Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



        

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM




Từ Vũ và Việt Văn Mới Newvietart chân thành cảm tạ nhà văn Thế Phong đã cho phép đăng tải toàn bộ tập Lược Sử Văn Nghệ, tài liệu không thể thiếu cho những người yêu chuộng văn chương nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt cho những người muốn khách quan sưu tra sử liệu .

KỲ THỨ XXV


VỀ CÁC NHÀ VĂN HẬU CHIẾN : 1950 – 1956
[ QUỐC GIA VN VÀ MIỀN NAM (VNCH) ]

      Giai đoạn kháng chiến, từ 1945 đến 1950 Việt Nam độc lập được gần một năm. Tiếp, Pháp chiếm lại Hà Nội, (ngày 19 tháng 12 năm 1946) cho dù đảng phái Quốc hay Cộng đều bỏ phù hiệu riêng, đoàn kết trong danh xưng kháng chiến chống thực dân tái xâm lăng. Suốt chín năm (1945–1954), thì kháng chiến ở bốn năm về sau, đã hao hụt thực chất; Mác xít ra mặt lãnh đạo – và cho đến 20–7–1954, phân chia đất nước, danh xưng toàn dân kháng chiến mất hẳn ý nghĩa. Song trên bình diện văn nghệ, ý thức toàn dân kháng chiến tạo được nền văn học có chiều sâu và rộng.
      Giai đoạn văn nghệ phân hóa, văn nghệ Mác xít – theo hẳn lối sáng tác được chỉ huy, nhất là sau 1954 miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Còn Quốc Gia và miền Nam (VNCH) văn nghệ chỉ là vườn hoang, mọc đủ loại thảo mộc. Trong tập này, với người khe khắt cho quá nhiều – người dễ dãi cho chưa đủ. Với tôi, vẫn chỉ là bắt voi bỏ giọ, và tất nhiên chủ quan; thiếu sót tất nhiên không thể tránh. Nhìn vào những người viết sách nhận định văn học trước như Vũ Ngọc Phan kết luận cuối trang sách phê bình văn học, có đoạn:
     “... Trước hết, bộ sách này là bộ phê bình văn học như tôi đã nói nhiều lần, vậy không lẽ gì bắt buộc soạn giả phải nói đến tất cả nhà văn. Sau nữa, trong khi tôi viết những trang phê bình về thơ, có nhiều thi sĩ chưa có quyển thơ nào xuất bản, về kịch hay tiểu thuyết, có nhiều nhà văn chưa có sách biên khảo, chưa có kịch hay tiểu thuyết ra đời. Như vậy, biết căn cứ vào đâu cho chắc chắn? Rồi lại những nhà văn chính trị tuy đã có văn thơ in trên báo chương hay xuất bản thành sách, cũng không có trong bộ sách này, vì một lẽ mà ai cũng hiểu khi nhớ đến chế độ hiện hành về sách báo. Còn những nhà văn chuyên viết những sách Pháp văn thì tôi cho là không phải nói đến trong văn học Việt Nam. (...) Tôi xin nhắc lại đây một lần nữa rằng bộ Nhà Văn Hiện Đại này chỉ là một bộ phê bình văn học, không phải là bộ văn học sử. Trong văn học sử, người viết cần phải xét rất kỹ ảnh hưởng thân thế nhà văn đến văn phẩm, rồi lại phải định rõ cả sự liên lạc của nhà văn nọ với nhà văn kia đồng thời hay khác thời đại. Nếu không đủ được những điều cốt yếu ấy, để định rõ phong trào văn học, thì dù có văn học sử đi nữa, người ta cũng chỉ coi là một mớ sử liệu...” (1)
     Thời gian này tác phẩm viết bằng Pháp ngữ như Phạm Duy Khiêm với Légendes des terrres sereines và Nam et Sylvie; hoặc Nguyễn Tiến Lãng Le Chemin de la Révolte; Phạm Văn Ký: Frère de Sang, Celui qui régnera; Cung Giụ Nguyên Le Fils de la baleine – sử học Lê Thành Khôi với Le Vietnam, Histoire et Civilisation v.v..., không nói đến, cũng như lý do mà ông Vũ Ngọc Phan đề cập tới ở trên. Đến nhà chính trị văn sĩ Hồ Hữu Tường với Phi Lạc sang Tàu, Phi Lạc bỡn Nga, ... thì cũng vậy. Cả đến loại sách trinh thám kỳ tình, kiếm hiệp, phong thần, phỏng dịch chắp vá được gọi là tác phẩm văn học – chúng tôi xin phép không nói tới. Rõ hơn là Phạm Cao Củng có mặt từ tiền chiến với Kỳ Phát; hoặc truyện Người Nhạn Trắng cũng thế v.v... Tác giả Hoàng Như Mai, thời gian 1950–1954 trong kháng chiến; chúng tôi đưa vào cuốn này; vì vở kịch Tiếng Trống Hà Hồi đặc sắc được in trình diễn ở Hà Nội. Có thể nói điển hình bộ môn kịch là Tiếng trống Hà Nội. Bước sang bộ môn biên khảo, đưa Duy Sinh vào một tiết, như một điển hình cho lớp người viết biên khảo; cũng vẫn chủ quan, so với Diên Hương, Thu - Giang - Nguyễn - Duy - Cần; Khi đối chiếu lại thì, Duy Sinh không thể giá trị bằng hai nhà biên khảo vừa nêu danh.
     Trở lại bình diện văn nghệ hậu chiến, tập 3 gồm trên dưới một trăm nhà văn; chọn ba mươi điển hình nói tới cặn kẽ; so với người khác viết tóm lược. Cũng vẫn chủ quan thô thiển và tự nhận thiếu sót. Bởi còn nghĩ xa hơn rằng: "không thể viết đầy đủ các nhà văn mình muốn đưa vào một quyển, thay vì mỗi nhà văn điển hình phải viết hẳn một cuốn nói về họ".
     Nên coi những trang viết này chỉ là chữ viết (écriture) trong bộ sách này, và không là văn học (littérature); như quan niệm của Michel Buto (2). Lẽ trang viết có ý nghĩa tổng quát hơn. Còn nữa, bộ sách này chỉ là kết quả viết về tác phẩm các tác giả mà tôi đã đọc, đưa ra nhận xét của riêng tôi; giúp cho nghề tôi nuôi nghiệp (littérateur). Từ 1950 đến 1956, biến chuyển thời cuộc tác động đích thực vào đời sống văn học mà nhà văn sống trong đó. Ở miền Bắc của Quốc Gia Việt Nam (1950 – 1954) nhóm Thế Kỷ tạo thành một Triều Đẩu, qua những mảnh đời phóng sự hồi cư nóng bỏng, hàng ngày phải đối phó với đời sống, tạm gọi độc lập trong lồng son Liên Hiệp Pháp. Còn thêm nhà văn điển hình như Hoàng Công Khanh với Mẹ Tôi Sớm Biệt Một Chiều Thu, (truyện), Bến Nước Ngũ Bồ (kịch dã sử), Nguyễn Minh Lang, ngọn bút tài hoa của văn chương lãng mạn mới, qua Gái Hà Nội, Nước Mắt Trong Đêm Mưa, Cánh Hoa Trước Gió (2 tập)... Hai nhà văn này, chúng tôi đề cập ở Chương 3 (tiết 2 và 4) – nhưng tập 3 này xuất bản ở Sài Gòn vào 1959 (Loại sách Đại Nam văn hiến trong nhà xuất bản Huyền Trân, Nhật Tiến chủ trương) bị kiểm duyệt bỏ trọn tiết. Bản in lại lần thứ hai in lại đầy đủ; nhưng trong lần này vẫn phải để trống phần phân tích; vì lý do tầm thường – không kiếm được bản tái bản vào 1973. Hai nhà văn điển hình khác nói đến trong Chương 3 là Thanh Hữu, Văn An. Về nhà thơ điển hình: Đinh Hùng, Nguyễn Quốc Trinh... Viết tóm lược nhà thơ: Hoàng Phụng Tỵ, Song Nhất Nữ, Băng Sơn, Vân Long, Trần Nhân Cư... Bình diện văn nghệ miền Trung (Quốc gia Việt Nam) vào giai đoạn này, nhà thơ điển hình được nói đến : Huyền Chi (nữ), Hoài Minh, Thanh Thuyền. Viết tóm lược các nhà thơ: Hồ Đình Phương, Huyền Viêm, Thế Viên...
     Bình diện văn nghệ miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa), nhà văn điển hình: Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo (nữ), Triều Lương Chế, Phạm - Thái - Nguyễn - Ngọc -Tân Phạm Thái kèm tên thật Nguyễn Ngọc Tân, phân biệt với một Phạm Thái khác), Chấn Phong Hư Chu. Viết tóm lược: Tùng Long (nữ), Quỳnh Hương (nữ), Thiếu-Mai-Vũ-Bá- Hùng (nữ), Minh Đăng Khánh, Tạ Quang Khôi, Tường Hùng, Kiêm Minh, Nguyễn Hoài Văn, Uyên Thao, Tô Kiều Ngân... Một số nhà văn khác nổi tiếng sau giai đoạn 1956 như Võ Phiến chưa có tác phẩm xuất bản. Phải kể thêm trong số đó: Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, (nữ), Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng (nữ), Võ Hồng, Thế Uyên, Tuấn Huy, Thế Nguyên, v.v... của Đệ nhị Cộng hòa (sau 1963 trở đi). Riêng về phóng sự tiểu thuyết: Hoàng Hải Thủy với Vũ Nữ Sài Gòn (3), Duyên Anh qua bút hiệu Thương Sinh, Toàn Phong với Đời Phi Công, chúng tôi chưa có cơ hội nói đến, và nhờ Vũ Ngọc Phan giúp giải vây sự khốn đốn; ... vậy không lẽ gì bắt buộc soạn giả phải nói đến tất cả nhà văn... Thêm nữa, khoảng thời gian viết đến lúc in ra (dầu cho là in ronéo-typé cách vài năm). Do đó, chưa kịp nói đến Võ Phiến (Chữ Tình), (4) Thế Uyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Toàn Phong , Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đình Toàn, Thế Nguyên, Văn Quang (Thùy Dương Trang), Huy Trâm, Phạm Nguyên Vũ, Túy Hồng (nữ), Lê Vĩnh Hòa, Nhật Tiến, (văn) v.v... – Về thơ: Thái Thủy, Tô Thùy Yên, Tôn Thất Quán, Hoàng Khanh, Cung Trầm Tưởng, Cao Mỵ Nhân, Viên Linh, Trần Dạ Từ (khi ấy ký Hoài Nam), Hoài Khanh, Hà Yên Chi v.v... và v.v... (5).
     Giá trị văn chương tiền chiến Tự Lực văn đoàn, có cả Lê Văn Trương, (tập một: Nhà văn tiền chiến), tiếp đến giá trị văn chương lửa kháng chiến; sau là hậu chiến. Đọc Bướm Trắng, Nửa Chừng Xuân. Mấy Vần Thơ, Gửi Hương Cho Gió, Vang Bóng Một Thời, Thằng Kình, Ngoại Ô, Giông Tố... không nhìn thấy đầy đủ hình tượng sống cuộc sống hôm nay được thấy trong: Gió Bấc, Truyện Năm Người Thanh Niên, Trên Vỉa Hè Hà Nội, Cánh Hoa Trước Gió, Trại Tân Bồi, Nhìn Xuống, Điệu Đàn Muôn Thuở, Đêm Giã Từ Hà Nội, Sợ Lửa, Rừng Địa Ngục.... Văn nghệ là sản phẩm phản ánh thời đại, nên Kim Vân Kiều có hay đến mức thượng thừa – cũng chưa thể đại diện cho một khoảng thời gian không tiếp nối. Tác phẩm Nguyễn Du mới chỉ nói lên đầy đủ về xã hội phong kiến giao thời mà tác giả Kim Vân Kiều sống – đủ một số điều tương đồng hiện cảnh. Không thể nói đến Kim Vân Kiều là đủ điều tất yếu hình tượng sống lịch sử. Tác phẩm của Karl Marx, S.Freud cũng bị vượt qua, hiện nay vẫn cần khối óc siêu việt Oppeheimer, Einstein, Gandhi, JP Sartre v.v...
     Phải hiểu được rằng: lịch sử một nước như lịch sử văn học, luôn theo đà diễn tiến, tiếp nối không ngừng. Nói khác đi, sử học, văn học sử một nước không thể cắt quãng, cũng không tùy thuộc vào lập luận một phe nhóm nào để định giá trị vĩnh viễn. Rất cảm phục lập luận của Vũ Ngọc Phan dẫn trên kia; được gọi văn học sử, phải xét kỹ ảnh hưởng thân thế nhà văn đến tác phẩm, định rõ liên hệ (chữ dùng: TP) giữa nhà văn này với nhà văn nọ, định rõ phong trào văn học. Càng rõ hơn, được gọi văn học sử, ít ra phải làm được một bộ sách Lịch Sử Văn Chương Ngôn Ngữ Pháp (tạm dịch Histoire des littératures de la langue française) (6) do nhóm chủ trương gồm 209 giáo sư văn học thực hiện bộ sách vĩ đại ấy.
     Cảm ơn số bạn giúp tài liệu, ý kiến, khích lệ, động viên, khi tôi khởi sự viết bộ sách này. Như họa sĩ Đinh Cường cởi áo, ngồi xệp trên sàn gác căn nhà trọ cùng tôi chia giúp những trang sách in ronéotypé xếp thành tập vào 1959, ở hẻm nhà thờ Lý Thái Tổ (Chợ Lớn). Uyên Thao mượn cho chiếc máy chữ, có lịch sử sản xuất cùng thời kỳ Tây hạ thành Hà Nội. Nguyễn Quang Tuyến nuôi ăn ở hàng năm, tôi ra thư viện đọc sách. Cùng với nhiều thư tình đầy tâm huyết người - tình - bậc - chị đến từ Hong Kong (nàng gọi Cảng Thơm) khích lệ người - em - bạn - tình miệt mài với chữ và nghĩa. Lại không thể quên bạn vong niên Phan Văn Thức cấp tiền ăn sáng, giấy stencil và thẩm phán Đào Minh Lượng, khi là sinh viên Trường Luật mua bánh mì dùng bữa trưa để tôi ngồi lì ở Thư Viện Quốc Gia làm mọt sách. Cũng không thể quên chịu ơn André Gide, qua cuốn sách viết phê bình về Fédor Dostoievskï (7) và cả Textes philosophiques của V.Biélinsky (8) nữa.

     THẾ PHONG

PHẦN THỨ BA

VỀ CÁC NHÀ VĂN HẬU CHIẾN : 1950 – 1956
[ QUỐC GIA VN VÀ MIỀN NAM (VNCH) ] )



CHƯƠNG BỐN

CÁC NHÀ VĂN ĐỘC LẬP ĐIỂN HÌNH




Tiết 1 . – KHÁI QUÁT VỀ CÁC NHÀ VĂN ĐỘC LẬP ĐIỂN HÌNH
     Tiết 2 . – NGUYỄN THỊ VINH
     Tiết 3 . – LINH BẢO
     Tiết 4 . – TRIỀU LƯƠNG CHẾ
     Tiết 5 . – PHẠM THÁI.
     Tiết 6 . – VŨ KHẮC KHOAN
     Tiết 7 . – CHẤN PHONG
     Tiết 8 . – HƯ CHU
     Tiết 9 . – KẾT LUẬN VỀ CÁC NHÀ VĂN ĐIỂN HÌNH.



Tiết 1


KHÁI QUÁT VỀ CÁC NHÀ VĂN ĐỘC LẬP ĐIỂN HÌNH

***

B ây giờ bàn đến các nhà văn độc lập điển hình, gồm nhà văn không đứng trong nhóm nào; mặc dầu Nguyễn Thị Vinh và Linh Bảo có sách xuất bản ở NXB Phượng Giang. (tiền thân Tự Lực văn đoàn hậu chiến dưới sự điều khiển Nhất Linh). Nguyễn Thị Vinh và Linh Bảo không đứng trong nhóm, chỉ chịu ảnh hưởng Tự Lực văn đoàn và Nhất Linh in sách cho họ. Linh Bảo; Nguyễn Thị Vinh, Tương Hùng, Trương Bảo Sơn cũng tiếp nối vào giai đoạn cuối của Tự Lực văn đoàn. Và Triều Lương Chế, nhà văn tâm tình thời đại, Chấn Phong, Vũ Khắc Khoan nhà văn chính trị xã hội đứng trong nhóm Quan Điểm; Hư Chu, nhà văn hoài vọng dĩ vãng, mỗi nhà văn có nhỡn quan riêng hòa đồng với tiếp nhận ngoại cuộc, đưa mỗi người vào xã hội hôm nay muôn ngàn vẻ. Phần kết thúc sẽ bàn đến giá trị tổng quát mỗi nhà văn.


Tiết 2

. NGUYỄN THỊ VINH

Tiểu sử :

Nguyễn Thị Vinh sinh năm 1924 ở Hà Đông. Tác phẩm đầu tay do nhà Phượng Giang xuất bản, Trương Bảo Sơn lo phần ấn loát. Bà viết truyện dài, truyện ngắn, làm thơ.

Tác phẩm và khuynh hướng:

Nguyễn Thị Vinh phân tích tâm lý nhân vật giai cấp trung lưu. Tác phẩm đã xuất bản: Hai Chị Em (truyện ngắn, Phượng Giang, 1953) và tập truyện dài Thương Yêu (Phượng Giang, 1954), Xóm Nghèo (1958), Men Chiều (1960) Thơ Nguyễn Thị Vinh (1972), Cô Mai (1972) Nổi Sóng (1973) Vết Chàm (1973)... Từng chủ bút giai phẩm Tân Phong (1957). Chủ nhiệm nguyệt san Đông Phương (1965)


Phân tích tác phẩm chính:

Ở Thương yêu nhà văn sẵn tài nguyên về tâm tình nên phân tích tâm lý nhân vật vững. Kết cuộc tuyện thiếu linh động; lệch, ưu điểm và nghệ thuật dồn hết vào phần trên, phần dưới mất cân bằng. Nhớ đến Hà Bỉnh Trang viết Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình chung khuyết điểm. Truyện ngắn Hai Chị Em viết rất linh động, hơi văn ngắn nhưng đằm thắm. Truyện ngắn không nhạt nhẽo, như đoạn kết truyện dài Thương Yêu. Khuyết điểm chính khi viết truyện dài bà không có hơi văn dài (longue–haleine). Sở trường là tân truyện (nouvelle) hình tượng nhân vật thời đại mới, truyện không cần dàn bài như truyện dài, truyện ngắn; không cần mở truyện, thân truyện, kết truyện; mà chỉ là mẩu truyện không thành truyện. Ai từng đọc Katherine Mansfield này đều nhớ tác giả viết tân truyện tế nhị, linh động hơn cả Guy de Maupassant. Đó là truyện The Garden Party đã được dịch sang Pháp văn. Nguyễn Thị Vinh tự nhận rằng bà chịu ảnh hưởng tác giả ấy, nên ngay trang đầu sách, trích đoạn văn phê bình gia Pháp nhận định giá trị văn chương Katherine Mansfileld:
“...Katherine Mansfield, một nữ văn hào Anh nổi tiếng khắp thế giới chuyên môn viết những truyện không có truyện đã khôn khéo hơn Maupassant ở chỗ muốn tả cuộc đời với đủ mọi phức tạp mà không làm cho đời thành có vẻ tuồng. Tính thích bày cảnh, thích đập vào mắt người ta, đã gây tai họa cho rất nhiều người đầu óc khá của nước ta. Trong một truyện, muốn đi tới một kết cục, thật dễ dàng, nhưng phải còn bao nhiêu là kỹ sảo khi mà câu truyện không có kết cục, tôi muốn nói đến không có kết cục nổi bật lên, gò gẫm bịa đặt ra không nhiều thì ít hay nói cho đúng ra, truyện không có kết cục, nhưng mỗi đoạn, mỗi một chi tiết tự nó, nó đã làm kết cục của nó rồi…”.
Nguyễn Thị Vinh chưa hoàn toàn viết được như thế; sẽ phân tích kỹ lưỡng hơn ở đoạn nào cần phải bàn. Nguyễn Thị Vinh có hơi văn ngắn nhưng đậm đà; nhất là Hai Chị Em. Trước khi phân tích tập truyện ngắn điển hình, tóm lược, nhận định giá trị truyện dài Thương Yêu. Phần đầu, viết rất tâm lý qua hầu hết nhân vật; đề cao tinh thần tự lập. Nhân vật chịu ảnh hưởng tinh thần triết lý Á Đông; kính cha mẹ, nhường anh chị là phận em. Song từ phần tiếp rất gượng ép, khi tả Hoan hoặc Tân, sự đau ốm của khách giả tạo. Hơi văn ngắn không hợp truyện dài; chẳng hạn tả mối tình đầu Dậu, sự bạc đãi tình thân thuộc chẳng ích gì, vì phần đầu đã nói đến. Nếu Yêu Chỉ Một Lần của Hoàng Công Khanh chỉ là truyện vừa kéo thành truyện dài nên trở thành nhạt nhẽo, khác gì Thương Yêu nên bố cục mất cân bằng. Truyện ngắn bà tả tâm lý theo đúng giác quan, hòa hợp với đời sống. Nhân vật trong Đồng Năm Xu, Hai Chị Em, Tản Cư; nhân vật chính hồn nhiên; không dám đấu tranh tuy hoàn cảnh bị bóp chẹt; nếu có; chỉ là hòa giải. Tóm lại, Nguyễn Thị Vinh là nhà văn tâm tình hồn nhiên; chỉ sáng tác khi có cảm hứng hòa hợp, dùng tình cảm giải quyết hơn lý trí. Đồng Năm Xu có đoạn cuối hồn nhiên; quá hồn nhiên đến nỗi trở thành hiện thực thô thiển (réalisme vulgaire). Trong Hai Chị Em (135 trang) gồm sáu truyện Quê ngoại, Anh Triển, Đồng Năm Xu, Bà Ó, Tản Cư, Một Đêm Xa Nhà. Truyện đặc sắc nhất Quê Ngoại, Đồng Năm Xu và Tản Cư. Truyện Anh Triển hời hợt, phơi bày trạng thái tâm tình cô gái khác giai cấp với Triển được Triển yêu thương; cô không yêu lại. Cô lấy chồng, mẹ cô cưới vợ cho Triển; thương Triển bị thất tình. Tác giả mai mỉa giới nông dân thôn quê; không phải tình cờ tả cô gái tư sản được yêu và sự nhầm lẫn Triển yêu cô gái. Truyện Một Đêm Xa Nhà và Bà Ó không đặc sắc, như chính nội dung hai truyện kia không đáng chê trách bằng truyện Anh Triển. Đọc Anh Triển, người đọc căm thù giai cấp hơn thương Triển, đúng hơn ghét bỏ cô gái tư sản kia. Cũng như người con gái tỉnh thành đỏng đảnh lúc tản cư, ban tình yêu cho một anh nhà quê nào đó vô phúc yêu mình; rồi giải thích rằng họ không đáng yêu mình. Gây cho họ đau khổ thì cô lại sung sướng. Ở Quê Ngoại, Bảo, cô gái mồ côi có bố, dì ghẻ ở tỉnh. Một hôm cô gái về quê ngoại thăm bà, sự săn sóc, cảm giác được chiều chuộng của bà với cháu, tác giả tả được từng cử chỉ nho nhỏ của cô gái sung sướng cực độ. Cảm giác thi vị như đọc thơ Lưu Trọng Lư (Nắng Mới); hay gần hơn Nắng Tháng Mười, hoặc truyện ngắn của Uyên Thao:
“... Bảo còn đương ngủ say, thấy có người động vào mình hốt hoảng tưởng đâu là mẹ kế ngoại, choàng thức dậy, vì ở Hà Nội cứ sáng sớm, người mẹ kế đã lay Bảo để dậy quét nhà, thu dọn, không bao giờ Bảo dám nằm lâu thêm lấy một phút. Nhưng khi Bảo đã nhận biết đấy là cụ Đồ đang nhẹ nhàng đắp chăn cho mình; Bảo cảm động vội kéo chăn trùm kín đầu để bà không biết mình ứa nước mắt. Một nỗi vui rung động nhẹ trong lòng Bảo cùng với tiếng chim hót trong trẻo vừa vang lên ở ngoài vườn, Bảo kéo chăn xuống để hở mặt, nhìn ra cửa sổ và lắng nghe. Trong người ran ran hơi ấm của chăn, Bảo thở những hơi dài khoan khoái, Bảo thấy được lười một cách dễ chịu”...
Ở Đồng Năm Xu, xã- hội - tính nảy nở trong tâm hồn đứa trẻ giao tiếp với đời bằng đồng năm xu giả. Từ lúc bắt đầu cha cho, đến mua hàng; cuối cùng nó lừa lọc được sự mù chột ông hàng phá sa. Từ chiến thắng ấy, mỗi lần ông hàng phá sa đi qua nấc lên tiếng rao bỏng kẹo, đứa bé hối hận, khiến người đọc nhớ đến truyện ngắn lập ý cao Anatole France. Tả Hải nghèo, đến nỗi đứa bé chỉ được cầm cái cặp tóc của bạn một lần thôi. Ao ước có tiền sống động tâm hồn đứa trẻ, hôm ấy, nó đã mãn nguyện đây là cảm tưởng Hải nằm ngủ luôn mong trời chóng sáng để khoe mua chiếc cặp mơ ước. Nghệ thuật diễn đạt không bỏ sót từng động tác tâm lý nho nhỏ, chuyển dịch theo hiểu biết đứa bé mơ ước thời gian rút ngắn: “... Ồ mai phải mua cái cặp tóc hình con bướm giống như của nó mấy được. Mọi khi mình thường mượn của con An để cặp thử đẹp quá. Nhưng con An đó cho mình mượn lâu bao giờ. Chỉ một tý là đòi lại ngay. Ngày mai mình cũng có một cái, chắc con An hết làm bộ được với mình. Nghĩ đến đây trong lòng nó rộn ràng sung sướng thấy cần phải khoe ngay với chị. Nhìn sang Loan ngủ mê mệt, Hải muốn đánh thức chị dậy, nói khẽ thích vào Loan, làm Loan giật mình đạp vào Hải, miệng lầu bầu gắt gỏng xoay người và lại bắt đầu ngáy đều đều. Hải thất vọng và rất bực mình với chị, nghe hơi thở và tiếng ngáy của Loan, sao nó thấy rõ ràng một cách khó chịu quá. Nó mong cho chóng tới sáng để đi mua cặp ...”
Nuôi hy vọng ngày mai chóng sáng, Hải rủ chị lên phố mua chiếc cặp lý tưởng. Đoạn tả chúng dạo khắp phố phường để chọn, chiếc cặp tóc đẹp hơn của bạn đã có trước đây rất tế nhị:
... “Hải và Loan đi gần khắp các hàng tạp hóa ở phố hàng Đào để chọn mua một cái cặp tóc. Sau cùng chúng nó bằng lòng chiếc cặp hình con bươm bướm với giá ba xu rưỡi. Chúng nó chọn đến kỹ càng, để cho nó khác với cái của con An màu đỏ. Nó cho cái màu xanh của nó đẹp hơn cái màu đỏ của con An. Vì vậy nó sung sướng và có một chút tự kiêu...”
“... Người bán hàng, sau khi lật đi lật lại đồng tiền xem mấy lần, bỗng quẳng trên mặt quầy giằng lại chiếc cặp trong tay Loan, giận dữ mắng như hắt vào mặt chúng nó “đồ ranh con! đồng năm xu giả mà cũng đem đi mua với bán. Chúng mày định lòe cả tao nữa cơ à? Có bước ngay không có tù nhọc...”
Kết thúc đột ngột là dụng ý con bé bị mắng oan uổng, khi nó đem đồng xu về hỏi bố, bố dã tâm không biết nói sao, gật đầu. Thật đau đớn biết chừng nào, cụ Cựu nói vậy, còn xúi đem mua quà. Tác giả tố cáo gián tiếp sự dạy dỗ bố mẹ với con cái; không đủ bổn phận làm cha; xui con làm điều trái lương tâm; xui chúng đi vào đường hư hỏng. Tính lừa lọc phát khởi tâm hồn chúng từ đó. Và nó đánh lừa ông hàng kẹo, với thái độ lúng túng (trang 68) tác giả nhận xét rất tỉ mỉ, tế nhị. Thất vọng ấy chưa đủ cảnh tỉnh đứa bé lừa lọc; nó bước vào ngõ tối để đánh lừa ông hàng phá sa. Chủ quan tác giả nhận định là lôi kéo đứa bé về với lương tri; chịu hình phạt toà án lương tâm. Sự thành công tác giả, ở chỗ mỗi đoạn truyện có kết luận nhỏ. Chẳng hạn đoạn nó bị nhà hàng cặp tóc trả lại đồng năm xu. Đoạn nó bị chủ hàng kẹo từ chối, thật gay cấn:
... “Trong trí nó hiện ra cảnh tối tăm của một số nhà ẩm ướt, chật hẹp, mà chốc nữa khi bán xong, ông cụ sẽ về đấy nằm gối lên hòm lạc để đợi hôm sau lại xách hòm đi buôn lạc rồi bị người ta quăng trả đồng năm xu và mắng “Đồ khỉ giả, mua với bán gì bước ngay không tù nhọc”.
Tác giả đồng ý cho Hải nghĩ đến hình ảnh ông lão sẽ bị đời sỉ nhục như mình mà sao lại cho đoạn Hải ngồi ăn lạc ngon lành. Sự hối hận đứa bé trở thành liêm sỉ; nếu không, chẳng cần cho đứa bé ấy nghĩ nữa đã sao? Nhớ đến một Đỗ Tốn trong Hoa Vông Vang viết truyện ngắn hay vào bậc nhất, cho vai chính trở lại tìm người yêu có chồng mà nàng vẫn yêu mình chẳng hạn chế. Hiện thực thô thiển qua thái độ đúng như đứa bé nhai lạc nhau nháu; và hai nhà văn giống nhau trong cùng khuyết điểm nhỏ; qua hai nội dung.

Kết luận :

Nguyễn Thị Vinh, nhà văn sở trường truyện ngắn tâm tình, bà có hơi văn đậm đà, sâu đượm; nhận xét tỉ mỉ; tâm lý nhân vật nghiên cứu cẩn trọng. Văn nhẹ nhàng, bút pháp có nghệ thuật. Giọng nỉ non; giãi bày không bao giờ cho người đọc mức độ hưởng thụ tiếp nhận quá vui hay quá buồn. Nói thế, tác động đấu tranh cách mệnh; sự kiện theo định hướng câu truyện cần phải có, thì Nguyễn Thị Vinh không làm vậy; mà chỉ nhận xét và giãi bày, ít khi dám giải quyết vấn đề gì hoặc định đoạt theo định hướng. Nói đến Nguyễn Thị Vinh, Tường Hùng; người đọc nghĩ ngay đến Tự Lực văn đoàn nối dài hậu chiến. Và họ chính là con đẻ mặc dầu Phượng Giang chỉ là nhà xuất bản như trăm ngàn nhà xuất bản khác. Tiết sau, phân tích Linh Bảo với loại truyện văn chính trị xã hội, giọng văn châm biếm tài tình; và có thể quả quyết nói rằng: dù NXB Phượng Giang in ấn, song Linh Bảo có mặt do tài năng cá nhân hơn là khám phá mới của Tự Lực văn đoàn.


Tiết 3

. LINH BẢO

Tiểu sử.

Linh Bảo tên thật Võ Thị Diệu Viên. Sinh ngày 14.4.1926 ở Huế. Chị ruột của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh (49) 19 tuổi bắt đầu viết văn, truyện đầu tay là tập phóng sự ngắn Chồng Chung, ký Hương Thơ; kể lại thảm cảnh kiếp chồng chung. Năm 1945, thi sĩ Phan Khắc Khoan (xem Thi Nhân Việt Nam; Hoài Thanh, 1941) định xuất bản; xảy ra hoàn cảnh chính trị đột biến làm thất lạc bản thảo đầu này. Tác phẩm: Gió Bấc (Phượng Giang 1952), tác phẩm giá trị đáng kể vào bậc nhất bình diện văn nghệ. Cuốn đầu tiên này được gọi tiểu thuyết chính trị đúng nghĩa. Đọc tác phẩm La vingt cinquième heures, La seconde Chance (V. Gheorghiu) La Chute, L’exil et le Royaume ... (A. Camus) (50) biết được hình tượng thời thế, chủ nghĩa chính trị diễn tiến thế giới hôm nay, hậu quả tai hại chủ nghĩa độc tài. Linh Bảo đã tòng sự tại Sứ quán Việt Nam ở Hồng Kông. Linh Bảo viết nhiều truyện ngắn, chưa xuất bản, trước kia cho đăng rải rác trên báo Mới (Sài Gòn, 1953). Linh Bảo cho biết tác phẩm viết ở hôm qua, như hôm nay, bất cứ bút hiệu nào; độc giả cũng nhầm lẫn cho rằng văn nhà văn nam. Trước đây, tuần báo Việt Chính; ông Viết Tân (Hồ Nam) loan tin văn nghệ Gió Bấc là của Nhất Linh. Đọc Gió Bấc hiểu được cuộc diễn biến tâm trạng Linh Bảo hòa hợp cho hoàn cảnh trong cô gái du học sang Trung Hoa, va chạm hoàn cảnh xã hội Trung Quốc.

Phân tích tác phẩm chính:

