T rong tâm thức của người Việt, có lẽ không ai là không biết tới nguồn gốc Tiên – Rồng của dân tộc mình, theo truyền thuyết, thì người Việt có nguồn gốc từ bọc trăm trứng do mẹ Âu Cơ sinh ra, trăm trứng đẻ ra trăm người con, là nguồn gốc của tộc Việt.
Chi tiết thần kỳ này cũng đã khiến không ít người Việt tỏ thái độ nghi hoặc, khi họ cho rằng người thì không thể đẻ ra trứng được, đó là điều kỳ quái, phi lý, và không có thực. Tuy nhiên, những người nghi hoặc có xu hướng hiểu câu chuyện hoàn toàn theo nghĩa đen, trong khi câu chuyện đã mang trong mình những yếu tố thần thoại nhằm giải thích về nguồn gốc của tộc Việt, vì vậy, cần nhìn nhận nó theo ý nghĩa của một hình tượng có tính tượng trưng và triết lý.
Để tìm hiểu về nguồn gốc của bọc trăm trứng, xác định giá trị của truyền thuyết Tiên – Rồng, chúng tôi đã mở rộng tìm hiểu về các thần thoại trên thế giới, và đã tìm thấy những cơ sở quan trọng góp phần giải thích triết lý ẩn chứa trong hình ảnh bọc trăm trứng của người Việt. Cơ sở đối chiếu, so sánh giữa văn hoá Việt và thế giới sẽ giúp chúng ta nhận diện được giá trị thực sự của hình ảnh bọc trăm trứng, biểu trưng văn hoá quan trọng bậc nhất của người Việt.
1. Nguồn gốc hình tượng bọc trăm trứng của người Việt:
Hình ảnh bọc trăm trứng của người Việt xuất hiện trong truyện họ Hồng Bàng, được chép thành văn vào thời nhà Trần trong sách Lĩnh Nam chích quái từ sự lưu truyền trong dòng văn hóa dân gian. Về cơ sở của truyện họ Hồng Bàng nói riêng, và sách Lĩnh Nam chích quái nói riêng, chúng tôi đã khảo cứu kỹ lưỡng trong nhiều bài viết khác [1][2][3]. Các kết quả đã cho thấy cơ sở thực tế rất vững chắc của các truyền thuyết cổ thời Hồng Bàng và thời Hùng Vương của người Việt.
Truyện truyền trong dân gian nói: “Lạc Long Quân đi tuần thú tới động Lăng Xương gặp tiên nữ Âu Cơ hái dâu bên bờ sông Đà bèn lấy làm vợ đưa về ở núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ có mang ba năm ba tháng mười ngày, đến giờ Ngọ ngày 25 tháng chạp năm Giáp tý chuyển dạ sinh ra một bọc trăm trứng. Hôm ấy trời xanh nắng ấm, mây lành ấp núi, hương thơm ngan ngát đầy phòng. Long Quân cho triệu triều thần đến lập đàn tế cáo trời đất. Các loài sơn cầm thuỷ tộc đều đến châu mừng. Ngày 15 tháng giêng năm Ất sửu trăm quả trứng nở thành trăm con trai.” [4]
Trong sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.” [5]
Như vậy, thì bọc trăm trứng là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ. Trong bọc được Mẹ Âu Cơ sinh ra, chứa trăm quả trứng, trăm quả trứng sinh trăm người con trai, đây chính là dấu mốc hình thành nên người Việt. Ở phần sau, chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về vai trò của quả trứng trong các nền văn hóa và các dân tộc trên khắp thế giới, để chúng ta có thể hiểu được giá trị của chi tiết này trong truyền thuyết của người Việt.
2. Motif quả trứng vũ trụ:
Motif quả trứng trong truyền thuyết Tiên Rồng của người Việt không phải là một motif hiếm thấy. Quả trứng vũ trụ là một motif xuất hiện rất phổ biến trong thần thoại của các nền văn hóa cổ, các dân tộc trên khắp thế giới.
Các dân tộc cổ đại liên kết sự kỳ diệu của sự sống với sự sáng tạo, họ tin rằng thế giới được hình thành từ một quả trứng vũ trụ. Quả trứng xuất hiện trong tín ngưỡng cổ đại của Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp và Phoenicia. Trong một câu chuyện, Brahma, đấng sáng tạo của đạo Hindu, xuất hiện từ một quả trứng vàng trôi nổi trên vùng biển vũ trụ trong khi Chronos, hiện thân của Thời gian trong tiếng Hy Lạp, tạo ra một quả trứng mà từ đó đấng sáng tạo ra thế giới đã xuất hiện. [6]
Người Ai Cập cổ đại tin vào một quả trứng nguyên sinh mà từ đó thần mặt trời đã nở ra. Ngoài ra, mặt trời đôi khi được ví von như một quả trứng, được đẻ ra hàng ngày bởi con ngỗng trời, Seb, vị thần của trái đất. Phượng hoàng cũng được cho là đã xuất hiện từ quả trứng này. Quả trứng cũng được xem như là một quả trứng thế giới, được Khnum nặn từ một cục đất sét trên bánh xe gốm của mình. [7]
Ấn Độ giáo tạo ra mối liên hệ giữa nội dung của quả trứng và cấu trúc của vũ trụ: ví dụ, vỏ tượng trưng cho trời, lòng trắng không khí và lòng đỏ trái đất. [7]
Thần thoại Bàn Cổ của Trung Quốc cũng có nhắc về quả trứng vũ trụ. Ban đầu, không có gì cả và vũ trụ ở trong trạng thái nguyên thủy vô vi, vô hình. Trạng thái nguyên thủy này kết hợp lại thành một quả trứng vũ trụ trong khoảng 18.000 năm. Trong đó, các nguyên tắc hoàn toàn trái ngược của âm và dương trở nên cân bằng và Bàn Cổ xuất hiện (hoặc thức dậy) từ trong trứng. Bàn Cổ bên trong quả trứng vũ trụ tượng trưng cho Thái Cực. [8]
Satapatha Brahmana của Ấn Độ chứa đựng câu chuyện về ước muốn sinh sôi nảy nở của dòng nước mẹ ban đầu. Trải qua một loạt các nghi lễ kéo dài, vùng nước trở nên nóng đến mức họ đã sinh ra một quả trứng vàng. Cuối cùng, sau khoảng thời gian cần thiết để một người phụ nữ hoặc một con bò sinh nở, đấng sáng tạo, Prajapati, đã xuất hiện từ trong trứng và sự sáng tạo đã diễn ra. [9]
Tại quần đảo Society trong Nam Thái Bình Dương lưu truyền thần thoại về người tạo ra thế giới, Ta’aroa cũng sinh ra từ một quả trứng, sau đó vỡ ra làm hai, do đó hình thành trời và đất. [10]
Ở Úc, thổ dân Dreamtime đã giữ quả trứng như một biểu tượng của mặt trời. Thần thoại này bắt đầu với Dinewan The Emu và Brolga chim nhảy múa. Trong một lần cãi vã giữa hai người, Brolga đã lấy một quả trứng từ tổ của Dinewan và ném nó lên trời. Trên đường đi, lòng đỏ của quả trứng đập vào gỗ, bắt lửa và biến thành mặt trời. [6]
Quả trứng trong một số văn hóa: Người Hy Lạp và La Mã của thế giới cổ đại đặt trứng trong những ngôi mộ hoặc để lại những tổ trứng bên cạnh – dấu hiệu của sự sống sau khi chết – trong khi người Maori chôn người chết bằng một quả trứng của loài moa đã tuyệt chủng trên tay. Ngày nay, những người theo dõi người Do Thái theo truyền thống ăn trứng sau đám tang để biểu thị sự mất mát và vòng tròn của cuộc sống.[6]
Trong văn hóa Việt, người Việt tới tận ngày nay vẫn dùng trứng để cúng người đã khuất. Ý nghĩa có lẽ cũng giống như các nền văn hóa lớn trên thế giới, biểu thị cho sự sống sau cái chết.
Trứng thường xuất hiện trong mâm cúng người đã khuất của người Việt.
Như vậy, từ các thần thoại của các dân tộc, chúng ta đã thấy được quả trứng biểu trưng cho sự sống, cho Trời – Đất, cho âm dương, cho thấy giá trị cao đẹp của trứng trong các nền văn hoá và các dân tộc cổ đại cũng như hiện đại.
3. Hình tượng người đẻ ra trứng hay trăm người con:
Câu chuyện người đẻ ra trứng cũng không phải chỉ người Việt mới có, hay motif thần kỳ con người sinh ra một bọc, từ đó sinh ra trăm người con cũng không phải chỉ có trong truyền thuyết Tiên – Rồng, mà còn xuất hiện ở một số dân tộc và nền văn hoá khác.
Sử thi Mahabharata của Ấn Độ đã kể về một truyện có motif rất giống với truyện bọc trăm trứng của người Việt, có khác nhiều điểm, tuy nhiên về tổng thể thì truyện cũng kể về một người mẹ sinh ra một bọc, từ đó hình thành trăm người con trai.
Có thể tóm lược truyện trăm người con của Ấn Độ như sau: “Rishi đã ban cho Gandhari, vợ của Dhritarashtra, điều mà cô mong ước, đó là 100 người con trai, mỗi người đều mạnh mẽ và thành đạt như Dhritarashtra. Ngay sau đó, Gandhari thụ thai và cô mang trong mình gánh nặng lớn suốt hai năm nhưng không sinh nở. Chợt Gandhari đau bụng dữ dội, sau đó cô sinh ra một cục thịt, toan vứt đi. Vyasa đã đến kịp thời và can ngăn cô, sau đó Vyasa đã yêu cầu Gandhari chuẩn bị 100 chiếc lu đất đầy ghee, một loại bơ thờ cổ ở Ấn Độ. Sau đó, Vyasa cắt cục thịt thành 100 phần, bỏ vào trăm chiếc lu đó, rưới lên đó nước mát. 100 chiếc lu được đặt trong một căn phòng bí mật, được niêm phong chặt chẽ và canh gác cẩn thận, Vyasa dặn Gandhari rằng hai năm sau mới được mở niêm phong căn phòng. Quả thực, sau đó, trong vòng một tháng, thì 100 chàng trai và một cô con gái đã lần lượt xuất hiện”. [11]
Khi biết về câu chuyện này, có lẽ nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc, liệu câu chuyện có phải là do người Ấn Độ truyền sang Việt Nam hay không? Câu trả lời chắc chắn là không, nếu có, thì sẽ theo hướng ngược lại, bởi xét về dòng di cư và lan tỏa văn hóa dựa trên nghiên cứu gen lúa, thì dòng di cư từ vùng Dương Tử (không gian hình thành truyện họ Hồng Bàng) của cư dân tộc Việt thuộc ngữ hệ Nam Á, đã mang theo lúa nước sang đây vào khoảng 4000 năm trước.
Bản đồ thể hiện các hướng phân tán của lúa japonica từ vùng Dương Tử sang Ấn Độ vào khoảng 4000 năm trước. [12]
Tuy nhiên, thì chúng tôi không cho rằng truyện của Ấn Độ chịu ảnh hưởng từ truyện của người Việt, mà có thể chỉ đơn thuần là sự tương đồng văn hóa ngẫu nhiên, tương tự như các thần thoại về quả trứng thôi vậy.
Bên cạnh đó, thì người Palaung, một dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á trong vùng Vân Nam, vẫn còn giữ một truyền thuyết về nguồn gốc của họ có motif về người đẻ trứng.
Người Palaung truy nguyên tổ tiên của họ cho một công chúa Naga, người đã đẻ ba quả trứng, và người Chin sẽ không giết con quạ vua vì nó đã đẻ ra quả trứng Chin ban đầu mà từ đó họ xuất hiện. [7]
Người Triều Tiên cũng có thần thoại về người đẻ trứng. Những vị vua sáng lập nên các vương quốc Goguryeo, Gaya và Silla được sinh ra từ những quả trứng.
Người sáng lập vương quốc Goguryeo, Jumong là con của Haemosu và Yuhwa. Haemosu là con của thần và Yuhwa là con của thần biển. Yuhwa có mang bởi ánh sáng Mặt Trời và sinh ra nhiều quả trứng. Jumong được sinh ra từ quả trứng. Jumong bỏ trốn tới Holbon Moutain và thành lập Gorguryeo. Người sáng lập vương quốc Gaya, Kim Su-ro, theo thần thoại Triều Tiên được sinh ra từ một quả trứng vàng, rơi xuống từ trời cùng với một tấm vải đỏ. Một phiên bản về người sáng lập vương quốc Silla là Park Hyungeose sinh ra từ một quả trứng bên cạnh một con ngựa đang khóc. [13]
Câu chuyện người đẻ ra trứng hay bọc thịt để hình thành một dân tộc, vì vậy, hoàn toàn không phải là một hình ảnh kỳ quái, mà mang trong đó những ý nghĩa triết lý cao đẹp, được các dân tộc sử dụng như biểu tượng hình thành dân tộc mình.
4. Từ thần thoại các dân tộc xem xét ý nghĩa của bọc trăm trứng:
Từ thần thoại, sử thi các dân tộc và các nền văn hóa, chúng ta đã thấy được vai trò quan trọng của motif quả trứng trong văn hóa tinh thần của các dân tộc, cũng không chỉ người Việt, mà cũng có nhiều dân tộc khác nói về sự sáng thế hay hình thành con người chính là từ quả trứng.
Ý nghĩa đại diện cho Trời – Đất, Âm – Dương của các truyện cổ, đã cho thấy hình tượng bọc trứng Tiên – Rồng của người Việt, chính là kết tinh giữa Âm và Dương, từng người con, cũng chính là kết tinh của Trời và Đất. Trong truyện, chúng ta cũng đã thấy được, bọc trăm trứng chính là kết quả của sự kết hợp giữa Cha Lạc Long Quân đại diện cho Dương, và Mẹ Âu Cơ đại diện cho Âm.
Truyện họ Hồng Bàng chép: “Long Quân bảo: – Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu.” [5]
Âm và Dương kết hợp sinh ra bọc trứng vô cực, bọc trứng vô cực sinh âm, sinh dương rồi sinh ra trăm người con, đại diện cho muôn dân. Vì vậy, người Việt là hậu duệ Tiên Rồng, cũng chính là mang trong mình cả hai yếu tố Âm Dương của Trời và Đất.
5. Kết luận:
Qua việc so sánh và tìm hiểu thần thoại của các nền văn hóa và các dân tộc, ta đã thấy được ý nghĩa thực sự của bọc trăm trứng của người Việt, đây là một hình tượng có ý nghĩa biểu trưng, có tính triết lý cao, không phải là một hình tượng xuất hiện ngẫu nhiên trong truyền thuyết Tiên – Rồng của người Việt.
Từ đây, thì chúng ta đã hiểu sâu sắc hơn về truyền thuyết cội nguồn của dân tộc Việt, thấy được rằng nguồn gốc
Tiên – Rồng chính là ý thức văn hóa cốt lõi của người Việt mà chúng ta cần thực sự trân trọng, giữ gìn và phát huy, nhằm phát huy về tinh
thần đoàn kết dân tộc mà chúng ta đang rất thiếu ngày nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] Lang Linh (2021), Hồng Bàng thị có phải ‘truyền thống được kiến tạo’ hay không?
https://luocsutocviet.com/2021/10/14/560-hong-bang-thi-co-phai-truyen-thong-duoc-kien-tao-khong/
[2] Lang Linh (2021), Cơ sở tiếp cận và nghiên cứu về thời kỳ Hồng Bàng.
https://luocsutocviet.com/2021/07/24/547-co-so-tiep-can-va-nghien-cuu-ve-thoi-ky-hong-bang/
[3] Lang Linh (2020), Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
https://luocsutocviet.com/2020/07/16/498-huyen-su-hong-bang-va-nguon-goc-dan-toc-viet-nam/
[4] Vũ Kim Biên biên soạn (2008), Truyền thuyết Hùng Vương – Thần thoại vùng đất Tổ, Sở văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản.
[5] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).
[6] Rachel Warren Chadd (2016), The folklore of eggs: their mystical, powerful symbolism.
http://folklorethursday.com/myths/folklore-eggs-mystical-powerful-symbolism/#sthash.36S3zIWJ.dpbs
[7] Newall, Venetia. (1967) “Easter Eggs,” The Journal of American Folklore Vol 80 (315): 3-32.
[8] I. Robinet, Paula A. Wissing : The Place and Meaning of the Notion of Taiji in Taoist Sources Prior to the Ming Dynasty, History of Religions Vol. 29, No. 4 (May 1990), pp. 373-411
[9] Leeming D.A. (2014) Cosmic Egg. In: Leeming D.A. (eds) Encyclopedia of Psychology and Religion. Springer, Boston, MA. https://doi.org/10.1007/978-1-4614-6086-2_524
[10] Torben Monberg, Ta’aroa in the creation myths of the Society islands.
http://www.jps.auckland.ac.nz/document?wid=2826&page=0&action=null
[11] Ramesh Menon, Vyasa. The Complete Mahabharata: Volume 1-12. Rupa & Co Publisher. 2019. P. 351.
[12] Gutaker, R.M., Groen, S.C., Bellis, E.S. et al. Genomic history and ecology of the geographic spread of rice. Nat. Plants 6, 492–502 (2020). https://doi.org/10.1038/s41477-020-0659-6
[13] Ju Brown, John Brown (2006). China, Japan, Korea: Culture and Customs. Nhà xuất bản BookSurge, trang 92.
https://books.google.com.vn/books?id=3r-3YH3t45cC