Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

NHO GIÁO VÀ VĂN HỌC ĐẤT GIA ĐỊNH




     N ếu tính từ năm 1623, chúa Nguyễn cho đặt hai trạm thuế ở Bến Nghé (vùng Sài Gòn nay) và Sài Côn (vùng Chợ Lớn nay) thì vùng đất Miền Đông Nam Bộ (gồm các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Long An ngày nay) vô hình chung thuộc về quyền kiểm soát của xứ Đàng Trong dù trước đó thuộc về nhiều bộ tộc sinh sống như Mạ, Stieng, Cơ Ho, Mnông…kể cả tộc Khmer. Đó là biến cố lịch sử của vùng đất mới phương Nam đối với vùng đất cổ phương Bắc (Đàng Ngoài) của triều đình nhà hậu Lê mà chúa Trịnh đang tiếm quyền cai trị.

Chưa ai biết chính xác vào thời điểm nào thì di dân các tỉnh Đàng Trong kể từ Quảng Bình vào tới Bình Thuận có mặt trên vùng đất mới nói trên. Chỉ biết là từ cột mốc năm 1623 thì đã có đông đảo người Việt tới đây khẩn hoang lập ấp ở rải rác khắp nơi, có thể xuống tận đồng bằng sông Cửu Long. Con số di dân đầu tiên này cũng chưa được xác nhận. Cho tới năm 1679, tướng Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên nguyên Tổng đốc Quảng Đông, Quảng Tây không tuân phục triều nhà Thanh nên đưa tới đây hơn 3.000 quân, trong đó có cả gia đình và thân nhân được chúa Nguyễn cho về Biên Hòa và Mỹ Tho để định cư lập nghiệp.

Những bộ tộc Mạ, Stieng, Cờ Ho, Mnông… còn lạc hậu nhiều nên lần lượt rời bỏ địa bàn cũ rút lui dần lên Tây Nguyên, Lâm Đồng ngược theo sông Đồng Nai, nay có một số còn ở Bình Phước, Phước Long (có lẽ do khác chủng tộc - Polynesien - Đa đảo với tộc Việt và Hoa Malayo - Mã Lai thiên cư đợt I). Chỉ còn người Khmer là chấp nhận cuộc sống chung hòa bình (có lẽ đồng chủng tộc Malayo - Mã lai thiên cư đợt II). Kể từ đó, vùng đất phương Nam còn lại ba dân tộc chủ yếu là Việt, Hoa, Khmer và về sau có thêm dân tộc Chăm đều tồn tại cho tới ngày nay. Và họ đã trở thành một đại gia đình mà thành viên người Việt là chính, hòa thuận và đoàn kết sống đan xen với nhau ở khắp mọi nơi thuộc vùng đất Nam Bộ, trong đó có Gia Định là bước đầu và chịu tuân thủ nền hành chính, pháp luật của đất nước Việt Nam.

Về tôn giáo, các dân tộc chấp nhận sống chung đan xen này đều có tôn giáo khác nhau : đạo Phật, Hồi, Bà La Môn hay Ấn giáo. Trừ người Việt và người Hoa ra, các dân tộc bản xứ đều theo các đạo vừa nói do chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ và Indonesia sớm nhứt. Riêng người Việt và Hoa còn có thêm Nho giáo mặc dầu đây không phải đạo (tôn giáo) mà chỉ là lối sống theo phái Nho gia có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đó là phương châm sống để rèn luyện bản thân, xây dựng gia đình và cai trị đất nước (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Nhưng ở vùng đất mới Nam Bộ trong đó có Gia Định, đạo Nho bắt đầu có thay đổi, không còn nguyên gốc như ở Đàng Ngoài hay Trung Quốc, kể cả ở trong thời phong kiến đầu đời nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức….

Ngày từ buổi đầu tiếp cận, quan hệ các dân tộc này đã có sự pha trộn văn hóa bao gồm phong tục tập quán, nề nếp gia đình. Do đó, tiếng nói và chữ nghĩa đã có đan xen. Câu cú, ngữ pháp thiếu chặt chẽ, từ ngữ thiếu chính xác và cách phát âm pha trộn không còn chuẩn mực của từng ngôn ngữ khác hẳn với văn chương, văn học miền Bắc lâu đời theo đúng Hán văn (chính gốc Hán tộc) hoặc Nôm văn (cải tiến theo Việt tộc) mà tầng lớp trí thức miền Bắc vẫn tự hào với danh xưng "sĩ phu Bắc Hà"!

Như đã phân tích, đa số di dân Việt, Hoa thuộc tầng lớp lao động, nông dân, binh sĩ hay thương gia. Còn dân bản xứ như Khmer, Chăm thì chưa phát triển. Do đó mà khối cộng đồng người này nói chung đều là dân giả hoặc nói theo địa phương là "thường dân Nam Bộ".

Tới năm 1698, năm tướng Nguyễn Hữu Cảnh vào Gia Định - Đồng Nai lập phủ, huyện, làng ấp thì mới có một ít thuộc tầng lớp trí thức, quan tướng. Mãi cho đến trên 100 năm sau, năm Gia Long lên ngôi 1802 thống nhứt đất nước theo ba miền thì việc học và nền văn hóa mới bắt đầu mở mang theo chính thống Nho giáo như mở trường thi nay là khu vực nhà văn hóa Thanh niên, dựng văn miếu thờ Khổng Tử ở nơi ngày nay gọi là Văn Thánh. Nhưng lúc này, vùng đất Gia Định (cả Nam Bộ) đã diễn ra và tồn tại văn hóa pha trộn bình dân của các dân tộc đã từng chung sống trong cộng đồng Nam Bộ vừa đề cập ở trên.

Trước thời Gia Long, đất Gia Định đã có một vài nhân sĩ trí thức Nho giáo như Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), vốn người Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát vào Nam (1753-1763), Võ Trường Toản, nhà giáo dục nổi tiếng mở trường dạy học ở Hòa Hưng mất năm 1792. Thầy Toản có ba học trò nổi tiếng là Lê Quang Định (1759-1813) quê ở Phú Vinh, Thừa Thiên, Ngô Nhơn Tịnh (1761-1813) và Trịnh Hoài Đức (1865-1825). Ba ông này nổi tiếng với nhóm "Gia Định tam gia" có nhiều sáng tác văn học, thi ca và đều từng giữ chức Tổng, Phó trấn hoặc Hiệp Tổng trấn Gia Định trước Tả quân Lê văn Duyệt. Riêng Trịnh Hoài Đức có tác phẩm thuộc lọai văn hóa địa chí kinh tế tới nay vẫn còn có giá trị được các nhà nghiên cứu, sử học đánh giá cao là "Gia định thành thông chí".

Chính Võ Trường Toản và các học trò giỏi của mình đã lập ra nhóm "Bình Dương thi xã" thuộc vùng Gia Định tương ứng với nhóm thi xã của Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên gọi là "Chiêu Anh Các". Tướng Nguyễn Cư Trinh còn là một văn nhơn tài tử thường khi xuống Hà Tiên chăm coi việc an ninh xã hội đồng thời để xướng họa với nhóm này. Học giả Trương Vĩnh Ký năm 1882 cho rằng "Gia Định phong cảnh vịnh" là của Ngô Nhân Tịnh, một trong ba thi phẩm nổi tiếng của đất Gia Định có mặt trước và sau thời Pháp thuộc (1859) một ít.

Tác giả của ba thi phẩm này về sau được coi như vô danh mang tính lịch sử cao vì đã mô tả hoàn cảnh lịch sử, địa lý và phong tục tập quán của Gia Định cả khu vực rộng lớn từ Gia Định qua Sài Gòn tới Chợ Lớn. Đó là :

-Cổ Gia Định phong cảnh vịnh

(trước thực dân xâm lăng)

-Gia Định thất thủ vịnh

(sau khi Gia Định bị Pháp xâm chiếm)

-Kim Gia Định phong cảnh vịnh

(sau khi Pháp chỉnh trang thành phố Sài Gòn).

Ba thi phẩm nổi tiếng trên làm theo thể loại trường ca nhưng thoát ra ngoài khuôn sáo cũ của thi ca truyền thống chính quy Trung Quốc là Đường thi hay cổ thi khác. Các bài vịnh này đều làm theo kiểu cách văn chương bình dân mang tính dân giả có phong cách Nam Bộ. Xin trích một vài đọan như :

Phủ Gia Định, Phủ Gia Định !
     Nhà đủ, người no chốn chốn
     Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn !
     An ở vui thú nơi nơi…
     Đông đảo thay phường Mỹ Hội
(ứng với phường Bến Thành ngày nay)
     Sum nghiêm bấy làng Tân Khai (ứng với phường Bến Nghé ngày nay)
     Ngói liền liền đuôi lân
     Phố thương khách tòa ngang tòa dọc
     Hiên sè cánh én
     Nhà quan dân hàng vắn hàng dài…


     (Cổ Gia Định phong cảnh vịnh)

Còn Gia Định thất thủ vịnh có những câu nghe đau lòng như :

Thương thay đất Gia Định! Tiếc thay đất Gia Định!
     Vực thẳm nên cồn, đất bằng nổi sóng.
     Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt Bến Trâu
(tức Bến Nghé)
     Dây thép giăng chớp nháng đất ngàn trùng, ngã xiêu thành Phụng (tức thành Gia Định hay Sài Gòn).
     Ngậm ngùi thay ba bốn lân Gò Vấp, cây cỏ khô thân thế cũng khô.
     Bát ngát nhẽ Mười tám thôn vườn trầu, hoa trái rụng, người đời cũng rụng !
     Mấy dặm Gò Đen, Rạch Kiến, ngọn lửa thiêu sự nghiệp sạch không.
     Đòi nơi Rạch Lá - Gò Công trận gió quét cửa nhà trống rỗng.

Đến bài Kim Gia Định phong cảnh vịnh tức bài vịnh này làm sau khi Pháp chiếm đóng Gia Định. Tuy tác giả có mô tả nhiều điều đổi mới nhưng không giấu nỗi tủi nhục, căm hờn của người dân mất nước:

Xưa Nam nay đã về Tây
     Lang Sa nguyên soái một tay quờn (hoành) hành
     Gồm coi thủy lục chư dinh
     Một mình khiển tướng một mình đề binh.
     Ngồi trên cầm mực công bình
     Sửa sang địa thế tập tành dân phong…
     Sài Gòn Chợ Lớn chia hai
(chia làm hai: đô thành Sài Gòn và tỉnh Chợ Lớn)
     Tên thì có khác, đất thì cùng liên…

Sau này, ngày càng có nhiều thêm các nhà văn, nhà thơ kinh qua cửa Khổng sân Trình như Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883), Trần Thiện Chánh đậu Cử nhân năm 1842, Hồ Huấn Nghiệp (1828-1864), Phan văn Trị (1830-1910) quê ở Hạnh Thông, Gia Định, Nguyễn Thông (1826-1884) quê Tân Thạnh, Gia Định (nay Kỳ Sơn, Long An), cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) quê ở Tân Khánh (Bình Dương, Gia Định), Bùi Hữu Nghĩa vv... Phải nói đó là những nhà thơ, nhà văn, nhà trí thức yêu nước dám dùng ngòi viết của mình chống giặc Pháp nên có thể xem họ như những "Sĩ phu Nam Hà" bất khuất.

Đó còn là những nhà Nho thuộc lớp trí thức tiên tiến tiêu biểu dùng thi ca hay văn học để cổ võ, động viên nhân dân yêu nước ở miền Nam đứng lên chống ngọai xâm trong những năm đầu kháng chiến của đất Gia Định anh hùng. Và họ đã làm nên nền văn học Gia Định nổi tiếng vào thời kỳ đầu mở đất phương Nam và trong cuộc kháng chiến chống ngọai xâm đầu tiên ở miền Nam làm cho đất Gia Định thêm khởi sắc đầy sức chiến đấu mang tính sử thi cao.

Tài liệu tham khảo :
- Gia Định phong cảnh vịnh - Trương Vĩnh Ký, 1997
- Địa chí văn hóa TP HCM, 1987
- Hào khí Đồng Nai - Ca văn Thỉn, 1983
- Việt Nam sử lược - Trần trọng Kim, 1999
- Sài Gòn năm xưa - Vương Hồng Sển, 1997
- Hoàng Việt Long Hưng Chí - Ngô Giáp Đậu, 1993.
- Nho giáo Gia Định - Cao Tự Thanh, 1996.




VVM.15.6.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .