạnh phúc. Nếu ta đã sống ngay ngắn, chân chính là vô tình ta đã đi đúng vào quỹ đạo của đạo Phật, do căn cơ từ kiếp trước, thì cần gì phải NGỒI cho nhiều, cho lâu, hay để thả hồn về cảnh giới cao siêu, huyền hoặc nào? Lục Tổ Huệ Năng có NGỒI THIỀN suất nào đâu mà vẫn Thấy Tánh. Đức Thích Ca cũng chỉ Ngồi có 49 ngày đêm mà được đạo. Nếu ta Ngồi hoài mà không thấy gì. Không biết Ngồi để làm gì? thì có lẽ nên xem lại để khỏi phí thì giờ vô ích. GIỚI, ĐỊNH, HUỆ là gì? Làm sao để có? Với Lục Tổ Huệ Năng thì: “Tâm địa không quấy, thì Tánh mình GIỚI. Tâm địa không Si, thì Tánh mình HUỆ. Tâm địa không rối, thì Tánh mình ĐỊNH”. Tức là cứ giữ cái Tâm cho ngay thẳng, không làm điều gian ác thì tự mình đã có Giới, đâu cần Tứ oai Nghi. Bởi nếu cái Thân giữ Tứ Oai Nghi mà cái tâm không ngay ngắn thì liệu có ích gì không?

Nếu để qua một bên những hình thức, hay Giáo Chủ của các tôn giáo thì con người chỉ còn lại hai nẻo: THIỆN và ÁC mà thôi. Vì nếu nhìn cho kỹ thì chúng ta thấy, dù giảng nói rất nhiều giáo pháp. Nói cách này, cách khác. Hoặc hứa thưởng THIÊN ĐÀNG, NIẾT BÀN. Hoặc đe dọa ĐỊA NGỤC, nhưng tựu trung chỉ là để thuyết phục con người, để cho con người CẢI ÁC, HÀNH THIỆN. Như vậy, nếu chúng ta đã thuần thiện thì lo gì phải sa Địa Ngục mà Cầu Siêu cho mất công? Ngược lại, nếu cả đời làm ác thì đừng nghĩ rằng mời thầy cao cấp tới tụng khi qua đời mà Chư Phật sẽ rước về Tây Phương Cực Lạc! Nếu chỉ cần Tụng mà siêu thăng thì Nhân Quả của Đạo Phật hóa ra vô ích? Có lẽ suy nghĩ đó chỉ phù hợp với con người thời văn minh chưa phát triển, thời này mọi thứ đều phải hợp lý thì mới chấp nhận được.

Đạo PHẬT nói NHÂN QUẢ để con người biết rằng những việc làm tốt hay xấu của mình, dù không ai biết, nhưng nó sẽ quay trở lại cho chính mình để con người thôi nghĩ ác, làm ác. Nói THƯỜNG CÒN là để chúng ta biết rằng không phải chết là hết, mà chỉ thay đổi hình tướng mà thôi. Những việc làm tốt, xấu, sẽ không mất theo cái Thân để chúng ta đừng gây Nhân Xấu để không những kiếp hiện tại bản thân ta và những người chung quanh được an ổn, kiếp sau nếu có cũng không phải bị đọa. Nói VÔ THƯỜNG để chúng ta biết rằng gia đình sum họp, đầy đủ cha, mẹ, vợ chồng, con cái mà chúng ta hiện đang có, rất mong manh, không phải mọi thứ sẽ tồn tại mãi, mà mai kia, khi Vô Thường đến, chúng ta sẽ không còn bên họ, hoặc chính chúng ta sẽ ra đi.

Rất nhiều người thích những câu thơ mang ý nghĩa man mác của Đạo và cả Đời của tác giả Ẩn Sĩ:

Trăm năm trước thì ta chưa gặp

Trăm năm sau biết có gặp lại không ?

Cuộc đời sắc sắc, không không

Thì thôi ta hãy hết lòng với nhau.

Bài thơ nói về cái Duyên hội ngộ trong hiện kiếp cần trân trọng, vì chúng ta thử xét, trong hàng tỷ tỷ hạt bụi trôi vô định trong vũ trụ, nếu không có Duyên thì dễ gì gặp được nhau? Nhất là Cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, bạn bè. Bản thân ta cũng là một hạt bụi bé nhỏ, có được người yêu thương, quan tâm chăm sóc thì quý biết bao. Nếu ý thức Vô Thường sẽ đến một ngày nào đó, cướp đi người thân của mình hẳn mọi người sẽ thương mến nhau hơn. Qua đó, cuộc sống sẽ thêm ý nghĩa, để cuộc đời không còn là vực nước mắt, là bể Khổ nữa, vì mọi người cùng nương tựa, chia sẻ khó khăn gian khổ khi còn bên nhau, để mai kia khi phải xa lìa nhau không có gì phải nuối tiếc, vì đã cư xử hết lòng với nhau.

So sánh thơ của các Thiền sư trích dẫn, ta thấy các Ngài chỉ lo nhìn hoa nở, hoa tàn, sóng phủ trên sông, không nêu ra được điều gì liên quan đến việc tu hành. Rõ ràng là chỉ NHÌN RA, trong khi Đạo Phật dạy người tu phải QUAY VÀO, bởi vì thấy VÔ THƯỜNG diễn ra trên cảnh vật làm sao bằng thấy diễn ra ngay chính nơi bản thân mình? Ngụ Ngôn của Phật thì chỉ rõ điều nên làm trong cuộc sống, nên sống thực tế với những gì đang diễn ra trước mắt, bởi cuộc sống lúc nào cũng bị đe dọa bởi cái chết. Cũng chính vì sự đe dọa đó mà chúng ta cần sống an vui trong chuỗi ngày giới hạn của mình.

Qua mấy câu thơ của hai tác giả: Kahlil Gibran và Ẩn Sĩ, ta thấy họ nêu lên được cái thực tế, đáng trân trọng của cuộc sống. Con người sống để làm gì nếu không biết yêu thương và cư xử hết lòng với nhau? Đó cũng là mục đích mà mọi tôn giáo chân chính đều hướng tới.

Cuộc đời vốn thế, vẫn là mặt trời mọc, lặn, sớm nắng, chiều mưa, hoa tàn, hoa nở, con nước lớn, ròng. Danh lợi, vật chất ngày càng thêm hấp dẫn. Nếu mọi người ý thức được sự công bằng theo luật pháp đời thôi, thì mọi thứ cũng đã tốt đẹp rồi. Trái lại, ai cũng muốn thu về cho mình nhiều thứ tốt đẹp nhất mà ít tốn công sức, chính vì thế mà trần gian thêm rối loạn! Vì vậy, để gỡ bớt những tham muốn bạc, vàng, châu báu của trần gian rồi tranh giành nhau để chiếm đoạt làm cho cuộc đời thêm bất ổn, Đức Thích Ca đã mô tả Tây Phương Cực Lạc được trang hoàng bằng những thứ quý báu nhất, để cho con người bớt bám lấy của cải trần gian rồi theo điều kiện mà Đạo Phật đặt ra để sống cho tốt đẹp mong có ngày được Phật rước về đó.

Thế rồi đối lập với những người xem cảnh đời là thật rồi tranh giành, bóc lột, xâu xé nhau lại sinh ra một số khác cho cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì cả, dính líu tới tục lụy là Khổ, nên bỏ hết mọi sinh hoạt của cuộc đời để chỉ tụng Kinh, Niệm Phật chờ Phật rước, thành phí hoài cả kiếp sống. Tất nhiên mỗi người đều có quyền sống theo ý thích, vì tự chịu trách nhiệm lấy cuộc đời của mình. Nhưng sở dĩ họ chọn cách sống như thế là do hiểu lầm ý Kinh, lời Phật. Thử đối chiếu các Giới và Hạnh mà người tu Phật phải giữ, ta thấy, rốt cuộc đó chỉ là phương tiện để giúp cho người chưa đủ tự chủ ngưng làm ác và sống cuộc sống đạo đức. Do đó, thật ra không cần tu hành khó khăn, gian khổ, chỉ cần mọi người ý thức cảnh trần là giả tạm để yêu thương, giúp đỡ nhau. Không còn Tham Lam, Sân Hận, Si Mê, ganh tỵ, mà chỉ còn lòng TỪ, BI, HỈ, XẢ, thì trần gian đau khổ sẽ biến thành Niết Bàn, Phật Quốc. Con cái yêu thương cha mẹ. Vợ chồng yêu thương nhau. Hàng xóm, láng giềng hòa thuận. Nước này không tranh chấp với nước kia để gây cảnh máu đổ xương rơi, thì cảnh trần sẽ đẹp biết bao. Đó là Niết Bàn tại thế, còn tìm ở đâu xa vời?

Việc tu hành với nhiều người thật là thiên nan, vạn nan. Phải giữ hàng mấy trăm Giới. Ngay cả đi, đứng, ngồi, nằm cũng bị gò bó. Với Tổ Đạt Ma chỉ đơn giản:

“Bao giờ học Tâm thôi.

Viên thành tướng chân thật

Chợt rõ bỏ ý tu”

(Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất)

Thật vậy, Tâm là chủ của Vạn pháp. Người tu Phật chỉ cần “Điều Tâm” là xong, vì Thiện, Ác, Xấu, Tốt, Ma, Phật, Địa Ngục, Niết Bàn... đều khởi từ đó. Ai biết được điều này gọi là Tu Đốn. Còn nếu không biết, cứ Tướng mà hành, lại hướng ra tìm Phật ngoài, thì ắt nhiều kiếp cũng khó xong.

Tôi tin rằng một ngày không xa, khi Chánh Pháp được phổ biến rộng rãi, mọi người đều hiểu được ý nghĩa thật sự của việc tu hành, quay vào Tâm của mình để mà Tu Sửa, thì không những tất cả mọi người đều được an vui, mà đồng tiền của bá tánh cũng sẽ được sử dụng một cách hợp lý hơn. Đã đành Phật Tử quen xem Chùa chiền như một nơi để hướng về, để nương tựa, để tìm an ổn khi bị dòng đời vùi dập, trong khi chưa đủ sức để Tự Độ, nên Chùa chiền không thể thiếu. Chính vì vậy mà lẽ ra những vị tu hành phải là người đã ý thức rõ mục đích của Đạo Phật, có nhiệm vụ phá mê cho bá tánh, dẫn dắt họ hiểu cho đúng về Đạo Phật, để họ biết rằng Phật không phải là một vị Thần Linh mà ai thành khẩn cầu xin thì sẽ phù hộ độ trì cho, mà Phật là tình trạng Giải Thoát mà bất cứ ai hành trì theo con đường Đức Thích Ca đã chỉ thì cũng sẽ được Giải Thoát giống như Ngài. Rồi thay vì cất Chùa cho hoành tráng chỉ để những Tượng đá, Tượng gỗ ngự, thì cất vừa phải, dành những đồng tiền bá tánh đóng góp để làm học bổng, giúp đỡ những trẻ em nghèo, cho chúng có điều kiện học chữ, học nghề, tương lai lo cho bản thân, không để vì nghèo túng, đói khổ mà “bần cùng sinh đạo tặc”. Đó cũng là cách tiếp tay với xã hội “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì giới trẻ chưa đủ suy nghĩ chín chắn, không thể thả nổi mà có thể tự vào đời và trưởng thành theo con đường tốt, cần có thời gian ở trong môi trường giáo dục để được định hướng và rèn luyện nhân cách, đạo đức.

Thêm một sự thật quá đắng lòng không thể không nhắc đến. Đó là hình ảnh Bệnh Viện quá tải. Bệnh nhân từ khắp nơi khăn gói đến ăn chực nằm chờ chữa trị nằm la liệt. Điều kiện ăn, ở, vệ sinh quá thiếu thốn. Nhiều nhóm từ thiện cũng rủ nhau chia sẻ những bữa cơm, những ly nước, đỡ bớt chút gánh nặng cho họ. Nhưng đã thấm vào đâu, bởi có quá nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ. Phải chi những đại gia tiền bạc thừa thãi, muốn làm phước góp phần xây thêm Bệnh Viện, Xây Cầu, Làm Đường cho dân đi lại mua bán, làm ăn. Cứu giúp những trường hợp quá khó khăn, bệnh mà không tiền chữa trị. Giúp chút vốn cho những người đang trắng tay, muốn vươn lên mà không có phương tiện thì tốt biết mấy. Bồ Tát có nghìn Tay, nghìn Mắt để làm gì, nếu không phải là để Thấy, để cứu giúp bá tánh được nhiều hơn? Thay vì hành Bồ Tát Hạnh, trực tiếp đưa tay “cứu khổ cứu nạn” cho người đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đang cần sự trợ giúp khẩn cấp để vượt qua, sao các vị lại phải dồn thật nhiều tiền cất Chùa rồi kêu họ vào đó cầu xin Phật? Những người đang bị bức bách kia cũng là những vị “Phật sẽ thành”. Giúp họ cũng là giúp cho Phật. Phước báo đâu có mất. Hơn nữa, làm phúc, bố thí mà không tính toán so đo, không đòi hỏi phước báo trả lại, đó là ta đang hành pháp Chân Bố Thí, thật sự thể hiện tâm TỪ, BI, HỈ, XẢ của người tu Phật và đức yêu thương, đùm bọc nhau. “Thương người như thể thương thân” của con người đối với nhau.

Vài năm gần đây, một số trường hợp tự tử vì bế tắc đã làm rúng động xã hội. Họ đã hết cách, cùng đường nên phải chối bỏ cuộc sống. Do xã hội thiếu quan tâm để kịp thời giúp họ, để lại hệ quả đau lòng suốt đời cho người thân của họ. Mong rằng những vị hằng tâm, hằng sản đừng để cho những trường hợp bi thương như vậy xảy ra nữa. Người xưa có câu:

Dẫu xây chín bậc phù đồ.

Không bằng làm phúc cứu cho một người.

Là con của Phật, đang học làm Hạnh Bồ Tát, lẽ ra ta nên “tầm thinh cứu nạn”, vì đợi đến lúc họ cùng quẫn mà hành động dạt dột, ta mới nghĩ lại thì đã muộn mất. Gần đây có một đại gia tuyên bố bỏ ra cả ngàn tỷ để giúp những trẻ em bị bệnh tim được giải phẫu. Đó là một tin rất đáng mừng cho xã hội mà con người chỉ biết nghĩ đến bản thân như hiện nay.

Kiếp người tuy nói là ngắn ngủi, nhưng trong 100 năm đó những người yêu thương cuộc đời đã làm biết bao nhiêu việc hữu ích cho xã hội. Nghiên cứu biết bao phương thức để trị bệnh. Cải tiến khoa học kỹ thuật để phục vụ cho cuộc sống. Mọi người đâu cần làm gì lớn lao, chỉ cần tùy theo khả năng của mình mà đóng góp cho xã hội, vừa trả nợ áo cơm, mà cũng là đền Tứ Ân. Nếu ta thật sự biết yêu thương cuộc đời, biết quý trọng giá trị của cuộc sống, lòng không còn câm thù, đố kỵ, mà thanh thản, an vui, hẳn mỗi sáng thức dậy ta lại có thể nghĩ đến 2 câu thơ:

Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy.

Ta có thêm ngày nữa để yêu thương .

Đúng thế. Chỉ cần mọi người biết yêu thương nhau thì cuộc đời sẽ tươi đẹp biết bao nhiêu. Trước hết là Gia đình hạnh phúc. Xã hội không còn ai bóc lột ai. Mọi người không tạo Ác Nghiệp, đương nhiên lúc sống được an vui mà khi hết kiếp, bỏ thân xác cũng sẽ về nơi tốt lành, chẳng cần ai Độ cho. Sống không cần Cầu An. Chết cũng không phải Cầu Siêu. Đó cũng là hình thức Tự Tu, Tự Độ theo Nhân Quả của Đạo Phật chân chính.

Cũng tại lớp người đi trước hiểu lầm văn tự, không chịu đọc hết Kinh để thấy những lời giải thích lần lượt trong đó. Vừa mới nghe giảng về Phật đã tưởng Phật là “Thần Linh có thể cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới” nên sinh lòng ngưỡng mộ, rồi Xuất Gia tu hành để “Cống hiến cuộc đời cho Phật”. Khi vào tu rồi thì cứ rập khuôn theo hình tướng, việc làm mà ngày xưa Đức Thích Ca và Chư Tăng đã làm, không tìm hiểu cho kỹ để biết đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh, rồi cứ thế, đời nọ truyền, đời kia tiếp nối. Cho nên, cứ nói đến tu hành là mọi người nghĩ ngay đến Ly Gia, Cắt Ái, Đầu tròn, Áo vuông, bỏ hết việc đời. Vì thế, nhiều người cũng muốn tu hành, nhưng vướng bận cha mẹ già, con cái chưa trưởng thành, hẹn lúc về hưu, rảnh rang sẽ đi tu, thì có người lại nhắc nhở: “Nhược đãi lão lai phương Niệm Phật. Cô Phần đa thị thiếu niên nhân”. Có nghĩa là đừng đợi già rồi mới tu. Người chết phần nhiều ở tuổi còn trẻ” làm cho họ càng thêm hoang mang.

Nhưng nếu có đọc Pháp Bảo Đàn Kinh, ta thấy Lục Tổ dạy: “Phật Pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác” mà ai có nghiên cứu Đạo Phật sẽ thấy: Tu Phật là để học cách đối phó với cuộc đời, không phải để trốn đời, không phải để xa lánh, chối bỏ cuộc đời, vì người tu xong còn phải đền Tứ Ân. Việc tu hành theo Đạo Phật chỉ là để con người tiếp tục sống giữa trần gian đầy phiền não mà không còn bị phiền não nhấn chìm. Không phải để bỏ đời vọng về Cõi Phật nào khác. Kiểm chứng lại ta thấy: Thuyết VÔ THƯỜNG, KHỔ, KHÔNG, VÔ NGÃ nói về cuộc đời là Khổ, là không trường tồn, để chúng ta thấy được sự mong manh của kiếp người. TỨ DIỆU ĐẾ thì 2 Đế trước để nói về những cảnh Khổ mà kiếp người phải chịu đựng. Hai Đế sau là DIỆT ĐẾ và ĐẠO ĐẾ, chỉ CON ĐƯỜNG CẦN THEO ĐỂ ĐƯỢC HẾT KHỔ. Phương Tiện tu hành là GIỚI và BÁT CHÁNH ĐẠO là những gì con người nên tuân thủ, nên thực hiện trong cuộc sống, để THÂN, KHẨU, Ý được thanh tịnh, không bị va chạm, vướng mắc với các Pháp mà thôi.

Hầu hết Phật Tử đều hiểu lầm, tưởng rằng Xuất Gia là đã “Thoát vòng tục lụy”. Cho rằng Giữ càng nhiều Giới, Tụng Kinh, Niệm Phật nhiều thời trong ngày, Ngồi Thiền càng lâu thì công đức càng nhiều. Không ngờ ngoài NGỮ còn có NGHĨA mà Phật đã dặn trong TỨ Y là phải Y NGHĨA BẤT Y NGỮ. Có nghĩa là nếu chưa phân biệt được NGHĨA và NGỮ để thực hành cho đúng, thì người tu hành khó thể thành công được. Thật vậy, nếu chỉ LY GIA mà chưa rời NHÀ LỬA TAM GIỚI. CẮT ÁI với cha mẹ, anh em, vợ con, mà không cắt đứt VÔ MINH, THAM ÁI. XA RỜI QUYẾN THUỘC, mà chưa rời 3 Nghiệp của Thân và 4 Nghiệp của Khẩu. thì những việc làm trên hình thức đó chẳng có giá trị gì đối với công việc tu hành. Giữ TƯỚNG GIỚI không có giá trị bằng TÂM GIỚI. Vì hình tướng thì ngay ngắn, mà cái TÂM còn buông lung thì làm sao thanh tịnh? Ngay cả HÌNH TƯỚNG của người tu không phải dừng ở Đầu Tròn, Áo Vuông, mà để nói lên những gì mà họ cần thực hiện trong cuộc đời tu hành. ĐẦU TRÒN, ÁO VUÔNG, tượng trưng cho những suy nghĩ, những gì được chứa đựng trong đầu không nên góc cạnh, mà tròn trịa, trơn tru. Những gì được thể hiện nơi Thân, cũng phải ngay ngắn, để đối pháp, đối nhân không bị va chạm, không làm thương tổn người khác. CẠO TÓC tượng trưng cho sự CẠO SẠCH PHIỀN NÃO, không để nó đeo đẳng, vướng víu trong đầu. THÂN ĐẮP Y HOẠI SẮC tượng trưng cho sự THOÁT PHÁP. SẮC là nói về những Pháp mà mọi người vẫn phải đối mặt hàng ngày: Đó là Tham, Sân, Si, Thương, Ghét, Giận hờn, Đố kỵ… Cần phải HOẠI nó, loại nó ra khỏi suy nghĩ, hành vi của ta. Do đó, không phải là chỉ cần nhuộm màu vàng cho áo, cạo cho sạch tóc. Đi, đứng, ngồi, nằm cho trang nghiêm. Giữ thật là nhiều Giới là xong!

Mọi người đều đã rõ việc tu hành cần thực hiện bằng hành động Xả những thói xấu, chẳng phải chỉ do hình tướng hay thức ăn. Cho nên có câu:

Tham, Sân, Thương, Ghét.. không chừa

Bo bo mà giữ tương dưa ích gì.

Người tu có thành tựu được hay không là do những việc làm gọi là Hạnh. Cũng giống như một người chạm, hay nặn tượng. Có thành hình, có giống như mẫu hay không là do tay nghề, do hiểu rõ cách thức, do công phu thực hiện, không phải do sắc phục, hay nơi chốn làm việc. Vì vậy, nếu chúng ta không muốn phí phạm thời gian thì nên xét kỹ để thực hành cho đúng theo lời Phật, Tổ dặn dò.

Phải nói rằng con người rất là may mắn. Vừa sinh ra đã được đặt vào trái đất là một hành tinh màu mỡ với bao nhiêu kỳ hoa, dị thảo. Cây lành, trái ngọt sum suê. Biển rộng mênh mông. Sông dài uốn lượn. Núi non chập chùng. Thảo nguyên bao la với rất nhiều phong cảnh được thiên nhiên khắc họa tuyệt vời. Xuân, Hạ, Thu, Đông Bốn Mùa đủ các loài hoa khoe sắc. Chỉ cần con người đừng tranh giành, bắn giết nhau, đừng tàn phá thiên nhiên mà chung tay giữ gìn, vun bồi để cùng nhau thưởng ngoạn thì trần gian sẽ trở thành Địa Đàng. Chúng ta đừng quên rằng kiếp sống không dài, dù có sức mạnh để lấn át người khác mà tranh giành được thứ gì quý giá thì cuối cùng cũng phải bỏ lại mà thôi. Nếu lời cảnh báo của các Tôn Giáo không đáng cho chúng ta quan tâm, thì lịch sử đã chứng minh: Bao nhiêu bạo chúa, bao nhiêu nhà độc tài, bao nhiêu kẻ sống ích kỷ rồi cũng chẳng đem theo được gì. Vì thế, những lúc còn bên nhau thì hãy yêu thương nhau, yêu thương cuộc đời, góp tay làm những việc thiết thực cho cuộc đời, để mai kia khi ra đi không có gì phải hối tiếc.

Năm 2012, Richard Teo một Bs Thẩm Mỹ người Singapore rất thành đạt, giàu có, phát hiện mình bị ung thư Phổi giai đoạn cuối và đã qua đời ở tuổi mới 40! Trước khi mất vài tháng, ông đã đến nói chuyện với Nhóm SV Nha Khoa để chia sẻ những ý nghĩ về đời sống. Trước kia ông cho rằng vật chất đầy đủ là hạnh phúc. Ông đã phấn đấu và đạt được mọi thứ, sẵn sàng chối bỏ lương tâm của một Bs, chuyển sang học ngành Thẩm Mỹ để có thật nhiều tiền, và ông đã thành công trong một thời gian ngắn. Đến lúc biết mình sắp chết ông mới nhận ra là chưa biết cách sống, và thấy rằng mình đã học được bài học, là “Nên tin tưởng Đấng Tạo Hóa trong tâm và biết yêu thương người khác thay vì chỉ yêu bản thân”. Theo tôi, đó cũng là một thông điệp đáng cho chúng ta suy gẫm.

Tháng 7 vừa qua, liên tiếp những tai nạn máy bay, cướp đi sinh mạng của hàng loạt người khiến thế giới bàng hoàng, thấy rõ cái chết không hẹn trước với bất cứ ai. Cuối tháng lại thêm Toàn Shinoda, một Vlogger rất nổi tiếng trên mạng. Là người tốt nghiệp từ Mỹ, nhưng chọn quay về VN để làm việc. Em cũng là người đầu tiên mang Vlog du nhập vào VN, truyền tải những nội dung nóng hổi của giới trẻ dưới góc nhìn hài hước, nhưng sâu sắc, đã ra đi ở tuổi 27, mang theo bao nhiêu hoài bão, làm dậy sóng cộng đồng mạng trẻ, làm cho họ ngỡ ngàng, tiếc nuối. Hàng triệu người trẻ đánh giá rằng dù Toàn ra đi rất sớm, nhưng đã “cháy” hết mình cho cuộc sống, và cho rằng có lẽ qua đó họ cũng sẽ bắt đầu nhìn lại cuộc sống của chính mình.

Dù cuối đường ai cũng biết là cái chết đang đợi, nhưng mải chạy theo những ham muốn, những nhu cầu của cuộc sống, ít ai nghĩ tới ngày đó. Đợi đến lúc sắp chết mới hay rằng mình chưa kịp sống! Tôi nghĩ rằng đó không phải chỉ là tâm trạng của Bs Teo mà còn là của rất nhiều người. Vấn đề không phải là chúng ta sống thọ hay không, mà là đóng góp được gì cho xã hội, cho cuộc đời trong thời gian tồn tại. Mỗi người hoàn toàn có quyền hưởng thụ cuộc sống theo cách của mình miễn không vi phạm đạo đức. Có gia đình thì có cái hạnh phúc của lứa đôi, có người chia vui, sẻ buồn. Vợ chồng cùng giáo dục, nhìn con cái trưởng thành, thành công trong cuộc sống. Độc thân thì ít trách nhiệm hơn. Người tu Phật cũng không cần phải nhịn ăn, nhịn mặc, không được dính tới vật chất của trần gian. Nếu ý thức rõ ràng về NHÂN QUẢ, ta sẽ thấy, nếu muốn nhà lầu, xe hơi, phương tiện tối tân thì Đạo Phật cũng đâu có cấm, miễn là những thứ đó được trao đổi một cách công bằng, không do vi phạm pháp luật, đạo đức, bóc lột, hay lợi dụng người khác.

Giữa hai thái cực: Cưng chiều cái Thân, đáp ứng cho nó mọi yêu cầu, bất chấp đạo lý, nhân cách, và hành hạ nó, bắt nó ăn đói, mặc rách, thức khuya dậy sớm đều không cần thiết, bởi thật ra mọi lỗi lầm không phải do nó. Thủ phạm chính là cái VỌNG TÂM. Cái Thân là đống tứ đại kết hợp, chỉ là tay sai mà thôi. Khi chưa tu hành thì nó lôi con người vào đường xấu. Gây tội, tạo Nghiệp. Nhưng lúc ý thức được việc tu hành thì chính nó lại là ân nhân, đưa người tu đến Giải Thoát. Vì nhờ có Mắt mà ta mới đọc được lời Phật, Tổ. Nhờ có Tai ta mới nghe được những lời thuyết giảng. Nhờ có cái Thân này ta mới thực hành được những pháp lành. Giúp đỡ được cho người khác. Bộ phận chỉ huy chính là CÁI TÂM. Do đó con đường Tu Phật theo ĐỐN GIÁO là CHUYỂN HÓA CÁI TÂM, hay là ĐIỀU TÂM, không phải ĐIỀU THÂN.

Việc tu Phật dù bàn rộng ra thì đến Thiên Kinh Vạn Quyển, nhưng tóm lại, chỉ cần khống chế 6 tên giặc: MẮT, TAI, MŨI, LƯỠI, THÂN, Ý, không cho nó đưa các pháp vào làm náo loạn cái Tâm của mình và làm ảnh hưởng đến người chung quanh để tất cả đều được an vui. Nhưng không phải nhắm mắt, bịt tai, không nếm, ngửi, va chạm, hay Diệt hết mọi tư tưởng, mà chủ yếu là thanh lọc Cái Tâm, vì đó là nơi tiếp nhận và phản ứng với Các Pháp… Chuyển hóa nó, tẩy đi các chất độc là Tham, Sân, Si, Thương, Ghét, để khi đối pháp không còn Khởi những thứ đó nữa thì những cuộc sống của mọi người sẽ nhẹ nhàng hơn, vì chúng ta thấy, đa phần bạo lực đều khởi đầu do Sân Si mà ra.

Việc tu hành là chủ yếu ở nơi Tâm, nên không cần phải rườm rà hình tướng, cũng không cần phải cách ly với người đời. Mọi người vẫn vừa có thể tiếp tục công việc bình thường, vừa học hỏi và thực hành ngay tại cuộc sống thường nhật. Vì thế, bất cứ ở đâu, ăn mặc như thế nào, làm nghề gì thì cũng có thể tu được. Nhưng khó hơn cả là Tu Tại Gia. Ông bà ta có câu: “Thứ nhất là tu Tại Gia. Thứ nhì tại Chợ. Thứ ba tại Chùa” có thể hiểu như sau: Tại Gia thì khó tu hơn cả, vì quanh mình lúc nào cũng có người. Trên là cha, mẹ. Kề bên là vợ con. Quanh nhà là hàng xóm. Vô sở làm thì cấp trên, bạn cùng sở. Nếu không tốt nhịn tránh sao khỏi va chạm? Lại phải gánh vác cho cả gia đình, với cơm, áo, gạo, tiền và trăm thứ khác. Vật giá thì cứ leo thang. Đồng lương thì giới hạn… đối phó cũng đủ điên cái đầu. Ở Chùa thì tách biệt với thế nhân. Đã có tường rào che chắn. Quanh mình chỉ là những người cũng tu hành như mình, cùng giữ Giới, nên cũng bớt Sân Si, tranh chấp ngôi thứ. Hơn nữa, mọi thứ, từ cái ăn, cái mặc và tất cả chi phí đã có người cung cấp, không phải làm lụng vất vả để kiếm ăn. Cả ngày chỉ Tụng Kinh, Niệm Phật, lại không tham gia việc đời, đâu phải va chạm thì có gì mà phiền não!

Nhưng Tu tại gia có cái lợi là vừa có thể làm tròn trách nhiệm của một người con, một người làm cha, mẹ, một người công dân của xã hội, vừa trực tiếp đóng góp công, sức mình để trả nợ Tứ Ân. Như thế, dù có tu hành không xong thì cũng không mang nợ bá tánh, bởi ai cũng biết: “Ông tu, ông đắc. bà tu, bà đắc”. Người tu dù có thành công thì cũng chính mình hưởng thành quả mà thôi, không thể san sẻ hay cứu độ cho ai khác. Nhiều lắm là chỉ hướng dẫn lại mà thôi.

Người không đọc Kinh, chỉ nghe người khác nói rồi tin thì sẽ bị thiệt thòi, vì có đọc Kinh mới thấy Đức Thích Ca đã dùng rất nhiều Phương tiện: Tả bao nhiêu Nước Phật huy hoàng, tráng lệ. Bao nhiêu vị Phật, Bồ Tát hiển linh. Bao nhiêu Quả Vị. Bắt người tu phải giữ bao nhiêu Giới. Hành bao nhiêu Hạnh… tưởng chừng thực hiện xong sẽ trở thành Phật hay thánh nhân, ngồi trên Tòa Sen để “cứu nhân độ thế” làm cho nhiều người hiểu lầm văn tự mơ màng, ảo tưởng… không ngờ kết quả chỉ là “SỐNG AN, CHẾT LÀNH. CÓ TÁI SINH CŨNG VỀ NƠI TỐT ĐẸP”. Đó là mục đích của Đạo Phật được ghi rõ trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Người Tu Phật chỉ làm công việc SỬA CÁI TÂM CỦA MÌNH, loại trừ THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHÉT, thì lúc nào, hoàn cảnh nào mà chẳng làm được, đợi gì phải rảnh rang, nhẹ gánh áo cơm? Ngược lại, càng vào Đạo sớm ngày nào là được lợi lạc ngày đó. Chính sự hiểu lầm từ bao thời, cho rằng nếu muốn tu hành thì phải đầy đủ hình tướng đã cản trở biết bao nhiêu người muốn phát tâm, làm cho Đạo Phật không đại chúng hóa được mà chỉ dành riêng cho một số người đủ điều kiện Xuất gia mà thôi. Xét kỹ con đường tu hành, dù là Xuất Gia hay tại gia, chúng ta thấy mục đích cuối cùng vẫn là đạt được: “Tứ Đại Giai Không” hay “Lục Căn thanh tịnh”. Những thứ này do Chuyển Hóa cái Tâm mà có kết quả. Hình tướng, nơi chốn, hoàn toàn không đóng góp hay quyết định gì cho việc thành tựu đó cả.

Có người sẽ không đồng ý, cho rằng nếu tu theo Đạo Phật mà chỉ cần làm có bao nhiêu việc thì quá tầm thường, bởi rõ ràng Kinh viết nào là Chư Phật, Chư Bồ Tát, Tứ Quả Thánh. Tây Phương Cực Lạc, Đông Phương Tịnh Quốc… Rồi thì Phật “cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới” là thế nào? Chẳng lẽ những điều đó không có thật? Và tu hành nếu cuối cùng chẳng có Chứng Đắc gì cả thì chịu đựng bao gian khổ để làm gì?

Điều này có lẽ phải hỏi lại người chất vấn. Chẳng lẽ chúng ta quên Đạo Phật được gọi là ĐẠO ĐỘ KHỔ hay là Đạo NHÂN QUẢ? Tự con người thấy Khổ, Phát Tâm vô Đạo để trốn, được một thời gian lại đòi làm Phật, làm Thánh, Đòi quả này quả nọ!? Như vậy Đức Thích Ca hay chính chúng ta tiền hậu bất nhất? Thấy vậy ta mới thương Đức Thích Ca. Vì thương con người, muốn cho họ hết Khổ mà Ngài đã phải bày ra vô số phương tiện, rồi còn phải biện minh trong Phẩm Anh Nhi Hạnh, Kinh Đại Bát Niết Bàn: “Lại như Anh Nhi lúc kêu khóc, cha mẹ liền lấy lá dương vàng mà bảo rằng : Nín đi đừng khóc. Vàng đây ta cho con. Anh Nhi thấy là dương vàng tưởng là vàng thật bèn thôi không khóc nữa. Nhưng đây là lá dương, chẳng phải vàng thật. Cũng vậy, trâu gỗ, ngựa gỗ, người gỗ, Anh nhi cũng tưởng là trâu, ngựa, người thật liền chẳng khóc nữa”. Lá Dương Vàng, Trâu gỗ, ngựa gỗ.. là các Nước Phật, Quả vị… là Phương Tiện mà Đức Thích Ca dùng để dỗ con nít nín khóc. Con người nhờ đó mà Hết Khổ. Như vậy chẳng phải Đức Thích Ca đã đạt được mục đích hay sao?

Phải nhìn nhận rằng Đức Thích Ca không chỉ là một nhà truyền giáo mà còn là một nhà Tâm Lý Học siêu đẳng. Biết con người vì đam mê vàng, bạc, kim cương, ngọc ngà châu báu là những món quý của trần gian, rồi tranh giành, lừa dối nhau, thậm chí là giết nhau để chiếm đoạt, tạo Ác Nghiệp, trong tương lai gần hay xa phải trả. Nhưng nếu nói chuyện Trả Nghiệp thì xem ra quá xa vời, con người có thấy đâu mà sợ. Cho nên Ngài dùng đúng Bảy món Báu, mà rất rất nhiều, ở một nơi khác, để cho con người tạm buông bỏ những thứ nhỏ nhặt đang tranh giành, hy vọng sẽ có được nhiều vô số kể, rồi làm theo những gì Ngài hướng dẫn để được rước về đó. Nhờ vậy mà tạm được yên ổn. Con người vốn ham địa vị, nếu biết tu hành rồi chẳng có được chức vụ nào trong Đạo thì tu làm gì? Vì thế, Tứ Quả Thánh được đưa ra để dụ họ, trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa gọi đó là Hóa Thành Dụ, tức là một chỗ tạm nghỉ ngơi cho người đi đường xa. Nhưng không phải là hành trì gian khổ cuối cùng là chẳng được gì hết. Cái người tu đạt được gọi là VIÊN NHƯ Ý BỬU CHÂU. Có nghĩa là mọi thứ đều được hài lòng, do không còn đòi hỏi, tìm cầu. Đó là cái Hạnh Phúc, cái An Lạc chẳng phải là thứ mà tất cả mọi người, nghèo cũng như giàu, sang cũng như hèn đều mong có đó sao?

Nhìn lại cuộc đời tu hành của Đức Thích Ca, ta thấy từ lúc Đắc Đạo cho đến đi giảng suốt 49 năm, Ngài không hề thi triển thần thông, không hề cứu độ một ai. Thậm chí cuối đời còn chết vì “ngộ độc thực phẩm” do Thuần Đà cúng dường! Chẳng lẽ lúc sống chỉ là con người bình thường, sau khi chết lại hiển linh? Tất cả “Chư Phật, Bồ Tát, cứu độ Chúng Sinh trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới”, là nói về nhũng tư tưởng tốt, xấu, lúc nào cũng lăng xăng khởi, diệt trong Cõi Tâm của mỗi người. Trong đó có những tư tưởng thánh thiện, giả gọi là Phật, Bồ Tát, và những tư tưởng xấu, ác, si mê được gọi là Chúng Sinh. Nói Tam Thiên Đại thiên hay Ba Cõi vì có 3 xu hướng: Tham, Sân và Si, lúc nào cũng “trùng trùng duyên khởi”. Mỗi người phải tự mình độ những “Chúng Sinh” đó cho chính mình, nên Đạo Phật gọi là Đạo TỰ ĐỘ. Nếu Phật Thích Ca Độ được mọi người thì Ngài còn đặt ra Giáo Pháp để hướng dẫn chúng ta làm gì. Cứ dạy cầu xin là đủ, và cũng không cần đề cập đến NHÂN QUẢ nữa! Với người ngóng chờ về Tây Phương, Đông Phương thì Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Ly thế mịch Bồ Đề. Cáp như cầm thố giác” Có nghĩa là việc tu hành thành tựu hay không, cũng ở tại trần gian. Không thể tìm giải thoát ngoài thế gian. Rời thế gian, tưởng tượng cảnh giới nào đó để tìm Bồ Đề thì cũng giống như tìm sừng thỏ. Hơn nữa, cảnh trần dù giả tạm, nhưng cũng kéo dài cả 100 năm, chúng ta hoàn toàn có quyền mơ màng chuyện bên kia thế giới, nhưng tại sao không chung tay cùng mọi người xây dựng hiện tại cho nó thêm tốt đẹp, vì có vô Chùa đi nữa vẫn phải dùng áo, cơm và mọi phương tiện sinh hoạt của đời? Nếu có xét kỹ Nhân Quả hẳn mọi người không dám khinh xuất. Có lẽ vì lý do đó mà ta thấy MÃ TỔ ngày xưa dù cai quản cả một Thiền Viện, nhưng đã “Nhất nhật bất tác. Nhất nhật bất thực”.

Qua tham khảo khá nhiều Bộ Kinh lớn, tôi rút ra kết luận rằng Đạo Phật chân chính là một con đường giúp cho con người giải quyết cuộc sống một cách hết sức là thực tế. Người tu Phật không làm cho cuộc đời thay đổi, nhưng tự thay đổi cái nhìn của mình đối với cuộc đời. Nếu trước khi tu học mọi người thấy cuộc đời là Thật, lúc nào cũng chiều theo những gì do Lục Căn mang vào làm cho cái Tâm luôn bất an. Rồi khi thấy bất lực với cuộc đời thì mong chờ sự cứu độ của Thần Linh, dù không biết rằng các vị có hay không. Từ khi biết đến Đạo Phật, người tu sẽ học được sự Tự Chủ, Tự Tin, tự tạo Nhân lành và biết rằng Quả Thiện sẽ đến mà không cần cầu xin ai. Ngay cả khi lỡ phạm tội ác tày trời thì cũng chẳng cần phải Sám Hối với Phật nào, chỉ cần tự Sám và không tái phạm, vì biết đó là tự ta có lỗi với chính mình, bôi bẩn Phật của chính mình, không ảnh hưởng tới Phật nào khác. Và cũng chính ta là người phải trả Nghiệp, không có Phật nào trả giùm hay có quyền tha thứ cho ta được.

Không xin bớt. Không nài thêm. Gặp điều xấu thì biết đó là Quả đã gieo từ trước, không phải tự nhiên mà đến với mình, nên không oán trách. Không vi phạm những gì không thuộc về mình. Tự mình sắp xếp cuộc sống, không nương tựa, cầu xin… tất cả nhờ Quán Sát, Tư Duy, chiêm nghiệm, thực hành. Qua đó sẽ thấy cuộc đời không bền, không thật, chỉ là giấc mơ trăm năm nên con người sẽ rộng lượng hơn, bao dung hơn, yêu thương cuộc đời hơn, và đóng góp trong sức mình để xứng đáng một kiếp sống, bởi ý thức có được thân người không dễ dàng. Biết cuộc đời là Vô Thường. Duyên cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè cũng khó khăn lắm mới có thể gặp nhau, và chỉ được gần bên nhau kiếp này mà thôi. Một lần chia tay sẽ là mãi mãi, vì thế nên trân trọng thời gian bên nhau và yêu quý nhau, để kiếp sống được an vui gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Đó là những gì mà Đức Thích Ca đã bỏ một đời để rao giảng và 33 vị Tổ nối truyền còn ghi lại trong Kinh Sách.

Phải chăng khi người đời không còn đối đầu, thù nghịch, tranh giành với nhau, mà chỉ còn tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau thì tất cả sẽ được sống an lành, hạnh phúc cho đến hết kiếp trên hành tinh xanh này. Đó không chỉ là mục đích của Đạo Phật, mà cũng là mục tiêu của tất cả các Tôn Giáo chân chính, và những con người văn minh, tiến bộ vậy.

(7/2014)



VVM.08.11.2024.