Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



Nguyễn Triệu Luật (1903-1946)

NGUYỄN TRIỆU LUẬT
Người Viết Tiểu Thuyết Lịch Sử Bị Quên Lãng

  


Tiểu sử:

Nguyễn Triệu Luật có bút hiệu: Dật Lang, Phất Văn Nữ Sĩ; là nhà giáo, nhà văn, nhà báo và là thành viên sáng lập Việt Nam Quốc dân Đảng vào năm 1927 tại Việt Nam.

Ông là người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Vĩnh Yên (hiện nay là Đông Anh, Hà Nội). Ông sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng truyền thống; là cháu nội của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản ( 1823 - 1890 ) cũng là cháu 5 đời của danh sĩ Nguyễn Án, tác giả tập “Tang thương ngẫu lục” (cùng soạn với Phạm Đình Hổ), thuộc một dòng họ có nhiều người đỗ đạt và nhiều người làm quan lớn.

Thuở trai trẻ, Nguyễn Triệu Luật học tại Trường nam Sư phạm Hà Nội, đến khi tốt nghiệp, lần lượt đến dạy tại một số trường công ở Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng.

Năm 1927 , ông cùng Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài tham gia thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng... Sau khi cuộc tổng khởi nghĩa thất bại, mười ba đồng chí của ông, trong đó có lãnh tụ Nguyễn Thái Học, bị thực dân Pháp xử chém ở Yên Bái năm 1930 ; thì ông cũng bị thực dân cầm tù cùng với hai nhà văn khác là Nhượng Tống và Trúc Khê.

Một thời gian sau ông được tha, nhưng bị buộc thôi dạy học tại các trường công. Để kiếm sống, ông chọn con đường trở thành nhà văn, nhà viết tiểu thuyết lịch sử ký thác tình cảm và ý chí yêu nước của mình.

Và cũng kể từ đó, ông quay sang làm báo, viết cho nhiều tờ như: Nam Phong, Trung Bắc Tân văn, Ích hữu, Tao đàn, Tiểu thuyết thứ Bảy, Nhật Tân... Trong những năm 1937 - 1939, ông được mời vào giảng dạy tại trường tư thục Lễ Văn ở Vinh . Chính thời gian này, ông viết nhiều tác phẩm nhất.

Năm 1940 , ông bị thực dân Pháp đưa đi an trí, và qua đời năm 1946 , lúc 43 tuổi.

Hiện nay, tại quận Bình Tân, Tp.HCM có con đường mang tên Nguyễn Triệu Luật.

Tác phẩm chính:

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, vào năm 1935, nhân đọc cuốn Vua Hàm Nghi của Phan Trần Chúc, Nguyễn Triệu Luật viết cuốn Ông Phan Trần Chúc bôi nhọ quốc sử, rồi sau đó ông soạn một loạt sách truyện ký lịch sử bao gồm:

- Hòm đựng người (1937)

- Bà Chúa Chè (1938)

- Loạn kiêu binh (1939)

- Ngược đường Trường thi (1939)

- Chúa Trịnh Khải (1940)

- Rắn báo oán (1941)

- Thiếp chàng đôi ngã (1941)

- Bốn con yêu và hai ông đồ (1943).

Ngoài ra, ông còn có nhiều tiểu luận, tạp luận đây đó trên nhiều báo và tạp chí đương thời, kể từ tờ Nam Phong tạp chí ( 1923 ), tờ Phụ nữ thời đàm mà ông là Chủ bút kế nghiệp nhà văn Phan Khôi trong 4 số cuối cùng, các tạp chí Tri tân, Tao đàn... Cho đến nay vẫn chưa sưu tập được đầy đủ.

Năm 2011 , các tiểu thuyết lịch sử của ông đã được in lại trong cuốn Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành.

Đóng góp cho văn học Việt

Nguyễn Triệu Luật nhờ có vốn hiểu biết sâu về lịch sử, cộng với tài tạo dựng, nên những tác phẩm của ông đều thể hiện được màu sắc, không khí của thời xưa và một tinh thần nhân bản dồi dào, sâu sắc.

Ngay từ tiểu thuyết lịch sử đầu tiên là ‘Hòm đựng người’, Nguyễn Triệu Luật đã được người đương thời chú ý và yêu thích. Đến bộ ba tác phẩm: Bà Chúa Chè, Loạn kiêu binh và Chúa Trịnh Khải, thì nghệ thuật tiểu thuyết của ông càng được nâng cao hơn và phạm vi đề tài cũng mở rộng hơn. Trong bộ ba này, hay hơn cả là cuốn ‘Bà Chúa Chè’. Qua cuốn sách này, tác giả đã dựng lại khá sinh động hình tượng một Bà Chúa Chè (tức Đặng Thị Huệ, nhân vật chính) thông minh, bản lĩnh và biết thương cảm (khác với hình ảnh một vương phi lắm mưu mô, đầy tham vọng trong sách Hoàng Lê nhất thống chí). So với những tiểu thuyết lịch sử đương thời thì Bà Chúa Chè có sự mới mẻ trong hư cấu, khéo léo trong bố cục, hấp dẫn của tình tiết, chân xác của lịch sử và có cả cái nhìn cấp tiến trong cách đánh giá nhân vật chính.

Nhìn chung, Nguyễn Triệu Luật đã tự mình mở ra một dòng sáng tác tiểu thuyết lịch sử rất đáng trân trọng. Ông đã có ý thức tái hiện lịch sử bằng hư cấu trên cơ sở hiện thực đáng tin cậy, và miêu tả cụ thể chi tiết gây rung động nơi người đọc. Đương thời ông là nhà văn được nhiều độc giả yêu thích. Các nhà văn tài danh như Nguyễn Tuân, Đái Đức Tuấn, Vũ Ngọc Phan, Trúc Khê... đều có những bài viết ca ngợi ông. Cho nên, dù tác phẩm của ông phần lớn còn dừng lại ở những nét tâm lý, tính cách biểu hiện ở bên ngoài mà chưa khai thác sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, nhưng đó cũng là đặc điểm chung của các sáng tác tiểu thuyết lịch sử ở những năm 30-40 của thế kỷ 20. Ngày nay, truyện của ông vẫn rất đáng được đọc để hiểu về lịch sử Thăng Long một thời xa xưa, cũng như kỹ thuật viết văn của tiểu thuyết gia Việt Nam lúc bấy giờ...

Hội thảo “Nguyễn Triệu Luật - con người và tác phẩm”

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh ( 1903- 2013 ) của nhà văn Nguyễn Triệu Luật, sáng 23/8/ 2012 , tại Thư viện Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Hội thảo mang tên “Nguyễn Triệu Luật - con người và tác phẩm”. Đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, gia đình và bạn đọc yêu văn chương của Nguyễn Triệu Luật đã tới dự. Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội và ông Nguyễn Triệu Căn, con trai nhà văn Nguyễn Triệu Luật chủ trì hội thảo.

Hội thảo “Nguyễn Triệu Luật - con người và tác phẩm” do Hội nhà văn Hà Nội tổ chức hôm 23/8 như một buổi cấp lại giấy khai sinh cho một con người, một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử gần như bị quên lãng. Sự kiện giúp nhiều người biết được Nguyễn Triệu Luật là ai và giá trị những tác phẩm văn chương của ông. Là một nhân vật nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam những năm 1930 của thế kỷ trước nhưng tên tuổi Nguyễn Triệu Luật không được nhắc tới suốt thời gian dài sau đó. Hội thảo chứng thực một con người đã sống - viết, đồng thời ghi nhận những đóng góp của ông trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử qua những tác phẩm có giá trị như: Bà Chúa Chè, Ngược đường Trường thi, Loạn kiêu binh, Chúa Trịnh Khải…(Hà An). Ngoài ra hội thảo còn khai mở những câu chuyện thú vị về một con người mà đến cả cái chết cũng chưa được làm rõ và còn rất nhiều khoảng trống bị bỏ ngỏ về cuộc đời sáng tác của ông.

Với hơn 10 tham luận, hội thảo làm rõ về nhà văn Nguyễn Triệu Luật lần lượt ở hai góc độ con người và tác phẩm. Phần con người, hội thảo đặt vấn đề khai mở những góc khuất, những khúc quanh trong cuộc đời nhà văn mà đến cả vợ con trong gia đình đều không biết rõ. Thông tin về Nguyễn Triệu Luật ở góc độ văn học sử rất ít. Ông tham gia sáng lập Việt Nam Quốc dân Đảng nhưng không rõ vai trò, quá trình hoạt động, bị bắt và kết án ra sao? Nguyễn Triệu Luật đi dạy học ở nhiều nơi nhưng không cụ thể địa chỉ, ngày tháng năm nào. Năm 1945, Nguyễn Triệu Luật được cho là bị bắt giam và đưa đi an trí. Năm 1946, ông qua đời ở tuổi 43 nhưng không rõ ở đâu, vì lý do gì và như thế nào. Cái chết của ông cho đến hiện tại vẫn nằm trong bóng tối như trường hợp của Lan Khai và Khái Hưng (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên).

Các tham luận hé mở những thông tin thú vị trong cuộc đời nhà văn Nguyễn Triệu Luật. Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc nhớ lại người anh, đồng nghiệp từng dạy học cùng ông tại trường tư thục ở Vinh: “Đó là một người tầm thước, đi nghiêng trái, hay nháy mắt phải, đứng đắn, diện comple tím và cà vạt đen, luôn đúng giờ, không sai một phút”. Hữu Ngọc đánh giá Nguyễn Triệu Luật ở hai khía cạnh: Một nhà Nho yêu nước hiện đại và một nhà sử học viết tiểu thuyết. Theo Hữu Ngọc, Nguyễn Triệu Luật là hậu duệ của nhà Lý 1000 năm, bén rễ gốc Nho gia và mang trong mình cái tích cực của Nho học, đó là Đạo làm người. Chính vì thế, Nguyễn Triệu Luật sống có lý tưởng rõ ràng: yêu nước một cách chân chính và nghiêm túc. Tuy nhiên, khuynh hướng của Nguyễn Triệu Luật không như các nhà Nho cũ mà ông mang ánh sáng của phương Tây soi sáng văn hóa cũ. Hữu Ngọc cho rằng, đó là những tác phẩm tốt cho thanh niên ngày nay đọc để hiểu, yêu và tự hào về lịch sử dân tộc.

Nguyễn Chí Tình, con của Nguyễn Đức Bính, hiệu trưởng trường Lễ Văn năm xưa có bài tưởng nhớ xúc động về Nguyễn Triệu Luật. Hình ảnh người thầy “mặc bộ comple màu tím thẫm, chiếc áo khoác dài màu cà phê sữa quen thuộc và đôi mắt sâu, hiền và đượm buồn”, vẽ thêm một nét chân dung của nhà văn. Nguyễn Chí Tình kể, khi bố ông, Nguyễn Đức Bính, hỏi: “Tại sao anh lại chọn những giai đoạn đất nước đầy những chuyện đau thương, hỗn loạn, rối ren mà viết”, Nguyễn Triệu Luật trả lời: “Tôi cứ thấy mình bị cuốn hút về những chuyện u ám trong lịch sử. Mà nói cho cùng, chính trong những thời kỳ lắm cái đau, cái khổ ấy, lịch sử và dân tộc mới để lộ hết thực chất, hết muôn mặt có thực của nó, và chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học hơn”.

Con trai nhà văn Nguyễn Triệu Luật, ông Nguyễn Triệu Căn, xúc động khi tưởng nhớ về cha mình. Nguyễn Triệu Căn cho biết, ông đã quên đi để mà sống - quên nỗi đau cha mất mà không biết cả ngày để làm giỗ, nhưng lúc cần nhớ thì lại được nhiều người giúp nhớ nhanh hơn. Gia đình cũng không khỏi xúc động khi biết trong Tp.HCM có một con đường mang tên Nguyễn Triệu Luật.

Một phần quan trọng của hội thảo là nói về tác phẩm và bút pháp viết tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật. Ông để lại 8 cuốn tiểu thuyết lịch sử hoàn thiện, lấy bối cảnh chính là giai đoạn vua Lê chúa Trịnh. Nhà giáo Phạm Toàn cho biết, tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật giúp ông nhìn ra một định nghĩa về tiểu thuyết lịch sử: “…viết tiểu thuyết lịch sử không cần theo phép Sử học. Tác giả chỉ phải tưởng tượng ra một ‘truyện có thể có’ ở một thời đại, rồi đem chuyện ấy lồng vào khung thời đại ấy. Mục đích là lấy một chuyện không đâu mà làm sống một thời đại” (Tựa ‘Hòm đựng người’).

Theo Phạm Toàn, lịch sử là một dòng chảy, sử gia chỉ là những người câm và nhà văn viết lịch sử là người góp phần gợi nỗi niềm cho người đời về những sự thật của lịch sử. Khác với các sử gia, người viết tiểu thuyết lịch sử tham gia vào tâm lý của nhân vật. Nguyễn Triệu Luật đã viết tiểu thuyết lịch sử với tinh thần như thế chứ không phải một sử gia chép sử.

Nguyễn Tuân bình luận về Nguyễn Triệu Luật

…Một hôm, giáo sư Nguyễn Triệu Luật đến trễ, vẫn com-lê và cà vạt đen, nhưng trước ngực còn đính một mẩu băng tang đen nhỏ. Để tang cho ai? Một lúc sau, giáo sư ngậm ngùi nói: “Hôm nay, đúng vào ngày đồng chí của tôi, Nguyễn Thái Học, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng bị đưa lên máy chém, khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại”. Giáo sư muốn tả thái độ hiên ngang của ông Nguyễn Thái Học trước lúc lên đoạn đầu đài.

…Hôm đó, chúng tôi không được nghe giảng theo chương trình mà đã được học bài lịch sử yêu nước mà nhân chứng là người bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt chúng tôi.

Chắc chắn Nguyễn Triệu Luật viết tiểu thuyết lịch sử để khơi mạch lòng yêu nước, bảo vệ những giá trị nhân văn của cha ông.

Tiểu thuyết lịch sử hiện đại của ta xuất hiện từ giữa những năm 1930 trong dòng tư duy trở về dân tộc, chống lại khuynh hướng Tây hóa khinh thị giống nòi. Nói chung, nó chịu ảnh hưởng tiểu thuyết lịch sử Pháp, tuy còn vương vấn tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Tiểu thuyết lịch sử Pháp thời lãng mạn (thế kỷ 19) với Vygni, Hugo, Dumas mở đầu cho tiểu thuyết lịch sử ở Pháp và chịu ảnh hưởng của nhà văn lãng mạn Anh Walter Scott, bậc thầy tiểu thuyết lịch sử của phương Tây.

Tiểu thuyết lịch sử của ta trước 1945 khai thác những khía cạnh của tiểu thuyết lịch sử lãng mạn Pháp, phù hợp với tâm lý người đương thời: tìm thoát ly trong thời gian và không gian, hư cấu để dựng lại không khí xưa như thật với những chuyện ly kỳ và nhân vật đặc biệt.

Các nhà phê bình và nhà văn đương thời xếp Nguyễn Triệu Luật vào bậc đàn anh trong thể loại này.

Phê bình Bà Chúa Chè, 1938, một người khó tính như Nguyễn Tuân, ký tên là Nguyễn Nhất Lang đã không ngớt khen “cái học và cái tài” của Nguyễn Triệu Luật: “Viết đến chính sử, người ta thường kể đến cái học - khảo cứu của sử gia. Viết về tiểu thuyết, người ta thường bàn tới nghệ thuật của tác giả. Nói về lịch sử tiểu thuyết, ngoài cái học kê cứu, sở cứu vào tài liệu, người ta còn phải điểm đến cả cái tài của bố cục, của tưởng tượng. Cuốn Bà Chúa Chè toàn thể được cả… Cái công tìm kiếm tài liệu theo phương pháp khoa học của tác giả nói cho ta nhiều lắm... (theo Hữu Ngọc).

Nguyễn Triệu Căn, con trai nhớ lại về Cha mình:

Chúng tôi trong cả gia đình và họ tộc, mọi người đều lấy tấm gương tu thân như tầm cỡ Nguyễn Triệu Luật làm mục tiêu noi theo. Nhưng… Vâng, đúng là có chuyện khi cha chúng tôi đi dạy học ở Vinh, thì người có sống chung với một người đàn bà khác không phải là chính thất. Người thiếp này sinh cho gia đình Nguyễn Triệu Luật thêm hai người con, và chúng tôi có thêm hai người em. Mẹ chúng tôi, chính thất của Nguyễn Triệu Luật, đã chủ động tổ chức cho bà thiếp này có vị trí đàng hoàng, chính thức trong gia đình. Ngay ở đây tôi không coi hành động đó là sự cao thượng của một người chính thất, mà tôi nhìn thấy ở đây một đôi mắt nhìn đầy thán phục của bà với người bạn đời Nguyễn Triệu Luật và cũng còn có cả một trái tim người con gái họ Trịnh đã bị thuyết phục vì tấm lòng và tài năng của người đàn ông họ Nguyễn khi đối đãi với những diễn biến của vương triều họ Trịnh thời Lê-Trịnh.

Thật vậy, tôi chưa hề thấy ở tác giả tiểu thuyết lịch sử nào của nước Việt Nam mà lại canh cánh một tâm sự với những vấn đề Lê-Trịnh như Nguyễn Triệu Luật. Người đọc gần như mang cảm giác rằng hầu như toàn bộ bối cảnh các cuốn tiểu thuyết Nguyễn Triệu Luật đều gắn bó xa gần với thời đại Lê-Trịnh. Ngay cả với những bối cảnh xa (như trong Rắn báo oán) thì cũng có chút gì đó dấu ấn của bi kịch được thấu cảm từ thời đại Lê-Trịnh. Thời đại như thế nào? Nguyễn Triệu Luật viết trong lời nói đầu Bà Chúa Chè:

Câu chuyện Bà Chúa Chè tôi thuật đây là khởi mào vận suy của nhà Trịnh. Nhà Trịnh, theo câu nói của nhà phong thủy là một họ: không vương không bá, quyền nghiêng thiên hạ; được hơn hai trăm năm, vạ xảy ngay chốn sát cạnh mình (Phi vương phi bá, quyền khuynh thiên hạ, nhị bách dư niên, tiêu tường nãi họa).

Những dòng trên cho thấy một Nguyễn Triệu Luật ngơ ngác đau lòng trước một sự thật lịch sử ông không hiểu hết, thậm chí không hiểu nổi. Vì thế mà, trong khi viết tiểu luận này, rất nhiều lần tôi dừng tay nghĩ đến cha mình, và tôi phân vân đặt câu hỏi: những dòng thác văn chương nhà tiểu thuyết viết ra hình như có chứa đựng cả tấm tình u uẩn của cha chúng tôi đối với mẹ chúng tôi - một người đàn bà họ Trịnh!

Quả có thế! Nguyễn Triệu Luật thông kim bác cổ, người có thể chọn bất kỳ đề tài nào để ngọn bút ông thỏa chí tung hoành. Nhưng tâm trí người nghệ sĩ Nguyễn Triệu Luật luôn luôn vương vấn chốn quê Du Lâm nơi mẹ họ Trịnh của chúng tôi đã gá nghĩa cùng người. Lịch sử không biết nói nên lời. Nhà tiểu thuyết lịch sử cũng có tâm sự khó nói nên lời. Nhà tiểu thuyết đó là cha của năm anh em chúng tôi. Nhà tiểu thuyết đó là người chồng đầy ân tình kín đáo với người mẹ chung của chúng tôi. Chúng tôi tịnh không tìm thấy thói xấu đến độ khó chịu của người cha mang tên Nguyễn Triệu Luật.

Người cha của gia đình đã để lại cho chúng tôi không phải là quyền lực và tiền bạc. Người để lại cho chúng tôi một lý tưởng nằm trong một đề tài nhất quán. Người để lại cho chúng tôi tấm gương sống và chiến đấu. Đó là sản phẩm tu thân của người. Trong cuộc đời mẹ chúng tôi cùng anh chị em chúng tôi, Nguyễn Triệu Luật lóe sáng như ngôi sao băng, quá sáng và bay vút qua quá nhanh.

LỜI KẾT

Người phổ biến quan niệm tiểu thuyết lịch sử phương Tây vào Việt Nam

Nguyễn Xuân Khánh - một “hậu duệ” của Nguyễn Triệu Luật trong dòng tiểu thuyết lịch sử nhắc tới ba bài tựa “Hòm đựng người” (1937), “Bà Chúa Chè” (1938) và “Ngược đường Trường thi” (1939), nêu rõ 3 quan điểm của Nguyễn Triệu Luật về tiểu thuyết lịch sử: có thể hư cấu hoàn toàn, có thể dựa trên sự kiện có thật 100% nhưng phải bằng đánh giá khách quan và có thể trộn lẫn giữa cái hư, cái thực.

Theo Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Triệu Luật là người phổ biến quan niệm tiểu thuyết lịch sử phương Tây vào Việt Nam, khác với Nguyễn Huy Tưởng - một người gần thời và cũng viết tiểu thuyết lịch sử - không trực tiếp đưa ra quan niệm. Nguyễn Xuân Khánh cho rằng, ông đã học được nhiều điều trong cách viết tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật mà điều quan trọng nhất là hư cấu - hư cấu là một đặc quyền của tiểu thuyết và không ngoại lệ với tiểu thuyết lịch sử.

Đánh giá về hệ thống tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật, nhiều tham luận cho rằng, không chỉ dừng lại ở phạm vi 8 cuốn tiểu thuyết lịch sử. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyễn Ân, còn nhiều khoảng trống hoặc không có thông tin, hoặc thiếu tư liệu về Nguyễn Triệu Luật, cần được tìm lại và bổ sung. Ông đề xuất tìm lại trong mọi ấn phẩm in từ năm 1920 đến 1946 để thấy được sự đa dạng trong thể tài sáng tác của Nguyễn Triệu Luật. Lại Nguyên Ân viện dẫn, Nguyễn Triệu Luật từng có loạt bài khoa học xã hội, phổ biến tâm lý học cổ điển của phương Tây trên tạp chí Nam Phong, các tác phẩm dịch thuật, ngôn ngữ học… trên tạp chí Tao Đàn (1939)… Nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh góp bài tham luận đề cập tới những bài viết về văn hóa, giáo dục của Nguyễn Triệu Luật.

Dù những góc ẩn khuất trong cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật chưa thể được khai phá, hội thảo làm sống lại một con người, ghi nhận những đóng góp không thể phủ nhận của Nguyễn Triệu Luật đối với dòng tiểu thuyết lịch sử và văn học Việt Nam những năm 1930 của thế kỷ 20.

Nói đến tính chân xác lịch sử trong những tác phẩm của mình, Nguyễn Triệu Luật tuyên bố:

“Tôi chỉ là người thợ vụng, có thế nào làm nên thế, gốc tre già cứ để là gốc tre già, chứ không thể hun khói lấy màu, vẽ vân cho thành gốc trúc hóa long”.

(Tham khảo: Sách báo - Internet)




VVM.01.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .