TRIỆU QUANG PHỤC
VÀ
CÂU CHUYỆN “HẬU MỊ CHÂU – TRỌNG THUỶ”
T riệu Quang Phục, người huyện Châu Diên (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc ngày nay) là một trang uy tráng, dũng kiệt, theo phò vua Lí Nam Đế chống nhau với quân nhà Lương.
Năm 546, tướng Lương là Trần Bá Tiên liên tiếp đánh thắng quân của Lí Nam Đế. Cuối cùng Lí Nam Đế phải lui về động Khuất Liêu (Hưng Hoá). Tại đây, ông bị nhiễm lam chướng, ốm chết (548), trao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục.
Triệu Quang Phục lui về giữ đầm Dạ Trạch (thuộc tỉnh Hưng Yên ngày nay).
Triệu Quang Phục có lẽ là người đầu tiên sử dụng chiến thuật du kích, chiến đấu một cách hiệu quả với quân chính quy của nhà Lương. Trần Bá Tiên đã hoàn toàn bất lực trước chiến thuật này. Có lần y đã cố hết sức theo hút quân ta để tiến sâu vào vùng cấm địa, song, phi quân ta không kẻ ngoại lai nào có thể biết được đường ngang lối tắt của đầm Dạ Trạch. Bọn thám tử của quân Lương chỉ tổ làm mồi cho lũ rắn độc khi chúng rơi ngã xuống đầm.
Tương truyền thần nhân đầm Dạ Trạch là Chử Đồng Tử đã linh hiển ban cho Triệu Quang Phục một cái móng rồng, bảo giắt lên mũ đâu mâu mà đánh giặc. Từ đó, Quang Phục đánh trận nào thắng trận ấy. (Chính tại nơi này, xưa kia, vào thời vua Hùng thứ 18, lâu đài cung điện của vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung, trước sự bao vây của quân nhà vua, đã bay hết lên trời sau chỉ một đêm. Mặt đất đã sụt xuống thành một cái đầm được người đời đặt tên là Nhất Dạ Trạch – đầm “Một đêm”).
Năm 550, Trần Bá Tiên bị gọi về Bắc vì ở Trung Hoa lúc đó xảy ra loạn Hầu Cảnh. Tì tướng Dương Sàn được uỷ cho ở lại tiếp tục cuộc chiến tranh với Triệu Quang Phục lúc này đã được mọi người tôn làm Dạ Trạch Vương.
Triệu Quang Phục thừa cơ quân giặc khuyết tướng tài, tung quân ra đánh, giết được Dương Sàn. Quân Lương tan vỡ phải rút chạy về Bắc. Triệu Quang Phục chiếm lại Long Biên (thuộc Bắc Ninh ngày nay) và đặt đại bản doanh ở đó.
Triệu Quang Phục (niên hiệu là Triệu Việt Vương) chính thức được Lí Nam Đế trao quyền bính năm 548 đúng theo tinh thần “truyền hiền” thời cổ. Ông đã chiến thắng giặc Lương và giữ ngôi vua trong 23 năm, thật xứng đáng là một ông vua anh hùng của đất nước ta.
Lí Nam Đế mất, trao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục, tướng tâm phúc của mình mà ông đặt kì vọng có thể thay ông gánh vác sơn hà đang trong vòng nguy biến. Song nhiều người trong họ Lí không hiểu thấu cao kiến ấy của Lí Nam Đế. Họ không tán đồng việc nhường ngôi vua cho một người thuộc dòng họ khác dù người đó tài ba lỗi lạc đến đâu! Vì vậy, năm 550, anh của Lí Nam Đế là Lí Thiên Bảo náu ở đất người Di Lạo (Lào), tự xưng là Đào Lang Vương, cũng tự lập ra một “nước” là nước Dã Năng. Năm 555 Thiên Bảo chết, một viên tướng trong dòng họ là Lí Phật Tử lên “nối ngôi”.
Sang năm 557 một cuộc tranh chấp và đối đầu đã diễn ra. Lí Phật Tử đem quân xuống miền Đông đánh Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình. Hai bên giao chiến năm lần chưa phân thắng bại. Lí Phật Tử ngờ rằng Triệu Việt Vương có phép thuật, bèn tìm cách giảng hoà để dò la manh mối. Triệu Việt Vương nghĩ Lí Phật Tử là dòng dõi Lí Nam Đế – chủ tướng mình khi trước – không nỡ từ chối, bèn chia địa giới cho Phật Tử ở phía tây bãi Quân Thần, được đóng bản doanh ở thành Ô Diên (huyện Từ Liêm ngày nay).
Phật Tử đã hành động rất mực gian ngoan, giống như Triệu Đà ngày xưa: cho con trai là Nhã Lang xin kết hôn với con gái của Việt Vương là Cảo Nương. Việt Vương vì quá yêu con gái, không để con về nhà chồng mà cho Nhã Lang ở gửi rể. Bắt đầu của mối hoạ sau này là từ đó.
Một hôm Nhã Lang bảo vợ rằng:
– Trước kia, hai vua cha chúng ta cừu thù với nhau, nay thành thông gia, thế chẳng cũng là điều hay lắm sao? Nhưng cha nàng có phép thuật gì mà luôn luôn làm lui được quân của cha tôi như thế?
Cảo Nương vô tình và nhẹ dạ trước sự tò mò của chồng, mới bí mật mang chiếc mũ đâu mâu của cha có gắn móng rồng thần nhân ban cho khi trước, đưa cho chồng xem. Nhã Lang bèn lừa vợ, đánh tráo cái móng ấy, sau đó bảo với vợ rằng:
– Tôi nghĩ ơn cù lao của cha mẹ tôi nặng bằng trời đất, mà vợ chồng ta thì yêu thương nhau, lẽ ra không thể rời xa, nhưng... tôi đành phải dằn lòng tạm xa nàng ít lâu trở về thăm cha mẹ cho trọn đạo làm con...
Cảo Nương chiều ý chồng đành cùng Nhã Lang bịn rịn chia tay. Nàng có ngờ đâu, Nhã Lang mang móng rồng về khoe cha rồi bàn mưu với cha (Lí Phật Tử) cất quân sang đánh Triệu Việt Vương!
Việt Vương vốn là người trung hậu và nhân từ, không tin rằng Lí Phật Tử đã phụ lời thề. Năm 571, khi quân nhà Lí tiến đến, ông thảng thốt đốc quân và đội mũ đâu mâu đứng chờ. Quân Lí Phật Tử ào ạt xông lên. Phép mầu đã mất, quân Việt Vương cự không nổi vì bị tấn công quá ư bất ngờ. Việt Vương bối rối, bèn đem con gái trên lưng ngựa, chạy miết về phía nam, định tìm một nơi ẩn náu, song quan quân Lí Phật Tử đuổi theo sát gót. Việt Vương chạy đến cửa biển Đại Nha (tức cửa sông Đáy, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định ngày nay), tuyệt vọng kêu lên: “Ta hết đường rồi!”
Rồi ông nhảy xuống biển tự vẫn. Quân Lí Phật Tử đuổi đến nơi, không thấy tăm hơi Việt Vương đâu nữa giữa trời biển mênh mông!
Người đời sau đều cho cái chết của Triệu Việt Vương là linh dị bèn lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha.
Thế là cha con Triệu Việt Vương đã lặp lại tấn bi kịch lịch sử của An Dương Vương và Mị Châu xảy ra gần 800 năm về trước!.-./.