N
ói về Văn chương nghệ thuật Truyện Kiều thì thực không bút nào tả xiết, và ta đành phải dùng ý sau đây của Mộng Liên Đường chủ nhân trong LỜI TỰA TRUYỆN KIỀU viết từ cách đây gần hai thế kỷ (1820): “...Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi đau đớn như đứt ruột...” hoặc “...Nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy...”. Chúng tôi không chỉ muốn ca ngợi văn tài của Nguyễn Du một cách chung chung mà nêu ra những dẫn chứng cụ thể rõ ràng, xin được xét ở đây cách sử dụng 3 từ láy độc đáo của Thần bút Nguyễn Du. 1. TỪ LÁY NGỔN NGANG
Ngổn ngang được dùng 4 lần trong Truyện Kiều ở những vị trí khác nhau với sắc thái tu từ khác nhau nhưng đều rất hợp cảnh, hợp người. Khi chị em Kiều đi lễ hội Đạp Thanh là cảnh:
0049. Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay.
Ngổn ngang : hình dung những vật rải rác không có hàng lối (Từ điển Truyện Kiều), chị em Kiều kéo nhau lên gò lên đồi, những gò đống (đồi núi không cao lắm) ở đây chồng chất mọi nơi không có trật tự gì cả. Từ láy đặt lên đầu câu làm tăng vẻ lộn xộn của cảnh vật nơi đây.
Sau hội Đạp Thanh, tối đến, dưới ánh trăng “Gương nga chênh chếch dòm song”, Kiều nhớ và nghĩ đến Đạm Tiên và Kim Trọng mà:
0183. Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình.
Ngổn ngang theo nghĩa bóng chỉ tình hình bề bộn nhiều mối (Từ điển Truyện Kiều), ý nghĩ của nàng trở nên lộn xộn, chồng chất tựa như không gỡ ra được, từ láy cũng đặt ở đầu khổ thơ như muốn nhấn mạnh đến những mối lo nghĩ trong lòng, không biết làm sao.
Khi Kiều quyết định bán mình thì Vương Ông toan “gieo đầu tường vôi”, nàng phải tìm lời khuyên can, những lời khuyên đầy tình nghĩa của một người con hiếu thảo nên:
0683. Phải lời, ông cũng êm tai,
Nhìn nhau giọt ngắn giọt dài ngổn ngang.
Ở đây là những ý nghĩ bộn bề nhiều mối, từ láy ngổn ngang tách riêng thành một nhịp ở cuối câu tạo nên sự cân đối hoàn chỉnh, sau tiểu đối giọt ngắn giọt dài, không chỉ vì gieo vần và nhịp điệu mà còn cân đối cả về mặt ý nghĩa xót thương, cay đắng trước cảnh gia biến.
Sau khi gặp được Từ Hải, tạm yên ổn thì Từ ra đi, Kiều trong cảnh “chiếc bóng song mai” nhớ đến gia đình, cha mẹ, chàng Kim và lòng rộn lên bao ý nghĩ:
2245. Tấc lòng cố quốc tha hương,
Đường kia nỗi nọ, ngổn ngang bời bời.
Ngổn ngang chỉ tình hình bề bộn nhiều mối, ở vị trí vần ứng được dùng kết hợp với bời bời chỉ tình trạng rối ren mối này vướng mối khác, hai từ láy gần nghĩa đi liền ở cuối câu nêu bật được tâm trạng của nàng Kiều khi dõi theo hình bóng của Từ:
2247. Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
2249. Đêm ngày luống những âm thầm,
Lửa binh đâu đã ầm ầm một phương.
Đoạn thơ 6 câu này có tới 5 từ láy đặt đúng chỗ cho thấy tâm trạng của Kiều ngập tràn âm hưởng và cảm xúc, dù câu đầu có tới hai từ Hán Việt vẫn tao nhã, nghệ thuật mà đầy vẻ dân dã, vẫn đến được với người đọc bình dân.
Tuy ngổn ngang được dùng 4 lần nhưng lần đầu là về vật chất (Ngổn ngang gò đống), ba lần sau đều là tâm lý, tinh thần. Nếu ta chú ý thì thấy ngổn ngang khi nằm đầu câu lục (0183), khi nằm cuối câu bát (0684) và khi nằm giữa câu bát (2246), cả ba trường hợp đều là những vị trí hợp tình hợp cảnh, mỗi vị trí có một giá trị tu từ và sắc thái biểu cảm riêng không thể thay thế.
2. TỪ LÁY HÃI HÙNG
Ta biết rằng giá trị ngữ nghĩa của từ láy phụ thuộc vào vị trí của nó trong câu thơ. Cùng miêu tả tâm trạng sợ hãi đến khủng khiếp của Kiều, nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau lại có những mức độ biểu cảm khác nhau và Nguyễn Du đã đặt từ láy hãi hùng ở những vị trí khác nhau trong những câu thơ sau đây:
+ Sau khi bị bắt cóc và đánh thuốc mê, Kiều đang còn thiêm thiếp, mê man trong một lâu đài lạ thì:
1719. A hoàn liền xuống giục mau,
Hãi hùng, nàng mới theo sau một người.
+ Và đây là cảnh Thúy Kiều cùng Sở Khanh đi trốn khỏi lầu Ngưng Bích, trốn khỏi mụ Tú Bà trong tâm trạng sợ bị bắt lại, một mình giữa đêm khuya, khi Sở đã quất ngựa truy phong:
1127. Một mình khôn biết làm sao,
Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng.
+ Còn đây là khi nhận lễ vật của Hồ Tôn Hiến, Kiều đang là phu nhân của Từ nhớ đến những ngày lưu lạc, gian truân đã qua, nghĩ đến việc thuyết phục Từ Hải ra hàng. Nàng muốn Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương và trong dòng tâm sự của nàng, ta được đọc:
2485. Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,
E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa.
Tuy cả ba từ hãi hùng đều nằm ở câu bát, nhưng khi thì ở đầu câu, khi ở giữa câu, khi ở cuối câu là do tâm trạng nàng mỗi lúc một khác. Từ láy hãi hùng đặt ở đầu câu, câu thơ có sức nặng thể hiện cao nhất nỗi sợ hãi của Kiều, từ này lùi về sau trong câu thơ mức độ đó cũng giảm dần. Liên hệ đến 3 trường hợp trên, ta thấy ý nghĩa của từ láy đúng là như vậy. Trong cơn mê man, bàng hoàng tỉnh dậy trong trạng thái khiếp sợ đã đến chỗ cùng cực nên hãi hùng đứng ở đầu câu bát: Hãi hùng nàng mới theo sau một người.
Ở trường hợp thứ hai, Kiều đắn đo trong suy tính, hoảng sợ trước sóng gió của cuộc đời nhưng vẫn là tính toán của một vị phu nhân nên mức độ có giảm bớt: E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa.
Sau cùng, hãi hùng tách riêng thành một nhịp ở cuối câu, Kiều sợ bị Sở Khanh bỏ rơi là tâm trạng lo sợ nơm nớp tuy vẫn còn ngồi trên ngựa thì đấy lại là trường hợp từ láy khi đứng ở cuối câu thường mang ý nghĩa tổng kết, kết luận về một trạng thái tâm lý được miêu tả trước đó nên mức độ lại giảm hơn: Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng.
Kể ra cũng lạ khi Nguyễn Du chỉ dùng có 3 từ hãi hùng mà đều ở câu bát với 3 vị trí khác nhau đúng như những gì ta thấy. Bằng các phương tiện miêu tả khác nhau, hệ thống từ láy đã thể hiện được các giá trị ngữ nghĩa nhất định trong Truyện Kiều và các từ này tạo thành thế giới nghệ thuật ngôn từ phong phú của Nguyễn Du. Tuy nhiên, nếu ta bỏ qua không xét xem từ láy đã được sử dụng trong những văn cảnh khác nhau thì sẽ không thấy hết được tài năng của nhà thơ. Vì vậy ở đây, chúng tôi muốn cùng quý vị độc giả rút ra nhận xét về ba từ láy cụ thể trên đây đã được Nguyễn Du cùng sử dụng ba lần trong những hoàn cảnh khác nhau để xem ông đã xử lý chúng như thế nào trong những tình huống khác nhau. Và đây là từ láy thứ ba:
3. TỪ LÁY VẪY VÙNG
Riêng từ vẫy vùng nói về một con người có thói quen hành động tự do, tùy thích, không chịu một sự kiềm chế nào đã được dùng ba lần trong Truyện Kiều thì đều tập trung vào một mình Từ Hải.
+ Khi ở cuối câu trong lời giới thiệu: “Giang hồ quen thú vẫy vùng” - vẫy vùng tuy là động từ nhưng được dùng bổ nghĩa cho danh từ thú thành một cụm từ đặc biệt để giới thiệu người anh hùng nghệ sĩ trong Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
2173. Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo
Chỉ bằng hai từ láy đường đường, vẫy vùng, Nguyễn Du đã nói lên cái sức mạnh tinh thần được biểu hiện cụ thể thành hành động của Từ Hải, khí phách của một người anh hùng mà ông yêu quý. Chàng đã có tất cả những biểu hiện bên ngoài khiến mọi người phải kính trọng và có năng lực hoạt động một cách tự do, không chịu một sự kiềm chế nào.
+ Khi ở giữa câu “Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi” thì từ láy này đúng là một động từ có nghĩa đen chỉ sự bơi lội tự do của loài sống dưới nước mà nghĩa bóng là tự do hoạt động, mặc sức tung hoành theo cách nói của Kiều để ca ngợi Từ Hải trước mặt tên phản trắc Hồ Tôn Hiến:
2549. Rằng: Từ là đấng anh hùng,
Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi.
+ Khi thì ở đầu câu “Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên”, từ láy này với chức năng trạng ngữ được đảo lên đầu để nhấn mạnh
tạo thêm sức biểu cảm của câu thơ. Trong đoạn Tái hồi Kim Trọng, Kim được ông già họ Đô kể lại đến lúc Kiều gặp được Từ Hải
và nói phải tìm hỏi tiếp Thúc Sinh thì mới biết rõ câu chuyện về sau… Và Thúc Sinh đã ca ngợi Từ bằng hai từ láy vẫy vùng,
đùng đùng để diễn tả khí phách của chàng:
2921. Gặp nàng thì ở Châu Thai,
Lạ gì quốc sắc thiên tài phải duyên.
2923. Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,
Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng.
4. KẾT LUẬN
Nếu xem lại các mục từ trên, thì cùng với 3 từ láy hãi hùng (Hãi hùng, nàng mới theo sau một người – E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa – Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng) là 3 từ láy ngổn ngang với ý nghĩa về tinh thần (Trừ văn cảnh đầu có ý nghĩa vật chất cụ thể – Ngổn ngang gò đống kéo lên), ta cũng thấy lúc ở đầu câu, lúc ở giữa hoặc cuối câu như vậy: 0183. Ngổn ngang trăm mối bên lòng, 2246. Đường kia nỗi nọ, ngổn ngang bời bời, 0684. Nhìn nhau giọt ngắn giọt dài ngổn ngang.
Ngoài ra, từ láy vẫy vùng được dùng 3 lần cho Từ Hải cũng như thế: 2173. Giang hồ quen thú vẫy vùng, 2550. Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi, 2923. Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên… Xin lập một bảng so sánh cụ thể:
Từ láy
Vị trí
Ngổn ngang
0183. Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình.
Đầu câu
2245. Tấc lòng cố quốc tha hương,
Đường kia nỗi nọ, ngổn ngang bời bời.
Giữa câu
2 từ láy
0683. Phải lời, ông cũng êm tai,
Nhìn nhau giọt ngắn giọt dài ngổn ngang.
Cuối câu
Hãi hùng
1719. A hoàn liền xuống giục mau,
Hãi hùng nàng mới theo sau một người.
Đầu câu
2485. Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,
E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa.
Giữa câu
2 từ láy
1127. Một mình khôn biết làm sao,
Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng.
Cuối câu
Vẫy vùng
2923. Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,
Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng.
Đầu câu
2 từ láy
2549. Rằng: Từ là đấng anh hùng,
Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi.
Giữa câu
2173. Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
Cuối câu
Phải chăng hoàn toàn chỉ là vô tình, hay do Nguyễn Du đã viết những câu thơ trên bằng mẫn cảm nghệ thuật của một nghệ sĩ
thiên tài mà ở cả 3 trường hợp trên, các từ láy đều không ở những vị trí trùng nhau và ở đúng những vị trí cần thiết như vậy, lúc ở đầu câu,
lúc giữa câu, lúc cuối câu? Mỗi từ trong 3 từ láy trên chỉ được sử dụng 3 lần và ở mỗi vị trí chỉ có một lần! Nghĩa là 9 lần trong cùng một
mô thức. Và phải in nghiêng đậm những từ láy trên mới thấy rõ hết được. Cũng nên nhận xét thêm rằng trong 3 từ láy trên trường hợp nào
cũng có một khổ thơ có hai từ láy. Ta có cảm tưởng như ở đây có một sự sắp xếp thần bí nào đó vậy! Chắc chắn là nếu như phải suy tính
xem đặt những từ láy này ở vị trí nào thì không sao có thể viết được những câu thơ như trên. Quả là thần bút Nguyễn Du!
VVM.07.11.2024.
Từ láy | Vị trí | |
Ngổn ngang | 0183. Ngổn ngang trăm mối bên lòng, Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình. | Đầu câu |
2245. Tấc lòng cố quốc tha hương, Đường kia nỗi nọ, ngổn ngang bời bời. | Giữa câu 2 từ láy | |
0683. Phải lời, ông cũng êm tai, Nhìn nhau giọt ngắn giọt dài ngổn ngang. | Cuối câu | |
Hãi hùng | 1719. A hoàn liền xuống giục mau, Hãi hùng nàng mới theo sau một người. | Đầu câu |
2485. Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng, E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa. | Giữa câu 2 từ láy | |
1127. Một mình khôn biết làm sao, Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng. | Cuối câu | |
Vẫy vùng | 2923. Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên, Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng. | Đầu câu 2 từ láy |
2549. Rằng: Từ là đấng anh hùng, Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi. | Giữa câu | |
2173. Giang hồ quen thú vẫy vùng, Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo. | Cuối câu |