Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


KINH VÔ TỰ

  


M ột thời cả nước xôn xao khi Phim Tây Du Ký được trình chiếu. Phải nói là sức hấp dẫn của bộ phim rất lớn. Tuổi nào cũng tìm được điểm yêu thích trong đó. Trẻ con là số một. Tới giờ chiếu phim là ngoài đường không thấy có bóng dáng đứa trẻ nào, vì chúng đang ngồi dán mắt vô màn hình để theo dõi phim !. Phong cảnh hùng vĩ, hình ảnh rất đẹp, cộng thêm những nhân vật đã ngộ nghĩnh lại có phép thần thông biến hóa. Nhất là chú khỉ Tôn Ngộ Không, do Lục Tiểu Linh Đồng đóng, linh hoạt, hấp dẫn không chê vào đâu được ! Anh xuất thân từ một gia đình mấy đời “chuyên trị” vai Tôn Ngộ Không, cho nên từ thần thái cho đến cử chỉ đều y hệt Tề Thiên, khó ai có thể đóng vai này hay hơn được !.

Khán giả mỗi người nhìn một góc độ. Nhiều Phật Tử từ xưa đã tin rằng Phật là Thần Linh, Chư vị Bồ Tát lúc nào cũng ứng cứu khi có ai đó hữu sự cầu xin, thì trong phim có rất nhiều lần Quan Âm Bồ Tát xuất hiện để cứu khi Tam Tạng bị nạn, nên càng thêm tin tưởng vào Đạo. Nhất là khi thấy Tề Thiên Đại Thánh, có đến 72 phép thần thông, thiên đình còn phải nể một phần, vậy mà gặp Phật Tổ là phải chịu khuất phục, nằm chết dí dưới 5 ngọn núi, không tài nào chui ra được cho đến khi được tha !

Người khó tính, hay xét nét thì thấy là rốt cuộc những loài yêu nghiệt đi hại người trong phim, khi phát hiện thì lúc nào cũng là “thú cưng” của một vị thần tiên cao cấp nào đó ! Nhưng phải nói chỗ mà nhiều nguời bất bình nhất, là thái độ đòi hối lộ của hai vị Đại Đệ Tử của Phật Tổ Như Lai là Ngài Ca Diếp và Ngài A Nan. Hai Ngài đã thẳng thừng đòi phải trao đổi thứ gì đó thì mới đưa Bộ Kinh Đại Tự cho Tam Tạng ! Thậm chí trong phim còn cho rằng việc đòi hối lộ đó là do sự sắp xếp của Phật Tổ, nên khi Tôn Ngộ Không đi khiếu nại chẳng những không được giải quyết còn bị mắng cho !

Không ai có thể chấp nhận được việc đem hai vị Tổ lớn nhất của Đạo Phật, kể cả Phật Tổ để bôi bác - dù có thể ngụ ý của Ngô Thừa Ân là nói về người tu hành nếu muốn được Đạo Quả thì phải xả cho bằng hết, không được ôm giữ thứ gì - trong phim là bình bát bằng vàng của vua ban cho Đường Tăng trước lúc đi thỉnh Kinh !

Theo tôi, hẳn là Ngô Thừa Ân rất mến mộ Đạo Phật, nên mới phóng tác kịch bản dựa theo một câu chuyện có thật, là Thầy Huyền Trang Đời Đường, đi Tây Trúc thỉnh Kinh, thành bộ phim Tây Du Ký. Ông muốn tả về những gian khổ, kiếp nạn mà Pháp Sư Huyền Trang gặp phải trên đường đi cho đến khi hoàn thành sứ mạng, sẵn dịp hư cấu thêm một số cho tăng tính hấp dẫn.

Theo tài liệu của cụ Vương Hồng Sển, thì “Thầy Huyền Trang một mình, một ngựa, đi trong 2 năm, 13 năm ở lại học tại Ấn Độ và 2 năm về, tổng cộng là 17 năm. Thời gian ở Ấn Độ, Thầy học tại Chùa Ni Lan Đà 6 năm, trở thành 1 trong 3 đệ tử giỏi nhất của pháp Sư Giới Hiền. Thầy Huyền Trang ngoài đạo đức còn là một học giả uyên thâm, một nhà du thám ký tài, một nhà sử học uyên bác, một nhà địa lý chơn tài, một nhà ngôn ngữ học xuất chúng còn là một nhà phiên dịch xuất sắc.

Thời gian sống ở Ấn Độ, đi đâu Thầy cũng nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình từng địa phương. Khi về, Thầy viết lại thành bộ Đại Đường Tây Vực Ký gồm 12 quyển. Trong đó ghi đầy đủ lịch sử, địa lý, phong tục, tập quán của 128 nước Thầy đã tới. Ngày nay, những tài liệu của Thầy Huyền Trang để lại vẫn còn giúp ích rất nhiều cho các chuyên gia khảo cổ Ấn Độ. Mọi nguời đều công nhận những ghi chép của Thầy rất chính xác.

Thầy Huyền Trang đã mang về :

. 150 Xá lợi Tử (tinh cốt của Phật)

. 2 Tượng Phật bằng gỗ đàn tô ngân cao 4m

. 3 Tượng Phât bằng Đàn Hương, cao 3m5, 2m9, 2m3

. 657 Bộ Kinh, chia làm 520 hiệp (?)

. Cùng một số bảo vật khác mà phải dùng voi, lạc đà và 24 ngựa mới chở hết.

Từ khi về Trường An, Thầy Huyền Trang bắt đầu phiên dịch. Suốt 19 năm ròng rả, Thầy dịch được tất cả 75 Bộ Kinh gồm 1335 quyển, từ Phạn tự qua Hán tự và 1 Bộ Đạo Đức Kinh và 1 bản dịch Đại Thừa Khởi Tín Luận từ chữ Hán ra chữ Phạn. Thầy Huyền Trang qua đời năm 664, thọ 69 tuổi. Tang lễ của Thầy có đến 1 triệu người ở Trường An và các vùng lân cận quy tụ để tiễn đưa. An táng xong, có đến 3 vạn người cất lều cư tang gần mộ phần. Từ xưa đến nay chưa có vị đế vương nào được ngưỡng mộ, sùng bái bằng vị Thánh Tăng có một không hai nầy”.

Trở lại phim Tây Du Ký. Vấn đề rắc rối khó diễn tả là do Đạo Phật nói chuyện Giải Thoát bên trong Nội Tâm của người tu. Đó là 4 trong 1. Tức là vừa Phật Tánh, vừa Tham Sân Si trong cùng một con người, thì trong phim mang hết ra ngoài

Đạo Phật cho rằng trong Tâm của mỗi người có rất nhiều tư tưởng. Có những tư tưởng đã thanh tịnh được gọi là PHẬT. Có những tư tưởng làm trung gian để hướng dẫn, giải thích cho những tư tưởng còn nhiểm những thói tật xấu gọi là BỒ TÁT. Những tư tưởng nhiễm tính chất xấu thì gọi là Chúng Sinh. Chính những Chúng Sinh này là nguyên nhân của Phiền Não, của tạo Nghiệp. Vì vậy, Phật, Bồ Tát trong tự tâm mỗi người tu có nhiệm vụ phải cứu độ cho hết những chúng sinh để tất cả đều được thanh tịnh, gọi là đưa Chúng Sinh về Phật Quốc tức là chúng đã được Giải Thoát hay Thành Phật.

Thế nhưng, khi tác giả Ngô Thừa Ân mang ra diễn tả bằng ngôn ngữ điện ảnh thì không thể nào diễn tả cho ra tình trạng của nội tâm được, mà trở thành Nhị Thị, tức là có Chúng Sinh là những con người bị nạn, và Phật, Bồ Tát là những vị Thần từ cõi nào khác xuất hiện để ứng cứu. Chúng sinh khi gặp nạn thì chỉ biết cầu xin để được cứu ! Ngô Thừa Ân đã “nhân cách hóa” Dâm, Nộ, Si bằng những nhân vật Sa tăng, Bát Giới, và Tề Thiên. Theo Ngô Thừa Ân là Tề Thiên đã Ngộ được Tánh Không, nên tự xưng là Tôn Ngộ Không.

Đối với người tu thì cái Chân Tánh ở trong Tâm. Khi còn mê thì nó bị Phàm Tánh là Tham, Sân, Si, Thương, Ghét v.v.. điều khiển. Lúc Hết MÊ thì nó sáng suốt để điều khiển, cứu giúp cho những Phàm Tánh, cho nó được Giải Thoát. Nhưng trong phim, đại diện cho Chân Tánh là Ngài Tam Tạng. Dù chính Ngài là người khởi xướng cuộc đi thỉnh Kinh. Nhưng qua bao nhiêu tập phim, lúc gặp khó khăn chẳng thấy Ngài giải quyết, hay có ý kiến gì hay ho cho vấn đề nào. Chỉ biết niệm “A Mi Tàu Phù”! Mọi gian khổ, từ gánh hành trang, cho tới vất vả, kiếm thức ăn, nước uống khi lạc giữa rừng sâu. Thậm chí đánh nhau với yêu tinh…v.v... đều do các đệ tử đảm nhiệm ! Ngay cả bị yêu tinh bắt Ngài Tam Tạng cũng đành bất lực, chờ Ngộ Không tới cứu ! Vậy mà nhiều lúc Ngài còn từ bi không đúng chỗ. Nghe yêu tinh than vản là tin theo, rồi nhiều lần hồ đồ, bênh vực cho yêu quái, niệm chú hại Ngộ Không, đến độ Ngộ Không bực mình mấy lần bỏ đi, làm Ngài suýt bị yêu quái ăn thịt ! Công lao, gian khổ của các đệ tử phò tá như vậy, nhưng khi đắc quả thì Tam Tạng là người đắc quả cao nhất !

Nhưng điều tôi muốn đề cập ở đây, là trong phim, Ngô Thừa Ân có nhắc đến Kinh Đại Tự là quyển Kinh cuối cùng, được cho là kinh cao nhất do Phật Tổ Như Lai ban cho Đường Tăng. Cuối cùng khi khám phá ra thì lại là Kinh Vô Tự. Kinh Vô Tự là Kinh không có chữ. Nhưng Kinh mà không có chữ là Kinh gì ? Được viết như thế nào ? Có quyển Kinh đó hay không ? Hay chỉ là chuyện mà tác giả Ngô Thừa Ân hư cấu cho vui ? .

Có lẽ với nhiều người thì Kinh Vô Tự chỉ là trò đùa của hai vị Tổ trong phim, lừa lấy báu vật bằng vàng của thấy trò Đường Tăng, đổi lại là một quyển Kinh vô giá trị ! Nhưng thật ra, trong cuộc sống của mỗi người, nếu muốn nói rằng có Kinh Vô Tự thì cũng không sai. Nhưng không phải là Kinh viết chữ bằng một loại mực hóa học như các điệp viên hay dùng để chuyển thông tin ngày xưa. Mắt thường đọc không thể thấy. Chỉ khi nào đến tay người nhận thì họ sẽ dùng phương pháp được quy ước riêng. Dùng một loại hóa chất nào đó để làm cho chữ hiện lên. Cũng không phải quyển Kinh bằng giấy như Phim Tây Du Ký diễn tả, nhưng chỉ toàn những trang giấy trắng, không có chữ trên đó ! Kinh này cũng không phải do Phật Tổ Như Lai tặng cho người nào sắp chứng đắc, mà đó là những ký ức tự lưu giữ qua những việc mà mọi người tu hay không tu đã làm trong suốt cuộc đời.

Mọi người thường nghĩ rằng cuộc đời con người sẽ kết thúc sau khi chết, và Chết là hết. Mọi việc đã làm xấu cũng như tốt đều mất đi. Không ngờ rằng mọi việc mỗi chúng ta làm đều được ký ức của chính mình lưu giữ lại. Và những gì cứ lập đi lập lại, mà Đạo Phật dùng bằng từ Huân Tập sẽ trở thành chủng tử cho kiếp tiếp theo. Không riêng vì người tu, mỗi người ai cũng có quyển sách này. Nó như là Nhật Ký cuộc đời, là những gì, dù tốt hay xấu, đều được ghi nhận trong suốt quá trình sống của mỗi con người.

Với một số người thì nó chỉ là những trang vô nghĩa, vì sinh ra, lớn lên, học chữ hay học nghề, rồi lập gia đình, sinh con, đẻ cái. Cuối cùng là Chết ! Cả cuộc đời là cắm cúi kiếm tiền, kiếm danh, rổi khi chết đi là mọi chuyện kết thúc. Cũng có những người đã viết cuộc đời của mình thành những trang rạng rỡ, bởi họ không chỉ vun vén cho bản thân, trái lại sống vì người khác, giúp ích cho mọi người, mà cho dù người đời dẫu không xây bia để tưởng niệm, nhưng họ vẫn sống trong tâm tưởng mọi người, được nhiều thế hệ ghi nhớ. Ngược lại, cũng có những người đã bôi đen cuộc đời của mình bằng lối sống thấp hèn, tội lỗi, chèn ép người này, lấn át người kia, chỉ để tranh dành quyền lợi, bạc tiền để hưởng thụ, bất chấp thủ đoạn, nhân cách. Những người này, lúc sống chỉ làm rối loạn xã hội, nên chẳng ai thích tiếp xúc mà khi chết cũng chẳng ai thương tiếc. Nếu có nhắc đến là cũng chỉ để chê bai mà thôi.

Bên cạnh những trang đời tốt, xấu như thế thì người tu Phật theo Đại Thừa có một lối đi riêng của mình. Họ không giống như nhiều người tu, cho đời là ô trược, rồi bỏ đời, để mặc cuộc đời cho người khác mặc tình xây dựng hay tàn phá, chui vô Chùa, nấp sau cửa chùa để tìm an ổn cho bản thân, không dính líu đến cuộc đời, rồi thấy mình thong dong, thoát tục ! Ngược lại, họ vẫn tiếp tục làm đủ mọi ngành nghề chuyên môn để tự nuôi sống bản thân như trước lúc gặp Đạo. Hòa chung cuộc sống với mọi người trong xã hội.

Khác chăng, là từ lúc bắt đầu vào tu, họ theo hướng dẫn của Đạo Phật, dừng lại, để nhìn lại bản thân, nhìn lại cuộc đời. Quán Sát để đánh giá đúng về mọi thứ để cư xử cho đúng lý, đúng tình. Họ vẫn sống như bao người bình thường giữa vật chất ngày càng hấp dẫn, quyến rũ vây quanh. Họ cũng biết giá trị vật chất, nhưng ý thức được rằng cuộc sống ngắn ngủi, có dành cũng không giữ, không mang theo được, nên hạn chế lòng Tham. Họ cũng hiểu giá trị và uy lực của tiền bạc, địa vị. Nhưng họ không tranh dành bất kể để có được. Bởi biết rằng có dành được những thứ đó cũng chỉ để cung cấp cho cái Thân những sự thụ hưởng không cần thiết, trong khi nó chỉ cần đủ thực phẩm để khỏi đói. Mái nhà đủ che mưa, núp nắng. Y phục đủ để che thân không bị cái nóng, cái lạnh tấn công. Họ không bám lấy cái Thân và tìm mọi cách để phục vụ cho những nhu cầu của nó, nên nó không còn là chủ nhân, sai khiến họ. Ngược lại, họ làm chủ cái Thân. Không để cho Mắt, Tai lôi vào những hành động bất lương hay làm thiệt hại cho người khác. Họ biết có Con Đường Giải Thoát cần phải đi. Biết có những điều phải giữ, phải tránh. Biết có Đạo Lý làm người cần tuân theo. Nhờ đó mà họ tuy ở giữa thế gian với muôn vàn phải,trái, đúng, sai, tốt xấu, được, mất, sướng, khổ …đan xen, mà vẫn được an vui. Họ giữ tròn bổn phận của mình đối với bản thân, với gia đình và xã hội.

Với bản thân thì họ không nuông chìu, cũng không hành hạ, không bắt nó phải chịu đói, khát, chịu nóng, chịu lạnh, thức khuya, dậy sớm nếu không cần thiết. Họ biết điều gì tốt cho nó để bắt nó thực hiện. Điều gì có ảnh hưởng xấu cho nó để tránh xa. Vì thế mà họ được nhàn hạ, ung dung. Họ rất sợ Nhân Quả nên tự trang trải cuộc sống để không mang nợ ai, vì biết cái Thân dù hữu hạn, nhưng cuộc sống bất tận, không phải chỉ kiếp này là kết thúc.

Do biết rằng kiếp sau chính là do kiếp hiện tại tạo dựng. Lành hay dữ. Tốt hay xấu là do những việc làm hiện tại, nên họ không chỉ sống cho kiếp này mà còn chuẩn bị cho kiếp sau càng tốt đẹp hơn lên.

Với gia đình. Trong vai trò làm con thì họ phụng dưỡng, kính trọng cha mẹ để trả ân sinh thành, dưỡng dục, vì đó là Ân đầu tiên mà người tu Phật phải thực hiện. Với vợ, chồng, con cái thì họ hoàn thành trách nhiệm của mình một cách tốt đẹp nhất. Họ không né tránh trách nhiệm hay tranh dành, lấn át người phối ngẫu, mà chung tay, góp sức với vợ, chồng để lo cho con cái. Họ được Đạo Phật hướng dẫn để giữ Giới. Đi trong Bát Chánh Đạo, tu sửa bản thân. Cho nên, từ suy nghĩ cho tới hành vi đều chừng mực. Không hoang phí. Không bê tha. Không ỷ thế, cậy quyền. Không khoe khoang. Không làm thương tổn người khác. Không những đối với gia đình, họ là một nhân tố tốt, làm gương cho con cái về lòng hiếu thuận, về cách sống nhân văn, mà đối với xã hội họ cũng là một công dân tốt, sẵn sàng chung tay, góp sức với mọi người để cùng làm cho xã hội tốt đẹp hơn lên để trả ơn cuộc đời, vì biết rằng nhờ có cuộc đời, có xã hội làm điểm tựa, trong đó có nhiều thành phần đủ mọi ngành nghề chung sức với nhau : Người lo vấn đề an ninh. Người lo trồng tỉa để cung cấp lúa gạo, rau quả. Người cung cấp thực phẩm, vật dụng, và mọi thứ để phục vụ cuộc sống cho họ. Người phụ trách mảng giáo dục, đào tạo…Chính vì vậy, có cơ hội là họ sẵn sàng giúp đỡ người yếu thế. Nâng đỡ ai đó khi cần, không chỉ bo bo lo cho riêng mình. Với người thật sự muốn bản thân có được những Tướng Tốt của Phật thì họ còn điểm tô cho kiếp sống của bản thân tốt đẹp hơn nữa.

Nếu ai có xem 32 Tướng Tốt, 80 Vẻ Đẹp của Phật sẽ thấy đó là phương tiện để giáo dục con nguời. Để có được những TƯỚNG TỐT. Đạo Phật không yêu cầu người thực hiện phải làm điều gì vĩ đại, lớn lao. Chỉ là những việc tầm thường đối với ông bà, cha, mẹ, với thầy, bạn và mọi người chung quanh mà thôi. Mỗi việc là một Tướng, nhân lên thành vẻ đẹp, mà nhiều người không hiểu đã tìm vật liệu quý để tạc hay đúc thành hình tượng Phật với những Tướng như vậy để thờ !.

Người theo lời Đạo Phật dạy, tu sửa bản thân, nên hàng ngày, trang đời của họ đều ghi những dấu ấn tốt đẹp, nhẹ nhàng như cuộc đời họ đang thể hiện. Họ cố gắng hoàn thiện bản thân. Không những bỏ ác, hành thiện, mà còn kính trên, nhường dưới, mang lại sự an vui cho bạn bè, láng giềng vì không xâm phạm của người khác. Bản thân không gây hấn, tranh chấp, mà còn Từ, bi, Hỉ, Xả. Giảng hòa cho mọi người. Luôn nói những lời chân thật. Không hơn thua với người khác.

Tóm lại, họ cố gắng theo lời Phật dạy, giữ gìn Thân, Khẩu, Ý được tịnh Ba Nghiệp. Đạo Phật dạy rằng những người làm những việc như vậy gọi là đang chạm khắc Tượng Phật nơi Tâm của họ. Đang xây Chùa nơi đất Tâm của họ. Đang viết Kinh Vô Tự cho bản thân, bởi Kinh này không viết bằng Chữ, mà bằng những công việc làm. Quyển Kinh này không do Phật Tổ hay ai ban tặng, nhưng ký ức tự lưu giữ, làm hành trang cho những kiếp lai sinh càng tốt đẹp hơn.

Đối với họ, Kinh không phải để đọc, để tụng, mà để áp dụng từng bước, từng phần, nên đời sống của họ là trải nghiệm, là thực hành theo những lời dạy trong dó, để thấy thế nào là lời Phật dạy : “Ở trong trần tục nhưng không nhiễm trần tục”. Từ đó họ hiểu được vì sao Đạo Phật dùng Hoa Sen làm biểu tượng. Bản thân họ, qua cách sống nhẹ nhàng, họ cũng được “thoát phàm ngay chính trong phàm”, bởi “Phàm” không phải là những người đời trong xã hội, mà chính là Tham, Sân, Si trong Tâm của mỗi người. Khi chúng không còn ngự trị làm ô nhiễm cái Tâm của người nào nữa, thì gọi là người đó đã “Thoát Tục”. Cũng là thân phàm, nhưng từ khi áp dụng Giáo Lý của Đạo Phật thì trở thành Pháp Khí, tức là khí cụ để chứa đựng những Pháp tốt lành, pháp Giải Thoát. Tự họ hành động để tự Giải Thoát, không cầu xin Phật nào độ cho, phù hợp với Nhân Quả mà Đạo Phật dạy.

Qua cách hiểu, cách áp dụng Đạo Phật theo mô tả trong Chính Kinh thì chúng ta thấy : Do Ngô Thừa Ân hiểu chưa đúng về Đạo Phật mà lại nhiệt tình muốn quảng bá nên hiệu ứng càng rộng thì cái quả càng xấu. Thay vì Đạo Phật là con đường Nhất Thừa. Không cầu xin. Không nương tựa. Phật, Bồ Tát tự nơi Tâm của mỗi người phải tự cứu độ cho Chúng Sinh ở trong tâm của mỗi người, thì trở thành Quyền Thừa, lúc nào cũng mong chờ Phật, Bồ Tát bên ngoài cứu độ ! .

Việc tu hành là người tu tự gây tạo Nhân Quả thì qua diễn tả trong phim trở thành Nhị Thừa, vì có Phật Tổ Như Lai điều động, quyết định thưởng, phạt, cho mọi người, hoàn toàn sai với tinh thần Đạo Phật chân chính. Kinh Vô Tự lẽ ra là do mỗi người tự“viết” bằng hành động, thì được diễn tả thành một quyển Kinh bằng giấy trắng, không có chữ trong đó ! Phật, Bồ Tát của mình, tự giáo dục, chuyển hóa chúng sinh của mình, cho nó Xả đi những ham muốn, ôm giữ, khi chuyển ra ngoài thì trở thành Bồ Tát bên ngoài đòi hối lộ ! Khuyên mọi người xả bỏ bằng cách Bố thí, cúng dường, hay trao đổi của cải, tài sản để lấy quả vị hoặc phước báo thì không thể hiểu cách nào khác hơn là dùng danh nghĩa Đạo để thu gom những thứ quý giá của bá tánh !

Chư Tổ đều dặn dò: Muốn “Phá Mê” cho người khác thì trước đo phải Phá Mê cho chính bản thân trước. Muốn quảng bá cho Đạo Phật, thì trước hết chúng ta phải hiểu Đạo Phật cho đúng. Phải đọc cho nhiều Kinh, rồi đối chiếu, kiểm chứng, hiểu cho hết Nghĩa mà Đạo Phật muốn truyền tải. Kinh không chỉ có NGỮ mà còn có NGHĨA. Người tu cần phải hiểu NGHĨA để “Y NGHĨA BẤT Y NGỮ”. Nếu không, thay vì “phá mê” thì lại “chồng mê” cho người khác ! Trên mạng có câu chuyện có thật về ảnh hưởng của Phim Tây Du Ký do nhân vật đóng vai PHẬT TỔ NHƯ LAI kể lại. Có lần ông đi du lịch, ghé vô một cửa hàng bán Tượng Phật, định thỉnh tượng Phật Tổ về thờ. Không ngờ Tượng Phật Như Lai là hình ảnh của ông trong phim, được đúc thành tượng để bán !

Bộ phim Tây Du Ký được rất nhiều người, nhiều nước yêu thích. Tiếc vì không thể diễn tả được những việc diễn ra trong Nội Tâm, trái lại, mang những hình đó ra ngoài càng làm cho người xem trở thành Nhị Thừa, Quyền Thừa. Phật, Bồ Tát, được phim diễn tả như là những vị như Thần Linh. Lúc nào cũng xuất hiện để cứu độ cho mọi người lúc gặp nạn ! Truyền bá Đạo Phật kiểu đó quả là lợi bất cập hại vì bỏ quên điều quan trọng nhất trong Đạo Phật là NHÂN QUẢ. Bởi nếu đã tin NHÂN QUẢ thì không cầu xin, nương tựa, mà mỗi người tự gây NHÂN THIỆN để có QUẢ LÀNH.

Từng phút, từng giây trong kiếp sống, dù không chú tâm ghi nhận, nhưng mỗi người chúng ta đang viết Bộ KINH VÔ TỰ của chính mình bằng những hành vi nơi THÂN, KHẨU, Ý. Do vậy mà Đạo Phật dạy tín đồ phải Giữ Giới, Hạnh. Phải làm Lục Độ, không đi ra ngoài Bát Chánh Đạo, để từng trang Kinh là từng trang tốt đẹp. Nếu mọi người tuân giữ đúng những lời Phật dạy thì không chỉ cuộc sống hiện tại được an lành, hạnh phúc, mà khi chuyển kiếp còn được đến cảnh giới tốt đẹp hơn. Không phải cầu xin ai, mà do Nhân Quả của những việc mà mình đã làm trở thành KINH VÔ TỰ vậy.




VVM.10.10.2024.