Truyện ngắn đăng trên báo Mới không đặc sắc. Hơi văn không phải để viết ngắn, nói thế không có nghĩa viết truyện ngắn không trội. Sự nghiệp văn nghệ là tiểu thuyết Gió Bấc. Cốt truyện rất giản dị bề sâu vô cùng sâu sắc. Nhân vật chính là một nữ sinh - cô Trang mắc bệnh xuyễn. Nàng sinh trưởng trong gia đình khá giả (phong kiến tư sản). Bà mẹ của Trang là người ít săn sóc đến con cái; mẹ Trang, mộ đạo Phật cực điểm nhiều khi đến vô lý; khiến làm hao sụt đến ngân quỹ gia đình. Khi ba Trang về hưu, gia đình Trang rời cả về miền quê sinh sống; nhưng chẳng bao lâu chiến tranh bùng nổ. Gia đình tan nát; Trang bị lạc. Từ đấy nàng bắt đầu sống đời mới, gian lao cực nhọc. Trang tiếp xúc với xã hội, trải qua nhiều biến đổi chủ nghĩa chính trị. Trang ôm ấp du học, lần này toại nguyện, khi có cơ hội sang Hương Cảng. Ở đấy, mức sống cam go, khó khăn vì là đồng đất nước người nhưng Trang thêm bạn bè, cả tình thương trợ của bạn hữu nội trú ngoại quốc, đồng hương. Trang đi nhiều nơi, nghe được nhiều mẩu đời luân lạc. Trang mắc bệnh xuyễn, sống nội tâm. Vì bệnh xuyễn, nên sinh kế thiếu thốn, Trang ra ngoài làm việc, lần đầu tiên va chạm với đời; bị chủ phòng làm răng ỷ có tiền, có quyền buộc nàng đi dạo mát với chủ. Nàng từ chối, bị thất nghiệp, ở nhà lại bị ốm. Nhờ Bình, một đồng hương săn sóc, ân nhân này ngỏ lời cầu hôn, và thành chồng vợ.
Cốt truyện giản dị, bố cục dàn bài từng tiểu mục ghi lại nếp sống qua nhiều chế độ chính trị (rất khách quan mà lại chủ quan đãi lọc định hướng), nghệ thuật tiểu thuyết Gió Bấc là luận đề chính trị thành công. Ghi lại hành động dã man xã hội mới rất sinh động. Nhà văn có thái độ đúng đắn ghi chép sự kiện trung thực. Qua lối văn trong sáng, thái độ bình tĩnh, vô tư, khách quan là nghệ thuật vượt. Thái độ, suy tưởng Trang và xã hội với nếp sống thích hợp. Lẽ đương nhiên người viết tài năng Linh Bảo thì lại càng linh động hơn. Bắt đầu vào truyện, tả cơn gió bấc liên hệ bệnh tật nhân vật chính.
“... Từ thuở bé cứ mỗi lần gió bấc thổi là Trang lại thấy lo lắng, sợ hãi như người sắp bị đem ra hành tội. Hơi gió lạnh từ từ thấm dần vào cơ thể người. Trang nhọc mệt như có một cái gì đè ngực, làm hơi thở nàng gấp bị ức và nghẹn ngào. Từ trong phổi Trang, một âm thanh nhè nhẹ phát ra, có khi ty tỷ như một điệu đàn nhẹ, nhưng những lúc gió bấc thổi mạnh hay ban ngày làm việc nhọc mệt thì điệu đàn của nàng trở nên thống thiết vô cùng...”
Trang bị bệnh xuyễn, bệnh xảy ra vào đêm đông, khi mọi người ngon giấc; cảm giác ấy Linh Bảo ghi lại thật thống thiết:... “Với Trang thì trái lại, nàng tưởng như đám đánh đổi mấy mùa hè sống bên cạnh một người không yêu, để được giấc ngủ ngon say trong một đêm đông có gió bấc thổi, cạnh một người yêu”. Người cha liêm khiết, một ông bố tốt trong sạch; Linh Bảo có giọng mai mỉa, càng mai mỉa cay độc hơn:
“... Trong làng quan trường người ta làm thế để thăng quan tiến chức thì ba Trang chỉ biết cố gắng làm việc và càng cố gắng hơn ông càng chậm thăng quan tiến chức. Cái giá trị độc nhất của ông là sách và thuốc lá...”
Tả người mẹ quý cháu hơn con, tính đồng bóng; Linh Bảo nhận xét từ giọng nói quen thuộc đúng như thành ngữ:
“... Còn mẹ Trang cả ngày chỉ lo thu và thu vén bớt sự tiêu pha, ăn mặc, và tằn tiện cả tình thương của các con để chia cho bọn em và cháu mồ côi. Những giờ phút rảnh rang bà chỉ đi chùa đền. Tu bổ chùa này miếu nọ, cùng ăn mặc cho các thầy tu, bà vãi, đó là cái thích duy nhất của mẹ Trang. Người ăn thì còn con ăn thì mất”
Tả anh em họ hàng ham ăn uống, dựa vào tình thân thuộc ba mẹ Trang nhớ ngày giỗ kỵ; thuộc lòng như vẹt; Linh Bảo giọng châm biếm sâu độc:
“... Bọn Trang đặt cho ông bác họ cái tên ấy (chè, xôi, chuối) thực không ngoa vì nhà ai có chuối, chè, xôi là thấy bóng ông cắp ô đến. Ông thuộc vanh vách nhà ai, ngày nào có giỗ to hay giỗ nhỏ, giỗ ông nội, ông cố, ông tứ đại ngũ đại gì từ đời ma nào ấy. Nếu con cháu có nghĩ rằng các cụ chết còn đòi quà chắc đã đi đầu thai ráo cả; thì ông đến nhắc: Anh nói mới vô lý chứ! Không có ông bà sao lại có mình!...”
Giai đoạn cách mạng bùng nổ gia đình Trang tan nát. Nàng bị bắt với số tiền thật lớn không phải của gia đình, mà tiền được hưởng hoa hồng từ lái buôn thuốc phiện chia phần. Nàng muốn dùng số tiền ấy đi du học, nhưng mộng dang dở Trang nghĩ đến:
“...Trời hỡi! Trang tự mắng thầm mình tại sao lại ở trong cái giai cấp không may ấy!. Mà ngót mười chín năm trời làm con quan, Trang đã được hưởng những gì và đã làm ra cái tội gì...?”
Ở trong tù nhớ gia đình; Linh Bảo qua nhân vật chính tưởng nhớ lề lối sống giáo huấn của mẹ ngày xưa: “... Mày muốn khôn hơn tao à? Con gái học lắm vô ích, nhiều chữ có nấu chữ mà ăn được đâu, con gái học cho nhiều chỉ tổ cứng đầu cứng cổ, viết thư cho trai được ích gì?
Lúc ấy Trang tinh nghịch nghĩ thầm:
- Viết thư cho trai cũng chẳng xấu, nếu đến thư cho trai cũng không viết được, phải nhờ người viết hộ mới xấu chứ...?”
Không chỉ trích cha mẹ, tác giả không cho nhân vật nói thành tiếng, mà chỉ là ý tưởng phản ứng thầm; nhưng vẫn quá đáng. Đoạn dưới nói về tình thương người mẹ Đông Phương đáng kính:
“...Sự thực tình thương con của mẹ Trang cũng nồng nàn, nhưng tình thương ấy chỉ biểu lộ ra với những đứa con ở xa, những đứa con của một đời khác và bây giờ tự nó có riêng một cuộc đời. Những lúc ăn, lúc ngủ, không lúc nào mẹ Trang không nghĩ đến những đứa con xa xôi...”
Linh Bảo không quên từng mẩu truyện nhỏ rất dí dỏm trong bữa ăn gia đình xa xưa; châm biếm rất nhẹ nhàng nhưng đanh thép:
“... Ông cụ Phủ thế mà biết quý vợ đáo để, hôm qua ông ấy nói với bà trước mặt tôi: Nếu ai đúc một con người vàng, to bằng người thực mà đổi mình tôi cũng không đổi”.
Ba Trang bật cười bảo:
- Thế sao mình không hỏi: “Nhưng nếu là một con người bằng xương thịt thực thụ chứ không phải bằng vàng trẻ hơn cụ bà những hai mươi nhăm tuổi và chỉ béo bằng nửa cụ bà thôi thì cụ nghĩ sao?”
Chị em Trang đều cười ủng hộ ba, còn mẹ Trang thì có vẻ tức bực lắm…”.
Người đọc còn thấy tính nông nỗi dễ tin các bà ưa nịnh; đàn - bà - tính rất điển hình cho pha làm nũng chồng, vì thực thà nên vụng về. Đến khi Trang bị bắt giam ở chung với nhiều hạng người:
“... Bà đằng hắng:
- À, tam dân à, tam dân, tam là ba, dân là dân. Tam dân là dân có ba thứ một là quan, hai là nhà giàu, ba là thường dân”
Mai mỉa tế nhị người biết ít hay khoe, đúng châm ngôn Tây phương, thùng rỗng kêu to (Les tonneaux vide font des bruits). Tả cái ghen vợ ông phủ (mẹ Trang), Linh Bảo dùng tài hài hước bộc bạch:
“... Tôi đến thăm anh chị với mục đích xin anh chị một đứa con. Trang vội chạy đi, loan báo cho tất cả anh chị em biết cái tin ghê gớm ấy và người nào cũng lắc đầu.
- Không em không đi theo cái bà Sài Gòn ấy đâu.
- Em cũng không, em ở nhà cơ.
Đêm hôm ấy Trang ngủ bỗng giật mình thức dậy ngạc nhiên thấy mẹ nằm cạnh ôm chặt lấy mình: mẹ hôn Trang nhưng sao mặt mẹ lại ướt đầm cả nước. Trang úp mặt vào lòng mẹ ngủ lại, với cái kiêu hãnh đuợc ngủ với mẹ, vì mẹ thường vẫn ngủ với ba cơ mà... Mãi về sau Trang mới hiểu bà ấy xin một đứa con chưa đẻ để bà đẻ cơ. Và Trang mới hiểu tại sao hôm ấy mắt mẹ Trang lại ướt...”.
Không là truyện đời mình trải, hẳn ít ai ngờ đến trường hợp đó. Nên nhớ truyện Gió Bấc là tự sự tác giả qua Trang hoặc Linh Bảo trong văn chương tự sự Gió Bấc. Nhìn tiểu sử tác giả năm mươi chín tuổi 1945; bị bắt, than: “Trời hỡi! Trang tự mắng thầm mình sao lại ở trong giai cấp không may ấy. Mà ngót mười chín năm trời làm con quan Trang đã được hưởng những gì và đã làm những cái tội gì” (trang 28). Tâm lý sâu sắc; Linh Bảo được kính mến như Thụy An Hoàng Dân nổi tiếng qua truyện Một Linh Hồn. Đến HươngCảng; Trang chịu cơ cực cuộc sống du học sinh, cảnh chờ hàng xóm ngủ, mới dám xách thùng ra tắm:
“…Trong cái hoàn cảnh đó, Trang phải dẹp cái tiểu thư của mình lại; chiếc thùng tắm nhỏ cũng không dám mua,mỗi đêm đợi đến 11 giờ hàng xóm ngủ cả rồi mới dám xách thau ra hồ để tắm. Chung quanh nhà chỉ vài chục thước, là có cái hồ nước trong xanh bên bờ đầy những liễu rủ. Những hồ nước công cộng cả xóm, ban ngày là rửa mặt rửa rau vo gạo, giặt áo và ban đêm là tắm rửa...”.
Thực trạng xã hội Trung Hoa thời Tưởng Giới Thạch, bệnh quan lại; kinh tế tự túc yếu kém, chỉ trông ngoại viện; tình hình chính trị quốc nội bị chi phối hạ tầng cơ sở – Linh Bảo tả thực cảnh đó, cơm áo hoặc hành động chính trị biến thể đi xuống của chính trị phong kiến Trung Hoa sắp đến giai đoạn chót:
“…Những ngày êm đềm quá, tiếp đến là những ngày sóng gió. Vì nguồn kinh tế bấp bênh của nước Tàu, trong tay nắm một mớ giấy bạc, hôm nay còn đáng giá một tạ gạo, sáng mai có khi chỉ còn một đấu bắp ngô. Giá thực phẩm và giá trị đồng bạc cứ theo với các trận đánh nhau thắng hay bại mà lên xuống. Cả tin đồn Bắc Kinh sắp mất. Cộng quân sắp sửa đem quân vây Nam Kinh. Giá gạo tăng lên vùn vụt. Bạc giấy chỉ giá trị như một mảnh giấy thương nhỏ bằng hình dáng của nó...”.
Kết cục quân đội Tưởng rút lui vẫn không quên hối lộ, bệnh làm tiền lẫn nhau phát khởi mạnh hơn bất cứ đâu. Linh Bảo ghi lại, đọc lên thấy chua chát, hiểu được lú do nào quân Tưởng thất bại:
“... Trang còn nhớ đêm hôm ấy cả bọn đều ngủ ngồi trên xe trong một khu rừng vì chiếc cầu ở đằng trước đã bị phá. Đoàn xe hơn 90 chiếc phải từ từ lội xuống sông. Tính ra ngày mai mới đến lượt xe Trang; vì mỗi chiếc qua sông mất đúng 15 phút... Nhờ đến một tỉnh nào họ cũng lấy phần lương thực gấp 5, 7 số người. Trang không hề thấy có sự điều tra hay khám xét nào nên nàng biết rằng các quan đã có ăn cánh với nhau để bóc lột chính phủ. Số xe độ 100 chiếc thì họ khai là 500 và lãnh đủ dầu xăng, lốp xe và các phụ tùng khác. Cứ mỗi khi đến một tỉnh nào, mấy đêm đầu Trang cũng không ngủ được vì đến đêm các quan mới cho lính lăn các thùng đầu xăng ầm ĩ cả lên. Thì ra họ gửi bớt đi, đổi lấy vàng mang theo cho nhẹ. Không những gửi số dầu thừa, họ còn gửi cả một nửa số cần dùng, khi xe chết nằm lì bên đường trong một khu rừng hay ngọn đèo nào đấy, họ phái một chiếc xe con đi báo tin cho một địa phương gần nhất cho dầu xăng đến cứu. Còn một cách làm tiền nữa là nhặt nhạnh những hành khách chạy loạn trên đường. Cứ một đồng cân vàng hay 6 đồng bạc là có thể đi được một quãng độ 50 cây số...”
Tả cảnh khổ nhà cách mệnh Việt Nam, kẻ chiến bại Nguyễn Hải Thần, hoặc những ai chung cảnh ngộ; chôn vùi lý tưởng ở hải ngoại không hẹn ngày về, Linh Bảo phơi bày thực cảnh buồn thảm; thương xót kiếp người lên voi, ai cũng hay; xuống chó riêng mình biết. Linh Bảo không quên phê phán làm cách mệnh không đường lối, nguyên tắc soi sáng đường noi theo, lầm lẫn chiến lược, chiến thuật tất hỏng đại cuộc.
Nhớ thơ Nguyễn Bính:
“…Hỡi ai đi gió về mưa
Có gây dựng nổi cơ đồ gì không…”?
Người đọc biết thêm được kết luận dầu; nhà văn không nêu ra; người đọc vẫn tự lĩnh hội được:
“…Cả bọn kéo đến thăm cụ Nguyễn, người đã có cái lịch sử cách mạng hơn 40 năm nhưng nay chỉ là một ông cụ già nghèo nàn, hai mắt gần như mù, sống với một bà vợ Tàu trẻ và một đàn con lớn có, bé có. Cụ cất giọng sang sảng:
- Các anh làm thế nào chạy hộ tôi 10 đồng nếu không thì 8 hay là 6, 4 cũng là thì hai đồng cũng được. Lúc Trang hỏi thăm đàn con cụ trả lời:
- Ấy, các cháu nó đi đánh du kích cả.
Trang ngạc nhiên hỏi:
- Thưa cụ đánh du kích ở đâu? Nhưng các anh chị ấy còn bé lắm cơ?
Cụ cười:
- Không đấy là tiếng riêng của chúng tôi. Hôm nào nhà có gạo thổi cơm ăn thì gọi là lục chiến, nấu được cháo là thủy chiến không có gì là không chiến. Còn nếu không chiến lâu quá thì chạy sang các nhà hàng xóm quen biết ăn, đấy là đánh du kích.
Lúc từ giã căn phòng tối tăm bé nhỏ chỉ vừa đủ để một cái giường và còn thừa một tí làm chỗ để chân, thấy Trang có vẻ ngậm ngùi. Vũ bảo:
- Khi xưa cụ cũng đã có một thời kỳ oanh liệt, tiếc vì cụ chỉ có lòng mà không có tài, vả lại có nhiều quân sư quạt mo quá. Giá cụ cứ nghe lời một người thôi thì chẳng đến nỗi nào, nhưng cụ lại nghe tất cả thành ra cái gì cũng không thành. Hôm cụ nghe lời quân sư này ủng hộ nhóm này, ngày mai cụ lại nghe lời quân sư khác mà đả đảo họ, mời phóng viên các báo tuyên bố ầm ĩ lên, nhưng ngày kia cụ lại nghe một quân sư khác nữa mà viết thư xin lỗi...”
Mổ xẻ nội tâm, Linh Bảo vẫn tỏ xuất sắc, tinh tế. Khi đàn ông yêu đàn bà, họ cảm tưởng người ấy thuộc về họ; đâm ra xoi bói nết xấu, không muốn họ được ân huệ để yêu người đó mãi; hay đúng hơn yêu người ấy, được danh dự phần hơn về mình. Còn yêu được sinh ra chán, được yêu họ là diễm phúc; chẳng qua do tâm trạng thèm yêu và khát vọng vô biên. Đoạn văn rất tâm lý, Linh Bảo tả nhân vật Vũ tưởng mình được Trang yêu, nên dãy ra:
“…Đàn bà sinh ra là để làm nô lệ cho đàn ông, ai mà yêu tôi thì đến khổ. Tôi rất ghét và ghê sợ đàn bà. Người đàn bà nào mà dây vào tôi thì đến khổ cả đời…”
Trang vào đại học đường ít lâu, chế độ thay chủ, Linh Bảo tả cuộc sống mới:
“…Trường đổi hiệu trưởng, đổi giáo viên, đổi khoa trình. Các bạn trai đầu để bù, giày không dám đánh bóng, áo giặt không là. Những món tóc quăn theo lối Âu Mỹ của các bạn gái bị nhát kéo vô tình cắt ngắn biến thành lối tóc thợ thuyền và những chiếc áo dài tha thướt do các tay thợ khéo ở Hương Cảng cắt hay những chiếc váy đầm màu sắc rất trẻ trung được xếp xuống tận đáy hòm, thay vào bằng chiếc quần vải xanh, theo lối công nhân trong xưởng máy. Ánh thái dương tắt rồi, mọi người đang lần mò một lối đi thích hợp với thời đại mới dưới ánh sao...”
Sinh viên ngoại quốc với chế độ mới, họ khôn ngoan hơn khi đối đáp – Linh Bảo thản nhiên bàn về chủ nghĩa máy móc bao hàm nhiều hình ảnh đời diễn tiến:
“... Chúng tôi tuy là do chính phủ Nam Hàn phái đến, nhưng tâm hồn chúng tôi vẫn gửi ở Bắc Hàn từ lâu. Và hơn nữa họ rất chịu khó học thuộc lòng mấy đoạn sách tiến bộ hễ có dịp là đọc một thôi không ngừng “Mao Chủ tịch bảo rằng... Lênin bảo rằng Xít–ta–lin bảo rằng…”
Tự mổ xẻ quá vãng; phủ nhận quá vãng ở con mắt nhìn tiến bộ hôm nay, tất cả mọi người thể hiện vậy thì sinh viên phải thực hành làm gắt gao hơn tỏ sự trung thành:
“... Nhưng dù khéo léo đến đâu cũng không thoát khỏi sự nghi ngờ. Cả bọn đều bị kiểm soát rất nghiêm khắc về tất cả mọi phương diện. Mỗi người phải khai một bản lai lịch như một cuốn tự truyện từ lúc mới lọt lòng, không được bỏ sót một năm tháng nào, và điều quan trọng nhất là hiện thời lấy tiền ở đâu mà tiêu? Sau khi quá lao lực và không đủ khả năng sức khỏe sinh viên mắc bệnh lao”
... “ Vì tất cả các duyên cớ có bệnh lao lan truyền rất nhanh chóng, lúc đầu chỉ mới bốn mươi người, đã tăng lên đến hơn một trăm học sinh bị thường khạc nhổ bậy bạ một cách tự nhiên. Riêng Trang, lo sợ hơn ai hết vội vã đi chiếu phổi và lúc kể lể với người bác sĩ già cái bệnh tiếng đàn đêm đông của mình ông ta chỉ gật gù mỉm cười. Dìn dường pách chúc (không đủ chất bổ mà thôi”. Và lúc Trang đến được phòng lĩnh thuốc mới ngẩn người ra vì cái đơn ông ta cho Trang là 100 viên vitamine…”
Chán vì bệnh, thêm bệnh thời đại nữa, từ Quốc dân đảng đến Mao Trạch Đông, con người chính muốn gì trong Gió Bấc có thể Linh Bảo muốn đi tìm tôn giáo, ẩn mình, như tác giả Faux Passeport (51) (C.Plisnier), như André Malraux từ Les Conquérantas (52) đến La Voix Du Silence (53) đầu hàng tôn giáo, một René Hardy từ Amère Victoire đến Le fer de Dieu (54) cũng muốn trở về tôn giáo. Nên nhân vật tác giả tả ở đây khi chưa là nhà văn tìm tôn giáo để được an ủi. Với Trang không thể làm dịu được, màu nhiệm cuộc đời dù khổ cực, chán chường vẫn linh diệu:
“... Ngày ngày nghe mãi những lời ngọt ngào của bà sơ đạo đức trinh trắng dẫn dụ, lắm lúc lòng Trang cũng thấy xiêu xiêu. Thế nhưng những buổi chiều ngồi trên bờ biển cả nhìn các tàu đi lại, Trang thấy tiếng con tàu hấp dẫn Trang còn mãnh liệt hơn điệu hát cầu kinh trong nhà thờ...”
Người nữ này có bàn tay không đẹp, nhưng tình yêu không hẳn không theo định luật thiên nhiên, tùy hợp kết thành đôi lứa vợ chồng; chế độ giao kèo chung sống, an ủi, quên chặng đường mệt nhọc. Đôi khi họ bi quan muốn ẩn mình trong tôn giáo, nhưng tôn giáo chưa thắng được. Tình yêu thắng thần chết như Maxime Gorki quan niệm vậy; thì với Trang cũng vậy:
“...Hôm nay chủ nhật sao anh không đi chơi?
Bình cười rất thực thà:
- Tôi đến đây chả phải đi chơi là gì?
Với lại mỗi lúc ra cửa chân tôi hình như chỉ muốn đưa đến đây, rồi thôi không còn muốn đi đâu nữa... Trang không trả lời, mắt Trang hình như mờ đi, và nàng không chống cự khi thấy Bình để tay nàng lên môi...”

Kết luận.

Gió Bấc có nhiều cảnh tả tính đẹp, giản dị, thành khẩn; cảm động, hòa nhịp tình yêu với bối cảnh xã hội. Lên án chế độ quan lại thối nát qua lối diễn tả đối lập, kỹ thuật văn hấp dẫn. Có thể cho là khuyết điểm như khi dùng chữ, Linh Bảo dùng chữ giáo viên cho giáo sư dạy học đại học, học sinh đại học gọi là sinh viên, e không phải tác giả không biết, nhưng nhầm chỉ nhầm lẫn nhỏ. Linh Bảo, nhà văn giá trị bậc nhất hậu chiến. Văn không mấy chau chuốt như văn Nguyễn Thị Vinh, song thành công trong loại hình tiểu thuyết chính trị viết nghệ thuật cao, già dặn, như Phạm Thái với Truyện Năm Người Thanh Niên.


Tiết 4

. TRIỀU LƯƠNG CHẾ

Tiểu sử.

Tên khai sinh Trần Mạnh Châu. Sinh năm 1926 ở Hà Tĩnh, Trung Phần. Học qua trường Lê Văn, Nguyễn Công Trứ (Quốc học Vinh). Dạy học tư các trường Lê Văn Phượng (Đồng Hới) Chính Hóa (Tư Thục Vinh), Quốc học Trần Quốc Toản (Quảng Yên). Ông bị động viên vào Trường Sĩ quan Thủ Đức là sĩ quan Quân đội Cộng hòa, như Phan Lạc Tuyên, Phạm Văn Sơn ...

Phân tích tác phẩm chính:

Tác phẩm đã xuất bản Lý Tưởng (1956, truyện dài). Năm 1940 ông viết Lời di chúc, nhưng không có hoàn cảnh xuất bản cuốn này, truyện do Thế Lữ đề tựa. Lý Tưởng tả lại cuộc đời cách mệnh của bà nhân vật chính: Tùng, Mai, Huệ, bối cảnh trước năm 1945. Cách đạo diễn tâm lý nhân vật, người đọc nhớ đến lối văn Nhất Linh nhẹ nhàng, và cách mệnh tính của nhân vật. Trong Lý Tưởng mỗi nhân vật sống theo tác phong riêng. Huệ, cô gái tư sản giấc ngộ khi sống bên Tùng, người vợ hiền đáng yêu. Tùng là bạn anh của Mai. Tùng đến nghỉ hè ở nhà bẹn, bạn đi vắng, ở nhà có Mai và người lão bộc. Pha đầu tiên gặp gỡ.
“… Cô xem hai cuốn truyện này chắc cũng bổ ích. Đây là hai cuốn tiểu thuyết của Trần Lang vừa mới cho xuất bản. Trần Lang là nhà văn xã hội đúng đắn mà văn chương đã gây một ảnh hưởng rất rộng vào đám quần chúng hiện thời.
Em đã đọc tác giả này ở hai cuốn Cũng một kiếp người và Những kẻ thấp hèn cốt truyện đã hay mà văn chương lại lưu loát. Những tiểu thuyết của Trần Lang phần nhiều đều có chủ trương cải tạo xã hội người ta gọi đó là những tiểu thuyết có luận đề …”.
Quan niệm cách mệnh toàn diện trong tiểu thuyết chủ quan định hướng Triều Lương Chế rất vững vàng. Cứu một cá nhân chưa là cứu giai cấp. Đoạn tả Mai có lòng cưu mang người nghèo khổ, nàng cho rằng làm từ thiện càng được nhiều càng có thể cứu vãn nhiều người trong xã hội hơn.
“… Nhưng ở thời đại này, đó chỉ là những hạt muối bỏ biển. Vì những người đói rách rất nhiều, cứu giúp là, sao cho xuể. Vả công cuộc từ thiện có lúc chỉ là một món trang hoàng của bọn dư tiền. Tùng nhìn Mai rồi nghiêm trang giải thích:
“... Tôi không phủ nhận giá trị của công việc từ thiện song chúng ta nên hỏi một hạng người chỉ chuyên dùng những mưu mô, xảo quyệt để đàn áp bóc lột rồi bố thí lấy danh dự và một hạng người: vì chế độ bất công, sống trong đói rách khổ cực, rồi trộm cướp để sống, trong hai hành động này đâu phải là phúc, là tội (...) Bởi thế tôi nghĩ: cần phải có một cuộc cách mệnh xã hội rộng rãi để san phẳng những sự chênh lệch nhiên hậu...”.
Thời gian Tùng lưu lại nhà bạn (anh của Mai) thì Huệ, người thân của Mai đến chơi gặp Tùng. Qua thái độ của Tùng, phân rõ được hai mẫu tiểu tư sản, một giai cấp tư tưởng cách mạng, một giai cấp thống trị đối lập:
“Đoạn nàng (Huệ) quay sang Tùng:
“…Tại sao anh không đi xe kéo?
Tùng chậm rãi đáp:
“Tôi chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ đi xe kéo cả. Vì mình ngồi chễm trệ trên xe để cho người khác cong lưng kéo, trông nó làm sao ấy”!
Huệ với dáng ngẫm nghĩ:
“Nếu ai cũng như anh cả, sẽ không bao giờ đi xe kéo cả. Em cho rằng mình đi xe kéo cũng là một cách giúp đỡ người ta trong kế sinh nhai. Và mình trả người ta thật nhiều tiền việc gì còn ngại...”
Sự căm thù trong tiềm thức dân nô lệ Ấn Độ không được đi hạng nhất; hoặc ở Việt Nam quyền lợi chính đều thu phát trong tay kẻ uy quyền, là bọn Pháp thống trị. Cô giáo nhắc đến sự việc này cho học trò hiểu, ông như sử gia thời đại dùng lợi khí văn nghệ chống kể thống trị:
... “Cô giáo chậm rãi:
“Tại vì phần nhiều rạp chiếu bóng đều của người Pháp.
- Thế người Việt Nam không có rạp chiếu bóng hở mẹ?
- Cũng có nhưng rất ít.
- Tại sao người mình lại không xây cho thật nhiều?
- Tại vì người mình không có quyền bằng người Pháp”
(TRANG 192)
1945 cách mệnh bùng nổ, Tùng, cô giáo Như Hoa, Huệ góp công chống xâm lăng. Tùng trở về gặp Mai, tác giả tả sự hồi hộp, âu yếm của Mai, bởi lẽ Mai tưởng Tùng đã chết:
“... Mai vội vứt chiếc khăn tang lên bàn:
“Mừng đâu chưa thấy, chứ cô và em đã khóc hết nước mắt rồi đấy”
Đoạn nàng nhìn Tùng âu yếm:
“Em phạ anh từ rày phải ở nhà một tháng.
“Tùng nhìn Mai nghiêm nghị:
“Anh chỉ ở nhà được một tuần thôi em ạ. Anh bận nhiều việc lắm. Cuộc tranh đấu từ đây bước sang giai đoạn mới, nhưng sứ mệnh của anh chưa hoàn thành”.
Nói xong Tùng ôm lấy Mai:
“Chúng ta nên hy sinh hạnh phúc riêng cho lý tưởng chung.
Hẳn em cũng đồng ý với anh chứa?
Mai âu yếm ngả đầu vào vai Tùng rồi mỉm cười sung sướng”.
Triều Lương Chế quá lý tưởng hóa vấn đề nhân vật anh hùng, anh hùng thành anh hùng rơm. Người vắng mặt lâu ngày, người yêu tưởng chừng mình đã chết nay gặp lại dễ mấy ai sắt đá trả lời người yêu tức khắc; mặc dầu việc ấy sẽ phải nói ra. Vậy chẳng dễ gì Mai nghe ngay và lập tức âu yếm ngả vào vai. Tâm lý đoạn này chưa hẳn sâu sắc.

Kết luận.

Triều Lương Chế, nhà văn viết truyện luận đề, nội dung tiến bộ như cuốn Lý Tưởng vừa phân tích. Lý Tưởng tác phẩm đầu tay được in ra đạt được địa vị vững vàng. Còn ít khuyết điểm nho nhỏ như trên, bố cục chưa mới, văn đôi khi rườm rà, chẳng hạn như đoạn tả Tùng ở nhà Mai kéo dài quá và chẳng cần thiết.


Tiết 5

PHẠM THÁI (1923-2001)

Tiểu sử.

Phạm Thái, tên thật Nguyễn Ngọc Tân. Sinh 1923 ở Cần Thơ, nhà văn trong nhóm Tự Quyết. Đã xuất bản Truyện Năm Người Thanh Niên (Tự Quyết tái bản 1954) và một truyện dài Nhà Lá đăng dở dang trên báo Tự Quyết sau bị cấm. Học ở Collège de Cần Thơ trước 1945. Năm 1943 được giải thưởng văn chương Hội Khuyến Học Nam Kỳ. Nhiều năm sống lưu vong ở Nam Vang vì chính phủ Ngô Đình Diệm bắt bớ. Năm 1964 trở về Sài Gòn.

Phân tích khuynh hướng và tác phẩm chính:

Truyện Năm Người Thanh Niên, theo kiểu nói Paul Bourget, J.J.Rousseau, truyện dài theo lối viết thư, mà Tàu gọi là xích độc. Trần Huyền Trân trong tập truyện Lẽ Sống, cũng viết thư kết hợp nhiều thư thành truyện dài Truyện Năm Người Thanh Niên. Thể văn cổ điển, người viết phải có nghệ thuật cao, điều kiện cốt yếu phải có kỹ thuật sử dụng văn thể dàn bài bố cục chặt chẽ. Ít đối thoại, thuộc vào loại tiểu thuyết kể truyện. Phạm Thái, nhà văn có chủ quan định hướng khi viết tiểu thuyết lập ý. Trên ba mươi lá thư năm người thanh niên: Hữu, Lưu, Phương, Ngọc, Trang và vai phụ là vai chính Thu. Thường ra tiểu thuyết vai chính phụ nữ, có như thế vậy mới lôi cuốn người đọc. Ở đây, hình tượng người đàn bà là nhân vật thường, rất ít xuất hiện, lại là chính, vậy mà truyện vẫn say mê, linh động. Tuy rằng chưa đạt được độ cao tuyệt đối như cô Do Thái hay Marie trong tiểu thuyết chính trị của V.Gheorghiu khi viết L’homme qui voyagea seul (Người Lữ Hành Đơn Độc) chỉ cần một vai đàn bà tiễn chân chàng sinh viên thi sĩ lên đường quân ngũ, qua từ biệt một cái vẫy tay. Vai chính dẫn cô Do Thái đi lấy lương thực và truyện vẫn được xét vào truyện hay nhất nội dung kỹ thuật. Ở Việt Nam chỉ một Phạm Thái độc nhất vô nhị sử dụng truyện dài bằng thư thật tài tình. Nhân vật điển hình giai cấp tư sản mại bản, Hữu, Ngọc, cải cách viên ôn hòa, Phương, Lưu, nhà cách mệnh chuyên nghiệp. Trang văn sĩ và Thu, người yêu của Phương, là vợ Hữu.
Hữu chỉ biết có tiền, làm thế nào kiếm được nhiều tiền. Khi có tiền thì phung phí trả thù phút khó nhọc nhục nhã kiếm tiền. Chỉ còn cách phá tiền kiếm ra một cách không uổng! Xã hội chỉ là trường thương mại đối với Hữu, không cần biết đến vận mệnh dân tộc ra sao? Nhìn bạn bè chỉ qua nhãn quan căn cứ vào đồng tiền. Vai trò Hữu dưới mắt Hữu:
“... Không hiểu cái quái gì đã chạy ngang đầu óc chúng mày mà thình không thằng Lưu lại bỏ sở làm đi tu, mày thì lũi về vườn như một thằng trốn nợ hay bị gái làm mất mặt...”
Nghĩa tùy thời xử thế thánh nhân, dưới con mắt mỗi người áp dụng khác nhau. Với Hữu chỉ tùy thời, áp dụng phương pháp làm tiền kết quả, tiền giải quyết được tất cả nhu cầu con người:
“... Cái nghĩa tùy thời lớn như vậy thay! Thì chúng mày còn hy vọng làm được gì hơn nữa. Tao thấy chỉ có hưởng thụ là thượng sách. Mà muốn thì cứ làm sao cho có nhiều tiền. Những tờ giấy xanh đỏ có đề số trăm chục kia dơ dáy thật, nhưng sẵn có thì đời không thiếu bạn bè, không vắng tình nghĩa…”.
Nhân vật là bạn của Hữu thất tình về quê khuây khỏa; thì Hữu cho rằng Ngọc sẽ hãm hiếp con gái nhà quê, mua trinh tiết trả bằng tiền. Quan niệm mua bán ái tình bằng sức mạnh đồng tiền, đầu óc tư sản mại bản, tất cả chỉ giải quyết bằng tiền là xong:
“... A ha! Ngồi đây mà tao cũng thấy được bộ mặt công phẫn của mày. Phải! Tôi biết cậu Hai Ngọc là người giàu lương tâm lắm. Không bao giờ cậu chịu dùng tiền bạc đánh giá chữ trinh một người con gái, dù con gái tá điền cũng vậy. Đó là lý tưởng của mày, nhưng theo tao nó chỉ là một cái ngốc lớn. Con gái nhà quê lúc nào cũng không mơ ước thị thành. Một ngày dựa mang thuyền rồng con hơn chín tháng nằm trong thuyền chài,(55) không thất trinh với mày rồi thì cũng đến lấy một thằng chồng chăn trâu hôi hám và cục súc đằng nào hơn? Phương chi với mày đã thỏa mãn chí bình sinh ước nguyện, còn được thêm mấy trăm bạc mua sắm nào xà bông Cô Ba, nào dầu thơm, quần lanh thích chán. Riêng về tương lai họ, hãy nghe lời người kinh nghiệm, đừng ưu lo gì cả con ạ. Họ chẳng khổ gì vì chút đó đâu? Chồng họ sau này ư? Những anh chàng nông phụ đầu tóc tối đen như đêm ba mươi ấy, họ có biết trời trăng gì đâu mà mày bao đồng. Mà cho rằng họ có biết đi, rồi họ làm gì mày...?”
Phường tư sản mại bản thì có nhân sinh quan rẫy chết. Theo Phạm Thái hình ảnh nào nhầy nhụa hơn không tả đời sống, ý nghĩ dơ bẩn, khinh miệt tất cả vì tất cả đều do mãnh lực đồng tiền quyết định (le fétichisme de l’argent). Thấy kẻ khác không làm điều tồi bại thì cho là ngốc. Hình ảnh này, con đẻ chế độ phá sản thực dân, phong kiến, mại bản; chúng biết việc làm dơ bẩn, nhơ nhuốc; song nếu thấy kẻ khác không làm, chúng dử theo chúng kéo bè cánh. Nhân vật Hữu là điển hình cho mẫu người ấy.
Đến Trang, một văn nghệ thích du lịch đây đó, tiêu tiền không một chút tiếc tay. Lối sống phóng túng của nghệ sĩ bao giờ cũng ngông cuồng, tiêu tiền hết lại phải giải thích thế là phải, nào mượn ý Lý Bạch phán rằng tiêu hết tiền lại có tiền (Thiên kiêm tán tận hoàn phục lai). Lời nhận xét tỉ mỉ về nhân vật, nhãn quan sâu sắc của một nhà văn đến nước nào là muốn tìm ngay vào nền văn minh nước ấy, không quên kể lại cho bạn bè nghe; cũng là một cách phổ biến tư tưởng như in một tác phẩm vậy:
... “Ngọc? Nếu mày không muốn bạn mày bị chủ trọ làm nhục bằng cách liệng vali ra đường và cho chổi cùn nựng đít thì mày phải ra nhà giây thép gởi ngay cho tao một cái mandat hai trăm bạc. Và nhanh lênn hé... Cái thư thứ nhất là đi xem lò khom ở mấy rạp nhỏ trong xóm lao động. Đi xem lò khom ở mấy rạp nhỏ mầy sẽ được cái vui sống vài giờ với những người lao động mộc mạc hồn nhiên để vui với những tiếng cười ngây ngô nhưng trong trẻo, những cái cười ròn tan sung sướng của hạng người sống trong u tối dành dụm cả tuần mới có năm cắc bạc mua cái giấy hạng chót. Mày tưởng rằng hát khom nổi tiếng Cao Miên người mình xem không hiểu à? Lầm to rồi! Ảnh hưởng người mình trên này to lắm! Hát bằng tiếng Miên thật nhưng có thông ngôn lại không sót một tiếng. Hơn nữa cái vui của lối hát này là ở chỗ thông ngôn lại tiếng Việt đấy...”.
(LÁ THƯ TRANG GỬI NGỌC)
Sau khi Trang và Chương về Sài gòn có gặp Hữu. Đây Chương, họa sĩ mời Hữu đến thăm phòng vẽ Cảm tưởng mua tranh của Hữu tỏ rằng có tiền giúp đỡ văn nghệ sĩ để đề cao giá trị cá nhân thì Phạm Thái cho đó là thái độ bỉ ổi! Và ông:
... “Trời đất ơi! Bỏ xe ngoài đường đi thăm lòng vòng xóm lao động Bàn Cờ một hồi lâu mới đến cái ổ chuột của tụi nó. Trang mò mãi trong bóng tối mới mở được cửa đánh diêm đốt đèn cho thằng Chương mở tủ lấy xấp tranh ra tao xem. Đèn dầu lửa tù mù, nhà thấp sùm sụp, bịt bùng nóng tháo mồ hôi. Tao xem chẳng thấy hay đẹp gì ráo trọi nhưng cũng khen bừa rồi bỏ hai trăm bạc mua một bức tranh sơn vẽ cô thiếu nữ mơ màng trước bóng rèm trúc...”
Tiếp thư phúc đáp, Ngọc nói đến hoàn cảnh sống thối tha Hữu, chỉ một cứu cánh là tiền, có tiền mua tiên cũng được. Ngọc của Phạm Thái mổ xẻ tâm lý Ngọc chán chường, sau khi dự bữa tiệc:
… “Đời thối tha làm cho mày chán, tao và tất cả bạn bè không ai chối cãi điều đó. Nhưng chán đời rồi đâm đầu vào vũng bùn trụy lạc là một hành động dại dột vô cùng. Dùng ăn chơi để chữa bệnh có khác nào mày lấy aspirine mà trị nhức răng. Nhức răng uống một viên aspirine vào thấy công hiệu ngay. Nhưng còn thuốc còn đỡ đau, chất thuốc hết cái đau như cũ, vẫn y nguyên đó, không chừng lại còn tăng thêm phần thấm thía nữa là khác. Nghề ăn chơi cũng vậy, đâm đầu vào ăn chơi để tìm vùi ít nhiều thật, nhưng một khi canh tàn, rượu tỉnh, một mình đối diện với chính mình, mày sẽ thấy cái buồn chán, tạm ẩn trốn dưới đáy lòng từ từ hiện lên, thâm trầm khắc nghiệt hơn trước bội phần. Bởi lẽ đó, càng chơi càng thấy buồn, càng buồn càng chơi tận chơi liều, những thằng trụy lạc bao giờ cũng rốt tới cặn phóng đãng... Tình bè bạn ấy nếu tao không lầm, nhiều lần đã làm cho mày cảm động phải vậy không? Cảm động trước sự chân thành của tình bạn nghĩa là dám nhìn nhận rằng trên đời này vẫn còn vài thứ để không nói rất nhiều chưa chịu ảnh hưởng của đồng tiền. Nếu tình bạn bè mua bằng tiền thì mày sẽ thấy rẻ hay mắc với óc con buôn quen ước lượng món hàng chờ đợi nào lại thấy lòng mày rung động! Sự thật này làm sao đánh đổ, phủ nhận nó được? Xa hẳn một chút nữa, thử hỏi mày câu này liệu mày bỏ ra vài vạn bạc mà hưởng được cái vui thâm trầm của Lưu khi đọc được một quyển sách hay không? Liệu dùng cả gia tài để xin Trang chia cho mày một chút cảm hứng sôi nổi cho mày thành nghệ sĩ như nó có được không? Không à? Thế sao dám nói liều mạng có tiền mua tiên cũng được...” (56)
Người sẵn định kiến, nhất là bọn tư sản mại bản, Hữu dù coi đồng tiền là quý nhất; thì không dễ gì lá thư Ngọc dù rất hay cũng khó có thể cải tạo suy tưởng một khi đã thành hành động, là con buôn, con mọt sách, phong kiến, bọn phóng đãng nhìn nhận hình ảnh chiến sĩ cách mệnh là lý tưởng.
... “Giữa lúc mục đích tối thượng của mọi thằng là ô tô, nhà lầu, thằng Phương lại đi kêu gọi thiên hạ hy sinh để làm cái việc mà bước cuối cùng chắc chắn là xà lim ở Côn Lôn, tao hỏi mày còn ma nào chịu theo nữa?. Việc làm của nó là một sự vô nghĩa mù quáng, hy sinh tầm bậy vô ích. Thời trời chiều lòng người chưa có, một ngàn lần thằng Hương cũng không làm nên trò trống gì được...”
Thật đúng lý luận bọn mại bản. Làm cách mệnh với họ tìm đường sung sướng, nằm dưới gốc chờ sung rụng. Chưa có thời, chưa làm, có cơ hội đầu cơ buôn bán là lao vào. Trục lợi thấy gì lợi trước mắt là lao đầu vào. Bạn mình có em gái đẹp, năng thăm lợi dụng cơ hội, đó là óc con buôn. Và Ngọc thì nhớ đến Phương. Tất nhiên phong độ, cốt cách người cách mệnh là lý tưởng, xã hội tiến lên hay lùi do công lao lớp người ấy.
... “Không bao giờ tôi quên được mấy câu trong thư viết cho anh Ngọc: Chiến sĩ là những người đan len cách mạng rút ruột tâm, kết áo ngự hàn cho dân tộc. Họ đành mãi đan thật nhiều để rồi ngày đông đến, riêng phần mình vẫn mang chiếc áo cũ bạc màu. Bao nhiêu hy sinh để rồi phải nói một câu chua xót. Nhưng Phương ơi! Xin anh đừng lo ngại. Đời có thể quên anh nhưng nhất định anh sẽ sống mãi trong lòng em. Và lúc nào em cũng hy vọng một ngày kia. Hy vọng một ngày kia...”
Người làm cách mệnh phải hy sinh tình yêu, quyền lợi cá nhân, phục vụ đất nước. Hy sinh quyền lợi đến mức tưởng rằng vật chất không đáng kể, giữ vững lý tưởng đã nối. Quần áo rách không biết, phải đi nhờ khâu vá lúc cần. Thu thương xót tình người:
... “ Quần áo rách đến nỗi phải đi nhờ người khâu vá, Phương ơi! Tại sao em không được sống bên cạnh anh để có dịp trổ hết tài nội trợ mang lại cho đời anh đôi chút êm ấm giúp anh quên bao nhiêu lao khổ nhọc nhằn. Hân hạnh thay cho người đàn bà nào đã được cái diễm phúc dâng đời mình cho chiến sĩ ...” Thu không nghĩ rằng không thể lấy được Phương đâu? Nhưng hoàn cảnh phải làm vợ Hữu. Nhưng với Hữu, hiện thân sa đọa thường trực. Bọn tư sản mại bản thối nát lúc cùng làm Câu Tiễn. Lập trường tư sản mại bản, gió chiều nào che chiều ấy, lợi trước mắt quan trọng hơn. Sự thay đổi thái độ Hữu về quê thăm Ngọc, bởi Ngọc có em gái đẹp. Và sự khinh miệt nông dân bắt đầu thay đổi:
... “Phần lớn người mình, nhất là nông dân hiền lương an phận thủ thường ở thôn quê đồng ruộng lúc nào cũng còn giữ được những đức tính cần kiệm liêm sỉ cố hữu của tổ tiên ta ngày trước. Sống gần Ngọc, tao mới hiểu được tại sao tá điền của tao, từ trước đến giờ, lúc nào cũng gian dối tham lam ương ngạnh và nịnh hót. Tao đã hiểu lầm mà khinh miệt họ, đã ỷ vào tiền của, vào quyền thế mà ăn ở cạn tàu ráo máng với họ nhiều quá rồi”...
Là bọn khuynh tả, khuynh hữu, như đứt giây trên trời rơi xuống. Sự hối hận, giác ngộ không là hối hận. Nếu Hữu giác ngộ chỉ cốt lấy lòng Ngọc, cô em gái đẹp quyến rũ, mà yêu nông dân, điều ấy có, nhưng mỏng manh lắm:
“... Chỉ một câu chuyện nhỏ nhặt này cũng đủ thấy tao đã sống xa người nghèo hơn Ngọc. Hôm mới đến vừa thắng (57) xe trước cửa rào Ngọc còn chờ người ra mở cửa cho xe vào thì trẻ con lối xóm bu lại coi đặc nghẹt, rờ rẫm chiếc xe thiếu điều sạch bụi. Một thằng bé sơ mi vải ta quần cụt đến thoa cánh cửa xe rồi, quay lại nói với con chị “ông này giàu hơn cậu Hai với cô Ba mình nhiều lắm phải không chị”. Con chị lườm một cái “Sao mày biết”. Thằng bé nghinh nghinh ra vẻ hiểu biết. Không giàu lớn sao người ta lại có xe “Tắc xông” (58) còn cậu Hai mình không có. Cậu Hai không có xe là tại không muốn mua chớ bộ nghèo hơn người ta sao? Một chục cái bây giờ cô Ba cũng mua nổi nữa là một cái”. Thằng bé em cãi lý “Mua nổi sao không mua chạy cho sướng đít để đạp xe máy cót két in xe bò...”.
Hữu chịu tang chết xong, số bà con không thân thuộc đến viếng, khóc lóc cháu vợ khóc chú dượng vì thấy gia đình Hữu giàu. Hữu phải mở két chi nhiều tờ giấy năm trăm, sót của, Hữu chán ghét đồng tiền. Nhưng đây không là thực chất kẻ dùng tiền làm phương tiện:
... “Muốn lên Ngọc nằm ít lâu nhưng lúc này Ngọc nhiều việc phải làm, lên nằm làm mất cả thời giờ quý báu của Ngọc đi. Bây giờ thấy đời sống như thằng Phương, thằng Trang là tuyệt thú. Có một cái gì để theo đuổi, theo cho say mê cuồng nhiệt, theo cho quên tất cả bao nhiêu cái nhỏ nhen hèn mọn của con người. Thoát ly khỏi vũng bùn nhơ nhớp của tiền bạc và vật dục, đó là điều khao khát vô cùng của Hữu trong những ngày buồn nản say mê này...”
Phương, Trang, từ chối hôm nay, dầu người cách mệnh, nhà văn, phải đâu không biết vợ đẹp, thích con khôn, phải đâu họ ít tình cảm ? Họ còn hơn người thường nữa, dễ rung cảm bén nhạy. Nhưng không ngồi bó gối trong khi xã hội thối nát, thống trị thực dân, độc tài xu nịnh, theo phường xâm lược (ngồi mát ăn bát vàng). Phương lưu lạc hoạt động ở Lào, Lưu trong nước, dò xét tình thế mà Hữu mại bản chỉ tưởng họ chán đời đi tu. Kể lại cho Ngọc nghe sinh hoạt văn minh cổ truyền nước Lào, Phương viết:
“... Âm nhạc Lào theo Phương thì tuyệt. Khène là một cây sậy làm bằng những ống trúc lớn nhỏ dài ngắn khác nhau, khép chúng lại thành hình dáng na ná như cây súng. Tiếng khène có một sức mạnh diễn tả vô cùng khi nó buồn buồn như rừng núi, lúc nó lại véo von vui say như một cuộc tình duyên chớm nở. Nó rất khó thổi, phải nhiều năm luyện tập mới thành nghề được, nên ngày nay không mấy người, thanh niên biết chơi và chơi hay. Thỉnh thoảng mới gặp được vài người thổi hay mà hầu hết là các ông già đã có một thời niên thiếu oanh liệt trong tình trường. Nhiều khi đêm nằm không ngủ được thốt nghe tiếng khène trổi dậy trong vắng lặng của rừng khuya Phương thấy buồn dai dẳng không thôi. Một hai khi như mê ly vì đã gửi trọn hồn mình vào trong giọng khène người nghệ sĩ vô danh nào đó; quên cả trời khuya, sương lạnh, kéo dài khúc nhạc mãi cho đến khi gà gáy sáng làm mình phải thức theo cái buồn trong lòng lại thấy vương thêm phần năng nặng...”
Đàn hay, gái đẹp, không đâu bằng đất Lào? Nền văn minh xứ này minh chứng bằng tiếng khèn và nét duyên dáng hiền lành thục nữ, khi chiều về trên sông Cửu Long, nhìn sương tản mạn, và bên kia là đất Thái Lan. Nhiều bài hát nên thơ của “phù sao” (con gái) đi “tắc nặm” (59) (gánh nước), bao nhiêu vẻ nhìn trìu mến khách phương xa... Phương của Phạm Thái ghi được nếp sống người trai cô gái xứ Lào thật đặc sắc.
“... Ái tình với họ không chỉ là nhục dục. Nó là một cảm thông quý hòa lẫn với khoái lạc, một cái gì vừa thần tiên vừa tục lụy mà tạo hóa dành riêng cho con người, chưa bị văn minh vật chất làm hư hỏng. Cô gái Lào yêu không tính toán, yêu không nghi kỵ. Không nghĩ đến ngày mai, yêu để yêu, yêu vì yêu, luôn luôn hoàn toàn tin tưởng ở người yêu đã tiếp đón mình. Mấy năm gần đây sở dĩ có một vài điều thay đổi là vì nhiều người lên trên này theo gương xấu làm cho người Lào đâm ra nghi kỵ giữ gìn hơn trước. Mặc dầu vậy, thằng bạn của Phương vẫn quả quyết rằng thằng nào lên đây một tuần lễ mà không có nhân tình thì chỉ còn nước là bầm ra làm mồi cho cá...”
Người chiến sĩ cách mệnh không khác nhà văn cách mệnh, là những người đồng hành thân cận bên nhau. Đây là bệnh đồng thanh tương ứng Trang và Phương:
“... Thì ra chỉ có sự hy sinh của những thằng chiến sĩ như mày mới hoàn toàn cao quý và ý nghĩa vì nó không hề tơ vương, ích kỷ, không bao giờ hóa thành khô khan và vô bổ được. Người ta có thể thành nghệ sĩ vì bản tính thiên nhiên, vì tình yêu, vì tự ái, vì bị đời khinh bạc. Người ta thường đi tu vì bị thất vọng lớn, không đủ nghị lực gánh chịu phần đau khổ của kiếp người. Nghệ sĩ như kẻ thu hành đã chọn con đường nghệ thuật vào đạo lý để tìm chốn dung thân. Riêng người chiến sĩ lấy dân tộc làm lẽ sống, lấy cách mạng làm nguồn vui, chiến sĩ đã can đảm, nhìn vào sự thật, nhận lấy thử thách, tình nguyện hiến thân mình làm chất phân vun bón đóa hoa sinh tồn cho nòi giống. Lặn lội nơi rừng sâu, núi thẳm, tàn phế... mòn mỏi... phơi xương nơi hoang đảo chiến sĩ có bao giờ đòi hỏi chút gì bù lại đâu. Họ chỉ thấy mình cần phải làm bổn phận. Làm bổn phận, để rồi quay cuồng trong kiếp sống chật vật hàng ngày, nhiều khi vô tình, dân tộc lại quên dành cho họ một chỗ sống trong lòng mình...”.
Một Scipion giúp dân thoát ách dày xéo của Annibal rồi lưu lạc nơi đất người đến vong mạng, phút lâm chung thốt “Ingrate patrie, tu n’auras pas mes os” (60). Phạm Thái định nghĩa vai trò chiến sĩ cách mạng ô danh rất đúng. Cho đến khi Hữu xin ăn hỏi Thu, Ngọc dò hỏi ý kiến Lưu, Trang, Lưu cho Thu đã lớn cần để nàng tự do lựa chọn. Trang cho là thiếu xứng đôi vừa lứa. Hơn nữa Phương và Thu đã yêu nhau. Còn Ngọc không muốn Phương bận tâm lỡ dở trên đường cách mạng quay lại với tình yêu nên quyết định để Thu lấy Hữu. Ngọc gửi thiếp cưới báo tin Phương (nhờ Lưu chuyển), Lưu cũng giấu nhẹm Phương, mãi sau này Lưu viết cho Phương có những đoạn vô cùng tha thiết:
“... Giờ đây, kết luận, tôi muốn mượn mấy câu thơ của thằng Trang để nhắc Phương nhớ rằng chúng ta còn nhiều việc phải nghĩ đến làm hơn là ngồi ôn lại những nỗi đau buồn cũ vì:

(.….)
Nhưng éo le thay anh chót sinh
Một thời mưa gió, rộn quanh mình
Nên anh không thể trong bình thản
Thong thả ngồi yên chuốc rượu tình

Tuy biết bên mình có kẻ yêu
Song tình non nước nặng hơn nhiều
Anh đành dứt áo đi theo tiếng
Nhạc ngựa vừa reo với gió chiều...

Trong mộng mới tìm được một tình yêu muôn thuở, nói như E.Rostand; hẳn rằng đúng tâm trạng Phương. Còn Hữu, tâm trạng đại diện mại bản chơi hoa lại bẻ cành như chơi; đối xử với vợ tàn bạo đến nỗi cô gái đẹp ấy chỉ biết than với Trời, gọi Phương trong câm lặng, im lặng ghi vào nhật ký, gửi thư trút niềm ẩn ức cho anh trai chia xẻ:
“... Ngày nay em không còn phải giấu giếm, nhất là giấu anh. Lòng em đối với Phương như thế nào, anh còn lạ gì nữa! Ngày Phương từ giã anh để đi xa đưa thư Phương cho em đọc lúc ấy có lẽ anh đã hiểu em lắm rồi. Nhắc đến Phương cho em không có gì trách móc má với anh đâu, anh đừng nghĩ ngợi gì đến việc ấy. Má và anh đã tin tưởng rằng cho em về ở với Hữu là xây dựng cho em một cuộc đời vững chắc, nhưng chuyện bất thành chẳng qua là số mệnh. Em nhắc đến Phương là muốn cho anh nhận thấy biết nỗi đau buồn của em may ra anh có cách gì giúp em không, thế thôi. Đời bạc phước không được làm vợ Phương. Em muốn suốt đời tôn thờ kỷ niệm của anh ấy trong tâm khảm. Nhưng nay kỷ niệm ấy đã bị Hữu giày đạp một cách phũ phàng bóp chết nguồn an ủi cuối cùng của đời em, thật em không còn gì để sống nữa... Đúng như lời em đoán hôm nọ, Hữu bỏ đi không phải là để chấm dứt câu chuyện. Chiều hôm kia anh ta trở về, chở theo trên xe bạn bè ăn chơi, toàn hạng mèo đàn chó điếm. Về đây họ bày ra ăn nhậu, hút sách; và cờ bạc tại nhà. Dư anh hiểu anh ta cố ý khêu gan mình, em âm thầm bỏ lên phòng nằm để mặc cho bọn họ ăn uống, say sưa hò hét, nói tục. Hy vọng chọc tức cho em gây gổ, để kiếm cớ làm dữ, mà thấy em nhịn nhục Hữu liền xoay cách khác. Nửa đêm mưa gió rầm rầm anh ta cho đầy tớ lên kêu giật ngược em dậy bắt nấu cháo gà đãi khách. Em tức quá nhưng nghĩ bây giờ có cưỡng lại cũng vô ích đành thức dậy dầm mưa đi bắt gà làm thịt. Cháo chín, em dọn mâm bưng lên, sắp đặt đãi cháo cho mọi người không dám tỏ chút gì là bất bình. Hữu bất thình lình đánh em một cái bạt tai rồi chửi “Đồ đàn bà hư”. Không sao nhịn được nữa em đứng dậy nghiêm nghị trả lời “Dầu sao cũng là vợ chồng anh không nên tàn nhẫn như thế”. Khách khứa của anh toàn là những người không xứng đáng mà anh bắt tôi phải phụng sự như thế, anh không sợ mang tiếng cho anh sao?”. Em chỉ nói được bao nhiêu là Hữu xộc tới đấm đá túi bụi, miệng chửi um xùm “Làm cao nè, mày trong sạch trinh tiết lắm sao mà dám khinh rẻ bạn bè tao? Đồ con nhà không có giáo dục”, thế là quá rồi. Em nói liều “Anh không bằng lòng thì chúng ta cứ ly dị nhau, cho tôi về với cha mẹ anh tìm vợ khác chớ anh chửi bới như vậy tội nghiệp má tôi lắm”... Tới bây giờ nhớ lại nét mặt hung ác của Hữu lúc ấy em thấy rợn người. Hữu hăm trả thù giết Phương…”
Thì chẳng cứ gì một Hữu tư sản mại bản trước giai cấp cách mệnh, bây giờ vẫn còn nhiều bọn như Hữu. Ở nước Nhật chẳng hạn, trong phim, ở vai Phú Sơn sỉ nhục Kim Chi bao nhiêu thì Hữu sỉ nhục Thu như thế. Sự có mặt Hữu trong phim cách ba năm sau hẳn vẫn giống nhau ở tư cách bọn phá sản mại bản khắp trên thế giới là vậy. Phương viết thư và để địa chỉ Ngọc, mật thám biết tông tích; chẳng bao lâu khi Phương trốn về Thất Sơn bị Hữu tố cáo. Phương bị bắt. Phạm Thái cho biết thêm kinh nghiệm làm cách mệnh nên lưu ý đàn bà vẫn là lợi khí nguy hiểm. Người cách mệnh quên tình yêu chỉ là cách tự diệt bản năng thiên nhiên, khi bùng dậy nồng nàn mạnh hơn lý trí. Vào khám, Lưu và Phương vẫn hiên ngang; người cách mệnh chẳng sợ ngục tù, họ dám hy sinh thân mình cho lý tưởng:
“... Đừng có buồn, có gì đâu mà phải buồn! Đời chiến sĩ phải đi đến chỗ này, chúng ta đã biết chắc như vậy từ lâu rồi cơ mà...?”
Biến chuyển chính trị thay đổi. 1945 tư sản mại bản phá sản. Hữu trở thành chính trị viên gương mẫu, hối hận này rất thực: Nhưng phải trả bằng cái chết liều thân ở mặt trận. Hữu đã giết hai nhà cách mệnh: Lưu và Phương, cả hai thắt cổ tự tử trong nhà lao Sài Gòn. Hữu lại còn thêm một tội nữa, hối hận Thu và Ngọc. Phản ứng tâm lý; lý tưởng Thu khác Hữu. Hữu là người phe khác; còn Thu, Ngọc, Lưu, Phương chiến sĩ yêu nước:
“... Đọc thư của Hữu dù là thư của Hữu người kháng chiến phe khác em cũng thấy mình có tội với linh hồn của Phương rất nhiều. Em không thể nào tin tưởng lời nói của Hữu được. Một người vì một việc vật chất nhỏ nhen đã đang tâm, giết bạn và xử tệ với vợ thì ai dám tin rằng người ấy có thể trở thành người được?. Hơn nữa, qua lời nói của Hữu em chỉ chắc rằng hiện nay anh ấy đã đi một con đường trái ngược hẳn với lý tưởng của chúng ta. Hoàn toàn tin tưởng ở vật chất, phủ nhận sự hiện hữu của linh hồn mà Hữu lại nói chuyện tình cảm thành thật làm sao được mà em dám tin. Đành rằng cuộc cách mạng này đã mở mắt cho nhiều người thật nhưng anh phải nhìn nhận với em rằng, ở đời có nhiều trường hợp, dầu người làm nên tội có hy sinh tính mạng đi nữa cũng không chuộc được lỗi lầm. Và em cho đó là trường hợp của Hữu vậy... Hữu đã hy sinh để kháng chiến. Đó là một việc phải, nhưng đó không phải là một công trạng to tát có thể cho phép Hữu tự hào. Kháng chiến là bổn phận thiêng liêng của tất cả mọi người con dân đất Việt, làm bổn phận mà tự hào sao được! Theo em, người chiến sĩ kháng chiến chỉ có giá trị khi nào họ nhận định được cái tai hại của đường lối chính trị đệ tam quốc tế đối với nền độc lập của dân tộc, can đảm từ bỏ kháng chiến để trở về tiếp tục cuộc đấu tranh trên lập trường vững chắc thích hợp hơn: lập trường của chúng ta. Sự ly khai hẳn rằng đang bị đồng bào hiểu lầm và phỉ nhổ; người dám ly khai mới xứng danh là chiến hữu...”
Phạm Thái biết nhận định rõ, phân hóa giữa Kháng chiến và Quốc gia. Sự chiến đấu, bổn phận chiến sĩ, Phạm Thái không úp mở, góp công xây dựng chủ nghĩa Quốc gia. Nhân, chiến sĩ báo tin Hữu chết trong hối hận, vì hiểu không phải hy sinh cái chết vinh dự mà chính lương tâm buộc phải tự tử:
“... Người anh hùng ấy cho rằng chết vì lý do hèn và mang nỗi ân hận ấy trong lòng cho đến phút cuối cùng. Tuy nhiên, cho đến lúc nhắm mắt anh vẫn còn căn dặn tôi chuyển đạt đến chị lòng mến phục của anh đối với sự cương quyết của chị”

3 Kết luận.

Phạm Thái tạo được địa vị nhà văn viết tiểu thuyết luận đề có giá trị chiếm giải khôi nguyên, Truyện Năm Người Thanh Niên, nhà văn quê hương miền Nam ghi mốc cho giai đoạn cực thịnh của văn học hậu chiến, và cuốn này được Giải thưởng Khuyến học Nam Kỳ từ thập niên 40.


Tiết 6

VŨ KHẮC KHOAN (1917 – 1986)

Tiểu sử.

Vũ Khắc Khoan sinh 1917 ở Hà Nội (62). Di cư vào Nam năm 1954. Dạy học và viết kịch, đứng trong nhóm Quan Điểm : Nguyễn Đức Quỳnh, Mặc Đỗ, Lê Quang Luật, Nghiêm Xuân Hồng Tạ Văn Nho, Vương Văn Quảng... Trước năm 1954, viết cho Tạp chí Phổ Thông (Hà Nội), cơ quan nhóm sinh viên trường Luật. Ban đầu ông nghiên cứu về kịch, sau đạo diễn kịch vở Tiếng Trống Hà Hồi ở Hà Nội thập niên 50.

Khuynh hướng:

Vũ Khắc Khoan sáng tác kịch: Thằng Cuội, Giao Thừa, đạo diễn kịch ban Sông Hồng Kịch Xã. Nhưng ở Giao Thừa cũng như Thằng Cuội chưa tạo cho ông địa vị kịch vững chắc. Quay sang ngành văn, truyện luận đề Thần Tháp Rùa, Ba Người Bạn Nhập Thiên Thai, ông là nhà văn đặc sắc. Thần Tháp Rùa đăng trên báo Xuân Tự Do, phản ánh cảm nghĩ tâm trạng bất định khi ông mới đặt chân tới miền Nam vào giai đoạn di cư 1954. Tiêu cực trước hoàn cảnh dẫn đến sự chán chường trở về dĩ vãng, thể hiện qua nhân vật Đỗ. Hai năm sau, Vũ Khắc Khoan cho đăng truyện Nhập Thiên Thai với hình thức kể chuyện (trong Tuyển Tập Thi Văn Đất Đứng). Mượn điển tích Lưu Nguyễn để nói lên đề tài Quốc Cộng sát cánh tranh đấu chống xâm lăng. Nếu Lưu Nguyễn như trong phiên tòa mà Vũ Khắc Khoan kể lại, sau khi chán cảnh thần tiên, trở về quê hương quá muộn tới sáu trăm năm, nên Nguyễn ôm mặt khóc, Lưu cũng vậy, khóc vì không thể sống cùng tiên nữ, họ không phải là sự người, tình người không có trong khi cái tôi kể lại trong truyện Vũ Khắc Khoan, so sánh đúng cái tôi tác giả trong truyện, cái tôi đại diện số lớn trí thức muốn sống đúng với thiên chức làm người; biết khóc, biết cười, biết rung cảm mãnh liệt, cuối cùng đành từ giã Tiên nữ trở về với loài người. Người có ý thức hệ toàn diện không thể vắng mặt 600 năm như Lưu Nguyễn, không có tình yêu thương yêu của loài người. Diễn đạt tâm trạng mâu thuẫn con người máy móc là chủ ý tác giả. Vũ Khắc Khoan cho hai nhân vật Lưu, Nguyễn lồng hình tượng cong, uốn nắn theo luận đề, người quốc gia thối nát song còn có phương cứu chữa tiến bộ. Mưu đồ ấy được ông diễn tả lại:
“... Cũng may là lũ lính gác ở đây biết là tôi hay kể truyện mua vui cho anh em. Anh cũng nhận thấy điều ấy? Chắc vì thế cho nên anh mới nghĩ ra cả cái kế hoạch này. Kể cũng may cho anh đấy, vì theo thường lệ ở mỗi trại giam, khi đã ngủ có bao giờ được phép tụm năm tụm ba đâu? Anh không biết à? Anh bị lần đầu?... Tôi... thì... không phải lần đầu. Lần này chính cá anh đã giam tôi. Ở đây, thế rồi Pháp nhảy dù. Và tôi vẫn tiếp tục bị giam. À nó ngờ. Còn đợi lệnh Hà Nội...”.
Phủ nhận quá vãng, bao biện là tiến bộ, đây thái độ con người có tim muốn sống đúng thiên chức làm người. Vũ Khắc Khoan nhắc lại:
“... Trăng võng rượu khiến đêm mờ chuếnh choáng vậy mà hỡi ôi không hiểu trong cái thiên đường lý tưởng của các anh, con người có còn biết ngắm trăng không nhỉ? No và ấm? Những con đường? Cái mà các anh đã liệt vào loại kẻ thù số một, trên cả địa cầu cường hào, thực dân phong kiến. Cái nó làm cho chúng ta xưng danh là những con người. Con người với đúng nghĩa của nó nghĩa là con ngươi toàn diện. Một thiên đường danh từ đẹp đẽ thay và cũng quyến rũ thay! Anh đã đọc Anatole France chưa? Thế ra anh cũng đã đọc những loại sách đó. Anh bạn trẻ ơi, anh có biết là tôi bắt đầu mê anh rồi không? Anh cho Anatole France hoài nghi và tiêu cực. Ý kiến của anh không làm tôi ngạc nhiên, thật ra nhắc tới Anatole France chỉ vì nói đến Thiên đường. Cũng như Lưu Thần Nguyễn Triệu...”.
So sánh người không tình cảm chủ nhân cõi Thiên Thai mà Lưu Thân Nguyễn Triệu đến thăm: âm dương đối diện tất sinh tình, Vậy chỉ xin diệt chữ tình. Đoạn văn rất linh động có tác dụng cao, hãy nghe:
“… Cũng như Lưu Nguyễn, ai quên mất căn tương đối của kiếp làm người mà tìm nguồn tuyệt đối, thì giữa cái thế gọng kìm tư bản vô sản, anh cũng đã quên hẳn cái thế của chính anh, của tất cả những người như anh như tôi, cái thế của chúng tôi. Nghĩa là cái thế của những con người tuy không nhất định không là vô sản...
Anh đã nhập Thiên Thai. Thật cũng may mà anh bị bắt. Nếu không thì, chính anh, một ngày kia, cũng phải bắt buộc bỏ cái Thiên Thai của anh. Ê! đừng cáu, người ta nói truyện tử tế. Sử sách còn ghi lại đó. Từ Thức bỏ Thiên Thai và Lưu, và Nguyễn tất nhiên cũng thế...”.
Ông đề cao người tiểu tư sản trong truyện, ý không muốn nói trắng ra vậy. Người theo ông phải toàn diện, độc lập, biết sử dụng tình cảm, hòa đồng quyền lợi cá nhân xã hội, có thế quân bình trên hai phương diện: vật chất, tinh thần. Đoạn kết Nhập Thiên Thai hay đúng hơn từ giã thiên thai, để trở về sống cuộc đời người sống với người:
“... Vì tôi không Nhập Thiên Thai. Tôi xin ở lại. Tại sao? Bây giờ thì đến lượt anh chất vấn, tại sao? Vì tôi không muốn thành Tiên như Lưu và Nguyễn. Tôi không muốn vắng mặt của dòng tiến hóa. Và nhất là vì tôi cũng muốn yêu. Vì tôi là một người. Con người toàn diện, như anh thường nói. Tôi nhất định rồi. Anh gọi hộ tôi tên Lê Dương. Để làm gì à? Để sửa lại cái chấn song cho nó chắc chắn. Trong khi chờ đợi...”

Kết luận.

Viết truyện luận đề tư tưởng, của người tiểu tư sản; chống máy móc, chống thái quá, phải quân bình đúng mức của hai khối kết tinh. Trong Nhập Thiên Thai, Vũ Khắc Khoan thành công hơn vở kịch có tính cách chung chung khác. Văn ông rất cầu kỳ, trở thành gượng ép, dùng lối văn biền ngẫu như Ngọc Giao qua Cầu Sương hoặc Nguyễn Tuân ở Chùa Đàn. Nghệ thuật dẫn truyện tạo được sự say mê, thì điều này Vũ Khắc Khoan chưa đạt thật. Nhân vật suy tưởng nhiều hơn sống. Bàn đến nhà văn viết truyện chính trị luận đề có nghệ thuật diễn tả tư tưởng bằng thái độ, hình tượng mới chỉ có một Phạm Thái và một Linh Bảo.


Tiết 7

CHẤN PHONG

Tiểu sử.

Tên thật Đoàn Thanh. Sinh năm 1921 ở Gò Công. Học qua các trường Lê Bá Cang, Paul Doumer. Bắt đầu viết văn từ năm 1940. Trước 1945, viết cho các báo Công Luận; thời hậu chiến ông viết cho Tiếng miền Nam, Ngôn Luận. (Sài Gòn).

Tác phẩm chính:

Tác phẩm đầu tay xuất bản Rừng Địa Ngục (Quan Điểm, 1956) Ông còn viết truyện ngắn Mong chờ: (báo Quan Điểm, 20–4–1956) nhưng không đặc sắc bằng truyện dài Rừng Địa Ngục. Bắt đầu bằng chuyện công ty cao su miền Nam cử người về làng mộ phu. Buổi đầu đưa ra hứa hẹn ước mơ. Dân nghèo miền Bắc vào Nam đi đầu phu được tuyển mộ ngay. Trên chuyến tàu trở về Nam, người không cùng ở làng; cũng coi như trong gia đình. Một trong số gia đình ấy có thanh niên Ngô, và một gia đình có cô gái Cúc. Họ là những người bất đắc chí, thất cơ lỡ vận, bỏ quê hương ra đi tìm sống. Tới đồn điền cao su, bi kịch bắt đầu xảy đến. Pha đầu tiên, người không còn được gọi bằng tên thật, những con số như số lính đế quốc thực dân. Ngô lấy Cúc, con gái Lý Tân. Cúc thiếu nữ xinh xắn, đỏm dáng, nên những viên cai thèm muốn. Khi sự thèm muốn của kẻ có quyền đã tới độ, nào khác gì sự thèm muốn vị đế vương ở các nước phong kiến ngày xưa. Thèm muốn tất nhiên là phải được no thèm. Vì thế, dầu Cúc là vợ Ngô, nhưng còn là vợ tên cai đam mê nhục dục hãm hiếp. Sự hãm hiếp đến nỗi người dân ở đồn điền cho là thường như cơm bữa. Xếp Lân, tên khát máu ấy, lúc nào cũng ôm ấp Cúc trên tay và đe dọa bỏ tù chồng Cúc, nếu Ngô nhúc nhích lên tiếng. Cúc hối hận, Ngô căm thù. Rồi Ngô sát nhân. Tòa án bắt đầu xử. Ngô được trắng án do tiền chạy luật sư của Cúc bênh vực. Cuối cùng Cúc tự tử.
Ở góc thế giới này, thống trị bị thống trị hai phe rõ rệt; công nhân hay là bị thống trị là con vật thuộc quyền chủ đồn điền cao su. Ông được quyền bóc lột thặng dư giá trị, hưởng lợi nhiều gấp trăm lần nhân công. Đời sống công nhân ngang hàng súc vật biết nói. Tuy nhiên, ngoại trừ loại cho bẹc-giê còn sung sướng hơn người Việt Nam loại trung lưu. Phật ý ông chủ một chút, bị cắt hoặc mất lương, bị ngồi tù, ngồi khám, trăm phương khổ kế dày vò. Bao gốc cây cao su xanh tốt làm lợi cho đế quốc; nhưng chưa ai nói rằng là đất tốt làm lợi cho đế quốc Pháp, nhưng chư ai nói rằng là xương máu công nhân Việt Nam vun xới. Thảm kịch chưa ai nói đến, mặc dầu đời sống ấy có từ trước chiến tranh. Chấn Phong một trong những người đầu tiên thuật lại cuộc đời súc vật ấy trong Rừng Địa Ngục. Qua kỹ thuật viết, cách đạo diễn tâm lý nhân vật, phân đoạn tác giả, cốt truyện kể lại, xét trên bố cục toàn diện chưa đúng tinh thần đấu tranh. Khuyết điểm sau khi đã giải quyết xong xuôi, qua tinh thần đấu tranh của Cúc, tác giả kết luận theo kết cục Tố Tâm xưa, như lối Tuyết Hồng Lệ Sử đã làm. Thái độ ấy là để chuộc tội, Thực ra là sự bó buộc của nhà văn chịu ảnh hưởng nền luân lý phong kiến, lạc hậu. Chết không là hành động cứu vãn tội lỗi. Hối hận của Cúc do xã hội, hoàn cảnh như tác giả quan niệm tạo nên, kết thúc giải quyết bắt cá nhân chịu đựng thì khắt khe quá! Song Rừng Địa Ngục vẫn là cuốn tiểu thuyết độc nhất rất hay về loại truyện thời tranh đấu này. Cách viết tiểu thuyết, thắt nút, cởi, dàn tâm lý nhân vật, gây căm thù với phe thống trị đã đạt được ý muốn. Và cấu tạo những xen, trận đấu, biểu tình; tuy thực tế chưa xảy ra nhiều, song chủ quan định hướng tác giả đưa công nhân cao su muốn thấy quyền lực phải tranh đấu. Đó là thái độ tiến bộ của Chấn Phong.

Phân tích tác phẩm:

Tác giả ở miền Nam; sống nhiều ở miền Bắc. Tả Cúc, thôn nữ miền Bắc, Chấn Phong có nhận xét tế nhị, khác hẳn nhà văn ở cùng địa phương hiểu biết:
“... Cúc cười hồn nhiên, đôi mắt sáng ngời, long lanh giữa khuôn mặt trái soan dám màu nắng đồng Bắc Việt, hai má lúm đồng tiền lồ lộ theo nét cười duyên dáng và hàm răng đen nhúc, đều đặn như hạt na, phản với đôi môi hơi dầy do tươi vì nước trầu. Cúc đẹp như nụ tầm xuân trong cái tươi đang dậy thì và ở nàng còn thêm những nét thùy mị, kín đáo của hầu hết những cô thôn nữ miền Bắc ...”
Giữa trái và phải: già, trẻ, thương, khích bác; theo tác giả, chỉ là thái độ không chịu tìm hiểu nhau. Trước kia, bác Lý Tân cho bọn Ngô không làm nên trò trống gì, sấc láo, nên bác ghét cay ghét đắng, sau khi tìm hiểu đã thông cảm ngay trở thành thân. Tác giả có nhiều nhận xét tinh vi về nếp sống này:
“... Nhưng rồi, chung sống với nhau mấy ngày ở Sở Mộ, bác đã đổi ý. Bác nhận ra cái bọn thanh niên, vậy mà khá, biết kính lão đắc thọ, chẳng những họ lễ phép, họ còn kính nể bác như cha. Mấy bữa trước, bác còn cấm thằng cu Đào không được đến chơi với bọn Ngô. Bây giờ thì khác, mặc nó, để nó gần các anh ấy rồi các anh ấy dạy khôn cho nó. Cả cái Cúc nhà bác nữa, chẳng mấy lúc mà nó không nhắc tới Ngô, khi có mặt anh Ngô là y nó lúng ta lúng túng, trông đến buồn cười. Bác đã để ý, bác thừa biết con gái bác lớn lên mà gặp đứa đẹp trai biết ăn, biết nói như Ngô, nếu không khéo giữ thì hỏng mất. Tuy nhiên bác thấy Ngô đứng đắn và chưa có triệu chứng gì, nên bác tạm yên lòng...”
Tác giả tả mưu mô xảo quyệt độc ác của bọn cai với đôi vợ chồng cưới nhau chưa hôn thú. Đoạn văn dưới đây tác giả thành công trong pha đầu gây công phẫn:
“... Viên thư ký ngẩng đầu hỏi:
Mày có chồng con gì không?
Trương Văn An cất tiếng đáp thay vợ:
- Thưa thầy tôi ạ tôi là chồng ạ
- Á, chúng mày có giấy hôn thú chưa?
- Thưa thầy không, chúng tôi đã có treo cưới ở làng.
- Mặc xác, không có hôn thú, con Nguyễn Thị Mơ phải sang con gái mà ở, số của mày 11.818.
- Dạ, lạy thầy thương cho vợ chồng chúng con...
Tiếng khóc nổi lên, ấm ức trong hàng.
Viên thư ký gắt:
- Khóc nỗi gì? Có im đi không?
Đoạn y lạnh lùng điểm danh cho số những người còn lại...”
Tả tình yêu thương, cảm giác xúc động của thanh niên đồng quê: Ngô thái độ chất phac, thành thật:
“... Ngô tựa lưng vào gốc cao su, mắt đăm đăm nhìn khu nhà máy, nóng lòng chờ đợi. Anh đinh ninh rằng, nếu Cúc yêu anh thì với câu nói và cái liếc mắt ấy nhất định cô nàng sẽ kiếm cớ về với anh.
Tuy nghĩ thế, nhưng lòng anh vẫn bồn chồn lạ; anh không hiểu rằng Cú có can đảm ra về hay không. Mấy lần anh đã thối chí, vì đợi mãi không thấy Cúc đến, anh định về nhà nằm cho khỏe xác? Nhưng đi vài bước, anh trở lại đúng vào chỗ cũ cố đợi.
Độ nửa giờ sau, Cúc về thật. Ngô thoáng thấy bóng Cúc từ ở khu nhà máy đằng xa. Tim Ngô đập mạnh như muốn tung lồng ngực.
Cúc càng đến gần, Ngô càng hồi hộp dữ. Anh cắn răng sửa bộ làm ra bình tĩnh nhưng khi Cúc chỉ còn cách anh vài thước, thì anh run rẩy như người sốt rét. Chính anh cũng không dè anh nhát gan quá như vậy ... ”
Những thiếu nữ lọt vào Sở Cao su chỉ là vật sở hữu chủ, thầy cai. Một đêm bóp chết vài thiếu nữ trinh tiết, thiếu nữ khóa xuân thất bại, còn công lý nào can thiệp! Cường quyền công lý nằm trong tay một bọn người. Tác giả cho người đọc được đọc một bản kháng cáo chế độ bóc lột thặng dự giá trị :
“... Lão gác gian vào trước, lớn tiếng đánh thức mọi người dậy. Lão thư ký đến và oai vệ ra lệnh tất cả ngồi vào hàng cho hắn điểm. Hắn gọi số từng người cho có lệ rồi đứng lên bảo lão gác gian:
- Dắt bốn cô này lên nhà giấy cho ông xếp bảo...”
Đó là đoạn Cúc bị mở khóa xuân. Chủ khai thác bộ máy trinh tiết người thiếu nữ. Công phẫn, công phẫn đã rạo rực ở người đọc, tác giả ghi lại thú tính của người thống trị khi hành lạc:
“... Ông râu xồm đi thẳng tới cạnh Cúc, cười hề hề: Mùi rượu, hơi thở bay nồng nặc:
- Em, em này số mấy?
- Dạ, 11.820.
- Em vào trong này ông xếp hỏi việc.
Cúc đứng lên sợ sệt nhìn ba chị kia như muốn nói điều gì. Nhưng nàng thấy cả ba đều cúi gầm mặt, nàng buộc phải theo chân ông xếp vào buồng bên cạnh.
Ba người lại cũng được ba thầy tuần tự mời vào bàn riêng.
Các cửa buồng đều được đóng kín lại. Đèn vụt tắt. Bây giờ trong phòng chỉ còn nghe vài tiếng thất thanh, vài tiếng đồ vật rơi lốp bốp, tiếng ằng ặc của người quật ngã rồi im bặt...”
Qua phút giông tố cuộc đời đêm nọ, khi xếp giày vò về đêm; thì ban ngày, tên khác gan dạ lại giày vò trêu chọc. Chấn Phong giới thiệu người đọc một pha nét về sự trắng trợn này rất đặc sắc:
“... Thình lình anh 85 phía sau gốc cao su bước tới ngồi đại xuống cạnh Cúc cười nhăn nhó. Hắn đưa tay vỗ mạnh vai Cúc, cười nhăn nhó. Hắn đưa tay vỗ mạnh vai Cúc, hỏi một câu trắng trợn:
- Nào chị 20 có bằng lòng lấy tớ không thì bảo?
Cúc giận, đỏ mặt, nhưng biết tên 85 là tay cừ khôi, nàng phải đấu dịu để khỏi mất lòng hắn: - Bác đừng nói chơi thế, tôi là gái có chồng.
- Có chồng mặc kệ có chồng, bằng lòng lấy tớ, tớ bồng về ngay...”
Thái độ trêu chọc ban ngày ấy, đi đến:
“... Đang vui, bỗng dưng có người đập cửa. Rồi thì bác cai 98 tự nhiên xô cửa chững chạc bước vào. Theo sau bác là tên 85 với một người nữa, lễ mễ bưng hai chiếc mâm thau phủ vải kín.
Bác Lý Tân hốc mồm nhìn ba người khách lạ. Bác đang ngơ ngác chưa biết đối xử thế nào thì cai 98 đã bước tới trước mặt bác, nói trịnh trọng:
- Thưa bác nhà, anh 85 có nhờ chúng tôi nói với bác để xin cưới chị hai mươi. Vậy hôm nay chúng tôi mang lễ đến xin ra mắt bác.
Bác Lý Tân cho là một việc hết sức quái dị. Bác đưa mắt nhìn ông giáo, nhìn Thành như ngầm hỏi ý kiến. Nhưng hai người lại cúi đầu làm thinh. Bối rối quá, bác quay lại nói ấp a, ấp úng:
- Thế, nhưng... con tôi đã có chồng.
Ngô giận tái mặt, bật đứng lên quắc mắt hỏi gằn từng tiếng:
- Ở đây dễ chừng người ta có quyền cưới gả gái có chồng? Chị hai mươi là vợ tôi, các ông biết không? Cai 98 khoát tay lia lịa:
- Cái ấy là việc riêng của các bác, rồi các bác sẽ tính sau. Anh 85 đâu, mang lễ vào đây nào...?”
Qua được tay 85, 98; bông hoa trong không thoát khỏi lưới nhện giăng khắp vườn địa ngục. Cai 98 không thắng được, y đành đưa mồi ngon ấy cho xếp Lân, qua đòn ác nghiệt. Chấn Phong chuyển đoạn rất khéo, phơi bày hành động bọn lưu manh tư sản mại bản:
“... Cai 90 đứng lên đến cạnh xếp Lân nói nho nhỏ như sợ có người nghe trộm:
- Xếp nên gọi con Hai mươi đến làm việc trong nhà cho xếp để cho nó khỏi ra lô... Con bé khéo tay, khéo chân, chắc xếp vừa lòng ... Thằng 85 biết con bé làm việc với xếp thì đời nào nó dám nhất cữ lưỡng tiện, xếp có người làm mà lại được tiếng là đã hứa thì hết lòng giúp.
- Chú thật là được việc”
để rồi có đêm Cúc thêm lần nữa bước vào sóng gió. Và chuyện bị hiếp là thường như cơm bữa:
“... Ông xếp vẫn ngồi hút phì phà. Ông ngắm vóc hình thon thon, hai bàn tay xinh đẹp của Cúc rồi ông nhếch mép cười gian ác. Ông ta lẩm bẩm một mình:
- Con bé xinh thế, thảo nào thằng 85...
Bỗng ông như bị điện giật, đứng phắt dậy đi nhanh vào phòng ngủ.
Một chốc, ông quay ra tay cầm một hộp xà phòng thơm và lớn tiếng gọi Cúc:
- Hai mươi, bỏ đấy vào tôi bảo cái đã.
Cúc nhanh nhảu chạy vào:
- Ông xếp gọi con?
Xếp Lân trao cho Cúc hộp xà phòng và nói gọn gàng:
- Cô ra rửa mặt mũi, tay chân sạch sẽ rồi vào đây...
- Lạy ông cho con ra, con sợ quá ông ơi!
Lửa dục lên tận cổ, xếp Lân nhảy phóc lên nắm chặt tay Cúc nói hổn hển:
- Vào ông bảo một tí thôi, rồi ông cho nhiều tiền đi...
Cúc bíu tay vào bệ cửa, khóc rưng rưng:
- Tội nghiệp chồng con ông ơi! Thân con dơ dáy có ra gì...?
Tác giả nhận định đúng, xác hợp hình tượng sống thời đương đại: con người sản phẩm do hoàn cảnh tạo nên. Người như 85, phải đâu không tình gia đình? Nhưng bị hoàn cảnh xã hội bạc đãi, thì 85 có bạc đãi nào có nghĩa gì? xã hội vay vay, trả trả; đó là hoàn cảnh xã hội tạo nên:
“... Như trường hợp anh phu 85 chẳng hạn. Hắn trước kia là người hiền lành như bụt. Hắn còn một người mẹ già ở xứ Bắc. Hắn những mong làm ăn chắt bóp ít lâu để ra một số tiền mang về nuôi mẹ già.
Ai ngờ, sống mãi trong cái xã hội thối nát này, càng ngày hắn càng hư hỏng, liều lĩnh, bạt mạng hơn tất cả mọi người...”
Sau Cúc chạy luật sư cho Ngô trắng án. Cuối cùng về nhà nàng tự tử.

Kết luận.

Chấn Phong viết tiểu thuyết hấp dẫn, nội dung truyện tranh đấu, bênh vực phe bị áp bức. Bố cục truyện, tình tiết, sắp đặt hệ thống. Tác phẩm lột được mặt trái đời sống phu đồn điền cao su trong Rừng Địa Ngục. Về mặt này, Chấn Phong, người đi tiên phong ở loại phóng sự tiểu thuyết xã hội. Kỹ thuật, đạo diễn tâm lý nhân vật có cá tính, chiều sâu. Ông là nhà văn nổi tiếng từ khi xuất bản Rừng Địa Ngục.


Tiết 8

HƯ CHU (1923 – 1973)

Tiểu sử.

Tên thật Nguyễn Kỳ Thụy. Sinh năm 1923 ở Nam Định. Tác giả Nam Hải Truyền Kỳ (1952, là cuốn sách đầu tay Thơ Nghiên Hoa Mộng (Nguyễn Hiến Lê xb 1955). Nam Hải Truyền Kỳ viết kiểu liêu trai Bồ Tùng Linh này không có gì đặc sắc. Văn nghiệp Hư Chu căn truyện cổ: Thơ Nghiên Hoa Mộng.

Phân tích tác phẩm:

Thơ Nghiên Hoa Mộng qua bốn thể văn: phiếm luận, tiểu thuyết, truyền kỳ, tùy bút. Gồm: Gã Nguyễn, Nàng Thơ, Cái Nghiên Mực, Nghiên Phong Lan, Lão Mỗ. Ông chia ra “thi ca phiếm luận”, truyền kỳ cổ thể hóa và mộng trung tùy bút. Trước hết nói đến Lão Mỗ, tả tâm trạng một ông già trong tương lai, hiện nay trai tráng, nghĩ ở sau này về truyện đời xảy ra hôm nay nhưng cho lui vào quá khứ. Sự kiện gì xảy ra, tác giả giới thiệu:
“... Thưa độc giả, tôi không học được cái thuật Thái Ất Thần toán của Tuyết Giang Phu Tử cho nên chẳng thể đoán biết những truyện trăm năm năm về sau và năm trăm năm về trước. Năm trăm năm về trước có những gì? Muốn biết tất cả tôi phải mở coi trong sử sách. Nhưng còn năm trăm năm về sau thì thành Hà Nội sẽ ra sao? Hồ Hoàn Kiếm có còn chăng? Đường Cổ Ngư vẫn thế mãi? Ồ tôi nào mà đoán nổi. Ngậm ngùi thay ...”
Thắc mắc tác giả là vậy. Lão Mỗ cuối thế kỷ hai mươi còn thắc mắc gì nữa, tác phong sống ra sao? Con người chúng ta giao thời giữa thế kỷ XX và XXI, giai đoạn gần cuối 2000 cữa ngõ năm 2001. Tác phong con người sống giữa lòng thế kỷ hôm nay, đồng thời pha trộn thêm vài nét như già nua, tóc bạc, chiều chiều đi thăm mộ, có cháu chắt, con rể, con gái, phương tiện sống tiến bộ cơ giới, mỗi gia đình có trực thăng xê chuyển (trang 87). Câu truyện chỉ có thế, và đây là dự tưởng:
“... Vậy ngày 3.9.1952 có một gã tôi ngồi ngẫm nghĩ cái sự bây giờ mà ngậm ngùi tủi buồn cho thân thế. Rồi lan man nghĩ đến tuổi già nua rồi càng tủi buồn hơn, rồi mơ màng nhập mộng và cầm bút viết rằng:...”
Cùng thưởng thức tiếp đoạn kết trong: Lão Mỗ về con rể, cháu ngoại ríu rít bên ngoại, có cảnh vui thú: “...“Hôm nay là ngày rằm tháng bảy. Ông không sang để ngâm thơ mà ông sang để ra đồng thăm mộ cụ hơn là ngâm thơ. Bởi vì thăm mộ cụ lâu hơn cho nên mới đến gần tối.
- Mộ cụ là ai cụ?
Con bé chị đưa mỏ:
- Mộ cụ là mộ cụ chứ là ai!
- Mà cụ tụi cháu chẳng thích. Sao ông chẳng ngâm thơ có thích nhiều không?
Con chị làm bộ người nhớn:
- Mày là đứa bất hiếu. Thăm mộ cụ thì phải thích hơn ngâm thơ mới không là đứa bất hiếu chứ.
- Đứa bất hiếu là đứa mốc gì? Có mày là đứa... đứa... mẹ bảo mày là đứa con giặc cái.
Con chị tức thì nằm hai bàn tay thỏi vào lưng chú em. Thằng em cũng liền nhoai vào níu lấy vai chị mà cắn. Lão Mỗ vội rẽ hai cháu ra mỗi bên:
- Con Nhã từ rày đừng đánh em, ông mách mẹ, đánh cho. Mà thằng cu xưa này cũng không được gọi bằng mày. Ông mách mẹ, mẹ đánh cho nữa. Nghe không chứ cu Đắc?
Con bé Nhã phụng phịu:
- Nhưng sao nó cứ bảo cháu là con giặc cái.
Thằng Đắc chế luôn:
- Ê ê, mày là con giặc cái má lúm đồng tiền!
Lão Mỗ khẽ cốc lên đầu thằng nhỏ:
- Tại nó nói hỗn vậy mới xún răng. Bao giờ nó không bảo vậy nữa thì nó không xún răng nữa.
Thằng Đắc chợt cười khinh khích:
- Cháu xún răng cũng như ông xún răng nhỉ!...
Đợi con rể, con gái về, Lão Mỗ thảo luận văn chương với người làm công trong nhà. Cô Hoàn thảo luận văn chương như một triết nhân. Sự kiện này hôm nay hiếm, đây là dự tưởng năm mươi năm sau, tác giả muốn rằng bất cứ người Việt Nam, dầu bận công việc gì không thể không hiểu biết lịch sử văn chương nước mình, phát nguyên sự thâm nhập văn chương (Interpénétration des littératures). Đó là ý mới của tác giả:
“... - Dạ vâng, trong bài trường thiên của thầy cháu có hai câu này ý nói rằng các việc nhường vị mới đây giữa hai ông tân cựu chủ tịch Hàn Lâm Viện chẳng thua gì ba chén rượu đời Đườøng Ngu, cô cháu nhất định không cho là đúng. Thế rồi thầy cô cháu cãi nhau suốt nửa buổi. Bên nào cũng tự hỏi lấy thắng, nói hay dở gì thì chờ thỉnh ý cụ sẽ biết...”.
Tác giả ao ước một tương lai văn hóa sáng lạn hẳn hoi như nước văn minh khác, có một Hàn Lâm Viện. Ông nhiều thiện ý cho rằng, hôm nay hy sinh đời, lăn lộn chật vật để ngày mai... nhìn thấy đất nước lớn mạnh hùng cường. Tiếp đến, Hư Chu xét mình, xét người, thâu thập kinh nghiệm sống, vấn đề cũng là then chốt, Schiller nặng nghiên cứu sách vở thiếu kinh nghiệm đời, cho nên Goethe hơn Schiller là ở đấy. Vì Goethe tổng hợp cả nghiên cứu và lao vào cuộc sống. Nhất là lớp trẻ trung muốn tiến bộ, phải được hưởng kinh nghiệm người đi trước, hòa hợp tinh hoa của họ, tạo cái mới. Nói như thế, tán đồng nhận định của ông về:
“... Cái hay nó vô cùng cô ạ. Chớ bao giờ nên tự thi phải luôn luôn nghĩ mình kém thì mới biết mà học hỏi được cái sở trường của người ta và người ta mới thèm vạch cho mình thấy cái sở đoản của mình. Ấy, chồng nó lại biết nghe người, biết phục thiện lắm. Mà thôi biết vậy cho nên trước kia mới chịu nhận làm rể. Anh Tích Lý không có thiên tài, nhưng được cái biết nghe, nghe những người nói mà lại nghe cả những người kém nữa.
- Thưa cụ...
- Khi người ta còn trẻ tuổi, người ta đều hiếu thắng. Chính tôi cũng thế. Hồi niên thiếu, gặp ai hơn mình tôi cũng chẳng thua gì mấy bậc đàn anh như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng. Nói về thơ thì tôi lại càng ngông quá quắt, tự nghĩ thơ mình sẽ làm mờ được cả tên tuổi bậc thượng tiền bối Tản Đà. Đã hay rằng có ghen tài mới tiến nhưng ghen sao cho mình tiến được, chứ ghen hậm ghen hực một cách mê muội thì chỉ là thái độ của kẻ ngu ngoan. Ấy mà cô, Tôi nói năng lẩm cẩm lắm đấy. Câu nào lầm lẫn thì cô khá bỏ, mà câu nào nghe được thì cô hãy nên nghe...”
Cách răn mình xử thế khiến người đọc nhớ đến triết lý văn minh Trung Quốc đối lập, cũng phải phân biệt được điểm ưu của họ, với đồng hành thân thuộc phải biết sở đoản. Cá tính Lão Mỗ quả thực còn chịu ảnh hưởng nhiều ở nếp sống Khổng Mạnh, vì tác giả sống như nho sĩ, dầu có vốn Tây học. Lão Mỗ của Hư Chu hiện thân tư tưởng tác giả, kể đến cả nghiệp. Và Hư Chu nghĩ gì về phê bình văn nghệ theo ông, nên chia kiểu phê bình quảng cáo chỉ là lối mặc cả giá kẻ thèm tiền, quyền lực. Rồi phê bình quảng cáo, vì quen thuộc, vì tiền tài, vì phe đảng:
“... Dạ có đó, có một lần bố cháu viết một bài về ông trong tờ Chương Dương tạp chí. Bố cháu viết nhân khi Cậu Tiểu Liêu đem in lại cuốn Thơ Nghiên Hoa Mộng...
“... Ừ việc ấy cậu mày đã thưa với ông rồi. Nhưng mẹ hát con khen hay, chàng rể nhắc đến bố vợ thì có gì đáng thích. Ông hỏi là ông hỏi về người ngoài kia chứ”.
Hư Chu dùng kinh nghiệm đời văn bản thân làm di chúc. Ông nêu lên vấn đề thái độ văn nghệ cần phải có, kinh nghiệm văn nghệ, bồi dưỡng người đến sau tiếp nối. Chẳng hạn, thấy người bạn nổi tiếng về thơ, lập tức bỏ ngành văn sang thơ; thấy bạn mình được dư luận khen biên khảo; lại bỏ sang biên khảo. Thái độ trông núi này cao hơn núi nọ, chẳng bao giờ thấy chân núi, làm sao tới được ngọn núi nào. Hư Chu kêu gào ai đến sau đừng nên sa vào hố:
“...- Ông bảo rằng ông tài mà chẳng có, tham lam nhiều thứ. Thấy người ta viết tiểu thuyết, thấy người ta viết kịch cũng viết kịch. Rồi thấy người ta viết đủ các lối cũng học đòi theo. Thành thử ba mươi lăm năm mài ngòi mà bút vẫn cùn. Vì không chuyên, ngón nào cũng vụng. Mà nay về già bị loại bỏ thì mới thật rõ ràng cái lòng tự đắc ở thiếu thời rất là đáng mai mỉa...”
Đoạn như quên hẳn rằng cháu mình mới mười mấy tuổi, chưa phải là một kẻ đã có thiên tính để bước vào làng văn tự, lão khuyên có thái độ là điều cần thiết để ứng phó: sử dụng. Rồi đến:
“... Con ạ Dũ học dũ ngu, ông khuyên con chớ nên vội khoe mình. Bao giờ con thôi nghề cầm bút, lúc ấy xem thiên hạ còn nhớ đến con chăng, con hãy nên mừng. Nếu con có thực tài, thì dầu có kiêu một chút, đời vẫn cười xòa mà tha thứ. Nhưng nếu con ngông ngáo mà lại tài hèn thì thật là một điều sỉ nhục. Hừm... Vậy hãy đợi khi về già có đáng kiêu thì hãy nên kiêu. Cái kiêu ấy dẫu cũng không khả ái song cũng khả kham. Hừm... hừ... hừ...
Nói đến đây, lão mệt ho sù sụ. Tuy nhiên, dường như say nói, vẫn tiếp:
“…- Mà muốn cho thành tài, con cũng nhớ đừng theo vết xe đổ của ông. Con thích lối văn nào thì chuyên một lối ấy. Đừng có ôm đồm tham lam để cốt tỏ ra mình là một tay lỗi lạc...”
Kết thúc, Hư Chu phơi bày ấp ủ nghề văn lần nữa. Kinh nghiệm văn chương, triết lý văn nghệ, nhân sinh trong đoạn dưới đây rất sâu sắc, Hư Chu là nhà văn tuy không có lối văn biền ngẫu, chau chuốt thường dùng diễn đạt truyện cổ; song độc đáo nội dung, văn phong giản dị:
“... – Ấy con ạ, vốn ông thích giàu có, chứ không phải là thích cái sự nghèo. Chỉ vì day tay mắm miệng mãi vẫn không giấu được, đành mới chịu nghèo túng mà thôi. Nhưng khi đã biết mình tất phải túng thiếu cả đời thì an phận lắm. Mà cũng đến lúc ấy ông mới thấy cái tiếng than khổ cũng có chỗ nên mong. Còn như trước, còn như lúc đang hao hức đồng tiền, ông tuy có viết mấy bài khoe khoang cái nghèo của ông cùng thiên hạ, ấy chỉ là ông đã ghen tức với những ai giầu. Hừ, cái bụng ông hồi đó nghĩ thật tầm thường, nghĩ thật là đáng bỉ...”
Thái độ chọn nghề đã nhận; dù nghề viết chẳng phải là nghề đủ nuôi thân, nhưng nghề này không phải ai muốn cũng được. Nói như Ngu Thuấn: Thơ chỉ là nói chí mình, âu cũng đúng vậy. Trong Thơ Nghiên Hoa Mộng, Hư Chu gửi gấm tâm tư, nho phong sĩ khí nếp sống của ông. Hư Chu đã chọn triết Đông cho đời ông, giải thích nghĩa đời qua hướng đó. Nói như Buffon: “Le style c’est l’homme” (văn là người) cũng đúng. Có tác phẩm, tác giả chỉ giả vào phần nhỏ, có khi tác giả dồn trút không hạn định, yêu chuộng đứa con tinh thần dồn hết năng lực, lý tưởng, ẩn ức. Thì ở đây trong bốn truyện của Hư Chu, mộng của mộng trung tùy bút là thực lòng nho sĩ Hư Chu vậy. Lão Mỗ kết thúc câu truyện vài phút cuối bỏ dở khi nghe tiếng máy bay, hai con đã về đến nhà ...
Giã Nguyễn Nàng Thơ, Hư Chu dùng thể phiếm luận bàn về văn học; phê phán truyện Kiều, nhấn mạnh có một điều cần là kỹ thuật. Cùng đọc:
“...- Cô nói, vậy thì chắc cô quan niệm rằng nếu không là thi sĩ, nếu chưa từng khổ công đẽo gọt thì không thể nào mà người ta nhận rõ được cái chân giá trị của một câu thơ?
Thiếu nữ liền đứng dậy, cặp mắt đong đưa và miệng cười chúm chím:
- Cũng chưa chắc gì đâu. Nhưng mà... có lẽ...”
Quan niệm nội dung kỹ thuật được bàn cãi sôi nổi đây phần quan yếu? Qua bao nhiêu chuyển biến, kỹ thuật chỉ là điểm cần thiết diễn tả; tâm hồn mới là chính yếu. Ngôi nhà sơn son thếp vàng thì chưa chắc ngôi nhà ấy vững chãi, sơn son thếp vàng kia là tô điểm; hay đúng hơn che khuất được đục ruỗng mối mọt trong thân nhà mà. Nói như, chúng tôi không hề đả phá kỹ thuật, thơ Vũ Hoàng Chương kỹ thuật hẳn ít ai bì kịp, nhưng thơ hôm nay nội dung yếu, thiếu hồn thơ rung cảm chân thành. Và thơ Vũ Hoàng Chương từ: “Em ơi lửa tắt bình khô rượu/ Đời vắng em rồi say với ai, hay Yêu một phút để mang sầu trọn kiếp/ Tình mười năm còn lại chút này đến Giờ Đã Điểm, thơ gò bó, sơn son thếp vàng, trong mọt đục ruỗng, Nhài đầu, rót nguyệt vú đôi thơm thơ Nguyễn Xuân Sanh tiền chiến chả rung động được ai; Thơ hay, âm điệu có, lời chau chuốt là kỹ thuật? đọc lên chẳng cảm được, lĩnh hội nổi, như Lỗ Tấn quan niệm thơ phải cảm rồi mới hiểu, còn chỉ hiểu mới cảm được là văn xuôi thì Nguyễn Xuân Sanh cũng chưa vượt nổi để một là chàng thợ (versificateur).
Đến Cái Nghiên Mực, Phong Lan, Hư Chu làm người đọc nhớ lối viết Vang Bóng Một Thời. Song ông chưa đủ kỹ thuật văn viết biền ngẫu, toát ra cái giọng văn khinh miệt, chẳng cần gì đời Nguyễn Tuân. Điều thiếu thốn trên đà háo hức thèm khát đã diễn đạt trong Gã Nguyễn, Nàng Thơ. Nói như thế, đem so sánh truyện Cái Nghiên Mực, Phong Lan, của ông thì có lùi lại mười lăm năm Vang Bóng Một Thời tiền chiến, đến nay ông vẫn chưa đạt được.

Kết luận:

Trong vườn hoa văn chương nghệ thuật hôm nay, đa số tác phẩm chịu ảnh hưởng Tây phương: hiện thực, hiện thực mới, tả chân, siêu tả chân, nội tâm, tả chân tâm lý, lãng mạn cách mạng... thì lối giọng văn Hư Chu đem lại cho lối văn hoài vọng dĩ vãng qua thơ Thơ, Nghiên, Hoa, Mộng. Thú chơi hoa, chơi nghiên, thú trà dư tửu hậu, thú tao nhã xưa của Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Chu Thiên mà chúng ta thưởng thức, đến nay quả mới chỉ có một Hư Chu hậu chiến.
Nếu quan niệm một xã hội xây dựng tiến bộ là tổng hợp của nhiều khuynh hướng, xu hướng triết lý nhân sinh; thì tôi nói rằng Hư Chu là nhà văn tư tưởng, có lối đi độc đáo, ông chọn cho bản thân một bông hoa cổ kính rất đẹp, trong xã hội mới bây giờ.


Tiết 9

KẾT LUẬN VỀ CÁC NHÀ VĂN ĐIỂN HÌNH

Bảy nhà văn độc lập điển hình, mỗi nhà văn một phong cách khác nhau. Phạm Thái, (Nguyễn Ngọc Tân) Linh Bảo, hai nhà văn viết tiểu thuyết luận đề cao, có nghệ thuật đề cao chủ nghĩa Quốc gia dân tộc. Tiểu thuyết luận đề chính trị rất dễ nổi tiếng, khi đạt được độ cao tới đỉnh, song không phải nhà văn bình thường nào muốn trở thành cũng được. Phải nói rằng viết truyện luận đề hay ngoài tài năng, sở thích ra họ từng tham gia cách mệnh hoặc đứng hẳn trong hàng ngũ ấy, mới có chủ yếu dựng truyện. Thế chiến thứ nhất, viết về chiến tranh thật linh động; có Romain Rolland dầu ông chỉ đứng ngoài nhìn vào; hoặc sau này ở Pháp André Malraux nổi tiếng về loại này trên. Bởi năm 24 tuổi ông đã tham gia cách mạng chính trị; đã làm cố vấn cho Tưởng Giới Thạch, do đó mới viết được Les Conquérants, (Những kẻ chinh phục) La condition humaine (Thân phận con người)... Một Céline không kháng chiến chỉ viết những mẩu đời nhầy nhụa, đã sống trải như Mort à crédit (62). Còn Paul Éluard, Louis Aragon tham gia kháng chiến mới có thơ đầy hình ảnh xã hội chiến đấu, chúng ta mới được đọc bài thơ Liberté (Tự do) bất hủ Paul Éluard. Hoặc V.C. Gheorghiu nhà văn viết truyện luận đề chính trị, ngoài tài năng giàu chất liệu về chính trị, cách mệnh, ông hiểu từ ngôn ngữ cử chỉ chủ nghĩa phát xít, tư bản, phi nhân, nỗi lòng oan hận kiếp nhân sinh Do Thái trong thế chiến thứ hai, hoặc chế độ độc tài Péron, vì là bạn thân tổng thống – thì V.C Gheorghiu mới viết hay được.
Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, sở dĩ chưa thành công như Phạm Thái (Nguyễn Ngọc Tân), vì mới chỉ là nhà văn có tư tưởng chính trị, cách mệnh (đôi lần đầu tư sự hiểu biết này để nhận đặt hàng văn hóa chống Mác xít) thì chưa phải là Gheorghiu, Eluard, Aragon được. Họ vẫn chỉ là tham gia, đứng về chính trị phía thúc đẩy gián tiếp mà thôi (pensée réactionnaire épileptique).
Nguyễn Thị Vinh, nhà văn tâm tình thời đại có giá trị mổ xẻ hình tượng mới con người, Chấn Phong đưa ra cuốn truyện phơi bày cặn bã xã hội đồn điền cao su. Hư Chu đem lại bông hoa suy tưởng cổ kính luận cổ suy kim. Doãn Quốc Sỹ với truyện dự tưởng độc đáo, nhưng vấn đề kỹ thuật viết chưa đạt được như Nguyễn Đức Quỳnh trong Thằng Cu So, Thằng Phượng, Thằng Kình.
Riêng Nguyễn Đức Quỳnh nhóm Hàn Thuyên (tiền chiến) với kết luận trong cuốn Thằng Kình thì sao? Giải quyết bằng sức mạnh là thắng hết – nhưng nếu đem sức mạnh so sánh tình yêu; sức mạnh tất tiêu tán. Nên Thằng Kình bắt đầu tin vào chí khí phải luyện có chí khí; nhưng phải trọng kỷ luật, thời gian, không thể đốt giai đoạn được. Cái kết luận này thật ra chẳng có gì sáng tạo của Nguyễn Đức Quỳnh, vì nó đã được A.Ciliga trong cuốn Au pays du grand mensonge (Ở xứ sở Đại Xạo Ngôn Từ) (Gallimard 1936); ở đoạn nói về le propos d’un oppositionnaire sur la question du grand jeu de Trotsky. (trang 77 và 78), nói về lý do tranh chấp giữa Trotsky và Staline, Trotsky có cơ hội, lại không cướp chính quyền, sau đó Trotsky bị Staline cho thủ hạ hạ sát ở Nam Mỹ.
Theo như Jeef, người thân cận Trotsky thì Trotsky thiếu kiên trì chủ định song thực ra Trotsky các bạn chiến đấu kế tiếp cho rằng ông không muốn phân tán lực lượng, như thế sẽ bị suy yếu, thiếu sự tôn trọng công bằng, kỷ luật và thời gian.
Khi tôi viết đến đây, một số nhà văn xuất hiện ồ ạt qua tác phẩm như triều cường theo gió thủy triều. Nhắc đến các nhà văn mà tôi chưa viết trong tập này như: Lưu Nghi, Võ Phiến (Chữ Tình).... truyện ngắn của tác giả sau đăng rải rác trên tạp chí Bách Khoa như: Người Tù chẳng hạn. Thật mà nói– Võ Phiến hứa hẹn tương lai chắc chắn, nhà văn có mặt khá lâu, nay xuất đầu lộ diện; bằng tác phẩm thực thụ được in ra, trong lúc tôi đang viết đến trang cuối tập 3. Thêm ý kiến hơi ngoài đề, sự thành công Võ Phiến hậu chiến, nhờ ở con mắt thấu thị của học giả Đào Duy Anh tìm ra và ông đã nhận Võ Phiến như con nuôi từ thời tiền chiến. Thật là người đánh giá trị tốt có tròng ngươi thấu thị.

Nguồn hình ảnh các nhà văn :
. Nguyễn Thị Vinh nguồn Luân Hoán/tác giả Việt Nam.
. Linh Bảo nguồn Đặc Trưng.com
. Phạm Thái nguồn vnmoi.net.


CÒN TIẾP ...



VVM.10.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .