Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



Nguyễn Nhược Pháp chụp ngày 17/6/1936

BÀNG BÁ LÂN và NGUYỄN NHƯỢC PHÁP

  


M ùa đông năm 1934, tôi thường lui tới nhà in Lê Cường ở 88 phố Huế, Hà Nội để sửa bản in thử (morasse). Hồi đó tôi đang cho in tập thơ đầu tay:“Tiếng thông reo”. Lần sau, cùng khi đến coi sách vào bìa, tôi thấy thợ đang sắp chữ một tập thơ mới. Vì ít thì giờ và vội đi, tôi cũng không để ý nếu một bác thợ đứng gần đấy không cao hứng đọc to bản rập thử “Sơn Tình, Thủy Tình”

Những tiếng lạ tai và vô nghĩa ấy khêu gợi trí tò mò của tôi, tôi liền vẫy tay ra hiệu bảo bác đưa coi bản in thử, và tôi đọc trước lơ đãng, sau chăm chú dần dần.

Thì ra đó là bài thơ đầu và – theo tôi – cũng là bài thơ có giá trị nhất trong tập “Ngày xưa” của Nguyễn Nhược Pháp, một nhà thơ lúc đó – cũng như tôi – chưa ai biết tới, vì một lẽ giản dị là mới đang sửa soạn ra đời. Bài ấy nhan đề là “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, chứ không phải “Sơn tình, Thủy tình” như bác thợ in đã đọc lầm. Số là nhà in Lê Cường, tức nhà thuốc Hồng Khê khi ấy mới khai trương nên chữ in còn thiếu nhiều nhất là loại chữ lớn Việt ngữ. Bởi thế mấy tập thơ hồi đó in tại đây đều bị sắp những đầu bài bằng chữ không dấu (chữ Pháp) mặc ai muốn đoán thế nào thì đoán. Vậy mà chúng tôi không thấy chướng mấy, cả độc giả nữa. Có lẽ tại ngày ấy người ta còn giản dị dễ dàng.

Thế là chưa quen biết Nguyễn Nhược Pháp mà cũng chưa nghe đến cái tên ấy bao giờ, lần đầu tiên tôi thưởng thức thơ anh giữa tiếng máy chạy rầm rầm, trên mảnh giấy in thử nhọ nhem và sai lầm be bét. Nhưng không vì thế mà bài thơ kém hay, trái lại nữa. Câu chuyện“Sơn Tinh Thủy Tinh” không lạ gì với tất cả chúng ta nhưng phải nghe Nguyễn Nhược Pháp kể lại – mà kể bằng thơ mới – cảm thấy hết cái thi vị và thú vị của nó. Hơn nữa lời thơ dí dỏm, nụ cười hóm hỉnh của anh càng làm cho câu chuyện thêm duyên dáng đậm đà và có tính cách khôi hài nữa.

Tác giả như một ông tạo hóa con ngồi thong thả nặn những nhân vật xưa, cho diễn lại những chuyện cũ rồi ngồi cao xem, cười lặng lẽ một mình. Với Nguyễn Nhược Pháp không có gì là quan trọng hết, dù là cuộc đời, vua chúa hay thần nhân.

Đọc thơ anh, ta vui nhưng không vui ồn ào, không cười ầm ĩ. Ta chỉ cười thầm, nhưng là những nụ cười sâu sắc ý vị biết bao! Và ta thấy – cùng với tác giả – mến yêu những người xưa tha thiết.

Ta hãy xem tác giả gây không khí trước khi tạo nhân vật để đặt cho đúng chỗ:

Ngày xưa, khi rừng mây u ám

Sông núi còn vang um tiếng thần

Con vua Hùng Vương thứ mười tám

Mỵ Nương xinh như tiên trên trần…

Có lẽ tôi cần phải sao lục toàn bài thơ ấy ra đây mới dễ trình bày cảm tưởng ban đầu của tôi đối với tác giả “Ngày xưa”. Vậy xin độc giả hãy cùng tôi đọc tiếp:

Tóc xanh viền má hây hây đỏ

Miệng nàng bé thắm như san hô

Trần gian đâu có người dai thế

Cũng bởi thần yêu nên khác thường

Thật là kiệt tác, ngoài những câu chứa chan thi vị hoặc là đẹp như gấm, làm người đọc chú ý ngay từ đầu, còn những nụ cười hóm hỉnh, nhưng hiền lành dí dỏm một cách thông minh ấy sau những câu thơ đắc ý.

Cũng vì thời ấy “sông núi vang um tiếng thần” nên người ta thường có dịp tiếp xúc với thần thánh và Hùng Vương mới không kinh ngạc thấy:

Sơn Tinh có một mắt ở trán

Thủy Tinh râu ria quăn xanh rì

Một thần phi bạch hổ trên cạn

Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi

và cả hai thần cùng đến Phong Châu “xin Mỵ Nương”.

Xin Mỵ Nương vì thời đó thần cũng “đi lấy vợ”, cũng để cho “lòng tơ vương” và cũng như người trần chúng ta thích khoe khoang.

Thủy Tinh khoe thần có phép lạ

Dứt lời tay hất chòm râu xanh,

Bắt quyết hò mây to nước cả,

Rậm chân rung khắp làng gần quanh…

Cũng biết “lấy le với gái”

Mỵ Nương ôm Hùng Vương kinh hãi

Sơn Tình cười, xin nàng đừng lo

Vung tay niệm chú: Núi từng dải

Nhà lớn, đồi con, lổm ngổm bò…

Cũng biết “dương vây” trước người đẹp

Choàng nghe sóng vỗ reo như sấm

Bạch hổ dừng chân, lùi vểnh tai.

Mỵ Nương tung bức rèm đỏ thắm

Sơn Tinh trông thấy càng dương oai

Cũng ghen tức đến choảng nhau kịch liệt

Thủy Tinh năm năm dâng nước bể

Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương

Trần gian đâu có người dai thế

Cũng bởi thần yêu nên khác thường.

Cái cười của Nguyễn Nhược Pháp là cái cười trong sáng, thông minh, tao nhã. Qua suốt cả bài thơ ta thấy tác giả luôn luôn tủm tỉm cười, nụ cười hóm hỉnh nhưng hiền lành, đầy tình thương mến.

Tả nỗi lưỡng lự băn khoăn của Hùng Vương, anh có những câu rất dí dỏm thú vị:

Nhưng có một nàng mà hai rể

Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều!

Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước.

Tả cái ghen của Thủy Tinh anh hóm hỉnh viết:

Trần gian đâu có người dai thế

Cũng bởi thần yêu nên khác thường.

Nói về phép màu của Sơn Tinh anh dùng chữ rất tài tình linh động:

Niệm chú đất nẩy vù lên cao

Đoạn tả hình dạng Sơn Tinh, Thủy Tinh và cuộc tranh hùng của hai thần có một vẻ đẹp hung tráng của những nhân vật trong anh hùng ca. Xen vào đấy, ta vẫn luôn luôn thoáng thấy nụ cười tinh nghịch của thi nhân điểm xuyết cho câu chuyện thêm phần hứng thú. Ai đọc mà không phải buồn cười một cách thú vị trước những hình ảnh kỳ cục tức cười như:

Nhà lớn, đồi con lổm ngổm bò

Chạy mưa. Vua tuỳ con kén chọn.

Và cảnh cua, tôm, cá, đội những hòn ngọc trai đi xin cưới:

Khập khiễng bò lê trên đất lạ

Trước thành tấp tểnh đi hàng hai.

Rồi chính những con vật vụng về ấy lại đột nhiên trở thành một đạo binh kỳ quái, hùng dũng một cách tức cười:

Tôm cá quăng ngọc trai mà hoa…

….

Cá voi quác mồm to muốn đớp,

Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng

Càng cua lởm chởm giơ như mác

Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao

….

Tôm cá xưa nay im thin thít,

Mở toác mồm to kêu thất thanh.

Ta tưởng như xem những hoạt họa khôi hài của Walt Disney trên màn bạc.

Ngoài ra còn những câu tả cảnh chan chứa thi vị làm cho người đọc phải đặc biệt chú ý như:

Bình minh má ửng đào phơn phớt,

Ngọc đỏ rung trên đầu lá xanh.

Ngọc liễu chim vàng ca thánh thót

…..

Rừng xanh thả mây đào man mác…

v.v.

Và những câu tả Mỵ Nương rất khéo lúc nàng bẽn lẽn khi vua cho tùy con kén chọn:

Mỵ Nương khép nép như cành hoa

Cũng như khi nàng khóc nhớ lúc ra đi theo chồng

Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương

Nàng xinh đẹp dịu dàng như vậy cho nên chẳng những rất nhiều chàng say đắm:

Mê nàng bao nhiêu người làm thơ!

Mà cả đến chim cũng phải đắm say:

Cánh nhạn long lanh vờn ánh lửa

Mê nàng chim ngẩn lưng trời đông

Xưa rầy, nói đến Nguyễn Nhược Pháp ta thường chỉ nói đến bài “Chùa Hương” mà hầu như không biết đến bài “Sơn Tinh, Thủy Tinh” này. Các tập thi tuyển cũng vậy, thật là một thiếu sót đáng kể. Vì chỉ ở bài này ta mới thấy rõ nụ cười duyên dáng đặc biệt, mới thấy hết cái thiên tài độc đáo của anh. Đọc những câu thơ trên đây ta có thể thấy rõ cả sự thích thú của thi nhân khi gieo được những vần đắc ý. Và đây hẳn là đề tài mà khi viết tác giả “Ngày xưa” có nhiều cảm hứng nhất. Có lẽ cũng vì thế mà anh đã để bài này lên đầu tập thơ, và để quảng cáo cho sách khi sắp phát hành, anh đã chọn bài này cho đăng trên nhật báo Nhật Tân hồi ấy (đầu năm 1935).

Đó là một cớ khiến tôi không ngần ngại sao lục trên đây toàn bài thơ trường thiên ấy để bạn đọc so sánh mà hiểu biết mọi khía cạnh về nụ cười trong sáng của Nguyễn Nhược Pháp. Nụ cười mà Hoài Thanh – trong cuốn Thi Nhân Việt Nam – đã phê bình như sau: “Cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác như những lối bông lơn khó chịu… Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn một điều này nữa mới thật quý. Với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng. Những cảnh, những người đã khiến thi nhân cười cũng là những cảnh, những người thi nhân mến.”

Mùa xuân năm 1935. Bấy giờ tôi đang ở ẩn tại một miền quê tại tỉnh Bắc Giang, mảnh vui cảnh suối đồi vườn ruộng, tôi tìm khi bước chân đến chốn thị thành. Vì thế tập thơ “Ngày xưa” của Nguyễn Nhược Pháp đã phát hành mà tôi chưa được đọc.

Bỗng một hôm, một người em cô cữu đến chơi cho tôi hay là anh vừa được coi bài phê bình tập thơ “Tiếng thông reo” trên báo LAnnam Nouveau do Nguyễn Nhược Pháp viết. Tôi vội cho người đi tìm số báo đó của ông điền chủ ở gần bên. Vì ông này là bạn thân của ông Nguyễn Văn Vĩnh (thân sinh Nguyễn Nhược Pháp), nên tất cả các báo chí do ông Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản, chủ trương ông đều mua cả. Số báo đó là số ngày 11-4-1935. Tôi chăm chú đọc bài phê bình dưới cái đề mục “Le coin des remeurs”. Đọc xong tôi cảm động và thấy mến anh vô cùng. Cảm mến không phải vì anh đã quá khen tôi, mà vì văn anh viết rất lưu loát, lời nhã nhặn và duyên dáng; hơn nữa anh tỏ ra hiểu tôi nhiều.

Tôi liền viết một bức thơ cảm ơn và nhân tiện để làm quen, gởi về tòa soạn LAnnam Nouveau. Ít ngày sau thì nhận được câu trả lời đề ngày 20-4-1935, kèm theo một cuốn “Ngày xưa” in trên giấy thiệt tốt (vergé baroque crème). Trong bức thư nầy có mấy câu mà tôi nhớ mãi (1).

Thơ tôi thiên về đồng quê, dĩ nhiên vì tôi vốn ưa mến cảnh đồng ruộng và từng sống nhiều ở đó, nhưng một phần cũng vì lời khuyến khích của Nguyễn Nhược Pháp. Hơn hai mươi năm qua rồi, kiểm điểm lại những sáng tác của mình, tôi không khỏi buồn rầu và hổ thẹn, vì nhận thấy không xứng đáng với lòng tin tưởng của anh đối với tôi.

Từ bữa đó, chúng tôi thường viết thư cho nhau, anh cho tôi biết địa chỉ nhà riêng (số 7, route du Village du Papier, Hànội – Nay là 13 Thụy Khuê – BT) và bảo tôi về chơi. Cái biệt thự này của ông Nguyễn Văn Vĩnh, tôi có biết; vì trước đó suốt mấy năm học trường Bưởi, ngày nào tôi cũng bốn buổi đi qua. Tôi sốt sắng hẹn với anh về chơi cũng như anh hứa sẽ lên thăm tôi ở ấp.

Nhưng rồi cả tôi lẫn anh đều cứ lần lần lữa lữa để lời hứa hẹn trôi xuôi. Có lẽ tại bấy giờ chúng tôi đều còn trẻ quá, cho là ngày dài tháng rộng lo chi…

Thế rồi một hôm, tôi bỗng nhận được thư anh bảo tôi viết bài gửi đăng báo L’Annam Nouveau cho vui. Anh khoe đã kéo được cả Huy Thông, Leiba cùng viết. Nhưng rồi bài báo đầu tiên của tôi gửi về đã làm anh… ngẩn ngơ. Vì anh yên trí tôi sẽ viết bài về văn chương thì tôi lại bàn đến vấn đề dân số và khai khẩn đất hoang với tất cả thể thức phiền nhiễu của nó. Tôi còn nhớ đầu đề bài ấy là “Autour du problème desmographique au Tonkin – Xung quanh vấn đề nhân khẩu học ở Bắc kỳ – BT”. Nhận được bài này, anh có cảm tưởng y hệt như cảm tưởng của một người yêu thơ đến thăm Tản Đà để nghe thơ thì lại chỉ được nghe toàn chuyện… ăn nhậu.

Còn một điều đáng nói nữa về Nguyễn Nhược Pháp là thái độ thẳng thắn và cứng cỏi của anh. Hồi ấy thơ mới đang được đất nẩy nở. Ngôi sao Thế Lữ đang sáng chói. Trên thi đàn, nhà thơ này mặc sức dương đông kích tây. Dưới bút hiệu Lê Ta, ông phê bình thơ người này, người khác. Phần nhiều bị ông diễu cợt chê bai. Thảng được có tập thơ được ông khen, nhưng lại khen bằng một giọng trịch thượng. Được vậy là nhờ nhóm Tự Lực Văn đoàn đang có ưu thế và báo Phong Hóa đang được nhiều người ủng hộ. Giữa lúc ấy, Nhược Pháp đứng ra chống với Thế Lữ. Luôn mấy kỳ, trên báo L’Annam Nouveau, anh phân tích và vạch rõ những cái dở, cái sai lầm trong thơ Thế Lữ. Thế Lữ hung hăng đả kích lại trên báo Phong Hóa. Nhưng trước những lý lẽ chắc chắn, vững vàng, trình bày bằng một giọng điềm đạm của Nhược Pháp, Thế Lữ nhụt dần…

Trong một bức thư viết cho tôi, Nhược Pháp có nói về Thế Lữ như sau: “Thế Lữ không phải là một người biết yêu sự thật giản dị, Thế Lữ ưa những sự hoang đường vô nghĩa lý, dễ lòe mắt trẻ con hay những người không có học”.Lời phê bình tuy hơi khe khắt, nhưng không phải không có phần đúng.

Ít lâu sau trên báo Phong Hóa, bỗng có một bài phê bình tập thơ Ngày Xưa với những lời khen ngợi nồng nàn ít có, dưới ký tên Lê Ta. Thái độ của Thế Lữ thật đáng khen và càng chứng tỏ được cái chân tài của Nhược Pháp vậy.

Thế rồi cái ngày tang tóc đến một cách hết sức đột ngột, một ngày vào hạ tuần tháng 10 Novembre 1938, tôi coi trong báo bỗng thấy mấy dòng cáo phó làm tôi rụng rời: Nguyễn Nhược Pháp đã mất tại bệnh viện Lanessan (Đồn Thủy – Nay là viện 108 – BT) hồi 7 giờ sáng ngày 19-11-1938 (tức ngày 28 tháng 9 Mậu Dần). Vì tôi ở quê, báo đến chậm, biết tin thì thi hài Nguyễn Nhược Pháp đã nằm yên dưới đất rồi. Thế là tôi không bao giờ được gặp Pháp. Cũng không được đưa đám ma anh. Tôi buồn rầu giở hết cả thư và thơ của anh ra xem lại. Càng đọc tôi càng thương tiếc anh và càng giận tôi vô hạn. Sao tôi lại có thể lần chần, lười biếng đến như thế được! Suốt trong thời gian quen Nguyễn Nhược Pháp, tôi cũng có nhiều lần về Hà Nội và cũng đã nhiều lần tự nhủ sẽ đến thăm anh… Thế mà rồi vì phải chạy nhiều việc, vì vội về, vì ngại xa, cứ lần lữa tự khất dịp này qua dịp khác, để đến nỗi bây giờ…

Hôm ấy, tiết trời vào cuối thu. Ngoài vườn gió heo may bứt tía lá vàng, tung đi muôn ngả. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Tản Đà mà không lúc nào tôi thấy hợp cảnh hợp tình bằng lúc đó:

Vèo trông lá rụng đầy sân,

Công danh phù thế có ngần ấy thôi!

B.B.L.

Trích: Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại, Tập I, Sài Gòn, 1962

(1) Trong bức thư của Nguyễn Nhược Pháp có đoạn như sau này: “Tôi rất lấy làm mừng vì đã hiểu được tâm hồn anh. Cái vui nhất của người phê bình là hiểu thấu được tâm hồn tác giả cuốn sách. Như ý tôi, thì phải thật là thi sĩ mới biết yêu thú quê, cái thú vui mộc mạc. Ca hát tình yêu thì hỏi người trai trẻ nào mà không ca? Đã là văn thì phải cần có cái gì xuất sắc. Thơ anh hơi điểm chút buồn, nhưng cái buồn êm ái, điềm đạm. Thơ cảnh lại có tình thì hoàn toàn vậy. Tôi dám quả quyết rồi sau này anh sẽ chiếm một địa vị độc nhất trong làng thơ: anh sẽ là thi sĩ của thôn quê. Chắc anh không quên nhà thi sĩ la-tinh trứ danh là Virgile, một người yêu cảnh thôn quê một cách lạ lùng. Anh nên lấy mà làm gương…”                                                                       


  (đã đăng trên Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 11 năm 1998 về Nguyễn Nhược Pháp)




VVM.02.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .