Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




ĐI TÌM DẤU VẾT MỘT VƯƠNG TRIỀU




     B iết tôi đang chờ hạ cánh, Ban liên lạc họ Mạc Việt Nam giao cho tôi tổ chức thực hiện bộ phim tài liệu về Vương triều Mạc và dòng họ Mạc.

Mặc dù gần hai chục năm nay đã tham gia việc họ, nghiên cứu lịch sử nhà Mạc và quá trình phục hưng của dòng họ Mạc, đã viết xong kịch bản, coi như một bản tổng kết toàn diện về nhà Mạc và họ Mạc nhưng quả thật đây là việc vô cùng nan giải.

Thứ nhất, tổ chức làm một bộ phim tài liệu lịch sử lớn với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách Giám đốc một hãng phim như tôi vẫn làm trước đây. Nghĩa là tự mình phải lo hết mọi việc từ A đến Z, từ khâu huy động tiền nong tới khâu nhân sự, kế hoạch và phút cuối cùng thì phải kiêm đạo diễn luôn.

Thứ hai, làm phim lịch sử đã khó , phim về nhà Mạc còn khó hơn nhiều lần. Vì tất cả các di tích của nhà Mạc đều đã bị quân đội Lê Trịnh tàn phá ngay từ năm 1592, dấu vết còn lại thì lại tiếp tục bị hủy hoại trong hơn 400 năm sau. Về thư tịch thì tất cả văn bản nhà Mạc trong vòng 160 năm , ở Thăng Long 65 năm, ở Cao Bằng 93 năm , đều bị thiêu hủy . Nghĩa là sự thật của Vương triều Mạc và dòng họ Mạc chỉ là những trang sách trắng…Trong khi đó, các sử quan nhà Lê với sự thâm thù, với quan điểm Nho giáo chính thống, bảo thủ và theo lệnh của các vua Lê – chúa Trịnh cố tình xuyên tạc ,hạ thấp những thành quả Nhà Mạc đã đóng góp cho đất nước và bôi nhọ bằng những từ như cướp ngôi, thoán đoạt, bán nước…

Điều đáng buồn là cái luận điệu ấy lại được nhiều sử gia của triều Nguyễn, của thời đại mới, mà cho đến tận hôm nay vẫn còn một số người tiếp tục ca hát lại…Vì thế trong suốt 400 năm, hiểu biết về nhà Mạc bị trùm trong màn đêm, con cháu họ Mạc và những trung thần của nhà Mạc bị săn đuổi ,truy lùng, bị sỉ nhục, bị phân biệt đối xử. Chỉ từ khi có đường lối đổi mới cuả Đảng,việc đánh giá vai trò nhà Mạc mới được phân minh, công khai, công bằng trên phương diện khoa học, trên diễn đàn quốc gia, trên bộ Lịch sử mới của đất nước mười lăm tập mới xuất bản năm vừa rồi. Nhưng trong tiềm thức nhiều người ,trong đó có cả con cháu họ Mạc, định kiến chưa phải đã được gột rửa hết ngay.

Trong các cuộc gặp gỡ các giáo sư đầu ngành sử học,văn hóa ,ông Vũ Khiêu, ông Phan Huy Lê, ông Văn Tạo, ông Mạc Đường, ông Nguyễn Huệ Chi, ông Trần Lâm Biền, ông Đinh Khắc Thuân… những người từ rất sớm đã nhiệt tình mạnh dạn chiêu tuyết cho nhà Mạc tôi đều được động viên nên cố gắng chuyển hóa những gì các ông đã nói ,đã làm về nhà Mạc thành ngôn ngữ điện ảnh.

Cuối cùng sau rất nhiều trục trặc, đoàn phim của tôi cũng đã lên đường.

Buổi khởi quay, tôi chọn nhà ông cố Trưởng ban liên lạc họ Mạc tại nhà D2 khu tập thể Nguyễn Công Trứ Hà Nội. Bùi Trần Chuyên là Trưởng tộc của chi họ Bùi Trần ở Quất Động, Thường Tín Hà tây . Khi có loạn bà Bùi thị Ban , thứ phi của vua Mạc Phúc Hải đem con trai là Mạc Phúc Đăng về quê ngoại ở Quất Động ẩn tích, đổi họ thành họ Bùi, ghép thêm họ Trần của bà nội là Trần Thị ,Hoàng hậu vua Thái tông Mạc Đăng Doanh. Sau, hậu duệ là Bùi Quốc Khái đỗ Tiến sĩ năm 1637 ,đi sứ Trung Quốc đã mang nghề thêu, nghề lọng về dậy cho dân trong vùng, dược tôn vinh là Ông tổ nghề thêu , lọng Việt Nam. Ông Chuyên từng làm Bí thư các huyện Hoài Đức , Mê Linh,Hiệu trưởng Trường Đảng Lê Hồng Phong. Sau khi nghỉ hưu ông đã dốc hết công sức nghiên cứu, chắp nối, phục hôì dòng họ. Năm 2000, trước khi mất ông di chúc lại cho con cháu, anh em :

Ta là con cháu họ Mạc,phải rửa được cho họ Mạc bị bôi nhọ là bán nước ( lời của Trần Trọng Kim…).Tôi mong muốn đầu tiên với họ Mạc là tất cả con cháu phải rửa cho được cái nhục bị biếm nhục, bôi nhọ là cướp ngôi nhà Lê. Tôi vẫn nuôi kì vọng cùng Ban liên lạc đến năm 2000 thì vận động được các nhà sử học có lương tâm và Bộ Giáo dục biên soạn lại sách giáo khoa đánh giá đúng nhà Mạc như thực tế lịch sử đã diễn ra.

Thôn Lũng Động nay thuộc xã Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương nằm bên bờ phải sông Kinh Thầy, ngay đầu cầu Bình trên đường 183 đi Chí Linh. Từ rất lâu, tổ tiên họ Mạc đã đến cư trú tại Lũng Động và phát tích đường khoa bảng ở đây.

Năm Bính Dần 1086, có Mạc Hiển Tích đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ, tức là đỗ đầu hàng Tiến sĩ tương đương như Trạng nguyên sau này, được bổ làm Hàn lâm viện học sĩ, Thượng thư Bộ Lại, đi sứ Chiêm Thành năm 1094. Em ruột Mạc Hiển Tích là Mạc Kiến Quan đỗ Tiến sĩ cùng khóa với anh làm đến Thượng thư dưới triều Lý Nhân tông.

Đến đời Trần, năm 1304 hậu duệ của Mạc Hiển Tích là Mạc Đĩnh Chi lại đỗ Trạng nguyên. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ ,đi sứ Trung Quốc do đối đáp tài giỏi được Vua Nguyên phong là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Ông để lại một số tác phẩm thơ văn, trong đó có bài Ngọc tỉnh liên phú bất hủ và được dân gian truyền lại nhiều giai thoại về một vị quan thanh liêm, cương trực.

Đền thờ và lăng mộ Quan Trạng là di tích Văn hóa quốc gia nhưng chỉ mới được làm lại hơn một chục năm nay, những di tích khác thì đã bị tàn phá chỉ còn là gò đất hoang. Tại khu đền thờ Mạc Đĩnh Chi còn có một căn nhà nhỏ là đền thờ nữ anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi hậu duệ của chính chi họ Mạc Lũng Động .Trên đường Năm khi qua ngã ba rẽ vào Nam Sách thì thấy tượng bà mầu trắng ,cao lớn đứng trong khuôn viên Trường cao đẳng giao thông.

Ở Hải Dương chúng tôi còn phải quay Văn miếu Mao Điền,nơi ngày xưa là trung tâm đào tạo nhân tài cho Xứ Đông. Thời nhà Mạc đã mở bốn khoa thi Đình ở đây và nó được trở thành đứng đầu văn miếu hàng tỉnh. Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên năm 1535 tại Văn miếu Mao Điền.

Trong 65 năm ở Thăng Long và sau ở Cao Bằng gần 100 năm nữa, nhà Mạc đã đào tạo được số lượng tiến sỹ , trạng nguyên không kém gì nhà Lê. Điều quan trọng là các nho sĩ nhà Mạc được thổi vào cái tinh thần thời đại mới do Mạc Đăng Dung chủ xướng, không còn bị tín điều Nho giáo trói buộc nặng nề. Họ được bình quyền như nữ Tiến sỹ nho học duy nhất Nguyễn Thị Duệ trúng tuyển ở Cao Bằng. Họ được tự do hành xử như Nguyễn Dữ, Nguyễn Hàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, thích thì ra làm việc, không thích thì về ở ẩn…Họ được trọng dụng vào bộ máy quốc gia, được tin cậy giao phó những công việc quan trọng như Giáp Hải, như Nguyễn Bỉnh Đức, như Khuất Quỳnh Cửu, như Nguyễn Kính, Nguyễn Ngọc Liễn…Ý thức cá nhân con người cho họ sự tự do trong sáng tác, mang đến sự xuất hiện một nền văn học mới gắn liền với cuộc sống của nhân dân, xuất hiện những nhân vật mới của thời đại mới sẽ còn đi xa hơn trong tiến trình văn học dân tộc.

Chúng tôi đến làng gốm Chu Đậu xã Thái Tân, cùng trong huyện Nam Sách. Gọi là làng gốm theo như ngày xưa vậy chứ bây giờ ở Chu Đậu chỉ còn nghề dệt chiếu. Ở đầu làng có một xưởng gốm hiện đại do Công ty thương mại ở Hà Nội về dựng lên.

Nếu không biết được sự chết đi sống lại của làng gốm Chu Đậu cũng như nghề gốm Việt Nam thì không thấy hết được mức độ khốc liệt của cuộc chiến tranh giữa các nhà Mạc – Lê Trịnh như thế nào.

Vốn gốc Hải Dương xưa, gồm cả Hưng Yên ngày nay là vùng sản xuất gốm lớn, gốm thương phẩm xuất khẩu dưới thời nhà Mạc. Tất nhiên là nghề gốm ở nước ta đã có từ lâu nhưng các nhà nghiên cứu chứng minh là nghề gốm đạt đến thịnh vượng, tinh xảo dưới thời nhà Mạc. Hệ thống sản xuất gốm Hải Dương xưa bao gồm nhiều làng như:

Trạm Điền trải dài theo tả ngạn sông Thương thuộc xã Hưng Đạo huyện Chí Linh.

Vạn Yên cũng nằm bên tả ngạn sông Thương cách Trạm Điền 3km về phía Nam, cũng nằm trong xã Hưng Đạo chí linh.

Bãi Trụ Thượng chạy dài theo tả ngạn sông Kinh Thầy thuộc xã Đồng Lạc huyện Chí Linh.

Kiệt Đoài nằm ở tả ngạn sông Kinh Thầy xã Văn An huyện Chí Linh.

Làng gốm Linh Giàng cách Kiệt Đoài 3km về phía Tây.

Linh Xá ở hữu Ngạn sông Kinh Thầy,thuộc xã Nam Tân Nam Sách.

Chu Đậu , Mỹ Xá ở tả ngạn sông Thái Bình,xã Thái Tân Nam Sách.

Gốm Quao thuộc thôn Phì Mao,nay đổi là Lâm Xuyên,xã Phú Điền Nam Sách.

Phúc Lão tên nôm gọi là làng Láo ở hữu ngạn sông Kẻ Sặt thuộc xã Hùng Thắng huyện Cẩm Bình

Làng Ngói thuộc xã Hùng Thắng.

Làng Cậy gồm hai làng Hương gián, Cậy Gián thuộc xã Long Xuyên ,huyện Cẩm Bình.

Bá Thủy cách Cậy 1km về phía Đông,cũng thuộc Long Xuyên.

Hợp Lễ cũng thuộc Long Xuyên nằm trên hữu ngạn sông Đò Đáy một nhánh của sông Kẻ Sặt cách Bá Thủy 1,5km về phía Nam.

Xích Đằng tại khu vực Văn Miếu xã Lam Sơn, thị xã Hưng Yên.

Trong các làng gốm đó,có tiếng tăm nhất là làng gốm Chu Đậu . Bởi vì thời nhà Mạc, người sản xuất cũng như người đặt hàng được tự do khắc tên mình ,quê quán, niên đại sản xuất lên sản phẩm của mình mà các nhà khoa học gốm bây giờ gọi là Minh văn trên gốm. Gốm Chu Đậu có kĩ thuật tốt hơn, được đặt mua cung tiến cho nhiều đình chùa, được bán ra nhiều nước, được lưu giữ ở nhiều bảo tàng trên thế giới. Và chính nhờ các minh văn mà sau này người Tây của thời hiện nay biết được ở Việt Nam có Chu Đậu.

Chu Đậu ở tả ngạn sông Thái Bình.Từ Chu Đậu đến Trúc Sơn Chí Linh, Hổ Lao Đông Triều, Hoàng Thạch Kim Môn cách nhau từ 15-30km, nhưng nhờ có đường thủy nên chuyên chở nguyên vật liệu về rất thuận lợi. Từ Chu Đậu đi Vân Đồn, Cát Bà, An Quý, Minh Thị, Đò Mè những thương cảng ven biển lớn thời Mạc hoặc lên Phố Hiến ,Thăng long và các chợ trong châu thổ đều thuận tiện.

Một điều rất bí ẩn là hơn bốn trăm nay cái tên Chu Đậu biến mất trong sử sách , kí ức của dân tộc Việt . Gần như không ai biết nước mình đã có một làng gốm nổi tiếng trên thế giới. Mãi đến năm 1980, một người Nhật là ông Makoto Anabuki, từng làm việc ở Việt Nam và được đi nhiều nước, thấy ở Bảo tàng Topkapi ở thủ đô Istambul Thổ Nhĩ Kỳ có chiếc lọ gốm đẹp ,lại có dòng chữ đề Thái hòa bát niên, Nam Sách châu, Bùi Thị Hý bút. Ông Makoto viết thư cho lãnh đạo tỉnh Hải Hưng đánh thức rằng hình như dưới lòng đất tỉnh họ đang có vết tích một nghề gốm danh tiếng lưu truyền.

Lại mãi đến tháng 9 năm 1983, cán bộ nghiên cứu nghề cổ truyền về Chu Đậu, xin nhắc lại là không phải về Chu Đậu để nghiên cứu nghề gốm mà nghiên cứu nghề dệt chiếu cói. Chính những người dân ở Chu Đậu hôm nay hầu như không ai biết làng này đã từng có nghề làm gốm, họ chỉ biết nghề dệt chiếu! Các cán bộ phát hiện có những con kê bằng gốm hình vành khăn vất lăn lóc trong vườn hoặc dùng để kê đồ dệt chiếu và một số mảnh bát đĩa lạ mới mang về cơ quan xem xét. Tất nhiên là sự xem xét đã làm cho các cán bộ nghiên cứu ở Hải Dương sửng sốt. Và lại mãi đến tháng 4 -1986 người ta mới khai quật Chu Đậu. Kết quả thật bất ngờ với giới chuyên môn và cư dân Chu Đậu. Quả thật dưới lòng đất Chu Đậu đã phơi bày một vệt lịch sử huy hoàng, một quá khứ lẫy lừng. Bây giờ có lẽ không cần phải nói dài dòng về giá trị của gốm Chu Đậu nữa vì sau đó đầu những năm 90 người ta lại trục vớt hai con tàu đắm ở Cù Lao Chàm với hàng vạn đồ gốm Chu Đậu còn nguyên lành, báo chí trong và ngoài nước lại được dịp ồn ã ca tụng cái tên Chu Đậu với những cuộc đấu giá ở châu Âu, châu Mỹ.

Là người ngoại đạo về cả gốm và đồ cổ nhưng đã tìm hiểu về lịch sử nhà Mạc tôi không thể không băn khoăn với câu hỏi tại sao nghề gốm Chu Đậu lại biến mất một cách bí hiểm như vậy. Tại sao lại gọi là biến mất? Bởi vì hiện nay ở Bát Tràng và một vài nơi người ta vẫn còn làm gốm, ngay tại Chu Đậu đang có các lò gốm công nghiệp nhưng không thể nào người ta có thể tìm thấy cái hồn, cái tinh hoa men lam xám, các hoa văn Chu Đậu ngày xưa nữa.

Để hoàn thiện cảnh quay về Chu Đậu tôi phải về Hà Nội phỏng vấn ông Nguyễn Đình Chiến Phó Giáo sư – Tiến sĩ, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ông cho tôi đọc cuốn sách ‘’ Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn thế kỷ XV – XIX ‘’ và nói :Gọi là cả bốn năm thế kỷ nhưng phần lớn là đồ gốm của thời Mạc. Ở một bài báo trong thông báo khoa học của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ông kể rằng:

Tháng 6 năm 2007 bà Miriam Lambrecht ở Bảo tàng Hoàng gia Nghệ thuật và Lịch sử Brussels có gửi cho tôi 12 bức ảnh chụp về một chân đèn gốm lam xám thuộc trong số hiện vật hiếm quý của Clement Huet, loại men lam xám của Đặng Huyền Thông do Đặng Thiện Sĩ chế tạo.

Sau khi xem xét, tôi nghĩ Đặng Thiện Sĩ có thể chính là con cháu Đặng Huyền Thông đã tiếp tục mang tinh hoa của loại gốm này đi ra thế giới.

Niên đại của chiếc chân đèn được đoán định vào năm 1592 trước khi vùng Thanh Lâm trong có xưởng gốm của nhà họ Đặng bị quân đội Lê Trịnh tàn phá vào mùa đông năm 1592 – 1593.

Sau đó , tôi không còn thấy đồ gốm có minh văn nào mang tên họ Đặng nữa…

Câu văn cuối cùng của ông Chiến gieo vào lòng chúng ta một nỗi buồn khó tả. Không có trang sách nào trực tiếp nói về sự tàn sát các làng gốm xứ Hải Dương nhưng qua những dòng của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết về các cuộc hành quân của chúa Trịnh Tùng truy quét các căn cứ nhà Mạc ở trấn Hải Dương thì người ta hiểu ra chính Trịnh Tùng là người bức tử làng gốm Chu Đậu và nghề gốm Hải Dương để trả thù họ đã dám theo nhà Mạc chống lại ông ta.

Ông Bùi Ngọc Tuấn một nhà sưu tập và nghiên cứu về gốm ở Hà Nội cũng viết về sự tàn sát này trên mạng như sau:

Chắc rằng khi Trịnh Tùng giết những người dân vùng Hải Dương chống ông, ông đã giết đi hết những người làm đồ gốm men trắng chàm này của văn hóa Việt Nam…Chắc rằng cuộc tàn sát phải ghê gớm và toàn vẹn lắm, cho nên chẳng còn ai sống sót mà trốn đi mang nghề nghiệp cha ông đến nơi khác làm ăn, hay dù có người thoát đi được nơi khác ( như chú cháu nhà họ Vương đến được Bát Tràng ) thì họ cũng vì sợ lộ tung tích mà không làm, không truyền nghề cũ nữa.

Cho nên có vẻ buồn cười khi nói rằng những người dân Chu Đậu hôm nay không biết gì về nghề gốm. Oan cho họ, bởi vì họ hoàn toàn là dân ở nơi khác đến lập nghiệp trên vùng đất Chu Đậu đã bị san bằng, không còn một bóng người.

Nghề gốm không chỉ là văn hóa mà là kinh tế ngoại thương của nhà Mạc, một ngành kinh tế chủ lực cùng với nông sản, hải sản và tơ tằm. Tại hải Phòng, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về tầm vóc Dương Kinh, kinh đô ven biển đầu tiên và cũng là cuối cùng của Việt Nam cùng với hệ thống cảng thị buôn bán với nước ngoài của nó. Có được Dương Kinh không phải là do nhà Mạc vì yếu thế nên phải xây dựng quê hương thành căn cứ phòng thủ mà xuất phát từ tư duy kinh tế đổi mới của Mạc Đăng Dung, vị vua sáng lập nên Triều Mạc. Do xuất phát từ dân chài, đã giao lưu với người nước ngoài nên ông thấy được bên kia đaị dương người ta đã làm gì và mình phải làm gì, tức là cần cởi mở phóng khoáng, cần nhìn ra biển, đi ra biển mà làm ăn , mà buôn bán. Dương Kinh không những bao gồm cả trấn Hải Dương thời đó mà còn được cắt thêm các huyện phụ thuộc của Thái Bình, Quảng Ninh ngày nay. Tại đây nhà Mạc cho xây dựng cung điện, trường học, lăng miếu và đặc biệt là hệ thống các thương cảng.

Ông Ngô Đăng Lợi nguyên Chủ tịch Hội sử học Hải Phòng dẫn chúng tôi đi An Lão , Tiên Lãng để xem dấu vết các cảng xưa, cảng An Quý, cảng Minh Thị….Hệ thống cảng thị đó còn bao gồm cả Vân Đồn, Cát Bà với rất nhiều vệ tinh là các chợ lớn mới được xây dựng tại châu thổ đồng bằng Bắc Bộ đã thu hút rất nhiều hãng buôn Đông Á, Đông Nam Á, Phương Tây vào buôn bán. Theo các tài liệu về cảng Đò Mè của Hà Lan , các thương nhân nước này đã lập một làng ở đây. Cũng từ những cảng này đã hình thành một trung tâm thương mại mới, Phố Hiến như là cảng th

ị nội địa làm trung chuyển cho kinh đô Thăng Long khi Dương Kinh không còn nữa. Tiếc rằng cũng như Thăng Long, như Dương Kinh, nghề gốm ,các cảng thị của nhà Mạc cũng bị triệt phá và nay đã chìm sâu trong lòng đất. Mãi đến gần đây nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ngọc ở Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đi làm việc ở Hà Lan đọc tài liệu mới phát hiện ra cái tên Đomea không rõ là Đô Me hay Độ My, hay Đò Mè, chỉ biết thương gia Hà Lan đã ở đây, còn vẽ cả bản đồ. Ông Ngọc về Tiên Lãng hỏi thì không một ai biết có tên này. Vị trí của nó cũng chỉ là đoán định, còn chờ các cuộc khảo cổ sắp tới.

Còn số phận Dương Kinh thì sao? Các nhà chép sử của nhà Lê Trịnh không giấu diếm thái độ hả hê khi họ mô tả các cuộc hành quân của chúa Trịnh Tùng đánh phá các phủ , huyện của trấn Hải Dương bao gồm một vùng rộng lớn phía Đông, Đông Bắc Thăng Long. Lúc thì chém mấy trăm, lúc hàng nghìn đầu dư đảng nhà Mạc. Lúc bêu đầu , phơi thây , móc mắt người này ,người nọ. Lúc thì san phẳng thành Thăng Long, lúc đập phá lăng tẩm, ném các bia đá xuống ao xuống giếng, đốt cháy Dương Kinh hàng tháng trời…

Ngày nay các nhà nghiên cứu ngạc nhiên về nhiều ngôi chùa vùng xung quanh Kiến Thụy còn rất nhiều tượng Phật, tượng vương, tượng hoàng hậu thời Mạc. Có được điều kỳ diệu ấy là nhờ công của các nhà sư và dân chúng đã cất giấu bảo quản các pho tượng đó suốt hơn hai trăm năm dưới thời Lê Trịnh. Có những tượng phải cất dấu truyền từ đời này sang đời khác, đến thời Nguyễn mới được mang ra.Có những pho thì bầy trong chùa nhưng lại phải ẩn giấu dưới một cái tên khác,đến nỗi các nhà nghiên cứu cũng khó khăn khi xác định tính danh cho bức tượng. Chẳng hạn tượng một nhà vua Mạc nhưng phải gọi là tượng Ngọc Hoàng, tượng thân vương Mạc Đôn Nhượng có thể là tượng Mạc Đăng Doanh, tượng hoàng hậu thì phải gọi là tượng nhà sư…

Tượng đá chân dung thời Mạc còn có nhiều loại nữa , như tượng hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, tượng các tín chủ hưng công…Ông Trần Lâm Biền đánh giá đây là những pho tượng chân dung đầu tiên trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Không đơn giản chỉ là tượng mà là một bước tiến dài trên ý thức dân chủ của xã hội, của người nghệ sĩ. Đối tượng nghệ thuật không phải là một quy phạm chung nữa mà đã là một con người cụ thể ,cá biệt, có số phận, có gương mặt riêng.

Cũng như vậy, các nhà gốm học đã đánh giá rất cao những dòng chữ khắc tên người chế tạo sản phẩm, tên người mua, tên ngày tháng làm sản phẩm, quê quán người chế tạo…Với ngày nay thì điều đó quá là đơn giản, nhưng cách đây bốn, năm trăm năm,đối với chế độ quân chủ Nho giáo thì đó là một điều hết sức trọng đại, đó là tinh thần dân chủ của người nghệ sĩ, là ý thức sáng tạo được giải phóng, là sự tự do mà nhà Mạc đã mang lại cho xã hội Việt Nam lúc đó.

Sự tự do cho sáng tạo văn học nghệ thuật của thời Mạc trước đây hầu như không được nói đến . Các nhà nghiên cứu cứ theo quán tính của các sử gia Lê Trịnh, kẻ thù của nhà Mạc, những người đã cố tình xuyên tạc sự thật về nhà Mạc và đã làm mất đi nhiều di sản quý báu về văn học nghệ thuật của đất nước trong một giai đoạn rất quan trọng này. Chẳng hạn như đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm .Trong một thời gian dài người ta không đánh giá đúng những gì ông đã để lại cho nền văn học nước nhà. Sự nghiệp sáng tác của ông rất đồ sộ, khoảng gần hai nghìn bài thơ chữ Hán và chữ Nôm, hiện nay chỉ còn khoảng 800 bài thơ chữ Hán và gần 200 bài thơ chữ Nôm. Thơ nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh dấu một bước tiến của văn học dân tộc trên phương diện chữ viết. Còn về phương diện nội dung, thơ của ông đã phản ánh cuộc sống thật của chính bản thân ông, của xã hội Đại Việt đang xuất hiện những yếu tố tiền tư bản, là một bước chuyển biến mạnh mẽ sang chủ nghĩa hiện thực của văn học nước nhà.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đánh giá rằng 65 năm văn học nhà Mạc không thua kém gì 100 năm văn học nhà Lê sơ và Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng với Nguyễn Dữ là hai đỉnh cao kiệt xuất trong văn học nước nhà không thua kém các đỉnh cao trước đó cũng như các đỉnh cao sau đó. Chỉ tiếc rằng các sử gia Lê Trịnh đã không sưu tầm ghi chép đúng và hết các nhà văn cũng như các tác phẩm văn học thời Mạc, không đánh giá đúng bước tiến của văn học thời Mạc. Thế rồi sau đó, tư tưởng Nho giáo chính thống tiếp tục chi phối các nhà nghiên cứu, người ta đi lại con đường mòn của những người đi trước.Thái độ đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thế, cả về mặt chính trị lẫn văn học, chưa thấy hết giá trị của ông cũng như những mâu thuẫn thời đại trong con người ông. Giáo sư Vũ Khiêu đánh giá rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng suốt khi lựa chọn nhà Mạc, chọn con đường đổi mới xã hội theo xu thế của thế giới, và ông thành tâm yêu quý nhà Mạc nhưng vì mang nặng tư tưởng nho giáo nên ông không thấy được mặt cần thiết, mặt tiến bộ của đồng tiền. Do ghét đồng tiền mà ông bỏ về ở ẩn. Đó lại là bi kịch của ông, bi kịch của một trí thức Nho giáo Việt Nam, ông không nhìn ra xu thế của thời đại. Về mặt chính trị, ông đã không sáng suốt bằng Mạc Đăng Dung người đã nhìn thấy con đường phát triển của đất nước là công thương nghiệp, là phải làm ra nhiều của cải, nhiều tiền. Tôi nhớ hồi còn học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy giáo dạy về Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ ca ngợi thái độ của nhà thơ khinh ghét đồng tiền.

Về mỹ thuật, nhà Mạc đã để lại một di sản to lớn. Trước đây, người ta chỉ coi có mỹ thuật thời Lê, mãi sau này ông Nguyễn Du Chi mới phát hiện ra rằng hình như trong giai đoạn này còn có một nền mỹ thuật nữa, đó là mỹ thuật nhà Mạc. Ông Nguyễn Du Chi, ông Trần Lâm Biền, ông Chu Quang Trứ, ông Nguyễn Tiến Cảnh đã làm bản thảo cuốn sách Mỹ thuật thời Mạc từ năm 1985. Song mãi đến năm 1995 Mỹ thuật thời Mạc mới được ra đời, nghĩa là chỉ sau khi Hội thảo quốc gia về Vương triều Mạc đã được tổ chức, giới khoa học xã hội nước ta thống nhất ý kiến thừa nhận về những đóng góp của nhà Mạc cho đất nước. Tôi xin trích ra một ý trong lời giới thiệu của Viện Mỹ thuật:

Mỹ thuật thời Mạc là một thời kỳ có những bước ngoặt to lớn trong lịch sử mỹ thuật dân tộc. Đó là thời kỳ nền nghệ thuật dân tộc trở về với bản thể, với truyền thống sau ngót một thế kỷ hướng ngoại.

Ông Nguyễn Tiến Cảnh viết:

Các làng nghề, vùng nghề,các phường thợ thủ công ra đời trên cơ sở sự hình thành và hoàn thiện các làng xã nông dân tự do. Mạng lưới giao thông đường thủy phát triển nối liền thị trường trong nước và cả nước ngoài. Nghề buôn phát đạt, cùng với các cư dân làng xã, các thương nhân đem theo tinh thần tự do cá nhân xâm nhập vào nghệ thuật.

Đó cũng là thế kỷ chấn hưng Phật giáo sau hàng trăm năm bị ức chế bởi chủ trương dương Nho ức Phật của nhà Lê sơ. Phật giáo buột khỏi tay các vương hầu quý tộc, tràn về các làng quê. Đạo giáo được phụng thờ. Nho giáo không còn địa vị độc tôn. Cả ba thứ đạo hòa đồng trong tâm thức dân gian dưới ảnh hưởng to lớn của Phật giáo.

Các vua Mạc với bản tính phóng khoáng của người miền biển xứ Đông lại thêm việc chiến tranh bận rộn nên cũng đồng thời nới lỏng để nông dân các làng xã được tự do trong cuộc sống cũng như trong sáng tạo nghệ thuật của họ.

…Trong cơn biến động lịch sử, mỹ thuật Mạc như đang vặn mình chuyển hóa từ nơi cung đình sang miền dân dã. Diện mạo của nó chứa chất nhiều yếu tố khác nhau, cái kế thừa thuần thục, dễ nhận, cái mới bắt đầu bỡ ngỡ, khó tin. Chất sang quý kèm với chất bình dân. Vẻ trang nghiêm đi cùng nét phóng túng. Mỹ thuật Mạc đa dạng và khác thường là thế.

Đoàn làm phim chúng tôi đã đến hầu khắp các ngôi chùa nổi tiếng ở miền Bắc, nơi còn lưu giữ các vết tích văn hóa thời Mạc. Ở Hải Phòng có các chùa Nhân Trai, chùa Trà Phương, chùa Hòa Liễu, chùa Minh Thị, chùa Trung Hàng…Ở Bắc Ninh có chùa Nành, chùa Dâu…Ở Bắc Giang có chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm…Ở Hà Nội có chùa Thầy , chùa Trăm Gian,chùa Bối Khê, chùa Đậu…Ở Thái Bình có chùa Keo…Ở Nam Định có chùa Phổ Minh, chùa Cổ Lễ…Ở Ninh Bình có chùa Bích Động, chùa Bàn Long…

Trong số các chùa có nhiều ngôi làm từ thời Lý – Trần nhưng sau hàng trăm năm không được chăm sóc dưới thời Lê sơ đã bị mục nát. Nhà Mạc đã trùng tu lại các chùa này cùng với việc huy động các thân vương, quan lại và nhân dân góp tiền, góp sức xây thêm chùa mới, xây các quán đạo, văn chỉ, đền thờ thần linh…

Không phải ai cũng dễ dàng nhận ra dấu ấn văn hóa Mạc. Phải có sự chỉ dẫn của các nhà chuyên môn. Chẳng hạn, trong chùa Phổ Minh ngoài các pho tượng Phật thời Mạc còn có pho tượng chân dung khắc lên đá một người đàn bà trong bàn thờ hậu Phật, còn có ba ngôi tháp bằng gạch nung đời Mạc. Không có một dòng chú thích về người có công lớn với chùa. Hỏi ra mới biết đó là tượng công chúa Mạc Ngọc Lâm, người cùng chồng là Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn hưng công tu bổ chùa góp 36 cây gỗ lim cực lớn. Sau đó bà đi tu ở lại trụ trì chùa, ba caí tháp sau chùa là mộ của bà.

Đến các chùa thời Mạc mới có các loại tượng mới, nhóm tượng mới đại diện cho nhũng quan niệm tâm linh và tín ngưỡng khác nhau của nhân dân. Tượng Ngọc Hoàng, tượng Quan âm tam thế, tượng Quan âm Nam hải, tượng Tiên đồng ngọc nữ…Các pho tượng Phật thời Mạc có một vẻ đẹp kỳ lạ, hồn hậu và dân dã, tràn đầy tính nhân văn. Các bộ tượng Quan âm tam thế thời Mạc là những tượng Quan âm tam thế đẹp nhất Việt nam cho đến hiện nay.

Nghệ thuật Mạc còn rực rỡ ở di sản chạm khắc gỗ, đá, đất nung. Đó là khám thờ Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy, bệ đất nung mang hình các con thú ở chùa Trăm Gian, gác chuông chùa Keo, tam quan chùa Đậu, bệ đá , rồng đá chùa Nhân Trai, chùa Hòa Liễu, ngựa đá chùa Câu Tử Nội…

Nhưng lớn lao nhất là nhà Mạc đã để lại cho dân tộc caí Đình làng. Hình thức đơn giản của cái đình thì có thể đã xuất hiện sớm hơn như là các trạm nghỉ, trạm đón tiếp vua và quan chức vi hành, nhưng đến thời Mạc cái đình mới trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã. Đặc biệt hơn, cái đình trở nên một công trình kiến trúc, công trình nghệ thuật của các nghệ nhân tự do. Các nhà nghiên cứu đã xác định được rõ ràng những ngôi đình xây dựng thời Mạc như đình Thụy Phiêu, đình Tây Đằng, đính Hữu Lũng, đình Lỗ Hạnh, đình Thổ Hà, đình Là, đình Yên Sở…Tại các ngôi đình này ,có nơi còn gần như nguyên vẹn như đình Tây Đằng, các nghệ nhân thời Mạc đã để lại nghệ thuât chạm khắc gỗ tuyệt vời.

Sau nhiều thế kỷ, các ngôi đình đều bị hư hỏng đã được trùng tu. Có nơi đang làm như Lỗ Hạnh,Thổ Hà. Có ngôi đành để hư hỏng hẳn. Có ngôi đã sửa xong nhưng biến dạng hình hài. Tôi hỏi các tay thợ ngày nay có làm được như các cụ ngày xưa không, họ đều lắc đầu. Chỉ có Tây Đằng là còn tương đối. Người ta thận trọng hơn, cái gì khó thì còn để chờ . Bởi vì thời kháng chiến chín năm người Pháp đóng đồn ngay trong đình Tây Đằng mà không dám phá đình, lại còn chụp ảnh toàn bộ các chi tiết mang về Paris trưng bày trong Bảo tàng. Nghe đâu người Pháp có thể bán lại bộ ảnh đó nhưng giá khá đắt.

Suốt một buổi sáng cả đoàn phim của tôi cứ mê mẩn với những bức chạm khắc, những con thú tự do phóng khoáng, bay bổng không tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Có lẽ đấy là những thước phim ưng ý nhất của chúng tôi, những hình ảnh đẹp nhất không thể diễn tả bằng lời. Chỉ mong các bạn có dịp vãng cảnh Tây Đằng…

Chúng tôi đến Cao Bằng đúng đợt áp thấp. Bầu trời lúc nào cũng u ám, mưa to xối xả.

Sau cơn mưa, sông Bằng Giang trở màu chảy băng băng cuốn theo rác rưởi, củi mục. Phố xá bé và ngắn, không náo nhiệt như những thị xã miền xuôi. Có lẽ nếu bạn không có ràng buộc gì về kỷ niệm với quá khứ ở đây thì thật là buồn tẻ. Nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng xem xét và quay cho hết các di tích nhà Mạc ở Cao Bằng.

Nhà Mạc rút lên Bao Bằng từ năm 1593 với đời vua đầu là Mạc Kính Cung , trải qua các đời Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ . Về thời kỳ nhà Mạc ở Cao Bằng có chuyện Mạc Ngọc Liễn một công thần mà cả ba bố con đều giúp sức phò năm đời vua Mạc trước khi chết đã để lại lời di chúc nổi tiếng :

Nay nhà mạc vận khí đã hết, họ Lê phục hưng đó là số trời vậy. Dân ta vô tội mà khiến phải chịu binh đao ai nỡ lòng nào. Chúng ta nên lánh ra nước khác nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi thời, chờ khi nào mệnh trời trở lại mới làm được…Nếu thấy quân đối phương tới đây, chúng ta nên tránh đi, chớ có đánh nhau với họ, cốt phải cẩn thận, phòng thủ là chính. Lại chớ nên mời người Minh vào nước ta, để cho dân phải lầm than đó là cái tội không gì lớn hơn.

Dù thù ghét họ Mạc, vua Lê, chúa Trịnh, các sử gia vẫn phải ghi nhận di ngôn của Đà Quốc Công. Người đời sau này coi đó là lương tâm của họ Mạc, khi thất thế vẫn giữ lòng trung với nước, không rước ngoại xâm vào nhà như nhiều họ đã làm.

Hầu như sách vở, vết tích của nhà Mạc không còn gì ngoài những ghi chép trong sử nhà Lê và các truyền thuyết điền dã. Theo sử nhà Lê thì nhà Mạc tồn tại ở Cao Bằng đến năm 1677, tức là năm quân đội Lê Trịnh tổng tấn công giành lại được các thành phủ chính, các cứ điểm phía Tây nam Cao Bằng, bắt được vua Mạc Kính Vũ, Mạc Kính Vũ nhảy xuống sông Bằng Giang tự vẫn. Thực ra thì sau khi thất thủ ở Cao Bình, ở Lũng Hoàng, quân nhà Mạc còn rút lên thành Phục Hòa, nằm trên thị trấn huyện lỵ ngày nay, cách Cao Bằng 65 cây số, các cửa khẩu Tà Lùng 10 cây số. Quân Lê Trịnh giao cho tướng Đinh Văn Tả ở lại tiếp tục truy quét tàn quân Mạc còn chống cự ở nhiều nơi trong xứ, mãi đến năm 1685 mới chiếm được thành Phục Hòa. Phục Hòa chỉ là tên gọi ngày nay để chỉ việc quân nhà Mạc và tướng Tả thương lượng với nhau mở đường cho quân Mạc rút khỏi thành.

Dân chúng kể rằng nàng Tiên Giao là công chúa cả của vua Mạc Kính Vũ chạy loạn bị lạc, trở thành thị nữ của Đinh Văn Tả, được tướng Tả rất yêu quý. Công chúa giúp cho ông tổ chức sản xuất nuôi quân, vui chơi múa hát với dân bản địa để kéo dài cuộc vây hãm. Chính công chúa đã cải biên điệu múa Lượn Slương tức lượn Nàng Hai ( Nàng Trăng ), ngày nay được tổ chức thành lễ hội. Nhiều địa danh ở vùng Phục Hòa còn gắn với các sự tích, diễn biến của sự kiện này.

Gần đây, họ Mạc xác định nhiều khả năng vua Mạc Kính Vũ không chết trên sông Bằng Giang. Ông có thể tiếp tục trấn giữ thành Phục Hòa rồi sau đó về đến Bạch Hạc. Có thể ông sinh sống ở quanh vùng chùa Trống, sinh sôi ra mấy chi họ Nguyễn gốc Mạc và mất ở đây. Trong chiến tranh , bộ đội đào ụ pháo đã làm phát lộ ngôi mộ táng có thể là của Hoàng hậu vợ ông ngay trong vườn chùa. Còn ngôi mộ của ông vẫn được con cháu chăm sóc gìn giữ.

Nhà Mạc đã mang văn minh Thăng Long cùng với các dân tộc ít người ở đây xây dựng Cao Bằng thành một vùng trù phú, có hệ thống thủy lợi, có giao thông vận tải, có nông nghiệp lúa nước , có tiểu thủ công nghiệp các nghề phát triển như nghề rèn, nghề mộc, nghề làm giấy, nghề chạm đá, có giao thương buôn bán với Trung Quốc. Về văn hóa thì nhà Mạc đã xây đình , xây chùa, đúc chuông, mở trường học, mở nhiều cuộc thi tiến sĩ, cũng khắc bia tiến sĩ. Tiếc rằng còn lại rất ít dấu vết các trí thức thời Mạc ở Cao Bằng. Hàng trăm năm với một triều đình sao lại mô hình đào tạo của Thăng Long như thế mà không thể biết được những đại trí thức Thăng Long nào đã có mặt ở đây, những người nào đã đỗ đạt ở đây . Chỉ còn lại vài di tích điền dã về bà Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ tận vùng Đông Bắc Cao Bằng, còn đền thờ Bà thì lại ở làng Kiệt Đặc,Chí Linh quê hương của bà. Còn lại một vài cuốn sách Nôm Tày sản phẩm đặc biệt của giao thoa văn hóa Kinh - Tày mà tác giả của nó là các ông tiến sĩ người Tày như Bế Văn Phùng, Nông Văn Noọng…

Ông Đàm Vương Hùng nhà nghiên cứu văn hóa Cao Bằng cho chúng tôi cuốn Tam nguyên luận do ông dịch từ tiếng Tày của ông Bế Văn Phùng. Tuy vắn tắt, nhưng tác giả đã trình bày nhũng nguyên lý cơ bản của triết học Tam nguyên cửu vận và đặc biệt ông vận dụng vào đường lối cai trị lấy dân làm gốc cho các nhà vua ở Cao Bằng. Giáo sư Trần Quốc Vượng viết về sự giao thoa văn hóa đó như sau:

Khi nhà Mạc ở Cao Bằng mòn mỏi đi vì các cuộc đánh phá của nhà Lê Trịnh và mất ngôi hẳn từ năm 1677 thì các ca công , nhạc công của triều đình Mạc tản mát vào dân và Tày hóa. Trước và sau đó, do có hiểu biết về âm nhạc cung đình,họ dạy cho dân, cho các ông mo then nhiều bài hát bản nhạc. Những làn điệu đó đã dược Tày hóa, dân gian hóa thành các bài Bụt, bài Giàng. Song người pháp sư Tày vẫn nhớ ơn họ và thờ họ làm tổ sư với các tên Quản Nhạc, Lý Quỳnh Văn…

Sự giao thoa bị khúc xạ như vậy,rắc rối như vậy là vì lý do gì? Qua xem gia phả các dòng họ Mạc, gốc Mạc còn lại ở Cao Bằng chúng tôi biết được mức độ khủng khiếp của binh đao cũng không kém gì ở dưới xuôi các năm 1592 – 1593…Nghĩa là rất nhiều người, nhiều dòng họ Mạc, quan lại, binh sĩ đã bị tàn sát, bị truy lùng. Rồi họ lại phải chạy trốn khỏi Cao Bằng hoặc đổi tên, đổi họ sống chui lủi mấy trăm năm.

Nhiều chi họ Mạc đã chạy về quê cũ dưới đồng bằng rồi sau khi nhà Lê Trịnh không còn mới trở lại Cao Bằng.

Chẳng hạn chi họ Mạc ở xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình cách rất xa thủ phủ Cao Bằng, từ Hải Dương trở về sống trong một thung lũng bốn bề núi cao vây bọc. Cái xóm Mạc ở đây đã được Hồ Chủ Tịch chọn làm căn cứ thời kỳ 1942 – 1943, còn di tích nền nhà ông Xích Thắng tức Dương Mạc Thạch nơi Bác ở và làm việc, còn vợ ông, bà Nông Thị Yêm 94 tuổi đã nấu cơm, mang cơm cho Bác và các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Các hậu duệ của họ Mạc ở đây có nhiều người xuất sắc như ông Mạc Văn Úc tức Nông Văn Quang từng làm Chủ tịch tỉnh Bắc Cạn, ông Dương Mạc Thạch từng làm Bí thư kiêm Chủ tịch Hà Giang, ông Dương Mạc Thăng từng là Bí thư tỉnh Cao Bằng.

Bây giờ con cháu họ Mạc đã tập hợp được hơn 500 chi họ, đã đổi ra 50 tên họ khác nhau . Trong lúc nguy nan phải làm con nuôi, phải xin nhờ tên họ khác,hoặc tự đặt một cái tên họ, thậm chí xấu xí như tên Lều để thoát khỏi sự truy lùng, sự trả thù tàn khốc. Cuộc trốn chạy lớn kéo dài suốt từ khi nhà Mạc thất thủ Thăng Long 1592 cho tới khi thất thủ lần thứ hai ở Cao Bằng 1677- 1685, gần hai trăm năm. Sau đó, trong thời kỳ cai trị của các chúa Trịnh việc trốn chạy vẫn còn tiếp diễn ở các gia đình, các chi họ. Có thể gọi cuộc di dân của con cháu họ Mạc là cuộc di dân lớn nhất, dài nhất, mãnh liệt nhất và cũng bi thương nhất trong lịch sử di dân của các tộc họ Việt Nam.

Tình trạng bi thương vẫn còn kéo dài cho tới hôm nay, nhiều chi họ được tổ tiên truyền đời này sang đời khác là họ ta gốc Mạc hoặc chạy từ Bắc, từ Hải Dương , từ Cao Bằng, từ Sơn Tây…nhưng không biết được cụ tổ là ai, quê quán ở đâu…Nhiều chi họ bị chia lìa, anh em chạy mỗi người một ngả sau đó không biết thế nào. Gia phả hoặc lời nguyền thì thế, nhưng việc tìm nhau không phải dễ. Lo sợ lộ tung tích thì không dám nhận nhau, để lâu ngày , hàng trăm năm, vài trăm năm thì thất truyền ,bán tín bán nghi, rồi mải lo kế sinh nhai, rồi con cháu đời sau sao nhãng…Cho nên việc đi tìm họ của con cháu họ Mạc đã diễn ra âm thầm, day dứt bao thể kỷ, có bao nhiêu là chuyện cười ra nước mắt.

Cái nghị lực, cái ý chí tồn tại trong mỗi người con, mỗi gia đình họ Mạc cuối cùng sau cơn đại hồng thủy thật là mãnh liệt, nó cứ thao thiết chảy trong suốt 400 năm.Trong phim của chúng tôi có chân dung nhiều vị tiền nhân ngay từ những ngày đen tối đã đi xuyên qua nỗi sợ hãi truyền đời, đi qua mặc cảm, sự ghẻ lạnh, cả sự cấm đoán với một niềm tin khắc khoải để tìm lại anh em huyết thống của mình. Anh em cụ Phạm Văn Sênh, Phạm Văn Sang ở Xuân Đám, Bắc Giang. Bố con cụ Thạch Văn Quý, Thạch Văn Vĩnh ở Ninh Hiệp Gia Lâm. Cụ Bùi Trần Chuyên Hà Nội, cụ Hoàng Lê, cụ Hoàng Cao Quý v.v.

Tôi nghĩ dân tộc trường tồn trong mỗi dòng họ. Sức sống của mỗi dòng họ làm nên sự vĩnh cửu của dân tộc, sự phục hưng của mỗi dòng họ làm nên sự phục hưng của đất nước. Họ Mạc đã bị dìm trong máu lửa, không phải một ngày, một tháng, một năm , không phải chục năm mà hàng mấy trăm năm. Mà trước đó khi phế bỏ một triều đại đã mục nát nhà Mạc đã không tàn sát dòng họ đó, thậm chí vẫn cho tu sửa lại Lam Kinh. Ở xã Ninh Hiệp Gia Lâm Hà Nội có một chi họ Thạch chạy loạn đến đây ngay từ lúc Thăng Long thât thủ 1592. Ở Đình Xuyên Gia Lâm cũng có chi họ Thạch là chi thứ của Ninh Hiệp. Cùng chung mộ tổ ở cửa Thạch Sàng Phù Ninh mà con cháu dần dần quên mất nhau, ngày giỗ tổ đi tảo mộ thì thấy có người đã đắp điếm hẳn hoi rồi. Mãi đến ngày mồng 4 tháng Giêng năm 1919, họ Thạch Đình Xuyên kéo lên tảo mộ bắt gặp chi họ Thạch ở Phù Ninh. Sau khi các trưởng lão hai họ nói rõ lai lịch mới nhận được nhau. Ỏ Sơn Lai Ninh Bình có chi họ Hứa ngay gần Bái Đính, từ Cao Bằng chạy về khai khẩn đồi Sưa, thờ hai công chúa con vua Mạc kính Vũ tự vẫn ở Cao Bằng. Hàng năm, ngày 20 tháng Ba âm lịch họ Hứa Sơn Lai vẫn sang chùa Phổ Minh thắp hương cho công chúa Mạc Ngọc Lâm vợ Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn. Trong khi đó chi họ Nguyễn Tuấn hậu duệ của Mạc Ngọc Liễn ở Vân Canh Hà Nội, cũng vào thắp hương giỗ Cụ tổ bà ngày đó mà không gặp nhau.

Trong việc đi vấn tổ tìm tông , nhiều chi họ, nhiều con cháu đã tìm lại được cội nguồn, nhưng cũng có những chuyện không lấy gì làm vui vẻ.

Ông Thái văn Ký đang sống ở Hà Nội , quê ở làng Cam Lộ Quảng Trị từ nhiều năm cứ đau đáu câu hỏi về gốc gác của mình. Bản gia phả họ ông rất cổ nhưng bị xé mất tám trang đầu, không rõ nguồn gốc. Chỉ có một câu truyền lại rằng con cháu trong họ không được lấy người họ Thái, họ Mạc và họ có cùng ông tổ với họ Thái Quy Thiện Hải Lăng. Một hôm ông đi khám bệnh, người thầy thuốc không quen biết nói rằng ông không phải họ Thái mà là họ Mạc. Ông không tin, người đó nói lại ông cứ đi tìm xem.

Ông hỏi thăm họ Thái Nghệ An thì họ Thái gốc Mạc ở đây chỉ hình thành từ khi cụ tổ Mạc Đăng Bình vào cư trú sau thời gian 1592. Họ Thái ông thì hình thành sớm hơn, giữa thế kỷ 16, trước khi Nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long.Ông Ký lặn lội vào tận Huế, Đà Nẵng kết hợp thông tin của các nhà nghiên cứu về thời kỳ các Chúa Nguyễn, các họ Huỳnh – Hoàng gốc Mạc ở đây , đối chiếu với Hợp biên thế phả họ Mạc mới rút ra được là ngay sau khi nhà Mạc lên, Vua Mạc Đăng Doanh đã cử các hoàng thân vào trấn thủ các vùng đất phía Nam. Hoàng tử Quảng vương Mạc Quang Khải quản trấn miền Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hoàng tử Khang vương Mạc Nhân Phủ quản trị miền Trị Thiên. Đến thời gian Chúa Nguyễn Hoàng, rồi quân chúa Trịnh chiếm lĩnh vùng này thì các ông đã cho con cháu phân tán, đổi họ để sinh sống lâu dài. Con cháu Mạc Nhân Phủ thì đổi ra họ Thái, họ Ngô sống ở Quảng Trị. Con cháu Mạc Quang Khải thì đổi ra họ Hoàng, họ Huỳnh sinh sống ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Kết hợp tất cả các dữ liệu ấy, ông Ký yên tâm có cơ sở củng cố niềm tin tâm linh của mình. Tuy nhiên ông vẫn còn bận tâm với một vài người trong họ không tôn trọng niềm tin của ông…

Có một trường hợp hy hữu kỳ lạ như sau: Trong một lần nhà ngoại cảm Nguyễn Bích Hằng gặp Thái tổ Mạc Đăng Dung tại Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, trong nhiều chuyện về dòng họ Đức vua dừng lại nhắc rằng các con phải tìm chi họ Phạm Nhà quan ở Tràng An Ninh Bình,đó là họ Mạc nhà ta. Trong lúc chạy loạn, cụ Mạc Hoàng Khai được quan Trung thư họ Phạm che chở, đổi thành họ Phạm, dân làng gọi họ này là Phạm Nhà quan. Tôi đã thông báo tin này lên trang Web mactoc.net. Ngày – 9 – 2009 vừa rồi Hội đồng gia tộc họ Mạc Ninh Bình báo cáo cho biết có tìm thấy Chi họ Phạm Quan ở xã Ninh Mỹ , chi họ này có biết mình là gốc Mạc.

Chúng tôi được ông Nguyễn Phước Tương một nhà nghiên cứu lịch sử ở Đà Nẵng cho các tài liệu về dòng họ Ngô ở làng Cổ Trai Vĩnh Linh. Tài liệu của ông vô cùng thú vị , dựa trên các bài viết về Quận chúa Mạc Thị Giai và Thống binh Mạc Cảnh Huống, những người đã tham gia vào sự nghiệp khai mở phía Nam cùng với chúa Nguyễn Hoàng của nhà nghiên cứu người Pháp Léopold Cadiere, nghĩa là tài liệu rất đáng tin cậy.

Ông Leopold Cadiere có lý khi căn cứ vào các tài liệu của nhà Nguyễn , lại đối chiếu với gia phả của hai chi họ Ngô gốc Mạc ở làng Cổ Trai Cửa Tùng và làng Cổ Trai gốc Nghi Dương trong thời gian ông làm cố đạo quản hạt ở hai nơi này. Khi Mạc Cảnh Huống và người cháu của ông là Mạc Thị Giai vào Quảng Trị thì đã trú ở làng Cổ Trai mới nơi đã có con cháu họ Mạc từ làng Cổ Trai gốc ngoài Kiến Thụy vào ở, đổi thành họ Ngô. Ông và vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Dương đã xây cho làng Cổ Trai mới một nhà thờ tộc gọi là Tôn miếu, giúp làng xây chùa Lam Sơn Phật tự. Còn Mạc thị Giai thì sau trở thành hoàng hậu của Chúa Sãi, mẹ của Chúa Thượng cũng thường xuyên quan tâm đến con cháu. Cadiere biết rõ là năm 1630, bà Mạc Thị Giai mất, con cháu ở Cổ Trai Cửa Tùng đã caỉ tự vi từ biến chùa Lam Sơn Phật tự thành từ đường thờ bà và những đại nhân của làng. Về sau tộc Mạc ở Cổ Trai không đủ sức duy trì nhà thờ Hoàng hậu đúng theo nghi lễ như trước nên năm Minh Mạng thứ năm – 1824 đã tâu lên nhà vua xin chuyển nhà thờ Bà trở về chùa thờ Phật, được vua chuẩn y và cho tiền.

Khi chúng tôi đến làng Cổ Trai Cửa Tùng thì đúng là có họ Ngô ở đây, ông Trưởng tộc có biết họ ở Hải Phòng vào được tám, chín đời, từ Triệu Phong chuyển sang đây, nhưng không biết gì đến gốc gác họ Mạc cùng những cái tên Mạc Cảnh Huống, Mạc Thị Giai và Chùa Lam Sơn Phật tự. Với sự thất vọng tôi thông báo lại cho ông Nguyễn Phước Tương kết quả thì ông nói lại rằng phải chấp nhận thôi, có phải con cháu nào hôm nay cũng biết được quá khứ của ông cha , muốn biết phải có các nhà nghiên cứu và họ phải tin ở chúng ta…

Đáng buồn là, hậu duệ của họ Ngô Cổ Trai Cửa Tùng, một cán bộ Sở văn hóa Quảng Trị đã về hưu không hề xúc động gì về việc chúng tôi từ Hà Nội tìm vào, đầy nhiệt tình, mang đến cho họ một tin vui đột ngột như thế.

Tôi nghĩ thời gian thật là tàn nhẫn, nó đã xóa sạch ký ức của một dòng họ, làm cho họ mồ côi, không có gốc gác, không có cộng đồng anh em…Đấy là trường hợp an lòng vui vẻ vì không cần có quá khứ, và có lẽ không có sự đau khổ day dứt. Song tôi đã gặp nhiều chi họ trăn trở hàng trăm năm nay về lẽ không thể biết được nguồn gốc họ mình có từ đâu bởi vì trong tay không có một trang gia phả, không một lời truyền. Đối với họ Mạc cũng thế, phải còn hàng trăm chi họ nữa đang lưu lạc mà không tìm được đường về với cội nguồn, với tổ tiên.

Trên con đường đi về phía Nam, họ Mạc cũng bị cuốn vào dòng chảy của các cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến, vào hành trình mở cõi.

Đầu tiên là việc khai khẩn Nghệ An Hà Tĩnh. Lúc đó vùng này có lẽ còn rất ít dân số và hoang vu nữa. Cho nên có ba ông hoàng Mạc Đăng Lượng, Mạc Mậu Giang, Mạc Đăng Bình cư trú ở đây, đổi ra các họ Nguyễn Phương, Nguyễn Trọng, Phan Đăng, Hoàng Trần, Hoàng Văn, Hoàng Đăng, Lê Đăng, Thái Doãn, Thái Duy, Thái Khắc, Thái Văn…. Con cháu của họ đã khai khẩn nhiều vùng rộng lớn của Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương, Hưng Nguyên…rồi vào đến Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn.

Ở ven biển có các chi họ Phạm gốc Mạc con cháu các ông hoàng từ Cao Bằng ghé vào khai phá vùng Nghi Lộc, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…Trong các tóan đi lẻ tẻ, có nhiều người còn lên sát biên giới Việt Lào, tận bây giờ vẫn có những bản con cháu giữ nguyên họ Mạc.

Hội đồng gia tộc họ Mạc Nghệ Tĩnh đã thống kê được hơn 200 chi họ Mạc, gốc Mạc sống trong hai tỉnh. Con cháu họ Mạc ở xứ này có rất nhiều người đỗ đạt cao, làm đại quan trong các triều, là tướng lĩnh. Nổi tiếng thì có Liệt sỹ Phạm Hồng Thái, cảm tử ôm bom giết toàn quyền Mec Lanh ở Quảng Châu, Nhà thơ chí sĩ Phạm Nguyễn Du, Nhà cách mạng tiền bối của Đảng Lê Hồng Sơn, Anh hùng lao động Hoàng Hanh…

Sau nữa, con cháu họ Mạc còn góp công khai mở sự nghiệp của các Chúa Nguyễn. Cùng vào trấn thủ các châu Thuận Quảng có người em cọc chèo của Đoan quận công Nguyễn Hoàng là Hoàng tử Mạc Cảnh Huống. Ông là người chỉ huy tối cao về quân sự cho ba đời Chúa Nguyễn, lo việc chống lại chúa Trịnh, đánh dẹp phía Tây, phía Nam, được phong là khai quốc công thần của nhà Nguyễn.

Con trai trưởng của ông là Mạc Cảnh Vinh sau đổi là Nguyễn Phúc Vinh được gả con gái trưởng của chúa Sãi, công chúa nguyễn Thị Ngọc Liên, là Phó tướng được giao thành lập dinh Trấn biên Phú Yên, có công tích chinh chiến mở mang bờ cõi phía Nam. Còn Quận chúa Mạc Thị Giai hoàng hậu của chúa Sãi nổi tiếng hiền thục, lại tài giỏi nội trợ,được dân chúng tôn là Bà tổ của nghề nấu ăn phương Nam.

Ngày nay nếu các bạn đi tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, rẽ khỏi đường Một một đoạn bạn sẽ đi qua làng Trà Kiệu, kinh đô cũ của Vua Chăm, hay là Dinh trấn Thanh Chiêm của Xứ Quảng trong buổi đầu thành lập.Tại đây, đang sinh sống dòng họ Nguyễn Trường hậu duệ của Mạc Cảnh Huống cùng lăng mộ ông và Hoàng hậu Mạc Thị Giai.

Không thể không nhắc đến các chi họ Huỳnh – Hoàng gốc Mạc ở xứ Quảng. Họ là con cháu Quảng vương Mạc Quang Khải vào trấn thủ ngay sau khi nhà Mạc lên cầm quyền, khoảng năm 1530. Các họ Huỳnh - Hòang gốc Mạc có nhiều chi họ lớn khai khẩn nhiều vùng ở Ngũ Hành Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn cho tới Trà Câu Đức Phổ, Quảng Ngãi. Họ cũng là những người đầu tiên tham gia cầm súng bảo vệ đất nước khi thực dân Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng. Một trong những người con ưu tú của họ là Tổng đốc Hoàng Diệu nêu tấm gương trung nghĩa sáng ngời khi giữ thành Hà Nội.

Trong Sơn Tịnh, thời hiện đại dòng họ Phạm Đăng có Trung tướng Phạm Kiệt, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Họ Phạm Đăng này còn có một nhánh với ông tổ là Phạm Đăng Dinh đi sâu về phía Nam , xuống tận Gò Công trở thành một chi họ danh giá trong vùng , có người là Quốc công, là Phò mã, là Hoàng hậu nổi tiếng trong Triều Nguyễn.

Xa hơn một chút còn dòng họ Phạm Công vốn là một nhánh họ Mạc từ Hải Dương chạy vào Nghệ An rồi lại đi tiếp vào Mộ Đức đã được 15 đời. Dòng họ này có cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng một người con xuất sắc của dân tộc, của dòng họ Mạc trong thế kỷ XX. Ở bên hữu ngạn trên thượng nguồn sông Côn có chi họ Mạc của Giáo sư Mạc Đường, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Các ông tổ của họ từ Cao Bằng chạy vào Nghệ An, rồi đến khi có cuộc di dân lớn lại cùng các ông tổ của họ Nguyễn Nhạc đi vào Tây Sơn Bình Định. Hai họ chia nhau hai bờ sông Côn để khai khẩn . Hiện nay các chi họ Mạc đang sống ở Bình Khê, Phú Phong, An Nhơn, Phù Cát…

Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu miền Bắc cứ nghĩ nhà Mạc sao nguyên lại bộ máy nhà Lê sơ để cai trị. Ở Sài Gòn từ năm 1970 người ta đã tìm thấy và dịch bộ luật của Nhà Mạc có tên là Hồng Đức Thiện Chính Thư. Các chuyên gia tại Thư viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giải thích cho chúng tôi rõ đây không phải là bản sao lại bộ luật nhà Lê. Vua Mạc đăng Dung đã giao cho Tiến sĩ Nguyễn Bỉnh Đức tham khảo những điều tốt trong luật Hồng Đức nhà Lê để xây dựng bộ luật mới cho phù hợp với xã hội nước ta lúc đó và chính sách của nhà Mạc. Bộ luật nhà Mạc mang dấu ấn tinh thần thời đại thế kỷ XVI, cởi mở về kinh tế và tư tưởng, nhân đạo, nhân văn đối với con người. Ở phía Nam, còn có nhiều đường phố, trường học mang tên các danh nhân họ Mạc, xa nhất chúng tôi vào đến Trường phổ thông trung học Mạc Đĩnh Chi xã Đức Hòa, Châu Thành, Bến Tre…

Những dấu vết của Vương triều Mạc có thể còn tồn tại xa hơn nữa nhưng thời gian của Đoàn làm phim không cho phép chúng tôi lan man. Biết rằng sau thời kỳ di dân lớn nhất của họ Mạc, đến khi Nhà Nguyễn khai khẩn đồng bằng Nam Bộ thế nào cũng có con cháu họ Mạc đi vào những vùng đất mới.

Sau khi đã dựng xong phim tôi lại được anh Phạm Đức Hùng con trai cả của tướng Phạm Kiệt giới thiệu thêm Họ Phan của hai Phó thủ tướng Phan Kế Toại, Phan Trọng Tuệ. Anh Hùng nói ngày trước cha anh thường nói ông Phan Trọng Tuệ vẫn nhắc với ông chúng ta cùng họ Mạc với nhau. Chị Phan Gia Liên con gái của ông Phan Trọng Tuệ cho biết họ Phan này còn có chi nhánh ở Cần Thơ, ở Cà Mau.

Đến nay phim đã dựng xong, với năm tập phim dài 30 phút tôi vẫn cảm thấy chật chội, còn nhiều hình đắt và đẹp vẫn chưa sử dụng. Tôi muốn trình bày một cách mạch lạc,giản dị, kiệm lời nhưng cũng sử dụng tối đa hiệu quả của kỹ thuật số, của nghệ thuật sắp đặt cho bộ phim đầu tay này.

Nhà sử học Trần Quốc Vượng gọi công cuộc đổi mới của nhà Mạc là một tiếng kèn ngập ngừng. Ông tiếc rằng những thế lực bảo thủ nhất ở nước ta lúc đó đã tập trung về xứ Thanh với chiêu bài trung hưng nhà Lê đã xoay ngược bánh xe lịch sử đưa đất nước quay về với cái nhìn hướng nội, trọng nông, trọng sĩ, tiếp tục một thời kỳ quân chủ suy tàn rồi mất nước cho chủ nghĩa thực dân...Ông nói nếu như nhà Mạc tồn tại lâu hơn lần đầu tiên nước ta sẽ có Kinh đô – Cảng, có miền kinh tế biển phát triển, có những nhân tố mới của một phương thức sản xuất mới, quản lí mới, kinh doanh mới...

Mượn ý của Trần Quốc Vượng tôi đặt tên cho bộ phim là Tiếng kèn nhà Mạc với tựa đề các tập là Con đường ra biển, Cánh chim bay lên, Tiếng kèn ngập ngừng, Trong bốn trăm năm, Mười ba đời sau.

Tất nhiên là còn rất nhiều chuyện lý thú, thậm chí li kỳ về Vương triều Mạc, về dòng họ Mạc chưa thể kể hết trong một lúc, trong một bài báo, trong một cuốn phim.

Coi như đây là nén hương thắp viếng tiên tổ họ Mạc, các vị vua của Vương triều Mạc,và tất cả những đại thần, tướng lĩnh, binh sĩ, người dân đã góp xương máu xây dựng sự nghiệp Vương triều Mạc và nước Đại Việt thế kỷ XVI, một cuộc đổi mới hiếm có trong lịch sử nước nhà.

Bài viết xong tôi đưa cho một người bạn thân, Khuất Nga bút danh là Khuất Bình Nguyên hậu duệ của cụ Khuất Quỳnh Cửu vốn là quan nhà Lê sơ nhưng đã ra làm Thượng thư Bộ Lễ triều Mạc. Anh Nga xúc động viết tặng tôi như sau:

Làng Cũ

Chu Đậu không còn làng gốm xưa
Trăm năm binh lửa nắng rồi mưa
Người quê ly tán còn đâu nữa
Người về dệt chiếu, chiếu dày thưa?

Đi tìm họ Mạc đi tìm mãi
Bước chân muôn nẻo đất quê mình
Ở đâu cũng gặp người thân thuộc
Làng cũ, cành xưa mát mái đình

Bao nhiêu dòng chảy trong lịch sử
Quy tụ họ hàng chỉ một thôi
Một dòng máu đỏ hồn đất Việt
Sân đình làng gốm chiếu đem phơi.

Tôi được biết họ Khuất của Khuất Nga sau khi nhà Mạc thất thế cũng phải đổi tên, đổỉ thành họ Đỗ, ly tán nhiều nơi sau này mới trở về họ Khuất. Coi như đây cũng là nén hương của một người cháu họ Khuất thắp cho tiên tổ họ Khuất và họ Mạc.

Hà Nội tháng 9. 2009 - 11. 2012



VVM.07.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .