Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


SỰ CHỌN LỰA GIÁO PHÁP ĐỂ TU HỌC CỦA TÔI

  


T rước khi đọc Kinh ĐẠI THỪA, tôi đã đọc qua một số sách về Tôn giáo. Trước đó sách vỡ bị nhà nước tịch thu, gom lại rồi đốt, vì cho là đồi trụy ! Không hiểu vì sao anh em vẫn giữ rồi chuyền tay nhau : Tôi Tầm Đạo của Hồ Văn Em. Sách của ông Đỗ Thuần Hậu là thầy của Ô. Tám Lương Sĩ Hằng. Lúc đó Pháp môn “Thiền xuất hồn” của Ông Tám phổ biến rất mạnh ở Thành Phố. Vì môn Tu Thiền Xuất Hồn là một môn tu mới lạ, lần đầu tiên xuất hiện, nên có rất nhiều người theo tu học. Sách của Thông Thiên Học, như Dưới Chân Đức Thầy, của Ngài Krisnamurti. Sách dịch của Dịch giả Nguyễn Hữu Kiệt : Tây Tạng huyền bí và đau khổ, Lobsang Rampa, và một số nữa mà tôi không nhớ hết. Trong đó có quyển Hành Trình về Phương Đông, là ký sự của một Giáo Sư, một nhà Khoa Học người Anh của dịch giả Nguyên Phong hay Nhà Khoa Học John Vũ là hấp dẫn nhất, vì kể những câu chuyện ly kỳ, pha màu huyền bí y như thật.

Mở đầu bằng cuộc biểu diễn của một Phái Đoàn ngoại giao do Tiểu Vương Ranjit cầm đầu sang thăm viếng nước Anh tại Trường Đại Học Oxford. Một Đạo sĩ đã biểu diễn những điều làm đảo lộn quan niệm khoa học lúc bấy giờ như có thể uống tất cả các chất hóa học mà không bị ảnh hưởng. Nhịn thở hàng giờ dưới đáy một hồ nước. Chui vào quan tài rồi để cho chôn sống trong suốt 48 ngày, được đào lên mà vẫn sống. Đạo sĩ này còn biểu diễn nhiều việc lạ lùng dưới sự kiểm chứng của các khoa học gia. Điều này gây sôi nổi dư luận đến nỗi Hội Khoa Học Hoàng Gia đã phải triệu tập một Ủy Ban để điều tra những hiện tượng này, sau đó cử một phải đoàn gồm nhiều nhà Khoa Học gia tên tuổi sang Ấn Độ để quan sát, sưu tầm,tường trình và giải thích những sự kiện huyền bí….

Tiếp theo đó là những gì mà họ tận mắt chứng kiến và thay đổi hẳn quan niệm khi trở về. Cho rằng “Phương Đông có những chân lý quan trọng đáng để cho người Tây Phương nghiên cứu, học hỏi. Đã đến lúc người Tây Phương phải quay về Đông Phương để trở về với quê hương tinh thần”. Khi nhiều người tò mò tìm đến những nhân vật trong Phái Đoàn thì được biết họ đã rời bỏ Châu Âu để sống đời tu sĩ trong dãy Tuyết Sơn, nhưng ảnh hưởng của cuốn sách tạo hứng khởi cho nhiều người trở qua Ấn Độ để kiểm chứng.

Nội dung quyển sách là những chuyến du hành tới Ấn Độ, là một đất nước hoàn toàn xa lạ nhưng không hiểu do đâu mà họ luôn tình cờ gặp được người hướng dẫn để gặp toàn những Chân Sư với những kiến thức uyên thâm về nhiều bộ môn. Trong đó có Đạo Sư chuyên về Yoga. Chiêm Tinh Gia là người tốt nghiệp ngành Vật Lý. Được tận mắt chứng kiến một Đạo sư có quyền năng phi thường, có thể thu hút mùi hương của các loài hoa theo yêu cầu của phái đoàn, làm cho hoa héo tươi trở lại, tạo ra chùm nho thật, trái mùa, ăn được. Làm ra cả bánh mì. Một Bác Sĩ dành cả đời để săn sóc cho bệnh nhân và phục vụ Đức mẹ kể lại chuyện một bé gái bị bệnh nan y. Khoa học không chữa được, nhưng Đức Mẹ đã hiện ra, và chữa khỏi. Ngành Y muốn ông Bác sĩ báo cáo để lảnh giải Nobel về Y Học, nhưng ông bảo không phải do ông, mà do Đức Mẹ, nên bị thất sủng. Một Đạo sư có thể chữa được mọi loại bệnh bằng cách yêu cầu người bệnh ăn nhạt, uống nước suối và để thì giờ tập Yoga, đã cứu sống cả mấy ngàn người. Sau đó họ sống luôn tại đó, không trở về nhà nữa. Phái Đoàn còn được tiếp xúc với một Đạo Sĩ thường qua lại trong dãy Tuyết sơn. Vị này có kiến thức rộng về những hiền triết ẩn tu tại đó và được gặp các bậc thánh nhân có quyền năng siêu việt đã sống nhiều thế kỷ và đạt quả vị rất cao. Theo ông, có vị đã sống nhiều thế kỷ mà vẫn khỏe mạnh như người ngũ tuần. Có đạo sư sống hơn 2.000 năm, cai quản một viện cổ tàng trong lòng núi, trong đó có các bản thảo bút tự rất cổ, có một bản viết của chính Đức Phật khi còn là Thái Tử Tất Đạt Đa. Các bậc Chân Sư vẫn đang âm thầm tu luyện trong Núi Tuyết âm thầm giúp đời để chờ sự ra đời của Đức Di Lặc. Ông còn cho rằng có những tài liệu vô giá vẫn lưu trử trong một cổ tàng ngầm trong lòng núi xứ tây Tạng do các vị Lạt Ma giữ gìn, và cho rằng việc tiếp xúc của Phái Đoàn với các Đạo Sư Minh Triết đều do sự sắp đặt huyền bí vì các vị đã được sự che chở của một Chân Sư để lãnh một sứ mạng lớn là kêu gọi thế giới bên ngoài hãy quay về Phương Đông.

Rồi một Đạo sư đã biểu diễn nghệ thuật khinh công, xoay mình và như cơn lốc, bay vọt đi rất nhanh, lao vùn vụt trên con đường đất và chỉ trong phút chốc đã mất hút. Một người Ai cập tên Hamoud chuyên nghiên cứu về thế giới vô hình bỏ hết mọi việc để giúp đỡ những vong linh. Ông cho là đã tốt nghiệp Tiến Sĩ Vật Lý tại Đại Hoc Oxford năm 1864. Sau đó những nhà Khoa Học đã kiểm chứng thấy có tên ông trong danh sách tốt nghiệp của trường.

Cốt chuyện như thật. Những Đạo Sĩ thông kim, bác cổ. Khi tiếp xúc, mỗi vị đều thuyết những giáo điều cho Phái Đoàn. Có người nhắc lời Chúa trong Thánh Kinh bên Thiên Chúa Giáo, cộng thêm văn phong lôi cuốn càng tăng thêm độ tin cậy và hấp dẫn. Cho tới thời này quyển Hành Trình Về Phương Đông với những lời quảng cáo của Nhà Xuất Bản trở thành là “quyển sách mà mọi người cần đọc trong đời”.

Thời đó, lúc đọc tôi cũng rất thích. Nhưng chắc không có duyên với lối tu hành đó nên dừng ở đó, không tìm hiểu thêm. Mãi về sau này khi lên mạng tìm hiểu mới thấy có người cho rằng đây là quyển sách hư cấu do tác giả viết mà lại ghi là sách dịch, và trong quyển Journey to the East không có những câu chuyện tương tự. Có lẽ cốt chuyện không thật, do hư cấu mà tả như thật, nêu thẳng tên Trường Đại Học Oxford của Anh và cho rằng Phái đoàn đó là những nhà Khoa Học Hoàng Gia Anh, để rồi cho họ từ nhiệm đi vô núi Tuyết Sơn để tu, nên có thời gian bị chính phủ Anh cấm lưu hành ở đó.

Về sau, khi có một thời gian dài tìm hiểu về Đạo Phật, tôi thấy những lối biểu diễn phi thường của các Đạo Sĩ đó hoàn toàn không phải là của những vị tu hành theo Đạo Phật. Trong Pháp Trích Lục của Đạo Phật có viết rõ về Sáu Phép Mầu mà người NGỒI THIỀN với cái tâm an định có thể đạt được :

1/- Đắc Thần Thông : Có thể bay trên hư không, đi trên mặt nước, chui xuống đất, hóa hình v.v..

2/- Thiên Nhĩ Thông : Nghe được tiếng của Chư Thiên và tiếng người bất cứ xa hay gần.

3/- Tha Tâm Thông : Đoán biết được tư tưởng và ý đồ của người khác.

4/- Túc Mạng Minh : Nhớ lại các tiền kiếp của mình. Biết trong kiếp nào mình mang tên gì ? Thuộc giai cấp nào ? Làm nghề gì ? Vui khổ ra sao ? và lúc chết như thế nào ? Rồi được sinh lại ở đâu ? v.v…

5/- Thiên Nhãn Minh : Thấy rõ tư cách sinh diệt của tất cả Chúng Sanh. Thấy Chúng Sanh trong mỗi kiếp vui hay khổ, sang hay hèn tùy theo Duyên Nghiệp.

6/- Lậu Tận Minh : Thông suốt lý Tứ Diệu Đế và phương pháp diệt trừ Tham Lam, Sân Hận, Si Mê. Biết rõ đây là sự Khổ. Đây là nguyên nhân sủa Sự Khổ. Đây là tư cách Diệt Khổ và đây là Con Đường đi đến nơi dứt Khổ. Người biết do đâu mà Phiền Não phát sanh. Khi nào trừ được lòng Tham Dục, Sân Hận, Si Mê và màn Vô Minh tan biến người đã đạt được Trí Huệ Giải Thoát và biết mình đã sống đầy đủ cuộc đời đạo đức, việc phải làm mình đã làm rồi và chẳng còn phận sự gì trên thế gian này nữa”. (Trích CHUYỂN PHÁP LUÂN)

Pháp Trích Lục nói về Phép Mầu :

1/- Phép mầu về Thần Thông biến hóa.

2/-Phép mầu về Tha Tâm Thông.

3/-Phép mầu về Giáo Pháp.

Đây là Phép Mầu thứ Nhứt nói về trường hợp một đạo sĩ có năng lực phi thường, biết biến hóa ra thiên hình vạn trạng lạ đời. Từ một, người biết phân thân ra làm nhiều người và từ nhiều người biến lại thành một. Từ hiện diện, người biến mất rồi tái xuất hiện. Người có thể đi qua một trường thành hay xuyên qua đỉnh núi như đi trên khoảng không. Người chui xuống đất rồi trở về dễ dàng như lao mình xuống nước. Người đi trên nước bằng phẳng như đi trên mặt đất. Người ngao du trên hư không, ngồi tréo chân như chim bay. Người có thể sờ mó mặt trời hay mặt trăng theo ý muốn. Người có thể điều khiển thân mình cho tới cõi trời Phạm Thiên. Đó là Phép Mầu về Thần Thông biến hóa.

Còn đây là Phép Mầu về Tha Tâm Thông. Một đạo sĩ có năng lực huyền bí đoán biết “Anh đang suy tính thế này hoặc thế khác”. Dù tư tưởng rắc rối thế mấy người cũng đoán không sai. Chỉ nắm được một triệu chứng do tiếng nói của người, của hàng phi nhơn hay Chư Thiên người cũng đã đoán được tư tưởng của họ không sai mảy may. Dù đoán bao nhiêu lần cũng không trật. Hoặc giả ông thầy có hành Thiền Định cũng biết được tư tưởng kẻ khác không cần bắt được triệu chứng nào bằng cách điều khiển tâm mình xuyên qua tư tưởng kẻ khác. Dù đoán bao nhiêu lần cũng không sai. Đó là Phép Mầu về Tha Tâm Thông.

Còn Phép Mầu về Giáo Pháp là thế nào ?

Trong trường hợp này, một ông Giáo Chủ dạy Giới Tử : “Người nên học hỏi như thế này chứ chắng phải như thế kia. Người phải thực hành như thế này chớ không phải như thế khác. Người hãy cố gắng thành tựu phẩm hạnh như vầy và ráng bảo tồn mức độ ấy. Đó là phép mầu về Giáo pháp.

Này các Tỳ Kheo, nhưng có trường hợp một kẻ vô tín ngưỡng phanh phui châm biếm như vầy : “Nào lạ gì ? Có một thứ bùa chú gọi là Gandhari. Nhờ bùa chú đó mà ông đạo sĩ mới biến hóa được ra thiên hình vạn trạng, biết phân thân, chui xuống đất, đi trên nước, bay trên hư không”.

“Này các Tỳ Kheo, vì nhận thấy sự vô ích, bất hảo của các phép thần thông, nên Như Lai nhờm chán, không muốn chúng được phô trương. Về phép Tha Tâm Thông cũng thế. Nó chẳng tốt đẹp gì. Có một loại ngọc kim cương. Nhờ thứ ngọc đó mà ông đạo sĩ đoán được tư tưởng kẻ khác, nào là : “Anh đang suy nghĩ thế này, toan tính thế kia.. Vì nhận thấy sự vô ích bất hảo của phép Tha Tâm Thông nên Như Lai nhờm chán, không muốn chúng được phô trương”. (Pháp Trích Lục)

Chính Đức Thích Ca cũng đã luyện được môn “Nách bên tả phun lửa, bên hữu phun khói”, nhưng thấy không liên quan đến điều Ngài cần, là câu trả lời cho vấn đề Ngài đang trăn trở nên quay lại Ngồi Thiền suốt 49 ngày đêm mới Đắc Đạo.

Truyền thuyết kế lại, thời Phật tại thế, có lần Ngài và các đệ tử định qua sông thì gặp một Đạo Sĩ. Ông ta khoe đã luyện tập hơn 20 năm để có thể qua lại trên sông mà không cần đò, thì Phật bảo : “Chỉ với vài mươi xu là có người đưa qua sông. Việc gì phải tốn công phu đến mấy mươi năm chỉ để làm việc đó” !

Lần khác, tại thành Vương Xá, có một thương gia treo cái bình bát bằng trầm hương lên ngọn tre và thách thức Nếu có đạo sĩ hay Sa Môn nào tài giỏi biết phép thần thông bay lên tới ngọn tre lấy được bình bát thì nó sẽ thuộc phần vị đó. Sáu Giáo chủ của nhóm ngoại đạo đến thử tài nhưng không xong. Khi đó có một Tỳ Kheo tên Pindola Bharadvajađã dùng thần thông bay lên, lấy được cái bát và đáp xuống trong sự reo hò của những người chung quanh.

Đức Phật trong nhà, nghe tiếng ồn ào, hỏi việc gì đang xảy ra thì Đại Đức Ananda thưa : Bạch Thế Tôn, chính Ngài Pindola đã lấy được chiếc bình bát trên ngọn tre nên dân chúng mới reo hò như thế”.

Đức Phật quở trách Tỳ Kheo Pindola và cho rằng : Hành động đó thật không xứng đáng chút nào. Không hợp lẽ, không tốt đẹp đối với một Sa Môn. Là việc chẳng nên làm. Tại sao với cái bình bát không ra gì ngươi lại phô trương cho người đời biết những việc phi thường, những phép Thần Thông ? Như vậy không khác nào một phụ nữ vén khố lên cho người xem để đổi được một cái Masaka mẻ góc,.

Sau khi quở trách Đại Đức Pindola xong, Phật thuyết : Này các Tỳ Kheo. Các ngươi không nên biểu diễn những chuyện phi thường, những phép Thần Thông trước công chúng. Tỳ Kheo bất tuân sẽ bị phạt theo điều luật “Hành Ác” của Giới Bổn . Xong Đức Phật ra lệnh nghiền nát bình bát ra cán thành bột phấn rồi chia nhau để thoa tay”. ( Pháp Trích Lục).

Đức Thích Ca là người Đắc Đạo nhờ Thiền nên nắm rất rõ về THIỀN ĐỊNH. Trong Pháp Trích lục đã liệt kê : do công năng NGỒI THIỀN, người NGỒI sẽ đạt được những Phép Mầu kể trên. Nhưng những thứ đó không đem lại kết quả Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử như Đạo Phật mong mỏi. Vì vậy, Mục đích của THIỀN ĐỊNH của Đạo Phật chân chính là để sinh TRÍ HUỆ, tức là sự hiểu biết để đưa đến kết quả Giải Thoát.

Lúc đọc Quyển Hành Trình về Phương Đông thì tôi chưa biết gì về Đạo Phật nên cứ tưởng những vị Chân Sư làm được nhiều điều phi thường được đề cập trong đó, là nói về những Tu Sĩ của Đạo Phật ở Ấn Độ. Nhưng về sau, khi đối chiếu lại thì thấy bên Đạo Phật không có Đạo Sĩ, Đạo Sư, Chân Sư, chỉ có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Chỉ có bên Thông Thiên Học mới có Đức Mẹ, Chúa Jesus, Phật Di Lặc và các Chân Sư có phép mầu siêu phàm và có thể sống cả ngàn tuổi.

Bên Đạo Phật thì cho rằng Cái Thân con người là tổng hợp của Bốn Món : Đất, Nước, Gió và Lửa thì phải theo Quy Luật : Sinh, Trụ, Dị Diệt. Thành, Trụ, Hoại, Không. Ngay Đức Thích Ca là vị sáng lập Đạo cũng chỉ thọ có 81 tuổi, và người tu theo Đạo Phật không có khổ công luyện tập để có Thần Thông hay giữ cái Thân trường thọ, mà nói rằng cái Thân chỉ là Thân Giả, doTứ Đại Giả hợp, nhiều lắm là trăm năm sẽ hoàn về cho Tứ Đại. Cái trường tồn, cái người tu cần Tìm, cần đạt tới, là cái Chân Tánh, không phải là Cái Thân giả tạm, do đó không cần luyện tập để nó làm được những điều khác thường.

Những Vị được gọi là Chân Sư bên THÔNG THIÊN HỌC có cả Chúa Jesus, Phật Di Lặc. Càng được nhiều lần Điểm Đạo thì cấp bậc càng cao. Bồ Tát được 7 lần Điểm Đạo. Phật là 8 lần. Điểm Đạo 9 lần thì làm một vị Ngọc Đế.

Tìm hiểu về Giáo Phái này thì tôi thấy : Thông Thiên Học là một Tôn Giáo thiên về Huyền Học và Triết Lý, gom hết các Vị Giáo Chủ của bên Thiên Chúa và Đạo Phật, do Bà Blavasky người Nga và Ông Olcott, một Kỹ Sư người Mỹ, thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1875. Có những điểm làm cho tôi thấy mình không chọn Giáo Phái này là đúng, vì mấy lý do sau :

1/- Trong phần Tiểu Sử Bà Blavasky có ghi là : Bà Blavasky nói rằng đã từng đến Tây Tạng, được họ đưa đến Shigatse ở Tây Tạng gặp Chân Sư trao truyền sự hiểu biết sâu sắc về tôn giáo, triết học và khoa học. Nhưng các nhà phê bình đương đại và các nhà viết Tiểu sử đều cho rằng những chuyến thăm nước ngoài của bà là hư cấu. Thời gian đó bà ở Châu Âu !

Một Giáo Chủ của một Giáo Phái mà lời nói không trung thực thì chắc gì những điều họ thuyết giảng là hoàn toàn trung thực ?

2/- Điều khác cũng làm tôi thấy mất điểm, là một Tôn Giáo nói rằng phía mình có những Chân sư sống hàng ngàn tuổi và có người đã được tiếp xúc, sao các Chân Sư không truyền bí kíp cho Đệ tử, để chính những vị sáng lập của Giáo Phái này không ai sống được quá 100 tuổi : Bà Blavasky thì chỉ thọ có 60 tuổi (1831 – 1891). Ông Olcott, thì chỉ thọ có 75 tuổi (1832 – 1907), Ông Leadbeater thì thọ 80 tuổi (1854 – 1934) và Ngài Krisnamurti thì cũng chỉ thọ đến 91 tuổi (1895 -1986).

3/- Điều quan trọng làm tôi càng thêm mất niềm tin, là trong phần Tiểu Sử của cả hai vị sáng lập Thông Thiên Học là Bà Blavasky và Ông Olcott ghi rằng hai người cải sang Đạo Phật năm 1880, tức là chỉ sau khi thành lập Giáo Phái có 5 năm. Chứng tỏ những vị sáng lập Đạo mà còn không tin tưởng, kiên định về những điều họ đã truyền rao để đi theo một Tôn Giáo khác, có nghĩa là họ thấy Đạo Phật đáng tin cậy hơn. Vậy thì những tín đồ theo Tôn Giáo này sẽ tin tưởng vào điều gì khi những vị sáng lập đã bỏ nó để theo một Tôn Giáo khác ?

Đọc Hành Trình về Phương Đông, tôi thấy bản thân tác giả John Vũ là một nhà Khoa Học mà lại đánh giá những Nhà Khoa Học đã và đang phục vụ cho cuộc đời quá thấp, không bằng những Đạo Sĩ, Chân Sư biểu diễn vài môn thần thông ! Dù rằng những điều đó là cao siêu, phi thường, phải công phu khổ luyện mới đạt được, người thường không làm được. Tuy nhiên, theo tôi, nếu xét về thực tế thì Thần Thông, biết trước biết sau hay làm được những điều phi thường dù có cao siêu tới đâu cũng không giúp ích gì cho cuộc đời. Vì nếu đã làm ra bánh mì mà không tốn nguyên liệu, lại không mất phí, không mất thời gian vận chuyển sao các vị không đào tạo thật nhiều Đệ tử, rồi thầy trò đưa nhau đến những nơi có nạn đói để cứu giúp trong khi thế giới đang thiếu lương thực ? Nếu không làm được thì không lẽ thần thông đó chỉ có tác dụng để biểu diễn thôi sao ? Mặt khác, cho là những Chân Sư đang sống ở Núi Tuyết, với Thần Thông quảng đại, đang “âm thầm ban rải thần lực” cho thế giới thì sao lúc Ấn Độ bị thiên tai làm sụp đổ bao nhiêu Chùa, Tháp, làm gần chục ngàn người chết mà các vị không báo trước cho họ tránh hay làm cách nào để giảm thiểu tai họa cho đất nước ? Nếu nói rằng “Thiên cơ bất khả lậu” . Dù có biết cũng không được nói, vậy thì cái biết đó trở thành vô nghĩa, có lợi ích gì cho ai mà phải khổ luyện cho cực ?

Về thuật khinh công hay qua sông không cần đò cũng thế. Chính Đức Thích Ca đã phê phán : “Tại sao phải bỏ ra mấy mươi năm để làm cái việc mà chỉ cần bỏ ra vài mươi xu là có người đưa qua sông “?

Trong khi các nhà Khoa Học từ lâu đã chế tạo ra những chiếc máy bay, hay những chiếc tàu chở cùng lúc cả mấy trăm người bay cả nửa vòng trái đất hay xuyên Đại Dương. Con người có thể nhờ vào những tiến bộ này để cải thiện cuộc sống, thì thuật khinh công của một Đạo Sĩ chỉ làm được với bản thân, không giúp được cho bất cứ ai khác. Vậy thì so mặt lợi ích giữa các Đạo Sư và các Nhà Khoa Học mang kiến thức của mình, biến thành sản phẩm để giúp đời, ai có ích, cần thiết cho đời hơn ? Lúc con người bị chiến tranh hay bị Thiên Tai thì cũng chỉ dùng phương tiện do các Nhà khoa Học thế gian chế tạo để chở thực phẩm, thuốc men tới cứu giúp, hay đưa những nạn nhân đến nơi an toàn hoặc Bệnh Viện để cứu chữa thì những Đạo Sĩ, Chân Sư giúp được gì ? Chính vì cái Thân người thì mong manh, lúc nào cũng bị thời tiết, vi trùng, vi khuẩn, thú dữ tấn công, nên những nhà Khoa Học thế gian thì ngày đêm miệt mài tìm tòi, khám phá những phương pháp, cách thức, thuốc men để khắc phục bệnh tật, kéo dài cuộc sống, sức khỏe cho con người, làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn, ít ra là cũng bớt Khổ. Trong khi đó, các Chân Sư được cho là “Âm thầm ban rãi thần lực cho thế giới”, chẳng biết con người nhận được điều gì và như thế nào ? Liệu đó có phải là sản phẩm tưởng tượng không ? Bởi không ai gặp các Chân Sư ngoài những vị trong Hội Thông Thiên Học kể lại. Do đó chúng ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ.

Việc cho rằng cả Phái Đoàn - là những Nhà Khoa Học của Hoàng Gia Anh -từ bỏ tất cả để vô Núi Tuyết để tu thì tôi cho là bôi bác Khoa Học. Lối tuyên truyền đó làm hại cho người thiếu suy nghĩ không nhỏ. Vì trong xã hội, những người được đào tạo để trở thành Nhà Khoa Học không nhiều. Nếu không nói là rất hiếm hoi. Chính họ là những nhân tố quý rất cần để xây dựng và phát triển xã hội, thì tác giả do quá ngưỡng mộ những biểu diễn của các Đạo Sư, gán cho họ vì muốn trở về nguồn cội mà bỏ hết những việc đang làm để vô Núi Tuyết tu hành thì có đáng không ? Không khác nào phế võ công của những võ sĩ có nhiệm vụ cứu khổn phò nguy ! Con người trông cậy gì vào những Đạo sĩ hay Chân Sư có Thần thông quảng đại đó, trong khi Thần Thông của Khoa Học có thể giúp con người, giúp cải thiện xã hội ? Con người tiến bộ nhờ vào Khoa Học thế gian, đâu có nhờ vào những dị thuật uống nước cường toan không chết, hay chôn xuống mấy chục ngày đào lên mà vẫn sống ?

Mục đích của Đạo Phật là thấy cuộc sống quá ngắn ngủi, lẽ ra con người được sống những ngày tháng an lành, hạnh phúc bên cha mẹ, gia đình, người thân thì chỉ vì Tham, Sân, Si, thương, ghét mà sâu xé lẩn nhau, tranh giành địa vị, tiền bạc, của cải rồi cuối cùng cũng bỏ lại mà đi. Nhưng kiếp sống chỉ kết thúc đối với Cái Thân. Mỗi người sẽ lại tiếp tục nhận cái Thân khác để Trả những Nghiệp Ác đã gieo. Chính vì vậy mà Đức Thích Ca dùng nhiều phương tiện để giáo hóa con người, cho con người chịu ngưng không lám Ác nữa, mà hành Thiện để không bị quả Ác về sau. Không chỉ vậy, Đạo Phật còn dạy mỗi người phải đền TỨ ÂN, tức là phải trả hiếu cho cha mẹ, Ân những người Thầy đã dạy. Ân Phật hướng dẫn, và Ân đất Nước, xã hội đã giữ gìn an ninh, tạo mọi điều kiện cho ta được sống an lành, cũng như Ân của tất cả mọi thành phần trong đời đã cung cấp cho ta mọi thứ thiết yếu cho cuộc sống.

Do vậy, những người không thấy được mục đích của Đạo Phật là vì yêu thương thế gian, yêu thương cuộc đời mà dùng phương tện để giáo hóa con người, để họ đừng khuấy động, đừng làm cuộc đời thêm điên đảo, mà chung tay xây dựng để cuộc đời tốt đẹp hơn lên, trong khi cuộc đời vốn đã đẹp với những cảnh quang tuyệt vời ! Nhưng nhiều người không hiểu, mới nghe loáng thoáng đã cho rằng Đạo Phật dạy chê đời là ô trược, rồi khuyên bỏ thế gian để sống biệt cư mà tu hành, càng xa lánh cuộc đời càng tốt !

TIẾU THỪA cũng thế. Cho rằng con đường tu hành là cao cả, rồi thuyết Pháp để hướng dẫn bá tánh chê thế gian là ô trược để buông bỏ thế gian. Bỏ hết nghề nghiệp, địa vị, tiền bạc để vô Chùa tu hành, cho rằng như thế là “Ly dục”, “ly trần”, “thoát vòng tục lụy” . Thế rồi từ khi Xuất Gia, ngày tháng họ chỉ Ngồi Thiền, học Pháp, Tụng Kinh, Niệm Phật chờ về Niết Bàn, và trở thành gánh nặng để những thí chủ là những con người đang sống trong ngụp lặn trong bể khổ, vừa phải lo cho gia đình, vợ con lại phải cưu mang một lực lượng tu hành không nhỏ. Phải cung cấp cho họ từ đôi dép, bộ y, cho tới thực phẩm, vật dụng, thuốc men. Trong khi xã hội còn biết bao nhiêu người không có nhà để ở, cơm không đủ ăn, trường học không đủ cho học sinh. Bệnh viện để chữa trị cũng thiếu thì bênTIỂU THỪA vận động bá tánh Cất Chùa cho bao la rồi phải chi tiền điện đóm thắp sáng ngày đêm chỉ để thờ những..Tượng Phật bằng Gỗ, đồng, xi măng hay thạch cao ! Theo tôi, đó là một sự phí phạm tiền bạc, của cải và nhân lực, tài sức của con người, lẽ ra để dành xây dựng cuộc đời. Họ không học hết Giáo Pháp của Đạo Phật để thấy việc tu hành của người tu Phật, kể cả Giáo Chủ là Đức Thích Ca chỉ là TỰ ĐỘ. Phật không có khả năng để cứu độ cho người khác. Vì nếu độ được người khác thì Đạo Phật trở thành Đạo ĐỘ THA, không còn TỰ ĐỘ nữa. Do đó, bày ra cúng kiếng, nhang khói để cầu xin chỉ vô ích mà thôi . Những người bày ra là đang Chồng Mê cho bá tánh,đang Phá Pháp. Không phải là Chân Đệ Tử, hộ trì Phật Pháp !

Thật vậy. Không có những Đạo sĩ với những dị thuật cao cường hay các Tu Sĩ thì thế giới vẫn bình thường, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Ngược lại, nếu thiếu những Nhà Khoa Học để có những sáng kiến, phát minh ra những phương tiện để phục vụ xã hội, cộng đồng thì con người sẽ thiệt thòi rất nhiều. Nhờ những nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật mà con người được hưởng tiện ích của phi cơ, tàu thuyền, xe hơi, xe gắn máy.. giúp con người di chuyển, chuyên chở hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện biết mấy ? Rồi điện thoại di động, Internet kết nối toàn cầu. Người ở đâu cũng nói chuyện với nhau để mua bán, làm ăn, trao đổi hàng hóa, kiến thức với nhau. Dự báo thời tiết, biển động, báo mưa, báo bão để con người kịp thời đề phòng. Tất cả đều do Khoa Học cũa người phàm sáng tạo. Trong khi đó, Thần Thông, phép mầu làm được gì để giúp ích cho nhân loại ? Vậy mà Nhà Khoa Học John Vũ lại hết lời ca tụng để dẫn dắt nhiều người mơ màng đến một thế giới tách biệt với con người !

Những người tu hành bỏ đời là những người chưa học hết Giáo Pháp của Đạo Phật. Thật vậy. Đạo Phật chân chính được Đức Thích Ca khám phá và bỏ cả cuộc đời để thuyết giảng mục đích là để giúp cho con người vẫn tiếp tục sống giữa đời mà không con đau khổ nữa, gọi là Thoát Khổ. Không phải người muốn tu là phải bỏ đời lên non cao động vắng hay vô Chùa tránh đời, vì những động loạn, khổ đau là do chính con người tạo ra. Không phải do cuộc đời. Chính vì vậy, Đạo Phật dạy con người phải Tư Duy tìm nguồn gốc của Khổ để thấy : CÁI KHỔ là ở nơi CHẤP LẦM tức là cái VỌNG TÂM của mỗi người. Không phải là ở ngoài thế gian. Do đó, mỗi người phải tự hóa giải, tự sửa chữa gọi là Tu Tâm hay gọi là “Cứu Độ Chúng Sinh”, mà Chúng Sinh đó chỉ là những thói xấu : Tham Lam, Sân Hận, Si mê, Thương, ghét, đố kỵ, ích kỷ, nhỏ nhen trong Tâm của chính mỗi người. Không phải là của vũ trụ hay thế giới bên ngoài. Bỏ những thứ đó đi thì sẽ Hết Khổ, được Giải Thoát.

Phải chăng thế giới hỗn loạn, xã hội bất an, gia đình bất hòa là do những cái TÂM THAM LAM, Sân hận, đố kỵ, nhỏ nhen, ganh ghét, tranh giành, hơn thua của con người với nhau ? Mọi người quên rằng chỉ sống tạm ở đây nhiều lắm là 100 năm rồi sẽ ra đi, bỏ lại tất cả. Có đấu tranh, giành giật rồi cũng không mang theo được. Vì thế con người cần quán sát, tư duy để thấy rõ mọi vấn đề để cư xử cho hợp lý. Đã biết cuộc đời là VÔ THƯỜNG, ngày nào đó người thân cũng bỏ mình mà đi. Bản thân mình cũng thế, tại sao không sống hòa bình, vui vẻ, yêu thương nhau trong lúc còn sống bên nhau, đợi đến lúc mình phải ra đi, hay cách biệt người thân mới hối tiếc ? Chính vì vậy mà Đạo Phật dạy con người nên biết TỪ, BI, HỈ, XẢ, tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ nhau để cuộc sống được an vui. Ngoài ra, mỗi người được trưởng thành, giữ được thân mạng, tránh được bao nhiêu tai họa là do Cha mẹ nuôi dưỡng, gìn giữ, xã hội bảo trợ, người thầy đào tạo, và biết bao nhiêu thành phần chung tay để ta có được những vật dụng thiết yếu, cơm gạo rau quả để nuôi thân. Chính vì vậy mà Phật dạy phải đền TỨ ÂN. Người tu không được quên thì mới trọn vẹn cho công việc tu hành.

Dù được đào tạo bên ĐẠI THỪA, nhưng tôi không dừng ở đó, mà tìm hiểu thêm về TIỂU THỪA và các Tông, Phái, xem có gì để học hỏi thêm.

Tìm nguồn gốc TIỂU THỪA, tôi thấy buổi đầu cùng xuất phát từ Tăng Đoàn của Đạo Phật. Nhưng lúc Tổ Thứ 3 Truyền Y Bát cho Tổ Thứ Tư, là một thanh niên 20 tuổi, mới Xuất gia theo hầu Tổ được có 3 năm, thì cũng là lúc các Trưởng Lão tách ra để lập nhóm riêng thành nhóm TIỂU THỪA, và ĐẠI THỪA hay ĐẠI CHÚNG BỘ do Tổ mới bắt đầu cầm nắm. Kể từ lúc tách ra thì bên TIỂU THỪA chỉ nhìn nhận có hai Tổ là CA DIẾP và A Nan mà thôi. Có lẽ các Trưởng Lão thấy mình tu lâu năm, lên đến hàng Trưởng Lão mà không được Truyền Y bát, mà lại giao quyền thống lãnh Tăng Đoàn cho một thanh niên mới vào tu có 3 năm nên không phục, nghĩ rằng Tổ ưu ái cho Thị Giả của mình, mà không biết mấy điều sau :

- 1/- Sử 33 Vị Tổ viết : Lúc thấy mình già yếu, muốn tìm người để Truyền Y Bát thì Tổ Thương Na Hòa Tu đã nhập định, biết có vị trở lại sẽ sinh ở nhà Ông Trưởng Giả, nên đến tìm. Lúc đó vợ chồng Ông Trưởng giả chưa có con. Ông trưởng giả hứa nếu có con trai sẽ cho theo hầu Tổ. Năm sau vợ Ông Trưởng giả mới mang thai và sinh ra một đứa con trai, đặt tên là Ưu Ba Cúc Đa.

- 2/- Năm Ưu Ba Cúc Đa được 12 tuổi thì Tổ thường xuyên đến nhà và đào tạo, giảng pháp. Dạy cách Điều phục Cái Tâm. Năm 17 tuổi mới Xuất Gia hầu Tổ. Đến năm 20 tuổi thì đắc Pháp, nên Tổ mới Truyền Y Bát cho Ngài.

- Trong Phật Pháp không có chuyện nể nang hay giao quyền cho bà con, họ hàng.Vì cầm nắm cả Tăng Đoàn và Giáo Pháp là cả tương lai của Đạo Phật thì phải là người Chứng Đắc, đủ tài, đủ đức mới được trao quyền. Nếu có việc giao quyền cho bà con, họ hàng thì Đức Thích Ca đã Truyền Y Bát lại cho con trai là La Hầu La, hay em họ là ngài A Nan, đâu có giao cho Ngài Ca Diếp ?

Tổ Thương Na Hòa Tu đâu có lầm. Rõ ràng là chàng thanh niên 20 tuổi đó là Tổ ƯU BA CÚC ĐA đã làm tốt vai trò Tổ thứ Tư của mình. Sau đó nối nhau trao truyền đến đời Tổ Thứ 28 là Tổ Đạt Ma.

Theo Sử chép. Tổ Đạt Ma thấy căn khí Đại Thừa bên Trung Quốc vượng nên đã đi thuyền suốt 3 năm qua đó và truyền Y Bát lại cho 5 Vị Tổ. Tổ cuối cùng là Lục Tổ Huệ Năng. Nhưng tính theo thứ tự bên Ấn Độ tính từ Tổ Ca Diếp thì Ngài là Tổ thứ 33. Do đó, 5 Vị Tổ Đại Thừa cuối cùng là người Trung Quốc.

Việc chống đối vì không được Truyền Y bát để ra lập TIỂU THỪA của các Trưởng Lão càng chứng tỏ Tổ Thứ 3 không trao Y bát cho họ là chính xác. Người tu hành nhiều năm, mà không chuyển hóa được Cái Tâm. Vẫn còn ham địa vị, ham làm Trưởng Môn. Bất chấp lời dặn dò của Giáo Chủ là Đức Thích Ca thì làm sao đủ tư cách để cằm nắm Tăng Đoàn và Giáo Pháp của Đạo ?

Việc đào tạo của TIỂU THỪA càng chứng tỏ thêm điều đó. Dù Giáo Pháp của TIỂU THỪA cũng giống như bên ĐẠI THỪA, chấp nhận TỨ THÁNH ĐẾ, BÁT CHÁNH ĐẠO, LÝ DUYÊN KHỞI. TAM PHÁP ẤN : KHỔ, KHÔNG, VÔ NGÃ. Con đường tu tập cũng là GIỚI, ĐỊNH, HUỆ. Nhưng khi khai triển thì khác hẳn bên ĐẠI THỪA.

Tu theo bên TIỂU THỪA thì phải đầy đủ hình tướng, phải vô Chùa, phải Ly Gia, Cắt Ái. Không được có gia đình, phải độc thân. Không dính tới việc thế gian. Công phu tu hành là Ngồi Thiền, học Pháp, tụng kinh, Niệm Phật, chờ ngày về Niết Bàn. Họ hướng tới Phật bên ngoài. Nước Phật ở Tây Phương Cực Lạc, nên cổ súy xây Chùa to, dựng Tượng cho lớn đê tôn vinh Phật.

Quả vị của TIỂU THỪA là A La Hán, “Thấy các Pháp là KHÔNG”. Vì cho đời là ô trược nên phải cách ly với cuộc đời, núp sau cửa Chùa hoặc non cao động vắng, không dính tới các Pháp. Không bị các Pháp Vui, Buồn, nghèo, giàu, cao, thấp, hơn thua … đụng tới, được an ổn, nên thấy mình “thoát tục”, “thoát phàm”, “ly trần”, cho là đã đạt Niết Bàn. Do việc tu hành quá hạn chế, không thể phổ cập cho nhiều người, nhiều giới, nên gọi là TIỂU THỪA, tức là CỔ XE NHỎ, không chuyên chở được nhiều. Họ không biết Tâm là gì nên không thể chuyển hóa để bắt nó Cải Ác, hành Thiện. Do vậy mà phải né Pháp, tránh Pháp, không dám tiếp xúc.

Họ không thấy là mình đang mâu thuẫn, vì nếu Các Pháp là KHÔNG thì sao lại CÓ thế gian ô trược để phải Ly ? CÓ Giáo Pháp của Đạo Phật để học hỏi, CÓ Mình để tu hành ? CÓ Quả Vị A La Hán để Chứng Đắc ?

Trong khi đó, bên ĐẠI THỪA thì cho rằng : ”Giải Thoát hay ràng buộc chỉ ở nơi Tâm”, nên chỉ quay vô Tu sửa cái TÂM, gọi là TU TÂM. Không chú trọng đến hình tướng. Không đòi hỏi phải vô Chùa, cạo tóc, đắp y. Có gia đình hay không ? Già hay trẻ, trình độ cao thấp bao nhiêu ? Vua quan hay tiện dân, giới trí thức hay buôn bán, lao động chân tay… miễn muốn Thoát KHỔ là có thể nương hướng dẫn của ĐẠO PHẬT để Giải Thoát.

Công năng tu hành của ĐẠI THỪA là ĐIỀU PHỤC hay Giáo Hóa Cái TÂM, cho nó Cải tà, quy Chánh, Cải Ác, Hành THIỆN. ĐẠI THỪA cho rằng “Phật là Giải Thoát, là Vô Tướng, do vô lượng công đức mà thành”, nên không khuyến khích xây Chùa Hữu tướng, mà mỗi người tự quay vô Xây Chùa nơi Tâm, bằng cách dọn Cái TÂM cho ngay ngắn, thanh tịnh. TẠC TƯỢNG PHẬT bằng cách Hành theo những công hạnh mà Phật đã làm, là LỤC ĐỘ, VẠN HẠNH, TỨ NHIẾP, TỨ VÔ LƯỢNG TÂM. Dù ở cấp bậc nào, trong Chùa hay ngoài đời thì cũng không rời GIỚI, HẠNH, BÁT CHÁNH ĐẠO.

QuẢ vị của ĐẠI THỪA là Thành PHẬT hay GIẢI THOÁT. Thành Phật không phải là thành một vị Thần Linh, mà là thành tựu con đường Giải Thoát. Hết Khổ.

Bên ĐẠI THỪA cũng Quán Sát Các Pháp, cũng thấy cuối cùng nó sẽ trở về KHÔNG. Nhưng nhìn nhận thực tế, biết rằng hiện tại nó đang CÓ, nhưng ngày nào đó sẽ hư hoại, nên gọi là TẠM CÓ. Vì vậy,Tu hành theo ĐẠI THỪA là học biết về CÁC PHÁP để không còn CHẤP nó. Sống trong Cái CÓ. Vẫn Nghe, Thấy các Pháp diễn ra, nào Sạch, dơ, lành, dữ, hơn, thua, sang, hèn, thiện, ác v.v..mà Tâm không còn DÍNH MẮC, CŨNG NHƯ HƯ KHÔNG, gọi là NHƯ THỊ. Đó là CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO. Nhờ đó mà được THOÁT PHÁP dù vẫn sống chung với các Pháp.

Người tu theo ĐẠI THỪA thì hiểu rằng CÁI TÂM là mấu chốt của mọi Thiện, Ác. Đọa Địa Ngục hay sinh Thiên, thành Thánh, Thành Phật cũng ở đó. Vì thế họ phải quán sát cái Tâm, để thấy từng sát na nó luôn khởi lên Tham, Sân, Si, đố kỵ, giận hờn, thương ghét, hơn thua. Những tính xấu đó gọi là chúng Sinh. Người tu phải hóa giải, “độ thoát” cho nó. Khi “cứu độ” được một tư tưởng từ chấp nhất, động loạn trở lại thanh tịnh, an vui, thì gọi là “Cúng dường một Vị Phật”. Do vậy, cả một đời tu hành, người tu sẽ “Cúng dường vô lượng, vô số ức Đức Phật”. Không phải là tạc nhiều tượng Phật để cúng như hàng Nhị Thừa vẫn hiểu lầm !

Từ việc tách ra để thành lập TIỂU THỪA cũng như các Tông, Phái. Biến Chùa Chiền thành Cửa THIỀN, các Tỳ Kheo thành Thiền Sư, theo tôi nhận định là cũng chỉ vì những cái Tâm ham làm Giáo Chủ Pháp Môn. Ham cầm đầu Tăng Chúng, ham lãnh đạo mà thôi. Những người đó chắc chắn là chưa điều phục xong cái Tâm của mình, chưa Chứng đắc . Vì nếu người đã điều phục xong cái Vọng Tâm sẽ không còn NGÃ CHẤP thì làm gì khởi cao, thấp, hơn thua, Tham, Sân Si, kiêu mạn nữa ?

So sánh cách hướng dẫn tu tập của một số Tông, nổi bật nhất là Thiền Tông với những lối hướng dẫn đặc biệt như : Đả Thiền, Đả Thất. Quăng phất trần, đánh trống, giương cung, đá cầu, hầm khoai… tôi thấy : NhỮng vị Thiền Sư đó biết rằng Đức Thích Ca đắc đạo do Thiền, nên họ chỉ tập trung vào THIỀN, lấy đó để hướng dẫn cho lớp đệ tử , cho đó là Đốn Giáo, đi thẳng, đi tắt vào Đạo, không quanh co cho mất thời gian ! Chính người Thầy cũng không hiểu Mục Đích của Đạo Phật là để Thoát KHỔ, không phải là để Chứng đắc, để được Quả Vị cao, thấp !

Phần các Thiền Sinh, tu hành mà cứ khởi tâm muốn Chứng Đắc cho nhanh. Thầy thì chẳng thấy dạy cho Đệ tử Giới, Hạnh. Vừa nhập môn là giao cho Công Án nào đó cho Tham. Thế rồi đệ tử cố gắng Khai cho bằng được. Thậm chí như Ngài VÔ MÔN, bỏ ăn bỏ ngủ - để Khai Công Án chữ VÔ. Mất 6 năm miệt mài, cuối cùng thấy được chữ VÔ thì cho rằng mình Thấy Tánh, Thành Phật mà còn cao hơn cả Phật, trong khi Chữ VÔ và Cái TÁNH chẳng dính dáng gì đến nhau ! Tìm gì thì gặp đó. Tìm TÁNH mới Thấy TÁNH. Tìm chữ VÔ thì đắc Chữ VÔ, liên quan gì đến Cái TÁNH ?

Người muốn Tu Phật phải biết Cái Thân này chỉ là Cái Ta Giả. Cần mài mòn nó bằng các Hạnh, thì Cái THẬT mới lộ ra, đâu phải lấy thiết bảng hay phất trần quất vô đầu Thiền Sinh mà làm cho nó Thấy Tánh được ?

TỊNH ĐỘ TÔNG cũng tương tự. Thấy Kinh viết “Tây Phương Cực Lạc trang hoàng bằng Bảy Báu thì muốn được về đó, rồi cho là cứ Niệm Phật A Di Đà liên tục ngày đêm thì Phật sẽ rước về ! Không biết Tây Phương Cực Lạc hay Đông Phương Tịnh Quốc, Bờ bên này, Bờ bên kia là phương tiện của Phật nói về tình trạng của CÁI TÂM. Do đó, “Bồ Tát muốn được TỊNH ĐỘ phải tịnh Tâm” (Kinh DUY MA CẬT).. Bờ bên này là phiền não, đau khổ. Bờ bên kia là an lạc, là Niết Bàn. Đông Phương, hay Tây Phương cũng để nói về cái TÂM khi còn động loạn và khi hết động loạn, được thanh tịnh mà thôi. Mục đích là để dụ cho con người ham thích được về đó mà Cải Ác, Hành Thiện để được Thoát khổ. Bảy Báu là dụ cho Xả Bảy món : Ba Nghiệp của Thân là Tham, Sân, Si và Bốn Nghiệp của Khẩu là Nói láo, nói lưỡi đôi chiều, nói để khen mình chê người. Do con người cứ khư khư ôm giữ đời nọ sang đời kia nên Phật ví như là người giữ của Báu ! Nước Phật là nói về tình trạng “Rỗng rang, thanh tịnh” của Cái Tâm, làm sao mang vàng ngọc thế gian để chất vô đó được ?

Con đường tu Phật theo ĐẠI THỪA rất rõ ràng : Vì muốn Thoát Khổ. Muốn Thoát Khổ thì phải tìm xem điều gì làm cho Khổ rồi tháo gỡ ở đó. Tất nhiên là phàm phu mới vào tu làm sao hiểu được. Do đó mà phải dò dẫm từng bước. Trước tiên là phải có Giới để có Sức Định, rồi dùng sức Đinh để Quán, Soi sinh Trí Huệ. Mỗi khi nghe Pháp hay đọc Kinh thì phải Tư Duy để tìm ý nghĩa rồi mới thực hành gọi là VĂN-TƯ-TU. VĂN TƯ TU GIỚI ĐỊNH HUỆ là sáu món không thể hiếu cho người muốn tu hành., mục đích là để phá Vô Minh, vì theo Phật, mọi Nghiệp, tội đều do cái Tâm đã điều khiển cho Lục Căn hành động khi còn Vô Minh. Phải dùng Trí Huệ để phá Vô Minh. Muốn có Trí Huệ thì phải Tư Duy trong lúc Ngồi Thiền gọi là THIỀN QUÁN.Từng bước, người tu phải thực hành, không phải cứ Ngồi Thiền là sẽ có Trí Huệ ngay.

Qua những gì tìm hiểu, tôi thấy : Từ Đạo Giải Thoát do Đức Thích Ca khai mở, được nhiều người, nhiều giới ngưỡng mộ. Các Đệ Tử Phật chia nhau đi khắp nơi để truyền bá. Số người tin theo ngày càng đông, nên những người ham danh, ham lợi cũng gia nhập vô để đi giảng pháp. Rồi vì muốn chiêu mộ đệ tử cho đông, nên đi tới địa phương nào họ thêm phong tục, tập quán của địa phương đó vô, lần hồi Đạo Phật trở thành Đạo Thờ cúng, Cầu xin. Phật trở thành Thần linh để ban ân, giáng phúc, không còn là một Con Đường Giải Thoát mà mỗi người phải hành trì để Tự Độ nữa. Tín đồ cũng quên rằng Phật Thích Ca cũng đã chết. Chúa cũng chết. Trước lúc chết Phật thì bị ngộ độc thực phẩm. Chúa thì bị hành hình. Các Ngài không tự cứu làm sao cứu được cho ta mà cầu xin thay vì thực hành theo những gì các Ngài đã dạy để Tự cứu ?

Đã sinh ra làm con người thì mỗi người phải sống cho đến hết kiếp, vậy tại sao không sống hạnh phúc, an vui mà phải chịu KHỔ ? Và đã sống thì phải giữ tròn đạo lý con người. Kính trên, nhường dưới, yêu thương lẫn nhau và cùng chung tay xây dựng cuộc đời để trước hết là gia đình, xã hội được yên vui. Nếu nhân rộng ra thì cả thế giới cùng vui sống trong hòa bình, thịnh vượng, cùng yêu thương nhau và giữ gìn trái đất vốn đã đẹp lại càng văn minh, giàu đẹp hơn. Bởi vậy, theo tôi, bất luận giáo pháp nào, nếu giúp con người bớt ích kỷ, biết yêu thương nhau và xây dựng cuộc đời thì mới xứng tên là CHÁNH PHÁP mà con người cần học hỏi. Vì vậy tôi cho rằng Giáo Pháp ĐẠI THỪA mà tôi đã chọn là xứng đáng, không uổng công bỏ ra mấy chục năm bỏ hết mọi việc để nghiền ngẫm, áp dụng vậy.

Tháng 10 năm 2024




VVM.01.11.2024.