Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



“VỀ HÀ TÂY ĐI EM”
- HÀ NỘI MỞ RỘNG BỐN NĂM -

  


C ách nay hơn bốn năm, vào ngày 1-8-2008, thủ đô Hà Nội đã mở rộng và sáp nhập tỉnh Hà Tây (thêm huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và huyện Lương Sơn, Hòa Bình) theo một nghị quyết của Quốc Hội nước ta.

Hà Đông - Quê tôi lúc ban đầu là tỉnh Cầu Đơ, mà theo sách “Cầu Đơ nhân đinh phong tục sách” do Tam nguyên Vũ Phạm Hàm viết vào năm 1903 khi ông làm Đốc học tỉnh Cầu Đơ (sau ông đề nghị xin đổi là Hà Đông) như sau:

“Đây là sách tổng hợp về dân số và phong tục tỉnh Cầu Đơ. Tỉnh ta xưa thuộc nước Lạc Long, bộ Giao Chỉ. Nước ta núi sông tươi đẹp, sản vật phong phú, các triều vua xây dựng kinh đô, thành thị tráng lệ. Bắc Kỳ là nơi trọng yếu của trung châu. Đại khái là người thành thị chuộng phù hoa, người ở núi rừng còn chất phác, người có văn học và giáo dục thì lương thiện, kẻ du đãng thì hung hăng. Phong tục có cái biến đổi, nhưng con người thì không thể không giáo hóa hóa được…Nay cứ theo sự kê khai đại lược về dân đinh, phong tục trong địa hạt mà biên soạn từng mục:

* Dân số trong tỉnh (Nhân đinh)

Phủ Hoài Đức: 1/ Huyện Từ Liêm…2/ Huyện Đan Phượng…

Phủ Ứng Hòa: 1/ Huyện Sơn Lãng…2/ Huyện Thanh Oai…

Phủ Thường Tín: 1/ Huyện Thượng Phúc…2/ Huyện Thanh Trì…3/ Huyện Phú Xuyên…

Phủ Mỹ Đức: 1/ Huyện An Đức…2/ Huyện Chương Mỹ…

* Phong tục

I.- Phong tục thông thường của người Nam: Đàn ông, những người có tư chất tốt thì theo đòi Nho học. Ngoài ra thì làm thì làm nghề nông hoặc đi buôn hoặc làm thuốc, bói toán, làm thợ, mỗi người một nghề. Dân ở gần sông thì sống bằng nghề chài lưới. Đàn bà thì chăn tằm, dệt vải kiếm công…

II.- Phong tục thông thường của dân tộc thiểu số (người Thổ)…”

Thế là từ Cầu Đơ, Hà Đông, rồi nhập chung với Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây, quê tôi đã nhiều lần đổi tên trước khi nhập hẳn vào Hà Nội. Thế là đã bốn năm trôi qua, tên Hà Tây chỉ còn tơ tưởng trong dĩ vãng…

Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Tây, mỗi khi tôi nghe hát bài “Về Hà Tây đi em” của Đoàn Bổng:

Về Hà Tây đi em, có bao con đường quen
Đường Thường Tín yêu thương, kỷ niệm phút giận hờn

Hà Tây quê tôi thuộc vùng châu thổ sông Hồng, địa hình của tỉnh tương đối đa dạng bao gồm đồi, núi và đồng bằng, có vùng gò đồi Ba Vì, nhiều hồ lớn và đẹp. Hình như các nhà địa chất học cho rằng, cách đây lâu lắm, ngọn đồi Ba Vì là cao nhất, từ đây chạy dài ra Hà Nội là vùng thấp, sông và biển mênh mông, vì thế nên cả Hà Nội và Hà Tây đều có biết bao nhiêu là hồ đẹp, to nhỏ khác nhau khiến phong cảnh nhìn càng hữu tình và nên thơ hơn nữa!

Hà Đông, tỉnh lỵ của Hà Tây cách trung tâm Hà Nội 10km. Chì còn Hà Đông và Sơn Tây là mang tên cũ của hai tỉnh xưa, hai nơi này vừa mới được thăng từ thị xã lên thành phố thuộc Tỉnh (hiện nay quy chế có 5 loại đô thị: - đô thị đặc biệt là Hà Nội và Tp HCM Trực thuộc Trung ương – đô thị loại 1 là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Trực thuộc Trung ương – đô thị 2 là các thành phố thuộc Tỉnh – đô thị 3 là các thành phố nhỏ hơn, thuộc Tỉnh – đô thị 4 và 5 là các thị xã thuộc Tỉnh) nhưng vì Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội nên hai địa phương này đành ngậm ngùi xuống cấp: Sơn Tây thì trở lại Thị xã, Hà Đông thành Quận nội thành của Hà Nội.

Chính ngay ở quận Hà Đông có làng nghề Lụa Vạn Phúc, nằm bên bờ sông Nhuệ. Làng Vạn Phúc có nghề dệt lụa tơ tằm từ xa xưa, hiện trong làng còn đền thờ bà tổ dạy nghề dệt cho dân làng tên là Lã Thị Nga. Lâu nay dân các nơi tụ về đây học nghề, làm thuê cho các khung dệt. Lụa tơ tằm Vạn Phúc nổi tiếng “mịn mặt, mát tay”, là mặt hàng quý được nhiều người ưa dùng, với tên quen thuộc: “Lụa Hà Đông”, như bài hát Áo lụa Hà Đông nổi tiếng, thơ: Nguyên Sa, nhạc: Ngô Thụy Miên, sau đây:

“ Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…
Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…”

Hà Tây có nhiều di tích và danh thắng, vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Về số lượng di tích lịch sử, văn hóa Hà Tây chỉ đứng sau Hà Nội và Tp.HCM. Nhiều làng nghề nổi tiếng ở quê tôi đã là điểm dừng chân và làm say lòng bao du khách như làng Thêu ren Quất Động ở Thường Tín, cạnh quốc lộ 1A, làng có truyền thống thêu ren từ khoảng thế kỷ 17 .Trước đây người thợ thêu ren thường làm những mặt hàng nghi lễ hay phục vụ cung đình như thêu câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình, chùa; các loại khăn chầu, áo ngự cho vua chúa. Càng về sau, nghề thêu ren càng phát triển, mẫu mã phong phú, hoa văn mềm mại sống động, màu sắc đa dạng đã đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng, nổi tiếng cả ở nhiều hội chợ quốc tế với những sản phẩm tuyệt tác hiếm có.

Đường Chùa Hương xa xanh, yến oanh đi trẩy hội
Tìm về chốn linh thiêng, hẹn ngày lành nên duyên.

Chùa Hương là một trong những danh thắng nổi tiếng nằm trong danh thắng Hương Sơn, thuộc huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội 70km. Cảnh chùa Hương rất hấp dẫn: núi cao, rừng thẳm, suối dài được kết hợp hài hòa, như có sự xếp đặt tài tình giữa một vùng đồng bằng với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Hãy tới thăm động đẹp, nổi tiếng nhất – Hương Tích. Thế kỷ 18, chúa Trịnh Sâm đến vãn cảnh, đã tự tay đề năm chữ Hán lên cửa động “Nam Thiên đệ nhất động”. Động được phát hiện ra cách đây hơn 2.000 năm. Bước vào động, một sắc cảnh kỳ diệu hiện ra trong ánh sáng huyền ảo. Chính giữa động có pho tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát. Xung quanh là nhũ đá tạo thành những hình cây vàng, cây bạc, nong tằm, né kén, núi cô, núi cậu…trong đó có nhũ đá hình tòa cửu long với chín con rồng long lanh ánh biếc đang châu đầu xuống trần thế.

Tam nguyên Vũ Phạm Hàm (Phạm Vũ Hàm) có bài hát nói là bài “Hương Sơn phong cảnh” nổi tiếng được nhà thơ Xuân Diệu khen là bài thơ hay nhất về Chùa Hương, và cũng là bài hát nói dài nhất với 76 câu:

Gót in đá biếc xanh xanh
Lòng trần tục bỗng không, thanh thản nhẹ…
Trong bụi dặm đàn chim thỏ thẻ
Dưới rừng xanh mấy chị tìm mơ
Lá vàng man mác ngẩn ngơ…

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, đồng khoa thi Đình với Tam nguyên, có bài thơ về Hương Sơn với 19 câu:

Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non nước nước mây mây
“Đệ nhất động” hỏi rằng đây có phải? …

Trên đường đi Chùa Hương, cách Chùa 40km, là Thanh Oai nổi tiếng với làng nghề nón lá và làng nghề làm quạt: - làng Chuông thuộc xã Phương Trung rất nổi danh về nghề làm nón:

Muốn ăn cơm trắng , cá mè
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông

- làng Vác, tên chữ là Canh Hoạch, xã Dân Hòa chuyên làm quạt giấy, quạt làng Vác thường có 18 nan, đã được mang đi đấu xảo ở Pháp vào thời vua Khải Định.

Đặc biệt, Thanh Oai là quê hương của một Tam nguyên và ba vị Trạng nguyên: - Nguyễn Trực (1417-1474) – Hoàng Nghĩa Phú (1480-?) – Nguyễn Đức Lượng (1465-?) – Nguyễn Thiến (1495-1557) và Tam nguyên Vũ Phạm Hàm (1864-1906).

Về Hà Tây đi em, một đời ta không quên
Tiếng ru ầu ơ êm đềm, Thoáng thơm hương lúa quê mình…

Là một tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số cư trú, Hà Tây có một kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú ca dao, dân ca, bài hát ru…Mảnh đất này cũng bảo tồn nhiều di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc với hàng trăm đình chùa, miếu mạo có giá trị kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật, tôn giáo và có trên 900 làng nghề, trong đó 120 làng được Tỉnh công nhận “Làng nghề truyền thống”.Di sản văn hóa dân gian phi vật thể của tỉnh rất đa dạng: - người Kinh có hát Chèo tàu, múa Rối nước, hát Dô, hát Cửa đình. – người Mường có hát Xéo bùa, hát Ví, hát Đúm, hát đồng dao. Nhạc cụ có nhiều loại, trong đó, Cồng chiêng là loại hình âm nhạc độc đáo của dân tộc Mường. Người Dao có điệu múa Rùa, múa chung, múa chim…Hà Tây có nhiều lễ hội truyền thống nổi tiếng…

Sông Tích, sông Đáy lượn quanh
Con sông tắm mát đời ta…

Đây là hai con sông lớn của Hà Tây. Sông Tích là phụ lưu của sông Đáy, chảy từ Ba Vì, qua Đường Lâm xuống phia dưới, qua các huyện Thạch Thất, Quốc Oai…Sông Đáy là con sông lớn của miền Bắc, chảy qua thị xã Hà Đông, huyện Chương Mỹ, uốn lượn sát làng Đôn Thư huyện Thanh Oai, rồi qua tỉnh Hòa Bình, Nam Định, chảy ra vịnh Bắc Bộ ở cửa sông Đáy. Vì nước sông Đáy trong vắt, có thể nhìn xuống tận đáy sông, nên được gọi là tên sông Đáy.

Người Hà Tây quê ta, Nguồn tài nguyên thi ca

Về thi ca, Hà Tây nổi tiếng với làng Nhị Khê, huyện Thường Tín với Khu tưởng niệm danh nhân Nguyễn Trãi: phía trước ngôi nhà thờ có hồ bán nguyệt và tượng toàn thân của Nguyễn Trãi đặt trên bệ cao, nơi đây còn lưu giữ nhiều di vật quý như bức chân dung Nguyễn Trãi, nhiều đạo sắc phong, hoành phi câu đối…

Hà Tây còn nổi tiêng tiếng với tài thơ văn của Tam nguyên Vũ Phạm Hàm với lăng mộ và nhà tưởng niệm Tam nguyên ngay tại làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai. Nhà tưởng niệm còn lưu giữ bức chân dung toàn thân cùa Tam nguyên, sắc chỉ của vua Thành Thái vinh danh: “Đệ nhất giáp Tam nguyên Thám hoa” Vũ Phạm Hàm, nhiều đạo sắc phong, hoành phi câu đối… Ông Hàm trước đây bị hiểu lầm là liên hệ khắng khít với Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải nên tên phố ờ khu Ngũ Xá, Hà Nội đã bị đổi tên (Sài Gòn có tên đường ờ Quận 8 từ trước năm 1975, cũng bị thay đổi) nhưng năm 2010, Vũ Phạm Hàm đã được nhận định khách quan hơn và được đặt tên phố trong quân Cầu Giấy, Hà Nội. Sự thực là Vũ Phạm Hàm trẻ tuồi, đậu cao nên quan Khâm sai thương mến tài học của ông Hàm và có nhiều bài viết ca ngợi vị Tam nguyên tuổi trẻ tài cao, nên bị một số người ghen ghét vu cáo. Hy vọng, Tp.HCM sẽ sớm đặt lại tên đường cho Tam nguyên Vũ Phạm Hàm – ngang tầm với Tam nguyên Lê Quý Đôn nổi danh vậy.

Đất thiêng rạng danh anh tài, Núi sông ghi nhớ muôn đời
Ai đó không có tình quê, Như cây mất rễ, người ơi!

Hà Tây có làng Đường Lâm, cách thị xã Sơn Tây khoảng 4km, là một làng Việt cổ ở vùng trung du. Đường Lâm là quê hương của hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Vào cuối thế kỷ 8, Phùng Hưng đã có công đánh đuổi nhà Đường , giành nền độc lập được khoảng 9 năm, nhân dân cảm ơn, mến đức đã tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương. Sau đó là Khúc Thừa Dụ giữ nền tư chủ của nước ta trong 25 năm, rồi họ Khúc thua quân Nam Hán và một tướng cũ của họ Khúc là Dương Đình Nghệ đem quân đã chiến thắng quân Nam Hán. Nhưng chẳng bao lâu, Kiều Công Tiễn đã giết chết ông, rồi vì khiếp sợ, vội sang cầu cứu Nam Hán, nên con rể của Dương Đình Nghệ là tướng Ngô Quyền đã lãnh đạo quân dân chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, hoàn thành thống nhất và độc lập trọn vẹn cho đất Việt vào giữa thế kỷ 10.

Làng Đường Lâm có tới 21 đồi gò, 18 rộc sâu và có con sông Tích nước xanh trong uốn lượn cổquanh làng. Tại đây có đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, nhiều di vật quý như chuông đồng, khánh đá, đồ gốm sứ, các bức chạm và các bia đá cổ. Tại đây còn có Đồi Hùm, Giếng Ngọc, Rặng Duối (tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi chiến)…đều là những địa danh gắn với những chứng tích lịch sử oai hùng. Tại Nhà truyền thống xã Đường Lâm còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: rìu đá, nhiều di vật bằng đá hay chất liệu khác, cọc gỗ Bạch Đằng. Khu vực này còn có những rộc sâu (đất trũng ven các cánh đồng, hoặc giữa hai sườn đồi), tương truyền xưa kia là hồ sen, nơi Ngô Quyền thường cùng bạn bè thuở ấu thơ chơi trò thủy chiến.

TÓM TẮT

Trong thời gian 4 năm sau khi quê tôi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, tôi có về thăm quê và hình như chưa có gì thay đổi nhiều, có thể thời gian quá ngắn ngủi. Tuy nhiên mọi người hy vọng rằng, để có một Thủ đô to đẹp, bệ vệ, với diện tích bao la – khi mở rộng, Hà Nội có diện tích lớn hơn Tp.HCM một chút – thì quả là một bài học nan giải. Hy vọng rằng, Hà Nội trong tương lai gần sẽ là một Thủ đô xứng tầm là trái tim của Đất nước Rồng Tiên.

(Tham khảo: sách “Vũ Phạm Hàm” NXB Văn hóa TT-2009, tài liệu về Hà Nội, Hà Tây )




VVM.07.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .