Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


TU PHẬT ĐỄ LÀM GÌ ? TU PHẬT PHẢI LÀM GÌ ?

  


T rước 1975, một giáo viên trẻ, giỏi ngoại ngữ có quen nhiều người nước ngoài cho biết, anh có gặp một người Nhật, không biết thuộc giáo phái nào, đã qua Việt Nam, thuê nhà ở Quận 5 Chợ Lớn, mục đích là để chờ gặp Vị Giác Ngộ mà họ cho là đã tái sinh tại Việt Nam. Năm 1976 ông ta vẫn còn, nhưng sau đó thì mất liên lạc, có lẽ ông ta đã quay về Nhật.

Trong vài năm đầu Giải Phóng, tôi có đọc được một tin đăng trong Báo Xuân TIN SÁNG của Ngô Công Đức (Báo Tin Sáng chỉ tồn tại có vài năm sau 75). Ở tranh cuối, sát bìa, có bài viết ngắn như sau : Có một Phái Đoàn quốc tế viếng Việt Nam, được hướng dẫn đi tham quan Thảo Cầm Viên. Khi Hướng dẫn viên giới thiệu tên khoa học của một loài hoa có tên là Vàng Anh : Saradica Indica thì đột nhiên cả Phái Đoàn quỳ sụp xuống tỏ vẻ cung kính. Hướng dẫn viên ngạc nhiên không hiểu vì sao. Hỏi ra, thì Phái Đoàn cho biết: Đó là tên của một Vị Cổ Phật mà họ đi tìm khắp thế giới nhưng không gặp. Không ngờ đến Việt Nam thì lại được nghe xuớng tên. Hoa này cũng có tên là Hoa Vô Ưu.

Nhiều năm trước, tôi có một bà bạn lớn tuổi, nhân dịp đi du lịch Miền Trung theo đoàn đến một ngôi Chùa. Bà thấy trên quầy lưu niệm có Tượng Phật Chuẩn Đề là tượng bà muốn thỉnh từ lâu nhưng không gặp, nên bà rất mừng, gọi nhân viên trông coi quầy để được thỉnh Tượng. Cô này bảo bà chờ một lúc rồi đi mời Trụ Trì ra. Trụ Trì giải thích cho bà biết : Tượng này là của một vị Sư ở Tích Lan hay Miến Điện (câu chuyện nghe đã lâu nên tôi không nhớ rõ. Nhân vật chính cũng đã qua đời nên không hỏi lại được). Vị Sư này mỗi năm qua ngụ ở Chùa 6 tháng để chờ gặp người thỉnh tượng là người có liên quan đến dòng Chánh Pháp tại Việt Nam. Tượng này do chính tay Sư tạc gởi tại quầy, dặn khi nào có người muốn thỉnh thì báo lại với Sư. Thời điểm đó vị Sư tạc tượng đã về nước, nên Trụ trì yêu cầu bà ghi lại địa chỉ, số điện thoại để khi Sư quay lại sẽ báo với Sư. Nhưng sau đó một thời gian thì bà này bán nhà, dời đi, nên không biết vị Sư đó có trở qua Việt Nam hay không ? Bà cũng qua đời cách đây mấy năm. Tượng vẫn được đặt trên bàn thờ của gia đình.

Hoa Ưu Đàm là loại Hoa tương truyền chỉ nở khi có Phật hay vị Chuyển Luân Thánh Vương ra đời, đồng loạt nở từ 1977. Đầu tiên là ở Hàn Quốc rồi Đài Loan, Singapore, Mỹ, Úc, Trung Quốc. Năm 2012 thì ồ ạt xuất hiện ở An Giang, Hà Nội, Hải phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Huế, Nghệ An, Đắc Lắc, Tuy Hòa, Phú yên, Nam Định. Năm 2015 thì ở Sơn Trà, Tp Hồ Chí Minh, Cung Văn Hóa Tao Đàn Quận 1, Quận 7, Thủ Đức, Cái Bè, Tiền Giang. Năm 2017 còn xuất hiện trên dây đèn trang trí Noel của linh Mục Giuse Vũ tại Nhà Thờ Mai Khôi. Gia đình tôi trồng Thanh Long thì hoa mọc trên dây Thanh Long, trên hoa Dừa cạn trước nhà. Cách đây vài tháng thì mọc trên màn hình Máy Vi Tính…Gần đây nhất là trên cốc của Tu Sĩ Minh Tuệ.

Một số nhà Khoa Học cho rằng đó chỉ là trứng của một loại côn trùng có tên là Lacewings. Nhưng người dân ở Lalaca Malaisia đã phát hiện cả hoa và trứng. Ông Lê Văn Mậu là một Thạc Sĩ Sinh học ở Tuy Hòa, Phú Yên, cũng có nghiên cứu rất kỹ và khẳng định đó là hoa chớ không phải trứng. Nhưng dù không đúng là hoa Ưu Đàm đi nữa thì sự xuất hiện đồng loạt, trước đến giờ chưa từng xảy ra, để nhiều người ngộ nhận là Hoa Ưu Đàm hẳn cũng là một điềm lành.

Một số thông tin rời rạc từ nhiều nguồn, nhưng đều báo cho biết là Chánh Pháp sắp ra đời, và nhiều người tu hành ở nhiều nước đều cho rằng Chánh Pháp sẽ ra đời tại nước ta. Gần đây nhất là hiện tượng của Sư Minh Tuệ với Hạnh Đầu Đà được nhiều người tu hành trên nhiều nước cho rằng đó là Phật tái thế và nhiều phái đoàn đã đến nước ta để đảnh lễ.

Tu Sĩ Minh Tuệ có phải đúng là sứ giả của Đạo Phật ? Hạnh Đầu Đà và nếp tu hành du phương, bỏ đời, bỏ cả gia đình, ngụ ở gốc cây, nghĩa địa hay nhà hoang và chỉ khất thực để sống có phải là mục đích tối hậu của người tu Phật hay không ? Chính Kinh nói gì về việc tu hành theo đúng Chánh Pháp ?

Để trả lời cho câu hỏi này buộc chúng ta phải quay về điểm xuất phát của Đạo Phật, rà soát từng lý do từ cái Phát Tâm cho đến cách tu hành, Pháp Chứng Đắc của Đức Thích Ca để xác định, vì từ sau khi Phật nhập diệt khoảng 200 năm thì các Đệ Tử của Phật phân chia thành Hai Thừa, thì ĐẠI THỪA cũng như TIỂU THỪA mạnh ai nấy chia nhau đi khắp nơi để giảng pháp. Chân tu hay giả tu. Hiểu nhiều, hiểu ít, miễn là xuất phát từ Chùa chiền, đầy đủ hình tướng, là đều có thể giảng Pháp. Nhất là từ khi Y Bát được Lục Tổ dấu đi không còn Truyền nữa thì bá tánh không còn làm sao phân biệt được ai là người có nhiệm vụ nối truyền Chánh Pháp, ai là tự phát, vì ai cũng dựa vào hình ảnh của Đức Thích Ca để rao giảng, và đều cho rằng mình đang “Hoằng dương Chánh Pháp” của Đạo Phật.

Từ đó đến nay đã có biết bao nhiêu đợt Tu Sĩ Xuất Gia tu hành. Nhưng không hiểu vì sao Đức Thích Ca đã Thọ Ký : “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” , mà từ mấy ngàn năm qua, ngoài những vị Phật được xưng tụng từ trước đến nay như PHẬT THÍCH CA, A DI ĐÀ, DI LẶC sao không thấy nghe ai nói đã THÀNH PHẬT ? như vậy chẳng lẽ lời Thọ Ký không linh ứng ? Các vị Phật quá khứ đã làm gì để thành Phật ? Thành Phật có phải là thành THẦN LINH để cứu độ cho bá tánh không ? Nếu chúng ta muốn Thành Phật thì phải làm gì ? Chẳng lẽ chúng ta cứ đi tu mù rồi tới đâu thì tới, vì nếu có cầu mong là Vọng động ? Như vậy không khác nào là một thách thức đối với người muốn TU PHẬT. Bỏ đời để đi tìm một thứ gì đó mà không biết cách để tìm. Không nhận diện được mà cũng không biết sẽ gặp được hay không ?

Muốn theo một Tôn Giáo nào đó, nhất là muốn xuất gia tu hành thì điều chúng ta cần biết là chủ trương của Tôn Giáo đó là gì ? Kết quả là gì ? Chúng ta vẫn ngưỡng mộ sự Chứng Đắc của Đức Thích Ca, nhưng sự Chứng Đắc hay Thành Phật của Ngài mang ý nghĩa gì ? Ngài đã làm thế nào để Chứng đắc ? Những gì Ngài truyền có giá trị thế nào đối với con người, với cuộc đời ? Người hành trì theo sẽ được những gì ? Có xứng đáng với công sức bỏ ra không ?

Vậy thì PHẬT LÀ GÌ ? TU PHẬT ĐỂ LÀM GÌ ? TU PHẬT PHẢI LÀM GÌ ? Tôi tin là bất cứ ai, nếu muốn đi cho đến đích của Đạo Phật đều phải tìm cho ra câu trả lời cho bản thân trước khi dấn thân vào con đường tu hành, nếu không muốn đi mà không bao giờ đến. Đó là điều không thể chấp nhận được với con người ở thời đại văn minh, khoa học, mọi thứ đều lý giải được này. Có lẽ tốt nhất là chúng ta nên quay lại hành trình xuất gia đi tìm Đạo của Đức Thích Ca để hiểu cho rõ ràng hơn.

Lịch Sử Đạo Phật có ghi lại, là trong một lần đầu tiên đi dạo ở ngoại thành, trông thấy cảnh con người bị hành hạ bởi cảnh SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT, làm Thái Tử Sĩ Đạt Ta động tâm. Về cung Ngài cứ suy nghĩ mãi, muốn tìm xem có cách nào đó để Thoát khỏi cảnh SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT đè nặng lên cái Thân của con người hay không ? Thấy rằng nếu cứ quanh quẩn trong triều với vợ, con, với việc triều chính thì không thể nào tìm ra được câu trả lời, nên trong một đêm nọ, Thái Tử cùng với một quan hầu giữ ngựa lẻn ra khỏi thành. Đi một quảng khá xa, Ngài kêu người giữ ngựa mang con ngựa trở về, để một mình rong ruổi theo những đoàn Du Tăng, mong tìm được câu trả lời cho vấn đề làm Ngài trăn trở.

Sáu năm, học với Sáu vị Thầy giỏi nhất. Hành đủ cách : Từ Khổ Hạnh, khỏa thân, nhịn đói đến cơ thể suy kiệt, suýt chết.. nhưng chỉ học được một số phép Thần Thông, mà câu trả lời cũng không thấy. Cuối cùng, Ngài thấy rằng “Tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yểu đuối”, nên nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò, rồi trải tòa cỏ, ngồi THIỀN ĐỊNH dưới cội cây Bồ Đề. Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài có câu trả lời : Là tìm ra thủ phạm đã gây nên cảnh SINH, LÃO, BỆNH, TỬ cho cái Thân con người cũng như cách thức để khống chế hắn, nên xả Thiền, đứng dậy tuyên bố : “Ta lang thang trong vòng Luân Hồi, qua bao nhiêu kiếp. Tìm mãi mà không gặp KẺ LÀM NHÀ. Hỡi Kẻ Làm Nhà. Ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được Làm Nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gảy vụn cả rồi. Rui mè của ngươi cũng tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến Vô Thượng Niết Bàn. Ta đã hoàn toàn Giải Thoát”. Sau đó, Ngài đã dùng hết cuộc đời còn lại để truyền bá cách thức THOÁT KHỔ, THOÁT SINH LÃO BỆNH TỬ. Con Đường này gọi tắt là ĐẠO PHẬT. Nghĩa của ĐẠO, là Con Đường. PHẬT là Giải Thoát. Không phải Đạo Phật là Đạo dạy Thờ Phật như một số người vẫn nghĩ.

Qua lời tuyên bố của Đức Thích Ca thì chúng ta đã thấy được 3 vấn đề :

1/- Lý do Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã bỏ ngai vàng, vợ và con còn nhỏ để dấn thân đi tìm câu trả lời cho điều Ngài trăn trở, là để để tìm gặp THỦ PHẠM ĐÃ XÂY NÊN NGÔI NHÀ SINH TỬ trên Cái THÂN con người.

2/- Cách thức mà Thái Tử tìm và thành công, là 49 ngày đêm THIỀN QUÁN (VIPASSANA), sau khi áp dụng nhiều phương pháp như Khổ Hạnh, nhịn đói, lõa thể không có kết quả.

3/- Kết Quả cuối cùng gọi là Đắc Đạo, tức là Gặp Được, hay tìm ra được Thủ Phạm gây ra SINH LÃO BỆNH TỬ cũng như Cách Thức để không còn bị nó khống chế nữa, gọi là được Giải Thoát.

Đó là CON ĐƯỜNG TU HÀNH, THÀNH PHẬT của Đức Thích Ca. Như vậy, nếu chúng ta muốn bắt chước thì phải có cùng suy nghĩ giống như Đức Thích Ca, và hành động giống như Phật đã làm và thành công : .

a)- Phải thấy đời là KHỔ, sợ Khổ, rồi Phát tâm tu hành để Thoát Khổ.

b)-Phải biết rằng Đức Thích Ca đã đắc đạo bằng cách TÌM RA THỦ PHẠM ĐÃ XÂY NGÔI NHÀ SINH TỬ VÀ PHÁ NÁT VẬT LIỆU CỦA HẮN. Vậy nếu muốn Đắc Đạo như Dức Thích Ca thì bổn phận người đi sau như chúng ta phải tìm để hiểu : Kẻ XÂY NHÀ SINH TỬ là ai ? Ở đâu ? Vật liệu của hắn là gì ? Làm cách nào để phá nát để hắn không thể xây nhà Sinh tử cho ta được nữa ?

Theo Đức Thích Ca, KẺ XÂY NGÔI NHÀ SINH TỬ chính là CÁI TÂM MÊ. Vì Mê Lầm nên tưởng rằng Cái Thân Giả Tạm là Mình, nên ở trong đó rồi điều khiển Lục Căn làm những hành động sai quấy nhằm phục vụ cho Cái Thân, gọi là Tạo Nghiệp. Cũng chính vì tạo Nghiệp mà phải Luân Hồi để trả, làm thành vòng SINH TỬ LUÂN HỒI. Con người Sinh ra là để TRẢ Nghiệp đã gieo. Trong thời gian Trả Nghiệp cũ lại gieo thêm Nghiệp mới. Vì vậy, con người hết Sinh rồi Tử. Tử rồi lại Sinh, làm thành Vòng luân Hồi triền miên không dứt.

Tu Phật là để chấm dứt vòng Luân Hồi. Muốn chấm dứt thì phải biết điểm khởi đầuvà biết cách để kết thúc.

Theo Đức THÍCH CA, chính vì VÔ MINH nên làm thành một vòng gồm 12 Nhân Duyên kết hợp với nhau. (Do Vô Minh nên Hành, sinh Danh Sắc, Danh Sắc sinh lục Nhập. Lục Nhập sinh Xúc. Xúc sinh Thọ. Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu. Hữu sinh Lão Tử. Mấu chốt chính là VÔ MINH. Do không sáng suốt hay Mê Lầm nên hành động làm thành một chuỗi để ràng buộc con người vào những gì mắt thấy, tai nghe, sinh ham thích, muốn sở hữu Cái Thân và làm mọi hành vi tốt hay xấu cũng chỉ để thỏa mãn Lục Căn. Cuối cùng là Già, Bệnh và Chết. Người muốn tu theo Đạo Phật để được Giải Thoát thì phải nương theo hướng dẫn của Đạo Phật để Quán Sát, Tư Duy, biết rõ về THÂN, TÂM, PHÁP. Phân biệt Giả, Chân, để bỏ GIẢ, về CHÂN hay Kinh gọi là “Phản Vọng, Quy Chân” , ngưng tạo Nghiệp, lúc đó sẽ được Giải Thoát.

Muốn Giải Thoát thì phải biết điều gì đã ràng buộc. Mọi Khổ đau, ràng buộc, Sinh Tử đểu xuất phát từ Cái THÂN. Chính vì vậy người tu Phật được dạy cho quán sát Cái Thân để thấy : Từ thời xa xưa, mọi người đều cho rằng số phận của mỗi con người được đưa vào đời, phải Sống, phải chịu bao nhiêu đau khổ vùi dập là do Thượng Đế hay một vị Thần Linh tối cao nào đó quyết định, con người chỉ có thể cúng kiến, van vái để được nương tay. Vì thế mà có nhiều Tôn Giáo. Mỗi Tôn Giáo tôn thờ vị Giáo Chủ của mình để được che chở, phù hộ, cứu độ. Cho tới khi Thái Tử Sĩ Đạt Ta bỏ ra một thời gian dài để Quán Sát, Tư Duy, cuối cùng Ngài phát hiện ra là không phải Thượng Đế hay Thần Linh áp đặt cảnh sống tốt, xấu, nghèo, giàu, đẹp, xấu, thọ, yểu cho con người, mà do chính là do con người đã tự tạo ra bằng những hành vi trong kiếp vừa qua gọi là gieo NHÂN. Mà đã gieo NHÂN thì sẽ có QUẢ trả lại. NHÂN ÁC thì QUẢ ÁC. NHÂN THIỆN thì QUẢ LÀNH. Cũng chính vì có NHÂN QUẢ nên mới có LUÂN HỒI để thể hiện sự công bằng của vạn Pháp. Không có Thần Linh hay đấng tối cao nào cầm nắm vận mạng của con người, mà do mỗi người tự tạo nên không thể cầu xin bớt rủi, thêm may, mà mỗi người tự gây NHÂN để có QUẢ, do đó, Đạo Phật còn có tên là Đạo NHÂN QUẢ vì dùng Nhân Quả để giáo hóa con người ngưng tạo Ác Nghiệp để khỏi phải bị đọa.

Thế nhưng, do những pháp sư nhiều thời qua đã không tuân thủ lời Phật dặn dò là chỉ những người Thấy Tánh hay Chứng Đắc mới được quyền giảng Pháp, mà họ cứ vô tu vài năm, học một số bài Phật Pháp là cứ thế mà ra giảng Pháp. Chính những người này đã biến Phật, Bồ Tát thành Thần Linh chuyên phù hộ, độ trì cho bá tánh. Biến Phật Tử thành những người chờ mong được cứu độ, không còn Tự Độ cho bản thân theo tinh thần của Đạo Phật chân chính nữa.

Chỉ riêng cái Phát Tâm thì chúng ta thấy : Đa phần Phát Tâm đi tu là vì mến mộ Đức Thích Ca hoặc muốn hy sinh cuộc đời để phụng sự Ngài, không hề biết gì về Sinh Tử cũng như muốn đi tìm cách thức để Giải Thoát hay tìmThủ Phạm đã XÂY NHÀ SINH TỬ như Đức Thích Ca. Do đó làm sao có được sự Chứng Đắc hay kết quả giống như Ngài ? PHƯƠNG TIỆN mà Đức Thích Ca đã dùng để Chứng Đắc cũng thế. Từng Pháp trong Đạo Phật đều được giải thích lý do phải Hành và kết quả hành giả sẽ đạt được. Giả sử có người cũng có mục đích là đi tìm cách để Thoát Khổ, nhưng lại không biết cách áp dụng những phương tiện thì e rằng khó mà đạt được mục đích. Đơn cử như NGỒI THIỀN. Ai cũng biết Đức Thích Ca đắc Đạo là nhờ 49 ngày đêm THIỀN ĐỊNH. Nhưng Kinh sách không có giải thích Đức Thích Ca đã làm gì trong thời gian tĩnh lặng đó. Vì thế, nhiều người cũng Ngồi THIỀN, nhưng trong lúc Ngồi thì thả hồn rong chơi các cõi, thì khác chi người vào rạp hát để xem phim ? Hoặc Ngồi Thiền mà Diệt hết ý nghĩ gọi là Diệt Tận Định thì khác gì người ngủ ngồi ? Không đi tìm CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT (ĐẠO) thì làm sao GẶP CON ĐƯỜNG đó để gọi là ĐẮC ĐẠO ? Rồi giả sử có người cũng đi tìm CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT, nhưng không có Kinh sách là bản đồ của Chư Vị giác Ngộ đi trước đã cắm sắn cột móc để đối chiếu, thì người đi sau biết mình đã đi tới đâu ? Hướng đó chính xác hay chưa ? Đâu là đích đến cuối cùng ?

Việc áp dụng những Hạnh của Đạo đối với người tu cũng thế. Không phải cứ Khổ Hạnh, hành Cái Thân cho nhiều là sẽ thành Đạo, mà phải biết chính xác là Phải Làm gì ? Làm như thế nào ?

Trường hợp Hành Hạnh ĐẦU ĐÀ. Dù phải Hành 13 Hạnh rất là khổ cực : “Hạnh Mặc Y Phấn tảo. Chỉ mặc 3 Y. Không có Y thứ 4. Phải đi Khất Thực đế ăn và chỉ ăn mỗi ngày 1 bữa. Phải đến từng nhà để Khất Thực, không phân biệt giàu nghèo. Hạnh ngồi ăn 1 lần. Đã đứng lên thì không được ngồi xuống ăn lại. Hạnh ăn bằng bát, không nhận bát thứ 2.Hạnh không nhận đồ ăn khi đã ăn xong. Hạnh Ở trong rừng, không ở trong làng xóm. Hạnh sống bên gốc cây, không ở trong nhà. Hạnh Ở giữa trời. Chỉ ở ngoài trời, không sống trong nhà hay dưới tán cây. Hạnh ở nghĩa địa. Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được. Hạnh ngồi không nằm. Khi ngủ cũng trong tư thế ngồi “ . Nhưng mục đích Hạnh Đầu Đà đã được giải thích rõ, chỉ là : “Trừ bỏ phiền não, trần cấu, cốt để tôi luyện thân tâm bằng cách diệt trừ lòng Tham trước đối với ba vấn đề thiết yếu của cuộc sống hàng ngày là : Cơm nước, Áo quần và chỗ ở”. Rõ ràng Hạnh Đầu Đà có tác dụng hạn chế sự đòi hỏi của Cái THân. Những liệu cái Thân chỉ cần có 3 thứ là Cơm nước, y phục và chỗ ở ? Và nó có chính là tác nhân đòi hỏi những điều đó, hay có một động lực nào ẩn sâu bên trong ? Muốn đạt Vô Thượng Bồ Đề chỉ cần làm chừng đó là đủ hay còn phải làm thêm Hạnh nào khác ?

1/- Qua những gì đã hành trì, và lời tuyên bố khi Chứng Đắc, ta thấy Đức Thích Ca không có trở thành Thần Linh, cũng không có đắc Thần Thông hay Phép mầu, mà chỉ gặp được THỦ PHẠM ĐÃ XÂY NÊN NGÔI NHÀ SINH TỬ và phá nát dụng cụ của hắn để hắn không còn xây nhà được nữa mà thôi.

2/- Thành Phật không phải là trở thành Thần Linh. Vì thế, Phật không thể cứu độ được cho ai. ĐẠO PHẬT Ngài mở ra cũng thế. Chỉ “Độ” cho những ai muốn được Thoát Khổ bằng cách đưa ra Giáo Pháp để họ tự mình hành trì theo đó để tự Giải Thoát, gọi là TỰ ĐỘ.

Như vậy, người muốn được Thoát Sinh Tử phải Phát Tâm tu hành.

Nhưng không phải cứ Phát Tâm tu hành rồi bắt đầu từ đâu cũng được. Có một số căn bản mà người tu Phật nào cũng phải thực hành. Đó là VĂN-TƯ-TU, GIỚI-ĐINH-HUỆ và BÁT CHÁNH ĐẠO, tức là lúc nào cũng phải giữ đầy đủ GIỚI, đi trong BÁT CHÁNH ĐẠO, song song theo đó là VĂN, TƯ rồi mới Tu, tức là nghe Pháp hay đọc Kinh là đọc những hướng dẫn của Chư Vị Giác Ngộ đi trước, rồi tư duy để tìm ý nghĩa đúng, sau đó mới đưa vào thực hành.

Sau khi NGHE PHÁP hay ĐỌC KINH gọi là VĂN thì phải Tư Duy. Tư Duy quan trọng đến nỗi Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN dạy : “Dù có người trải qua vô lượng vô số kiếp chuyên tâm thính pháp. Nhưng nếu không Tư Duy thì trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề”. Vậy VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ có nghĩa như thế nào ? BỒ ĐỀ được dịch là Tỉnh, Giác Ngộ. Đạt Vô Thượng Bồ Đề là đạt được sự Tỉnh Thức hay Giác Ngộ.

Nhưng Giác Ngộ là để Biết những gì ?

Đó là không phải biết trước biết sau như Thần Thông mà là Biết tất cả những gì liên quan đến CÁI THÂN và cách thức hành trì để được Giải Thoát. Kinh Lăng Nghiêm dạy : “Giải Thoát hay triền phược đồng do Sáu Căn. Được Chứng Thánh hay đọa làm phàm cũng bởi Sáu Căn chớ không có con đường nào khác” .

Sáu Căn tức Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý. Từ bao đời, mọi người đều nghĩ mình chính là CÁI THÂN, và cho rằng dù lúc sống có sướng, khổ, hay làm bất cứ hành vi nào, Thiện hay Ác, thì khi Chết là kể như chấm dứt. Nhờ Đạo Phật hướng dẫn, chúng ta mới biết, cái Chết chỉ là sự kết thúc của Cái THÂN. Cái CHÂN TÁNH không có chết theo nó, và những gì mọi người đã làm trong suốt kiếp vừa qua không hề tan biến theo cái Thân, mà được lưu giữ bởi một ký ức vô hình, vô ảnh sẽ đi theo mỗi người đến một kiếp mới, gọi là Luân Hồi. Điều đó tuy không thể chứng minh, nhưng nó hiện diện trên cuộc sống mà mọi người đều có thể nhìn thấy qua sự khác biệt của từng cá nhân trong xã hội, mà chỉ có NHÂN QUẢ mới cho được lời giải thích hợp lý. Bởi tại sao có người được sinh trong giàu sang, nhung lụa. Người thì rơi vào cảnh khốn khổ. Kẻ đẹp, người xấu, kẻ thọ, người yểu, người đần độn, kẻ thông minh… không ai giống ai. Mọi người đều cho rằng “Thượng Đế công bình vô cùng” . Do đó, không thể nào có việc Thượng Đế sắp xếp để thử thách người này mà lại bất công với người khác, chỉ có thể tin rằng tất cả những sự dị biệt mà người được hưởng phúc, kẻ bị đọa đày là do kết quả của chính họ đã làm trong kiếp vừa qua mới công bằng và hợp lý, không ai có thể phản bác được.

Theo đó, cái Thân mà mỗi chúng ta đang sở hữu cũng chỉ là cái THÂN NGHIỆP, ứng hiện ra đây là để TRẢ những NGHIỆP tốt hay xấu đã làm trong kiếp trước. Nếu kiếp trước làm những Thiện Nghiệp thì sẽ được Hưởng phước. Ngược lại, nếu tạo Ác Nghiệp thì sẽ bị đọa.

Có THÂN là có KHỔ. Theo Phật dạy, tất cả những nỗi Khổ hay mỗi người gây tạo Nghiệp chướng là DO CHẤP CÁI THÂN NGHIỆP QUẢ, GIẢ TẠM CHO ĐÓ LÀ MÌNH. Cái Chấp này là do VÔ MINH, tức là Mê lầm hay Thiếu Sáng suốt. Chính vì cho rằng Cái THÂN TỨ ĐẠI là MÌNH nên tìm mọi cách để cung phụng cho những nhu cầu của nó. Lẽ ra, nó chỉ cần ăn đủ no, mặc đủ ấm, có mái nhà để che mưa, núp nắng là được rồi. Nhưng con người quá chiều theo sự đòi hỏi của Cái Thân rồi tìm mọi cách cung phụng cho nó đôi khi quá mức cần thiết và ngoài khả năng đến độ phải tranh giành, lừa đảo để có được những thứ yêu thích. Trong khi đó, nó không phải là THẬT MÌNH (CHÂN NGÃ). Do đó, người tu cần tìm cho được CÁI BỔN THỂ TÂM hay CHÂN TÁNH. Đó mới là CHÂN NGÃ. Tìm được cái CHÂN NGÃ rồi thì sẽ không còn CHẤP cái THÂN hư dối để tiếp tục làm nô lệ cho nó, mà lấy lại quyền làm Chủ, bắt nó phải theo ý mình, lo tu hành và không còn TẠO NGHIỆP để tiếp tục trôi lăn trong SINH TỬ LUÂN HỒI nữa.

Không phải chỉ cần nghe giảng hay đọc Kinh rồi chấp nhận lý lẽ của Phật hay Kinh sách là đủ. Vì đó là kết quả Quán Sát, Tư Duy của người đi trước. Chúng ta cần phải Tư Duy để có cái hiểu cho bản thân về những điều cần hiểu, cần hành trên con đường tu hành.

Tư duy là suy nghĩ, tìm hiểu, khảo sát cho kỹ trước khi bắt tay vào thực hành hay thực hiện một dự án. Càng khảo sát kỹ thì càng ít gặp trở ngại hay đỡ phí thì giờ chừng đó. Chưa hiểu rõ mục đích tu hành của Đạo Phật thì làm sao áp dụng Phương Tiện ? Do đó, trước khi xử dụng PHƯƠNG TIỆN thì ngưỜi tu phải nắm vững Giáo Pháp của ĐẠO PHẬT. Vì có nắm vững Giáo pháp thì mới có thể áp dụng Phương Tiện để đạt kết quả. Thí dụ chúng ta nghe nói Đạo Phật là Đạo Giải Thoát mà không hiểu điều gì đã ràng buộc và cách thức để tháo gỡ thì chúng ta sẽ Hành những gì ? Hành cách nào ?

Cũng nhờ Tư Duy mà hiểu rõ về Cái Thân, nên cắt đi sự luyến ái đối với nó và những gì mà nó đeo bám từ trước đến nay là Danh, Lợi, Tình, tiền bạc, vật chất. Vì từ xưa đến nay những thứ đó là những thứ con người ham thích rồi tạo Nghiệp. Biết thủ phạm của mọi việc tốt hay xấu không phải do cái Thân, mà do cái TÂM MÊ thì phải tập trung để tìm Nó, vì Nó mới là chủ Tướng. Muốn chiếm thành thì phải khống chế chủ tướng, không cần bắt những tên lính gác thành. Đó chính là lý do về sau Đạo Phật không bắt người tu phải theo Hạnh Đầu Đà, vì cái Thân tuy tạo ra bao nhiêu Nghiệp chướng, nhưng lỗi không phải do nó, mà do Cái TÂM MÊ đã điều khiển nó. Vì thế không cần thiết phải hành hạ Cái Thân vì ba lý do :

1/- Thủ phạm điều khiển Lục Căn gây tội hay tạo Nghiệp là CÁI TÂM MÊ. Cái Thân chỉ là tai sai của nó mà thôi. Như vậy cái cần tìm để khống chế là CÁI TÂM MÊ. Cái Thân không phải là tội đồ, nên không cần hành hạ nó.

2/- Phật dạy “Nhân thân nan đắc”. Thân người rất khó được. Vì vậy, người tu rất cần giữ Cái Thân như người làm nghề giữ phương tiện để hành nghề. Vì từ lúc Phát Tâm cho đến khi tu hành thành tựu thì lúc nào cũng phải có sự trợ giúp của nó. Nhờ có Mắt mà đọc được Kinh sách, những bài giảng của Chư vị Giác Ngộ đi trước. Có Tai mới nghe những lời dạy của các bậc Thiện Tri Thức để biết những gì nên làm, nên bỏ, rồi nhờ có Thân mới thực hiện được. Cái Thân vốn mong manh, mà hành hạ nó, bắt nó chịu đựng sương gió. Ở trong nghĩa địa hay nhà hoang, xa cách con người, chung quanh không có ai, rủi nó bị cơn gió độc hay bị rắn rết, côn trùng độc làm hại, làm sao nhờ giúp đỡ kịp thời ? Mất cái Thân rồi thì lấy gì mà học hỏi, tu hành ? Do vậy mà từ xưa người tu Phật không buộc phải hành HẠNH ĐẦU ĐÀ nữa.

Kinh Đại Bát Niết Bàn ví cái Thân như thây ma mà người tu như người rớt giữa biển nhờ ôm thây ma mà lội được vô bờ, thoát chết. Chính nó góp công không nhỏ cho việc tu hành, là ân nhân, là hộ pháp giúp cho người tu từ lúc bắt đầu Phát Tâm cho đến khi thành tựu. Cho nên người tu không nên ngược đãi nó. Khi còn là phàm phu thì Lục Căn là Lục Tặc. Sau khi Cái Tâm được chuyển hóa Lục Căn sẽ trở thành Lục Hộ Pháp mà ta thấy Tượng Đức Di Lặc có 6 đứa bé trèo leo đùa giỡn quanh người, ví cho người tu với Lục Căn đã được thuần hóa, trở thành Sáu đứa trẻ con vô hại.

3/- Để đạt mục đích tu hành thì chỉ cần PHÁ MÊ cho Cái Tâm. Khi Cái Tâm đã hêt MÊ rồi thì nó không còn sai Lục Căn tạo Nghiệp nữa. Do đó tu Phật được gọi là TU TÂM. Hình tướng không cần thiết cho việc tu hành, vì chỉ để người ngoài nhìn vào phân biệt mà thôi. Do đó cũng không cần phải cạo tóc, đắp Y, mang bình bát, và bỏ hết mọi ngành nghề đã được đào tạo, nếu ngành nghề đó không vi phạm Giới Cấm của Đạo Phật mà lại có ích cho xã hội. Đạo Phật được gọi là Đạo Nhân Quả, thì ta nghĩ sao khi ta tu thì chỉ để cho mình nhờ, mà bắt người khác phải cung dưỡng để cho mình rảnh rang mà tu hành ? Đó là món nợ không trả kiếp này cũng kiếp khác, nhưng nhiều lớp tu hành thời trước không nghĩ tới. Vì vậy, việc chờ mọi người cũng dưỡng cũng nên xét lại. Chẳng lẽ mọi người không cung dưỡng, hay không được đi Khất Thực để sống thì ta không tu ?

Sau khi Phá Mê cho Cái Tâm. Biến nó từ VỌNG TÂM trở lại với CHÂN TÂM rồi, thì giống như Tranh Thập Mục Ngưu Đồ mô tả : Con trâu Tâm đã được thuần hóa, nên nó không còn đi phá lúa mạ nữa. Người tu sẽ “thỏng tay vào chợ”, tức là sẽ được ung dung sống giữa vạn pháp mà không còn bị vùi dập. Được như Hoa Sen, dù sinh ra ra từ bùn, mà bùn không còn làm ô nhiễm được nữa. Đó là lý do Đạo Phật dùng Hoa Sen làm biểu tượng. Từ đó người tu sẽ không còn bị phiền não khủng bố mà được an vui, hạnh phúc giữa cuộc đời gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn.

Nhưng dù đã làm xong cho mình thì việc tu hành chưa dừng ở đó. Đạo Phật dặn dò người làm xong cho mình thì có nhiệm vụ “Mồi ngọn Vô Tận Đăng”, tức là phổ biến ánh sáng Chân Lý Giải Thoát đến với mọi người, để tất cả đều Thoát Khổ, được hạnh phúc, an vui trong kiếp sống. Ngoài ra, người tu còn phải ĐỀN TỨ ÂN, gồm Ân Cha Mẹ, Ân Đất nước, Ân Phật, Ân Thầy, Ân Chúng Sinh. Với cha mẹ thì phải phụng dưỡng, giúp đỡ họ trong lúc tuổi già, sức yếu. Với Ân Phật, Ân Thầy thì phải mồi ngọn Vô Tận Đăng. Với đất nước thì học hỏi khoa học, kỹ thuật hoặc tùy khả năng của mình mà góp phần xây dựng, chung tay với Chư Vị Giác Ngộ tát cạn vực nước mắt của Chúng Sinh để biến trần gian đầy đau khổ thành Phật Quốc.

Thoạt nhìn, có vẻ như Đạo Phật dạy người tu chê thế gian là ô trược và xui mọi người rời bỏ thế gian. Nhưng rõ ràng thế gian đâu có lỗi gì với con người ? Ngược lại cuộc đời vẫn vô tư phục vụ cho con người. Hết đêm đến ngày. Hết mưa lại nắng. Trời thì rộng thênh thang, đất thì bao la bát ngát. Núi non hung vĩ. Thách ghềnh uốn lượn. Thủy triều lên xuống. Sông đưa nước tưới vườn tược. Mưa nắng điều hòa để cây cối bốn mùa xanh tốt. Hoa đẹp, trái ngon, lúa thóc đầy đồng. Chỉ cần con người vun trồng là mọi thứ đều phong phú, đủ nuôi sống tất cả. Mọi người trong xã hội vẫn làm nhiều ngành nghề để bổ sung cho nhau và để phục vụ cuộc sống cho con người. Nếu con người không tranh giành, tàn phá thiên nhiên và sát hại, tranh chấp lẩn nhau thì cuộc sống tốt đẹp biết bao nhiêu ?

Nhưng con người đã tham lam vô độ. Lúc nào cũng muốn vơ hết những thứ tốt đẹp về cho mình. Dùng không hết thì tích lũy. Giang sơn đã rộng bao la còn muốn mở mang bờ cõi rồi nước mạnh đi xâm lăng nước yếu. Người có thế lực bức hiếp người yếu thế. Người lưu manh đi lừa người thật thà. Người giàu bóc lột người nghèo, làm cho cuộc sống xáo trộn, nhiều người uất ức, oán hờn, đau khổ. Do đó, Đức Thích Ca vì thương con người mới phương tiện hứa Quả Vị. Nói Địa Ngục, Niết Bàn. Nói về Chư Phật, Chư Bồ Tát. Rồi nào Niết Bàn, là Phật Quốc ở Đông Phương, rồi Tây Phương Cực Lạc có vô số thứ vàng, ngọc, pha lê, trân châu, mã nảo là những thứ quý giá mà ai cũng thích, để người muốn làm Thánh, làm Phật chịu đánh đổi, chịu bỏ những tật xấu đã ôm giữ từ bao đời. Do đó, người tu nói rằng bỏ đời, nhưng chỉ là những Tham, Sân, Si, nghi, mạn, thương, ghét, cải tạo, giáo hóa những thứ được gọi là Chúng Sinh nơi Tâm. Nhờ vậy mà cuộc đời bớt xáo trộn hơn.

Mỗi người lo thu thúc Lục Căn, lo giáo hóa Tâm mình. Không hơn thua, giận hờn, tranh giành, gây hấn với ai. Không Tham Lam, không Sân Si với người khác, trái lại còn Từ, Bi, Hỉ, Xả, giúp đỡ những người chung quanh, thì không chỉ cuộc sống của bản thân được an vui, hạnh phúc, mà môi trường chung quanh cũng được an lành. Không còn cảnh người bức hiếp người nên cũng không còn nước mắt khổ đau. Mọi người yêu thương, giúp đỡ nhau để có cuộc sống bình an cho đến hết kiếp

Không những không hơn thua với bên ngoài mà người tu còn quay vào “Diệt Độ”, Điều phục hay giáo hóa chúng sinh trong Tâm, gọi là ĐỘ SINH. Người làm công việc Độ Sinh gọi là làm “Hạnh Bồ Tát”. Cứu Độ được một chúng sinh, làm cho nó hết phiền não gọi là “Cúng dường một vị Phật”. Do đó, một đời tu hành Bồ Tát sẽ “Cúng dường vô số ức Đức Phật”. Với cuộc sống ung dung, tự tại, không còn phiền não, không phải là Niết Bàn tại thế hay sao, đâu cần phải vọng về Niết Bàn của Phật nào khác ?

Tóm lại, Giáo Pháp của Đạo Phật dù dùng rất nhiều phương tiện. Nói Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Quả Vị, Chư Phật, Chư Bồ Tát, Phật Quốc, Niết Bàn ở Đông Phương, Tây Phương.. Người tu tưởng chừng tu hành xong sẽ thành Thánh, thành Phật, thành Vô Thượng Bồ Đề… Nhưng rốt cuộc chỉ là để con người trở thành một con người đúng nghĩa : Nhân từ, đạo đức, khiêm tốn, hiền lương, biết kính trọng, yêu thương, giúp đỡ mọi người, và không tạo ác Nghiệp để cuộc sống của bản thân và những người chung quanh được hạnh phúc, an vui.

Kinh Tả Phật có 32 Tướng tốt, Tám mươi vẻ đẹp, làm những người Nhị Thừa càng thêm mến mộ rồi theo những Tướng Tốt đó mà tạc tượng để thờ. Không ngờ những Tướng đó mỗi người phải quay vào Tạc nơi Tâm, tức là nơi Phật của bản Tâm mỗi người. Kinh viết : “MỖI TƯỚNG TỐT ĐỀU LÀ KẾT QUẢ CỦA SỰ TU DIỆU HẠNH CỦA BỒ TÁT TỪ LÚC MỚI PHÁT TÂM BỒ ĐỀ KIÊN CỐ CHO ĐẾN KHI ĐƯỢC ThàNH ĐẠO VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ”.

Đó chỉ là những việc mỗi người phải tự hành trì nơi Tâm cũng như đối xử với những người bên ngoài như : “Giữ Giới. Cúng dường Hòa Thượng, Sư trưởng và những bậc có đức. Không mang lòng làm hại. Không có ý tưởng cưỡng đoạt. Dẹp bỏ lòng kiêu mạn. Thấy cha mẹ hay bậc Sư Trưởng thì đến chào, sửa đặt tòa ngồi, cung kính lễ bái.. Dùng Tứ Nhiếp Pháp giúp đỡ chúng sinh. Dùng các thứ dầu thơm tắm gội cho cha mẹ, Sư trưởng và những bậc có đức. Ba Nghiêp thanh tịnh. Khám bệnh, phát thuốc. Phá trừ lòng kiêu ngạo. Ăn uống có chừng mực. Giảng hòa những cuộc tranh chấp. Từ, Bi, Hỉ, Xả. Nói những lời chân thật. Giúp đỡ người thiếu thốn”.. Toàn là những cách cư xử giữa con người với nhau mà thôi.

Tất cả được nhấn mạnh vào TRÌ GIỚI và TINH TẤN. Kinh viết : “Nếu không chịu Trì Giới và Tinh Tấn thì đến thân người còn chẳng được làm nói chi đến Ba Mươi Hai Tướng”.

Tóm tắt Con đường Tu Phật có 3 giai đoạn :

Giai đoạn thứ nhất gồm :

a) - Biết Khổ, Sợ Khổ rồi Phát Tâm tu hành để Giải Thoát.

b) - Áp dụng Phương Tiện của Đạo Phật gồm VĂN TƯ TU – GIỚI ĐỊNH HUỆ - BÁT CHÁNH ĐẠO.

c) - Tìm Cái Bổn Thể Tâm hay CHÂN TÁNH.

Giai đoạn thứ hai : Quay vô Tâm để làm công việc Độ Sinh.

Giai đoạn thứ ba :

a) - Đền Tứ Ân. Mồi ngọn Vô Tận Đăng.

b) - Hành những Hạnh để có những Tướng Tốt của Phật.

Con đường tu Phật tưởng là lớn lao. Xuất Gia tu hành nghĩ là để “Cứu Độ Chúng Sinh”, không ngờ chỉ để cứu độ chính bản thân người tu. Kết quả chỉ là được Giải Thoát , hết Khổ, hết Phiền Não, đâu có thành ông Thánh, ông Phật nào mà xưng danh để mọi người tôn kính ? Có lẽ vì vậy mà từ sau Chư Tổ không ai khoe khoang Chứng Đắc hay Thành Phật, vì Thành Phật cũng chỉ là thành tựu công việc Giải Thoát cho bản thân hết Khổ, đâu có làm ích lợi gì cho ai khác mà khua chuông, gióng trống ? Chỉ có những người không thật sự chứng đắc mới khoe khoang, mục đích là để mưu cầu danh, lợi mà thôi.

Việc tu hành cũng đâu có đòi hỏi phải độc thân hay ở trong Chùa mới có thể tu ? Vì tu Phật chỉ là để được Thoát Khổ, mà ở địa vị nào, tuổi tác bao nhiêu, nam hay nữ, làm bất cứ ngành nghề, độc thân hay có gia đình, sang hay hèn, trí thức hay tiện dân ai mà không Khổ ? Chỉ cần muốn Thoát Khổ rồi nương hướng dẫn của Đạo Phật mà hành thì do sức tinh tấn mà có kết quả nhanh hay chậm, đâu có phân biệt ? Có vậy thì Đạo Phật mới đồng độ được cho tất cả mọi người.

Thật ra tu hành theo đúng theo Chánh Pháp thì chỉ cần quay vào TÂM đê tu sửa gọi là TU TÂM. Không cần hình tướng. Không cần cả y phục, vì những thứ đó chỉ để người ngoài biết đó là người tu. Ý thức Nhân Quả nên tự tu, tự kiếm tiền để nuôi thân mà tu hành, vì Đạo Phật đâu có cấm người tu hành làm ăn chân chính, miễn là không Phạm Giới Cấm ? Người tu chỉ quay vào tu sửa Thân Tâm và sống cuộc sống như mọi người bình thường trong xã hội. Vẫn tiếp tục công việc như trước. Do đó, người ngoài nhìn vào không thể phân biệt được, và họ cũng không cần ai biết mình đang tu hành, vì họ đâu cần ai cung dưỡng hay tôn trọng, gọi là Tu Vô Tướng. Có như vậy thì Đạo Phật mới không bị giới hạn để phổ cập cho tất cả mọi thành phần trong xã hội được.

Nhưng cũng nhờ Tu Sĩ Minh Tuệ với Hạnh Đầu Đà và Y Phấn Tảo nổi bật mà thế giới biết Việt Nam có bậc chân tu. Người dám bỏ đời, sống cuộc sống du phương. Đi khất thực để ăn. Không chứa bất cứ gì, thì dù chưa phải là Phật cũng đã vào hàng Thánh Nhân. Chấp nhận vì đạo mà “bỏ được việc khó bỏ” mà không cầu Danh cũng chẳng cầu Lợi, thì đã đầy đủ BI, TRÍ, DŨNG, nếu không phải là người đã tu hành nhiều kiếp chắc khó thể thực hành hạnh này một cách kiên định. Nước ta may mắn có được vị chân tu như thế.

KINH dạy : “Người Ngồi Thiền với cái Tâm an định, thì sẽ có Thần Thông, biết trước nhiều việc sắp diễn ra”. Chính vì vậy mà từ khá lâu mà nhiều vị tu hành ở nhiều nước khác đã đoán trước Việt Nam có Vị Giác Ngộ ra đời, vì thế họ chờ đợi được gặp cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì không phải lúc nào cũng có cơ hội được sinh cùng thời với bậc Chân tu. Tiên đoán của họ đã ứng nghiệm qua sự xuất hiện của Tu Sĩ Minh Tuệ, một hiện tượng hiếm thấy trong giới tu hành, lâu lắm mới xuất hiện.

Có điều phải nói là dân mình do quá nhiều đời bị chồng mê. Nghĩ rằng việc tu hành chỉ dành riêng cho những bậc nào đó, mình không có khả năng, nên chen chúc nhau đến để đảnh lễ để tỏ lòng kính trọng và cầu phúc. Họ không biết rằng người tu không có phép mầu hay phước đức gì để ban bố cho người khác, nên không cần phải “mang Phật ra mà lạy Phật”. Rồi cũng do ảnh hưởng của Chùa chiền, nên thay vì trước đây mang của cải đến Chùa để Cúng Dường, thì đổ dồn về quê hương của Tu Sĩ Minh Tuệ. Họ quen Bố Thí kiểu đầu tư, “phước báo sẽ trả lại gấp trăm, gấp nghìn lần”, nên chọn đối tượng là người tu hành để Bố Thí. Không biết rằng nếu Bố Thí với cái Tâm bình đẳng, Bố Thí mà không cần phước báo trả lại, thì đó mới Chân Bố Thí.

Sự xuất hiện của vị Chân Tu ở đất nước ta là một điềm lành. Hy vọng Tu Sĩ Minh Tuệ sẽ khơi dậy lòng mộ đạo của dân mình, để nhiều người cũng sẽ phát tâm tu hành. Nhưng không phải “Y NHÂN”, là bắt chước mặc y nhiều màu và ôm ruột nồi cơm điện đi lang thang, mà “Y PHÁP” của Đức Thích Ca : quay vào Tâm để tu sửa. Bỏ đi Tham, Sân, Si, thương ghét vẫn ôm giữ trong Tâm từ bao đời. Thay vì trước kia hơn thua, ganh tỵ, tranh giành rồi vùi dập hay tìm cách bóc lột nhau, thì mọi người sẽ Từ, Bi, Hỉ, Xả, yêu thương và san sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống. Người giàu nâng đỡ người nghèo. Người có điều kiện mở lòng với người thiếu thốn. Bậc lãnh đạo thì biết thương dân. Không áp đặt sưu cao, thuế nặng. Người dân thì tuân thủ pháp luật, lo làm ăn lương thiện. Xã hội ổn định. Mọi người hiền hòa, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để khắp nơi không còn cảnh bất công, áp bức, đau khổ, mọi người được hạnh phúc, an vui. Như vậy mới đúng ý nguyện của Đức Thích Ca mong mỏi khi lập Đạo vậy.

Tháng 8/2024




VVM.15.9.2024.