Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NHÀ THƠ YÊU NƯỚC NGUYỄN DU
và BÀI THƠ QỦY MÔN QUAN




     C ụ Nguyễn Du (1765-1820) là một nhà thơ kiệt xuất - một đại thi hào của nước ta được UNESCO đưa vào danh sách danh nhân thế giới năm 1965. Cụ được đời sau ca ngợi với thi phẩm nổi tiếng "Truyện Kiều" (diễn Nôm) được giảng dạy ở các trường học, đã thu hút đông đảo nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà bình luận, nhà sử học ở trong và ngoài nước… không ngừng sáng tác nhiều thể loại trong văn học liên quan tới tác phẩm và tác giả. 

Thế nhưng người ta ít biết tới những sáng tác bằng chữ Hán (ba tập thơ Đường) có gái trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc, trong đó có hai tập "Bắc hành tạp lục" nói về lịch sử - địa lý trong chuyến đi Trung Quốc với những điều trông thấy vừa mới vừa cũ đầy xúc động trên suốt lộ trình đi về. Vừa mô tả vừa đánh giá, nhận xét cảnh quan, cụ Nguyễn Du không quên lồng ghép hoặc gắn kết với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt có bài thơ "Quỷ Môn Quan" rút trong "Bắc Hành Tạp Lục" (có 131 bài thơ) là một trong những bài thơ tuyệt tác có tính nhân văn đẹp và tinh thần dân tộc cao. Do đó từ bài thơ này và các bài thơ trong "Bắc hành tạp lục" đã được nhiều nhà nghiên cứu, bình luận văn học đánh giá Nguyễn Du là Nhà thơ yêu nước. 

Khi đi sứ sang triều nhà Thanh năm 1813 tới ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn cũng như lúc tới đây lần đầu tiên năm 1803 tiếp sứ nhà Thanh sang để sắc phong cho vua Gia Long mới lên ngôi, cụ nhìn thấy núi cao lởm chởm, có tên Quỷ Môn Quan vì gần đó có núi mặt quỷ, đền và ải quỷ môn liền có cảm xúc về một vùng núi hiểm trở, nơi phên dậu của đất nước, đặc biệt đã chôn vùi không biết bao danh tướng, quân sĩ của các triều đình phong kiến phương Bắc từng sang xâm lược nước ta. 

Cửa ải Quỷ Môn Quan còn là nơi có núi Hàm Quỷ, có Biệt thự xứ là nhà khách của triều đình dành cho sứ ta lẫn sứ nước ngoài. Cả một quãng đường dài mấy mươi cây số, núi cao dựng đứng (loại núi đá vôi) ở hai bên, đường hẹp đi qua uốn lượn và dốc cao, lại có bãi lầy nhiều nơi làm cho địa thế hiểm trở, được coi như là cửa ngõ phía Bắc của nước ta. Nơi đây vừa là ải quan phía Bắc của nước ta, là chỗ dừng chân của các đoàn đi sứ của ta lên phía Bắc lại vừa là nơi dừng chân của đoàn sứ phương Bắc và đường vào nước ta của các đoàn quân xâm lược. Chính vì là cửa ải nằm gần sát cửa khẩu biên giới (ải Nam quan - nay là Hữu nghị quan - Đồng Đăng) nên ta luôn sử dụng làm nơi chận đánh địch khi vào nước ta đồng thời lúc chúng rút lui về nước. Cả hai đầu vào và ra đều bị quân dân ta tiêu diệt nên nơi đây trở thành tử địa của các đoàn quân xâm lược. Do đó, người phương Bắc đã lưu truyền câu thơ đầy kinh hãi: "Quỷ môn quan thập nhân khứ, cửu bất hoàn". (Cửa quỷ mười người qua đây, có tới chín người không trở về). 

Khu vực Quỷ Môn Quan khi xưa có ải và thành gọi là Ải Chi Lăng (nay còn di tích và có nhà bảo tàng) theo tên địa phương ở vào cây số 109 (ngày nay có ga Trăm Năm gần đó) trên đường cái quan từ Thăng Long tới trấn thành Lạng Sơn dài trên 150 cây số. Thành này do quân Minh đắp trong thời gian xâm lược và chiếm đóng nước ta để làm trạm dưỡng quân. Nhưng cũng chính khu vực phía nam ngoại thành này tướng Liễu Thăng của giặc đã bị tướng Lê Sát (nghĩa quân Lam Sơn của Bình Định vương Lê Lợi) chém đầu lúc chận đường rút lui của chúng nên tương truyền có một tượng đá hình dáng như một người quỳ gối và bị cụt đầu được dân địa phương gọi là Liễu Thăng thạch. Còn phía bắc thành có hai khối đá hình dáng giống như hai thanh kiếm khổng lồ gọi là Lê Tổ kiếm (thanh kiếm của vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi). 

Các cổ thư của Trung Quốc đều ghi chép Quỷ Môn Quan nằm ở phía nam cách huyện Bắc Lưu (thuộc châu Uất Lâm tỉnh Quảng Tây) khoảng 30 dặm. Tại cửa quan này có hai khối núi đối nhau và ở giữa có khoảng rộng 30 bước tục goi Quỷ Môn Quan. Thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, tướng Mã Viện qua đây có dựng bia đá và trụ đồng khắc dòng chữ "Đồng trụ chiết Giao chỉ diệt". Dân ta lo sợ nên khi qua lại đều lấy đá ném vào trụ đồng cho đến khi bị lấp mất dạng. 

Năm 1077, tướng Lý Thường Kiệt thân hành về Chi Lăng dựng chiến tuyến Quyết Lý và Giáp Khấu rồi tiến quân sang đánh chiếm châu Ung và châu Liêm của nhà Tống sau chiến thắng trên sông Như Nguyệt. Năm 1285, quân Nguyên kéo qua Chi Lăng đã bị quân nhà Trần chặn đánh kịch liệt và tướng địch là Nghê Nhuận bị giết tại chỗ. Chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã thể hiện thiên tài quân sự ở đây bằng cách đào hố bẫy ngựa, phục binh của ta từ dưới hố dùng dao gươm chém đứt chân ngựa khiến cho tướng lẫn quân Nguyên Mông phải rời khỏi ngựa bị tiêu diệt. 

Khi đến cửa ải phía Bắc đất nước anh hùng vừa được thống nhất liền một dải từ cửa ải Nam Quan tới đất mũi Cà Mau, người dẫn đầu đoàn sứ giả Việt Nam thời khởi đầu nhà Nguyễn lấy làm hãnh diện nhìn thấy non sông gấm vóc, nơi có địa hình xinh đẹp, phong thủy hữu tình nhưng không kém phần hiểm trở nặng mùi tử khí với nhiều kỳ tích từng nhiều lần chôn xác quân giặc xâm lược qua đây (từ Tống, Nguyên Mông đến Minh, Thanh) suốt chặng đường dài lịch sử từ lúc mở nước gian khó đến ngày dựng nước trong thanh bình thì không khỏi bồi hồi xúc động mà tức cảnh thành thơ. 

Dưới đây là bài thơ "Quỷ Môn Quan" của cụ Nguyễn Du trong "Bắc hành tạp lục" bằng chữ Hán, được dịch nguyên văn và dịch nghĩa: 


連峰高插入青雲,
南北關頭就此分。
如此有名生死地,
可憐無數去來人。
塞途叢莽藏蛇虎,
布野煙嵐聚鬼神。
終古寒風吹白骨,
奇功何取漢將軍。

Dịch nghĩa 

Núi liên tiếp, cao vút tận mây xanh.
Nam bắc chia ranh giới ở chỗ này
Là nơi nổi tiếng nguy hiểm đến tính mạng.
Thương thay, bao nhiêu người vẫn phải đi về qua đây.
Bụi gai lấp đường, mãng xà, hồ tha hồ ẩn nấp.
Khí độc đầy đồng, quỷ thần mặc sức tụ họp.
Từ thuở xa xưa, gió lạnh đã thổi bao đống xương trắng.
Chiến công của tướng nhà Hán có gì đáng khen! 

Bản dịch của Quách Tấn 

Núi trập trùng giăng đỉnh vút mây,
Ải chia Nam Bắc chính là đây.
Tử sanh tiếng đã vang đồng chợ,
Qua lại người không ngớt tháng ngày.
Thấp thoáng quỷ đầu nương bóng khói,
Rập rình cọp rắn núp rừng cây.
Bên đường gió lạnh luồng xương trắng,
Hán tướng công gì kể bấy nay? 

Đây là một bài thơ cảm tác hay của cụ Nguyễn Du về nghệ thuật văn học nhưng lại thể hiện tư tưởng yêu nước và lòng tự hào dân tộc với những chiến thắng oanh liệt ở một nơi đầu sóng ngọn gió sát nách với quân thù xâm lược phương Bắc thời nào cũng đều mong muốn uy hiếp lấn chiếm từng tấc đất của phương Nam - một dân tộc tên Kinh có mấy ngàn năm văn hiến mở cõi từ vùng đất cổ xa xưa rộng lớn thời Kinh Dương Vương và 18 đời Hùng Vương dựng nước. Đây là một đất nước, một dân tộc anh hùng đã được "Trời" phân định như câu thơ trong bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất khẳng định: 

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư" . 

Cụ Tiên Điền đã khéo léo nhắc lại "Nam Bắc chia ranh giới ở chỗ này". Rồi cụ mỉa mai khi nhớ lại lịch sử "Từ thuở xa xưa, gió lạnh đã thổi bao đống xương trắng / Chiến công của tướng nhà Hán có gì đáng khen!" 

Tướng nhà Hán đó là tướng già 70 tuổi Phục Ba Tướng quân Mã Viện đưa đại quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa đầu tiên của tộc Việt con cháu vua Hùng là Hai Bà Trưng mà dưới mắt của đại thi hào họ Nguyễn, đánh thắng hai phụ nữ liễu yếu đào tơ thì có gì là anh hùng! Không có cuộc xâm lược nào của phong kiến phương Bắc mà không chuốc lấy thất bại nhục nhã. "Bao đống xương trắng" ở Quỷ đầu môn cho thấy cụ chính sứ Nguyễn Du rất tâm đắc về hai câu thơ của Nguyễn Trung Ngạn đời Trần: "Lính già từng trải mùi chinh chiến / Nghe nói Nam chinh ủ mặt mày!" 




VVM.19.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .